sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Mùa thu. Bác sĩ Langhals rướn đôi lông mày con gái lên, nói:

— Đây là bệnh thần kinh, ông nghị ạ! Đều do bệnh thần kinh tất! Ngoài ra, bộ máy tuần hoàn cũng có lúc không bình thường. Xin cho phép tôi đưa ra một đề nghị. Được không ạ? Năm nay, ông nên nghỉ hẳn một thời gian, chứ nghỉ một vài tuần ở biển thì không có tác dụng mấy... Bây giờ đã là cuối tháng chín, Travemünde vẫn đông vui, người ta chưa về hết. Ông đến đấy đi, ông nghị ạ. Ra biển mà nghỉ ngơi cho thoải mái. Chỉ vài ba tuần là đã thấy hiệu nghiệm...

Ông Thomas Buddenbrook đồng ý. Nhưng khi ông đưa ý định ấy nói với người nhà, thì ông Christian muốn đi cùng.

— Tôi sẽ đi với anh, anh Thomas! - Ông Christian nói thẳng - Chắc anh không phản đối chứ!

Mặc dù ông nghị rất không bằng lòng, nhưng ông vẫn đồng ý.

Độ này, ông Christian rảnh rang hơn lúc nào hết. Bởi vì sức khỏe ông thất thường nên ông đành phải thôi không làm đại lý rượu champagne và rượu brandy nữa. May mà cái ảo giác thấy người ngồi trên xô-pha trong bóng tối vẫy gọi ông không tái hiện nữa, nhưng nửa người bên trái vẫn đau theo chu kỳ và càng ngày càng đau dữ dội, đồng thời lại phát ra nhiều bệnh khác. Ông Christian theo dõi chặt chẽ bệnh tình của mình, mặt mũi nhăn nhó, thuật lại cho người khác nghe. Vẫn như trước, có lúc đang ăn, bỗng ông không điều khiển nổi cổ họng nữa, một miếng ăn mắc nghẹn ở đấy, ông ngồi đừ ra, đôi mắt nhỏ và sâu cứ đảo qua đảo lại. Vẫn như trước, có lúc ông đâm ra hốt hoảng, như cảm thấy không cách nào thoát khỏi. Ông sợ lưỡi, thực quản, chân tay hoặc bộ óc bỗng tê liệt, mất cảm giác. Tất nhiên, không bộ phận nào tê liệt cả, nhưng như vậy còn gay hơn tê liệt thật. Ông kể lại rất tỉ mỉ rằng, có lần nấu nước trà, ông đem cả que diêm đang cháy châm vào chai cồn mở nút, chứ không phải châm vào bếp cồn, suýt nữa chết thiêu! Không những thế, còn thiêu cả ngôi nhà mình và mấy ngôi nhà chung quanh. Tất nhiên, việc ấy ông phóng đại một chút, nhưng ông nói hết sức tỉ mỉ, hết sức sinh động, khiến cho người nghe cũng có thể thấy rằng gần đây thần kinh ông trở nên thất thường. Có những hôm, tùy theo thời tiết và tùy theo tâm trạng, ông trông thấy cửa sổ để mở là trong lòng nảy ra một cảm xúc rất dễ sợ, và không thể nào giải thích được là ông muốn nhảy ra ngoài... Đó là một thứ cảm xúc bộc phát, không thể kiềm chế được, một thứ hưng phấn tinh thần tuyệt vọng, điên cuồng. Chủ nhật nọ, cả nhà đang ăn ở nhà ngõ Hàng cá, ông kể cho mọi người nghe rằng, ông đã cố hết sức leo lên đóng lại cánh cửa sổ ấy. Kể tới đó, cả nhà hét lên, không ai muốn nghe tiếp nữa!...

Những chuyện như thế, ông kể lại vừa sợ hãi, vừa tự hào. Những điều không chú ý, không cảm thấy, bản thân ông không ý thức được, nhưng người khác thì lại thấy rất rõ là ông mắc cái nhược điểm không biết thế nào là phải chăng, tuổi càng nhiều nhược điểm ấy càng nặng. Ông nói cho người trong nhà nghe những chuyện chỉ có thể nói được ở câu lạc bộ. Thật chẳng ra thể thống nào cả. Ngoài ra, có một số triệu chứng rõ ràng hơn, hình như ông không còn biết xấu hổ ngượng ngùng gì nữa. Ví dụ, ông và chị dâu là bà Gerda, vốn trước nay vẫn tâm đầu ý hợp, ông đã không ngần ngại vén cái ống quần kẻ ca-rô to lên quá đầu gối cho bà Gerda xem đôi tất kiểu Anh tốt như thế nào, nhân tiện cho bà nhìn thấy ông gầy như thế nào!

— Chị xem, tôi gầy quá thể!.... Có dễ sợ không?

Ông nói, giọng buồn buồn, vừa nhăn nhó nhìn ống chân vòng kiềng, khô như que củi, và cái đầu gối gầy guộc đến tai hại, dưới cái quần đùi vải trắng của ông.

Trên kia đã nói, bây giờ ông không buôn bán gì nữa, nhưng không đến câu lạc bộ chơi thì ông cũng tìm cách làm cho hết thì giờ. Ông thích nói với mọi người rằng, mặc dù ông đủ thứ bệnh trong người, nhưng ông vẫn làm việc như thường. Ông học thêm tiếng nước ngoài. Trước đây ít lâu, chỉ vì khoa học chứ không nhằm mục đích thiết thực nào hết, ông học tiếng Trung Quốc. Vất vả mười bốn hôm. Hiện nay, ông đang “bổ sung” cho cuốn Từ điển Anh-Đức mà ông cho là chưa đầy đủ. Nhưng vì ông cần phải thay đổi không khí, với lại ông nghị cũng muốn có người đi theo, nếu ông không để cho công việc kia cột chân ông trong thành phố...

Hai anh em ngồi xe ngựa đi ra biển nghỉ. Dọc đường, mưa rơi lốp bốp trên nóc xe. Con đường làng trở nên lầy lội. Gần như không ai nói với ai câu nào. Ông Christian đảo mắt như lắng nghe một âm thanh khả nghi nào đó. Còn ông Thomas thì co ro trong chiếc áo choàng, run rẩy, mắt sưng mọng, mệt mỏi, râu mép bết vào má trắng bệch. Cứ như thế cho đến chiều thì cỗ xe ngựa của họ vào vườn hoa của một khách sạn nọ, bánh xe nghiến trên con đường rải sỏi ngập nước.

Lúc ấy, ông già Siegismund Gosch đang ngồi uống nước ngọt ở hiên kính của ngôi nhà chính. Ông lẩm bẩm điều gì rồi đứng dậy. Sau đó, hai người mới đến lại ngồi cùng ông, uống một ly rượu cho ấm bụng. Lúc ấy, người ta khuân hành lý của ông vào.

Ngoài ông Gosch là khách đi nghỉ hè muộn, còn một vài người nữa cũng thế. Một gia đình người Anh, một cô gái già người Hà Lan và một vị độc thân người Hamburg. Hình như họ đang ngủ trước giờ ăn, bởi vì chung quanh im lìm, chỉ có tiếng mưa rơi tí tách mà thôi. Cứ để họ ngủ! Ông Gosch không quen ngủ ngày. Đêm, ông có thể ngủ thiếp đi vài ba tiếng đồng hồ, rồi trở dậy ngồi nhìn ra ngoài trời. Ông không được khỏe lắm, muốn ra biển nghỉ ngơi ít hôm để chữa bệnh run tay run chân. Cái bệnh chết tiệt! Ông không thể bưng được cốc rượu lên mà uống. Hơn nữa - dễ ghét quá - ông không viết thành chữ nữa, làm cho việc dịch toàn tập Lope de Vegas phải trì hoãn mãi. Ông hết sức buồn. Những lời nguyền rủa của ông cũng mất đi cái giọng vui vẻ trước kia. “Cút đi!” - đó là câu dường như trở thành câu đầu lưỡi, lúc nào ông cũng nói, bất kể có thích hợp hay không.

— Còn ông nghị? Sức khỏe thế nào? Hai vị định ở đây bao nhiêu lâu?

Ông Thomas Buddenbrook nói với ông rằng, thần kinh mình suy nhược, bác sĩ Langhals bảo ra đây nghỉ, đành phải nghe theo. Thời tiết xấu thì xấu, bác sĩ đã bảo thế, ai dám làm trái. Vả lại, ông cũng thấy khó chịu trong người. Họ phải ở đây ít lâu cho sức khỏe ông bình phục đã...

— Vâng! Tôi cũng yếu lắm! - Vì ông Thomas không nhắc gì đến mình, vừa bực vừa giận, ông Christian vội nói xen vào. Ông định đem chuyện bóng ma vẫy gọi ông, chuyện chai cồn và chuyện cánh cửa sổ để mở ra kể thì ông anh đứng dậy đi xem phòng, làm ông cụt hứng.

Mưa vẫn chưa tạnh. Đường sá được gội sạch bóng. Những hạt mưa nhảy múa trên mặt biển. Gió tây nam cuốn nước biển ra xa bờ một quãng. Một lớp mù xám bao phủ mọi vật. Ca-nô lướt qua rồi mất hút về phía chân trời mờ ảo.

Mấy vị khác ở các nơi đến nghỉ chỉ có thể gặp nhau trong giờ ăn. Ông nghị và ông Gosch khoác áo mưa đi ủng ra ngoài dạo chơi. Còn ông Christian thì ngồi ở quán điểm tâm, uống rượu Thụy Điển với mấy cô chiêu đãi viên.

Có vài ba buổi chiều, mặt trời hơi ló ra một chút mới thấy hai ba người quen từ thành phố tới, xuất hiện trước bàn ăn. Họ muốn xa gia đình ra đây chơi đùa ít lâu, như bác sĩ Gieseke, nghị viên, bạn học cũ của ông Christian; ông tham Peter Döhlmann, vân vân. Vị này, vì uống nước suối quá nhiều, nên mặt hóp đi trông thấy. Các vị đều khoác áo choàng ngồi trong quán điểm tâm, quay mặt về phía sân khấu trình diễn âm nhạc (lúc này không hòa nhạc), uống cà phê, để cho bữa ăn năm món tiêu hóa dần, vừa ngắm cảnh thu lạnh lẽo mà nói chuyện phiếm.

Mọi tin tức trong thành phố - tin về trận lụt vừa rồi làm cho nhiều hầm ngầm bị ngập nước, thuyền đi lại trên đường phố gần bờ sông; tin nhà kho ở trên bến tàu bốc cháy; tin bầu cử nghị viên - là đầu đề của những câu chuyện phiếm. Ông nghị Buddenbrook cho rằng việc Alfred Lauritzen, chủ công ty thổ sản xuất khẩu Stürmann Lauritzen vừa bán buôn, vừa bán lẻ, tuần trước đây trúng cử nghị viên không đúng lắm. Ông ngồi kia, bó tròn trong chiếc áo choàng cổ to, hút thuốc liên tục. Nghe đến chuyện ấy, ông mới bắt đầu nói xen vào vài câu. Ông nói ông không bỏ phiếu cho Lauritzen là điều chắc chắn rồi. Ông Lauritzen là một nhà buôn thành thật, tài giỏi, cái ấy không sao, nhưng ông ta thuộc tầng lớp trung lưu chính cống. Bố ông ta còn tự tay vớt mắm ướp ở thùng ra đưa cho chị nấu bếp, bây giờ nghiễm nhiên từ cái quầy hàng nhỏ bé ấy bước vào nghị viện! Ông nội ông - ông nội của Thomas Buddenbrook - không nhìn mặt người con trai cả của mình, nguyên nhân chẳng phải vì ông ấy lấy con gái một ông chủ cửa hàng bé nhỏ đấy ư? Bây giờ dư luận xã hội như thế này: trình độ mọi cái đều xuống, thì địa vị xã hội của các ngài nghị viên cũng xuống theo. “Nghị viện bình dân hóa, ông bạn thân mến ạ! Điều đó chẳng hay ho gì đâu! Các thương gia thông minh, tháo vát không thể thay thế được tất cả. Theo tôi thiển nghĩ có lẽ chúng ta cần phải yêu cầu cao hơn. Cứ nghĩ đến cái nhà ông Lauritzen có đôi chân to tướng, cái mặt thô kệch của người phu khuân vác ấy mà cũng vào nghị viện, quả là một điều sỉ nhục! Tôi cũng chẳng rõ trong bụng tôi như thế nào nữa, nhưng như thế thì không còn ra thể thống gì cả! Nói tóm lại, đó là một việc hết sức vô duyên!”

Không ngờ câu chuyện ấy lại làm phật lòng ông nghị Gieseke. Xét đến cùng chẳng qua ông này cũng chỉ là con ông đội trưởng đội cứu hỏa...! “Không, phải căn cứ vào tài năng mà trọng dụng. Ý kiến của đảng Cộng hòa chúng ta là như vậy”.

— Tiện đây xin nói, ông không nên hút thuốc nhiều như thế, ông Buddenbrook ạ! Ông vẫn chưa hít thở được không khí vùng biển!

— Vâng, tôi không hút nữa. - Ông Buddenbrook nói rồi vứt mẩu thuốc lá đi, lim dim đôi mắt.

Mưa vẫn không ngớt, chẳng nhìn thấy gì. Mọi người tiếp tục nói chuyện. Họ nói tới một tin không hay gần đây, vị thương gia lớn

Kaßbaum chủ hãng Philipp Kaßbaum làm séc giả. Hiện nay, hắn ta đang ngồi nghỉ mát trong nhà lao. Không ai phẫn nộ, họ chỉ cho rằng việc làm ấy là ngu xuẩn, rồi cười nhạt, nhún vai. Bác sĩ Gieseke cho mọi người biết thêm là vị thương gia ấy vẫn chưa cụt hứng. Đến chỗ ở mới, hắn ta xin bằng được một tấm gương soi mà hắn ta thấy nhà lao chưa có. “Tôi ở đây không phải chỉ một năm mà là mấy năm kia - hắn ta nói - dù sao cũng phải có một tấm gương soi”. Cũng như ông Christian và ông Gieseke, hắn ta là học trò của ông giáo Stengel đã quá cố. Họ lại vênh mặt nhăn mũi mà cười thành tiếng. Ông Gosch gọi một cốc rượu ngọt hâm nóng, ông ta nói:

— Cuộc đời thật đáng nguyền rủa, sống để làm gì cơ chứ!

Ông tham Döhlmann gọi một chai rượu mạnh. Ông Christian lại uống rượu Thụy Điển, ông nghị Gieseke rót cho ông ta và cho mình mỗi người một cốc. Chỉ một lát sau, ông Thomas Buddenbrook lại hút thuốc.

Họ nói chuyện bằng một giọng uể oải, hoài nghi, chán chường, vì ăn no, rượu say và mưa rả rích, nên giọng nói của họ càng nặng nề, chậm chạp, tẻ nhạt. Họ nói về tình hình thị trường, về công việc buôn bán của từng người, nhưng những chuyện ấy cũng chẳng làm ai hoạt bát lên được chút nào.

— Ờ, chẳng có gì làm người ta hứng thú được một chút! - Ông Thomas Buddenbrook nói, lòng nặng chình chịch, chán chường ngả đầu tựa vào thành ghế.

— Thế nào, ông Döhlmann? - Ông nghị Gieseke hỏi rồi ngáp dài - Xem ra ông chỉ uống rượu mạnh thôi, phải không?

— Không có củi làm sao ống khói nhả ra khói được? - Ông Döhlmann trả lời - Tôi cứ vài hôm lại đảo qua phòng giấy xem xét tí chút. Tóc ngắn càng dễ chải đầu!

— Những món hẩu đều nằm trong tay ông Strunck cả - Ông Gosch đau khổ nói. Ông chống khuỷu tay lên mặt bàn, đầu tựa vào lòng bàn tay.

— Không có gì thối hơn phân! - Ông Döhlmann cố tình ví von thật tục tĩu. Lời châm chọc đầy tuyệt vọng ấy của ông càng làm mọi người buồn thêm - Ôi, ông Buddenbrook, ông định làm gì nữa đấy?

— Không - Ông Christian trả lời - Bây giờ thì tôi chả làm gì nữa! - Ông nhìn rõ tâm trạng của mọi người lúc này, cảm thấy cần làm cho tâm trạng ấy càng nặng nề hơn. Không cần chuyển tiếp, ông hất mũ ra phía sau, đột nhiên nói đến phòng giấy của ông ở Valparaiso và Johnny Thunderstorm.

— Chao ôi! Nóng thế này trời ơi! Làm việc à? Không, thưa ông[138], ông thấy đấy! - Thế rồi họ nhả khói vào mặt ông chủ. Trời đất ơi...!

Thái độ, tư thế của ông thật ngang ngược, vô lễ và lại nhác nhớn, phóng đãng rất khó tả. Ông anh ông ngồi im, không nhúc nhích.

Ông Gosch đưa cốc rượu lên miệng rồi đặt xuống bàn, rủa thầm mấy câu và đấm mấy cái lên cánh tay không chịu theo ông điều khiển. Ông lại nâng cốc rượu lên, để vào đôi môi mỏng dính, rượu đổ ra ngoài một nửa, chỗ còn lại, ông uống ừng ực một hơi hết sạch.

— Ôi, cái chứng run tay của ông! - Ông Döhlmann nói - Ông phải như tôi đây này! Cái thứ nước suối chết tiệt kia... mỗi ngày tôi không uống được một lít thì khó lòng sống nổi! Tôi đã đến nước này rồi mà cứ uống nữa thì đi đời nhà ma. Ăn vào không tiêu. Ông thử đoán xem khổ như thế nào? Thức ăn cứ nằm ngang trong dạ dày... - Rồi ông tả tỉ mỉ những chi tiết làm người ta phát sợ. Ông Christian nhăn mặt nhăn mũi lắng nghe, vừa ghê rợn, vừa thích thú. Tiếp đó, ông cũng kể bệnh tình ông ra để đáp lại, làm mọi người xúc động.

Trời lại mưa to. Những giọt mưa rơi xuống dày đặc. Tiếng mưa rơi thê lương, tuyệt vọng, đơn điệu náo động cả khu vườn hoa vốn tĩnh mịch.

— Ồ, cuộc đời thật vô vị! - Ông nghị Gieseke nói và ông đã nốc không biết bao nhiêu rượu rồi.

Ông Christian nói:

— Tôi thật chẳng muốn sống trên cái thế gian này nữa!

Ông Gosch càu nhàu:

— Thôi đi!

— Bà Fiken Dahlbeck đến kia kìa! - Ông nghị Gieseke nói.

Bà Fiken Dahlbeck là nữ chủ nhân chuồng bò. Bà xách một xô sữa đi tới, cười với những người đang ngồi ở đây. Bà trạc bốn mươi, người béo, trông thật buồn cười.

Ông Gieseke nhìn bà chằm chằm.

— Bộ ngực nở ghê! - Ông nói. Ông Döhlmann đùa thêm một câu hết sức nhảm nhí, làm cho các vị cười khì khì.

Sau đó họ gọi người hầu bàn tới:

— Tôi uống hết chai này rồi. - Ông Döhlmann nói - Chúng ta có thể tính tiền được rồi đấy, trước sau cũng phải trả... Còn ông, ông Christian? Ờ, ông Gieseke trả cho ông!

Lúc này, ông nghị Buddenbrook mới hoạt động trở lại. Nãy giờ ông ngồi quấn trong chiếc áo choàng cao cổ, khoanh tay, miệng ngậm điếu thuốc, hầu như không nói câu gì. Đột nhiên ông đứng dậy, nói nghiêm nghị:

— Chú không đem theo tiền ư, chú Christian? Để tôi trả cho chú!

Mọi người giương ô lên đi ra khỏi chiếc lều vải.

Bà Tony đến thăm ông anh mấy lần. Mỗi lần bà tới, hai người lại đi dạo đến tận mỏm đá “Hải âu” và “Vọng hải lâu”. Không hiểu sao, hễ đến đây là bà Tony Buddenbrook lại thấy xúc động, thậm chí đâm ra có những ý nghĩ phản kháng rất kỳ khôi. Bà nói đi nói lại về vấn đề tự do, bình đẳng của con người, kiên quyết chống sự đối lập giai cấp, kịch liệt công kích các thứ đặc quyền đặc lợi, đòi hỏi phải căn cứ vào tài năng mà dùng người. Rồi bà nói đến cuộc sống của bà. Bà nói rất hay, làm cho ông anh đỡ buồn phần nào. Con người ấy đến là hạnh phúc! Sống trên thế gian này cũng đã khá lâu rồi, nhưng xưa nay bà không hề nuốt thầm nước mắt, không hề lặng lẽ chịu mọi nỗi oan khuất. Cuộc đời đem đến cho bà niềm vui hay nỗi khổ, bà đều không im lặng mà nhận lấy một mình. Sung sướng hay khổ đau, bà đều nói ra bằng lời lẽ nông cạn, trẻ con mà rất nghiêm nghị. Với cái tật thích nói chuyện tâm sự của bà, những lời lẽ ấy hoàn toàn phù hợp. Dạ dày bà không tốt, nhưng lòng bà lại rất nhẹ nhàng, thanh thản. Chính bà cũng chẳng biết nó nhẹ nhàng, thanh thản đến mức nào nữa. Không có chuyện gì giày vò bà mà bà không thể nói ra được, cũng không có nỗi đau khổ nào cần phải giấu kín để cho nó bóp nghẹt tim bà cả. Không một sự việc nào của quá khứ trở thành gánh nặng đối với bà. Bà biết, số phận bà không yên ấm chút nào, nhưng những điều nếm trải trong quá khứ không làm bà mệt mỏi. Bà không tin lại có chuyện như thế được. Những chuyện mọi người đều biết, thì bà lại nói thật phấn chấn, nghiêm trang. Bà phẫn nộ thực sự, nguyền rủa những ai làm tổn thương cuộc sống của bà, tổn thương dòng họ Buddenbrook của bà. Theo thời gian, danh sách những người ấy ngày một dài.

— Trieschke “nước mắt lưng tròng”! - Bà thét lên - Grünlich; Permaneder! Wenzel! Hagenström! Quan kiểm sát! Toàn một bọn bất nhân, bất nghĩa! Chúa sẽ trừng phạt chúng nó, em tin như thế, anh Thomas ạ!

Khi họ đi tới “Vọng hải lâu” thì trời xám lại. Đã vào cuối thu. Họ đứng trong một ngôi nhà nhỏ nhìn ra eo biển. Ở đây cũng thoang thoảng thơm mùi gỗ như nhà tắm trên bờ biển, trên vách thô thiển khắc đầy những câu thơ, dòng chữ, tên người và hình trái tim tượng trưng tình yêu. Họ đứng song song nhìn sang sườn núi ẩm ướt và những bờ đá chật hẹp, ngắm nhìn mặt biển nổi sóng đục ngầu.

Ông Thomas Buddenbrook nói:

— Xem kìa, những ngọn sóng lớn chồm lên rồi vỡ ra tan tành, đợt này tiếp đợt khác, vô cùng vô tận, không mục đích, vội vã, thê lương. Nhưng thật ra thì đó là chuyện giản đơn, không thể nào tránh khỏi, đem lại cho con người sự bình thản và nguồn an ủi! Càng ngày anh càng thấy yêu biển. Trước kia anh thích núi, có lẽ vì núi ở xa. Bây giờ anh không còn nghĩ đến những nơi đó nữa. Núi làm cho anh sợ hãi, xấu hổ. Núi là cái gì khó lòng nắm bắt được, không có quy tắc nào cả, và phức tạp hết sức... Đứng trước một ngọn núi, anh cảm thấy yếu đuối, bất lực. Thích cái đơn điệu của biển là hạng người nào? Anh nghĩ, có lẽ là những người quan sát, nhận xét thế giới rắc rối của tinh thần, sâu sắc nhất và lâu dài nhất. Họ mong tìm được ít ra ở ngoại giới cái gọi là “thuần túy”... Đến núi, con người dũng cảm leo lên, đến biển, con người yên tĩnh nghỉ ngơi trên bãi cát... Chẳng qua là sự khác nhau bên ngoài. Anh thấy người ta nhìn núi và biển bằng những con mắt khác nhau. Nhìn núi cao thì con mắt ổn định, ngạo mạn, vui sướng, trong ánh mắt ấy chứa đựng một khí thế phấn chấn, kiên định, bồng bột. Nhưng mặt biển mênh mông luôn luôn nổi sóng lại làm cho người ta thấy bí hiểm rồi tê dại đi và thấy số phận mình không thể tránh khỏi. Con mắt nhìn biển cũng mênh mang vô vọng như trong giấc mơ, hình như đã tìm thấy hết cuộc sống đầy bi thảm và phức tạp. Bây giờ đây mọi cái đã rõ cả rồi, sức khỏe và bệnh tật khác nhau ở chỗ này đây! Con người hăng hái leo lên tận những đỉnh núi gập ghềnh nhấp nhô để thử thách sức sống căng đầy của mình. Nhưng cũng có người bị thế giới tinh thần hỗn loạn làm cho mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi trong cái thuần túy vô hạn của sự vật bên ngoài.

Bà Tony im lặng lắng nghe, những lời nói ấy làm cho bà mê đi, cũng như người thật thà đơn giản, khi có ai nói cho nghe những chân lý nghiêm túc thì họ không nói được một lời nào nữa. “Bình thường người ta không nói những câu như thế này...” - Bà nghĩ. Bà nhìn ra xa để ánh mắt mình không gặp ánh mắt ông anh. Hình như bà cảm thấy ngượng thay cho ông anh. Bà quàng tay ông anh như thầm biết ơn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx