sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 11 - Chương 1

Có những lúc đột nhiên chúng ta sực nhớ đến người này người khác, không biết giờ này ở đâu? Đột nhiên chúng ta sực nhớ ra rằng lâu lắm rồi, không thấy người ấy dạo chơi trên đường phố nữa; tiếng nói của người ấy đã biến mất trong đại hợp xướng của những âm thanh ồn ào, náo nhiệt trên thế gian này; người ấy đã vĩnh viễn rời khỏi vũ đài cuộc sống, yên giấc ngàn thu ở nơi nào đó vùng ngoại thành!

Người con gái họ Stüwing, bà tham Buddenbrook, bà quả phụ bác Gotthold chết rồi. Khi sống bà ta là mối bất hòa và là nguồn tai họa của gia đình bị Tử thần gọi đi rồi, xóa sạch mọi tội lỗi lúc bình sinh. Ba cô thiên kim tiểu thư của bà: Friederike, Henriette và Pfiffi có đầy đủ lý do để đáp lại những lời an ủi của thân thích họ hàng đến viếng bằng bộ mặt đau khổ uất ức, bộ mặt ấy như muốn nói: “Các người xem, các người bức tử mẹ chúng tôi đấy!”. Mặc dù bà mẹ các cô có thể nói là đã tận hưởng tuổi trời!

Bà Kethelsen cũng đã mồ yên mả đẹp. Vài năm trước khi mất, bà bị bệnh tê thấp làm tình làm tội, nhưng cuối cùng bà ôm ấp lòng mộ đạo của con chiên mà lặng lẽ lìa trần thế một cách bình tĩnh. Sự việc ấy làm cho bà em có học thức của bà vô cùng kính phục. Bởi vì ngày thường bà phải đấu tranh gay gắt với sự cám dỗ của lý trí. Với lại, lưng bà ngày một gù, thân thể bà ngày một quắt lại, nhưng thể chất cứng cáp của bà bắt bà chịu tội ở đời này.

Ông Peter Döhlmann cũng đã về chầu trời! Ông ăn hết tài sản của ông, cuối cùng chết ở suối nước khoáng bên Hungary, chỉ để lại cho cô con gái hai trăm mark lợi tức hàng năm. Lúc sắp chết, ông nói ông hy vọng xã hội sẽ kính trọng dòng họ Peter của ông ta, cô con gái ông được vào tu viện Thánh Johann.

Ông Justus Kröger cũng đã từ giã cõi trần! Thật là tai hại! Bây giờ chẳng còn ai ngăn cản người đàn bà nhu nhược kia bán nốt bộ đồ ăn bằng bạc để gửi tiền cho ông con trai đã mất quyền thừa kế vẫn sống phóng đãng ở một nơi nào đó.

Lại nói đến ông Christian Buddenbrook. Không còn ai tìm thấy ông ta ở thành phố này. Ông nghị anh ông ta chết chưa đầy năm, ông ta liền dời đến Hamburg. Ở Hamburg, trước mặt Chúa và mọi người, ông ta làm lễ thành hôn với Aline, một cô gái đã ngự trị trong tim ông ta từ lâu rồi. Không người nào có thể ngăn cản ông ta nữa. Trước đó, phần lớn số lợi tức mẹ ông ta để lại, cũng đã được chuyển về Hamburg. Bây giờ, theo di chúc của ông nghị Buddenbrook thì phần gia tài của ông ta (nghĩa là cái phần trước kia ông ta chưa xài hết), tạm thời giao cho ông bạn thân Stephan Kistenmaker quản lý, nhưng ông Christian vẫn được hoàn toàn tự do về mọi việc... Khi nghe ông Christian cưới vợ, bà Tony viết cho bà Aline Buddenbrook ở Hamburg một lá thư dài, hết sức gay gắt. Lá thư ấy bắt đầu bằng câu: “Thưa bà!”. Tiếp theo là những lời lẽ chua cay, độc địa, được cân nhắc kỹ càng, nói rằng bà Tony sẽ không bao giờ nhận bà ta và con cái bà ta làm họ hàng thân thích cả.

Ông Kistenmaker vừa là người chấp hành di chúc vừa là người quản lý gia tài họ Buddenbrook và là người bảo trợ của Johann. Ông ta chấp hành nhiệm vụ ấy thật là xuất sắc. Những chức vụ ấy làm cho hoạt động của ông ta trở nên cực kỳ trọng yếu. Bây giờ ở Sở giao dịch, ông ta có thể tỏ ra bù đầu rối óc mà không thấy hổ thẹn với lương tâm. Ông ta có thể nói chắc chắn với mọi người rằng, ông ta đang toàn tâm toàn ý lo lắng cho người khác. Dĩ nhiên, chúng ta không nên quên rằng, vì mất nhiều công sức như thế, ông ta có thể hưởng thù lao hai phần trăm tiền thu nhập của gia đình Buddenbrook, không thiếu một xu. Nhưng trong công việc buôn bán, ông ta không gặp may. Chẳng bao lâu, ông ta làm cho bà Gerda Buddenbrook không được bằng lòng lắm.

“Phải đình chỉ công việc buôn bán, phải đóng cửa công ty, và trong vòng một năm phải thanh toán cho xong xuôi”, đó là lời ông nghị căn dặn trước khi chết. Bà Tony nghe nói đến việc ấy mà kinh hãi.

— Chẳng phải có Johann, có Hanno đấy ư?

Bà hỏi. Ông anh trai bà không xem đứa con thừa kế duy nhất của mình ra gì, nên không để lại công ty cho nó, điều ấy làm cho bà thất vọng vô cùng, đau khổ vô cùng. Tấm biển của công ty xưa nay được thiên hạ kính phục, cái của gia bảo ấy được truyền qua bốn đời, cuối cùng bị vứt bỏ! Rõ ràng có người thừa kế hợp pháp hẳn hoi đó, thế mà lịch sử của công ty này cuối cùng cũng phải kết thúc. Không rõ bà đã khóc mất bao nhiêu thời gian về chuyện đó. Nhưng bà lại tự an ủi, công ty đóng cửa tuyệt nhiên không có nghĩa là dòng họ này chấm dứt. Bà hy vọng đứa cháu trai, trong tương lai, sẽ khai trương một công ty mới cho trọn thiên chức của nó, nghĩa là vẫn làm cho thanh danh tổ tiên rạng rỡ, làm cho dòng họ này trở lại thịnh vượng. Johann có nhiều điểm giống cụ cố chú, cho nên bà nghĩ thế cũng có lý.

Việc thanh toán công ty do hai ông Kistenmaker và ông già Marcus phụ trách. Công việc tiến hành hết sức tồi tệ. Kỳ hạn quy định rất ngắn, cần nghiêm chỉnh giữ đúng. Thời gian thật là bức bách. Mọi việc phải giải quyết hấp tấp trong điều kiện bất lợi. Một lô hàng vội vội vàng vàng bán ra, lỗ vốn; lô sau cũng lại như thế. Kho hàng và kho lương thực đều bị hy sinh ghê gớm để lấy tiền mặt. Nếu một việc giao dịch nào đó, không bị cái tính hấp tấp quá mức của ông Kistenmaker làm hỏng thì cũng bị hỏng bởi cái tính do dự chậm chạp của ông Marcus. Người trong thành phố kháo nhau rằng, về mùa đông, trước khi ông Marcus đi ra khỏi nhà, thì không những ông ta hơ áo mũ mà còn hơ cả ba-toong cho nóng đã. Gặp những con người như thế thì dẫu thời cơ có lợi, nhất định cũng lỡ việc! Nói tóm lại là, thất bại dồn dập. Trong di chúc, ông Thomas Buddenbrook nói, tài sản của ông để lại là sáu mươi lăm vạn mark, thế mà mới một năm, người ta phát hiện ra rằng bây giờ còn lâu mới đạt được con số ấy.

Thiên hạ đồn đại nhiều về những chuyện thất bại trong việc thanh toán công ty; nhất là khi tin bà Gerda Buddenbrook sắp bán ngôi nhà đang ở truyền ra, thì người ta càng bàn tán tợn. Người ta đưa ra nhiều tin hoang đường, nào là chuyện gì đã buộc bà ta phải làm như thế, nào là của cải nhà Buddenbrook mất mát một cách khả nghi như thế nào. Lâu dần, tự nhiên trong thành phố có một luồng dư luận mà bà quả phụ Buddenbrook ngồi ở nhà cũng biết rõ. Thoạt đầu, bà chỉ thấy dư luận ấy thật là kỳ quặc, nhưng sau rồi bà nổi cáu lên. Một hôm, bà nói với bà em chồng rằng, mấy ông thợ thủ công và mấy nhà buôn nọ giục bà thanh toán ngay cho họ. Bà Tony ngẩn người đi một lúc lâu rồi phá lên cười sằng sặc, nghe đến rợn tóc gáy. Bà Gerda giận lắm, thậm chí tỏ ý - mặc dù bà cũng chưa dứt khoát - đem Johann bỏ thành phố này về với bố ở Amsterdam, chơi nhạc sóng đôi với bố. Bà Tony hết sức phản đối. Bà Gerda buộc phải tạm thời bỏ ý định kia đi.

Cũng có thể đoán được là bà Tony phản đối cả việc bán tòa nhà do ông anh bà bỏ tiền ra xây dựng. Bà thở vắn than dài, phàn nàn rằng chuyện này sẽ có một ảnh hưởng rất không hay, tổn hại đến thanh danh dòng họ. Nhưng cuối cùng, bà cũng phải thừa nhận rằng, có tiếp tục ở đây, tiếp tục giữ tòa nhà rộng lớn tráng lệ này - ông Thomas Buddenbrook vung tiền ra vì thích như thế - là không thực tế. Trái lại, nguyện vọng của bà Gerda được dọn đến một ngôi biệt thự ở khu rừng ngoại thành là đúng.

Đối với ông Gosch chuyên nghề môi giới chào hàng, Siegismund Gosch, thì từ đó lại bắt đầu những ngày vẻ vang. Một việc quan trọng làm cho những năm cuối đời ông ta trở lại rạng rỡ, tay chân ông ta có đến mấy tiếng đồng hồ không run rẩy, ấy là việc ông ta xuất hiện trong phòng khách của bà Gerda Buddenbrook, ngồi trên chiếc ghế có tay vịn trước mắt bà, mặc cả về tòa nhà này. Mái tóc bạc của ông ta xõa xuống trước mặt, cằm của ông ta nhô ra phía trước, mắt ông ta nhìn chằm chằm vào mặt đối phương. Lúc này, trông ông ta giống hệt một người gù lưng. Giọng nói ông ta vẫn riết róng, lạnh lùng, khô khan, không hề tỏ ra xúc động mảy may. Ông ta bằng lòng mua lại tòa nhà ấy. Ông ta giơ tay ra, nở một nụ cười xảo quyệt, trả tám vạn rưởi mark. Với giá ấy thì có thể bán được, bán một tòa nhà như thế không thể không chịu lỗ ít nhiều. Nhưng lại không thể không nghe ý kiến ông Kistenmaker được. Bà Gerda Buddenbrook đành để ông Gosch giao thiệp với ông ấy về việc này nữa. Sau đó mới biết rằng, nguyên là ông Kistenmaker đã vô ý để cho người khác nhúng tay vào quyền hạn của mình. Cái giá ông Gosch trả, ông không thèm để ý đến. Ông cười nhạo báng, nói rằng, ông có thể bán cao hơn, ông thề với người khác như thế. Nhưng cuối cùng thì để cho sự việc kết thúc đi, ông đành bán tòa nhà ấy với giá bảy vạn rưởi mark cho một người sống độc thân đã có tuổi. Người này vừa đi du lịch nước ngoài về, chuẩn bị cư ngụ lâu dài ở thành phố này.

Việc mua lại chỗ ở mới cũng do ông Kistenmaker đứng ra giải quyết. Đấy là một ngôi biệt thự nhỏ xinh xắn, giá cả có lẽ hơi đắt một chút, nhưng bà Gerda rất vừa ý. Ngôi biệt thự nằm ở ngoại ô cạnh con đường hai bên toàn cây dẻ, giữa một vườn trồng hoa và cây ăn quả... Mùa thu năm 1876, bà nghị, cậu con trai, người giúp việc dọn đến ở, đem theo một ít đồ đạc. Còn nữa thì lưu lại chuyển giao cho chủ mới cùng với tòa nhà trong tiếng than thở của bà Tony.

Nhưng không phải chỉ có chuyện thay đổi ấy mà thôi! Bà Jungmann, bà Ida Jungmann giúp việc cho nhà Buddenbrook bốn mươi năm nay, cũng không giúp việc cho nhà này nữa. Bà về quê ở miền tây Phổ, sống cùng với thân thuộc những năm cuối đời. Nói thật thì bà bị bà nghị cho về. Khi lớp người trước đã khôn lớn, không cần bà trông nom nữa thì con người lương thiện ấy liền tìm được chú Johann, bà trông nom, chỉ bảo, kể truyện cổ tích Grimm, chuyện ông bác chết vì bệnh nghẹn cho chú nghe. Nhưng bây giờ chú không còn bé bỏng gì nữa, đã mười lăm tuổi rồi. Tuy người chú yếu ớt, nhưng bà chẳng còn được việc gì cho chú nữa... Đã vậy, bà Jungmann và mẹ chú từ lâu không hợp ý nhau. Mẹ Johann vào cái nhà này sau bà nhiều, xưa nay bà Ida vẫn xem bà ta không phải là người chính thống của gia đình Buddenbrook. Mặt khác, cùng với tuổi tác, bà cũng càng ngày càng trở nên tự phụ, kiêu ngạo. Thân phận là người giúp việc, nhưng bà thường vượt quá quyền hạn của mình. Tính tự cao tự đại và tính bao biện mọi công việc trong nhà của bà thường là mối bất hòa giữa chủ và tớ. Tình trạng ấy khó mà kéo dài, thậm chí có lúc hai bên cãi nhau tay đôi, mặc dù bà Tony trổ hết tài nói khéo của mình ra để hòa giải, nhưng cũng như chuyện bà ta năn nỉ đừng bán cái tòa nhà và các thứ đồ đạc đi, bà Ida vẫn bị thải hồi.

Đến giờ phút cuối cùng, sắp phải từ biệt chú Johann, bà khóc thảm thiết. Chú Johann ôm hôn bà rồi chắp tay sau lưng, đứng một chân, chân kia kiễng lên tiễn bà bằng mắt. Đôi con mắt có quầng đen của chú có vẻ suy tư, trầm lắng, cũng như khi chú nhìn thi thể bà nội, nhìn cái chết của bố, nhìn sự tan nát của gia đình chú và cả những chuyện khác nữa. Tất nhiên, xét bề ngoài thì những việc này không quan trọng bằng những việc vừa nói ở trên. Chú đã chứng kiến bao nhiêu cảnh ly tán, chết chóc, phá sản, sụp đổ nên trong ý nghĩ của chú, việc chia tay với bà Ida chỉ là việc cuối cùng xảy ra sau những việc kia mà thôi. Không việc nào làm chú kinh ngạc cả. Có lúc, chú ngước đầu có mái tóc vàng nhạt, mím chặt môi, mở to cánh mũi rất thính của chú, tựa hồ chú đang hít thở không khí bao chung quanh một cách cẩn thận, nhẹ nhàng, sợ ngửi phải cái mùi lạ lùng mà quen thuộc kia, cái mùi mà hương thơm của hoa bày trên bàn thờ bà nội chú năm ấy không át nổi!...

Mỗi lần bà Tony đến thăm bà chị dâu, bao giờ cũng kéo cháu lại, kể lai lịch dòng họ Buddenbrook và tương lai xán lạn cho chú nghe. Tương lai họ này, bà Tony nói, ngoài việc nhờ ơn Chúa là hoàn toàn trông mong vào một mình Johann. Cuộc sống trước mắt càng nhiều nỗi lo âu thì bà càng say sưa nhắc đến hào hoa của thời cụ nội và cụ thân sinh bà. Cụ tổ chú Hanno đã từng ngồi xe tứ mã đi du lịch khắp nước Đức thế nào! Một hôm, dạ dày bà bỗng đau quặn lên chỉ vì Friederike, Henriette và Pfiffi đồng thanh nói rằng gia đình nhà Hagenström là tinh hoa của xã hội!

Tin tức về ông Christian thật là đau lòng. Ông lấy vợ lần này chỉ hại thêm cho sức khỏe ông mà thôi. Cái bệnh hoảng loạn của ông trước kia lúc nào cũng thấy một ảo ảnh rất dễ sợ, xem chừng ngày một nặng lên. Nghe lời khuyên của vợ và bác sĩ, ông vào nằm ở một bệnh viện tâm thần. Ở đấy, ông rất buồn. Ông viết cho người nhà nhiều bức thư phàn nàn rằng, ông mong được ra khỏi viện, người ta chăm sóc bệnh nhân tồi tệ lắm. Nhưng bệnh viện quản lý ông nghiêm ngặt, có lẽ đó là phương pháp tốt nhất đối với ông. Dù sao đi nữa thì đó cũng là dịp để vợ ông được tự do như hồi còn một thân một mình, không bị câu thúc mà lại không bị trở ngại gì về các mặt thực tế và đạo đức do cuộc hôn nhân đem lại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx