sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Bệnh thương hàn xảy ra như thế này.

Người bị bệnh lúc đầu cảm thấy khó chịu, rồi ngày một tăng, cuối cùng thì yếu dần, đồng thời người mỏi mệt, không những các cơ bắp mỏi mà lục phủ ngũ tạng cũng thế, nhất là dạ dày, không muốn ăn uống gì hết, chỉ buồn ngủ, nhưng ngủ không được, cứ chập chờn, không thể nào làm cho hết mệt mỏi được. Đầu thì căng buốt, căng ra như có lớp sương mù trong đó, thấy trời đất quay cuồng, chân tay buồn bã. Tự dưng mũi chảy máu. Đó là tình trạng lúc mới bị.

Sau thì cảm thấy rét, toàn thân run lên, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Đó là triệu chứng cơn sốt sắp kéo đến. Thế rồi, nhiệt độ lên cao. Ngực và bụng có những chấm đỏ to bằng hạt đậu, lấy ngón tay ấn thì mất đi, nhưng nhấc tay lên lại xuất hiện. Mạch đập nhanh, mỗi phút có thể lên tới một trăm. Nhiệt độ có thể lên tới bốn mươi.

Tình trạng ấy kéo dài suốt tuần lễ đầu.

Sang tuần thứ hai, đầu và tay chân không đau nữa, nhưng số lần hôn mê tăng lên, tai ù đến mức không nghe thấy gì nữa. Vẻ mặt trở nên ngớ ngẩn. Miệng há hốc, mắt lờ đờ, mất hẳn sinh khí. Tri giác trở nên kém minh mẫn, suốt ngày buồn ngủ, có lúc không phải ngủ mà là mê đi, có lúc nói lảm nhảm và la hét. Người trông bẩn thỉu. Lợi, răng và lưỡi có nhiều vết đen, hơi thở cũng hôi hám. Người bệnh nằm ngửa bất động, nửa người dưới sưng phù. Cơ thể dán vào giường, đầu gối chống lên. Mạch lên tới một trăm hai mươi lần một phút. Mi mắt nửa khép nửa hở, hai má không đỏ như lúc đầu mà trở nên tái nhợt. Những nốt đỏ ở ngực và bụng càng nhiều hơn. Nhiệt độ cơ thể lên tới bốn mươi mốt...

Tuần thứ ba, suy nhược hẳn, không còn nói lảm nhảm nữa. Không ai biết chắc linh hồn người bệnh chìm trong đêm tối miên man hay rời thể xác mà lang thang trong mộng cảnh xa xôi sâu thẳm nào! Người bệnh không nói mà cũng không dùng tay làm hiệu tiết lộ bí mật ấy, cứ nằm im, mất hết cảm giác - lúc này là lúc thập tử nhất sinh.

Có những người mắc bệnh do những tình huống đặc biệt mà chẩn đoán trở nên khó khăn. Ví dụ những triệu chứng ban đầu như tinh thần không sảng khoái, mệt mỏi rã rời, chán ăn, ngủ chập chờn, đau đầu... Phần lớn đã xuất hiện, nhưng người bệnh - người ấy là hy vọng của cả gia đình - lại vẫn đi lại, khỏe mạnh như thường, khi bệnh tăng lên cũng không làm cho người ta thấy khác. Thầy thuốc giỏi, xin cử một ví dụ, bác sĩ Langhals chẳng hạn, bác sĩ Langhals có đôi bàn tay đẹp với những chân lông mềm mại - thì chẩn đoán là biết ngay bệnh gì rồi. Đến lúc những nốt đỏ nổi lên ở ngực và bụng thì ông có thể nói một cách chính xác. Ông sẽ không còn do dự gì nữa mà không dùng những biện pháp cần thiết, yêu cầu để người bệnh nằm ở một căn phòng thoáng đãng, rộng rãi, không quá mười bảy độ. Ông lại yêu cầu giữ gìn sạch sẽ, nếu như tình hình bệnh nhân cho phép - cũng có lúc không thể làm được như thế - chăn đệm phải thay luôn, đề phòng chấy rận. Ông sẽ bảo người nhà dùng khăn ướt thường xuyên lau miệng cho người bệnh. Còn thuốc men, ông có thể cho uống antipyrine, hơn nữa, nếu người bệnh đau dạ dày, ông sẽ cho ăn những thức ăn nhẹ, có nhiều chất bổ. Ông dùng biện pháp tắm để hạ nhiệt độ người bệnh, cứ ba tiếng đồng hồ một lần cho ngâm trong bồn tắm. Ông cho uống những thứ kích thích mạnh như rượu brandy hoặc champagne.

Những biện pháp ông sử dụng không theo một quy trình nào, chỉ mong có tác dụng ít nhiều, bởi vì chính ông cũng không biết những liệu pháp ấy có giá trị gì, có ý nghĩa gì, có mục đích gì? Có một vấn đề rất quan trọng mà ông không biết, cho đến tuần lễ thứ ba, cho đến lúc bệnh nhân thập tử nhất sinh, ông vẫn như người mò mẫm trong đêm, đó là người bệnh có sống nổi hay không? Ông không biết người mà ông cho là bị bệnh thương hàn kia chỉ mắc một cơn sốt không lấy gì làm nặng, hậu quả không vui vẻ sau khi bị cảm, hay đó là một hình thức làm cho bệnh nhân giải thoát, đó là vỏ ngoài của cái chết? Trường hợp thứ nhất thì bản thân việc cảm mạo là có thể tránh được, hoặc dù có bị cảm mạo thì có thể dựa vào khoa học mà chữa; còn trường hợp thứ hai, cái chết dù xuất hiện, với bộ mặt nào đi nữa, thuốc thang gì cũng vô hiệu!

Tâm thần người mắc bệnh thương hàn thường diễn ra như sau: trong cơn nửa tỉnh nửa mê, người bệnh như nghe tiếng gọi phấn chấn của cuộc sống. Đến khi đi dạo trên con đường có bóng râm, có gió mát và yên tĩnh nhưng nóng bức, thì tiếng gọi ấy trở nên rõ ràng, tha thiết. Anh ta đứng lại, nghe tiếng gọi vang vọng, phấn chấn, có chút trào lộng, tiếng gọi ấy gọi anh ta trở về nơi mà anh ta rời xa, đã quên đi hoàn toàn. Nếu lúc ấy, anh ta còn giữ được cảm giác xấu hổ vì thấy mình chưa làm tròn nhiệm vụ đối với chuyện đời trào lộng, phiền phức, dã man bị vứt lại phía sau, anh ta thấy còn có chút sức mạnh, còn có chút dũng khí và còn có chút hứng thú, nếu anh ta còn thấy yêu đời, chưa muốn quay lưng lại với đời, thì dù có lạc xa trên con đường lạ, nóng bức kia, anh ta vẫn còn có thể quay lại với cuộc sống được. Nhưng nếu nghe tiếng gọi ấy mà anh ta sợ hãi, căm ghét run lên, thế thì tiếng gọi như khoái chí, như khiêu khích ấy chỉ có thể làm cho anh ta lắc đầu, giơ hai cánh tay ra chống đỡ, rồi đi tiếp con đường lẩn trốn... Thật rõ ràng, lúc ấy anh ta sẽ chết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx