sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Giao Lộ Sinh Tử - Chương 01

CHƯƠNG 1

Tên tôi là Odd Thomas, tôi không chắc tại sao bạn lại nên quan tâm đến chuyện tôi là ai hoặc tôi có tồn tại hay không, dù rằng thời nay, tiếng tăm là điều thiêng liêng mà hầu hết mọi người đều tôn thờ.

Tôi không phải người nổi tiếng, cũng không phải con cái của người nổi tiếng. Tôi không bao giờ kết hôn với người nổi tiếng, không bao giờ để những kẻ đó đối xử tệ bạc với mình, và cũng không bao giờ hiến thận để cấy ghép vào thân thể bất kì người nổi tiếng nào. Hơn nữa, tôi không có khát vọng trở thành người nổi tiếng.

Tóm lại, tôi chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, theo những tiêu chuẩn trong nền tảng văn hóa của chúng ta, nền tảng khiến tạp chí People không những sẽ không bao giờ đăng một lời nào về tôi mà còn có thể cự tuyệt cả nỗ lực đăng kí đặt báo của tôi, bởi lẽ lực hút lỗ đen vũ trụ từ việc tôi không nổi tiếng có tác động mạnh đến mức đủ lôi kéo toàn bộ sự nghiệp kinh doanh của họ chôn vào quên lãng.

Tôi hai mươi tuổi. Đối với những người lớn tuổi từng trải, tôi lớn hơn đứa con nít chút đỉnh. Thế nhưng đối với trẻ con, tôi đã già dặn đủ để chúng ngờ vực, tống khứ vĩnh viễn ra khỏi cộng đồng đầy sức lôi cuốn của những người thấp bé và không để râu.

Thế nên, chuyên gia nhân khẩu học có thể kết luận rằng những người duy nhất chịu nghe tôi nói chỉ là đám thanh niên nam nữ hiện đang lênh đênh giữa đợt sinh nhật thứ hai mươi và hai mươi mốt.

Thật tình, tôi chẳng có gì để nói với lượng khán giả hạn hẹp đó. Theo kinh nghiệm của mình, tôi không quan tâm đến hầu hết những thứ mà thanh niên Mỹ hai mươi tuổi quan tâm. Trừ việc tồn tại, đương nhiên rồi.

Tôi sống một cuộc đời khác lạ.

Nói thế không có nghĩa cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn của các bạn. Tôi chắc chắn rằng cuộc sống của các bạn đầy ắp hạnh phúc, niềm vui, điều kì diệu và những nỗi sợ hãi cố hữu, nhiều như bất kì ai có thể ước muốn. Xét cho cùng, giống như như tôi, bạn cũng là một con người bằng xương bằng thịt, và chúng ta biết điều đó sung sướng và đáng sợ đến thế nào.

Tôi chỉ có ý nói rằng cuộc sống của tôi không bình thường. Những sự việc kì dị cứ đều đặn xảy ra với tôi mà không xảy ra với người nào khác thật vậy.

Chẳng hạn như tôi sẽ không bao giờ viết cuốn tự truyện này nếu không bị anh chàng nặng bốn trăm pao[1] với bàn tay trái có sáu ngón bắt buộc.

[1] 1 pao (pound) = 0,454 kg.

Tên anh ấy là P. Oswald Boone. Mọi người gọi anh ấy là Ozzie “bé” vì bố anh, Ozzie “lớn”, vẫn còn sống.

Ozzie “bé” có một con mèo tên Terrible Chester và anh ấy rất yêu nó. Quả thực, nếu có một ngày Terrible Chester mất đi mạng sống của mình dưới bánh xe Peterbilt thì tôi e rằng trái tim to lớn của Ozzie “bé” sẽ không vượt qua được nỗi đau mất mát đó.

Về phần mình, tôi không dành nhiều tình cảm sâu sắc cho Terrible Chester chỉ bởi một lẽ, nó đã vài lần tè bậy lên giày tôi.

Lí do con mèo đó làm vậy, theo lời Ozzie giải thích nghe có vẻ lọt tai, nhưng tôi không tin vào vẻ thật thà kia. Ý tôi muốn nói tôi nghi ngờ sự chân thực của con Terrible Chester, không phải của Ozzie.

Hơn nữa, tôi tuyệt đối không đặt niềm tin khi một con mèo tuyên bố rằng nó đã năm mươi tám tuổi. Mặc dù có ảnh làm chứng để xác thực tuyên bố trên nhưng tôi vẫn khăng khăng cho rằng điều đó không đúng.

Vì những lí do sẽ trở nên hiển nhiên, bản thảo này không thể được công bố trong suốt quãng đời của tôi và những nỗ lực của tôi sẽ không được đền đáp bằng nhuận bút khi tôi còn sống. Ozzie “bé” gợi ý tôi nên để lại khoản tiền bản quyền cho việc nuôi dưỡng chu đáo cho con Terrible Chester, theo anh ấy thì nó sẽ sống thọ hơn tất cả chúng tôi.

Tôi sẽ chọn người khác cho hành động từ thiện này, một đối tượng không tè bậy lên giày của tôi.

Dù sao đi nữa, tôi không viết quyển sách này vì tiền. Tôi viết nó để lưu giữ sự minh mẫn và để khám phá xem tôi có thể thuyết phục chính bản thân rằng cuộc đời mình có mục đích và ý nghĩa, đến mức đủ để tôi vin vào đó mà tiếp tục sống không.

Bạn đừng bận tâm: những lời huyên thuyên này sẽ không u sầu đến mức khiến bạn không thể chịu nổi. P.Oswald Boone đã nghiêm khắc ra chỉ thị cho tôi phải giữ văn phong tươi sáng.

“Nếu em không giữ văn phong tươi sáng,” Ozzie bảo, “anh sẽ đè cái mông bốm trăm pao của mình lên người em đấy nhé, và em không muốn chết theo cách đó đâu.”

Ozzie đang huênh hoang đó thôi. Mông anh ấy to thật, nhưng có lẽ chỉ nặng một trăm năm mươi pao là cùng. Hai trăm năm mươi pao kia phân bố khắp phần còn lại trên bộ xương khốn khổ của Ozzie.

Thoạt đầu khi tôi tỏ ra không thể giữ giọng văn tươi sáng, Ozzie gợi ý tôi hãy đóng vai người kể chuyện đáng ngờ. Anh ấy nói: “Cách ấy hiệu quả đối với Agatha Christie trong truyện Vụ ám sát Roger Ackroyd.”

Trong quyển truyện trinh thám dạng tường thuật nói trên, gã kể chuyện đẹp trai hóa ra lại là kẻ giết Roger Ackroyd, sự thật này được hắn che giấu người đọc đến tận phút cuối.

Hiển nhiên tôi không phải tên sát nhân. Tôi không làm điều xấu xa gian ác phải giấu giếm bạn. Sự lập lờ đáng ngờ của tôi thể hiện ở vai trò một người kể chuyện phải vất vả vật lộn với thì của một số động từ.

Đừng bận tâm, không lâu nữa bạn sẽ biết sự thật.

Dù sao thì tôi cũng đang tiếp tục câu chuyện của mình. Đến sau khi con bò nổ tung, Ozzie “bé” và Terrible Chester mới nhập cuộc.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày thứ Ba.

Đối với bạn, thứ Ba là ngày bình thường tiếp theo sau thứ Hai. Đối với tôi, ngày đó cũng như sáu ngày kia, đầy ắp tiềm năng xuất hiện những điều kì bí, mạo hiểm và hãi hùng.

Bạn nên hiểu điều đó không có nghĩa cuộc đời của tôi thật lãng mạn và huyền ảo. Quá nhiều điều thần bí sẽ chỉ gây phiền hà. Quá nhiều mạo hiểm thành ra kiệt sức. Và những nỗi hãi hùng cỏn con cứ đeo bám dai dẳng.

Không cần đồng hồ báo thức, tôi dậy lúc năm giờ sáng thứ Ba, sau khi mơ là những nhân viên sân chơi bowling đã chết.

Tôi không bao giờ đặt báo thức vì đồng hồ sinh học trong người tôi cực kì chính xác. Nếu tôi muốn thức dậy ngay năm giờ thì trước khi ngủ, chỉ cần tự nhủ với mình ba lần rằng tôi buộc phải dậy đúng bốn giờ bốn mươi lăm.

Dù đồng hồ sinh học của tôi đáng tin cậy nhưng vì một số lí do, nó chạy chậm đi mười lăm phút. Tôi biết ra điều này nhiều năm về trước và đã quen dần.

Suốt ba năm trời, giấc mơ về những nhân viên sân chơi bowling đã chết cứ quấy nhiễu giấc ngủ của tôi mỗi tháng một hai lần. Các tình tiết chưa cụ thể đến mức đủ để hành động. Tôi sẽ phải chờ đợi và hi vọng sự việc sáng tỏ khi chưa quá muộn. Vậy là tôi thức dậy lúc năm giờ, ngồi thừ trên giường và nói: “Miễn thứ con con phải phụng sự.” Đó là lời cầu nguyện buổi sáng mà bà Sugars đã dạy cho tôi khi còn bé xíu.

Pearl Sugars là bà ngoại của tôi. Nếu bà là bà nội thì tên tôi đã là Odd Sugars, như vậy càng khiến cuộc đời tôi rối rắm thêm.

Bà ngoại Sugars tin vào chuyện mặc cả với Thượng đế, bà gọi Người là “nhà buôn thảm già nua”.

Trước mỗi ván bài xì phé, bà hứa hẹn với Thượng đế sẽ truyền bá lời dạy cho Người hoặc chia sẻ khoản tiền rủng rỉnh có được cho những đứa trẻ mồ côi, nếu Người mà bà thắng cuộc. Suốt cuộc đời bà, tiền thắng bài luôn là một nguồn thu đáng kể.

Là một phụ nữ nghiện rượu với vô vàn sở thích ngoài chuyện chơi bài, bà Sugars không phải lúc nào cũng dành nhiều thời gian truyền bá lời của Thượng đế như đã hứa. Bà tin Thượng đế thường đoán được thể nào cũng bị lừa và sẽ khoan dung độ lượng chuyện đó.

Bà nói bạn có thể lừa bịp Thượng đế và thoát tội với điều kiện bạn làm như vậy với sức hấp dẫn và khiếu hài hước. Nếu bạn sống trên đời với trí tưởng tượng và lòng nhiệt huyết, Thượng đế sẽ nhập cuộc để xem điều cực kì thú vị tiếp theo bạn thể hiện là gì.

Người cũng sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi nếu bạn ngốc nghếch đến mức lố bịch. Bà ngoại tôi quả quyết, điều đó giải thích tại sao khối kẻ ngờ nghệch kinh khủng chỉ xoay sở được cuộc sống tạm ổn.

Tất nhiên, bạn tuyệt đối không bao giờ được gây tổn hại đến người khác theo bất cứ phương thức đáng sợ nào, nếu không bạn sẽ chẳng khiến Thượng đế thấy thú vị nữa. Lúc đó cái giá phải trả sẽ xảy đến tương ứng với những điều bạn đã thất hứa.

Bất chấp việc lén uống rượu dưới gầm bàn, bất chấp việc đều đặn thắng các ván bài xì phé với những kẻ có trái tim sắt đá, thần kinh yếu, không thích thua cuộc, bất chấp cả việc hằng ngày ăn rất nhiều mỡ lợn, bà Sugars đã thanh thản ra đi trong giấc ngủ ở tuổi bảy mươi hai. Người ta tìm thấy bà cùng một li rượu mạnh gần như cạn sạch đặt trên chiếc bàn đầu giường, một quyển sách của tác giả bà yêu thích đã lật đến trang cuối cùng, và một nụ cười trên khuôn mặt.

Căn cứ vào tất cả những bằng chứng sẵn có, bà ngoại tôi và Thượng đế hiểu nhau khá rõ.

Vui mừng khi thấy mình vẫn còn sống vào sáng thứ Ba đó, trong khung cảnh lờ mờ của bình minh, tôi bật ngọn đèn đầu giường và quan sát căn phòng dùng làm phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp kiêm phòng ăn của mình. Tôi không bao giờ bước xuống giường khi chưa biết người đang đợi mình, nếu có, là ai.

Nếu khách viếng thăm, người tốt hay kẻ xấu, đã dành một khoảng thời gian trong đêm quan sát tôi ngủ thì họ sẽ chẳng nấn ná ở lại để tán gẫu trong bữa điểm tâm của tôi. Đôi khi việc từ giường ngủ đến phòng tắm cũng có thể lấy mất niềm vui sướng của một ngày mới.

Chỉ có Elvis ở đó, đeo vòng hoa lan, mỉm cười và chĩa một ngón tay về phía tôi như thể đấy là khẩu súng đã lên cò.

Tôi thích sống phía trên ga-ra riêng biệt, có kích thước vừa đủ cho hai chiếc xe và tôi thấy nơi đây thoải mái dễ chịu, nhưng tạp chí Kiến trúc Bày trí sẽ không săn tìm bức ảnh độc quyền về bố cục nơi đây đâu. Nếu phóng viên đưa tin của tòa soạn nhìn thấy chỗ tôi ở, có lẽ anh ta sẽ nhận xét, với thái độ khinh khỉnh rằng xét cho cùng cụm từ thứ hai trong tên gọi của tạp chí đâu phải là Bày bừa.

Tấm bìa cứng chân dung Elvis có kích cỡ bằng người thật, một trong những hình ảnh trưng bày tại hành lang rạp hát để quảng bá phim Blue Hawaii, vẫn nằm nguyên vị trí tôi đặt. Thỉnh thoảng, nó di chuyển, hoặc bị di chuyển trong đêm.

Tôi tắm bằng xà phòng và dầu gội dầu hương đào của Stormy Llewellin tặng. Tên thật của nàng là Bronwen nhưng nàng nghĩ tên đó khiến nàng có vẻ giống yêu tinh.

Tên thật của tôi là Odd.

Theo lời mẹ tôi, đây là sai sót chưa được chỉnh sửa trong giấy khai sinh. Lúc mẹ nói định đặt tên tôi là Todd, lúc lại nói là Dobb, theo tên một ông dượng người Cộng hòa.

Còn bố tôi thì khăng khăng lúc nào họ cũng định đặt tên Odd cho tôi, nhưng bố không cho tôi biết lí do. Bố lưu ý rằng tôi không có ông dượng người Cộng hòa Séc nào cả.

Mẹ tôi hùng hồn quả quyết là người dượng đó có thực, dù mẹ từ chối giải thích tại sao tôi chưa bao giờ được gặp dượng ấy hay dì Cymry, chị của mẹ, người được cho là đã kết hôn với dượng.

Bố thừa nhận sự tồn tại của dì Cymry nhưng lại tuyên bố đanh thép rằng dì ấy không bao giờ lấy chồng. Bố nói dì ấy là một kẻ đồng bóng. Câu đó có ẩn ý gì thì tôi không biết, vì bố không nói thêm lời nào nữa.

Mẹ tôi tức điên lên trước lời ám chỉ cho rằng chị của mẹ là loại người đồng bóng. Mẹ gọi dì Cymry là món quà Thượng đế ban tặng, thế nhưng, mẹ ít đề cập đến đề tài này.

Tôi thấy sống cùng cái tên Odd dễ thở hơn là chối bỏ nó. Lúc tôi đủ lớn để nhận ra đó là một cái tên khác thường thì tôi đã thấy thoải mái về nó.

Quan hệ của Stormy Llewellin và tôi hơn cả mức bạn bè thông thường. Chúng tôi tin cả hai là tri kỷ của nhau.

Bởi lẽ tấm thẻ từ chiếc máy bói toán trong lễ hội nói rằng chúng tôi đã được an bài sẽ bên nhau mãi mãi.

Chúng tôi lại có cả vết bớt xứng với nhau nữa.

Ngoài chuyện tấm thẻ và vết bớt, tôi còn yêu nàng rất mãnh liệt. Tôi ném mình xuống vách đá cheo leo vì Stormy nếu nàng yêu cầu. Tất nhiên là tôi cũng cần phải hiểu rõ mục đích phía sau lời đề nghị đó.

May cho tôi, Stormy không phải kiểu người đòi hỏi những việc làm nông nổi như thế. Nàng không trông đợi những hành động mà ngay đến bản thân nàng cũng không muốn thực hiện. Trong thời buổi lừa lọc hiện nay, nàng được giữ vững nhờ một cái mỏ neo lẽ phải to bằng con tàu.

Có lần Stormy mất cả ngày trời để suy nghĩ xem có nên giữ lại năm mươi xu nàng tìm thấy trong khe đựng tiền thừa ở trạm điện thoại công cộng không. Cuối cùng nàng gửi trả số tiền ấy cho công ty điện thoại.

Trở lại chuyện vách đá, tôi không có ý nói tôi sợ Tử thần. Tôi chỉ chưa sẵn sang hẹn hò đi chơi với ông ấy thôi.

Toàn thân thơm phức hương đào như Stormy yêu thích, không sợ Tử thần, xơi một cái bánh xốp việt quất, giả giọng Elvis nhưng nghe chẳng giống chút nào để tạm biệt ông bằng câu “Bảo trọng nhé”, tôi lên đường đến làm việc tại Quán Vỉ nướng Pico Mundo.

Bình minh vừa ló dạng, một lòng đỏ trứng vàng ươm đã lóe sáng tại đường chân trời phía đông.

Thị trấn Pico Mundo nằm ở phía nam California, mặc dù tất cả nước sinh hoạt đều được hệ thống cấp nước của chính phủ cung cấp nhưng bạn không bao giờ được quên rằng tình trạng thực sự của khu vực này là sa mạc. Tháng Ba, chúng tôi bị nung nóng. Tháng Tám như hiện giờ, chúng tôi bị nướng chín.

Biển nằm quá xa ở phía tây, xa đến nỗi nó lạ lẫm đối với chúng tôi không kém gì Biển Yên bình[2], vùng đất rộng lớn âm u trên bề mặt chị Hằng.

[2] Biển Yên bình (Sea of Tranquility): địa điểm trên mặt trăng mà phi thuyền Apollo 11 đã đáp xuống vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.

Thỉnh thoảng, khi đào bới để xây khu cư xá mới ở vùng ngoại vi thị trấn, các nhà khai thác gặp vô vàn vỏ sò nằm thật sâu bên dưới. Thuở xa xưa, các con sóng đã liếm lên bờ biển này.

Nếu áp tai vào những vỏ sò ấy, bạn không còn nghe được tiếng sóng réo gọi nữa mà chỉ có tiếng gió khô rang rên rỉ, như thể vỏ sò đã quên nguồn cội của nó.

Ngay bên dưới những bậc tam cấp dẫn lên căn hộ nhỏ của tôi, trong ánh mặt trời đầu ngày, Penny Kallisto đứng chờ như một vỏ sò trên bờ biển. Cô bé đi giày đỏ, mặc quần lửng trắng và áo sơ mi trắng sát nách.

Nhìn chung, Penny không mang nỗi tuyệt vọng trước tuổi dậy thì như vài đứa trẻ thời nay rất dễ mắc phải. Em mười hai tuổi, sôi nổi, thân thiện và hay cười.

Thế nhưng sáng nay Penny trông có vẻ nghiêm nghị. Đôi mắt xanh tối sầm như bãi biển một ngày đầy mây.

Tôi liếc nhìn về phía ngôi nhà cách xa hơn mươi thước, nơi đó bà chủ nhà Rosalia Sanchez trông chờ tôi từng giây từng phút để xác nhận rằng bà ấy chưa biến mất trong đêm. Hình ảnh phản chiếu trong gương không bao giờ đủ sức khiến nỗi sợ hãi của bà ngủ yên.

Không nói lời nào, Penny quay đi khỏi những bậc thềm. Cô bé hướng ra phía trước căn hộ.

Như cặp đôi người khổng lồ, hai cây sồi đồ sộ xứ California dùng ánh nắng và chính bóng của chúng dệt nên tấm mạng tim vàng, giăng ngang lối vào nhà.

Khi đi dưới bức màn tranh tối tranh sáng đó, Penny có lúc sáng lung linh, lúc lại chìm vào bóng tối. Tấm áo của bóng tối làm lu mờ vẻ rực rỡ trên mái tóc vàng óng, thoáng thay đổi theo từng bước cô bé di chuyển.

Sợ mất dấu Penny, tôi lao vội xuống mấy bậc thang cuối rồi đuổi theo em. Bà Sanchez đành phải chờ đợi và lo lắng vậy.

Penny đưa tôi băng qua ngôi nhà, ra khỏi lối dành cho xe chạy, đến bể nước ở bãi cỏ phía trước. Xung quanh chân đế của bể nước, bà Rosalia Sanchez xếp hàng đống vỏ sò với đủ hình thù và kích cỡ thu lượm được từ các ngọn đồi của thị trấn Pico Mundo.

Penny cúi xuống lựa một vỏ sò to bằng quả cam rồi đứng lên đưa cho tôi.

Kiểu dáng vỏ sò tương tự như ốc xà cừ. Mặt ngoài xù xì mang hai màu nâu và trắng, mặt trong bóng láng tỏa ánh hồng ngọc trai.

Khum bàn tay phải như thể vẫn đang cầm vỏ sò, Penny áp lên tai. Cô bé ngiêng đầu lắng nghe, ra hiệu muốn tôi làm theo.

Khi áp vỏ sò lên tai, tôi không nghe tiếng biển cả, cũng không nghe thấy tiếng gió sa mạc não nề như đã được kể.

Thay vào đó, từ trong vỏ sò phát ra giọng thở hung tợn của một con quái thú. Nhịp điệu gấp gáp của sự đòi hỏi ác nghiệt, tiếng gầm gừ của nỗi khao khát điên cuồng.

Giữa sa mạc ngày hè mà người tôi lạnh toát.

Khi Penny thấy gương mặt tôi lộ vẻ đã nghe thấy điều em muốn cho tôi biết, cô bé liền băng qua bãi cỏ đi đến vỉa hè. Penny đứng ở lề đường, nhìn chằm chằm về cuối phía tây phố Marigold Lane.

Tôi bỏ vỏ sò xuống, đến bên cô bé và cùng chờ đợi.

Quỷ dữ đang đến. Tôi tự hỏi, nó sẽ mang khuôn mặt kẻ nào.

Hàng nguyệt quế Ấn Độ lâu năm chạy dọc con đường. Những rễ cây xương xẩu to lớn nứt nẻ và oằn cong vỉa hè bê tông.

Không chút gió len qua hàng cây. Buổi sáng tĩnh mịch bất thường như bình minh ngày tận thế, chỉ phút chốc nữa thôi cả bầu trời sẽ nứt toạc ra.

Cũng như nhà của bà Sanchez, hầu hết những ngôi nhà quanh đây xây theo phong cách thời Victoria với nhiều cấp độ hào nhoáng khác nhau. Khi thị trấn Pico Mundo được thành lập vào năm 1900, rất nhiều cư dân từ Bờ Đông đến đây nhập cư và họ chuộng kiểu kiến trúc thích hợp với vùng bờ biển lạnh lẽo, ẩm thấp xa xôi này.

Chắc họ tưởng có thể mang đến thung lũng này những thứ họ yêu thích, bỏ mặc sau lưng tất cả những gì khó chịu.

Song chúng ta không phải giống loài có thể chọn lựa hành lí buộc phải mang theo. Dù với những mục đích tốt đẹp nhất, lúc nào chúng ta cũng nhận thấy mình phải mang bên người một hai va li chứa sự ám muội và nỗi khổ sở.

Nửa phút trôi qua, chuyển động duy nhất chỉ là cánh diều hâu bay lượn trên cao, thấp thoáng giữa những nhánh nguyệt quế.

Sáng nay con diều hâu và tôi đều là những tay săn mồi.

Penny Kallisto chắc hẳn cảm nhận được nỗi sợ hãi của tôi. Em nắm tay phải của tôi trong bàn tay trái của mình.

Hành động ân cần ấy khiến tôi thấy được an ủi. Cái nắm tay chặt của Penny xem ra thật vững vàng và bàn tay em không hề lạnh. Tôi có thêm dũng khí từ tinh thần mạnh mẽ của cô bé.

Vì chiếc xe không rồ ga, lăn bánh với vận tốc chỉ vài dặm một giờ nên tôi không nghe thấy gì cho đến khi xe rẽ sang khúc quanh. Nhận ra chiếc xe, tôi thấy nỗi buồn dâng lên bằng với nỗi sợ hãi.

Mẫu xe Pontiac Firebird 400 đời 1968 này được phục chế hết sức cẩn thận. Chiếc xe hai cửa màu xanh sẫm có thể đóng mở mui lướt về phía chúng tôi cách vỉa hè một khoảng ngắn, nó lung linh như ảo ảnh trong hơi mỗi buổi sớm mai.

Harlo Landerson và tôi là bạn cùng lớp thời học phổ thông. Suốt những năm đó, Harlo sửa sang lại từ phần trục xe trở lên, cho đến khi trông chiếc xe bóng bẩy như vào thời điểm mùa thu năm 67, khi lần đầu tiên mẫu xe xuất hiện tại nơi trưng bày.

Tự ti, có phần bẽn lẽn, Harlo không dốc sức chăm chút chiếc xe với hi vọng nó trở thành nam châm thu hút các cô nàng xinh đẹp hay những ai từng nghĩ cậu ta nhạt nhẽo nay bỗng nhiên thấy cậu ta tuyệt đến mức làm đóng băng thủy ngân trong nhiệt kế. Harlo không có tham vọng trong việc giao thiệp với mọi người, cậu ta không hề ảo tưởng đến cơ hội nâng cao thứ bậc thấp kém trong chế độ phân chia giai cấp ở trường phổ thông.

Với động cơ V-8, 335 mã lực, chiếc Firebird có thể tăng tốc từ không lên sáu mươi dặm một giờ trong vòng chưa đầy tám giây. Thế nhưng Harlo không phải tay đua kiệt xuất nên cậu ta chẳng có chút hãnh diện đặc biệt nào khi sở hữu một chiến mã tốc độ cực đỉnh như vậy.

Harlo dồn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vào chiếc Firebird vì vẻ đẹp của kiểu dáng và chức năng xe hút hồn cậu ta. Đó là việc làm xuất phát từ trái tim, một niềm đam mê có tính trong sáng và độ mãnh liệt đến thiêng liêng.

Đôi khi tôi nghĩ sự hiện diện của chiếc Pontiac rất quan trọng trong cuộc đời của Harlo vì cậu ta không còn ai khác để trao gửi những yêu thương, và cậu đã dành cho chiếc xe. Mẹ Harlo qua đời năm cậu lên sáu. Bố cậu là một kẻ nát rượu.

Một chiếc xe không thể đáp lại tình cảm mà bạn dành cho nó. Nhưng nếu bạn đơn côi cùng cực thì cú tóe lửa của kim loại crom, vẻ sáng bóng của nước sơn và tiếng nổ của động cơ cũng có thể được xem là sự trìu mến thương yêu.

Harlo và tôi không phải bạn chí cốt mà chỉ là bạn bè bình thường. Tôi mến anh chàng này. Cậu ta trầm tính nhưng trầm tính vẫn tốt hơn thói khoe khoang khoác lác mà rất nhiều đứa nhờ vào đó để thu hút sự chút ý trong trường phổ thông.

Tôi giơ tay trái vẫy Harlo trong khi Penny Kallisto vẫn còn bên cạnh tôi.

Từ thời học phổ thông, cậu ta đã làm việc chăm chỉ. Chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Harlo dỡ hàng tại Super Food rồi mang thực phẩm từ kho dự trữ ra bày lên giá.

Trước đó, từ bốn giờ sáng, cậu ta đi giao hàng trăm tờ báo đến các căn hộ nằm phía đông thị trấn Pico Mundo. Mỗi tuần một lần, cậu ta còn phát cho từng ngôi nhà một túi nhựa chứa đầy những tờ bướm quảng cáo và phiếu giảm giá.

Sáng nay Harlo chỉ giao báo. Cậu ta ném báo bằng một cú hất cổ tay như thể đó là mấy cái boomerang. Từng tờ Thời báo hạt Maravilla số ra ngày thứ Ba được gập lại để trong bao, quay tít giữa không trung rồi với tiếng “thịch” khẽ khàng, nó đáp xuống lối đi trước nhà, đúng vị trí mà người đặt mua muốn thấy.

Harlo đang giao báo bên kia đường. Khi đến ngôi nhà đối diện với nơi tôi đứng, cậu ta dừng chiếc Pontiac đang thả dốc lại.

Penny cùng tôi băng qua chỗ chiếc xe và Harlo lên tiếng. “Chào Odd. Cậu thế nào vào một ngày đẹp trời hôm nay?”

“Chán,” tôi đáp. “Buồn. Rối bời.”

Harlo cau mày lo âu, “Chuyện gì không ổn à? Tớ giúp được gì không?”

“Chuyện cậu đã làm,” tôi trả lời.

Buông tay Penny, tôi nghiêng người vào trong chiếc Firebird từ bên phần ghế hành khách, tắt máy xe và giật mạnh chìa khóa ra.

Hoảng hốt, Harlo vội chộp chùm chìa khóa lại nhưng không kịp, “Này, Odd, đừng giỡn nữa được không? Lịch làm việc của tớ sít sao lắm đấy.”

Tôi chưa từng nghe giọng Penny, song bằng thứ ngôn ngữ của linh hồn - tuy lặng thinh nhưng lại chứa đựng nhiều điều, cô bé hẳn đã nói với tôi.

Những gì tôi thốt ra với Harlo Landerson chính là phần cốt yếu nằm trong điều cô bé tiết lộ: “Trong túi của cậu có máu cô bé.”

Anh chàng ngây ngô đã bị lời tuyên bố của tôi làm lộ tẩy. Harlo nhìn tôi chằm chằm, đôi mắt bất chợt nghiêm lại nhưng không chứa đựng vẻ từng trải mà là nỗi sợ hãi.

“Đêm đó,” tôi tiếp lời, “cậu mang theo ba mẩu vải nỉ vuông màu trắng.”

Một tay vẫn đặt trên vô lăng, Harlo rời mắt khỏi tôi, nhìn sau kính chắn gió như thể muốn lái chiếc Pontiac bỏ đi.

“Sau khi lợi dụng cô bé, cậu dùng mấy mẩu vải lưu giữ lại chút máu trinh.”

Harlo rùng mình. Khuôn mặt cậu ta đỏ bừng lên, có lẽ do xấu hổ.

Nỗi đau làm tôi nghẹn giọng, “Mấy mẩu vải khô quánh và sẫm màu, giòn như bánh quy.”

Cơn rùng mình của Harlo vỡ òa thành những run rẩy dữ dội.

“Cậu luôn mang một trong những mẩu vải ấy bên mình.” Giọng tôi run lên vì bức xúc, “Cậu thích ngửi nó. Ôi, Chúa ơi, Harlo. Đôi khi cậu còn đưa nó vào giữa hai hàm răng và cắn.”

Harlo mở tung cửa xe và bỏ chạy.

Tôi không phải luật pháp. Tôi không nhân danh công lí. Tôi cũng không hiện thân cho sự báo thù. Tôi thật sự không biết là gì, và tại sao.

Tuy nhiên vào những lúc này thế này, tôi không thể ngăn bản thân đừng hành động. Cơn giận dữ cuốn phăng tôi và tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước điều buộc phải làm, cũng như không thể mong ước cho thế giới suy tàn này trở lại trạng thái tươi đẹp.

Khi Harlo vắt chân lên cổ phóng vọt đi khỏi chiếc Pontiac, tôi nhìn xuống Penny Kallisto và thấy vết dây buộc hằn quanh cổ cô bé, dấu vết đó không rõ vào lần đầu tiên cô bé hiện ra trước mặt tôi. Độ sâu của mảnh vải cứa vào da thịt cô bé làm dấy lên cơn cuồng nộ trong tôi. Việc cậu ta làm đã dồn cô bé đến chỗ chết.

Sự tiếc thương cào xé lòng tôi, và tôi đuổi theo Harlo Landerson, một kẻ tôi không hề mảy may thương xót.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx