sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Ông Thomas Buddenbrook nhìn vào những năm cuối đời mình bằng con mắt u uất, buồn thảm, nhưng nhìn vào tiền đồ Johann, thì ông không thể nhìn bằng đôi mắt ấy được. Ý thức về dòng họ, lòng ngưỡng mộ đối với quá khứ, hay sự quan tâm đối với tương lai của dòng họ và những điều mà ông đã thừa hưởng của tổ tiên, nhất là sự giáo dục mà ông đã nhận được, đều không cho phép ông làm như thế. Bạn bè thân thích của ông, em gái ông (kể cả mấy cô gái già phố Breiten), nửa lo lắng, nửa tò mò chờ đợi ở Johann cũng ảnh hưởng đến tư tưởng ông. Ông vui mừng tự an ủi rằng mặc dù mỗi ngày mình một suy yếu kiệt quệ, tương lai mình mờ mịt, nhưng về người thừa kế bé nhỏ này thì ông lại ôm ấp bao nhiêu là hy vọng. Ông ao ước Johann sẽ là một người tháo vát, chăm chỉ làm ăn, sẽ thành đạt và được nhiều quyền lợi, trở nên giàu có, làm rạng rỡ môn mi. Phải có như thế mới sưởi ấm được cuộc đời lạnh lẽo trống trải của ông, mới làm cho ông lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, hy vọng thật sự.

Có lẽ về già, ở một góc yên tĩnh nào đó, ông sẽ nhìn lại thuở xa xưa, và lúc ấy thời đại cụ tổ Hanno sẽ tái hiện chăng? Chút hy vọng ấy hoàn toàn không thực hiện được ư? Ông vốn xem âm nhạc là kẻ thù của ông, nhưng thực tế có phải nghiêm trọng đến mức ấy không? Dù có thừa nhận rằng thằng bé không nhìn bản nhạc, chỉ theo cảm hứng mà vẫn diễn tấu được, điều ấy chứng tỏ thiên bẩm của nó khác thường đi chăng nữa, nhưng khi chính thức được ông Pfühl dạy dỗ thì nó lại chẳng tiến bộ gì lắm. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó thích nhạc là chịu ảnh hưởng của mẹ, ảnh hưởng ấy sâu sắc từ khi nó còn nhỏ. Cái điều ấy chẳng có gì lạ. Từ nay về sau là lúc có cơ hội ảnh hưởng đến đứa con của mình thì ông là bố, ông phải kéo nó về phía mình, lấy ảnh hưởng của người đàn ông mà làm mờ nhạt sự giáo dục của người mẹ đi. Ông quyết không để cơ hội ấy trôi qua.

Hanno cũng đã mười một tuổi rồi. Lễ phục sinh năm nay, chú và bá tước tí hon Kai, bạn chú, chật vật lắm mới lên được lớp ba, phải thi lại hai môn toán và địa lý. Cả nhà quyết định cho chú vào ban thực hành, sau này chú ra buôn bán, thừa kế nghề nghiệp của gia đình, cái đó rất tự nhiên. Có lúc ông nghị hỏi chú có hứng thú gì với công việc sau này của chú không, chú trả lời “có” cụt ngủn. Ông nghị hỏi dồn mấy câu nữa, bắt chú nói thêm, mong chú trả lời rõ hơn, nhưng chẳng đi đến đâu hết.

Nếu như ông nghị có những hai đứa con trai, nhất định ông cho thằng em học hết trung học rồi tiếp tục lên đại học. Nhưng Công ty cần người thừa kế, vả lại ông thấy miễn cho nó cái khổ học tiếng Hy Lạp vô vị kia, đối với nó, cũng là điều tốt. Ông cho rằng bài vở ở ban thực hành dễ hơn. Hanno là đứa trẻ tiếp thu chậm, không tập trung được lâu, sức khỏe lại yếu, phải nghỉ học luôn, thi vào ban thực hành đỡ vất vả, học sẽ nhanh hơn, có kết quả hơn. Nếu hy vọng Johann Buddenbrook một ngày kia sẽ có thể làm tròn sứ mạng mà số kiếp đã định cho, không đến nỗi phụ lòng mong muốn của họ hàng thì điều mọi người phải chú ý trước hết là, một mặt bảo vệ thể chất ốm yếu của chú, mặt khác tìm cách luyện tập thích đáng để dần dần nâng sức khỏe của chú lên.

Mái tóc nâu của chú rẽ xiên, phía trước chải ngược lên trên vầng trán trắng trẻo, nhưng mấy cuộn tóc xoắn mềm quá cứ xõa xuống, lông mi màu nâu rất dài, ngươi mắt vàng óng ánh. Trông chú mặc quần áo lính thủy kiểu Copenhagen, nhưng dù ở trong sân trường hoặc ở ngoài đường phố, giữa đám học sinh có những mái tóc vàng hoe, mắt xanh biếc, trông chú khác hẳn. Mấy năm lại đây, người chú chắc chắn hơn trước, nhưng đôi chân trong bít tất màu đen và hai bắp tay trong chiếc áo sơ mi rộng thùng thình, trông vẫn khẳng kheo yếu ớt như con gái. Mắt chú thì y như mẹ chú, lúc nào cũng có quầng thâm nhất là khi nhìn nghiêng, trông nhu nhược, sợ sệt. Môi vẫn mím chặt, có vẻ u uất như hồi nhỏ, hoặc như khi chú đưa lưỡi vào chiếc răng lung lay, miệng chú méo xệch đi, sắc mặt chú giống như cảm lạnh...

Bác sĩ Langhals đã thay bác sĩ Grabow làm cố vấn sức khỏe cho gia đình Buddenbrook, bác sĩ Langhals cho biết sở dĩ Hanno yếu ớt xanh xao như thế là vì cơ thể chú không đủ hồng huyết cầu. Bệnh ấy không phải không có thuốc chữa. Có một loại thuốc rất hiệu nghiệm, bác sĩ Langhals kê cho một cái đơn mua rất nhiều, đó là dầu cá, vàng óng, sền sệt, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa. Theo ông nghị dặn, bà Ida Jungmann hằng ngày cứ đúng giờ cho chú uống rất đều. Mới đầu chú uống vào là nôn, dạ dày chú hình như không dung nạp nổi thứ thuốc tốt ấy. Nhưng lâu rồi quen dần, cứ uống một hụm dầu cá lại nín thở nuốt một miếng bánh mì ngay, thì không buồn nôn lắm nữa.

Còn những bệnh khác chẳng qua là hậu quả của bệnh thiếu hồng huyết cầu, đều là những bệnh “đi đôi” với bệnh kia, như lời bác sĩ Langhals vừa nói, vừa nhìn vào móng tay mình. Nhưng cũng phải chữa cho dứt đi. Răng thì đã có bác sĩ Brecht, ông ta ở phố Nhà máy xay. Ông ta chữa răng, biết trồng răng giả, lúc cần có thể nhổ được. Còn bệnh đường ruột thì ông đã có dầu pi-ma, loại dầu pi-ma hảo hạng, dinh dính, óng ánh như bạc, uống bằng thìa cà phê, nó cứ tuột vào cổ họng như con lươn, mãi ba hôm sau đi đứng hay nằm ngủ, trong cổ họng vẫn phảng phất mùi ấy... Ôi tại sao tất cả các loại thuốc ấy đều khó uống đến thế! Một lần - lần ấy Hanno ốm rất nặng, nằm trên giường, tim đập loạn xạ - bác sĩ Langhals lo lắng bắt mạch, kê đơn. Loại thuốc này, Hanno rất thích, vả lại đã có hiệu nghiệm, đó là viên ác-xen. Từ đó về sau, lúc nào Hanno cũng thèm thứ thuốc viên vị ngọt dễ chịu ấy. Nhưng chẳng bao giờ được nữa!

Dầu cá và dầu pi-ma đều là thuốc tốt cả, nhưng bác sĩ Langhals và ông nghị cho rằng, nếu như Johann không cố gắng mà chỉ dựa vào mấy loại thuốc ấy thì không thể khỏe lên được, không thể trở thành người có khả năng chịu đựng. Về điều này, ý kiến hai người rất là nhất trí. Ví dụ thầy giáo dạy thể dục tổ chức một lớp huấn luyện ở quảng trường vào mùa hè mỗi tuần tập một lần, cũng là một dịp bồi dưỡng lòng dũng cảm, sức khỏe, kỹ năng và ý chí cho thanh niên trong thành phố. Nhưng Johann thì rất ghét cái hoạt động thượng võ ấy, chú tỏ ra lạnh nhạt, dè dặt, ngờ vực một cách kiêu ngạo, làm ông nghị rất bực... Từ đó về sau, không hiểu sao, chú thấy không có cảm tình với lũ bạn cùng lớp, cùng tuổi? Không hiểu sao với Kai, mặt lúc nào cũng bẩn thỉu thì chú lại không rời ra được, như bóng với hình? Dĩ nhiên Kai là một đứa trẻ ngoan, nhưng cậu ta kỳ quặc một chút, sau này chẳng phải là người bạn thích hợp với chú đâu! Một đứa trẻ phải được sống chung với những đứa cùng tuổi, chúng có ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn cuộc đời và đến cả cuộc đời nó, vì vậy ngay từ đầu, nó phải học cách làm thế nào để được bạn bè tín nhiệm và tôn trọng. Như hai cậu con của ông tham Hagenström, một cậu mười bốn, một cậu mười hai, thật là mẫu mực: béo tốt, khỏe mạnh, xốc vác. Chúng chính thức tham gia cuộc đấu quyền Anh trong khu rừng gần đấy. Chúng là vận động viên ưu tú của nhà trường, bơi lội như báo biển, không những biết hút thuốc mà bất cứ trò gì cũng thành thạo. Chúng làm cho người ta kiêng nể và kính phục. Hai cậu anh em chú bác, con quan kiểm sát, tiến sĩ Moritz Hagenström thì lại yếu ớt, có vẻ văn nhã, học rất giỏi. Chúng là học sinh gương mẫu của nhà trường, chăm chỉ, hòa nhã, có chí, chúng dồn tất cả tâm lực vào chuyện học hành. Cả hai đều mong trở thành học sinh ưu tú, thi cử đỗ đầu. Và quả thực chúng đã được như ý muốn. Chúng được bọn bạn cùng tuổi, chậm chạp và lười biếng trọng vọng. Còn bạn bè Hanno - chưa nói các thầy giáo - thì đánh giá chú như thế nào? Chú chỉ là một học sinh hết sức tầm thường, một cái giá áo túi cơm trốn tránh mọi hoạt động đòi hỏi dũng cảm, sức khỏe và kỹ năng. Những khi ông nghị theo hành lang gác ba vào phòng thay áo quần, đi qua căn phòng giữa - từ khi Hanno lớn lên, chú không ngủ chung với bà Ida Jungmann nữa mà ở phòng này một mình - nếu không nghe thấy tiếng đàn harmonica thì nghe tiếng Kai kể chuyện cổ tích, giọng khe khẽ bí mật.

Còn Kai cũng trốn thể dục vì cậu ta ngại chấp hành kỷ luật của giờ này. “Không, Hanno” - cậu ta nói - “Tớ không đi. Cậu đi không? Mẹ kiếp, trò gì thích thì chẳng được chơi!”. Tiếng “mẹ kiếp” cậu ta học được của bố. Hanno trả lời: “Hôm nào thầy giáo thể dục không có mùi mồ hôi và mùi bia nữa thì mới có thể bàn đến việc ấy được! Thôi, kể tiếp đi. Chuyện cái nhẫn lấy được trong bể nước ấy mà, cậu kể chưa hết”. “Được rồi, nhưng tớ gật đầu một cái là cậu phải đánh đàn ngay nhé!”. Thế là Kai kể nốt câu chuyện.

Nếu có thể tin được lời cậu ta thì đêm kia trời nóng bức, ở một nơi nào đó rất xa lạ, cậu ta từ trên dốc cao, rất trơn tuột xuống. Dưới chân dốc, lửa lân tinh chấp chới sáng lòe. Trong luồng ánh sáng ấy, cậu ta thấy một đầm nước đen ngòm. Bọt nước trắng phau theo nhau nổi lên. Một cái bọt dạt vào bờ rồi vỡ ra trông như chiếc nhẫn. Không kể nguy hiểm, cậu ta cố hết sức mới vớt được. Cầm vào tay rồi, nó biến thành chiếc nhẫn thật, không vỡ ra nữa. Cậu ta đeo vào tay. Tất nhiên, chiếc nhẫn ấy có phép thần. Có chiếc nhẫn phù hộ, cậu ta lại leo lên cái dốc kia. Cậu ta lại thấy trong đám sương màu hồng, cách cái dốc không xa lắm, có một cung điện đen ngòm rất yên lặng, đầy yêu quái. Cậu ta xông vào, nhờ phép màu của chiếc nhẫn, cậu ta trừ được yêu quái giải thoát cho bao nhiêu người!... Kai kể đến đoạn kỳ diệu nhất thì Hanno tấu một khúc nhạc tuyệt hay. Những lúc trên sân khấu không khắc phục được khó khăn về bối cảnh, người ta cũng diễn những câu chuyện như thế bằng con rối, có nhạc đệm... Nhưng bao giờ ông nghị bắt buộc lắm, chú Hanno mới tham gia giờ tập thể dục, lúc ấy Kai cũng theo đi ra.

Mùa đông đi trượt băng hay mùa hè đi bơi trong bể bơi bằng gỗ ở hạ lưu sông, do thầy hướng dẫn, đều như thế cả. “Đi tắm, đi bơi! - bác sĩ Langhals nói - chú bé này phải đi bơi mới được!”. Ông nghị rất đồng ý với ông. Còn Hanno thì luôn luôn lẩn tránh giờ tập bơi, giờ trượt băng hay giờ tập thể dục. Chú có lý do của chú. Nguyên nhân là, những môn ấy hai cậu con ông Hagenström chơi rất xuất sắc. Chúng chờ Johann lâu lắm rồi. Tuy hai cậu ấy ở nhà bà nội, nhưng chúng luôn luôn tìm cách trêu chọc, làm khổ Johann. Giờ thể dục, chúng xô Johann ngã trên đống tuyết bẩn ở sân băng, giờ bơi chúng gào to rồi té nước vào chú... Hanno không chạy, vì chạy cũng chẳng thoát. Chú đứng lì dưới nước, để lộ hai cánh tay con gái, vớt những ngọn cỏ lông ngỗng vật vờ trên mặt nước. Chú cau mày, nhếch miệng, mặt sa sầm, chờ cho hai cậu kia lại. Hai cậu con ông Hagenström chắc chắn thể nào cũng tóm được chú. Chúng rẽ nước ào ào xông tới. Tay chúng khỏe, bốn cánh tay ấy ôm chặt lấy chú, dìm xuống khá lâu, làm chú uống bao là nước bẩn, mãi đến khi vùng vẫy sắp tắt thở, chúng mới buông ra... Chú chỉ mới trả thù được có một lần. Chiều hôm ấy, lúc hai cậu con ông Hagenström đang dìm chú xuống nước, bỗng một trong hai cậu thét lên một tiếng, rồi giơ đùi lên, máu chảy ròng ròng. Lúc bấy giờ bá tước Kai mới xuất hiện. Thì ra, không hiểu lấy đâu ra tiền mua vé vào cửa, mà Kai đã lặng lẽ bơi tới cắn cậu con ông Hagenström một miếng - cả hàm răng lún sâu vào thịt như răng chó dại! Mái tóc vàng khè của cậu ta đẫm nước rũ xuống mặt, hai con mắt xanh biếc chớp chớp giữa đám tóc che phủ... Đáng thương cho bá tước tí hon ấy, cậu ta khổ sở vì chuyện này! Ra khỏi bể bơi, cậu ta không còn ra hồn người nữa. Nhưng cậu con ông Hagenström cũng phải khấp khiểng mà đi về nhà!

Thuốc bổ và tập luyện - ông nghị Buddenbrook dùng hai thứ ấy để bồi dưỡng cho con trai. Ngoài ra, ông cũng không quên tác động tinh thần Johann để chú có được những ấn tượng sinh động về cái thế giới hiện thực này, thế giới mà tương lai chú sẽ tiếp xúc.

Ông dẫn chú từng bước vào cái môi trường mà sau này chú sẽ có mặt. Bất cứ hoạt động gì có liên quan đến nghề nghiệp của ông, ông đều đưa chú đi theo. Khi ông nói chuyện với công nhân ở bến tàu bằng tiếng Đan Mạch lẫn tiếng địa phương miền bắc nước Đức, khi ông bàn công việc với người làm công ngay cạnh nhà kho lương thực tối om, hoặc khi ông đứng trong sân sai bảo công nhân bốc vác đang kéo dài giọng dô hò trên đống lương thực, ông đều để Hanno ở ngay cạnh... Đối với ông Thomas Buddenbrook, hải cảng, tàu bè, kho hàng, kho lương thực... nơi có những tấm tôn nồng nặc mùi bơ, mùi cá, mùi nước biển, mùi dầu mỡ, là những nơi từ nhỏ ông có cảm tình nhất và ưa lui tới nhất. Nhưng ngày nay con ông không tỏ ra thích thú những chỗ ấy, nên ông phải tập cho nó thích thú dần đi thì vừa. “Những chiếc tàu chạy đường Copenhagen tên là gì?”. “Ít nhất con biết được như thế là tốt lắm rồi, con ạ! Còn nữa thì con phải tìm mà biết dần... Trong những người khuân vác những bao ngũ cốc kia, có nhiều người trùng tên với con đấy, bởi vì chính ông con đặt tên cho họ. Con cái họ cũng có nhiều đứa trùng tên với ba, trùng tên với mẹ con. Hàng năm chúng ta thường tặng họ một thứ gì đó làm quà. Còn những người ở kho hàng đằng kia chúng ta vừa đi qua, thì con đừng tiếp xúc. Chúng ta chẳng có gì để nói với họ cả. Đó là một hãng buôn đang cạnh tranh với chúng ta đấy...” Có lần ông hỏi:

— Con có muốn đi với ba không, Hanno? Chiều nay công ty chúng ta cho hạ thủy một chiếc tàu. Ba đến dự lễ đặt tên cho nó đấy, con đi theo ba không?

Hanno trả lời là chú muốn đi theo. Thế là chú được đi theo, được nghe bố nói chuyện trong buổi lễ, xem bố đập một chai champagne vào mũi tàu, xem chiếc tàu từ trên cái bệ bôi đầy xà phòng xanh trượt dần xuống nước, tung bọt trắng xóa. Nhưng lòng chú vẫn thờ ơ lạnh nhạt.

Hằng năm vào những ngày như ngày lễ Kiên tín trước lễ Phục sinh một tuần, hoặc giả vào tết nguyên đán, ông nghị thường ngồi xe ngựa đi vòng quanh thành phố, thăm những nhà cần phải thăm theo phép xã giao. Những dịp ấy, bà nghị thường lấy cớ đau đầu hoặc trong người không được khỏe, mà ở nhà, thế là ông nghị bảo Hanno đi theo mình. Chuyện đó thì Hanno rất thích. Chú ngồi xe ngựa với bố, vào phòng khách ngồi cạnh bố, lặng lẽ quan sát cử chỉ và lời nói của bố ung dung, chu đáo nhưng thay đổi tùy từng người. Chú để ý thấy khi bố cáo từ ra về, ông trung tá tư lệnh nói quá đáng rằng ông ta rất lấy làm vinh hạnh được ông nghị “quan tâm” đến nhà, thì chú nhớ mãi cảnh ông nghị khoác tay lên vai ông trung tá tỏ vẻ biết ơn. Ở một nơi khác, ông trầm ngâm nghiêm nghị lắng nghe những câu nói khách sáo, ở một nơi khác nữa thì ông trả lời lại bằng những câu nói khách sáo không kém, đầy ý nghĩa hài hước... Bất cứ trường hợp nào, lời nói, cử chỉ của ông cũng lão luyện, đúng phép tắc và rõ ràng. Ông mong con thấy điều ấy và mình có thể làm gương cho con.

Thực ra, Johann nhìn thấy được nhiều hơn thế nữa, đôi mắt màu nâu bẽn lẽn có quầng thâm của chú rất tinh. Không những chú nhìn thấy cử chỉ đĩnh đạc thân mật của bố khi xã giao, chú cũng nhìn thấy một cách sắc sảo kỳ lạ, thậm chí làm chú đau khổ - rằng bố kiểu cách như thế, bố cũng đau khổ lắm. Sau khi ở một nhà nào đó ra về, ông nghị mặt tái mét, không nói một lời, đôi mắt mọng đỏ lim dim, ngồi tựa vào thành xe ngựa! Rồi chú lại hết sức kinh ngạc nhìn thấy khi ông vào nhà khác, vẻ mặt ấy của ông không còn nữa, thân hình mệt mỏi của ông bỗng trở nên hoạt bát lanh lợi. Theo Johann xét thì cử chỉ và lời nói của ông nghị với người chung quanh không phải tự nhiên, chân thực, có phần tự giác và để bảo vệ một lợi ích thực tế nào cả - lợi ích thực tế ấy là cùng với người ta, đề phòng những kẻ cạnh tranh ông; trái lại, là những lời nói, những cử chỉ mà bản thân nó là mục đích; đó là những kiểu cách rất có ý thức, rất có dụng tâm, cho nên người ta không thấy tự nhiên, ung dung, chân thực, mà là giả tạo, cố ý, lúng túng, rất vất vả. Có lúc Hanno nghĩ rằng, sẽ có ngày người ta mong chú khi ở chỗ công chúng hội họp, trước con mắt mọi người, chú cũng có những cử chỉ như thế. Chú cảm thấy vừa chán ngán, vừa sợ hãi. Bất giác chú rùng mình nhắm mắt lại.

Chao ôi! Ông Thomas Buddenbrook đưa mình ra làm gương, đâu phải ông hy vọng cảm hóa Johann! Điều ngày đêm ông suy nghĩ là làm thế nào rèn luyện cho chú trở nên lịch sự, kiên nhẫn và nhận thức được cuộc sống.

Có lúc sau bữa ăn, Hanno muốn có thêm một ít bánh tráng miệng hoặc nửa cốc cà phê, thì ông nghị thường nói:

— Hình như con muốn sống đàng hoàng thoải mái phải không? Nếu thế thì con phải biết buôn bán cho giỏi, kiếm được nhiều tiền. Con muốn thế không nào?

Lúc ấy Johann chỉ trả lời: “Có ạ!”

Nhiều hôm, cả gia đình đến ăn ở nhà ông nghị, bà Tony và ông Christian thường đưa cô Klothilde tội nghiệp ra, nhại giọng nói khuất phục chịu đựng và kéo dài của cô ta. Hanno bị rượu vang làm cho ngây ngất, cũng bắt chước nhại theo, cũng tìm cách trêu chọc cô Klothilde. Lúc đó, ông nghị Thomas Buddenbrook phá lên cười - có thể nói đó là cái cười vui sướng xuất phát tự đáy lòng, giống như người ta gặp điều gì mừng rỡ lắm. Đúng như thế, thậm chí ông còn phụ họa với con, cùng tham gia với con chơi cái trò chơi ấy, mặc dù lâu lắm rồi, ông không đùa cô ta như thế nữa. Tỏ uy quyền với cô Klothilde gầy gò, chậm chạp, khiêm thường, hòa nhã, lúc nào bụng cũng đói này, quả không khó và chẳng nguy hiểm gì, nhưng ông cứ làm. Cũng như nhiều chuyện trái với bản tính của ông là hay đắn đo tính toán, ông hết sức ghét thì chuyện này ông cũng không ưa. Ông không hiểu và nghĩ mãi không ra, tại sao có những tình thế người ta biết rõ rồi, chắc chắn sẽ không khác được, mà người ta vẫn cứ lợi dụng không biết xấu hổ? Nhưng ông lại tự nhủ, lợi dụng tình thế mà không xấu hổ, đó chính là năng lực thích ứng với cuộc sống!

Những lúc Johann tỏ cái năng lực thích ứng với cuộc sống ấy, dù chỉ về một việc hết sức nhỏ nhặt thôi, ông cũng vui mừng sung sướng, hởi lòng hởi dạ biết bao nhiêu!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx