sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

— Ồ, Bach! Sebastian Bach![127] Thưa bà thân mến! - Ông Edmund Pfühl, người chơi đại phong cầm ở nhà thờ Sankt Marien nói to. Lúc đó ông đang đi đi lại lại trong phòng khách, vẻ xúc động, còn bà Gerda thì ngồi trước chiếc đàn piano, đưa tay chống đầu mỉm cười. Chú Hanno cũng ngồi trên chiếc ghế tựa gần đấy, hai tay ôm lấy đầu gối, chăm chú nghe - Tất nhiên rồi, đúng như bà nói, sở dĩ hòa thanh học có thể thắng đối vị học là nhờ công lao của Jean Sebastian Bach sáng tạo ra hòa thanh học, điều đó không cần phải nói nhiều nữa... Nhưng ông đã sáng tạo như thế nào? Chả nhẽ tôi còn cần giải thích với bà nữa sao? Chẳng phải là thông qua việc phát triển không ngừng đối vị học sao? Điều ấy, bà hiểu không kém gì tôi. Nhưng nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển này là gì? Là hòa thanh học ư? Không phải, nhất định không phải! Chính là đối vị học, thưa bà kính mến ạ! Là đối vị học! Xin hỏi việc thí nghiệm hòa thanh thuần túy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ nào? Hễ tôi còn hơi sức nào thì nhất định tôi sẽ khuyên bà không nên làm thí nghiệm hòa thanh đơn thuần như vậy...

Câu chuyện đó, ông nói rất say sưa, ông để cho tình cảm ông phóng túng, bởi vì trong phòng khách này ông được tự nhiên như ở nhà. Hàng tuần, cứ chiều thứ tư, ông thường xuất hiện ở đây với cái thân hình to lớn, vai lúc nào cũng nhô lên, khoác cái áo đuôi én màu cà phê dài quá đầu gối. Trong khi chờ những người nhạc công đến hòa tấu với mình, ông thường chiếu lệ mở chiếc đàn piano Bechstein ra chỉnh đốn lại tập nhạc để trên giá chạm hoa, rồi nhẹ nhàng dạo thử một khúc, tư thế rất đẹp, đầu lúc nghiêng về vai bên này, lúc nghiêng về vai bên kia, tỏ ra bằng lòng với mình lắm.

Tóc ông rất dày, giữa mớ tóc rậm màu đỏ lẫn những đám màu tro xoắn lại, làm cho đầu ông trông có vẻ to lắm. Mặc dù vậy, cái đầu ấy ở trên cái cổ dài ngoẵng kia cũng thoải mái vô cùng. Yết hầu của ông rất to, lồi hẳn ra ngoài cái cổ áo lật hẹp khổ. Bộ râu mép cùng màu với tóc ông, không xoắn lại mà cứ lồm xồm, trông càng thấy rõ hơn cái mũi tẹt của ông. Đôi mắt màu nâu tròn tròn của ông sáng ngời, nhưng khi ông biểu diễn thì lại có vẻ mơ mơ màng màng, như đã nhìn thấu suốt một vật gì đó rồi ngừng lại. Làn da ở phía dưới mắt hơi cộm lên, y hệt hai cái túi nhỏ. Dung mạo ấy không lấy gì làm đẹp lắm nhưng cũng có vẻ thông minh, lanh lợi. Mắt ông thường lim dim, môi ông thường mím chặt, nhưng cái cằm cạo nhẵn thín của ông lại xệ xuống, chứng tỏ ông thiếu hẳn ý chí. Chính vì vậy mà miệng ông trông nhu nhược, trì độn của người tâm trí để ở đâu đâu. Cái vẻ mặt đó, chúng ta thường thấy ở những kẻ ngủ say...

Đối lập với vẻ nhu nhược bề ngoài ấy là tính cách nghiêm nghị và đứng đắn của ông. Ông Pfühl là người chơi đại phong cầm nổi tiếng, sự hiểu biết của ông về đối vị học lại càng lừng danh. Cuốn sách bàn về âm nhạc trong nhà thờ ông xuất bản đã được mấy học viện âm nhạc giới thiệu làm tài liệu tham khảo. Còn những bài thơ phổ nhạc ông sáng tác cũng như những bài hợp xướng ông cải biên thì nơi nào dùng đại phong cầm để hòa tấu, đều có thể nghe thấy.

Tác phẩm của ông cũng như những buổi hòa tấu của ông ở nhà thờ Sankt Marien ngày chủ nhật đều tuyệt diệu, không chê vào đâu được, chan chứa tinh thần cao cả và đầy đủ tính logic chặt chẽ của loại nhạc trang nghiêm. Cái đẹp của tác phẩm này khác hẳn với cái đẹp của những tác phẩm trần tục, nên tình cảm chúng diễn đạt không làm rung động trần tục. Tình cảm mà những bản nhạc đó muốn diễn tả hay nói đúng hơn, điều mà những bản nhạc đó ngợi ca là kỹ xảo đã phát triển thành khổ hạnh của tôn giáo, là những cái tuyệt đối thiêng liêng; bản thân nó đã trở thành kỹ xảo thành thục của đối tượng mà nó diễn tả. Ông Pfühl coi thường những bản nhạc chỉ nhằm cho hài hòa êm ái; mà những bản melody hay, ông cũng tỏ vẻ không thèm để ý tới. Nói ra cũng lạ, ông không phải là người khô khan, không có tình cảm. Mặt ông trở nên nghiêm nghị dễ sợ khi nhắc đến tên Palestrina[128] nhưng trong khoảnh khắc khi ông trình diễn mấy tác phẩm cổ điển thì mặt ông lại trở nên hòa nhã, say đắm, mơ màng, mắt ông nhìn chăm chăm vào nơi xa xôi, dường như ý nghĩa của mọi sự vật trên đời đều dồn cả vào bản nhạc ông đang chơi... Ánh mắt của nhà âm nhạc ấy là như vậy, trông thật mông lung, mờ ảo, bởi vì nó dựng lại một thế giới xa xôi vời vợi, một thế giới chứa đựng logic sâu xa hơn, thuần túy hơn, chặt chẽ hơn cái logic của khái niệm ngôn ngữ và tư duy.

Bàn tay ông vừa to vừa mềm, như vẻ không có xương, mu bàn tay thì đầy tàn hương. Ông nói khe khẽ, nghe rất buồn, hình như có cái gì mắc míu trong cổ họng. Khi bà Gerda vén tấm màn cửa, từ phòng khách bước vào, ông liền cất tiếng chào, giọng trầm trầm:

— Người đầy tớ của bà đây, thưa bà tôn kính!

Ông khẽ nhích người khỏi lưng ghế tựa, cúi đầu xuống, kính cẩn cầm bàn tay bà Gerda chìa ra, còn tay trái ông ấn một lúc năm phím trên mặt đàn. Thế rồi bà Gerda lấy chiếc Stradivari của bà ra so dây một cách nhanh nhẹn, thành thạo.

— Vẫn bài concerto của Bach phải không? Chơi chưa hay lắm!

Thế là ông Pfühl bắt đầu đánh đàn, nhưng hầu như lần nào cũng xảy ra chuyện như thế này: vừa chơi mấy hòa âm đầu tiên, thì cửa hành lang từ từ mở ra, vẻ rất trân trọng, tiếp đó là Hanno lẻn vào, rón rén bước qua tấm thảm trải giữa nhà, đến ngồi ở cái ghế tựa. Hai tay chú ôm lấy đầu gối, ngồi nghe im lặng. Chú vừa nghe nhạc vừa nghe người lớn nói chuyện.

— Hanno, con lại nghe lỏm rồi đấy à? Lúc nghỉ, bà Gerda hỏi con. Bà đưa đôi mắt thâm quầng về phía chú, đôi mắt còn ươn ướt vì bà vừa kéo xong bản đàn.

Chú đứng dậy, lặng lẽ cúi đầu chào ông Pfühl và chìa tay ra. Ông Pfühl lúc ấy rất muốn vuốt ve mái tóc vàng nhạt của Hanno thật dịu dàng trìu mến. Mái tóc mềm mại của chú xõa xuống trán và thái dương đáng yêu làm sao!

— Cứ nghe đi, cháu ạ!

Ông nói ôn tồn, nhưng giọng rất cứng cáp. Hanno nhìn cái yết hầu di động trên cổ họng ông khi ông nói chuyện, vẻ sợ sệt, rồi vội rón rén trở về chỗ chú ngồi lúc nãy. Hình như chú chờ người ta tiếp tục chơi nhạc, chú sốt ruột lắm rồi. Họ hòa tấu một bài của Haydn, mấy bài của Mozart và một bài sonate của Beethoven. Nhưng sau đó, bà Gerda cặp đàn violon vào nách tìm một bài mới thì xảy ra một chuyện không bình thường chút nào. Ông Pfühl vốn đang tiện tay đánh bài gì đó, bỗng chuyển sang đánh một điệu lạ vô cùng, ánh mắt mơ mơ màng màng của ông lóa lên, có vẻ như sung sướng nhưng cũng có vẻ như xấu hổ... Những âm thanh từ tay ông buông ra, lúc đầu nghe buồn buồn nhưng bỗng cao vút lên thành những âm thanh ca hát. Những âm thanh ca hát ấy mỗi lúc một rõ ràng, mạnh mẽ, cuối cùng thì với một giai điệu lặp đi lặp lại rất hay biến thành một bài hành khúc cổ kính trang nghiêm, hùng vĩ... Tiếng nhạc cao vút, mở rộng ra, thay đổi một lần nữa... Tiếng véo von của violon cũng hòa theo. Đó là khúc mở đầu bài Người danh ca.

Bà Gerda là người nhiệt tình ủng hộ âm nhạc mới, còn ông Pfühl thì lại thuộc phái phản đối kịch liệt, không nhượng bộ. Lúc đầu bà cho là không sao có thể làm ông lay chuyển được.

Khi bà để mấy khúc dành cho piano trong bản Tristan và Isolde ở trên giá, lần đầu yêu cầu ông đánh thì ông chỉ đánh có hai mươi lăm nốt rồi đứng dậy, đi đi lại lại khoảng giữa chỗ để piano và cửa sổ, dáng điệu đau khổ thiểu não vô cùng.

— Thưa bà, tôi không đánh bài này đâu! Tôi là người đầy tớ trung thành của bà, nhưng tôi không đánh bài này được! Mong bà hãy tin lời tôi nói: đây không phải là âm nhạc... Tôi tự cho là tôi có hiểu biết ít nhiều âm nhạc. Đây chỉ là mớ hỗn độn. Nó mê hoặc lòng người, làm cho thần kinh rối loạn! Bôi nhọ thượng đế! Là đám sương mù dày đặc, chứa chất sấm sét và thơm mùi nước hoa mà thôi! Đó là sự cáo chung của mọi đạo đức nghệ thuật! Tôi không thể đánh bài ấy được! - nói xong, ông gieo mình xuống chiếc ghế tựa, đánh tiếp hai mươi lăm nốt nữa. Ông vừa nuốt nước bọt, vừa ho khan, yết hầu của ông đưa lên đưa xuống. Sau đó, ông đậy nắp piano lại, nói to:

— Thôi đủ rồi, trời ơi! Tôi không thể chịu được nữa! Thưa bà kính mến, mong bà tha thứ cho tôi, tôi xin thú thật với bà rằng... mấy năm nay tôi nhận tiền của bà, bà trả thù lao cho tôi để tôi hầu hạ bà... Tôi là người gặp cảnh ngộ không may. Nhưng nếu bà bắt tôi hầu bà bằng những cái xấu xa thấp hèn này, thì tôi xin rút lui, thôi không làm nữa... Bà hãy nhìn chú bé kia, chú bé ngồi trên cái ghế kia. Chú lẳng lặng vào đây là để nghe nhạc! Lẽ nào bà nỡ để tâm hồn chú bị đầu độc sao?

Ông Pfühl tỏ ra giận dữ như thế, nhưng bà Gerda vẫn thuyết phục ông để ông quen dần với thứ nhạc này, và cố tranh thủ ông cho được.

— Ông Pfühl - Bà nói - ông không nên nóng nảy, phải công bằng hơn tí nữa. Việc vận dụng đối hòa thanh một cách độc đoán của ông ta làm cho ông mê mẩn rồi... Ông cảm thấy so với thứ nhạc này của ông ta, thì Beethoven thuần khiết, trong trẻo mà tự nhiên hơn chứ gì... Nhưng ông thử nghĩ xem, Beethoven cũng đã từng làm cho một số người cùng thời với ông ta được giáo dục theo hình thức truyền thống phải kinh hoàng... Còn Bach thì trời ơi, chẳng phải người ta cũng trách nhạc ông ấy âm điệu thiếu hài hòa hay sao?... Vừa rồi ông nói tới đạo đức, nhưng đạo đức nghệ thuật ông nói đó rốt cuộc là cái gì nào? Nếu tôi không nhầm, phải chăng tất cả những thứ trái với chủ nghĩa khoái lạc, theo ý ông là đạo đức nghệ thuật? Giá như tôi nói đúng, thì trong bản nhạc này cũng có thứ đó và không thua gì nhạc của Bach cả. Hơn nữa, nó lại tráng lệ, rõ ràng, thâm trầm hơn. Ông cứ tin lời tôi, ông Pfühl ạ, với bản tính của ông, thứ nhạc này không xa lạ như ông tưởng tượng đâu!

— Quả thật là dối trá, ngụy biện! Mong bà bỏ qua cho câu nói đó của tôi - ông Pfühl ầm à ầm ừ.

Nhưng bà Gerda nói rất đúng: xét về bản chất thì thứ nhạc đó đối với ông không xa lạ như lúc đầu ông nghĩ. Mặc dù trước sau ông vẫn không hòa giải với Tristan, nhưng ông lại theo lời cầu khẩn của bà Gerda, cải biên cái chết của Isolde thành bản hợp tấu cho violon và piano, hơn nữa là đã tỏ ra rất có tài. Thoạt tiên, ông khen ngợi một số đoạn trong bài Người danh ca, rồi bất giác càng ngày ông cảm thấy thứ nhạc đó có cái thú vị của nó. Ông không nói cho bà biết điều ấy, trái lại bản thân ông cũng lấy làm ngạc nhiên lắm, hễ nói đến bao giờ ông cũng chối bai bải. Nhưng rồi từ đó về sau, khi đã được một số bậc thầy có tuổi đối xử công bằng, thì bà Gerda không cần thôi thúc nữa mà bản thân ông đã dùng một lối chơi phức tạp chơi chủ đề này say sưa, mặt để lộ một chút xấu hổ, một chút vui sướng trong cơn buồn phiền. Chơi xong, có lúc ông còn tranh luận về mối quan hệ giữa phong cách của thứ nhạc này và những bản nhạc trang nghiêm. Một hôm, ông Pfühl tuyên bố mặc dù cá nhân ông không thích thú cho lắm, nhưng ông vẫn cho rằng phải thêm vào sau cuốn Bàn về âm nhạc trong nhà thờ của ông chương “Bàn về việc Richard Wagner vận dụng điệu cổ vào âm nhạc nhà thờ và âm nhạc dân gian”.

Như thường lệ, Hanno vẫn ngồi im lặng, hai cánh tay nhỏ bé ôm đầu gối. Chú đưa lưỡi liếm cái răng hàm, làm cho cái miệng bé tí của chú cứ méo xệch đi. Chú trợn tròn mắt, nhìn mẹ và ông Pfühl chằm chằm. Chú lắng nghe hai người hòa tấu và nói chuyện. Thế là chú vừa bước được mấy bước đầu tiên vào con đường đời đã phát hiện ra rằng âm nhạc là vô cùng nghiêm túc, vô cùng quan trọng, ý nghĩa vô cùng sâu xa. Người lớn nói chuyện với nhau thỉnh thoảng chú nghe chỉ biết một vài điều. Những bài nhạc hai người hòa tấu thì phần lớn cũng vượt quá trình độ hiểu biết ấu trĩ của chú, nhưng chú vẫn đến lần này lần khác, lẳng lặng ngồi nghe suốt mấy tiếng đồng hồ không chán chút nào. Như vậy chỉ có thể nói là lòng ngưỡng mộ, sự say mê và thái độ vô cùng tôn kính thôi thúc chú làm thế mà thôi.

Mới bảy tuổi, chú đã bắt đầu lấy ngón tay đánh vào piano thử tấu lên một chuỗi âm thanh đã để lại trong lòng chú một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Mẹ chú tươi cười nhìn chú lặng lẽ, say sưa nối những âm hưởng đó với nhau, sửa chữa cho chú những sai lầm, nói cho chú biết tại sao khi chuyển âm giai này sang âm giai khác nhất định không thiếu được âm phù nào đó. Và thính giác của chú cũng chứng minh rằng những lời mẹ chú nói rất đúng.

Bà Gerda sau khi để cho Hanno đánh một đoạn thì quyết định cho chú học piano.

— Theo tôi, cháu học độc tấu violon không hợp - Bà nói với ông Pfühl - Như thế tôi lại thấy thú vị hơn, vì độc tấu cũng có mặt không hay của nó. Ở đây tạm thời không nói đến tính ỷ lại của người chơi độc tấu đối với người đệm, mặc dù trong trường hợp nào đó, độc tấu hay hoặc dở đều liên quan đến người đệm. Chẳng hạn nếu như tôi mà không có ông... Nhưng ở đây có cái nguy hiểm, tức là ít nhiều người biểu diễn lúc nào cũng muốn cho kỹ xảo của mình nổi bật. Những trường hợp như thế, tôi biết rất nhiều. Tôi xin thành thật nói với ông rằng, tôi cho là đối với người độc tấu, kỹ xảo cao cường chỉ là bước đầu tiên trong đời sống âm nhạc mà thôi. Vì dồn hết sức lực vào cao âm, phong cách cũng như âm sắc, nên phức thanh trở thành những thứ rất mơ hồ chung chung ở trong đầu óc; đối với những người tài năng kém cỏi, cái đó sẽ rất dễ làm cho họ mất cảm giác về hòa thanh và ký ức về hòa thanh. Chỗ hổng này về sau khó bổ sung lắm đấy. Tôi rất thích cây violon của tôi, hơn nữa cũng đã có ít nhiều thành tích, nhưng trong lòng tôi, piano vẫn có một địa vị cao hơn. Ý tôi muốn nói, tôi coi piano là một phương tiện có thể khái quát kết cấu âm hưởng phong phú nhất, muôn màu muôn vẻ nhất, tôi coi nó là phương tiện tốt nhất không so sánh được để thể hiện âm nhạc. Đối với tôi, luyện tập cho thành thạo cũng là cảm thông với âm nhạc một cách mật thiết, rõ ràng, sâu sắc... Ông Pfühl, ông hãy nghe tôi nói, tôi tha thiết mong ông nhận lời dạy cho cháu, ông đừng từ chối! Tôi biết ngoài ông ra, thành phố còn hai ba người nữa cũng nhận học trò. Nghe nói là phụ nữ. Nhưng chẳng qua họ chỉ dạy đánh piano mà thôi... Ông hiểu ý tôi chứ? Học được một loại nhạc cụ nào đó không quan trọng. Hiểu biết ít nhiều về âm nhạc mới là quan trọng, ông bảo có đúng hay không nào? Tôi hoàn toàn tin tưởng vào ông. Xưa nay, đối với âm nhạc, ông rất nghiêm túc. Hơn nữa, ông sẽ thấy rằng, ông dạy thì chắc chắn cháu sẽ thành công. Bàn tay cháu là bàn tay truyền thống của gia đình Buddenbrook... Người trong gia đình Buddenbrook đều có thể đánh được chín bậc hoặc mười bậc một lúc, nhưng xưa nay chưa ai thấy điều đó - Bà mỉm cười kết thúc lời bà vừa nói, còn ông Pfühl thì tỏ ý nhận dạy cho Hanno.

Từ đó chiều thứ hai nào ông cũng đến đây một lần. Khi ông dạy cho Hanno, bà Gerda ngồi ở phòng khách. Ông không dạy theo phương pháp bình thường, vì ông cho rằng, nếu ông chỉ dạy đàn piano không thôi thì ông sẽ phụ lòng say mê trầm lắng của chú bé. Sau khi dạy xong những kiến thức cơ bản, ông bắt đầu dạy cho chú những nguyên lý cơ bản của hòa thanh học bằng một hình thức độc đáo, dễ hiểu. Mà Hanno cũng có thể hiểu được bởi vì khi chú học những lý thuyết này chẳng qua ông ta chỉ chứng minh thêm những cái chú đã hiểu rồi mà thôi.

Chỉ cần có dịp là ông Pfühl quan tâm đến chí tiến thủ của chú bé đang khao khát này. Ông sợ cuộc sống vật chất sẽ là gánh nặng đè lên sức tưởng tượng bay bổng của chú, cản trở tài năng dồi dào của chú. Ông tìm đủ mọi cách giảm nhẹ gánh nặng đó. Khi luyện âm giai, ông không nghiêm khắc đòi hỏi chú đưa đẩy các ngón tay cho thật thành thạo, hoặc giả ít ra ông cũng không cho rằng mục đích cuối cùng của việc luyện tập là sự thành thạo. Mục đích của ông theo đuổi và có thể nhanh chóng đạt được là làm cho Hanno hiểu biết một cách khái quát, rõ ràng và sâu sắc các loại âm điệu, khiến chú nhận thức đến nơi đến chốn mối quan hệ giữa các âm điệu. Như vậy thì chẳng bao lâu Hanno có thể hiểu các khả năng phối hợp của âm hưởng có thể dựa vào trực giác mà nắm vững các phím piano. Sau này, tiến lên một bước nữa, Hanno có thể tùy hứng biểu diễn và sáng tác... Cậu học sinh bé nhỏ này vốn nghe quen các bản nhạc trang nghiêm, nên rất hâm mộ loại nhạc ấy. Ông Pfühl rất chú ý đến sự khao khát tinh thần ấy của Hanno. Ông không cho Hanno tập những bản nhạc tầm thường để cho những tình cảm thâm trầm trang nghiêm khỏi phai nhạt. Ông cho chú đánh những bài ca ngợi. Trước khi nói rõ quy luật ông không cho chú chuyển từ điệu này sang điệu khác.

Bà Gerda vừa đan hoặc xem sách, vừa nghe ông Pfühl dạy đàn.

— Ông làm như thế là đã vượt xa lòng mong muốn của tôi rồi đó - Có một lần bà nói với ông Pfühl - Nhưng liệu ông có đi quá nhanh không nhỉ? Có vội lao về phía trước không nhỉ? Tôi thấy phương pháp của ông thật là sáng tạo... Có lúc, rõ ràng cháu đã bắt đầu làm thử cái gì đó. Nhưng giá cháu không theo được cách dạy của ông, giá cháu không có tài thì cháu không học được gì cả.

— Cháu theo được đấy! - Ông Pfühl gật đầu nói - Có lúc tôi để ý quan sát đôi mắt của cháu, trong đó thấy rất nhiều điều, duy chỉ có cái miệng lúc nào cũng mím chặt. Sau này trong đời cháu, có lẽ cháu sẽ mím chặt hơn nữa. Chắc chắn cháu sẽ có một phương pháp diễn đạt...

Bà Gerda nhìn ông Pfühl, nhìn người thầy giáo dạy nhạc, thân hình to lớn, có mái tóc dày màu nâu sẫm, nhìn cái túi nhỏ dưới mắt ông, nhìn bộ râu xồm xoàm và cái yết hầu trong tướng của ông. Rồi bà chìa tay ra, nói:

— Xin cảm ơn ông Pfühl! Cảm ơn lòng tốt của ông. Ông có thể giúp cháu được như thế nào, hiện giờ chúng ta khó mà đoán ra.

Còn như lòng cảm kích và hâm mộ của Hanno đối với ông thầy dạy nhạc này thì thật không thể nào hơn được nữa. Bố mẹ chú có mời người kèm thêm cho chú ở nhà rồi, nhưng đến trường chú cứ ngồi đực ra trước bản cửu chương, ấy thế mà hễ chú ngồi vào đàn piano thì ông Pfühl nói gì chú cũng hiểu hết; không những hiểu mà còn nắm vững ngay là đằng khác. Chỉ những cái đã nghe qua từ lâu người ta mới có thể nắm vững ngay như thế được. Trong con mắt của Hanno, ông Pfühl mặc áo đuôi én, đúng là một vị sứ giả nhà trời, cứ chiều thứ hai hàng tuần lại đến nhà chú, ôm chú vào lòng và giải thoát cho chú những nỗi khổ đau tầm thường, dẫn chú vào thế giới âm hưởng êm dịu, ngọt ngào, trang nghiêm mà lại có thể an ủi chú ít nhiều...

Có lúc chú Hanno đến nhà ông Pfühl học. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ, rộng rãi, nóc hình tam giác có nhiều hành lang, nhiều ngóc ngách tối tăm. Chỉ một mình ông với một bà quản gia sống ở đấy. Ngày chủ nhật đến nhà thờ Sankt Marien xem lễ, có lúc chú bé Buddenbrook được phép lên gác ngồi cạnh chiếc đàn đại phong cầm. Ngồi ở đấy, cảm giác của chú so với ngồi ở dưới lẫn với đám đông khác bao nhiêu! Ngồi cao hơn mọi người đã đành, thậm chí còn cao hơn cả mục sư Pringsheim đang đứng trước bàn thờ Chúa. Hai thầy trò ngập chìm trong làn sóng âm thanh. Làn sóng âm thanh đó lại chính do hai thầy trò phát ra và hai thầy trò cùng khống chế. Vì có lúc ông Pfühl cho phép Hanno đánh một số đoạn. Thử nghĩ xem, lúc bấy giờ Hanno tự hào biết bao nhiêu, thích thú biết bao nhiêu! Nhưng khi tiếng nhạc đệm cho hợp xướng kết thúc, khi ngón tay ông Pfühl thong thả rời khỏi phím đàn, trong không trung chỉ còn những âm thanh thâm trầm vọng lại, nhẹ nhàng và trang nghiêm cũng là khi mục sư Pringsheim cố tình để cho không khí im lặng bao trùm lấy nhà thờ trong khoảnh khắc rồi mới lại để cho giọng nói sang sảng của ông ta truyền ra ngoài tầm âm hưởng. Không mười lần thì đến tám lần ông Pfühl tùy tiện giễu cợt dáng điệu rao giảng của ông ta, giễu cợt giọng nói tiếng Pháp hống hách của ông ta, giễu cợt những nguyên âm kéo dài lúc trầm trầm, lúc the thé của ông ta, giễu cợt tiếng thở dài và nét mặt của ông ta lúc buồn rầu lúc tươi tỉnh, thay đổi rất nhanh chóng. Bấy giờ Hanno cũng được dịp vui cười thoải mái. Mặc dù hai thầy trò không đưa mắt nhìn nhau, không nói ra thành lời với nhau, nhưng ý kiến hai người nhất trí. Những lời rao giảng của mục sư chẳng qua chỉ là những lời vẩn vơ ngu xuẩn, còn trọng tâm thật sự của buổi lễ đối với hai người chính là âm nhạc mà mục sư cũng như người đến xem lễ chỉ nhận là thủ đoạn hỗ trợ để làm tăng không khí thành kính lên mà thôi.

Đúng thế thật. Các ông nghị, ông tham, các ngài thị dân cũng như gia đình họ ngồi trong nhà thờ chẳng biết gì về tài năng âm nhạc của ông cả. Chính chuyện đó khiến ông Pfühl buồn rầu suốt ngày đêm. Vì thế ông rất vui lòng để chú học trò nhỏ của ông ngồi cạnh ông. Như vậy ít ra cũng có một người để cho ông vừa đàn vừa khẽ nói cho biết là ông đang chơi một đoạn nhạc khó vô cùng. Tay ông đánh với một kỹ xảo tuyệt vời “bắt chước ảnh lộn ngược”. Ông trình bày một bản melody, đoạn melody ấy có thể đọc xuôi mà cũng có thể đọc ngược. Tiếp đó, dựa trên cơ sở đoạn melody ấy đàn bài sonate theo kiểu ảnh lộn ngược. Đàn xong, ông buồn rầu thọc hai tay vào bụng.

— Không người nào hiểu nổi đâu! - Ông vừa nói vừa lắc đầu tuyệt vọng. Khi mục sư Pringsheim tiếp tục rao giảng, ông nói khẽ vào tai Hanno - Đó là đoạn bắt chước “ảnh lộn ngược”, Johann ạ! Cháu chưa biết đó là... đó là đối với chủ đề bắt chước từ dưới lên trên, từ nốt cuối cùng đến nốt đầu tiên. Khó lắm! Sau này cháu sẽ biết, cái bắt chước trong âm nhạc điển nhã là gì... Còn tiến hành theo ảnh lộn ngược, thì thầy cũng không muốn bắt cháu học những cái khó khăn như thế... Không cần phải học những cái đó. Nhưng ai nói với cháu rằng những thứ đó chỉ là trò chơi kỹ xảo, không có giá trị âm nhạc gì thì cháu đừng tin. Cháu có thể tìm thấy cách tiến hành “ảnh lộn ngược” trong các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại ở bất cứ thời đại nào. Chỉ những người không có nhiệt tình và những người tầm thường mà ngạo mạn mới không thèm để ý luyện tập mà thôi! Đối với những nhà âm nhạc chân chính thì như thế là một sự nhục nhã! Cháu nên ghi nhớ những lời đó của thầy, Johann ạ!

Ngày 15 tháng 4 năm 1869 là ngày kỷ niệm Hanno tròn tám tuổi. Trước mặt cả nhà, chú cùng mẹ biểu diễn khúc nhạc ngắn chú sáng tác. Bài melody đơn giản đó chính chú nghĩ ra, chú thấy hay nên cố gọt giũa. Tất nhiên sau khi chú đánh cho ông Pfühl nghe, thì ông Pfühl phê phán nghiêm khắc một số chỗ.

— Đoạn kết có vẻ kịch thế nào ấy, Johann ạ! Không tương xứng với toàn bài. Đoạn mở đầu hay, nhưng tại sao ở đây cháu lại đang từ cao bỗng hạ xuống ba bốn cung như thế nhỉ? Thầy rất muốn biết điều đó. Quả thật, cháu đang làm trò hề. Với lại, ở đây cháu còn sử dụng chấn âm, chẳng hiểu cháu lấy ở đâu ra? Cháu học được của ai đấy? À, biết rồi! Có lần thầy đánh cho mẹ cháu nghe một bài gì đó, cháu chăm chú nghe... Sửa lại đoạn kết đi. Sẽ thành một tiểu phẩm trong sáng đấy!

Nhưng đoạn kết ấy, theo Hanno quan trọng hơn bất cứ đoạn nào khác, hơn nữa, mẹ chú cũng cho là thú vị nên chú không sửa. Bà Gerda cầm violon kéo thanh cao. Hanno đánh đi đánh lại đoạn melody đó một cách đơn giản, còn mẹ chú thì chơi dồn dập các loại biến tấu của ba mươi hai âm phù, nghe thật hay! Hanno thấy lâng lâng trong lòng, ôm hôn mẹ. Ngày 15 tháng 4, hai mẹ con đã biểu diễn bài ấy cho cả nhà nghe.

Hôm đó, khoảng bốn giờ chiều, cụ tham, bà Tony, ông Christian, cô Klothilde, vợ chồng ông tham Kröger, vợ chồng ông giám đốc Weinschenk, ba cô gái họ Buddenbrook ở phố Breiten và bà Weichbrodt đến ăn cơm ở nhà ông bà nghị để mừng ngày sinh của Hanno. Bấy giờ mọi người đang ngồi trong phòng khách chăm chú nghe. Họ nhìn Hanno mặc bộ quần áo thủy thủ, ngồi trước piano hoặc nhìn phong thái đẹp đẽ, kỳ lạ của bà Gerda. Trước tiên bà Gerda kéo một khúc nhạc dạt dào tình cảm, tiếp đó kéo đoạn kết tuyệt vời với một kỹ xảo vô cùng điêu luyện, chẳng khác gì nước suối phun lên hoặc là hạt trân châu rơi trong lòng bàn tay. Cái cán bằng bạc của chiếc vĩ cầm lấp lánh dưới ánh đèn lóa cả mắt.

Hanno thích quá, mặt trắng bệch ra. Bữa ăn hồi nãy hầu như chú không ăn được tí gì, vậy mà bây giờ say sưa hòa tấu tác phẩm của mình. Ồ, còn ba phút nữa sẽ kết thúc lần biểu diễn này, nhưng chú dồn tất cả tâm hồn vào tác phẩm, chẳng để ý gì đến mọi vật chung quanh. Xét về tính chất, đoạn melody ấy hay ở chỗ thanh điệu hài hòa chứ không phải hay ở chỗ tiết tấu rõ ràng nổi bật. Còn tài năng âm nhạc ngây thơ, ấu trĩ trời phú cho Hanno cũng như nhiệt tình to lớn dễ phát triển tài năng đó có thể nói chưa tương xứng với cách biểu hiện quá ư tinh tế đó của bà Gerda. Hanno nghiêng đầu về phía trước, vươn cổ ra sức nhấn mạnh những nốt chính. Chú ngồi ở mép ghế bành, chân dẫm vào hai bàn đạp định nhuốm cho mỗi nốt một màu sắc tình cảm. Thực tế, mỗi khi Hanno tạo ra một hiệu quả mới, dù chỉ một mình chú cảm thấy như vậy thì hiệu quả đó phần lớn cũng chỉ có tính chất cảm thương. Những nhịp hài hòa đơn giản hết sức, chú dùng thủ pháp nhấn mạnh và kéo dài làm cho trở nên thần bí. Những hòa thanh mới, những chỗ chuyển biến thì chú dùng những âm hưởng đột ngột, ấm ức để cho người nghe phải kinh ngạc. Khi đàn, chú giương lông mày lên, ưỡn người ra, lắc lư. Bây giờ đánh đến đoạn kết Hanno thích thú nhất, chú nhón chân lên theo kiểu trẻ con đưa toàn bài đến đỉnh cao.

Không phải hầu hết những người ngồi nghe đều nhận ra tài năng của Hanno. Ví dụ bà Tony, bà không hiểu biết gì về kỹ xảo đó cả, nhưng nụ cười hồn nhiên của chú, cách chú đưa qua đưa lại nửa người phía trên và nghiêng cái đầu bé nhỏ đáng yêu sang một bên khi chìm đắm trong hạnh phúc thì bà thấy hết... Chính cảnh tượng đó đã làm cho bà có thiện cảm và xúc động thật sự.

— Thằng bé đàn hay tuyệt! Ôi, cháu tôi đàn hay tuyệt! - Bà vừa nói to vừa bước tới ôm Hanno vào lòng, nước mắt rưng rưng - Chị Gerda, anh Tom, sau này cháu trở thành Mozart, trở thành Meyerbeer, thành...

Trong chốc lát bà không sao nghĩ ra được tên người nào khác nổi danh như thế nữa, bèn hôn lấy hôn để lên người cháu để chấm dứt câu nói của mình. Hanno ngồi hai tay để lên đầu gối, không còn chút sức lực nào, mắt mơ mơ màng màng.

— Đủ rồi, đủ rồi, cô Tony! - Ông nghị nói khẽ - Tôi van cô! Cô còn muốn nhồi nhét vào đầu óc nó những gì nữa?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx