sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Dư luận người vùng này về cuộc hôn nhân của bố mẹ Johann bao năm nay vẫn chưa hề mất hết sức hấp dẫn của nó. Tính tình đôi vợ chồng ấy đã có phần kỳ lạ rồi, cuộc hôn nhân của họ lại có cái gì đó thần bí khác thường. Tìm hiểu sâu vào bên trong, bóc trần một ít việc ngoài mặt, tuy khó đấy, nhưng cũng nên làm... Dù trong nhà hay trong buồng ngủ, ở câu lạc bộ hay ở tiệm rượu, ngay cả ở Sở giao dịch, cũng có người bàn tán về bà Gerda và ông Thomas Buddenbrook, mà người biết càng ít, lại bàn tán càng nhiều...

Hai con người ấy đã lấy nhau như thế nào, quan hệ giữa họ ra sao? Người ta không thể không nhớ lại mười tám năm trước, ông Thomas Buddenbrook, lúc đó ba mươi tuổi, thình lình quyết định việc này ra sao. “Nếu không phải là cô ta thì ở vậy suốt đời!”. Lúc bấy giờ, ông nói thế. Còn về phía bà Gerda thì nhất định cũng tương tự, bởi vì những năm trước tuổi hai mươi bảy, lời cầu hôn của tất cả những người ở Amsterdam đều bị bà từ chối, chỉ người này là bà vui vẻ nhận lời. Nhất định đó là một cuộc hôn nhân vì tình yêu thôi, mọi người đều nghĩ như vậy. Dù muốn hay không, họ cũng phải thừa nhận là việc bà Gerda mang về một món hồi môn ba mươi vạn mark, đối với cuộc hôn nhân của hai người, chỉ là thứ yếu. Nhưng nói về tình yêu, căn cứ vào sự hiểu biết của mọi người về tình yêu, thì từ đầu cũng đã khó phát hiện ra tình yêu giữa hai người rồi. Trái lại, giữa hai người, chỉ thấy sự ân cần khách khí, và sự cung kính không bình thường ở một đôi vợ chồng mà thôi. Càng khó cắt nghĩa hơn là sự khách khí ấy không phải do xa lạ, mà do một tình bạn kỳ lạ, một sự săn sóc lẫn nhau thường xuyên. Năm tháng không làm cho quan hệ ấy thay đổi chút nào. Sự thay đổi duy nhất là diện mạo hai người ngày một chênh lệch rõ rệt, mặc dù tuổi tác hai người thực tế chẳng chênh lệch là bao...

Nhìn hai người, ai cũng thấy ông nghị già đi nhanh quá, đã bắt đầu phát phì, mà bên cạnh ông là một bà vợ rất trẻ. Người ta cũng thấy, dù ông Thomas Buddenbrook hay tô điểm, nhưng bộ điệu ông cố tạo ra chỉ làm người ta buồn cười chứ không thể che giấu nổi sự tiều tụy suy sút của ông. Còn bà Gerda thì mấy năm nay tựa hồ như không có gì thay đổi cả. Bà vẫn như xưa, lạnh lùng, cô độc, và toàn thân bà cũng toát ra sự lạnh lùng ấy. Mái tóc màu đỏ sẫm của bà vẫn y nguyên, nước da vẫn trắng đẹp, người vẫn yểu điệu thong dong. Chung quanh đôi mắt màu nâu hơi bé và hơi gần nhau ấy, vẫn có quầng thâm... Không ai có thể tin vào đôi mắt ấy được. Ánh mắt bà thật đặc biệt, khó hiểu nổi trong đó ẩn giấu điều gì. Bản tính người đàn bà này lạnh lùng, cô độc, sâu lắng, ít nói. Bà chỉ tỏ ra nhiệt tình với cuộc sống khi chơi đàn mà thôi, điều ấy không thể không làm người ta đoán già đoán non. Mọi người lấy sự hiểu biết cũ kỹ về con người mà quan sát vợ chồng ông nghị Buddenbrook. “Người sâu sắc, ít nói”, “ít lời, đa mưu”! Thiên hạ muốn tìm hiểu chuyện ấy, muốn biết thêm điều gì đó, muốn làm sáng tỏ điều gì đó, thì với sức tưởng tượng sáng tạo có hạn của họ, họ đã rút ra được kết luận sau đây: người đàn bà xinh đẹp này nhất định không chính chuyên với ông chồng khéo léo kia đâu!

Người ta để ý và chẳng bao lâu người ta nhất trí với nhau rằng, quan hệ giữa bà Gerda Buddenbrook với thiếu úy von Throta nói tế nhị một chút, đã vượt quá giới hạn xã giao lịch thiệp rồi! von Throta vốn người vùng sông Rhine, hiện là thiếu úy trung đoàn đóng trong thành phố. Cái cổ áo màu đỏ trên bộ quân phục rất hòa hợp với mái tóc màu đen mượt của anh ta. Anh ta rẽ ngôi lệch, mái bên phải phồng cao, lật ra phía sau, để lộ vầng trán trắng trẻo. Thân hình anh ta cao to vạm vỡ, nhưng dáng dấp, cử chỉ và lời nói thì chẳng giống quân nhân chút nào. Anh ta thích cho tay vào phía trong cái áo không cài khuy, hoặc ngồi chống tay. Khi cúi xuống chào, anh ta chẳng có tư thế quân nhân gì hết, cả tiếng đập gót giày cũng không nghe thấy! Anh ta mặc quân phục tùy tiện y như là mặc thường phục vậy! Thậm chí hai hàng ria mép trên môi, không xén gọn mà cũng không uốn cong, làm cho phong cách quân nhân của anh ta càng giảm đi. Chỉ có đôi mắt là khiến mọi người phải để ý, đôi mắt to và đen, sâu thẳm, long lanh, nhìn ai và nhìn cái gì thì nhiệt tình, nghiêm nghị, sáng quắc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, vào quân đội là hoàn toàn ngoài ý muốn của anh ta, hoặc ít ra anh ta cũng chẳng có chút hào hứng gì, vì thân thể anh ta tuy khỏe mạnh như thế nhưng khi thi hành chức trách thì lại tỏ ra ít thành thạo. Mà anh ta cũng chẳng được bạn đồng ngũ ưa thích lắm. Anh ta thờ ơ với những hứng thú của họ - những hứng thú của lớp sĩ quan trẻ vừa thắng trận trở về. Anh ta bị đám ấy cho là kỳ quặc, gàn dở, khó chơi. Anh ta thích đi dạo một mình, không cưỡi ngựa, không săn bắn, không cờ bạc, không trai gái. Anh ta để cả tâm trí vào âm nhạc, và anh ta biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ. Bất cứ đêm công diễn vở ca kịch mới nào, hoặc buổi hòa nhạc nào, cũng bắt gặp đôi mắt sáng long lanh và tư thế thoải mái không có chút phong cách quân nhân của anh ta. Nhưng anh ta chẳng thích lui tới các câu lạc bộ và sòng bạc.

Với một vài vị hiển hách ở đây, bất đắc dĩ lắm anh ta mới phải lui tới, và anh ta tạ từ mọi lời mời mọc, bất cứ của ai. Anh ta chỉ thích đến chơi nhà ông Buddenbrook, mà đến chơi luôn luôn, ai cũng nhận thấy thế, ông nghị cũng nhận thấy thế.

Không ai đoán được ông nghị Buddenbrook nghĩ gì, mà cũng chẳng ai muốn đoán nữa. Nhưng che đậy nỗi đau khổ dằn vặt của mình, sự mềm yếu bất lực của mình mới là chuyện khó, khó đến mức tàn bạo! Người ta bắt đầu nhận thấy một vài hành vi hơi buồn cười của ông, nhưng nếu người ta biết được ông sợ sệt đề phòng thiên hạ chế giễu ông như thế nào, dù chỉ biết một phần vạn tâm trạng ấy của ông, người ta sẽ không chế giễu nữa, mà sẽ thương hại ông thôi! Thực ra, trước khi người ta có ý chế giễu, ông đã nhận thấy điều sỉ nhục ấy đang từ xa đến với mình, và trước đó ông đã minh mẫn dự cảm như thế rồi. Cái lòng hư vinh phù hoa của ông, mà người ta luôn luôn chế giễu chủ yếu bắt nguồn từ chỗ sợ người ta chế giễu. Ông là người đầu tiên hoang mang nhận ra rằng, ông và vợ ông càng ngày càng không xứng với nhau, bởi vì sắc đẹp của bà Gerda không hề phai đi chút nào, tưởng chừng năm tháng chẳng làm gì nổi bà cả. Bây giờ, từ ngày von Throta trở thành khách quý của gia đình, ông càng phải đem hết tinh lực của ông ra mà chống chọi với mối đe dọa ấy, hết sức che đậy, giấu giếm đi, bởi vì khi thiên hạ biết được thì tên tuổi ông sẽ trở thành trò cười cho mọi người!

Không cần phải nói, âm nhạc làm cho bà Gerda Buddenbrook thân thiết với viên sĩ quan trẻ kỳ lạ ấy. von Throta biết chơi piano, biết kéo violon, cello, contrabass, biết thổi sáo, mà môn nào cũng giỏi. Mỗi lần ông nghị thấy người hầu của von Throta bê chiếc đàn contrabass đi qua tấm màn xanh ở cửa phòng làm việc riêng của mình vào trong là ông biết thế nào viên sĩ quan trẻ ấy cũng sắp tới. Lúc ấy, ông cứ ngồi trước bàn giấy chờ, cho đến khi nào anh bạn của vợ ông đi vào phòng, và nghe tiếng đàn piano cuồn cuộn như sóng dậy ở phòng khách tầng trên mới thôi. Những âm thanh ấy như ca hát, như than thở, như thì thầm điều gì bí mật, rồi vươn lên trời cao trong sự phấn chấn, bàng hoàng, say đắm, sau đó lại chìm lắng xuống, không nghe gì nữa trong đêm khuya yên tĩnh. Dù cho âm thanh ấy gào thét, khóc than, du dương, trầm bổng, quấn quít vào nhau, đưa lại cho người ta một cảm giác thần bí thế nào chăng nữa, nó muốn thế nào thì mặc nó, chỉ có điều sự im lặng tiếp theo quả thực làm ông đau khổ quá chừng! Sự im lặng bao trùm phòng khách trên gác kéo dài như vô cùng tận, mà thăm thẳm, nặng nề đến rợn người! Trên sàn gác không nghe tiếng chân bước, không nghe tiếng kéo ghế, một sự im lặng tuyệt đối, độc ác, thần bí! Lúc bấy giờ, ông Thomas Buddenbrook ngồi đấy sợ hãi vô cùng. Bất giác, ông rên lên, không tự chủ được nữa.

Ông sợ điều gì? Người ta gặp von Throta đến chơi nhà ông. Qua ánh mắt họ, ông thấy cảnh tượng hiện lên trước mắt họ như sau: ông, một người già yếu, tiều tụy, trầm lặng, ngồi trước bàn giấy bên cửa sổ tầng dưới, còn trên gác thì vợ ông, một người đàn bà rất đẹp, chơi đàn với nhân tình, mà không phải chỉ có chơi đàn! Ừ, thiên hạ nghĩ như thế đấy! Ông biết lắm, ông cũng biết hai tiếng “nhân tình” chưa thể nói hết địa vị của von Throta được. Ôi, nếu như ông có thể dùng tiếng đó mà gọi anh ta, nếu như ông có thể cho anh ta chẳng qua chỉ là một chàng trai tầm thường, phù phiếm, đã đem cái khả năng chẳng hơn ai của mình dành cho nghệ thuật, để rồi dùng nó chiếm trái tim phụ nữ, nếu có thể như thế được, thì quả là hạnh phúc cho ông rồi! Ông cố tưởng tượng von Throta là người như thế. Để ứng phó với việc này, ông gọi dậy cái tâm lý thiên bẩm tổ tiên di truyền lại cho ông, tâm lý hoài nghi và kính nhi viễn chi của một thương nhân đối với tầng lớp quân nhân phù phiếm, ưa mạo hiểm, không có chí thú làm ăn. Trong đầu óc hay trong câu chuyện, ông đều coi von Throta là “thiếu úy”, vẻ khinh thường, nhưng ông biết rất rõ là cái chức ấy chẳng ăn nhập gì với khí chất của người trai trẻ kia!

Ông Thomas Buddenbrook sợ cái gì? Không có gì cả, không nói được là gì cả. Ôi, nếu như cái mà ông phải chống chọi có thể sờ mó được, hoặc chỉ hung bạo mà thôi, thì hay biết bao nhiêu! Ông ghen với những người ngoài cuộc, họ có thể tưởng tượng ra cảnh tượng đơn giản thế kia, còn ông thì ngồi đây, hai tay ôm đầu, đau khổ lắng nghe. Ông biết rất rõ những tiếng như “lừa dối”, “thông gian”, đều không thể dùng để nói về tiếng nhạc hoặc sự im lặng sâu thẳm ở trên gác kia được!

Có lúc, ông ngước nhìn bức tường tam giác màu xám ngoài cửa sổ, nhìn người qua lại trên đường phố, hoặc nhìn những bức ảnh các bậc tổ phụ treo trước mặt, ông lại nhớ đến lai lịch dòng họ mình. Ông tự nhủ với mình: mọi cái đã đến lúc kết thúc rồi, chỉ còn có mỗi một việc trước mắt nữa mà thôi, mọi cái đều đã chấm dứt! Chỉ còn mỗi một việc là ông trở thành đối tượng cho thiên hạ chê cười; tên tuổi ông, chuyện riêng gia đình ông trở thành chuyện cửa miệng của người ngoài đường phố; cộng thêm vào đó, tất cả đều kết thúc rồi! Nhưng nghĩ tới đó, lòng ông tựa hồ thanh thản ra, bởi vì điều bí ẩn nhục nhã làm cho ông đang vò đầu suy nghĩ ấy, so với cái trò bí mật đang diễn ra trên đầu ông thì lành mạnh, giản đơn hơn, có thể tưởng tượng được và có thể nói ra được!

Không thể chịu nổi nữa rồi! Ông đẩy ghế ra, rời khỏi bàn giấy đi lên gác. Nhưng lên đâu? Lên phòng khách ư? Gọi von Throta ra bằng một giọng khinh miệt, mời anh ta ăn điểm tâm và chờ đợi anh ta từ chối như nhiều lần trước ư? Viên thiếu úy ấy lánh mặt ông, hình như lần nào ông chính thức mời anh ta đến chơi, anh ta cũng đều từ chối cả, anh ta chỉ thích đi lại riêng, không có gì gò bó với bà chủ nhà mà thôi, đó là điều ông nghị không thể dung thứ được.

Chờ ư? Ngồi đâu? Ví như ngồi ở phòng hút thuốc mà chờ, chờ người ấy về rồi, sẽ vào nói với vợ hết mọi điều trong lòng mình, để vợ tỏ thái độ ư? Không được, ông không có cách nào làm cho bà Gerda tỏ thái độ rõ ràng được, mà ông cũng không thể nói hết lòng mình ra được! Nói cái gì? Cuộc hôn nhân của hai người căn bản xây dựng trên cơ sở một sự chấp thuận thầm lặng giữa những người quen biết nhau mà thôi. Không cần thiết phải làm trò hề trước mặt vợ! Đánh ghen có nghĩa là thừa nhận lời thiên hạ đồn đại là đúng, có nghĩa là vạch áo cho người xem lưng! Ghen ai? Ghen cái gì? Không. Ông không ghen chút nào cả. Tình cảm mãnh liệt ấy bắt người ta phải hành động, hành động có thể sai trái, điên cuồng, có điều ít ra cũng phải có dũng khí và có thể làm người ta sảng khoái. Nhưng cảm giác hiện thời của ông chỉ là hoang mang, bối rối, chỉ là day dứt, hoang mang, bối rối mà thôi!

Ông đi lên phòng thay áo quần trên gác ba, bơm nước hoa lên trán, rồi xuống gác hai. Bằng giá nào cũng phải phá tan cái yên lặng trong phòng khách kia đi! Nhưng khi tay ông vừa chạm vào quả đấm mạ vàng trên cánh cửa sơn trắng, thì trong phòng tiếng nhạc lại nổi lên như dời non lấp biển! Bất giác ông lùi lại.

Ông xuống tầng dưới theo cầu thang người hầu hạ vẫn đi, qua tiền sảnh và dãy hành lang lạnh lẽo, ra vườn hoa, lại quay lại đứng ngắm con gấu giả đặt ở tiền sảnh, dừng lại ở bể cá vàng bên cầu thang một lúc. Dù đứng đâu, ông cũng không thể bình tĩnh nổi. Ông lắng nghe, dòm ngó, lòng đau khổ ê chề. Việc xấu xa bí mật, nhưng không ai không biết ấy, làm ông lo sợ. Nó cứ đè nặng lên trái tim ông, khiến ông luống cuống hết sức.

Một hôm, cũng trong giờ phút như thế, ông đang đứng dựa vào lan can hành lang gác ba, nhìn xuống tầng dưới qua cửa cầu thang. Bốn bề yên lặng. Bỗng Johann từ trong buồng chú chạy ra, qua cầu ban công, qua hành lang, không hiểu đi tìm bà Ida Jungmann có việc gì. Tay chú cầm một cuốn sách, mi mắt chú sụp xuống, chú khẽ chào bố một tiếng, định lặng lẽ men theo chân tường mà đi. Nhưng ông nghị gọi lại:

— Hanno, con đang làm gì thế?

— Con đang làm bài! Ba ạ, con tìm bà Ida để bà ấy nghe bài con vừa dịch xong.

— Hôm nay, con học bài gì? Còn bài vở gì chưa làm nữa không?

Mi mắt Hanno càng sụp xuống. Chú đang tập trung tư tưởng để trả lời cho được đúng, nhanh và rõ. Chú nuốt nước bọt rồi nói:

— Con còn một đoạn văn của Nepos[136], rồi viết tập, học ngữ pháp tiếng Pháp, tìm hiểu sông ngòi ở Bắc Mỹ... chữa bài luận.

Chú im bặt, vì trước khi nói “chữa bài luận”, chú không dùng từ “và”, không hạ thấp giọng xuống. Chú thấy khó chịu vì không nghĩ ra điều gì nữa để nói. Câu trả lời của chú kết thúc đột ngột như thế, hình như còn gì nữa chưa nói - “Không còn gì nữa” - chú nói, cố gắng nói cho thật rõ ràng, mắt vẫn không ngước lên. Nhưng ông nghị hình như không để ý. Ông cầm lấy bàn tay Hanno vuốt ve, lơ đãng. Rõ ràng ông không nghe chú nói. Ông như không biết mình đang chậm rãi vuốt ve bàn tay mềm mại của con ông, im lặng không nói một lời nào.

Bỗng Hanno nghe bố thốt ra một câu chẳng ăn nhập gì cả, giọng khẽ khàng, sợ hãi, có thể nói là một lời cầu xin. Từ trước tới nay, chú chưa nghe giọng bố nói như thế bao giờ. Câu ấy là:

— Ông thiếu úy ở trong phòng mẹ con hai tiếng đồng hồ rồi! Hanno...

Nghe giọng nói ấy, chú ngước đôi mắt nâu lên, nhìn chằm chằm vào mặt bố. Chưa bao giờ chú giương mắt to như thế, ánh mắt chú cũng chưa bao giờ trong trẻo, chưa bao giờ chan chứa yêu thương như vậy. Mắt bố hơi đỏ, lông mày thưa thớt, má trắng bệch, hơi sưng, hai hàng ria mép không chút sinh khí như dán vào mặt. Có trời biết chú hiểu được chút nào về tâm sự của bố! Nhưng có một điều có thể khẳng định được là, lúc ánh mắt hai bố con gặp nhau, tất cả những gì xa lạ, lạnh lùng, gò bó và hiểu nhầm giữa hai bố con đều biến mất. Nếu như không phải ông đòi hỏi dũng khí, tài năng, sự sôi nổi ở con, mà là khi ông sợ hãi, đau khổ, thì bất cứ bây giờ hay là lúc nào khác, ông Thomas Buddenbrook cũng đều có thể tin cậy được ở con mình!

Nhưng ông không chú ý đến việc ấy, ông cố không chú ý đến việc ấy. Những lần việc ấy xảy ra, ông đều kiểm tra nghiêm khắc hơn ngày thường sự chuẩn bị thực tế của Hanno đối với sự nghiệp mai sau. Ông thử nghị lực của chú, bắt chú phải tỏ ra hứng thú với sự nghiệp mai sau; nếu chú có biểu hiện gì ngược lại, hoặc chán ghét, thì ông nổi trận lôi đình ngay... Ông Thomas Buddenbrook năm nay mới bốn mươi tám, nhưng ông cảm thấy mình chẳng sống được mấy năm nữa, và không bao lâu, ông sẽ xa trần thế!

Sức khỏe ông ngày một khác, ăn không biết ngon, mất ngủ, đầu váng vất, hay ớn lạnh, thường phải mời bác sĩ Langhals đến chẩn đoán. Nhưng mọi lời chỉ dẫn của bác sĩ, ông đều không theo. Mấy năm lại đây, vì phiền muộn về công việc, vả lại cũng chả có gì làm, tinh thần bị giày vò ghê gớm, ông không còn kiên nghị như trước nữa. Ông tập cho mình thói quen đi ngủ sớm. Mặc dù tối hôm nào ông cũng quyết sáng hôm sau phải dậy sớm, trước khi uống trà phải đi mấy vòng theo lời bác sĩ dặn. Kỳ thực quyết định ấy, ông cũng chỉ thực hiện được đâu vài ba lần gì đó... Những việc khác cũng đều như thế cả. Tinh thần luôn luôn căng thẳng, lại không việc gì thành công, không có gì thỏa mãn, lòng tự ái cũng bị tổn thương, thường thì ông cảm thấy bi quan thất vọng. Từ thời còn trẻ, ông nghiện thuốc lá Nga rất nặng, bây giờ ông chẳng muốn bỏ cái thú làm tê dại đầu óc ấy đi.

Ông nói thẳng với bác sĩ Langhals:

— Bác sĩ biết đấy, cấm tôi hút thuốc là trách nhiệm của ông, trách nhiệm ấy nhẹ nhàng lắm! Nhưng làm thế nào để theo điều cấm kỵ ấy là việc của tôi! Ông có thể giám sát... Không, về sức khỏe của tôi, hai chúng ta sẽ cùng nhau hợp lực lại, nhưng trách nhiệm này phân chia không được công bằng, phần của tôi nặng quá! Ông đừng cười... không phải nói đùa đâu, tôi cảm thấy cô đơn, bất lực lắm!... Tôi phải hút thuốc. Ông có hút không?

Sức ông ngày một suy sút. Trong lòng ông, ý nghĩ tất cả những cái này sẽ không còn bao lâu nữa và mình cũng sắp sửa từ giã cõi đời ngày một rõ hơn. Ông thường có những dự cảm kỳ quặc: một vài lần ngồi vào bàn ăn, ông bỗng cảm thấy hình như mình không còn cùng ngồi với những người trong nhà nữa, mà lùi về phía sau, ở một chỗ mông lung xa xôi nào nhìn tới... “Mình sắp chết đến nơi rồi!”. Ông nói một mình. Ấy thế là ông gọi Hanno đến, bảo:

— Con ơi, có lẽ ba chết sớm hơn là mọi người tưởng. Bấy giờ con sẽ thay ba nhé! Ba bắt đầu bước lên con đường công danh sự nghiệp hồi còn rất trẻ... Con nên hiểu rằng, thái độ bất cần của con, xem thường hết thảy, làm ba khổ tâm lắm! Thế nào, con đã có ý định gì chưa đấy?... “Vâng!” “Vâng” - Nói như thế không phải là trả lời, không thể cho là một câu trả lời được! Ba hỏi là hỏi con có can đảm, có chí thú tính toán chuyện làm ăn không? Hay con nghĩ rằng mình có của, chẳng cần làm gì cả? Ba nói cho con biết, con chẳng có gì đâu, tài sản của con chẳng được là bao, con phải hoàn toàn tự lực cánh sinh. Nếu con muốn sống cho sung sướng một chút, thì con phải lo mà làm ăn, làm ăn chăm chỉ, chăm chỉ hơn cả ba nữa kia đấy!

Nhưng ông Thomas Buddenbrook đau khổ không phải chỉ vì thế, không phải chỉ vì nỗi lo lắng tiền đồ của đứa con trai và của dòng họ ông mà thôi. Có một ý nghĩ khác, một ý nghĩ mới nảy ra quấn chặt lấy ông, giày vò ông, làm cho đầu óc ông vốn đã mệt mỏi trở nên rối bời, tức là ý nghĩ về cái chết của ông. Chuyện ấy thì không xa xôi gì nữa. Không phải là chuyện tất nhiên rồi sẽ đến, có thể bình tâm chờ đợi, mà là chuyện trước mắt, có thể giơ tay với tới, và phải chuẩn bị chu đáo. Những lúc đó, ông gục đầu xuống, trầm ngâm. Ông bắt đầu dò hỏi lòng mình, tìm hiểu xem mình liên quan đến cái chết, đến cuộc sống kiếp sau như thế nào. Nhưng kết quả là, lúc đầu mỗi lần như thế, ông phát hiện ra mình chưa chuẩn bị gì mà chờ đón cái chết cả...

Hồi còn sống, cụ thân sinh ra ông từng đem các tư tưởng thực dụng cực đoan của tầng lớp thương nhân kết hợp, và kết hợp rất khéo, với tinh thần của đạo Cơ đốc thể hiện ở cuốn Kinh thánh và lòng mộ đạo thiên về hình thức. Những năm cuối đời, bà cụ thân sinh cũng tiếp thu lòng sùng tín ấy của ông cụ. Nhưng đối với ông thì lòng sùng tín ấy thật xa lạ. Ngược lại, trong đời ông, bất cứ việc gì, ông vẫn giữ mối hoài nghi thế tục của ông cụ. Mặt khác, vốn là người sâu sắc, nhạy cảm, khát khao hiểu biết thế giới huyền ảo, ông không thể bằng lòng với cái thản nhiên hời hợt của cụ Johann Buddenbrook được. Cho nên ông phải tìm trong sự phát triển lịch sử lời giải đáp cho những câu hỏi bất hủ và vĩnh hằng kia. Ông cho rằng cuộc đời ông đã thể hiện đầy đủ qua các bậc tiền bối và tương lai, thì nó sẽ dựa vào lớp con cháu mà trường tồn. Ý nghĩ ấy chẳng những phù hợp với ý thức dòng họ, ý thức gia trưởng, với lòng sùng kính tổ tiên, mà còn khuyến khích cổ vũ cho mọi hoạt động của ông, cho lòng tham vọng, cho cả cuộc đời của ông nữa. Thế mà giờ đây, ông lại phát hiện ra rằng, khi cái chết đến trước mắt thì ý nghĩ ấy bỗng tan biến mất. Ông không có lấy một giây phút nào gọi là bình thản được nữa.

Trong cuộc đời, ông Thomas Buddenbrook đã có lúc tỏ ra thiên về đạo Thiên chúa, nhưng rốt cuộc ông vẫn có cái nghiêm túc, thâm trầm và tinh thần trách nhiệm khắc khổ của một tín đồ chân thành. Đứng trước cái chết, một chuyện lớn lao như thế, ông không tìm được ở bên ngoài sự giúp đỡ, sự hòa giải, sự tha thứ, lòng say mê và niềm an ủi nữa! Vẫn chưa muộn, ông phải một thân một mình tìm hiểu điều bí ẩn ấy một cách khó khăn, cực khổ để rồi bình tâm chờ đón cái chết. Bằng không, ông phải từ giã cõi đời này trong nỗi tuyệt vọng! Ông vốn hy vọng thấy cuộc đời mình lại được thể hiện ngay trong đứa con trai mà khôi phục cái tuổi thanh xuân cường tráng của ông. Nhưng hy vọng ấy cũng tiêu tan. Ông đành tách rời tâm tư của ông ra khỏi đứa con độc nhất ấy, hoảng hốt đi tìm chân lý. Nhất định chân lý nằm ở một nơi nào đó.

Ấy là giữa mùa hè năm 1874. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên bầu trời xanh thẫm của vườn hoa xinh đẹp, cắt xén đều đặn. Chim vành khuyên kêu chiêm chiếp trên cành hồ đào như sợ hãi cái gì. Vòi nước phun tung tóe quanh luống hoa hồng màu nhạt. Mùi hoa tử đinh hương quyện với mùi thơm ngọt của nhà máy đường gần đấy, theo gió đưa tới. Thời gian gần đây, giữa lúc công việc bề bộn, ông nghị thường rời khỏi bàn giấy, nhân viên thấy thế rất lấy làm lạ. Ông ra vườn hoa, chắp tay sau lưng, đi đi lại lại, san các viên sỏi trên con đường nhỏ cho bằng phẳng, hoặc vớt cặn trong bể nước, buộc lại một cành hoa hồng... Đôi lông mày thưa của ông hơi nhếch lên, sắc mặt ông nghiêm nghị, nhưng lúc ấy, ý nghĩ ông đang vẩn vơ ở đâu đâu, theo những con đường gập ghềnh u ám, xa xôi...

Có lúc, ông lên ngồi trên nền cao hóng mát, hoặc ngay trong lầu hóng mát, hoặc dưới giàn nho, mắt mải nhìn góc tường sơn đỏ của ngôi nhà phía bên kia vườn hoa. không khí ấm áp ngọt ngào, xung quanh tiếng lá rì rào như vỗ về, ru ngủ. Cô đơn, trầm lắng, nhìn mãi vào nơi vô định, ông cảm thấy mỏi mệt. Chốc chốc ông lim dim mắt lại, nhưng rồi lập tức ông mở to ra, vội vã xua đuổi cái tĩnh mịch cô quạnh ấy đi. “Ta phải nghĩ thật kỹ - ông nói gần thành tiếng - Bây giờ vẫn chưa muộn, ta sẽ sắp đặt cho đâu vào đấy...”.

Một hôm, cũng ở đây, trong lầu hóng mát này, ngồi trên ghế xích đu, ông chăm chú đọc sách, bốn tiếng đồng hồ liền. Cuốn sách ấy vào tay ông cũng là ngẫu nhiên. Ăn sáng lần thứ hai vừa xong, miệng đang ngậm điếu thuốc, bỗng ông chợt nhìn thấy nó phía sau những dãy sách đẹp đẽ xếp gọn gàng trong ngăn tủ kê ở góc phòng hút thuốc. Ông sực nhớ ra rằng, lâu lắm rồi, ông đã mua về bằng một giá rẻ mạt ở hiệu sách nọ. Cuốn sách dày cộp, giấy mỏng đã ngả màu vàng, in xấu, bìa cũng xấu. Đó là tập hai bộ Triết lý siêu hình. Ông mang ra vườn hoa, đọc chăm chú từng trang.

Trong lòng ông trào lên một niềm cảm xúc lớn lao và một sự thỏa mãn chưa bao giờ biết đến. Ông thỏa mãn vì trí tuệ siêu phàm đã chinh phục được cuộc sống, chinh phục được cuộc sống thô bạo, tàn nhẫn, trào lộng và có thể an bài nó theo ý mình. Đó là sự thỏa mãn của kẻ đã chịu mọi nỗi cực khổ trên đời. Bị cuộc đời lạnh lùng, tàn khốc giày vò, ông tìm cách che giấu những nỗi đau khổ ấy đi, ông nhẫn nhục chịu đựng, nhưng cảm thấy xấu hổ. Nay ông bỗng được một bậc vĩ nhân tài trí cho biết mọi nỗi khổ đau ở đời mà ông từng chịu đựng đều là đúng quy luật cả - Trong trí tưởng tượng mọi người, cuộc đời tốt đẹp là thế, nhưng bậc vĩ nhân có quyền uy lớn lao kia, bằng giọng châm biếm, lại chứng minh rằng cuộc đời thật ra là hết sức xấu xa.

Không phải ông hiểu hết những điều ông đọc. Rất nhiều nguyên lý, nhiều giả thiết, ông không hiểu, đầu óc ông không quen với loại văn chương này. Một vài chỗ tác giả lập luận, ông không thể theo nổi. Nhưng chính vì mờ mờ tỏ tỏ như thế, chính vì từ chỗ đang tối tăm bỗng nhiên sáng ngời ra, mà ông phải nín thở đọc tiếp. Một tiếng đồng hồ rồi lại một tiếng nữa, mắt ông không rời khỏi trang sách, ông vẫn ngồi nguyên trên chiếc ghế ấy.

Lúc đầu, ông xem lướt, cố tìm cho ra điều chủ yếu nhất, quan trọng nhất, chỉ đọc những đoạn hấp dẫn. Về sau, có một chương rất dài, ông đọc từ đầu chí cuối, không sót một chữ. Ông mím chặt môi, chau mày lại, vẻ mặt nghiêm nghị đến mức không để ý đến những gì xảy ra chung quanh nữa. Đó là chương: “Bàn về cái chết và quan hệ giữa cái chết với bản chất bất diệt của sự sống”[137]. Ông mải mê suốt bốn tiếng đồng hồ, khi người hầu gái ra vườn hoa mời ông vào ăn cơm, còn lại mấy dòng, ông gật đầu và đọc nốt.

Gập sách lại, ông nhìn chung quanh, bỗng ông cảm thấy người ông to dần ra vô hạn. Trong lòng ông đầy một cảm giác say sưa, một cảm giác chứa chan hy vọng làm cho ý thức của ông trở nên mơ hồ ngây ngất như được nếm lại vị ngọt ngào của buổi đầu yêu đương, vừa lo buồn, vừa sung sướng. Ông bỏ cuốn sách vào ngăn kéo cái bàn kê ở lầu hóng mát. Hai tay ông giá lạnh, run run. Một áp lực kỳ quái chụp lên đầu ông nóng bỏng, tưởng như sắp nổ tung, làm ông sợ hãi. Ông không còn tập trung tư tưởng được nữa.

Sao thế nhỉ? Khi ông vào nhà, đi lên gác, ngồi với người nhà trong phòng ăn, ông vẫn còn tự hỏi:... “Tôi làm sao thế này? Tôi nghe thấy gì? Ai nói với tôi điều gì, nói với tôi, Thomas Buddenbrook, nghị viên của thành phố, chủ hãng lương thực Buddenbrook?... Nói với tôi ư? Liệu tôi có chịu đựng nổi hay không? Tôi cũng không nhớ là nói những gì nữa... Chỉ biết rằng những điều ấy rộng lớn, cao siêu quá đối với đầu óc bình dị của tôi...”

Suốt ngày hôm ấy, ông mơ màng ngây ngất và buồn ngủ. Tối đến, hai vai ông không đỡ nổi cái đầu nặng chịch của ông nữa. Ông lên giường sớm, nằm thiếp đi ba tiếng đồng hồ. Giấc ngủ thật mê mệt, cả đời ông chưa bao giờ như thế. Bừng tỉnh dậy, ông cảm thấy sung sướng như vừa ra khỏi một giấc mơ, mà cũng cảm thấy cô đơn như buổi ban đầu tình yêu chớm nở.

Ông biết, trong căn phòng rộng thênh thang này chỉ có một mình ông, bởi vì bà Gerda ngủ trong phòng bà Ida. Gần đây, bà Jungmann dọn đến một trong ba căn phòng gần ban công cho gần Johann. Hai tấm màn cửa sổ che tối om. Bao bọc trong bầu không khí dịu dàng tĩnh mịch, ông nằm ngửa trên giường, nhìn vào đêm tối.

Cái gì thế nhỉ? Bỗng nhiên màn đêm dày đặc, nhẹ như lông thiên nga, giống như bị xé toạc, để lộ một viễn cảnh xán lạn, vĩnh hằng, sâu thẳm. “Ta phải sống!”. Ông Thomas Buddenbrook như hét lên. Ông cảm thấy lồng ngực ông vì tiếng kêu không thành lời đó đang phập phồng. “Có nghĩa là ta phải sống!”. “Nó” phải sống... Nếu “nó” không phải là ta thì đó là ảo giác, là sự ngộ nhận sẽ được cái chết cải chính. “Đúng thế! Đúng thế rồi!.. Tại sao nhỉ?”. Vừa đề cập đến chuyện ấy thì màn đêm lại khép kín. Ông không còn trông thấy, không còn hay biết, không còn hiểu gì nữa. Ông vùi đầu vào gối, sự thực vừa thấy làm ông hoa mắt, mỏi mệt quá chừng!

Ông nằm lặng đi, khao khát chờ đợi, cảm thấy như mình phải cầu mong việc ấy kéo dài ra, cầu mong nó trở lại để ông được hưởng phần ánh sáng. Quả nhiên nó đến. Ông nằm yên, chắp hai tay, im lặng nhìn, không cử động.

Chết là thế nào nhỉ? Câu hỏi ấy không thể mấy chữ nghèo nàn, vô vị mà trả lời được. Chỉ có thể cảm thấy nó mà thôi. Từ nơi sâu thẳm của cõi lòng, ông đã nắm bắt được nó rồi. Chết là hạnh phúc, một hạnh phúc vô biên, chỉ có những phút lên thiên đường sảng khoái mới so sánh nổi. Ấy là sự trở về, sau nỗi đau đớn khôn cùng, mà còn đang trù trừ do dự. Ấy là sự sửa chữa những lỗi lầm nghiêm trọng, là sự thoát khỏi xiềng xích gông cùm. Nó cứu chúng ta khỏi một tai họa lớn!

Là kết thúc hay giải thể đây? Nếu có ai đem hai khái niệm hão huyền ấy ra mà dọa nạt thì thật là đáng thương! Thử hỏi kết thúc cái gì? Giải thể cái gì? Thân thể ông... cá tính ông, con người ông, là vật chướng ngại nặng nề, bướng bỉnh, lầm lỗi, đáng thương và đáng ghét, giải thoát khỏi cái chướng ngại ấy để biến nó thành cái gì hoàn mỹ hơn!

Chẳng lẽ người ta sống ở đời không phải là một sự sai lầm hay sao? Chẳng lẽ khi sinh ra đời, ta không bị giam cầm trong vòng đau khổ ấy hay sao? Ngục tù! Ngục tù! Đâu đâu cũng là xiềng xích gông cùm! Ta chỉ có thể nhìn một cách tuyệt vọng cảnh bên ngoài qua cửa sổ của bản thân mình, tức là cái cửa của cái ngục tù to lớn, cho đến ngày cái chết đến gọi ta trở về với tự do!

Con người!... Chao ôi, con người! Tất cả sở hữu, tất cả khả năng của con người đều nghèo nàn, xám xịt, thiếu sót, vô nghĩa. Nhưng con người không thể, đúng như thế, con người không thể không có, không làm, chính vì con người nhìn nó bằng cặp mắt hâm mộ, thèm muốn, cái thèm muốn ấy sợ trở thành hận thù, nên đã biến thành tình yêu.

Ta mang trong người ta tất cả mầm mống và khả năng của mọi năng lực và mọi hoạt động ở đời. Nếu ta không ở đây thì ta sẽ ở đâu? Nếu ta không phải là ta, nếu con người ta không cách biệt với ngoại giới, ý thức của ta không tách rời ta khỏi những gì không phải là ta, thì ta sẽ là ai, sẽ là gì, và tồn tại như thế nào? Đó là sự bộc phát mù quáng, tùy tiện và đáng thương của ý chí phấn chấn có cơ thể! Cứ để cho ý chí ấy khốn khổ trong ngục tù, có ánh sáng mờ ảo lay lắt chiếu vào trí tuệ, để nó tự do bay lượn trong đêm dài không bị thời gian, không gian câu thúc, có hơn không?

Ta hy vọng ta sẽ tiếp tục sống trên con người của con ta ư? Tiếp tục sống trên một con người nhu nhược, yếu hèn và do dự hơn ta ư? Thật là một ý nghĩ trẻ con, vớ vẩn! Ta cần con trai ta để làm gì? Ta không cần nó!... Sau khi chết, ta sẽ ở đâu? Thật là rõ như nhìn vào lòng bàn tay, và giản đơn quá thể! Ta sẽ tiếp tục sống ở ngay trên người “ta”, cái ta đã từng nói, đang nói và sẽ nói, nhất là trên con người đầy đủ, mạnh mẽ và vui vẻ đang nói đây!

Trên cõi đời này, ở một nơi nào đó, có một đứa trẻ nào đó đang lớn lên, được trời ưu đãi, bẩm sinh hơn người, có thể phát triển tất cả những gì nó có; cơ thể nó cân đối đẹp đẽ, nó không biết sầu khổ; nó trong sáng, lạnh lùng và hoạt bát; ánh mắt nó làm cho người hạnh phúc thêm niềm vui và làm cho người bất hạnh thêm đau khổ, tuyệt vọng - Thì đó là con ta, đó là ta. Không bao lâu nữa, chỉ ít lâu nữa thôi... khi cái chết giải thoát ta khỏi cái ảo tưởng đáng thương này, cái ảo tưởng ta không phải là nó, cũng chẳng phải là ta, thì...

Từ bao giờ, ta căm giận cuộc đời, cuộc đời trong sáng, lạnh lùng vô tình này? Thật là ngu xuẩn, sai lầm. Ta chỉ giận ta, bởi vì ta không chịu đựng nổi thách thức của cuộc đời. Nhưng ta yêu các người... ta yêu tất cả những người hạnh phúc. Chỉ ít lâu nữa thôi, ta không còn cách biệt với các người bằng những ngục tù chật hẹp nữa. Chỉ ít lâu nữa thôi, lòng ta vốn yêu mến các người, tình yêu của ta đối với các người sẽ được tự do, sẽ đến với các người, đến ngay trong mỗi con người!

Ông òa lên khóc, vùi đầu vào gối mà khóc, toàn thân run rẩy trong cảm giác hạnh phúc. Cảm giác vừa đau đớn, vừa ngọt ngào ấy không có gì ở cõi đời này có thể so sánh nổi, từ chiều qua đã làm cho ông ngây ngất mê man, làm cho ông tỉnh ngộ, làm cho trái tim ông xao động như mối tình đầu. Đến bây giờ, ông mới nhận rõ, mới hiểu rõ, mới hiểu ra - không phải tư tưởng nào dựa vào chữ nghĩa, mà là niềm hạnh phúc trong sáng trong lòng ông - ông đã được tự do, được cởi bỏ mọi xiềng xích của thiên nhiên và những xiềng xích do con người tạo ra. Ông tự nguyện thoát ra khỏi những bức tường của thành phố quê hương đã giam cầm ông, thế giới mênh mông đã hiện ra trước mắt ông, thế giới ấy, thuở bé ông mới chỉ được nhìn thấy mảy may mà thôi. Cái chết đã trả lại tất cả cho ông. Không gian, thời gian và tất cả những hình thức giả dối của lịch sử, ước mong lưu lại thanh danh, nỗi lo âu cho hậu thế, nỗi sợ hãi về một sự sụp đổ cuối cùng có tính chất lịch sử - tất cả những cái đó không còn giày vò tinh thần ông nữa, không còn trở ngại cho mọi lý giải về sự vĩnh hằng của ông nữa. Chỉ có hiện tại rộng lớn và cái sức mạnh trong lòng ông, sức mạnh của một tình yêu khao khát, ngọt ngào và thê lương - bản thân ông là một biểu hiện sai lầm của sức mạnh ấy - mới tìm thấy con đường đi vào “hiện tại” kia!

“Ta phải sống!”, ông nói khe khẽ, nghẹn ngào, mặt úp vào gối. Một lát sau, ông không biết mình tại sao lại khóc. Đầu óc ông yên tĩnh, mất hết tri giác, trong lòng ông, ngoài cái bóng đen dày đặc, không còn gì nữa. “Nhưng rồi nó sẽ trở lại!”. Ông tự an ủi. “Chẳng phải là ta đã cảm thấy rồi đó ư?”. Khi giấc ngủ kéo đến không chống cự nổi nữa, ông trịnh trọng thề rằng, ông không bao giờ bỏ rơi cái hạnh phúc vô song ấy. Ông sẽ để thì giờ đọc sách, nghiên cứu, nắm cho thật chắc toàn bộ cái triết lý dẫn ông đến trạng thái tinh thần kia.

Nhưng đó là việc ông không thể làm được. Sáng sớm hôm sau, ông tỉnh dậy với cảm giác ngượng ngùng đã để cho tâm hồn mình bay bổng dù biết rằng những dự định đẹp đẽ ấy chẳng thể nào thực hiện nổi.

Ông dậy rất muộn. Sau đó, ông đến tham gia một cuộc tranh luận ở Hội đồng thành phố. Công việc chung của cái thành phố thương nghiệp bậc trung này, đâu đâu cũng có những bức tường tam giác và đường phố quanh co, công việc buôn bán và công việc thị chính choán hết cả tâm trí ông. Tuy ông chưa quên, còn muốn tìm lại cuốn sách kia, nhưng ông đã bắt đầu hoài nghi những gì ông nếm trải trong đêm ấy phải chăng sẽ bền vững mãi mãi, và khi cái chết đến gần liệu ông còn có thể chịu thử thách được nữa không? Cái thiên tính thị dân trong người ông phản đối giả thuyết ấy. Rồi lòng hư vinh ở ông cũng trỗi dậy. Ông sợ phải đóng một vai hề quái gở. Những việc ấy có thích hợp với thân phận ông không? Có thích hợp với Thomas Buddenbrook, nghị viên và là chủ nhân của công ty Johann Buddenbrook không?

Cuốn sách lạ lùng chứa đựng bao nhiêu điều hay ho kia, chưa bao giờ ông xem lại, đừng nói chuyện mua cho trọn bộ. Tuổi tác ngày càng cao, ông càng trở nên nhạy cảm, càng trở nên hống hách. Ngày tháng dần dần trôi qua như thế. Ông phải xử lý hàng trăm công việc lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày. Đầu óc ông cứ bị những chuyện vụn vặt kia giày vò, ý chí ông ngày càng bạc nhược. Ông không còn có thể phân chia thời gian một cách hợp lý và có hiệu quả được nữa. Hai tuần lễ sau cái buổi chiều đáng ghi nhớ ấy, ông quyết bỏ hết tất cả. Ông bảo người hầu gái đem cuốn sách vẫn để trong ngăn kéo bàn ở lầu hóng mát ngoài vườn cất vào tủ sách.

Như thế đó, ông Thomas Buddenbrook đã tìm đến cái chân lý cao siêu tối hậu ấy, nhưng rồi lại đổ ụp xuống, trở về với những quan niệm, với những hình ảnh mà người ta bắt ông làm quen từ thuở nhỏ. Bất cứ đi đâu, ông cũng cố hết sức tìm kiếm Thượng đế duy nhất, được nhân cách hóa, người cha của nhân loại. Người đã để lại một phần cơ thể trên trái đất này, Người đã chịu đau khổ vì chúng sinh; ngày phán xét cuối cùng của Người sẽ làm cho những kẻ chân chính phủ phục dưới chân Người được sống mãi mãi, bù đắp cho những nỗi đau khổ mà con người phải chịu đựng trong thế giới cơ cực này!... Tất cả những chuyện mơ hồ và có phần hoang đường ấy không cần được lý giải, chỉ cần thành kính tin theo. Khi ngày cuối cùng khủng khiếp kia tới, liệu có thể dùng những lời lẽ ngây thơ mà làm chỗ dựa cho Người được ư? Có thật như thế hay không?

Ôi, ngay ở nơi đây, tâm hồn ông cũng không được thanh thản. Suốt ngày ông phải suy nghĩ về danh dự của dòng họ, về vợ con, về thanh danh của bản thân, về gia đình. Ông phải bỏ ra bao tâm trí để ăn mặc chỉnh tề, để cho có được bộ mặt nghiêm nghị. Thực ra, ông là một người đang tiều tụy hết sức, trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác. Bao nhiêu lâu nay câu hỏi sau đây cứ giày vò ông: cuối cùng rồi sẽ ra sao? Sau khi chết, linh hồn sẽ lên thiên đường, hay là sau khi thể xác hồi sinh, hạnh phúc mới đến? Trước khi thể xác hồi sinh, linh hồn ở đâu? Chuyện đó, trước kia ở trường học hay ở nhà thờ, đã có ai nói cho ông nghe chưa nhỉ? Để cho con người ta u mê lầm lẫn như thế, thật là quá quắt! Ông đã chuẩn bị đầy đủ, định đến thỉnh giáo mục sư Pringsheim, nhưng sắp đi thì ông lại thôi, chỉ sợ người nhà cười.

Cuối cùng, ông bỏ hết, mặc Thượng đế an bài. Nhưng nếu như an bài tinh thần bất diệt là một việc to tát mà kết quả không làm cho người ta vừa lòng, thì ông định, ít ra cũng an bài mọi việc ở trần thế cho ổn thỏa để lòng không còn vương vấn gì nữa. Ông quyết thực hiện cho bằng được một việc từ lâu ông vẫn lưu tâm.

Một hôm, ăn trưa xong, ông nghị bà nghị đang ngồi uống cà-phê trong xa lông thì Johann nghe bố nói với mẹ rằng, ông đang chờ một luật sư nào đấy đến lập di chúc cho ông. Ông không trì hoãn được nữa. Sau đấy, Hanno chơi piano suốt một tiếng đồng hồ ở phòng khách. Khi đi ra hành lang, chú gặp bố đang đi lên gác với một vị mặc áo chùng thâm.

— Hanno! - Ông nghị lạnh lùng gọi một tiếng. Johann đứng lại, nuốt nước bọt, khẽ trả lời:

— Dạ, thưa ba!

Ông nói tiếp:

— Ba có việc hệ trọng bàn với ông này, con đứng ở cửa này - ông chỉ cửa phòng hút thuốc - trông cho ba, đừng để ai quấy rầy ba, nghe chưa? Không để cho bất cứ ai...

— Vâng, thưa ba!

Johann nói. Bố và vị khách nọ bước vào phòng, chú đứng ở ngoài cửa.

Johann đứng ở đấy, một tay để lên chiếc nơ thủy thủ trên ngực, lưỡi đưa đi đưa lại vào cái răng khả nghi, vừa lắng nghe tiếng thì thầm nghiêm nghị trong phòng vọng ra. Chú nghiêng đầu sang một bên, những sợi tóc vàng rũ xuống trán, che lấy ánh mắt nâu có quầng thâm đang chớp chớp, tỏ vẻ sốt ruột. Một bận, đứng trước bàn thờ bà nội, chú ngửi thấy mùi thơm của hoa lẫn với một mùi thơm khác vừa lạ lùng, vừa thân thiết, ánh mắt chú giống hệt hôm nay.

Bà Ida Jungmann đi tới, nói:

— Hanno, đi đâu đấy? Đứng đây làm gì?

Cô học việc lưng gù từ phòng giấy đi ra, tay cầm bức điện, tìm ông nghị.

Hễ có người đi đến, Johann lại giơ cánh tay áo có thêu mỏ neo ra chắn lại, lắc đầu im lặng một lúc rồi nói khe khẽ nhưng kiên quyết:

— Không ai được vào, ba đang lập di chúc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx