sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Mấy năm gần đây, gia đình Buddenbrook không tổ chức những chuyến đi chơi xa trong mùa hè như trước kia nữa. Thậm chí, mùa xuân năm ngoái, bà nghị nêu lên việc về Amsterdam thăm cụ thân sinh, muốn cùng cụ hòa tấu nhạc sau nhiều năm xa cách, ông nghị cũng đồng ý một cách hết sức miễn cưỡng. Nhưng mùa hè năm nào bà Gerda cùng bà Jungmann cũng đem Johann về Travemünde an dưỡng, chủ yếu vì ở suốt mùa hè thì Johann có thể khỏe ra, nên đã trở thành lệ thường.

Đi nghỉ hè ở biển! Có người nào - dù đó là ai - hiểu được hạnh phúc ấy như thế nào không nhỉ? Sau những giờ học buồn chán, đơn điệu vô cùng tận, là bốn tuần lễ sống yên tĩnh, vô tư lự, hoàn toàn cách biệt với thế giới, chỉ ngửi mùi rong biển và nghe sóng vỗ rì rào... Bốn tuần lễ, một quãng thời gian dài như thế ban đầu tưởng như không bao giờ hết, nếu ai bảo là nó sẽ hết thì người đó quả là thô bạo, ác độc! Johann không hiểu được làm sao lại có những thầy giáo khi kết thúc một bài học lại nói thế này: “Nghỉ hè xong, chúng ta giảng tiếp...”. Nghỉ hè xong, hình như điều ấy đem lại cho các thầy giáo kỳ quặc, mặc áo ka-ki bóng lì, những niềm vui mừng to lớn lắm! Nghỉ hè xong! Ý nghĩ kỳ quặc làm sao! Sau bốn tuần lễ, tất cả mọi việc đều thuộc về tương lai xa vời vợi!

Họ ở trong một căn nhà nhỏ kiểu Thụy Sĩ, giữa là hành lang hẹp, song song với quán cà phê và nhà ăn chính. Cảm giác của buổi sáng đầu tiên khi tỉnh dậy trong ngôi nhà ấy như thế nào? Đã đưa cho bố mẹ xem bản ghi điểm rồi - điểm cao hay điểm thấp cũng thế thôi - cũng đã ngồi chán trên chiếc xe ngựa chất đầy hòm xiểng và hành lý rồi! Chú cảm thấy toàn thân đắm chìm trong một thứ hạnh phúc mông lung. Tim chú vì thế thắt lại, bất giác chú thức giấc. Chú mở to mắt nhìn kỹ những đồ đạc cũ kỹ trong căn nhà sạch sẽ này. Giây phút đầu tiên là vẫn ở trong trạng thái mơ màng, vừa sung sướng, vừa mê mẩn - Nhưng chú hiểu ngay rằng chú đang ở Travemünde, chú sẽ ở đây bốn tuần lễ dài dằng dặc. Chú nằm ngửa im lặng, không động đậy, trên cái giường nhỏ gỗ vàng, chiếc “ra” trải giường dùng lâu ngày đã mềm nhũn và mỏng lắm rồi. Chốc chốc chú nhắm mắt lại, nghe tim đập thình thịch vì hạnh phúc, theo hơi thở chậm rãi của mình.

Cả căn nhà ngập trong ánh nắng vàng nhạt lọc qua tấm màn cửa sổ kẻ sọc. Chung quanh yên tĩnh quá. Bà Ida Jungmann và mẹ vẫn còn ngủ. Chỉ có tiếng người làm vườn bước khe khẽ, đều đều trên con đường rải sỏi trong vườn hoa, và tiếng một con ruồi đang bay đâm nhào vào cửa kính sau bức màn che; qua tấm màn kẻ sọc có thể nhìn thấy nó vẽ thành những đường dài ngoằn ngoèo... Tất cả đều yên lặng! Chỉ có tiếng cuốc xới đất cô đơn, và tiếng ruồi bay vo ve. Không khí yên lặng dịu dàng ẩn giấu sự sống ấy đưa lại cho Johann một cảm giác lạ lùng, cảm giác bình yên trầm lắng của biển, không gì xáo động nổi. Chú thích nghỉ ở biển hơn bất cứ ở đâu. Ôi, cám ơn Thượng đế! Những người mặc áo ka-ki bóng lì đại diện cho luật tỉ lệ và ngữ pháp không đến đây, vì phải mất nhiều tiền mới đến đây được!

Niềm vui sướng làm chú bật dậy khỏi giường, chân trần chạy ngay đến cửa sổ. Chú kéo màn che, kéo cái then cài sơn trắng, mở toang hai cánh cửa ra. Chú nhìn những con ruồi bay trên con đường rải sỏi và trên các luống hoa tường vi. Phòng hòa nhạc của khách sạn ở ngay trước mặt, sau hàng cây hoàng dương trồng theo hình bán nguyệt, vẫn còn vắng tanh. Bãi Leuchten nhờ có ngọn hải đăng mà nổi tiếng - ngọn hải đăng ở góc bên phải - vươn dài dưới trời đầy mây trắng. Trên bãi cỏ mọc lưa thưa, thỉnh thoảng có vài chỗ trơ đất. Xa tít đằng kia là những cây cao to, thô tháp thay cho cỏ. Xa nữa là bãi cát, ở đó lác đác những căn lều gỗ của tư nhân và những chiếc ghế mây uốn vòng. Biển ở phía ấy, một dải hẹp nằm trong ánh bình minh yên tĩnh, chỗ xanh lam, chỗ xanh lục, lúc sáng như gương, lúc lăn tăn gợn sóng. Một chiếc tàu thủy từ Copenhagen chạy tới theo dãy phao chỉ đường sơn đỏ... Có lẽ là chiếc Najaden, cũng có thể là chiếc Friederike Överdieck, không cần biết làm gì. Hanno Buddenbrook hít làn không khí mặn nồng của biển, thấy hạnh phúc bình yên. Chú cảm động, lặng lẽ đưa mắt nhìn biển như gửi một lời chào đầy tình ý.

Ngày bắt đầu như thế, ngày thứ nhất trong hai mươi tám ngày hiếm hoi. Thoạt đầu, tưởng như đây là một niềm hạnh phúc vĩnh viễn, nhưng ngày thứ nhất qua rồi, những ngày sau đó cũng qua đi vùn vụt, nhanh không thể nào tin nổi... Bữa sáng thường ăn trên ban công hoặc dưới gốc dẻ lớn trước cây đu vườn trẻ. Bất cứ tấm khăn còn nguyên mùi hồ mà các anh bồi trải lên bàn trên ban công, hay là tờ giấy nhàu nát làm khăn bàn hay là chiếc bánh mì hình thù kỳ dị, quả trứng gà, không phải dùng thìa xương như ở nhà mà là dùng thìa uống trà để lấy trong cái bát sắt tráng men, bất cứ cái gì cũng làm cho Johann thích thú cả.

Những hoạt động sau bữa ăn cũng nhẹ nhàng vui vẻ, thật là một cuộc sống nhàn nhã, thoải mái, sắp đặt thỏa đáng. Suốt ngày không có gì gò bó hết, buổi sáng ở ngoài bãi biển, nghe dàn nhạc khách sạn hòa tấu, nằm yên tĩnh trên ghế mây, như trong cảnh mộng, lười biếng đùa nghịch với những hạt cát sạch như chùi, nhàn nhã đưa mắt nhìn trời xanh thẳm, rộng mênh mông, trong đó mỗi làn không khí thơm tho, trong lành tinh khiết, đầy nhựa sống, không gì cản trở, cứ tự do bay tới, đem theo âm hưởng rì rào êm dịu của sóng biển, luôn luôn vang vọng bên tai, làm cho người ta chìm đắm trong cõi mơ màng, thanh thản, say sưa, tưởng chừng như đã được đi vào cõi hạnh phúc, mất hết mọi tri giác trói buộc, như thời gian, không gian!... Sau đó là bơi... So với bơi trong bể bơi Asmussen thì đây quả sướng thật. Không có cỏ lông ngỗng. Nước trong xanh, quẫy lên là nổi bọt trắng, dưới chân không phải là những tấm gỗ nhơn nhớt, mà là một lớp cát mịn màng, dễ chịu. Ngoài ra, không có hai cậu con ông Hagenström, bọn chúng ở xa lắm, Na Uy hay Tyrol gì đó. Bố chúng thích đi xa mà nghỉ hè - ông ta thích như thế và cũng có thể làm được như thế, phải không?

Tiếp đấy là dạo chơi trên bãi biển, phơi nắng, đi đến mỏm đá “Hải âu” hoặc đến “Vọng hải lâu”, ăn điểm tâm trên ghế mây - thế là đến giờ về được rồi, còn phải nghỉ ngơi một tiếng, thay áo quần, chuẩn bị đến ăn cùng với những người khác! Giờ ăn thật là ồn ào, bởi vì đang là mùa tắm biển, trong phòng lớn khách sạn toàn là người quen của gia đình Buddenbrook, có người từ Hamburg tới, có người Anh, người Nga nữa. Một anh bồi, mặc quần áo đen, đứng cạnh cái bàn con rất đẹp, múc xúp đựng trong cái liễn bạc sáng loáng cho mọi người. Có bốn món ăn tất cả, những món ăn này ngon hơn ở nhà. Trên dãy bàn, nhiều người uống champagne. Có những vị ở thành phố, tính phóng khoáng, không muốn để công việc gò bó cả tuần lễ, cũng tới đây tiêu khiển chốc lát. Ăn xong, họ chơi bài một lúc. Như ông nghị Peter Döhlmann, ông ta để vợ con ở nhà, đến đây một mình. Giọng oang oang như kèn đồng, ông ta kể những chuyện tiếu lâm rất thô tục bằng tiếng địa phương miền bắc nước Đức, làm các bà ở Hamburg tới, cười bò ra, xin ông ta thôi đi cho. Lại còn có ông nghị tiến sĩ Cremer, ông già cục trưởng cảnh sát, chú Christian và ông nghị Gieseke; ông nghị Gieseke cũng đến một mình. Ông ta không đem gia đình theo bao giờ, mọi chi phí của chú Christian ông ta bao hết. Khi những người lớn tuổi nghe nhạc, uống cà phê trong các lều vải của quán cà phê thì Hanno cũng ngồi ở một bàn trước quán nghe nhạc, không biết mệt mỏi là gì... Mọi trò tiêu khiển buổi chiều cũng đã sắp xếp cả rồi. Trong vườn hoa khách sạn có dựng cái lán bắn súng. Phía bên phải nhà Thụy Sĩ, có cái lán nuôi ngựa, lừa, bò sữa. Giờ uống trà buổi tối, mọi người có thể uống sữa tươi mới vắt, thơm nức, đang sủi bọt. Người ta cũng có thể vào phố dạo chơi hoặc đi một vòng dọc theo “phố Bờ biển”; từ đây có thể bơi thuyền con sang bãi Priwal, ở bãi Priwal có thể nhặt được san hô. Nếu không, có thể đánh bóng ở sân vườn trẻ, hoặc ngồi chơi trên chiếc ghế dài ở sườn khu rừng phía sau khách sạn (kẻng báo giờ ăn của khách sạn treo ở đây), nghe bà Ida Jungmann đọc truyện. Nhưng hay nhất vẫn là trở về bãi biển trong cảnh chiều tà bàng bạc, ngồi trên con đê chắn sóng, nhìn chân trời khoáng đãng, khi có những chiếc tàu lớn chạy qua thì vẫy vẫy khăn tay, còn không thì nghe sóng vỗ rì rào vào bờ đá. Cả không gian rộng bao la, bốn bề ngập chìm trong những âm thanh êm ái mà vĩ đại kia! Tiếng sóng tưởng như đang thì thầm chuyện trò với Johann, chú lim dim mắt thoải mái, yên tĩnh lạ thường.

Nhưng giữa lúc ấy, bà Ida Jungmann nói:

— Về thôi, Hanno! Về thôi, đến giờ ăn rồi đấy! Cháu mà ngủ ở đây thì cảm chết!

Mỗi lần ở biển về, chú thấy lòng mình yên tĩnh làm sao! Tim đập đều đặn, thư thả. Ăn bữa tối xong, chú vào buồng ngủ uống sữa hoặc bia ngọt. Mẹ chú ăn muộn hơn ở hành lang có cửa kính với những người khác. Vừa nằm xuống giường, phủ lên người tấm chăn mỏng mềm mại, chú thiu thiu ngủ trong nhịp đập đều đặn của tim mình và trong tiết tấu nhẹ nhàng của tiếng nhạc dạ hội. Giấc mơ của chú không hãi hùng, chú cũng không nói mê nữa...

Ngoài ra, còn một số người vì ngày thường bận công việc, không rời thành phố được, chỉ ngày chủ nhật mới có thì giờ rảnh rỗi mà ra biển. Ông nghị cũng như những người ấy, ngày chủ nhật mới ra đây với vợ con, sáng thứ hai lại về sớm. Mặc dù ngày đó được ăn kem, uống champagne trong bữa ăn, được cưỡi lừa, cũng có thể cùng bạn bè ngồi thuyền buồm ra chơi biển, Johann vẫn không thích những ngày chủ nhật ấy tí nào. Bãi tắm không còn yên tĩnh nữa.

Buổi chiều, từ thành phố tới, còn có những người hoàn toàn không phải ở địa phương này - bà Ida Jungmann, không khinh bạc chút nào, gọi là những “nhà tư sản một ngày” - Họ chiếm lấy vườn hoa khách sạn, bãi biển. Họ uống cà phê, nghe nhạc, tắm biển. Hanno ở miết trong phòng, chờ cho bọn người ăn mặc áo quần ngày lễ đến phá hoại sự yên tĩnh ấy rút lui về... Đến ngày thứ hai, đâu lại vào đấy nguyên như cũ, cho đến lúc đôi mắt của ông nghị - tròn sáu ngày chú không nhìn thấy đôi mắt ấy, nhưng suốt ngày chủ nhật, chú thấy đôi mắt ấy đang nhìn chú xoi mói - xa khỏi nơi này, chú mới vui trở lại được...

Mười bốn ngày trôi qua, Hanno tự nói với mình, và nếu có ai muốn nghe, chú sẽ nói cho mà nghe rằng, những ngày còn lại có lễ Misa lâu mới hết. Tiếc thay, đó chỉ là nói dối mình và dối người cho yên tâm, đỉnh cao của những ngày nghỉ đã qua rồi và bắt đầu xuống dốc, càng về cuối càng nhanh, nhanh phát sợ lên được! Chú muốn níu lấy từng giờ từng phút. Đứng trên bãi biển, chú hít thở hết sức chậm rãi, không muốn để hạnh phúc trôi qua một cách vô ích.

Nhưng thời gian vẫn vô tình, lúc mưa rào, lúc nắng chói; có lúc gió từ mặt biển thổi vào, có lúc từ trong đất liền thổi ra, có lúc khí hậu bức bối, có lúc mưa gió dầm dề tưởng như không bao giờ rời khỏi nơi này nữa! Có mấy hôm, gió mùa đông bắc đến, mặt biển nổi sóng cồn, xanh đen, bãi biển đầy rong rêu, vỏ sò, vỏ hến, sứa. Màn cửa lúc nào cũng bay tung lên. Những lúc ấy, nước biển đục ngầu và sôi động, phủ một lớp bọt trắng xóa đến tận tít đằng xa. Những ngọn sóng lớn buốt lạnh xô vào bờ, dựng ngược lên thành những bức tường xanh thẫm, lấp lánh như đúc bằng thép, rồi ầm ầm ào ào đổ xuống như sấm ran chớp giật. Nhưng hôm khác thì gió tây đẩy nước biển lùi ra, để lòi bãi cát hình sóng lượn. Những hôm ấy thường mưa như trút nước, trời, đất, biển như hòa làm một. Gió thổi tạt nước mưa đập vào cửa kính. Nước trên cửa kính chảy ròng ròng như những con suối nhỏ, không nhìn thấy gì bên ngoài nữa. Gặp những hôm như thế, Hanno cứ ngồi chơi piano ngay trong phòng lớn khách sạn. Chiếc đàn dương cầm nhỏ này, mặc dù người ta thường dùng để đánh những bài valse và bài nhảy Scotland trong vũ hội của khách sạn, đến nỗi lạc cả âm điệu, nghe không hay bằng cái piano ở nhà, nhưng những âm thanh rè rè, lạch cà lạch cạch của nó lại làm cho chú thích thú vô hạn. Lại có những hôm không có lấy một ngọn gió, trời trong vắt, không khí nóng bức bao trùm khắp nơi, đến nỗi người ta chỉ cảm thấy buồn ngủ. Ruồi xanh bay vù vù trên bãi Leuchten nắng chang chang. Biển cũng im lìm, phẳng lặng, y như một tấm gương. Thời gian nghỉ chỉ còn ba ngày nữa, Hanno tự an ủi và nói với mọi người rằng, thời gian còn dài chán, dài như lễ Chúa giáng sinh. Sự tính toán của chú mặc dù không ai bác được, nhưng chú cũng không dám tin. Trong thâm tâm, chú đã thừa nhận rằng, mấy ông mặc áo ka-ki bóng lì kia nói thế mà đúng.

Bốn tuần lễ cuối cùng rồi cũng hết, họ còn phải bắt đầu từ chỗ dừng lại, giảng tiếp điều này điều kia!

Đã tới ngày lên đường. Cỗ xe ngựa chất đầy hành lý dừng lại trước cửa khách sạn. Từ sáng sớm, Hanno đã gửi lời chào tạm biệt biển cả, bãi cát rồi, bây giờ chú từ biệt những người làm công đang nhận tiền thưởng, từ biệt phòng hòa nhạc, luống hoa tường vi, từ biệt tất cả mùa hè! Sau đó, nhân viên khách sạn cúi mình tiễn đưa, cỗ xe ngựa từ từ chuyển bánh...

Cỗ xe ngựa đi qua con đường râm mát của thị trấn, dọc theo “phố Bờ biển”... Hanno ngả đầu vào một góc xe, nhìn ra ngoài. Bà Ida Jungmann gầy gò, tóc lốm đốm bạc, ngồi đối diện chú, mắt long lanh. Mây trắng phủ kín bầu trời ban mai, gió thổi làm cho sông Trave gợn sóng. Thỉnh thoảng cả mấy giọt mưa nhỏ xuống cửa xe. Cuối “phố Bờ biển”, người ta đang ngồi vá lưới, trẻ con đi chân đất chạy tới xem cỗ xe ngựa, tò mò. Chúng không bao giờ được rời khỏi nơi này!

Khi xe ngựa đi qua mấy căn nhà cuối cùng, Hanno khom người nhô ra, nhìn ngọn hải đăng một lần nữa, rồi tựa người ra phía sau, nhắm mắt lại.

— Sang năm chúng ta lại ra đây nghỉ nữa, cháu ạ! - bà Ida Jungmann an ủi chú, giọng trầm trầm. Chính Hanno đang chờ câu ấy. Vừa nghe nói thế, cằm chú run run, nước mắt chú chảy ra sau hàng mi dài.

Mặt và hai cánh tay chú, nắng làm cho đen sạm. Nhưng nếu như người ta đưa chú ra biển một tháng mà nghĩ rằng đã đạt được mục đích là làm cho chú khỏe mạnh, hoạt bát và tăng thêm sức đề kháng, thì rõ ràng lầm rồi! Sự thật bi thảm ấy, Hanno biết rõ lắm. Bốn tuần lễ sống yên tĩnh cách biệt với trần thế, say sưa với biển cả, chú mềm yếu hơn, lười biếng hơn, mẫn cảm hơn, có nhiều ảo mộng hơn. Chú chán nản trước những luật tỉ lệ của thầy giáo Tiedge, chú càng chán nản hơn khi nghĩ đến việc học thuộc lòng những niên đại lịch sử và những quy tắc ngữ pháp, khi nhớ lại những ngày đã qua, buổi tối, tuyệt vọng, chú lười biếng bỏ sách xuống mong tìm được sự giải thoát trong giấc ngủ! Nhưng chú còn chán nản hơn nữa, khi nghĩ tới nỗi sợ hãi sáng hôm sau trước khi lên lớp, nghĩ tới những cậu con ông Hagenström luôn luôn kình địch với chú, đem tai họa đến cho chú, nghĩ tới những điều ông nghị đòi hỏi ở chú...

Cỗ xe ngựa lăn bánh trên con đường nông thôn đẫm nước trong buổi sáng. Bốn chung quanh tiếng chim ríu rít vọng tới. Dần dần chú vui hơn một chút. Chú nghĩ đến Kai, sắp sửa được gặp lại cậu ta rồi. Chú nghĩ đến ông Pfühl, nghĩ đến giờ học đàn piano và đàn harmonica của gia đình, với lại ngày mai là ngày chủ nhật, ngày kia mới là ngày đi học đầu tiên chú vẫn còn được bình yên vô sự. Ôi, chú sờ tay lên đôi giày còn dính ít cát biển... Chú sẽ bảo với lão Grobleben đừng phủi cát của chú đi. Những người mặc áo ka-ki hay lũ con ông Hagenström cũng thế thôi, gì thì gì, muốn đến cứ đến đi! Chú có những cái mà họ không cướp nổi. Lúc mọi tai họa giáng xuống đầu chú, chú sẽ nghĩ tới biển và khách sạn trên bãi biển. Chú sẽ nghĩ tới tiếng sóng giữa đêm khuya tĩnh mịch, từ nơi xa xôi huyền bí xô vào bờ, trong giấc ngủ yên lành của chú. Nghĩ tới những cái đó, chú sẽ được an ủi phần nào, và bất cứ nghịch cảnh nào cũng sẽ không làm chú tổn thương được!

Qua bến phà, qua đại lộ Israeldorf râm mát, qua núi Jerusalem và bãi đất trống ngoài thành, và sau đó là vào cổng thành. Phía bên phải thành là bức tường cao sừng sững của nhà lao, ông Weinschenk giam ở đấy. Cỗ xe ngựa đi theo phố Burg, qua phố Koberg và phố Breiten, ngoặt sang dốc ngõ Hàng cá. Ngựa vừa đi vừa gõ móng... Trước mặt là ngôi nhà đỏ có cột đá cẩm thạch chạm. Khi mọi người vừa từ ngoài đường phố chan hòa ánh nắng buổi trưa, đi vào con đường rải sỏi râm mát, thì ông nghị ở trong phòng đã ra đón, tay ông vẫn cầm cây bút.

Chỉ mấy ngày sau, Johann mới quen với cuộc sống không có biển, quen với những ngày đua tranh vô vị đến chết người. Lúc nào cũng phải đề phòng lũ con ông Hagenström! Chỉ có thể tìm thấy chút ít an ủi với Kai, với ông Pfühl, với âm nhạc!

Mấy cô gái già phố Breiten và cô Klothilde trông thấy chú liền hỏi, sau một thời gian nghỉ ngơi dài như thế, chú đi học thấy thế nào? Khi hỏi, họ nheo mắt đùa nghịch, ý nói chú giấu điều gì cũng chẳng được đâu, và tỏ thái độ ngạo mạn đặc biệt của người lớn làm như những việc liên quan đến trẻ con mà họ không hỏi han đến thì thành trò đùa cả! Hanno không hề lúng túng trước những câu các cô hỏi.

Về thành phố được ba bốn hôm, bác sĩ Langhals cố vấn sức khỏe của gia đình, đến ngõ Hàng cá kiểm tra hiệu quả của việc tắm biển. Trước hết, ông nói chuyện với bà nghị một hồi lâu mới gọi Hanno tới, bắt chú cởi áo ra, kiểm tra thật tỉ mỉ “hiện trạng”[135] thân thể chú, như bác sĩ Langhals vừa nhìn vào móng tay mình vừa nói. Ông kiểm tra các bắp thịt mềm nhão của chú, đo vòng ngực, nghe tim, bắt chú báo cáo toàn bộ cơ năng trong người. Cuối cùng, ông dùng kim tiêm lấy ra một giọt máu trên cánh tay gầy guộc của chú, đem đi xét nghiệm.

Tóm lại, hình như ông không lấy gì làm vừa ý.

— Chỉ có phơi nắng đen người đi thôi! - Ông ta nói, một tay ôm lấy Hanno đứng trước mặt, tay kia đầy lông lá đặt lên vai chú ngước lên nhìn bà nghị và bà Ida Jungmann - mặt vẫn buồn thiu.

— Cháu vẫn còn nhớ biển đấy! - bà Gerda Buddenbrook nói.

— Ồ, ra thế... cậu thích nơi ấy lắm ư? - Bác sĩ Langhals vừa hỏi, vừa nhìn Johann bằng đôi mắt kiêu ngạo. Mặt Hanno biến sắc. Câu hỏi ấy có ý gì? Bác sĩ Langhals chờ chú trả lời. Trong lòng chú nảy ra một hy vọng to tát vô cùng, chú tin ở Thượng đế, trước Thượng đế thì không có điều gì là không thể được, dù tất cả những vị mặc áo ka-ki có vào hùa với nhau cũng không ăn thua gì!

— Thích lắm!... - Chú trả lời rất rõ ràng, mắt mở to nhìn bác sĩ.

Nhưng bác sĩ Langhals hỏi thế cũng chẳng có ý gì cả.

— Ừ, nước biển và không khí trong lành, sớm muộn gì rồi cũng có hiệu quả... sớm muộn gì rồi cũng có hiệu quả! - Ông ta nói rồi vỗ vào vai Johann, đẩy chú sang một bên, gật gật đầu với bà nghị và bà Ida Jungmann - đó là cái gật đầu của vị học vấn uyên thâm, có lòng từ bi bác ái, không để cho người khác thất vọng, vì họ đang chằm chằm nhìn vào mặt và miệng ông ta - Rồi ông ta đứng dậy, kết thúc cuộc giám định.

Hanno đau khổ vì biển, vết thương ấy lâu mới lành, chỉ cần những khía cạnh nào đó, bé mà sắc, của cuộc sống chạm vào là đau buốt và chảy máu. Người duy nhất hiểu chú và đồng tình với nỗi buồn của chú là bà Tony. Bà Tony kể cho chú nghe cuộc sống của bà ở Travemünde, mặt lộ vẻ vui mừng thật sự. Bà hết sức ca ngợi những ngày chú ở đấy.

— Đúng đấy, cháu ạ! - Bà nói - sự thật là sự thật. Travemünde quả đẹp lắm! Cho đến chết, cô vẫn nhớ mùa hè năm ấy. Lúc ấy, cô còn trẻ, chưa hiểu gì. Cô ở trọ một gia đình mà cô rất mến, họ cũng mến cô vì hồi ấy cô còn là một cô gái xinh đẹp và nhanh nhẹn, đầy sức sống. Bây giờ thì cô già rồi, cô mới dám nói với cháu như thế. Cô muốn nói với cháu, gia đình ấy toàn là người tốt cả, thật thà, hiền hậu, ngay thẳng, mà cũng thông minh, có học, nhiệt tình với người khác, về sau cô không còn gặp được ai như thế nữa. Đúng như thế, giao thiệp với họ hay lắm. Nói về kiến thức và lịch lãm, cô học được nhiều ở họ, suốt đời cô cũng không quên. Nếu không có bao nhiêu chuyện khác đến quấy đảo - đời người là thế, cháu biết không - thì cái con ngốc này sẽ học hỏi được nhiều hơn nữa. Cháu có muốn biết lúc ấy cô ngốc như thế nào không? Cô nhặt những ngôi sao xanh xanh đỏ đỏ trên thân con sứa, cô lấy mùi soa gói lại, phơi ở ban công, cứ nghĩ phơi khô rồi cất đi! Ôi, khi ra xem thì chỉ còn một vết nước loãng và mùi rong biển tanh tanh!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx