sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 9 - Chương 1

Ông nghị Buddenbrook đi sau bác sĩ Grabow và ông Langhals, một bác sĩ trẻ. Ông này có họ hàng với ông Langhals ở thành phố này, mới hành nghề chưa quá một năm, từ phòng ngủ của bà cụ tham bước vào ăn sáng. Ông tiện tay khép cửa lại.

— Xin lỗi hai vị, xin quấy rầy hai vị một lát nữa - Nói rồi ông dẫn họ lên gác đi qua hành lang và gian phòng lớn cột tròn, bước vào phòng phong cảnh. Khí hậu mùa thu giá lạnh ẩm ướt nên đã đốt lò sưởi - Chắc là các vị biết ruột gan tôi bây giờ rối bời... Xin mời hai vị ngồi xuống đây! Nếu có thể, xin hai vị tìm cách làm cho tôi yên tâm hơn một chút.

— Nói gì thế hả, ông nghị thân mến! - Bác sĩ Grabow trả lời. Cụ ngả lưng ra sau một cách thoải mái, cổ rụt vào trong cổ áo, hai tay ôm mũ, vành mũ sát vào ngực. Bác sĩ Langhals, nước da ngăm đen, người thô và lùn, để chiếc mũ phớt xuống tấm thảm trải dưới đất cạnh người, chăm chú nhìn vào đôi tay nhỏ bé đến kỳ lạ mọc đầy lông của ông ta. Ông ta để bộ râu nhọn hoắt, tóc húi cua, đôi mắt rất đẹp, nét mặt có vẻ hào hoa - Bây giờ cũng chưa đến nỗi phải lo đâu, ông cứ yên tâm... Thể chất cụ nhà có sức đề kháng khá lắm... Quả thực như vậy. Bao nhiêu năm nay làm cố vấn về thuốc men cho gia đình ta, tôi biết rõ lắm. Kể so với tuổi tác thì sức đề kháng của cụ nhà quả thật kinh người... Tôi dám nói với ông như vậy...

— Đúng thế, tuổi tác như mẹ tôi thật là... - ông nghị nói, giọng lo lắng, tay mân mê bộ râu dài của mình.

— Tất nhiên là tôi không nói ngày mai cụ nhà có thể dậy đi lại được - Bác sĩ Grabow vẫn tiếp tục nói, giọng dịu ngọt - Tôi chắc rằng ông cũng không thể nghĩ như thế. Phải không, ông nghị thân mến? Chúng tôi không phủ nhận trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ gần đây, bệnh viêm niêm mạc của cụ nhà có phần nặng hơn. Tối hôm qua tôi cho là cơn sốt của cụ nhà không phải là hiện tượng tốt; quả nhiên hôm nay chuyển sang đau lưng, thở dồn dập. Ngoài ra, nhiệt độ vẫn tăng. Tất nhiên không nghiêm trọng lắm, nhưng chưa hạ xuống. Cuối cùng xin nói thêm một câu, ông nghị thân mến ạ! Chúng tôi cũng dự liệu những triệu chứng khác, phổi của cụ nhà cũng bị nhiễm đấy...

— Viêm phổi hay sao? - Ông nghị hỏi, hết nhìn mặt bác sĩ này lại quay sang nhìn mặt bác sĩ kia.

— Vâng, phổi bị viêm. - Bác sĩ Langhals nói rồi nghiêm nghị cúi người xuống phía trước.

— Chỉ một lá phổi bên trái hơi viêm thôi. - ông bác sĩ cố vấn của gia đình cướp lời - nhất định chúng tôi phải cố hết sức tìm cách không cho lan rộng ra.

— Như vậy thì vẫn còn có lý do để lo ư? - Ông nghị ngồi đờ ra, nhìn chằm chằm vào mặt các bác sĩ.

— Lo à? Vâng, phải lo chứ! Như tôi vừa nói, không để cho bệnh phát triển, bớt ho, và tìm cách hạ nhiệt độ xuống. Cái đó, ký-ninh rất có hiệu nghiệm... Ngoài ra còn một điều nữa, ông nghị thân mến ạ... Ông không nên sợ hãi về những hiện tượng khác, đúng không? Nếu rồi đây cụ nhà thở khó khăn hơn bây giờ, hoặc giả ban đêm nói mê, hoặc giả ngày mai có nôn ọe tí chút, như ông đã biết, tức là sẽ nôn ra nước vàng, có thể lẫn ít máu nữa... đều là những hiện tượng tất nhiên, những hiện tượng bình thường, chúng tôi đã lường trước. Ông cũng nên chuẩn bị tinh thần đi. Lại còn bà Tony nữa, bà ta hết lòng hầu hạ cụ nhà, làm cho người ta phải khâm phục, bà ta cũng nên được chuẩn bị... Luôn tiện, xin hỏi một tí, bà Tony có được khỏe không? Tôi quên hỏi bệnh dạ dày của bà ta gần đây như thế nào rồi nhỉ?

— Vẫn như trước. Tôi không nghe nói có gì thay đổi. Tất nhiên việc lo cho sức khỏe cô ấy bây giờ xuống hàng thứ hai rồi...

— Tất nhiên, tất nhiên! Ồ, tôi nhớ ra rồi, bà ấy cần phải nghỉ ngơi, nhất là đêm hôm. Nhưng một mình chị Severin thì chắc là bận lắm. Mời một người hộ lý đến có được không, ông nghị thân mến? Các cô ở đằng nhà thờ đạo xưa nay rất được ông quan tâm, họ nghe nói giúp đỡ ông, chắc là họ vui lòng lắm đấy.

— Ông thấy cần như vậy sao?

— Đó là tôi đề nghị thế thôi. Những người hộ lý đó được việc lắm, hiếm có những người như vậy. Vừa có kinh nghiệm, vừa biết chăm sóc người bệnh. Nhất là chứng bệnh này. Như tôi vừa nói, có nhiều triệu chứng nhỏ nhặt cũng phải đề phòng... Vâng, tôi xin nhắc lại. Ông cứ yên tâm. Có đúng không ông nghị? Chúng ta chờ xem bệnh tình phát triển như thế nào rồi hẵng hay. Tối nay chúng ta sẽ bàn thêm...

— Cứ làm như thế. - Bác sĩ Langhals nói rồi cầm lấy chiếc mũ phớt cùng theo bác sĩ Grabow đứng dậy. Nhưng ông nghị vẫn ngồi yên. Ông chưa định kết thúc câu chuyện ở đây, ông còn thắc mắc và muốn hỏi thêm chút nữa...

— Hai vị ạ, cho tôi nói thêm một câu nữa thôi... Thần kinh chú em tôi không được bình thường, chắc chú ấy không chịu nổi khi nghe tin một cách đột ngột. Theo ý các vị, liệu tôi có nên báo cho chú ấy biết bệnh tình bà cụ tôi không? Hay chưa nên cho chú ấy biết vội? Có lẽ gọi chú ấy về trước đi nhỉ?

— Ông Christian không ở nhà à?

— Không, chú ấy đi Hamburg vắng một thời gian ngắn. Theo tôi biết thì chú ấy phải giải quyết một vấn đề buôn bán gì đó.

Bác sĩ Grabow đưa mắt nhìn ông bạn đồng nghiệp của mình rồi mỉm cười, lắc tay ông nghị, nói:

— Như vậy thì cứ để ông ấy yên tâm lo công việc thôi. Sao lại phải làm ông ấy hoảng hốt vô ích nhỉ? Nếu tình hình biến chuyển, mới gọi ông ấy về, ví dụ để cụ nhà yên tâm chẳng hạn, hoặc để cụ nhà dễ chịu hơn... Dù sao vẫn còn có thì giờ...

Chủ và khách trở ra qua căn phòng lớn cột tròn, đi hết hành lang lại đứng ở chỗ rẽ cầu thang. Họ còn trao đổi với nhau một số chuyện khác nữa như chuyện chính trị, chuyện những biến động mà cuộc chiến tranh vừa kết thúc mang lại...

— Hay lắm, đến lúc có thể làm ăn dễ dàng rồi đấy phải không, ông nghị? Đâu đâu cũng vàng, cũng bạc... Ai cũng phấn khởi...

Ông nghị trả lời ầm ừ qua quít. Ông thừa nhận chiến tranh làm cho việc buôn bán lương thực với Nga trở nên phát đạt. Ông nói đến chuyện vì phải cung cấp lương thực cho quân đội mà khối lượng yến mạch nhập khẩu tăng lên rất nhiều, nhưng ông cũng nói việc phân chia lợi nhuận cũng không được đồng đều.

Hai ông bác sĩ chào ra về. Ông nghị Buddenbrook quay người lại, định trở về phòng bà cụ xem xem. Ông nghĩ đến những lời ông Grabow nói lúc nãy. Ông ta chỉ úp úp mở mở làm cho người ta tưởng là ông ta không dám khẳng định điều gì cả, chỉ có từ “viêm phổi” là rõ ràng nhất. Từ này bác sĩ Langhals đã chuyển thành thuật ngữ khoa học, nhưng không thể làm người ta yên tâm hơn. Tuổi tác như bà cụ tham mà viêm phổi!... Chỉ một việc thấy hai vị bác sĩ sóng đôi đi ra rồi lại đi vào, cũng biết là nghiêm trọng lắm. Tóm lại, do một mình bác sĩ Grabow sắp đặt hết, ông sắp đặt rất tự nhiên, hầu như làm cho người ta không để ý. Ông nói, ít lâu nữa ông sẽ về hưu, ông định để bác sĩ Langhals thay ông làm thầy thuốc gia đình cho những người chủ cũ, nên bây giờ ông thường đưa ông ta đi khắp nơi. Và ông coi đó là một điều thú vị.

Khi ông nghị bước vào phòng ngủ mờ mờ ánh đèn, mặt ông cũng tươi hẳn ra, bước đi cũng nhẹ nhàng hơn. Ông có thói quen làm ra bộ trấn tĩnh và tự tin để che giấu vẻ buồn rầu và mệt mỏi. Thành ra, lúc ông mở cửa phòng, cái vẻ giả dối đó hầu như chỉ cần nhận được hiệu lệnh của ý chí là tự động hiện lên mặt ông ngày.

Bà Tony ngồi ở mép giường lớn đã buông màn, cầm tay mẹ. Bà cụ nằm tựa lưng vào gối, nghe thấy tiếng người đi vào, liền quay đầu ra, đưa đôi mắt màu xanh nhạt nhìn ông nghị chằm chằm. Ánh mắt bà cụ bình tĩnh một cách gượng gạo nhưng vẫn sáng long lanh. Vì bà nhìn nghiêng nên trông như ẩn giấu điều gì xảo trá. Không kể màu da nhợt nhạt và hai gò má ửng đỏ vì lên cơn sốt, thì nét mặt bà cụ không có vẻ gì tiều tụy mệt nhọc cả. Bà cụ lưu tâm đến bệnh tình của mình hơn bất cứ người nào xung quanh, nhưng lại phải nói rằng, người ốm không phải ai khác là bà cụ. Lần này lâm bệnh, bà cụ lo lắm nên không chịu nằm yên mặc cho bệnh tình phát triển.

— Họ nói thế nào, hả anh Thomas? - Bà cụ hỏi, giọng rắn rỏi mà có vẻ cảm động, tiếp đó nổi lên một cơn ho kịch liệt. Bà cụ định mím chặt môi, nén xuống, nhưng không nén nổi, đành lấy tay ép vào phía nửa người bên phải.

Chờ bà cụ ho xong, ông nghị vừa sờ tay mẹ vừa nói:

— Họ nói vài ngày nữa me có thể dậy đi lại được. Bây giờ me chưa thể dậy là vì me còn ho, phổi me bị tổn thương... chứ chưa thể nói viêm phổi. Đáng ghét quá! - Ông thấy bà cụ nhìn mình chằm chặp, vội nói thêm một câu... - Dù viêm phổi cũng không có gì nghiêm trọng. Có bệnh còn đáng sợ hơn là viêm phổi! Nói tóm lại, phổi hơi bị kích thích, cả hai vị đều nói như vậy. Có lẽ họ nói đúng. Chị Severin đi đâu rồi nhỉ?

— Đến hiệu thuốc! - Bà Tony nói.

— Me và cô xem, lại ra hiệu thuốc! Còn cô, thì lúc nào cũng giống như đang thiếp đi. không được, không thể thế được, dù chỉ hai ba ngày cũng vậy... Chúng ta phải mời một cô hộ lý, me và cô thấy thế nào? Thôi, thế nhé! Con sẽ cho người đến đoàn hộ lý của Hội nữ tu sĩ ngay, xem họ có thừa người không...

— Anh Thomas... - Bà cụ tham lại sợ nổi cơn ho nên lần này nói rất giữ gìn - để tôi nói anh nghe, lần nào anh cũng thiên về các cô nữ tu sĩ đạo Thiên Chúa mà không đoái hoài gì đến các cô nữ tu sĩ đạo Cơ đốc. Anh làm thế thì chúng ta không phải với nhiều người lắm đấy! Anh làm nhiều điều có lợi cho đạo Thiên Chúa mà không làm gì cho những người theo đạo Cơ đốc cả. Tôi nói để anh biết, gần đây mục sư Pringsheim phàn nàn với tôi về chuyện đó không chút giấu giếm gì cả...

— Ông ấy oán trách thì oán trách, có sao đâu! Xưa nay con vẫn cho là nữ tu sĩ đạo Thiên chúa vẫn trung thành, nhiệt tình, giàu tinh thần hy sinh hơn nữ tu sĩ đạo Cơ đốc. Nữ tu sĩ đạo Cơ đốc quả thật không được như vậy đâu... Nói một cách vắn tắt, họ trần tục, tự tư tự lợi, tầm thường. Các nữ tu sĩ đạo Thiên chúa thì không bận đến trần tục nữa, cho nên con tin là họ gần thiên đàng hơn. Vả lại họ có chịu ơn con, chưa có dịp đền đáp, nên tốt nhất là ta mời họ. Cháu Hanno lên kinh giật, may mà nữ tu sĩ Leandra chăm sóc cho, con mong lần này cô ấy rỗi...

Quả nhiên, nữ tu sĩ Leandra được cử đến. Sau khi lặng lẽ bỏ túi xách, áo khoác và tấm mạng che màu xanh ở ngoài cái mũ trắng, cô liền bắt tay vào công việc. Lời ăn tiếng nói, cử chỉ của cô dịu dàng thân thiết. Ở thắt lưng cô treo một chuỗi tràng hạt, hễ bước đi thì nghe kêu lách cách. Cô hết lòng chăm sóc người bệnh vẫn quen được hầu hạ và tính hay nôn nóng, không kể gì ngày đêm. Khi có người khác đến thay phiên để cô về ngủ, thì hầu như cô cho sự nghỉ ngơi cần thiết đó là một thiếu sót của mình, cô lặng lẽ ra về, cảm thấy mình có lỗi.

Không một phút nào vắng người bên giường bà cụ tham. Thấy bệnh tình không thuyên giảm, bà cụ để hết tâm trí vào đó. Bà cụ vừa sợ vừa bực, không giấu giếm tâm trạng trẻ con đó của bà. Rút cuộc, nguyên nhân nào đã làm cho người đàn bà giàu sang, giao thiệp rộng, từng quen hưởng thụ, mà về cuối đời thì dốc lòng theo đạo, ra sức làm điều từ thiện? Có lẽ không phải chỉ vì trung thành với người chồng quá cố, mà có một thứ bản năng mơ hồ nào đó buộc bà cụ phải cầu Chúa tha thứ cho sức sống quá ư mãnh liệt của mình, để trước khi chết, được giảm phần nào đau khổ chăng? Nhưng bà cụ không thể chết không đau khổ chút nào. Tuy đã trải qua nhiều điều phiền muộn day dứt, nhưng bà cụ chưa còng, mắt vẫn sáng. Bà cụ thích những bữa ăn thịnh soạn, những bộ quần áo đẹp, màu sắc sặc sỡ. Những chuyện không vui xảy ra chung quanh, bà cụ vờ như không trông thấy, nếu không thì cũng cố ý che giấu đi. Bà cụ chỉ muốn tận hưởng những điều vẻ vang và uy danh của ông con cả mang lại. Ấy thế mà lần này, bỗng chứng viêm phổi đột nhập vào cơ thể khỏe mạnh của bà cụ, không cho bà cụ chuẩn bị tinh thần trước chút nào may ra giảm bớt phần nào thế hung dữ của con ma bệnh tật... Nó không đục khoét sinh lực con người ta, không làm cho người ta dần dần cảm thấy mệt mỏi đối với cuộc sống, chán ghét cái hoàn cảnh sinh ra đau khổ mà hướng về một thế giới khác, một hoàn cảnh khác và về nơi an nghỉ vĩnh viễn... Bà cụ tuy tin ở tôn giáo, song trước sau bà cụ không có ý muốn từ giã cõi đời. Bà cụ nghĩ một cách mơ hồ rằng, nếu trận ốm này là trận ốm cuối cùng trong đời bà cụ, thì đến giờ phút chót nó sẽ làm cho sức chống cự của bà cụ tiêu hao một cách nhanh chóng như một tiếng sét không kịp bịt tai, nó giày vò thể xác bà cụ, buộc bà cụ phải thành thật thừa nhận mình là kẻ chiến bại. Nghĩ tới đó, bà cụ không rét mà run cầm cập.

Bà cụ luôn miệng cầu nguyện, nhưng lại xem xét bệnh tình của mình nhiều hơn. Hễ đầu óc tỉnh táo, là bà cụ không bắt mạch, đo nhiệt độ thì cũng vật lộn với những cơn ho... Nhưng mạch của bà cụ vẫn đập không đều, cơn sốt hạ xuống ít nhiều nhưng sau đó lại tăng lên rất cao, làm cho bà cụ đang rét lại chuyển sang sốt cao, mê sảng, ngoài ra bà cụ ngày càng ho nặng, lục phủ ngũ tạng đau đớn vô cùng. Sở dĩ như thế là vì chỗ viêm phía cuối phổi bên phải đã lan ra khắp cả lá rồi. Phổi bên trái cũng có hiện tượng bị nhiễm. Bác sĩ Langhals nhìn vào móng tay mình nói, đó là bệnh “gan biến dạng”. Bác sĩ Grabow thì im lặng không nói gì... Cơn sốt cao kéo dài, không bao lâu dạ dày mất cơ năng, sức khỏe bà cụ ngày càng sa sút, mặc dù rất chậm nhưng không sao cứu vãn được.

Bà cụ hết sức chú ý đến chuyện đó, hễ ăn được là cố hết sức ăn hết những thức ăn nhiều chất bổ người nhà mang đến. Bà cụ nhớ giờ uống thuốc hơn cả cô hộ lý. Bà cụ để cả tâm trí vào bệnh tật của bà cụ, đến nỗi ngoài bác sĩ ra bà cụ hầu như không muốn nói chuyện với ai khác hay ít nhất cũng có thể nói bà cụ chỉ thích nói chuyện với bác sĩ mà thôi. Lúc đầu, bác sĩ còn cho một số người quen đến thăm, ví dụ như các người trong “Dạ hội Jerusalem”, mấy bà có tuổi thường hay đi lại với bà cụ, vợ ông mục sư, vân vân. Nhưng đối với những người ấy bà cụ tỏ ra lạnh nhạt hay bề ngoài tỏ ra thân thiết nhưng cũng có thể thấy trong lòng thì không để ý gì đến họ, hơn nữa, bà cụ còn đuổi khéo họ. Người trong gia đình thấy thế lấy làm đau khổ. Có lúc bà cụ lạnh nhạt đến mức họ hỏi bà cụ không thèm trả lời, ý muốn nói: “Các người chẳng đỡ đần cho ta được gì đâu!”. Ngay cả khi thấy bà cụ đỡ được phần nào, Hanno tới thăm, bà cụ cũng chỉ vuốt má chú bé qua loa một cái rồi quay mặt đi. Nhìn điệu bộ, người ta cũng có thể biết bà cụ đang nghĩ gì. Bà cụ nghĩ: “Cháu ơi, cháu bà ngoan lắm! Nhưng chắc bà không sống được bao lâu nữa!”. Đối với hai vị bác sĩ thì bà cụ tiếp rất niềm nở, nhiệt tình chứ không có vẻ gì là chán cả...

Một hôm, hai cụ bà họ Gerhardt, tức là hai cụ con cháu cụ cố Paul Gerhardt đến. Họ vẫn khoác áo choàng, đội mũ bèn bẹt như chiếc nấm và tay xách túi lương thực. Họ vừa đi bố thí cho kẻ nghèo khó về. Người nhà không tiện ngăn hai cụ vào thăm bà bạn đang ốm. Khi vào, không có ai đứng đấy cả, chỉ có trời mới biết họ đứng bên giường thầm thì những gì với bà cụ tham. Có điều, khi họ đi ra, ánh mắt và vẻ mặt họ có vẻ tươi tỉnh, dịu dàng và thần bí khác hẳn với ngày thường nhiều, mà bà cụ cũng thế, bà cụ nằm ở đấy, khí sắc hồng hào hơn bất cứ lúc nào hết. Tuy quãng cách giữa hai hơi thở của bà cụ khá lâu, nhưng lại rất đều đặn, có vẻ như suy yếu dần. Bà Tony đi theo sau hai cụ họ Gerhardt, cằn nhằn điều gì rồi cho người đi mời bác sĩ đến ngay. Hai vị bác sĩ vừa ló mặt vào thì bà cụ tham bỗng thay đổi một cách ghê gớm, khiến người ta phải kinh ngạc. Bà cụ như vừa tỉnh khỏi một giấc mơ, rồi vật vã như người muốn bật trở dậy. Thoáng nhìn thấy hai vị bác sĩ không lấy gì làm cao tay cho lắm, có lẽ bà cụ lập tức từ trên thiên đàng rơi xuống trần gian. Cụ dang hai cánh tay về phía hai vị, vội vàng nói:

— Xin chào hai ông! Bây giờ tôi như thế đấy, suốt ngày hôm nay...

Nhưng chuyện hai lá phổi của bà cụ bị viêm không làm sao che giấu nổi nữa rồi!

— Vâng, ông nghị thân mến - Bác sĩ Grabow cầm chặt hai tay ông Thomas Buddenbrook nói. Chúng tôi không thể chặn nổi, bây giờ đã lan sang cả hai lá phổi rồi. Việc này ông cũng biết như chúng tôi, tình hình nghiêm trọng đấy. Tôi không biết lựa lời che giấu ông, xét về bệnh tật, thì dù bệnh nhân hai mươi hay bảy mươi tuổi cũng đáng lo. Giá hôm nay ông hỏi tôi có cần phải viết thư hay đánh điện cho ông Christian không, thì tôi nghĩ tôi không ngăn cản ông nữa... Luôn tiện xin hỏi thăm một tí, tình hình ông ấy gần đây thế nào? Ông ấy là người vui tính, dí dỏm lắm, tôi rất thích ông ấy... Nhưng mà, ông nghị thân mến ạ, có Thượng đế chứng giám cho, xin ông chớ có hiểu nhầm những lời tôi vừa nói, rồi suy nghĩ tận đẩu tận đâu! Không nên nghĩ rằng sẽ xảy ra chuyện gì hiểm nghèo ngay lập tức. Chao ôi, tôi thật là vớ vẩn, chẳng ý tứ gì, làm sao tôi có thể nói như thế nhỉ? Có điều, nói thì nói vậy, trong trường hợp này cũng nên dè chừng chuyện bất trắc có thể xảy ra... Chúng tôi rất lấy làm hài lòng có một bệnh nhân như thế. Cụ nhà hợp tác với chúng tôi rất chặt chẽ, chưa lúc nào khiến chúng tôi cảm thấy lúng túng... Dứt khoát không phải chúng tôi nói nịnh đâu, thật tình hiếm có những bệnh nhân ôn tồn hòa nhã như thế! Cho nên còn nhiều hy vọng lắm, ông nghị thân mến ạ! Chúng tôi cố xoay xở cho mọi việc trở nên tốt lành!

Mấy ngày sau, tuy người trong gia đình vẫn còn hy vọng, một thứ hy vọng đầy giả tạo, không hẳn là đã thật tâm. Vẻ mặt của bà cụ tham cũng thay đổi rất nhiều, trông lạ hẳn, chẳng giống ngày thường chút nào. Bà cụ thường thốt ra những lời kỳ quặc, chẳng ai biết trả lời ra sao cả. Dường như mấy câu nói đó đã cắt đứt con đường trở về cuộc sống của bà cụ và đưa bà cụ sang thế giới bên kia. Dù bà cụ là người thân nhất của họ, họ cũng không làm sao cho bà cụ đứng dậy để rồi trở về với họ. Dù cho họ có tài cải tử hoàn sinh thì bà cụ cũng chỉ có thể như người ở trong quan tài chui ra, mang theo âm khí nặng nề khủng khiếp.

Tuy tay chân của bà cụ bị ý chí ngoan cường của bà cụ chi phối nên vẫn còn cử động được, nhưng những triệu chứng khủng khiếp báo hiệu thể xác bà cụ sắp sửa tê dại rã rời đã lần lượt xuất hiện. Kể từ ngày bà cụ bị cảm nằm không dậy được cho đến nay đã mấy tuần lễ rồi, mụn nhọt nổi đầy người, vỡ ra rồi chảy nước càng ngày càng trầm trọng. Bà cụ không ngủ được tí nào vì mụn nhọt, ho hen, ngạt thở, hai là vì bản thân bà cụ không muốn ngủ, lúc nào cũng cố giữ cho thật tỉnh táo. Chỉ có những lúc sốt cao, bà cụ mới mê đi mấy phút, nhưng dù tỉnh bà cụ cũng luôn luôn lớn tiếng chuyện trò với những người đã từ giã cõi đời từ lâu. Một hôm, vào lúc chập tối, bỗng bà cụ nói to: “Vâng, anh Jean thân mến, em đây!”. Giọng bà cụ hơi run run nhưng lại rất niềm nở, vả lại hình như bà cụ đang trả lời một người đứng sát trước mặt bà cụ. Nghe bà cụ trả lời như vậy, hầu như bà cụ cũng muốn tin là mình cũng như nghe giọng cụ tham ông qua đời từ lâu đang gọi cụ tham bà.

Ông Christian đã về. Theo ông nói, ông đi Hamburg có chút việc. Ông chỉ ở trong phòng bệnh một lát rồi đi ra ngay, vừa đảo mắt, vừa lau trán nói:

— Sợ quá... sợ quá.. tôi không chịu nổi!

Mục sư Pringsheim cũng tới. Ông ta lạnh lùng nhìn nữ tu sĩ Leandra một cái rồi đứng trước giường bà cụ cầu nguyện, giọng lên bổng xuống trầm.

Mấy ngày sau đó, bà cụ đỡ được ít nhiều, đó là hồi quang của luồng ánh sáng sắp tắt. Nhiệt độ giảm xuống, sức lực như hồi phục, đỡ đau nhiều, đồng thời bà cụ cũng nói được vài ba câu tỉnh táo, làm cho mọi người chứa chan hy vọng, nước mắt trào ra vui sướng...

— Này này, chúng ta có thể giữ bà ở lại được, chúng ta có thể giữ bà ở lại được - Ông Thomas Buddenbrook nói - Năm nay chúng ta còn được ăn tết Noel với bà, nhưng nhất định không để bà phấn khởi như năm ngoái...

Nhưng đêm hôm sau, bà Gerda và chồng vừa lên giường ngủ thì bà Tony cho người đến mời cả hai vợ chồng tới phố Meng ngay. Bà cụ tham đang vật vã sắp chết. Bên ngoài gió rít từng cơn, những giọt mưa lạnh đập vào cửa kính kêu lách tách.

Khi hai vợ chồng ông nghị vừa bước vào phòng, hai vị bác sĩ đã tới rồi, trên bàn đặt hai cọc nến hình cành cây. Ông Christian ở trên phòng ngủ cũng có người mời xuống, đang ngồi lom khom quay lưng về phía giường, hai tay chống trán. Ông anh ruột bà cụ, cụ Justus Kröger, đã có người đi mời rồi. Bà Tony và cô Erika Weinschenk ngồi dưới chân giường khóc thảm thiết. Nữ tu sĩ và chị Severin không có việc gì làm, rầu rĩ nhìn người bệnh.

Bà cụ tham nằm ngửa trên giường, phía sau lưng kê một chồng gối, hai bàn tay run lẩy bẩy, quờ quạng cái chăn đắp trên người. Hai bàn tay này trước kia đẹp là thế, dưới làn da trắng mịn nổi lên từng đường gân xanh, bây giờ thì khô đét như que củi. Đầu bà cụ đội cái mũ ngủ màu trắng, chốc chốc lại trở qua trở lại trên gối, người nhà trông thấy ruột gan cứ rối lên. Bà cụ thở rất vất vả, khổ sở, hai làn môi đã co rúm lại, mím vào như đang nuốt thứ gì. Hai con mắt lõm xuống, hốt hoảng nhìn hết nơi này lại nhìn nơi nọ, có lúc nhìn chằm chằm những người đứng bên cạnh như ghét lắm. Những người này quần áo gọn gàng, hít thở tự do, được làm chủ tính mệnh họ, nhưng bó tay trước người sắp chết. Sự hy sinh duy nhất của họ chỉ là giương mắt nhìn cái cảnh thê thảm này mà thôi. Đêm dần dần trôi qua, người bệnh vẫn không có gì thay đổi.

— Ông xem, có thể được bao lâu nữa?

Nhân lúc bác sĩ Langhals đang tiêm cho bà cụ tham một ống thuốc gì đó, ông Thomas Buddenbrook kéo bác sĩ Grabow ra sau nhà, hỏi khẽ. Bà Tony lấy mùi soa che miệng cũng bước tới:

— Khó nói lắm, ông nghị ạ - bác sĩ Grabow trả lời - có thể năm phút nữa cụ nhà tắt thở, cũng có thể mấy tiếng đồng hồ nữa... Tôi không muốn khẳng định. Hiện giờ phổi cụ nhà chứa đầy nước... Chúng tôi gọi là bệnh “tràn dịch phổi”.

— Tôi biết rồi - bà Tony vừa cướp lời vừa gật gật đầu sau chiếc mùi soa, nước mắt chảy xuống gò má - thường là do viêm phổi gây nên... lá phổi dần dần chứa đầy nước, tình hình nghiêm trọng thì người bệnh sẽ tắt thở. Đúng, tôi biết rồi...

Ông nghị khoanh chặt hai tay trên ngực, mắt nhìn sang giường mẹ: - Chao ôi, đau đớn quá! - Ông nói khẽ.

— Không đâu! - Bác sĩ Grabow cũng nói khẽ, nhưng giọng nói của ông có nhiều uy quyền đồng thời trên khuôn mặt dài của ông cũng nổi lên rất nhiều nếp nhăn làm cho vẻ cương quyết trong giọng nói tăng lên. - Đó là ta tưởng tượng đấy thôi, xin các vị tin ở lời tôi, các ông bạn thân mến ạ, đó là ta tưởng tượng... Cụ nhà không còn tỉnh táo nữa... Các vị trông đấy, hầu hết là những động tác do phản xạ... Xin các vị tin ở lời tôi nói...

Ông Thomas trả lời:

— Chỉ mong như vậy!

Nhưng dù là một đứa trẻ nhìn ánh mắt của bà cụ tham cũng thấy rõ, bà cụ không hề mất đi một chút tri giác nào, và cái gì bà cụ cũng biết hết...

Mọi người đang ngồi an vị, cụ tham Kröger cũng đã tới. Cụ ngồi cạnh mép giường, mắt đỏ ngầu, người tựa vào chiếc ba-toong.

Cử chỉ của bà cụ tham càng rối loạn. Bà cụ đã vào tay Thần chết rồi. Từ đỉnh đầu đến gót chân bà cụ đau khủng khiếp. Lại có cảm giác cô đơn tuyệt vọng không sao thoát khỏi. Hai con mắt theo cái đầu quay đi quay lại như đang kể lể nỗi khổ đau và cầu xin người khác thương tâm, có khi nhắm tịt lại, có lúc trợn ngược lên thấy rõ cả những tia đỏ trong con ngươi. Nhưng người bệnh vẫn chưa mất hết tri giác.

— Tôi không chịu nổi!

Đồng hồ gõ ba tiếng. Ông Christian đứng dậy rồi vịn vào bàn ghế khập khiễng bước ra khỏi cửa phòng. Lúc này Erika Weinschenk và chị Severin đang bị tiếng rên đều đều của bà cụ tham thôi miên đã ngủ say sưa trên ghế, mặt người nào cũng đỏ ửng.

Khoảng bốn giờ, bệnh tình bà cụ nguy kịch, người nhà đỡ bà cụ dậy, liên tục lau mồ hôi trán cho bà cụ. Hầu như lúc này bà cụ không thể thở được nữa, và mỗi lúc một tỏ ra khiếp sợ hơn.

— Tôi muốn... ngủ một lúc...! - Bà cụ ráng sức nói - Cho tôi viên thuốc... - Nhưng họ lại không muốn cho bà cụ uống thuốc ngủ.

Bỗng bà cụ lại nói mê sảng như vừa nãy, hình như bà cụ trả lời một câu hỏi mà mọi người chẳng ai nghe thấy.

— Ồ, anh Jean, em sẽ đến ngay bây giờ...! - Tiếp đó lại nói - Này, Klara, con, mẹ sẽ đến...!

Sau đó bà cụ lại giãy giụa... Bà cụ vật lộn với Tử thần chăng? Không phải, bây giờ bà cụ đang vật lộn với sự sống để mà được chết đi.

— Tôi muốn... - bà cụ thở hổn hển - tôi không thể... ngủ được...! Bác sĩ ơi, thương tôi với! Cho tôi ngủ một lát...!

Câu “thương tôi với” làm cho bà Tony khóc òa lên, ông Thomas cũng đưa hai tay ôm lấy đầu, khẽ rên rỉ. Nhưng các bác sĩ biết trách nhiệm của mình. Bất cứ trường hợp nào, họ cũng cố hết sức làm cho người bệnh nán lại ở trần gian càng lâu càng hay, tuy lúc đó chỉ cần một ít thuốc mê là có thể làm cho linh hồn người bệnh thoát ra khỏi thể xác không phải cầm cự. Chức trách của người thầy thuốc ở trên thế gian này không phải là thôi thúc cho người ta chết nhanh mà phải gìn giữ tính mạng người bệnh bằng bất cứ giá nào. Ngoài ra, họ làm như vậy cũng có những căn cứ về tôn giáo và đạo đức. Rất có thể họ đã nghe những luận điệu đó ở trường đại học, mặc dù trước mắt chưa chắc họ đã nghĩ đến. Không những họ không làm theo lời người bệnh, trái lại họ tiêm các thuốc cho tim người bệnh đập hơn. Với lại, đã mấy lần họ dùng biện pháp làm cho người bệnh nôn cho đỡ đau.

Đến năm giờ, cơn đau đã đến mức không thể đau hơn được nữa. Người bà cụ tham giật giật rồi ngay đơ ra, mắt trợn ngược, tay duỗi thẳng, sờ mó hết cái này đến cái nọ, hình như muốn nắm lấy vật gì, muốn kéo tay người nào đó đang chìa về phía mình. Bà cụ ngước lên nhìn không trung và bốn chung quanh, luôn miệng trả lời những tiếng kêu gọi chỉ một mình bà cụ nghe thấy. Dường như lúc này, những tiếng kêu gọi đó mỗi lúc một dồn dập, cấp bách. Cảm giác của những người xung quanh là hình như không riêng gì người chồng và cô con gái đã quá cố mà còn có cả cha mẹ, ông bà, và không biết bao nhiêu người từ giã cõi đời trước bà cụ cùng đến đón bà cụ đi. Bà cụ gọi một số tên nghe lạ lắm, thậm chí người trong nhà cũng không thể biết được người nào đã qua đời có tên như thế.

— Ôi! - Bà cụ vừa gọi vừa lắc đầu về bốn chung quanh... - Tôi... đến... đến ngay... đến ngay... một lát nữa thôi... Chao ôi!... Tôi không thể... Cho tôi xin ít viên thuốc... các ông bác sĩ ơi!...

Sáu giờ rưỡi, bà cụ tham nằm yên được một chút. Nhưng chỉ một lát sau, bộ mặt già nua, bệnh tật giày vò làm cho khác hẳn, bỗng run lên rồi lộ vẻ vừa vui sướng, vừa sợ hãi. Khí sắc thì vừa ôn hòa, vừa ảm đạm, trông mà khiếp. Bà cụ vội duỗi tay ra thật nhanh đồng thời hét to lên một tiếng, vừa có phần sợ hãi vừa có phần thân thiết, ngoan ngoãn tuân theo. Tiếng thét của bà cụ hốt hoảng, cấp bách khiến người ta cảm thấy giữa tiếng ai đó kêu gọi và tiếng bà cụ tham trả lời chỉ cách nhau có một tích tắc đồng hồ - “Tôi đến đây!”, và thế là bà cụ từ giã cõi đời.

Ai nấy sợ run. Cái gì thế nhỉ? Ai gọi bà cụ khiến bà cụ đi ngay không chần chừ một phút thế nhỉ?

Có người mở rèm cửa và tắt nến. Bác sĩ Grabow vẻ mặt dịu dàng vuốt mắt cho bà cụ.

Ánh nắng thu nhàn nhạt yếu ớt dọi khắp gian phòng, người nào cũng run lên. Nữ tu sĩ Leandra lấy một miếng vải che tấm gương thường soi khi mặc quần áo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx