sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

— Như thế không đúng đâu, chị Gerda ạ! Như thế không đúng đâu! - Dễ thường bà Weichbrodt nói hàng trăm lần câu ấy trong giọng nói có hàm ý thương xót, trách móc. Tối hôm ấy, trong văn phòng cũ người học trò của bà, rất nhiều người ngồi quanh cái bàn tròn, có bà Gerda Buddenbrook, có bà Tony, con gái của bà là Erika, có cô Klothilde đáng thương và ba tiểu thư Buddenbrook ở phố Meng. Bà Weichbrodt ngồi trên chiếc xô-pha giữa đám người kia. Dải xanh trên chiếc mũ vải của bà bỏ thõng xuống đôi vai gầy. Một bên vai bà nhô cao lên để cánh tay bà có thể hoạt động thoải mái trên mặt bàn - cơ thể người đàn bà bảy mươi lăm tuổi này đã co rúm lại quá thể!

— Như thế là không đúng đâu, chị nghe tôi bảo! Chị đừng làm thế, chị Gerda ạ! - Bà nhắc đi nhắc lại câu ấy, giọng kích động run run - Một chân tôi đã vùi trong đất, tôi chẳng sống bao lâu nữa mà chị lại muốn xa chúng tôi, chị lại muốn vĩnh biệt chúng tôi! Nếu như chỉ là đi chơi, chỉ đến Amsterdam chơi vài hôm thì chẳng nói làm gì, nhưng chị lại vĩnh viễn không trở lại - Cái đầu như đầu chim của bà đã bạc trắng, cứ lắc la lắc lư, đôi mắt màu nâu chứa chan trí tuệ trở nên buồn bã - Tất nhiên chị mất mát nhiều lắm!

— Há phải mất nhiều thôi ư? Chị ấy mất hết! - Bà Tony nói - Chúng ta không nên ích kỷ quá, bà Therese ạ! Chị Gerda muốn đi thì cứ để chị ấy đi, chẳng có cách nào cả! Hai mươi mốt năm trước, anh Thomas đưa chị ấy về đây, ai cũng mến chị ấy, tuy chị ấy lúc nào cũng ghét chúng ta... Đúng như thế! Lúc nào chị cũng ghét chúng tôi, không nên phủ nhận điều đó, chị Gerda ạ! Bây giờ anh Thomas không còn nữa, mà cũng chẳng còn ai nữa. Chúng tôi đối với chị có nghĩa gì đâu! Mặc dù điều đó làm chúng tôi đau khổ, nhưng chị cứ đi đi, chị Gerda ạ! Cầu Chúa phù hộ cho chị! Năm anh Thomas mất, chị chưa đi ngay, chúng tôi cảm ơn chị lắm rồi...

Đó là vào một buổi hoàng hôn mùa thu, ăn chiều xong, khoảng sáu tháng sau khi Johann nhận lễ cầu nguyện của mục sư Pringsheim, chôn ở rừng cây con dưới giá thập tự xây xi măng và tấm gia huy ở ngoại thành. Trước nhà, nước mưa nhỏ tí tách, hai bên đường cây đã rụng hết lá. Chốc chốc một cơn gió chướng thổi tới, hắt nước mưa vào cửa kính. Tám người đàn bà ấy đều mặc áo quần màu đen.

Đấy là cuộc hội họp nho nhỏ của gia đình, một cuộc giã từ, giã từ bà Gerda Buddenbrook. Bà Gerda sắp rời khỏi nơi này về Amsterdam cùng với cụ thân sinh chơi đàn như trước kia. Bà không còn nghĩa vụ gì ở đây nữa. Bà Tony không phản đối quyết định của bà chị dâu, bà chịu nhượng bộ, mặc dù trong lòng bà cảm thấy đau đớn vô cùng. Nếu như bà phu nhân của ông nghị đã quá cố vẫn ở lại thành phố này, nếu bà ta vẫn giữ được địa vị danh dự trong giới xã giao và không di chuyển tài sản đi nơi khác, thì dòng này vẫn giữ được chút thanh danh. Dù sao đi nữa bà Antonie đã quyết, nếu bà còn sống ngày nào, thì người ta vẫn còn trông thấy mặt bà, thì bà vẫn còn ngước cao đầu lên. Cụ tổ nhà bà từng ngồi xe tứ mã đi ngao du khắp nước cơ mà!

Qua quá nửa đời người đầy trắc trở, dù bệnh dạ dày hành lạ liên tiếp, trông bà vẫn như người mới năm mươi. Màu da bà có nhợt nhạt đi, môi trên - vành môi đẹp làm rung động lòng người của bà - có chút lông tơ, nhưng cái đầu trong vành mũ tang của bà vẫn chưa có lấy một sợi tóc bạc.

Người em họ của bà, cô Klothilde đáng thương đối với cuộc ra đi của bà Gerda thì điềm nhiên lãnh đạm như đối với mọi sự ở đời này. Trong bữa ăn chiều vừa rồi, cô chẳng nói gì. Bây giờ, cô ngồi kia, thỉnh thoảng mới kéo dài giọng nói vài câu giữ hòa khí. Người vẫn gầy gò xanh xao như trước kia.

Erika đã ba mươi mốt tuổi, cô không xúc động chút nào trước sự chia ly của bác gái. Cô trải qua nhiều nỗi đau đớn hơn thế nên từ lâu cô đã biết chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc đời. Đôi mắt xa xôi mọng nước của cô - đôi mắt giống ông Grünlich như đúc - lộ vẻ đau buồn, khuất phục. Trong giọng nói bình tĩnh, ai oán của cô, cũng thấy được tâm tình ấy.

Ba cô thiên kim tiểu thư của ông bác Gotthold có vẻ khiêu khích, châm chọc như trước kia. Hai bà chị - Friederike, Henriette, trở nên khô đét theo thời gian; còn cô em út Pfiffi năm mươi ba tuổi thì lại vừa béo vừa lùn.

Bà Justus, vợ ông tham Kröger cũng được mời nhưng không tới, chẳng hiểu vì sao. Có lẽ bà hơi mệt, cũng có lẽ vì bà không có áo quần ra hồn.

Mọi người bàn bạc về chuyện bà Gerda nên đi tàu hay đi xe và việc giao cho ông Gosch đứng bán ngôi biệt thự và cả đồ đạc trong nhà đó, vì bà Gerda không đem theo một thứ gì, cũng như lúc bà ta đến đây vậy.

Rồi bà Tony nói về cuộc đời, về những chuyện nghiêm túc trong cuộc sống, về những suy nghĩ của bà đối với quá khứ, đối với tương lai, mặc dù tương lai chẳng có gì đáng nói cả.

— Ừ, sau khi tôi chết, nếu con Erika muốn thì nó có thể dọn đi nơi khác - bà nói - tôi thì tôi chẳng đi đâu cả. Còn sống được ngày nào thì tôi cứ sống ở đây. Mấy người còn lại chúng ta, mỗi tuần các bà, các chị đến đây ăn với tôi một bữa... rồi chúng ta đọc lại gia phả - Bà vỗ vào cái cặp da để ở trước mặt - chị Gerda cứ đưa cái này cho tôi giữ, tôi cảm ơn chị. Cứ quyết định như thế nhé! Nghe chưa, cô Klothilde?... Cô mời chúng tôi tới cũng được, vì cô còn khá hơn chúng tôi. Thôi, thế thôi nhé! Ai cũng bận giành giật với cuộc sống... Còn cô lại ngồi nhẫn nại chờ đợi mọi việc sẵn sàng. Cô giống như con lạc đà, cô Klothilde ạ! Tôi nói thế cô cũng đừng giận nhé!

— Bà cứ nói thế, bà Tony! - Cô Klothilde nói.

— Thật đáng tiếc, em không đến từ biệt chú Christian được - bà Gerda nói.

Thế là câu chuyện chuyển sang ông Christian. Ông ít có hy vọng ra khỏi cái bệnh viện ấy mặc dù bệnh tình chưa đến mức không được hoạt động tự do. Nhưng như thế càng tốt đối với bà vợ ông, như bà Tony nói. Bà vợ ông thông đồng với ông bác sĩ, xem chừng ông Christian còn phải ở bệnh viện tâm thần vài năm nữa!

Câu chuyện đến đây thì mọi người im lặng một lúc. Sau đó, họ khe khẽ nói đến chuyện mới xảy ra gần đây, cái tên Johann được một người nào đó nhắc tới, căn phòng lại im lặng, chỉ còn nghe tiếng mưa rơi ngoài cửa mỗi lúc một to.

Bệnh của Hanno hết sức dễ sợ, người ta sợ nhắc đến như sợ một bí mật gì ghê gớm lắm. Nếu ai đó chỉ thấp giọng, ngập ngừng nhắc đến, thì không ai dám nhìn ai nữa. Cuối cùng, mọi người lại nhớ đến một chuyện nhỏ đã xảy ra. Cậu bá tước, quần áo lôi thôi lếch thếch ấy đến thăm, khăng khăng đòi vào phòng người bệnh. Hanno lúc đó không nhận ra ai nữa, nhưng nghe tiếng Kai thì nét mặt bỗng tươi hẳn lên.

Kai cầm tay Hanno hôn lấy hôn để.

— Cậu ta hôn tay ư? - Ba cô tiểu thư nhà Buddenbrook cùng hỏi.

— Hôn mấy lần cơ!

Chuyện ấy làm mọi người lặng đi một lúc.

Bỗng bà Tony ứa nước mắt.

— Tôi thương nó lắm! - Bà nghẹn ngào - Các chị biết không, tôi thương nó lắm! Không ai quý nó bằng tôi đâu! Ôi, xin lỗi, chị Gerda, chị là mẹ của cháu... cháu là người nhà trời!

— Bây giờ cậu ấy mới thật là người nhà trời! - Bà Sesemi chữa lại câu nói của bà Tony.

— Hanno, cháu Hanno! - bà Tony nói tiếp, nước mắt chảy xuống hai gò má nhăn nheo, trắng bệch. - Anh Tom, bố, ông nội đi đâu cả rồi! Chúng tôi không còn trông thấy đâu nữa! Ôi, thật là thảm thương!

— Còn có thể được trông thấy - Cô Friederike Buddenbrook nói, tay nắm chặt để lên đầu gối, mắt nhìn xuống, nhăn mũi.

— Ừ, ai cũng nói vậy... Thế nhưng có lúc, chị Friederike ạ, không gì an ủi được chúng ta cả; có lúc - Thượng đế bỏ qua cho câu nói của tôi - chúng ta hoài nghi chính nghĩa, lòng lương thiện, hoài nghi tất cả. Đời làm đổ vỡ nhiều rồi, làm ta mất hết lòng tin! Được trông thấy! Nếu thực như thế thì...

Lúc đó, bà Sesemi Weichbrodt đứng dậy, cố rướn lên cho thật cao. Bà ta kiễng chân, nghển cổ, gõ lên mặt bàn, làm cho cái mũ vải trên đầu rung rung.

— Nhất định sẽ lại được trông thấy! - Bà ta nói thật to, nhìn mọi người như khiêu khích!

Bà giáo ấy suốt đời mình chống lại mọi hoài nghi của lý trí, bây giờ đây bà ta đứng lên với tư thế của kẻ chiến thắng, lưng gù, người khô đét, run rẩy vì lòng tin kiên định. Trông bà ta như một bậc tiên tri có đủ quyền hành trừng phạt.

Hết


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx