sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Qua cánh cửa mở rộng có thể nhìn thấy bà Tony đang ngồi cầu nguyện trong gian phòng bà cụ tham đã từ trần. Một mình bà quỳ trước cái ghế để cạnh giường, áo tang quét đất, hai tay nắm chặt để trên mặt ghế, đầu cúi xuống, miệng rì rầm... Rõ ràng là bà nghe tiếng anh trai và chị dâu bước vào phòng ăn sáng, nghe tiếng hai anh chị chần chừ đứng lại, chờ bà cầu nguyện xong, nhưng không vì thế mà bà đọc nhanh hơn. Mãi đến khi đọc xong bài kinh, bà còn ho khan mấy tiếng mới thong thả sửa lại quần áo, cử chỉ hết sức trang nghiêm, rồi đứng dậy, đi về phía vợ chồng ông nghị. Bà bước nhẹ nhàng uyển chuyển, không có vẻ gì là vội vàng hấp tấp cả.

— Anh Thomas - Bà nói, giọng nghiêm nghị - thấy me nuôi con Severin đúng là nuôi ong tay áo.

— Làm sao?

— Nó làm em giận chết đi được. Đứt gan đứt ruột đi với nó. Ai đời người ta đang đau khổ như thế mà nó lại làm một việc bỉ ổi vô cùng, phá cả sự đau khổ của người khác. Anh thử nói xem, tại sao nó lại làm như thế?

— Là chuyện gì cơ chứ?

— Trước hết, nó tham lam quá thể, đến mức không chịu nổi. Nó mở tủ áo lấy những bộ quần áo lụa và xa-tanh của me, kẹp vào nách rồi định chuồn. “Severin” - em gọi nó lại. “Mày mang quần áo đi đâu đấy hả?” “Cụ hứa cho con những bộ quần áo này”. “Severin này!”. Em nén giận, dùng những lời ngọt ngào nói cho nó hiểu rằng, hành động hấp tấp đó của nó quả thật chẳng ra thể thống gì. Anh đoán xem, lời nói của em có hiệu nghiệm gì không. Không những nó lấy quần áo lụa và xa-tanh, mà còn lấy cả một bọc quần áo lót nữa. Em không thể giằng co với nó được, có phải không? Mà không riêng gì một mình nó, bọn đầy tớ gái cũng mang từng giỏ quần áo của me đi... Chúng nó cả gan chia của trước mặt em, vì Severin giữ chìa khóa tủ quần áo. Em hỏi: “Chị Severin, chị cho tôi xin chùm chìa khóa!”. Anh biết nó trả lời em như thế nào không? Không ngờ nó câng câng cái mặt nói là em không có quyền sai bảo nó, nó không phải là kẻ hầu hạ em, không phải em thuê mướn nó, nó phải giữ chìa khóa cho đến ngày nó đi khỏi nhà này mới thôi!

— Chìa khóa tủ đựng đồ bạc ở trong tay cô phải không! Thế là được rồi, những cái khác kệ thây nó. Gia đình này tan nát cũng không tránh khỏi những chuyện đó. Đặc biệt là hai năm gần đây, trong gia đình này không còn gì là thể thống nữa. Bây giờ anh không muốn làm to chuyện này ra, vả lại những bộ quần áo đó cũng hết cả rồi... Chúng ta thử lục xem còn sót những thứ gì. Em có sổ kê tài sản không? Ở trên bàn ấy à? Thôi chúng ta xem ngay đi...

Họ vào phòng ngủ. Bà Tony lật mảnh vải trắng đắp trên mặt mẹ. Họ đứng im trước giường một lúc lâu. Bà cụ tham đã được liệm bằng vải đoạn, chiều hôm nay sẽ nhập quan trong gian phòng lớn. Từ khi bà cụ tắt thở đến lúc này đã hai mươi tám tiếng đồng hồ rồi. Vì không có bộ răng giả nên miệng và hai má bà cụ hóp xuống, trông già khọm, còn cằm thì nhô ra. Khi cả ba người buồn rầu nhìn vào đôi mắt nhắm nghiền của người chết, hầu như họ không nhận ra đó là khuôn mặt của mẹ họ nữa. Nhưng dưới cái mũ bà cụ thường đội ngày lễ, vẫn là bộ tóc giả vàng hoe, bóng mượt chẳng khác gì lúc sinh thời. Đó chính là bộ tóc giả mà ba cô tiểu thư ở phố Breiten thường hay chế giễu... Trên tấm chăn đắp cho người chết rắc đầy hoa.

— Vòng hoa đẹp nhất đã mang tới rồi - bà Tony nói khẽ - Nhà nào cũng mang vòng hoa đến viếng... Chao ôi, giống như trên đời này ai cũng có phần cả. Em xếp cả ở hành lang. Thế nào lát nữa anh chị cũng thấy. Chị Gerda và anh Tom ạ, nhìn những vòng hoa ấy trông vừa đẹp vừa thương tâm. Có những dải xa-tanh rộng thế này cơ!

Ông nghị hỏi:

— Trong phòng lớn bày biện thế nào rồi?

— Sắp xong rồi, anh Tom ạ! Bây giờ gần đâu vào đấy rồi. Ông Jakob, họa sĩ trang trí nội thất, bận luôn tay luôn chân. Lại còn - bà thút thít khóc một lúc - cỗ áo quan cũng vừa mang đến. Bây giờ anh chị có thể cởi áo ngoài ra được rồi đấy. - Bà vừa nói vừa thận trọng kéo mảnh vải trắng phủ mặt như cũ - Ở đây rất lạnh, nhưng trong phòng ăn sáng có phần ấm hơn... Để em giúp chị một tay. Chị Gerda này, cái áo khoác đẹp thế này phải cẩn thận đấy... Em hôn chị một cái được không? Tuy chị lúc nào cũng ghét em, nhưng em thích chị lắm, chị có biết không? Không được, để em cởi mũ cho, nhất định không thể để mái tóc chị rối tung lên. Mái tóc chị đẹp lắm. Lúc me còn trẻ, mái tóc me cũng giống như tóc chị. Tất nhiên là xưa nay chưa bao giờ me đẹp như chị, nhưng có một dạo, lúc đó me đã đẻ em rồi, me đẹp lắm! Nhưng bây giờ thì giống như Groblelen thường nói: “Rốt cuộc rồi người nào cũng xuống đất cả!”. Không phải hay sao? Câu đó là của kẻ đầu óc đơn giản như anh ta nói đấy! À, anh Tom này, ở đây có mấy quyển sổ quan trọng...

Lúc này họ đã trở về gian phòng bên cạnh, ngồi quanh cái bàn tròn. Ông nghị cầm lấy cuốn sổ ghi đồ đạc, những thứ này sẽ chia cho mấy người con và mấy người thân thuộc. Mắt bà Tony không rời khỏi mặt anh trai một phút nào, thần sắc bà vừa nghiêm nghị vừa vui mừng. Bà đang ấp ủ trong lòng một điều khó nói ra, nhưng rồi lát nữa cũng phải nói ra để bàn bạc.

— Tôi nghĩ - ông nghị nói - chúng ta nên làm theo tục lệ xưa nay, lễ vật của ai trở về nguyên chủ. Như vậy...

Bà nghị cắt lời chồng:

— Cho em nói xen một câu, anh Thomas. Em thấy... chú Christian bây giờ ở đâu nhỉ?

— Trời ơi! Anh Christian... - Bà Tony kêu lên - Chúng ta quên mất anh ấy!

— Phải đấy! - Ông nghị bỏ cuốn sổ trong tay xuống - Chưa ai đi gọi chú ấy à?

Bà Tony liền chạy đến kéo chuông. Nhưng ngay lúc đó ông Christian tự tay mở cửa ra, đi vào. Ông bước vội vàng, đóng sầm cửa lại, rồi chau mày đứng giữa nhà, đôi mắt bé tí, tròn xoay và sâu hoắm, hết đảo sang trái rồi đảo sang phải chứ không nhìn ai cả. Cái miệng dưới chòm râu dày khít hung hung đỏ lại mím chặt, vẻ bồn chồn. Hình như ông ta đang bực mình chuyện gì, đang tìm cớ sinh sự với ai.

— Nghe nói anh chị và cô Tony ở đây - Ông ta nói, giọng hơi bực bội - Nếu anh chị và cô bàn chuyện ấy thì ít ra cũng phải bảo tôi một tiếng với chứ!

— Chúng tôi đang định tìm chú - Ông nghị lạnh lùng nói - Ngồi xuống đây!

Khi nói chuyện, ông nghị nhìn đăm đăm vào cái cổ áo giả màu trắng của ông Christian. Bộ đồ tang ông đang mặc trên người không ai có thể tìm ra chỗ nào không hợp quy cách: áo khoác ngoài vải đen, sơ mi trắng tinh, nơ đen to tướng, cái khuy đen trên ngực thay cái khuy vàng ngày thường của ông. Chắc ông Christian thấy ánh mắt của ông anh, vì khi kéo cái ghế tới để ngồi, ông đưa tay sờ lên ngực, nói:

— Tôi biết là tôi đeo cổ áo giả màu trắng, tôi chưa có thì giờ đi mua cái khác màu đen, hay nói thẳng ra rằng tôi cố tình bỏ qua. Mấy năm gần đây, tôi thường phải đi vay năm schilling để mua thuốc đánh răng. Khi đi ngủ phải dùng diêm soi đường... Tôi không hiểu có phải mình sai hoàn toàn không? Với lại, điều quan trọng nhất trên đời này không phải là cái cổ áo giả màu đen. Tôi không để ý bề ngoài. Xưa nay tôi cho bề ngoài chẳng quan trọng gì cả.

Khi ông ta nói, bà Gerda cứ nhìn ông ta mãi, nghe tới đây, bất giác bà cười khẽ. Nhưng ông nghị thì lại nói:

— Để tôi xem, liệu chú thực hiện câu nói cuối cùng của chú được bao lâu?

— Thế ư? Chắc anh biết rõ lắm rồi, anh Thomas! Tôi chỉ nói là tôi không coi trọng chuyện ấy. Trước đây, tôi từng trải nhiều lắm rồi, đã giao du với đủ các hạng người, cũng đã biết được phong tục tập quán các nơi. Tôi không thể... với lại tôi cũng đã là người đứng tuổi rồi - Ông ta cất cao giọng - Tôi đã bốn mươi ba tuổi, tôi làm chủ thân tôi và không cho phép ai can thiệp vào chuyện riêng của tôi.

— Tôi thấy hình như chú có chuyện gì trong lòng thì phải - Ông nghị giật mình nói - Về cái cổ áo giả, nếu tôi không nhớ sai thì tôi chẳng nói gì hết. Chú thích mặc thế nào tùy chú, chỉ mong chú đừng cho là có thể lay chuyển được tôi bằng chuyện phóng túng vặt vãnh đó...!

— Tôi không định lay chuyển anh tí nào cả!

— Anh Tom! Anh Christian! - Bà Tony nói xen vào - Chúng ta ôn tồn nói chuyện với nhau có hơn không?... Hôm nay... ở đây... phòng bên cạnh, à... anh nói tiếp đi, anh Thomas. Đồ phúng của nhà ai trả nhà nấy, phải không? Như thế phải lắm...

Thế là ông Thomas tiếp tục nói. Ông bắt đầu từ những thứ đồ đạc to tát, những thứ nhà ông dùng được thì về phần ông như cái đèn treo to ở phòng ăn, tủ áo chạm để ở hành lang, vân vân... Về chuyện này, bà Tony tỏ ra nhiệt tình. Chỉ cần người chủ tương lai tỏ ra chần chừ trước một thứ đồ vật nào đó là bà nói với điệu bộ không sao bắt chước được: - Được, để em lấy cho...

Nhìn vẻ mặt bà tưởng chừng như tất cả mọi người nên cảm ơn lòng khảng khái hy sinh của bà. Phần lớn đồ đạc trong nhà được bà giành về phần bà, cho con gái và cho cháu ngoại gái.

Ông Christian được chia mấy thứ: cái đồng hồ và chiếc đàn phong cầm. Ông ta có vẻ hả hê lắm. Nhưng khi chia đồ bạc, khăn trải giường và bát đĩa thì ông ta hăng hái quá, gần như là tham lam khiến người ta phải kinh ngạc.

— Còn tôi, còn tôi? - Ông dõng dạc hỏi - Chớ quên đấy nhé!

— Ai quên chú! Tôi đã chia cho chú... chú nghe đây này, tôi đã chia cho chú cả bộ đồ trà và cái khay bạc, còn bộ đồ ăn mạ vàng, dùng ngày lễ tết, chỉ nhà tôi mới dùng được...

— Em thích bộ đồ ăn có đường viền màu thạch lựu nhà thường dùng ấy - Bà Tony nói.

— Thế còn tôi? - Ông Christian giận dữ gào lên. Bình thường, cũng có lúc ông ta nổi nóng như thế, lúc đó má ông ta càng lõm sâu xuống, vẻ mặt ông ta khó mà tả được... - Tôi cũng muốn được chia một phần bộ đồ ăn đó! Được bao nhiêu thìa, bao nhiêu nĩa nhỉ? Tôi thấy hình như tôi chưa được chia gì cả!

— Chú lấy những thứ ấy làm gì? Chú chẳng dùng vào việc gì cả... nên để cho người nào có gia đình thì hơn.

— Để làm kỷ niệm, để cho tôi nhớ me luôn, - Ông Christian nói, vẻ không phục.

— Anh bạn thân mến này! - Ông nghị hơi bực. - Bây giờ tôi không còn bụng dạ nào đùa cợt nữa... Nhưng nghe lời chú vừa nói thì dường như chú muốn bày cái bát múc canh ở tủ chè để nhớ tới me phải không? Chú không nên nghĩ rằng bây giờ chúng tôi cố tình bịp chú. Nếu chú lấy những thứ dùng hằng ngày ít đi thì chú sẽ được những cái khác bù đắp vào. Chăn, đệm, khăn trải giường kia cũng vậy...

— Tôi không cần tiền, tôi cần chăn đệm và bộ đồ ăn.

— Chú lấy những thứ ấy làm gì?

Ông Christian trả lời một câu, câu ấy khiến bà Gerda quay ngay đầu lại, nhìn ông ta từ đầu xuống chân, ngạc nhiên hết sức và cũng làm cho ông nghị bỏ nhanh cái kính cặp ở trên mũi xuống, nhìn chằm chằm vào mặt ông em. Còn bà Tony thì ngồi bắt tréo tay lại. Câu ông nói đó là: “Ồ, nói qua mà nghe, tôi sẽ lấy vợ nay mai thôi!”.

Ông ta nói rất nhanh, rất khẽ, lại khoát tay một cái như đứng bên này bàn ném vật gì đó sang phía anh trai, rồi ngả người, tựa vào lưng ghế, vẻ mặt rầu rĩ như vừa bị ai sỉ nhục, tâm thần bứt rứt, ánh mắt cũng bàng hoàng, bất định. Mọi người im lặng một lúc lâu, cuối cùng ông nghị nói:

— Chú Christian này, thật tình mà nói, ý định đó của chú e muộn rồi. Tất nhiên, giả thử đó là ý định có thể thực hiện được, chứ không giống ý định hão huyền trước đây chú từng thưa với me...

— Tôi vẫn suy nghĩ như trước kia - Ông Christian nói, mắt vẫn không nhìn bất cứ người nào, vẻ mặt cũng không có gì thay đổi.

— Không thể thế được! Chẳng nhẽ chú chờ me qua đời rồi mới...

— Quả thực tôi đã tính như vậy. Hình như anh cho rằng, mọi sự tròn trĩnh trên đời này anh giành hết về phần mình anh cả.

— Tôi không hiểu tại sao chú lại nói những lời như vậy. Nhưng dụng ý và sự sắp đặt của chú quả thật làm cho người ta phải khâm phục. Me vừa nằm xuống được một hôm, chú đã ngang nhiên bộc lộ hành vi phản nghịch của chú...

— Là bởi vì chúng ta đã nói tới chuyện đó. Nhưng cái chính là, tôi làm như thế thì me không phải bực tức, ngày hôm nay hay sau một năm nữa cũng vậy!... Chao ôi, lạy Chúa, ý nghĩ của me trước kia cũng chưa hẳn đã đúng đâu. Chỉ vì me nhìn sự việc theo ý của me thôi, anh Thomas ạ! Me sống ngày nào, tôi tôn trọng ý của me ngày ấy. Me già rồi, me là người thế hệ trước, cái nhìn không giống chúng ta đâu...

— Tôi nói cho chú biết, về chuyện ấy, ý tôi và ý mẹ hoàn toàn giống nhau.

— Cái đó, tôi mặc!

— Chú không thể mặc được!

Ông Christian nhìn vào mắt anh trai.

— Không - Ông ta gào lên - Tôi mặc! Tôi xin nói với anh, tôi không thể nghe theo được... Tôi nên làm thế nào, tôi phải biết. Tôi là người lớn rồi...

— Ui dào! Chú nói chú là người lớn, chẳng qua là bề ngoài như thế thôi! Chú nên làm thế nào, chú chẳng biết mảy may!

— Biết chứ! Một là, hành động của tôi là hành động của người đứng đắn... Anh không biết rõ sự thật về việc này đâu, anh Thomas ạ! Có cô Tony và chị Gerda ngồi ở đây, chúng ta không tiện bàn sâu nữa. Nhưng tôi đã nói với anh rồi, tôi có bổn phận phải làm như vậy. Đứa con bé nhất, bé...

— Tôi không biết bé nào cả, mà cũng không muốn biết. Tôi chỉ biết là chú đang bị người ta xỏ chân vào mũi. Dù nói thế nào đi chăng nữa, với con người ấy, đối với người đàn bà mà chú yêu thương đó, ngoài cái nghĩa vụ trước đây chú chấp hành, thì không còn nghĩa vụ nào khác nữa cả...

— “Người đàn bà” hả anh Thomas? “Người đàn bà” hả? Anh nghĩ sai về người ta rồi! Aline?

— Im mồm! - Ông Buddenbrook gào to. Hai anh em đứng cách nhau cái bàn, đang giận dữ nhìn nhau chằm chằm. Ông Thomas mặt tái xanh, người run lẩy bẩy. Hai con mắt ti hí sâu lõm của ông Christian thì trợn tròn, đỏ ngầu, miệng cũng há to, má lõm xuống hơn ngày thường, lưỡng quyền thì nổi lên những nốt đỏ... Bà Gerda hết nhìn người này đến người nọ, vẻ giễu cợt. Còn bà Tony thì chắp hai tay lại, van xin:

— Anh Tom!... Anh Christian! Mẹ còn nằm đấy, chưa khâm liệm kia mà!

— Quả thật, chú không còn chút liêm sỉ nào nữa - Ông nghị nói tiếp - Làm sao chú có thể... hừ, chú chẳng còn chút lương tri nào nữa, làm sao ở chỗ này, trong hoàn cảnh này, chú lại còn nhắc đến cái tên ấy nữa! Sự ngu xuẩn của chú đã đến mức độ khác thường, đúng là đã thành bệnh rồi.

— Tôi không hiểu tại sao tôi không thể nhắc đến cái tên Aline được? - Ông Christian giận sôi lên, làm cho bà Gerda mỗi lúc một chăm chú nhìn ông ta - Tôi muốn nhắc đến cái tên đó để cho anh nghe đấy, anh Thomas ạ! Tôi định lấy cô ấy, vì tôi muốn có gia đình, tôi muốn nhìn cảnh êm ấm và được yên tĩnh. Với lại, tôi không cho phép... Anh nghe tôi nói không nào! Tôi không cho phép anh can thiệp vào chuyện này! Tôi có quyền tự do của tôi, tôi làm chủ thân tôi!

— Chú là đồ ngốc! Chờ ngày đọc di chúc, chú sẽ biết chú làm chủ thân chú như thế nào! Đã sắp đặt đâu vào đấy rồi. Hãy nghe tôi nói, hãy nghe tôi nói, tài sản của mẹ để lại không thể đưa cho chú để chú phá tán như chú đã phá tán ba vạn mark trước đây. Tài sản của chú còn lại sẽ do tôi trông nom, ngoài số tiền ăn tiêu hàng tháng, chú không còn được lấy thêm một đồng nào nữa... Tôi xin thề với chú...

— Hừ, bản thân anh biết rõ, kẻ nào đã xui mẹ quyết định như thế. Nhưng tôi lấy làm lạ là me không giao trách nhiệm đó cho ai khác, giao cho người nào có tình anh em thân thiết với tôi hơn anh...

Lúc này, ông Christian giận hết chỗ nói, ông ta tuôn ra những lời xưa nay chưa hề nói với ai. Ông ta nằm phục lên mặt bàn, co ngón tay trỏ lại gõ lên mặt bàn liên tiếp, râu ông ta xồm xoàm, mắt ông ta đỏ hoe, nhìn anh trai chằm chằm. Còn ông Thomas thì ngồi thẳng người ở đấy, mặt ông tái xanh, mắt lim dim nhìn lại chú em.

— Anh chỉ lạnh lùng, oán giận và khinh tôi - Ông Christian nói tiếp, giọng ồ ồ khản đặc - trong ký ức tôi, tôi chỉ nhớ là, đối với tôi, bao giờ anh cũng lạnh lùng khiến tôi thoáng trông thấy anh là đã tê tái cả ruột gan... Ừ, có lẽ anh thấy tôi nói thế thì cho là kỳ quặc, nhưng cảm giác thực của tôi là như vậy đấy!... Anh ruồng rẫy tôi, hễ nhìn thấy tôi là ghét ra mặt. Hơn nữa, rất ít khi anh nhìn thẳng vào mặt tôi. Anh có quyền gì làm như thế? Anh cũng là người, anh cũng có những thiếu sót của anh! Ừ, trong con mắt của ba me, anh là người con cưng, được chiều chuộng. Nhưng anh có hiếu với ba me như tôi, thì anh phải học ở ba me một ít tinh thần xử thế của tín đồ đạo Cơ đốc chứ! Dù không còn tình máu mủ nữa, ít ra anh cũng nên có chút ít lòng bác ái của tín đồ đạo Cơ đốc. Nhưng trái tim anh như sắt đá, anh không nhìn tôi một lần nào. Hồi ở Hamburg, tôi bị thấp khớp nằm liệt giường, anh cũng không đến bệnh viện thăm.

— Tôi còn phải lo những việc quan trọng hơn là đi thăm chú! Vả lại sức khỏe của tôi...

— Anh đau ốm gì, anh Thomas? Anh khỏe như vâm! Nếu sức khỏe anh cũng như tôi, dứt khoát bây giờ anh không thể ngồi như thế kia được!

— Có lẽ bệnh của tôi còn nặng hơn bệnh của chú.

— Anh ấy à?... Anh nói quá lời đấy! Cô Tony, chị Gerda! Anh ấy bảo bệnh anh ấy nặng hơn tôi! Sao? Anh cũng chết đi sống lại ở Hamburg vì bệnh thấp khớp phải không? Anh cũng vì cơ thể chệch choạc mà đau đến nỗi không thể chịu đựng được phải không? Dây thần kinh nửa người bên trái của anh cũng ngắn quá phải không? Các bác sĩ có uy tín chẩn đoán cho tôi như vậy đấy! Vào lúc hoàng hôn anh trở về nhà cũng trông thấy một người ngồi trên ghế xô-pha gật đầu chào anh hẳn hoi, nhưng thực tế thì không có người đó phải không?

— Anh Christian! - Bà Tony gào lên, giọng khản đặc - Anh nói cái gì vậy? Trời ơi! Tại sao hai anh lại cãi nhau như thế? Nghe các anh nói hình như ai bệnh nặng là kẻ đó lấy làm vinh hạnh! Nếu vậy thì chị Gerda và em phải nói ra... Mẹ còn chưa khâm liệm kia mà!

— Chả nhẽ chú không hiểu, cái đồ lẩm cẩm kia? - Ông Thomas Buddenbrook xúc động gào lên - Những chuyện nghe mà buồn nôn ấy là kết quả của sự trụy lạc của chú phải không? Là kết quả của việc ăn không ngồi rồi thành ra suy nghĩ bậy bạ phải không? Làm việc đi! Đừng lười biếng nữa! Đừng ngồi đắp thêm cho cái bệnh bất bệnh ấy nữa, đừng ca cẩm về bệnh tật của chú nữa! Xin nói thực với chú, nếu chú trở thành một thằng điên - không phải không thể xảy ra chuyện đó đâu - thì tôi không chảy một giọt nước mắt nào đâu, bởi vì đó là sai lầm của chú, sai lầm của một mình chú...

— Đúng như thế, tôi có chết đi, anh cũng chẳng rơi nước mắt!

— Chú chưa chết được đâu! - Ông nghị mỉa mai cay đắng.

— Tôi chưa chết được à? Ừ, cứ cho là tôi chưa chết được! Chúng ta xem ai chết trước nhé!... Làm việc! Nếu tôi không làm việc được? Nếu mãi mãi tôi không thể làm việc được! Trời ơi, mãi mãi tôi không thể làm việc được! Tôi chán ngấy! Nếu trước đây anh có thể như thế, bây giờ anh vẫn có thể như thế, vậy thì anh cứ vui mừng cho bản thân anh, nhưng xin anh chớ có phán xét người khác. Cái đó không có gì là hay ho đâu!... Thượng đế cho người này sức khỏe nhưng lại không cho người kia... Anh là người như thế! Anh Thomas - ông ta nói tiếp, mặt càng méo xệch và người mỗi lúc một chồm về phía trước, ngón tay gõ xuống bàn mỗi lúc một gấp - Anh thường tự cho anh là phải... À, xem tôi nói đến đâu rồi... Không phải là tôi muốn nói như thế, không phải tôi muốn dùng những lời lẽ này để trách anh... nhưng quả thực, tôi không biết bắt đầu từ đâu, đây chẳng qua mới chỉ là một phần nghìn, một phần vạn điều oan ức ở trong bụng tôi! Anh có địa vị ở đời, một địa vị được mọi người tôn kính, thế là anh hơn người. Đối với tất cả những gì làm cho tinh thần anh rối loạn, làm cho tâm tư anh không được yên tĩnh, dù chỉ trong chốc lát, anh cũng đều lạnh lùng gạt đi, bởi vì đối với anh, điều quan trọng nhất là tâm tư được yên tĩnh. Nhưng cho phép tôi nói với anh, đây không phải là điều quan trọng nhất, anh Thomas ạ, có trời chứng giám, đó không phải là cái chủ yếu nhất. Anh là người tự tư tự lợi, đúng, anh là hạng người như thế! Anh chửi bới, cáu gắt, giận dữ, tôi còn thích anh được. Tệ nhất là khi anh im lặng. Khi người khác nói với anh chuyện gì, bỗng anh không nói một lời nào, lặng lẽ rút lui, vừa ngạo nghễ, vừa xa xôi, rũ hết mọi trách nhiệm khỏi thân anh để người khác ngượng nghịu xấu hổ về lời nói của họ... Anh không biết thương ai, khiêm tốn với ai cả! Hừ! - Bỗng ông ta gào lên một tiếng, hai tay để phía sau đầu, đưa đi đưa lại một hồi, rồi lại đưa ra phía trước như muốn đẩy lùi mọi thứ ra... - Tôi chán ngấy rồi, nào là chu tất, tròn trĩnh, tâm tư yên tĩnh, nào là trang nghiêm, thể thống... chán ngấy tất! - Tiếng gào cuối cùng ấy hết sức chân tình, là tiếng thét tự đáy lòng, bao hàm một sự bực tức, mệt mỏi ghê gớm, bởi vậy nó có ít nhiều sức mạnh lay động người khác. Ông Thomas rụt lại, lặng đi một lát, không nói được một câu nào rồi cúi xuống nhìn phía trước, dáng mệt mỏi.

— Bây giờ tôi đã trở thành một người như thế này. - Cuối cùng, ông Thomas nói, giọng xúc động - bởi vì tôi không muốn trở thành người như chú. Giá như trong thâm tâm, tôi trở thành người trốn tránh chú, đó là bởi tôi cần đề phòng chú, bởi vì tính tình và hành vi của chú nguy hiểm cho tôi... Tôi nói thực đấy!

Ngừng một lát, ông lại nói tiếp, giọng đanh lại:

— Chúng ta đi xa quá rồi! Chú đã đọc một bài diễn thuyết về tình cảnh của tôi, tuy có phần lộn xộn nhưng chắc có ít nhiều sự thật. Nhưng bây giờ không phải là lúc chúng ta nói về tôi, mà là về chú kia! Chú có ý định lấy vợ, thì hãy bỏ ý định ấy đi! Ý định của chú không thành được đâu. Trước tiên là số lợi tức sau này tôi đưa cho chú không nhiều lắm, nhất định sẽ làm chú chán nản...

— Aline dành dụm được một ít.

Ông nghị nuốt nước bọt, cố nén không để tình cảm của mình bộc lộ ra.

— Hừ, dành dụm được một ít! Chú định gộp di sản của mẹ với số tiền người đàn bà ấy dành dụm được à?

— Đúng như thế! Tôi mong có gia đình, mong có người an ủi trong cơn bệnh hoạn. Với lại, hai chúng tôi cân xứng với nhau. Cả hai đều là người có ít nhiều nhược điểm.

— Chú còn định nuôi mấy đứa con riêng của chị ta ư?... Có nghĩa là, để cho chúng nó hưởng quyền thừa kế chứ gì?

— Tất nhiên!

— Như vậy thì sau khi chú chết, tài sản của chú rơi vào tay chúng chứ gì?

Khi ông nghị nói câu đó, bà Tony khẽ để tay lên vai ông, van xin:

— Anh Thomas, me còn chưa khâm liệm kia kìa...

— Đúng thế - Ông Christian trả lời - Tất nhiên là như vậy.

— Ấy, chú không thể làm thế được!

Ông nghị gào to, đứng phắt dậy. Ông Christian cũng đứng phắt dậy, lùi ra phía sau, một tay cầm ghế, cằm ghì vào ngực, nhìn anh trai chằm chằm, vừa lo sợ, vừa giận dữ.

— Chú không thể làm thế được - Ông Thomas Buddenbrook gào lên. Ông như người lên cơn điên, mặt tái mét, toàn thân co rúm, run lẩy bẩy - Hễ tôi còn sống thì chuyện đó không thể xảy ra được. Tôi thề với chú!... Chú phải thận trọng một tí, phải thận trọng một tí. Chúng ta gặp chuyện rủi ro, làm việc không thực tế, bị người ta giở những mánh khóe bỉ ổi ra lừa bịp, tổn thất nhiều lắm rồi, nên chú không được phép đem một phần tư tài sản của mẹ dùng cho người đàn bà ấy và mấy đứa con của chị ta!... Nhất là Tiburtius đã lừa lấy đi một phần... Chú đã làm cho gia đình ta mất mặt nhiều rồi, chú không thể đem một con đĩ về làm dâu nhà này, không thể để cho mấy đứa con nó lấy họ nhà này. Tôi không thể để chú làm như thế được, chú nghe ra chưa? Tôi không cho phép chú! - Giọng ông oang oang khắp nhà. Bà Tony nức nở ngồi co ro trong một góc xô-pha - Với lại, tôi bảo cho chú biết, chú đừng hòng làm trái lệnh tôi! Cho đến bây giờ, tôi vẫn xem thường chú... Nhưng nếu chú làm cho tôi không thể nhìn chú được nữa, thì chúng ta sẽ xem kẻ nào sẽ thiệt! Tôi nói với chú một lần nữa, chú phải thận trọng, tôi không ngần ngại gì cả! Tôi sẽ cho người tuyên bố rằng thần kinh của chú suy nhược rồi nhốt chú lại. Tôi sẽ làm cho chú bị tiêu diệt! Chú có hiểu không?

— Tôi cũng nói cho anh biết...

Ông Christian ăn miếng trả miếng, thế là anh một câu em một câu, cuộc cãi vã ầm ĩ lộn xộn đến là thảm hại, đã không có nội dung nhất định lại không có mục đích gì! Người nào cũng nghĩ cách làm cho người đang cãi nhau với mình xấu mặt, đả kích vào chỗ đau khổ của đối phương. Ông Christian lại nói về tính cách của anh trai, tìm một số chuyện không lấy gì làm hay ho từ thời xa xưa để chứng minh tính tự tư tự lợi của ông Thomas. Những chuyện vụn vặt đó ông Christian không bao giờ quên, trái lại, ông thường nhớ đến và trong lòng hết sức bực bội. Mặt khác, ông nghị cũng cố tình dùng những lời lẽ khinh miệt và dọa nạt quá đáng để trả lời chú em. Khoảng mươi phút sau khi nói ra, ông cũng có phần hối hận. Bà Gerda khẽ đưa tay lên chống đầu, nhìn hai anh em, vẻ mơ màng. Qua nét mặt bà, hoàn toàn không thể đoán được tình cảm của bà lúc đó như thế nào. Bà Tony thì luôn luôn nói, giọng đau khổ tuyệt vọng:

— Me nằm xuống chưa liệm kia kìa! Me nằm xuống chưa liệm kia kìa!

Khi trả lời ông anh mấy câu cuối cùng, ông Christian bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, cuối cùng ông ta rút lui khỏi “chiến trường”.

— Chúng ta hãy chờ xem! - Ông ta nói to, rồi giận dữ đi ra cửa. Râu rối bời, mắt đỏ hoe, áo khoác ngoài phanh ra, tay cầm mùi soa, ông vừa bước ra khỏi cửa liền đóng sầm lại một cái. Ông nghị đứng một lúc nữa. Trong phòng im ắng trở lại. Rồi ông nhìn về phía chú em vừa bước ra. Sau đó, ông lại lặng lẽ ngồi xuống, kéo mạnh quyển sổ, cầm lên, tiếp tục chia phần, giọng khô khốc. Làm xong chuyện đó, ông ngả người ra ghế, mân mê râu, đăm chiêu.

Bà Tony sợ quá, tim đập thùm thụp. Chuyện ấy, cái chuyện to tát ấy không thể trì hoãn được nữa. Phải nói ra, nhất định phải để anh ấy trả lời... Nhưng cứ như tâm trạng anh ấy bây giờ liệu anh ấy còn nghĩ gì đến lòng nhân nghĩa và hiếu thảo nữa không!

— À, anh Tom... - Bà nhìn xuống bụng bà trước rồi sợ hãi nhìn lên sắc mặt của anh mới bắt đầu nói - những đồ dùng gia đình, tất nhiên anh đã lo nghĩ chu tất cả... Những thứ chia cho chúng em, em nói những thứ chia cho Erika, cháu bé và em... đều ở đây... ở trong tay chúng em..., nhưng ngôi nhà, ngôi nhà này thì thế nào? - Bà vừa hỏi vừa len lén xoa tay.

Ông nghị không trả lời ngay. Ông tiếp tục vê râu, buồn bã suy nghĩ một lúc. Tiếp đó, ông thở dài rồi ngồi thẳng người lên.

— Nhà ấy à? - Ông nói - Nhà tất nhiên là của chúng ta, của cô, chú Christian và tôi... Thật là không phải, mục sư Tiburtius cũng có một phần. Chú ấy nhận phần của cô Klara. Một mình tôi không thể quyết định gì cả, à, phải được các cô chú đồng ý. Nhưng rõ ràng lắm rồi, càng bán nhanh càng tốt. - Khi nói câu cuối cùng, ông nhún vai một cái. Nhưng rồi sắc mặt ông thay đổi hầu như chính ông cũng hoảng sợ về lời nói của mình.

Bà Tony gục đầu xuống, không xoa tay nữa. Tay chân bà mềm nhũn.

— Được, chúng em đồng ý. - Im lặng một lúc, bà lặp lại, giọng thê thảm, thậm chí có phần cay đắng - Lạy chúa, anh Tom, anh biết đấy, anh cho là phải thì anh cứ làm, chúng em đồng ý cả thôi... Nhưng nếu cho phép em được nói xen vào vài lời cầu xin anh. - Giọng bà nhỏ dần hầu như không nghe rõ nữa, môi trên cũng bắt đầu run run - Ngôi nhà! Ngôi nhà của mẹ! Tài sản của tổ tiên chúng ta để lại! Anh em chúng ta đã sống hạnh phúc ở trong ngôi nhà này! Vậy mà nay lại bán đi...!

Ông nghị nhún vai:

— Cô hãy tin lời tôi. Tất cả những điều cô nói cũng là những điều lương tâm tôi áy náy... Nhưng đó không phải là lý do cản trở việc này của chúng ta, đó chẳng qua chỉ là tình cảm của chúng ta thôi. Nên làm thế nào thì phải làm thế ấy. Chúng ta có một khoảnh đất rộng lớn ngần ấy, để làm gì? Bao nhiêu năm nay, kể từ ngày ba qua đời, cả dãy nhà sau đã bắt đầu đổ rồi, phòng đánh bi-a chuột đã làm tổ, bước vào sợ nền nhà sụp xuống. Phải, giá như tôi không có ngôi nhà mới ở ngõ Hàng Cá... Nhưng đã làm rồi, cô bảo nên giải quyết như thế nào? Chả nhẽ bán đi hay sao? Cô thử nói bán cho ai? Bán đi, thì số tiền bỏ ra đại khái mất đi một nửa. Chao ôi, cô Tony này, đất đai của chúng ta nhiều lắm, nhiều đến nỗi không thể dùng hết được! Dãy nhà kho, hai ngôi nhà lớn! Giá trị đất đai và số vốn lưu động thường tạo thành một tỷ lệ nhất định! Không, phải bán đi, bán quách đi...!

Nhưng những lời ông nói, bà Tony không thể nghe lọt tai được nữa. Bà ngồi co ro trên ghế, suy nghĩ mông lung, mắt đang nhìn mơ màng về phía trước, nước mắt nhòe ra.

— Gia đình chúng ta... - Bà ấp úng - em còn nhớ khi người ta đến chúc mừng gia đình ta dọn về nhà mới, chúng ta chỉ mới cao bằng ngần này. Lúc đó, cả nhà đông đủ. Bác Hoffstede đọc một bài thơ... Bài thơ ấy ở trong cặp giấy tờ... Em còn thuộc lòng... Phòng phong cảnh, phòng ăn... hàng loạt khách đến mừng!

— Đúng thế đấy, cô Tony ạ! Khi ông nội tậu cái cơ nghiệp này, nhất định những người bỏ ra đi cũng nghĩ như thế. Họ hết tiền, phải dọn đi. Bây giờ chết cả rồi, xương cốt đã thành đất bụi. Trong đời không có yến tiệc nào không tan. Gia đình ta chưa đến nỗi sa sút như gia đình Ratenkamp. Khi từ biệt ngôi nhà này đi, tình cảnh ta còn khá hơn họ nhiều. Chúng ta nên coi đó là hạnh phúc, cần phải cảm tạ Thượng đế...

Những tiếng nức nở đau khổ cắt lời nói của ông. Bà Tony để mặc cho nỗi đau khổ bộc lộ ra ngoài, thậm chí nước mắt chảy xuống gò má bà cũng không buồn lau, bà chồm người về phía trước, rồi co rúm lại, từng giọt nước mắt nóng hổi rơi lã chã xuống bàn tay mềm nhũn để trên đầu gối, bà cũng mặc.

— Anh Tom! - Cuối cùng bà nói, giọng bà lúc này nghẹn ngào, có vẻ kiên quyết, khiến người ta phải xúc động - anh không hiểu được tâm trạng của em bây giờ như thế nào, anh không hiểu được. Em gái anh suốt đời không được sống ưng ý một ngày nào cả. Số phận cứ giày vò mãi. Tất cả những gì hẩm hiu, không tưởng tượng nổi trên đời đều đổ vào đầu em. Thật em không hiểu em có tiền oan nghiệp chướng gì. Nhưng tất cả những chuyện đó em chịu đựng được. Anh Tom, em chưa hề nản lòng bao giờ, dù là chuyện Grünlich, chuyện Permaneder hay là chuyện Weinschenk cũng vậy thôi. Bởi vì ông trời mỗi lần muốn vùi dập em, em vẫn không chịu cùng đường. Trong lòng em, trước sau vẫn có một chỗ, một cái cảng tránh gió, có thể nói như vậy. Em sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu thì em vẫn có thể về đó trốn tránh mọi tai nạn... Thậm chí lần này không còn hy vọng gì nữa, người ta bỏ tù Weinschenk, em vẫn nói với me: “Thưa me, chúng con có thể dọn về nhà ta được không me?”. “Được, con ạ! Con cứ dọn về ở đây!”. Anh Tom này, khi chúng ta còn bé, chơi trò đánh trận, chúng ta thường có một “cái nhà”. Chúng ta thường vẽ ra một khoảng trống nhỏ, khi nguy cấp có thể chạy vào đấy nghỉ một lúc cho khỏe đã. Không ai được tấn công vào nơi đó. Ngôi nhà của me, ngôi nhà này tức là “cái nhà” ấy trong cuộc đời em, anh Tom ạ...! Vậy mà... giờ đây, giờ đây sắp bán mất.

Bà ngửa người ra phía sau, lấy mùi soa che mặt khóc òa lên.

Ông nghị cầm một bàn tay bà kéo lại, nắm trong tay mình:

— Cô Tony thân mến, những lời cô thốt ra tự đáy lòng, anh rất hiểu! Nhưng bây giờ chúng ta hãy lý trí một chút có được không? Người mẹ hiền hậu của chúng ta mất rồi, chúng ta không thể gọi me sống lại được nữa. Bây giờ làm thế nào? Giữ tòa nhà này lại coi như là cái vốn không thể quay vòng được, thì thật không thể tưởng tượng nổi. Bằng không thì chia nhỏ ra, cho thuê ư? Anh biết để người khác vào ở, em rất đau lòng. Thà mắt em không nhìn thấy còn hơn. Gia đình em có thể thuê một căn nhà nhỏ, xinh hơn, hoặc thuê một cái gác ở ngoài cổng thành chẳng hạn. Hay là, em còn muốn ở trong ngôi nhà có nhiều phòng khách? Vả chăng, nhà thì em có rồi đấy chứ, nhà của anh chị ở phố Breiten kia kìa, nhà của cậu Christian, của bà Weichbrodt... Anh không nhắc tới Klothilde, vì không hiểu cô ấy lui tới gia đình ta có tiện không. Cô ấy đã đi tu rồi, chắc cũng phải xa lánh người đời ra.

Bà thở dài một tiếng, nhưng tiếng thở dài đó hàm ý vui vui. Bà quay phắt đầu lại, lấy mùi soa che kín mắt. Môi bà bĩu ra, vẻ giận dữ trông giống đứa trẻ đang nổi cáu bị người lớn cù cho bật cười. Nhưng một lúc sau, bà bỏ mùi soa xuống và ngồi thẳng người như đã quyết tâm rồi. Chẳng khác gì những lúc tỏ ra mình là người đoan trang, cứng cỏi, bà vừa ngả đầu ra phía sau, vừa ra sức tì cằm vào ngực.

— Phải đấy, anh Tom ạ! - Bà vừa nói, vừa nhấp nháy đôi mắt ướt, rồi nhìn ra cửa sổ, vẻ kiên quyết, nghiêm túc - Em cũng muốn xử sự theo lý trí hơn... Bây giờ thì em biết điều lắm rồi, nhất định anh phải bỏ qua cho em... và chị cũng nên bỏ qua cho em, chị Gerda ạ! Vừa rồi em khóc ghê quá, em thường như vậy... tình cảm quá mềm yếu, nhưng đó chỉ là bề ngoài, anh chị hãy tin ở em. Anh chị biết đấy, cuộc sống đã thử thách em... Đúng thế, anh Tom ạ! Em rất biết cái vốn cố định anh nói là thế nào. Em vẫn còn chút ít thường thức đó. Em chỉ có thể nhắc lại câu này: Phàm cái gì anh cho là đúng thì anh cứ việc làm. Nhất định anh phải tính toán thay cho chúng em. Chị Gerda và em đều là phụ nữ, còn anh Christian thì... ôi, cầu Thượng đế phù hộ cho anh ấy! Chúng em không thể phản đối anh được. Những điều chúng em nêu ra không phải để phản đối, đó chỉ là tâm tình của chúng em, ai cũng thấy rõ như thế. Anh định bán tòa nhà này cho ai, hả anh Tom? Liệu có bán nhanh được không?

— Ồ, cái đó thì khó nói lắm! Sớm muộn gì rồi cũng bán được thôi. Sáng hôm nay anh đã nói qua với cụ Gosch, cụ Gosch làm nghề môi giới chào hàng ấy mà, hình như cụ cũng có ý làm hộ ta việc này...

— Nếu cụ cáng đáng cho thì tốt quá đi rồi. Tất nhiên không phải cụ Siegismund Gosch hoàn toàn tốt đâu. Nghe người ta kháo nhau rằng, cụ ta dịch sách tiếng Tây Ban Nha cơ đấy! Em không nhớ rõ nhà thơ đó tên là gì. Thật là một con người kỳ quặc, anh bảo có đúng không, anh Tom? Nhưng trước kia cụ cũng là bạn của ba. Cụ thành thực lắm, hơn nữa lại rất hiểu nhân tình thế thái, cái đó ai cũng biết. Chắc chắn cụ ấy cũng rõ, đây không phải là chuyện mua bán bình thường. Không phải là chúng ta tùy tiện bán một tòa nhà... Anh đánh giá bao nhiêu, hả anh Tom? Ít nhất cũng phải tới mười vạn mark, phải không?

— Mười vạn là rẻ lắm rồi!

Khi anh trai và chị dâu bước xuống bậc tam cấp, bà đang cầm quả đấm cửa, còn nói thêm một câu. Sau đó còn lại một mình bà. Bà đứng giữa nhà, im lặng, vai thõng xuống, hai tay bắt tréo trước ngực, lòng bàn tay úp sấp. Bà giương mắt nhìn bốn chung quanh một lúc trông như người mất hồn. Vì phải suy nghĩ nhiều, cái đầu đội mũ mềm viền xa-tanh đen khẽ lắc lắc và nghiêng mãi sang một bên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx