sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Ông nghị sơ ý hay cố tình làm thế? Dù sao đi nữa nếu không có bà Tony nhắc thì suýt nữa ông bỏ qua chuyện lớn lao đó rồi. Xưa nay bà Tony là người đọc quyển sổ ghi những việc lớn của gia đình trung thành nhất, say sưa nhất. Lần này cũng chính bà nói cho mọi người biết việc này. Theo như ghi chép thì ngày mồng bảy tháng bảy năm 1768 là ngày Công ty thành lập. Như vậy là sắp đến ngày kỷ niệm một trăm năm rồi.

Khi bà Tony bằng giọng xúc động nói với ông Thomas như thế thì ông buồn buồn có cảm giác như bị xúc phạm. Sự năng nổ của ông dạo trước, ông không giữ được bao lâu đã xuống rất nhanh, lại xuống nhanh hơn bao giờ hết. Thường thường làm việc được nửa chừng thì ông rời khỏi bàn giấy, lòng bồn chồn lo lắng, ra vườn hoa đi dạo. Có lúc đang đi, bỗng ông đứng dừng lại như bị ai chặn đường hoặc gọi giật trở lại. Ông thở dài, đưa tay dụi mắt. Ông không nói gì hết, xưa nay ông không tâm sự với ai cả... Vì có ai mà tâm sự cơ chứ? Ông Marcus vừa nghe ông nói chuyện mua bán ở Pöppenrade, đã nổi giận - cũng là lần đầu tiên ông ta nổi giận trong đời mình - trông đến kỳ quặc! Ông ta còn tuyên bố là ông ta không dính dáng gì đến chuyện ấy cả, không chịu bất cứ trách nhiệm nào hết. Nhưng đối với bà Tony, em gái, thì ông Thomas lại hở ra cho biết ít nhiều. Sau một buổi đoàn tụ ngày thứ năm, mọi người đã ra về, lúc chia tay, bà Tony nhắc khẽ chuyện mua bán với Maiboom, ông Thomas nắm lấy tay bà vội vã nói thầm: “Chao ôi! Quả thật anh muốn buông ra thôi, cô Tony ạ!”

Chưa dứt lời ông đã quay người bỏ đi vào mặc cho bà Tony đứng ngây một mình... Cái bắt tay đột ngột ấy để lộ sự bi quan tuyệt vọng không thể che giấu được và qua tiếng thầm thì vội vã kia có thể thấy nỗi lo lắng nung nấu trong lòng ông bấy lâu nay... Sau khi bà Tony tìm dịp gợi lại chuyện ấy, thì ông cố tránh đi. Ông lấy làm hổ thẹn là lúc bấy giờ ông tỏ ra quá yếu đuối, đồng thời ông cũng rất đau khổ vì ông không đủ sức gánh trách nhiệm một mình.

Ông chỉ bực bội nói chậm rãi:

— Cô Tony này, theo tôi, chúng ta nên để cho qua đi!

— Để cho qua đi, hả anh Tom? Không được đâu! Quả thật, không thể tưởng tượng nổi! Anh cho là anh có thể giấu chuyện ấy đi ư? Anh cho là người trong thành phố không ai nhớ ý nghĩa lớn lao của ngày hôm đó sao?

— Anh nói chúng ta không có thể làm như thế được mà chỉ nói mong sao ngày đó lặng lẽ trôi qua. Người nào thỏa mãn với hiện tại và tương lai thì kỷ niệm chuyện quá khứ kể cũng thú vị... Người nào cảm thấy tổ tiên và mình cùng có một ý chí, cùng đi một con đường, và mình đang làm việc theo lời dạy bảo của tổ tiên thì kỷ niệm tổ tiên mới vui vẻ. Lại nếu như ngày kỷ niệm ấy đến giữa lúc mình làm ăn khá giả... Nói tóm lại là, anh không còn chút hứng thú nào để kỷ niệm ngày ấy cả.

— Anh không nên nói thế, anh Tom ạ. Thật ra, chẳng phải anh nghĩ thế đâu. Bản thân anh cũng biết rất rõ rằng, nếu để ngày kỷ niệm Công ty Johann Buddenbrook thành lập một trăm năm lặng lẽ trôi qua, thì quả là xấu hổ vô cùng. Chẳng qua bây giờ anh đang bực bội, hơn nữa, em còn biết vì sao anh bực bội... Mặc dù thực ra anh bực bội chẳng đúng chút nào... Nhưng đến hôm ấy, anh sẽ vui sướng và cảm động như tất cả mọi người cho mà xem!

Bà nói rất đúng. Ngày hôm ấy không thể lặng lẽ trôi qua được. Sau đó ít lâu, trên báo chí có đăng một bài quảng cáo kể khá tường tận lịch sử hiệu buôn tiếng tăm lừng lẫy này, đồng thời báo tin là ngày kỷ niệm sắp đến. Thật ra, dù không có bài quảng cáo ấy, giới thương gia vẫn giữ phong khí đôn hậu cũng không thể quên ngày đó được. Còn như họ hàng thân thuộc, thì cậu Justus Kröger là người đầu tiên nhắc tới trong buổi đoàn tụ ngày thứ năm. Bà Tony thì lại lo việc khác. Món tráng miệng vừa bê đi, bà đã trịnh trọng bày trên cái bàn cái cặp da to tướng trong có quyển sổ ghi chép những việc quan trọng trong gia đình mà mọi người hằng kính trọng, để tất cả mọi người có dịp tìm hiểu tiểu sử cụ Johann Buddenbrook thứ nhất, tức là cụ cố của Hanno, người sáng lập ra Công ty, coi đó là một trong những việc chuẩn bị chúc mừng ngày thành lập Công ty. Rồi với một giọng thành kính của kẻ ngoan đạo trong khi hành lễ, bà Tony đọc cho mọi người nghe lúc nào cụ phát ban, lúc nào cụ bị bệnh đậu mùa, lúc nào cụ ngã từ gác ba xuống lò sấy, làm cho thần kinh hầu như bị rối loạn. Đọc xong bấy nhiêu, bà vẫn chưa thấy chán, lại tiếp tục giở ngược lên, tìm chỗ ghi chép ông tổ Buddenbrook đầu tiên, người đã từng làm nghị viên thành phố ở Grabau, vào thế kỷ mười sáu, sau đó bà còn tìm người thợ may ở Rostock theo như đã ghi chép thì “nhà rất giàu” - mấy chữ này có gạch dưới - và con cái hàng đàn, kể cả người sống và người chết.

— Đúng là một con người tuyệt vời!

Bà Tony ca ngợi rồi lại đọc tiếp những bức thư cũ kỹ, giấy đã nát và ngả màu vàng, cũng như những lời chúc mừng ngày lễ...

Như mọi người dự đoán, sáng ngày mồng bảy tháng bảy, ông Wenzel là người khách đầu tiên đến chúc mừng.

— Chúc ông nghị sống lâu trăm tuổi! - Ông ta vừa vung cái dao cạo và sợi dây da dùng để mài cầm trong tay với một động tác rất thành thạo, vừa nói - Tôi dám cam đoan rằng, công ty thành lập một trăm năm thì hầu như tôi đã sửa tóc cạo mặt cho gia đình ta năm mươi năm rồi. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu sự việc trong gia đình ta. Mà làm sao không phải như thế nhỉ? Sáng nào tôi cũng là người đầu tiên gặp mặt ông chủ... Cụ tham ngày trước thích chuyện trò vào buổi sáng sớm, cụ thường hỏi tôi: “Anh Wenzel, anh cho giá lúa mì sẽ thế nào? Tôi đã nên bán chưa, hay là chờ đã? Liệu còn lâu nữa không?...”

— Tôi cũng thế, ông Wenzel ạ! Thật tôi không thể tưởng tượng được rằng, bao nhiêu công việc của tôi lại không có ông tham gia ý kiến. Tôi đã nhiều lần nói với ông rằng, làm nghề của ông có nhiều chỗ hấp dẫn lắm đấy. Sáng sớm, ông đi một vòng, biết được nhiều chuyện hơn ai hết, bởi vì khi lưỡi dao cạo của ông đưa đi đưa lại trên mặt các vị chủ nhân các hãng lớn thì ông đã biết rõ tâm sự từng người. Thú vị thật!

Ai cũng phải hâm mộ nghề của ông thôi!

— Thưa ông nghị, ông nói thực tâm đấy chứ ạ? Về tâm sự của ông, xin cho phép tôi mạnh dạn nói điều này, nét mặt ông sáng nay nhợt nhạt lắm đấy!

— Thật ư? Đúng đấy, tôi hơi váng đầu. Với lại, tôi cảm thấy chưa thể biết ngay, chắc là hôm nay không thể nhàn rỗi được.

— Thưa ông nghị, tôi cũng nghĩ thế đấy. Cả thành phố đều quan tâm đến chuyện này, quan tâm hết sức. Lát nữa, ông nghị nhìn ra cửa sổ mà xem. Một biển cờ! Hai chiếc tàu Wullenwewer và Friederike Överdieck đậu ở dưới bến cảng đã treo hết cờ lên rồi...

— Ờ, nhanh tay một tí, ông Wenzel! Tôi không có thì giờ rỗi đâu!

Hôm nay ông nghị không mặc quần áo đi làm việc như ngày thường. Ngoài cái quần xám, ông khoác cái áo lễ màu đen hở ngực, để lòi cả gi-lê trắng sọc nổi ở trong. Thế nào buổi sáng cũng có khách đến mừng. Ông đến soi gương, lấy ống sấy, sấy lại tóc rồi khẽ thở dài đi ra khỏi căn phòng. Buổi tiếp đón bắt đầu... Nếu qua được ngày hôm nay thì hay biết mấy! Có lúc nào ông không bị quấy rầy, có lúc nào những thớ thịt trên mặt ông được giãn ra thư thái một chút không nhỉ? Không được rồi, suốt ngày ông phải tiếp khách, có nghĩa là ông phải đáp lại lời chúc mừng của hàng trăm người một cách trơn tru, cởi mở, phải tùy từng hạng người khác nhau mà tìm những lời lẽ khác nhau, cung kính, nghiêm trang, hòa nhã, trào phúng, khôi hài, chất phác thân mật... từ chiều đến nửa đêm lại phải mở tiệc chiêu đãi ở quán rượu trong nhà hầm tòa thị chính.

Ông nghị bảo váng đầu là ông nói dối. Chẳng qua ông chỉ mệt mỏi mà thôi. Ngủ suốt đêm, sáng dậy thần kinh chỉ yên tĩnh được một lúc, rồi ông lại cảm thấy buồn rười rượi. Tại sao ông lại phải nói dối? Hình như lần nào người không được khỏe, ông cũng thấy kém vui. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao thế nhỉ? Nhưng bây giờ ông không có thì giờ nghĩ đến chuyện đó.

Khi ông bước vào phòng ăn, bà Gerda vui vẻ bước tới chỗ ông. Để đón khách, bà ăn mặc rất đẹp, cái váy len Scotland lóng lánh và áo sơ mi trắng tinh, ngoài khoác cái áo may kiểu Zouave[126] bằng lụa mỏng, màu đỏ thẫm như mái tóc của bà. Bà mỉm cười để lộ hàm răng đều đặn, trắng hơn khuôn mặt xinh đẹp của bà. Đôi mắt màu nâu mơ màng khá gần nhau hôm nay cũng tươi tỉnh lắm.

— Em dậy từ nãy, mấy tiếng đồng hồ rồi cơ! Anh có thể thấy được em sốt sắng với ngày kỷ niệm này như thế nào!

— Đúng thế! Em cũng cho việc kỷ niệm một trăm năm này quan trọng lắm sao?

— Quan trọng lắm chứ!... Nhưng có lẽ đó chỉ là tình cảm đối với ngày lễ... Một ngày vô cùng đẹp đẽ! Ví dụ như cái này - Bà chỉ vào bàn ăn sáng, trên bàn có vòng hoa tết bằng những bông hoa tươi hái ở ngoài vườn hoa - Bàn tay khéo léo của bà Jungmann làm ra đấy. Nhưng anh nghĩ rằng bây giờ có thể uống trà sáng thì nhầm rồi. Cả nhà đang ngồi trong phòng khách chờ anh để trao tặng phẩm cho anh. Mà thế nào em cũng được một phần nho nhỏ?... Anh Thomas, anh nghe em nói đây này. Chắc chắn hôm nay khách khứa sẽ đầy nhà, tất nhiên chỉ mới là bắt đầu. Lúc bắt đầu thì em còn cố gắng được, chứ đến trưa thể nào em cũng phải trốn đi nơi khác. Biểu đo áp suất không khí đã xuống, nhưng nền trời vẫn xanh ngắt, lạ lắm, và ánh vào những lá cờ kia trông đến là đẹp! Anh không thấy cờ bay khắp thành phố hay sao? Nhưng lát nữa thế nào cũng oi cho mà xem! Sang bên ấy đi! Lát nữa anh mới được ăn sáng. Lẽ ra hôm nay anh phải dậy sớm hơn, bây giờ thì đành phải bụng đói mà tiếp đón những giây phút xúc động đầu tiên.

Bà cụ tham, ông Christian, cô Klothilde, bà Ida Jungmann, bà Tony và Hanno ráng sức đỡ bức họa kỷ niệm, một tặng phẩm đã được chuẩn bị từ lâu... Bà cụ tham vô cùng xúc động ôm lấy ông con trai cả. - Con thân yêu, hôm nay là ngày vui mừng... ngày vui mừng - bà cụ nói đi nói lại - chúng ta phải mãi mãi ca ngợi lòng nhân đức của Chúa... ca ngợi những ân huệ Chúa đã ban cho chúng ta - Bà cụ cảm động đến rơi nước mắt.

Ông nghị được mẹ ôm vào lòng, tự nhiên mềm nhũn. Dường như trong người ông có cái gì đang tan rã và đang thoát ra ngoài. Môi ông run run, ông có ý nghĩ mềm yếu là muốn mãi mãi được ngả vào lòng mẹ, tựa vào ngực mẹ, chìm đắm trong mùi nước hoa thoang thoảng ở chiếc áo lụa mềm của bà cụ bay ra. Ông muốn nhắm mắt lại, không nhìn gì cả và cũng không nói gì cả. Ông hôn bà cụ rồi ưỡn thẳng người, chìa tay về phía chú em. Ông Christian cầm lấy tay ông anh, vẻ thiểu não khốn quẫn. Gặp ngày lễ vui mừng nào, điệu bộ của ông ta cũng thế. Như thường lệ, cô Klothilde kéo dài giọng nói câu gì đó để chúc mừng, rất dịu dàng. Còn bà Jungmann thì cúi rạp người một cái, một tay sờ lên sợi dây đồng hồ trên bộ ngực lép kẹp.

— Lại đây anh Tom! - Bà Tony nói, giọng hơi run run - Em và cháu Hanno không đỡ được nữa rồi.

Tay Hanno yếu nên thực tế hầu như chỉ một mình bà đỡ bức họa. Bà ráng hết sức mà nét mặt thì lại vô cùng phấn khởi, trông vẻ say sưa mê muội y như người sắp tử vì đạo. Mắt bà ươn ướt, gò má đỏ ửng, lưỡi cứ liếm môi trên. Bà mệt mỏi lắm nhưng lại như đang đùa nghịch...

— Được rồi, tôi đến đây! - Ông nghị nói - Cái gì thế này, nào buông tay ra! Ta dựa vào đây! - Ông dựa bức họa vào bức tường cạnh chiếc piano, rồi đứng ra phía trước, lúc đó người trong gia đình đã vây quanh ông.

Cái khung gỗ đào chạm hoa, có mặt kính lồng bức họa vẽ bốn ông chủ công ty Johann Buddenbrook, phía dưới ghi tên tuổi các vị bằng chữ vàng. Trong bức họa đó, có cụ Johann Buddenbrook, bạn cụ Jean Jacques Hoffstede, khuôn mặt đầy đặn, lúc nào cũng tươi cười; có cụ tham Johann Buddenbrook, dưới cằm là cái cổ cồn cứng nhắc, quanh miệng đầy nếp nhăn, mũi diều hâu, và đôi mắt thành kính của một con chiên ngoan đạo đang nhìn người xem bức họa chằm chằm, cuối cùng có ông Thomas Buddenbrook lúc còn trẻ...Cả bốn vị đều có những bông lúa vàng viền xung quanh. Phía dưới bức họa ghi 1768-1868 bằng chữ vàng chói cả mắt, phía trên cũng lại còn ghi câu cách ngôn phỏng theo bút tích của vị tổ đã để lời di huấn ấy lại, nét chữ to, màu đen. Câu đó là: “Các con ơi! Ban ngày các con hãy chăm chỉ làm ăn nhưng chớ làm điều gì hổ thẹn với lương tâm để ban đêm được ngủ ngon lành!”

Ông nghị chắp tay đằng sau lưng, ngắm nhìn bức họa rất lâu.

— Đúng, đúng! - Cuối cùng ông nói đùa một câu - Ban đêm mà được ngủ ngon lành là điều sung sướng nhất. - Rồi ông quay lại nói với mọi người, giọng có vẻ hồ hởi nhưng nghiêm túc - Tôi thành thật cảm tạ cả nhà! Đây là món quà tặng rất đẹp và rất có ý nghĩa! Ta thử bàn xem nên treo ở đâu? Treo trong phòng làm việc của tôi có được không?

— Phải đấy, anh Tom ạ! Treo ngay trên bàn giấy trong phòng làm việc của anh ấy! - Bà Tony ôm lấy anh trai, sau đó lại kéo ông tới trước cửa sổ chỉ ra phía ngoài cho ông nhìn.

Khắp ngõ Hàng cá này, từ phố Breiten xuống đến bến tàu, trước nhà nào cũng treo một lá cờ hai màu đang phất phới bay dưới nền trời xanh biếc mùa hạ. Hai tàu Wullenwewer và Friederike Överdieck đỗ dưới bến lại càng treo nhiều cờ hơn để chúc mừng ông chủ.

— Khắp thành phố đâu đâu cũng thế cả! - bà Tony nói, giọng hơi run run - Em đã đi dạo một vòng rồi, anh Tom ạ! Hagenström cũng treo cờ! Hừ! Họ không treo cũng không được! Không treo thì em sẽ ném tan cửa sổ nhà họ cho mà xem!

Ông nghị cười. Bà Tony lại kéo ông ra giữa nhà, đứng cạnh bàn.

— Đây là điện mừng, anh Tom ạ... Tất nhiên chỉ mới là những bức điện riêng đầu tiên của bà con bè bạn ở ngoài đánh về. Còn những bức có ký hiệu của các hãng buôn thì chuyển sang phòng giấy tất.

Họ mở những bức điện từ Hamburg, Frankfurt đánh về, của ông Arnoldsen cùng người nhà từ Amsterdam đánh về, của Jürgen Kröger từ Wismar đánh về... Bỗng mặt bà Tony đỏ ửng.

— Anh ta vẫn tử tế đấy chứ!

Nói xong bà đẩy bức điện bà vừa bóc ra về phía anh trai. Bức điện ấy ký tên Permaneder.

— Trưa rồi! - Ông nghị mở bật cái nắp chiếc đồng hồ quả quít rồi nói - Tôi phải đi uống tí trà đây. Cả nhà cùng uống với tôi nhá! Kẻo lát nữa người ta đến đông rồi không ngồi yên được đâu...

Bà Ida Jungmann đưa tay ra hiệu cho bà nghị, thế là bà Gerda liền nói với chồng:

— Khoan đã, anh Thomas! Hanno phải đi học ngay bây giờ... Con muốn đọc cho anh nghe một bài thơ đấy. Con đừng sợ, cứ coi như không có ai xung quanh cả!

Tháng bảy đúng vào dịp nghỉ hè, chú bé Hanno phải ôn lại toán để thi lên lớp. Trong một ngôi nhà nhỏ bé, oi bức, nồng nặc mùi hôi thối ở một ngôi nhà nào đó khu St. Gertrud có một ông thầy học râu đỏ hoe, móng tay đầy cáu, đang chờ chú để bày cho chú ôn các bảng cửu chương chết tiệt kia! Nhưng điều chú phải làm trước là đọc cho bố nghe một bài thơ mà chú đã học mãi với bà Ida ở trên sân thượng gác ba mới nhớ được...

Hanno mặc bộ đồ lính thủy Copenhagen, cổ bẻ bằng vải lanh trắng rất rộng, thắt nơ kiểu thủy thủ, bắt tréo chân khẳng kheo, đứng tựa vào đàn piano. Đầu và nửa người phía trên hơi nghiêng sang một bên, trông vừa bẽn lẽn vừa duyên dáng, mặc dù chú không để ý làm duyên chút nào. Mái tóc dài của chú vừa cắt ngắn hai ba tuần nay, ở trường, không những bạn học và cả thầy giáo cũng chế giễu chú vì để tóc dài. Mặc dù vậy, tóc trên đầu chú vẫn cuốn vòng xoắn tít, mềm mại mà vẫn che kín trán và thái dương. Chú sập mí mắt xuống, hàng lông mi dài màu nâu che quầng xanh ở mắt, đôi môi mím chặt hơi run run.

Chú biết rất rõ sắp xảy ra chuyện gì. Chắc chắn chú sẽ òa lên khóc, do đó sẽ không đọc hết bài thơ được. Tim chú thắt lại, chẳng khác gì ngày chủ nhật đến nhà thờ nghe tiếng đàn phong cầm trang nghiêm cảm động của ông Pfühl. Chắc chắn chú sẽ khóc như trước đây, khi có người yêu cầu chú biểu diễn cái gì, đố chú điều gì hoặc kiểm tra bản lĩnh và trí thông minh của chú, như ông bố chú thích làm. Giá như mẹ chú đừng nói phấn khởi lên gì gì đó thì hay biết mấy! Mẹ chú nói để cổ vũ chú nhưng chú lại cảm thấy nói như vậy càng làm hỏng hết! Mọi người hồi hộp đứng cạnh chú, lo lắng chờ đợi, chưa biết lúc nào chú khóc òa lên... Chú ngước hàng lông mi lên nhìn bà Ida lúc bấy giờ đang vừa mân mê sợi dây đồng hồ trên ngực, vừa gật đầu với chú, nét mặt trung hậu, đau khổ. Chú bỗng nảy ra ý muốn không sao kìm được là chạy đến cạnh bà để bà đưa đi nơi khác. Điều chú mong mỏi duy nhất là được nghe giọng nói trầm trầm khiến người khác yên lòng của bà: “Đừng sợ cháu ạ! Thôi không đọc nữa đâu...” - Nào, bắt đầu đi chứ!

Ông nghị nói qua rồi ngồi xuống cái ghế tựa cạnh bàn chờ đợi, đôi mắt không tươi chút nào, có vẻ cau có hơn ngày thường. Khi gặp những trường hợp như thế này, ông giương lông mày lên nhìn Hanno, mắt khảo sát, có thể nói là lạnh lùng nghiêm nghị.

Hanno đứng thẳng người, đưa tay lên sờ nắp đàn piano bằng gỗ bóng loáng và nhìn người xung quanh một vòng, sợ sệt, sau đó nhờ có cái nhìn dịu dàng của bà nội và cô Tony, nên mới can đảm hơn, bèn nói giọng trầm trầm gượng gạo:

— Ca ngợi ngày chủ nhật của mục đồng... tác giả Uhland...

— Ồ, không phải điệu bộ như thế, con ạ! - Ông nghị nói to - Đừng tựa vào đàn piano chứ, không cần phải để tay lên bụng... người phải đứng thật thẳng! Giọng phải thật to! Đó là việc thứ nhất. Tới đây, đứng vào giữa ri-đô này! Ngửng đầu lên... Hai tay bỏ xuống cho tự nhiên.

Hanno đứng trước cửa phòng khách tay buông thõng. Chú ngoan ngoãn ngửng đầu lên, nhưng hàng lông mi vẫn sụp xuống, không sao trông thấy mắt chú. Chắc là nước mắt đã lưng tròng rồi cũng nên.

— Hôm ấy là ngày chủ nhật...

Chú bắt đầu đọc rất khẽ. Ông bố nói chen vào nghe sang sảng:

— Trước khi đọc phải cúi chào thính giả đã! Đọc phải thật to. Đọc lại từ đầu nào! Ca ngợi ngày chủ nhật của mục đồng...

Thật là tai hại, chính ông nghị cũng biết làm như vậy sẽ khiến con mất bình tĩnh. Nhưng trẻ không nên để người ta vừa dọa đã mất hồn.

Trẻ con phải cứng rắn, phải có khí khái của đấng nam nhi...

— Ca ngợi ngày chủ nhật của mục đồng...

Ông lặp lại một lần nữa. Mặc dù ý ông là động viên nhưng mặt ông thì cứ cau có...

Lúc này Hanno đã mất hết tinh thần. Đầu chú cúi xuống sát tận ngực. Bàn tay phải của chú xanh xanh, không có máu, nổi gân xanh, lòi ra ngoài ống tay áo thủy thủ chật hẹp màu xanh thẫm (trên thêu một chiếc neo) đang run run níu lấy cái ri-đô xa-tanh hoa.

— Tôi đứng cô quạnh giữa cánh đồng mênh mông...

Chú miễn cưỡng đọc thêm một câu, nhưng không sao đọc nổi câu tiếp theo nữa. Tinh điệu thê lương của bài thơ đã chiếm lấy tâm hồn chú, chú cảm thấy đau khổ vô cùng, không đọc thành tiếng được nữa, cứ để cho nước mắt trào ra. Bỗng chú nhớ tới những đêm trước kia, chú mong sao mình được sống lại một đêm như thế: đau cổ, khó chịu hoặc lên cơn sốt rồi lên giường nằm, bà Ida đem nước cho uống rồi âu yếm đặt lên trán một cái khăn mùi soa ướt... Chú nghiêng người, gục đầu xuống cánh tay nắm chặt cái ri-đô, khóc òa lên!

— Chà, khóc thì hay ho gì! - Ông nghị nghiêm khắc nói rồi giận dữ đứng dậy - Tại sao lại khóc, một ngày như ngày hôm nay mà không cố gắng làm cho ba vui thì đó mới là chuyện đáng khóc! Con là đàn bà con gái hay sao? Cứ như thế rồi thì làm nên trò trống gì? Sau này có lúc con phải nói chuyện trước đông đảo mọi người, rồi con cũng khóc như thế này hay sao?

“Không, không bao giờ con nói chuyện trước mặt đông đảo mọi người”. Hanno nghĩ thầm trong bụng, vẻ đau khổ, tuyệt vọng.

— Con thử ngẫm nghĩ lại chuyện hôm nay mà xem! - Ông nghị kết thúc lời răn bảo của ông. Khi bà Ida Jungmann còn đang quỳ xuống lau nước mắt cho đứa bé do bàn tay bà nuôi nấng lớn lên và an ủi chú, giọng có vẻ trách móc nhưng vẫn rất dịu dàng, thì ông nghị đã bỏ đi sang phòng ăn.

Ông nghị đang vội vã ăn sáng. Bà cụ tham, bà Tony, cô Klothilde và ông Christian lần lượt đến chào từ biệt ông. Hôm nay họ cùng gia đình cụ Kröger, vợ chồng ông Weinschenk và ba chị em họ Buddenbrook đến ăn bữa trưa ở nhà bà Gerda, còn ông nghị thì dù muốn hay không, cũng phải có mặt ở bữa tiệc ông tổ chức ở quán rượu dưới nhà hầm tòa thị chính để tỏ lòng ân cần thân thiết của một vị chủ nhân. Mặc dù vậy, ông cũng không muốn ở đấy quá lâu, ông muốn buổi tối có thể ngồi ăn với những người trong gia đình.

Ông cầm cốc nước trà nóng để trong khay trên cái bàn bày đầy hoa lên uống, ăn vội quả trứng gà, lại đứng ở cửa cầu thang hút hết điếu thuốc lá. Trời rất nóng, nhưng Grobleben cổ quàng khăn len, tay trái đút vào một chiếc ủng, tay phải cầm bàn chải, mũi nước thò lò, từ con đường nhỏ trong vườn hoa đi đến trước nhà thì gặp ông chủ ở chỗ con gấu giơ hai chân trước, bê cái khay đựng danh thiếp dưới cầu thang...

— Chúc mừng ông nghị! Người thì giàu sang quyền thế, người thì nghèo rớt mồng tơi!

— Phải, phải, anh nói đúng lắm, anh Grobleben ạ! - Ông nghị đút vào tay cầm bàn chải của anh ta một hào, rồi đi qua phía trước nhà, vào phòng giấy, nơi chuyên để tiếp khách. Ở đây, một nhân viên kế toán, người cao to, thật thà, bước tới, thay mặt toàn thể viên chức chúc mừng ông bằng những lời hết sức văn hoa. Ông nghị nói một vài câu cảm ơn rồi bước tới chỗ ngồi của mình trước cửa sổ. Nhưng ông vừa giở mấy tờ báo để trên bàn và mấy bức thư người ta gửi tới ra xem thì đã có người gõ cửa. Tốp khách đầu tiên đi vào.

Đó là những người thay mặt anh em ở kho hàng. Sáu người đàn ông lực lưỡng, giống hệt sáu con gấu, hùng hục bước vào. Miệng người nào cũng xệ xuống, trông giản dị và trung thành vô cùng, tay cầm cái mũ đưa đi đưa lại. Người đi đầu nhổ một bãi nước bọt vàng khè vì hút thuốc, tay kéo ống quần vội vội vàng vàng nói những lời chúc mừng “một trăm năm”, “mấy trăm năm”, “mấy ngàn năm” gì đó. Ông nghị hứa tuần này sẽ thưởng cho họ một món tiền lớn và tiễn họ ra cửa.

Tiếp đó, mấy ông ở phòng thuế vụ thay mặt sở thuế địa phương đến. Họ vừa cáo từ ra về đến cổng thì gặp mấy người thủy thủ trên hai chiếc tàu Wullenwewer và Friederike Överdieck thuộc công ty vận tải đường biển hiện đỗ dưới bến, do hai người cầm lái dẫn đầu. Kế đến là anh em phu khuân vác, áo đen, quần dài, mũ tròn. Lúc này nhiều người trong phố đến liên tiếp, như ông thợ may Stuht ở phố Đúc chuông, khoác áo choàng đen ngoài áo lông cừu. Thỉnh thoảng có vài ông hàng xóm như ông Iwersen, chủ quán bán hoa tươi. Cụ già đưa thư, râu bạc trắng, tai đeo vòng, nước mắt lưng tròng, trông rất kỳ quặc. Hằng ngày thấy cụ ngoài đường, gặp lúc vui vẻ ông nghị thường gọi là “cụ cục trưởng bưu điện”. Cụ vừa bước vào cửa là nói bô bô:

— Tôi đến không phải vì cái ấy đâu, ông nghị ạ! Không phải vì cái ấy đâu! Mặc dù nghe người ta nói, hôm nay ai đến chúc mừng cũng không về tay không, nhưng tôi không đến vì cái ấy...

Nói vậy, nhưng cụ không ngớt lời cảm ơn khi cầm tiền thưởng của ông nghị đưa cho. Hình như khách cứ tiếp nhau đến như thế mãi, không bao giờ ngớt. Khoảng mười giờ rưỡi, chị đầy tớ gái đến báo cho biết là bà nghị cũng đã bắt đầu tiếp tốp khách đầu tiên rồi.

Ông Thomas Buddenbrook đi ra khỏi bàn giấy vội vã bước lên cầu thang. Đến trước cửa phòng khách, ông dừng lại một chút nhìn vào gương, sửa cà-vạt, ngửi ngửi mùi nước hoa trên mùi soa. Mặt ông nhợt nhạt, mồ hôi đầm đìa như tắm, nhưng tay chân thì lại giá lạnh. Chỉ mới tiếp khách một lúc ở bàn giấy mà người ông đã mệt nhừ. Ông thở dài một cái rồi bước vào căn phòng đầy ánh nắng chuẩn bị tiếp vợ chồng ông tham Huneus, một nhà buôn gỗ cự phú vốn liếng khoảng năm triệu, cùng con gái và con rể là tiến sĩ Gieseke. Những vị khách quý này ở Travemünde về. Họ cũng như nhiều gia đình thượng lưu khác ra biển nghỉ mát, lần này về chỉ là để chúc mừng gia đình Buddenbrook mà thôi.

Mọi người vừa ngồi xuống cái ghế lưng tựa hình lượn sóng bóng ngời chưa đầy ba phút, ông tham Överdieck, con trai ngài thị trưởng đã quá cố, cùng với vợ (bà này là con gái gia đình Kistenmaker) đã vào. Rồi khi ông tham Huneus cáo từ đi ra thì em trai ông lại đến. Ông này kém ông anh bạc triệu, nhưng lại hơn ông anh cái chức nghị viên.

Từ đấy trở đi, việc đưa đón mới bắt đầu bận rộn. Cái cửa sơn trắng dưới bức phù điêu chạm một vị thiên thần đang biểu diễn âm nhạc, hầu như không đóng lại được phút nào. Những người ngồi trong phòng hầu như lúc nào cũng nhìn thấy ánh nắng từ cửa sổ thông hơi trên mái chiếu xuống cầu thang. Khách thì cứ liên tục lên lên xuống xuống. Nhưng một là phòng khách rất rộng, hai là khách tụm năm tụm ba trò chuyện, nên người đến vẫn nhiều hơn người về. Một lúc sau, bọn đầy tớ gái mở hẳn cửa phòng khách ra, chứ không đóng đóng mở mở như lúc nãy. Có một số người ra đứng ở hành lang lát gỗ. Tiếng đàn ông đàn bà lao xao, người ta bắt tay nhau, chào hỏi nhau, đùa cợt nhau hoặc cười hô hố. Tiếng cười bay lên giữa bốn cái cột cầu thang rồi lại từ trần nhà và mặt kính cửa sổ thông hơi vọng xuống. Ông nghị Buddenbrook lúc đứng ở cầu thang, lúc đứng trước cái cửa nhô ra phía ngoài, đáp lễ. Có khi ông nói nhỏ nhẹ vẻ nghiêm nghị, khách khí, có khi ông nói to, vẻ chân thành tha thiết. Ngài thị trưởng, tiến sĩ Langhals vừa lùn vừa béo, trông bộ rất uy nghi. Cái cằm cạo nhẵn thín của ông rụt lại, chạm vào cái cà-vạt trắng; bộ ria mép của ông lốm đốm bạc; ánh mắt ông trông vẻ hơi mệt mỏi như của nhà ngoại giao. Ông được tất cả mọi người có mặt hoan nghênh. Ông tham Eduard Kistenmaker, chủ hãng rượu, cùng với bà vợ họ Möllendorpf và ông Stephan, em trai, cùng bà em dâu rất mạnh khỏe, con một nhà điền chủ, cùng đến. Ông Stephan Kistenmaker là bạn thân của ông nghị Buddenbrook và rất phục ông nghị. Bà quả phụ Möllendorpf ngồi trên chiếc xô-pha giữa phòng khách; con trai cụ là ông tham August Möllendorpf và vợ là Julchen, con gái gia đình Hagenström vừa chúc mừng chủ nhà xong, đang chen vào đám đông, chào hỏi những người quen biết. Ông Hermann Hagenström tựa cái thân hình béo phục phịch vào lan can cầu thang, cái mũi tẹt giữa bộ râu vàng hoa thở phì phì khó nhọc, ông ta đang nói chuyện với tiến sĩ Cremer, nghị viên kiêm cục trưởng cục cảnh sát. Khuôn mặt có bộ râu quai nón màu nâu nhạt của ông tươi cười nhưng có phần gian xảo. Ông thanh tra tiến sĩ Moritz Hagenström cùng cô vợ xinh đẹp, con gái gia đình Puttfarken ở Hamburg, cũng có mặt. Ông tiến sĩ này khi cười để lộ hàm răng thưa nhọn hoắt. Mọi người nhìn thấy cụ bác sĩ Grabow đưa hai tay nắm chặt tay phải ông nghị Buddenbrook được một phút rồi, thế mà lập tức ông kiến trúc sư Voigt đã đẩy cụ sang một bên. Mục sư Pringsheim dang hai tay ra tươi cười bước lên cầu thang. Hôm nay ông mặc quần áo thường. Thật ra, chỉ có nhìn chiều dài chiếc áo thầy tu ông mặc lúc hành lễ mới thấy hết vẻ trang nghiêm của ông. Ngoài ra, tất nhiên có ông Friedrich Wilhelm Marcus. Các vị đại biểu do Nghị viện, Hội đồng thị dân, Tổng hội thương vụ cử đến đều mặc lễ phục màu đen. Mười một giờ rưỡi, trời oi bức quá thể. Mười lăm phút trước đó, bà chủ đã trở về phòng riêng rồi...

Bỗng phía trong cửa tầng dưới có tiếng chân thình thịch nghe như rất nhiều người cùng bước vào một lúc, đồng thời lại có tiếng ồn ào lộn xộn. Tất cả mọi người ở trên hành lang, trước cửa phòng khách, trong phòng ăn và phòng hút thuốc đổ xô về phía lan can, chen nhau nhìn xuống. Ở tầng dưới, một đoàn khoảng từ mười lăm đến hai mươi người, tay cầm nhạc cụ, đã xếp thành hàng. Người chỉ huy là một ông tóc giả màu nâu, râu xám kiểu thủy thủ, hễ mở miệng nói thì lòi bộ răng giả bằng vàng... Chuyện gì thế nhỉ? À, thì ra ông tham Peter Döhlmann dẫn đội nhạc nhà hát thành phố vào. Trong nháy mắt, ông đã hùng dũng bước lên cầu thang, tay phe phẩy tờ chương trình biểu diễn.

Buổi hòa nhạc chúc mừng ngày kỷ niệm một trăm năm thành lập công ty Buddenbrook bắt đầu. Đầu tiên là xét về âm hưởng, nơi này không thích hợp cho một buổi hòa nhạc chút nào. Các âm thanh cứ lẫn lộn, chồng chéo lên nhau, nghe chẳng ra gì cả. Người thổi cái kèn giọng trầm là một ông to béo, trông tận tình hết sức, có điều tiếng kèn ấy át hết tiếng các nhạc cụ khác. Mở đầu là bài Mọi người biết ơn Chúa, tiếp theo là bài Helena xinh đẹp của Offenbach. Sau nữa là nhiều bài dân ca được hòa tấu một cách lộn xộn... Có thể nói tiết mục khá phong phú.

Ông Döhlmann nghĩ ra cách này thật là tuyệt. Mọi người khen ngợi ông ta. Trước khi buổi hòa nhạc kết thúc, không ai muốn ra về. Khách khứa ngồi trong phòng hay đứng ngoài hành lang vừa nghe nhạc, vừa trò chuyện...

Ông Thomas Buddenbrook cùng ông Stephan Kistenmaker, tiến sĩ Gieseke, kiến trúc sư Voigt đứng với nhau ở đầu cầu thang, phía đi sang cửa phòng hút thuốc, gần chỗ cầu thang lên gác ba, ông tựa lưng vào tường, thỉnh thoảng khen một vài câu khi người khác nói, còn thì trầm ngâm lơ đãng nhìn ra phía ngoài lan can. Trời càng lâu càng oi bức, nhưng cũng có hy vọng sắp mưa, nhìn những bóng đen lướt qua cửa sổ thông hơi cũng biết nhất định mây sẽ che kín bầu trời. Không sai chút nào, bóng đen mỗi lúc một nhiều, đám này nối tiếp đám khác, cầu thang lúc sáng lúc tối làm cho người ta nhức cả mắt. Những thứ đồ mạ vàng, cái giá đèn hình cành cây, các thứ đồ mạ đồng ở tầng dưới vừa tối sầm lại, thoáng một cái đã lóe sáng lên... Chỉ có một lần trời tối rất lâu, tức thì có vật gì cứng cứng rơi vào tấm kính trên cửa sổ thông hơi nghe năm sáu tiếng lốp đốp thưa thớt. Nhất định là mưa đá rồi! Một lúc sau, ánh nắng lại ùa vào khắp căn phòng.

Người ta đôi lúc có cái tâm trạng như thế này: bình thường thì điều gì đó chỉ có thể làm ta cáu kỉnh hoặc bực bội một chút rồi hết ngay, nhưng lúc này cũng điều đó lại làm cho ta buồn không chịu được, một nỗi buồn đè nặng trên lòng. Bây giờ tâm trạng của ông Thomas đang như thế. Cử chỉ của Johann cũng như không khí ngày lễ trong gia đình gợi cho ông một nỗi buồn tê tái. Điều ông lấy làm đau khổ nhất là, dù ông cố gắng mấy cũng không vươn lên được. Bấy lâu, ông muốn phấn chấn, muốn xua đuổi nỗi buồn ấy đi và thầm nhủ rằng đây là ngày vẻ vang nhất của gia đình ta phải vui lên chứ! Nhưng tiếng nhạc âm vang, tiếng nói chuyện ồn ào, những khuôn mặt tỏ ra thân thiết của các vị khách càng khiến ông hồi tưởng lại quá khứ, hồi tưởng lại cụ thân sinh. Ông thấy lòng tê tái. Cái cảm giác chiếm lĩnh tâm hồn ông là cái cảm giác đau khổ rất lạ lùng. Ông cảm thấy tất cả sự vật chung quanh ông vừa làm cho ông buồn cười vừa đau khổ. Tiếng nhạc bị bóp náo nức, tiếng bàn tán xoay quanh giá cả và chuyện rượu chè... và cái cảm giác vừa thương cảm vừa chán ghét kia hòa lẫn làm một đưa đến cho ông một tâm trạng thảm hại vô cùng.

Khoảng mười hai giờ mười lăm, khi đội nhạc nhà hát thành phố trình bày tiết mục cuối cùng thì xảy ra một chuyện nho nhỏ. Chuyện không trở ngại hoặc không phá hỏng không khí vui vẻ ngày lễ, nhưng chủ nhà phải tạm xa khách một lúc, bởi vì phải giải quyết ngay một việc buôn bán cần kíp. Chuyện như thế này: vừa vặn lúc tiếng nhạc tạm ngừng thì chú học việc bé nhất ở phòng giấy bước lên cầu thang.

Thấy khách khứa đông thế kia, chú tỏ ra lúng ta lúng túng. Người chú vốn phát triển không đều, lưng chú gù nên chú xấu hổ. Lúc đó khuôn mặt đỏ hơn ngày thường của chú rụt hẳn vào vai. Để cho được tự nhiên, chú đưa mạnh cánh tay dài một cách kỳ lạ ra phía sau, còn tay cầm bức điện thì chú duỗi thẳng ra phía trước. Chú vừa bước lên vừa lấm lét nhìn ngược nhìn xuôi, tìm ông chủ. Khi chú nhận ra được ông Thomas rồi thì chú len lỏi qua đám đông, lẩm bẩm xin lỗi những người khách đứng nghẽn lối.

Thực ra thì chú xấu hổ là thừa, vì không ai để ý đến chú cả. Người ta vẫn tiếp tục trò chuyện, chỉ hơi né người sang một bên tránh đường cho chú đi chứ không nhìn chú. Khi chú cúi người đặt bức điện vào tay ông chủ thì ông cầm lấy rồi đi khỏi chỗ các ông Kistenmaker, Gieseke và Voigt đứng, theo chú bé bước sang một bên để đọc. Hầu như không ai để ý chuyện này. Mặc dù những bức điện nhận được hôm nay phần lớn là điện mừng, nhưng trường hợp nào cũng vậy, hễ trong giờ làm việc mà nhận được điện khẩn thì phải trình ông chủ ngay lập tức.

Ở cửa cầu thang lên gác ba, đường hành lang rẽ ngoặt, men theo phòng khách đến cái cửa cầu thang phía sau dành riêng cho bọn đầy tớ đi. Chỗ ấy còn có cái cửa ngách để chuyển thức ăn từ nhà bếp lên, cạnh tường kê một cái bàn khá lớn, bọn đầy tớ gái thường lau chùi bát đĩa bằng bạc ở đấy. Ông nghị đứng chỗ ấy, quay lưng về phía chú học việc lưng gù, bóc bức điện ra xem.

Bỗng mắt ông tròn xoe, ai nhìn thấy cũng phải giật mình. Xem kìa! Ông đang run lên, vội vã nuốt ực một cái, làm cho cổ họng ông khô khốc cứ ho liên hồi.

Ông định nói: “Thế mà hay”, nhưng những tiếng ồn ào ở phía sau át mất lời ông: “Thế mà hay”. Ông nhắc lại lần nữa, chỉ nghe rõ hai tiếng trước còn tiếng cuối thì nghe thì thào.

Ông nghị không động đậy, không quay người lại, thậm chí cũng không hề đưa tay ra làm một dấu hiệu gì cả, nên chú học việc lưng gù đành đổi chân, chần chừ đứng ở đấy một lúc rồi cúi chào, điệu bộ rất kỳ quặc và rút lui theo cầu thang sau.

Ông nghị vẫn đứng cạnh, bàn tay cầm bức điện rũ xuống mềm nhũn. Ông vẫn há nửa miệng như lúc nãy, thở dồn từng hơi mệt nhọc, cúi về phía trước rồi ngả ra phía sau, rồi như người trúng phong, lắc lắc đầu một cách điên loạn.

— Mưa đá...! Mưa đá!

Giọng ông hổn hển. Nhưng một lát sau, ông đã thở đều đều, bình tĩnh dần, người ông đu đưa cũng nhịp nhàng hơn, đôi mắt liu điu của ông trông mệt mỏi lắm, có thể nói là thất thần. Ông gục đầu xuống, vẻ nặng nề rồi quay người đi.

Ông mở cửa phòng lớn, đầu vẫn cúi, bước thong thả trên sàn nhà bóng như gương, rồi ngồi phịch xuống chiếc xô-pha màu gụ để trước cửa sổ trong cùng. Chỉ chỗ ấy là yên tĩnh, vừa mát mẻ. Có thể nghe rõ tiếng cái vòi phun nước trong vườn hoa kêu xè xè. Một con ruồi bay vù lên, đâm sầm vào cửa kính. Tiếng ồn ào ở căn phòng phía trước vọng sang nghe văng vẳng.

Ông uể oải tựa đầu vào đệm ghế, nhắm mắt lại.

— Thế mà hay! Thế mà hay! - Ông nói thầm một mình. Một lúc sau, ông thở dài một cái, hình như ông đã bình tĩnh và thư thái trong lòng hơn. Ông lặp lại một lần nữa - Càng hay!

Ông duỗi thẳng người ra, bình tĩnh nằm một lúc, rồi ông ngồi dậy, gấp bức điện, đút vào túi trên, đứng lên định đi ra tiếp khách.

Nhưng ngay lúc đó, ông rên lên một tiếng rất khổ não, nằm vật xuống xô-pha. Tiếng nhạc ấy lại bắt đầu! Những tiếng ồn ào quái đản, bắt chước tiếng ngựa phi có thanh la, trống và xập xèng đánh nhịp. Những âm thanh của các loại nhạc cụ khác thì hoặc chậm quá hoặc nhanh quá, không ăn nhịp gì với nhau cả, hợp lại thành một mớ hỗn độn ngu xuẩn, giật gân, không chịu nổi. Cắc cắc, tùng tùng, xèng xèng, lại chen cả tiếng sáo lảnh lót chọc vào tai.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx