sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Giao Lộ Sinh Tử - Chương 02 - 03

CHƯƠNG 2

Từ mặt đường nhựa sang mặt đường trải bê tông, từ mặt đường trải bê tông lên bãi cỏ, dọc theo ngôi nhà nằm bên kia đường, từ chỗ bà Sanchez xuyên qua sân sau, đến hàng rào sắt, rồi nhảy qua, sau đó băng qua một lối nhỏ, trèo lên bức tường gạch, Harlo Landerson hết chạy đến leo, rồi nhảy xuống.

Tôi tự hỏi hắn ta đang đi đâu. Hắn ta không thể thoát khỏi tôi hay công lí và chắc chắn không thể thoát khỏi con người thật của hắn.

Xa xa bức tường gạch có một mảnh sân, một hồ bơi. Lốm đốm ánh ban mai và bóng cây, mặt nước chập chờn sắc xanh lan tỏa từ màu ngọc bích sang ngọc lam, như thể một mẩu đá quý do bọn hải tặc khuất núi từ lâu để lại.

Ở phía xa của hồ bơi, sau cánh cửa kéo bằng kính, một phụ nữ trẻ đứng đó trong bộ pyjama, tay cầm chiếc cốc to chứa thứ nước giúp cô có dũng khí đối mặt với ngày mới.

Khi phát hiện ra đối tượng quan sát hốt hoảng kia, Harlo chuyển hướng về phía cô ta. Có lẽ hắn nghĩ mình cần một người che chắn, một con tin. Dù gì đi nữa hắn ta đâu có tìm kiếm cà phê.

Tôi bám sát nút, túm lấy áo, kéo giật hắn ngã chổng kềnh. Hai chúng tôi rơi ngập vào phần hố sâu.

Nhờ cái nóng của vùng sa mạc vào ngày hè nên nước hồ bơi không lạnh. Hàng ngàn bọt nước như những cơn mưa đồng xu bạc lung linh phóng tới tấp trước mắt tôi, kêu ùng ục bên tai tôi.

Vùng vẫy, chúng tôi chạm tới đáy hồ, trong lúc trồi lên, hắn đá, hắn quất. Bằng khuỷu tay, đầu gối hoặc bàn chân, hắn tấn công vào cổ họng tôi.

Dù lực cản của nước đã làm giảm đi phần lớn sức mạnh trong cú đánh đó nhưng tôi vẫn thở dốc, nuốt ực và nghẹt thở với vị clo thoảng mùi dầu thoa làm nâu da. Nới lỏng nắm tay khỏi Harlo, tôi trở mình chậm rãi xuyên qua bức màn dập dờn màu lục nhạt, lam thẫm rồi phá tan bề mặt thành hàng ngàn vạt nắng.

Tôi ở giữa hồ còn Harlo ở ngay bờ. Hắn chộp lấy gờ tường và đu người lên thành hố xi măng.

Ho sặc sụa, xì nước cho thông mũi, tôi lội bì bõm đuổi theo hắn. Trong vai vận động viên bơi lội, tôi có khả năng đi thi đấu Olympic thì ít mà khả năng chết đuối thì nhiều.

Vào một đêm tẻ ngắt năm tôi mười sáu tuổi, tôi thấy mình bị buộc vào hai xác chết và bị ném khỏi thuyền trên hồ Malo Suerte. Kể từ đó trở đi, tôi đâm ra ác cảm đối với các môn thể thao dưới nước.

Chiếc hồ nhân tạo ấy nằm tận bên kia ranh giới của thị trấn Pico Mundo. Malo Suerte có nghĩa là “vận đen”.

Được xây dựng trong thời kì Đại Khủng hoảng[3], giữ vai trò là dự án của Ban Xúc tiến Sự vụ, chiếc hồ lúc đầu được đặt theo tên một chính trị gia ít tiếng tăm. Cho dù người ta có cả ngàn câu chuyện xung quanh thứ nước cứ luôn thay đổi trong hồ, nhưng không một ai ở vùng đó có thể đoán chắc rằng khi nào và tại sao hồ này được chính thức đổi tên là Malo Suerte.

[3] Đại Khủng hoảng (Great Depression): năm 1929 đến 1930.

Tất cả hồ sơ liên quan đến hồ này đã biến thành vụ tro trong vụ cháy trụ sở tòa án năm 1954, thời điểm một người đàn ông tên Mel Gibson phản đối lệnh tịch biên lai tài sản do không đóng thuế. Phản kháng của ông Gibson mang hình thức tự hi sinh tính mạng.

Ông ta không bà con thân thích gì với nam tài tử người Úc trùng tên, người mấy thập kỷ sau nổi lên thành ngôi sao điện ảnh. Quả thực theo toàn bộ những lời đồn đại thì ông Gibson kia không có tài mà cũng chẳng có ngoại hình thu hút.

Lúc này đây, vì không bị đè nặng bởi hai xác chết, nên tôi chạm được thành hồ sau vài sải tay mau lẹ. Tôi nhấc bổng thân người lên khỏi mặt nước.

Đến bên cánh cửa trượt, Harlo Landerson mới phát hiện cửa khóa trái. Người phụ nữ mặc pyjama đã biến mất.

Khi tôi lồm cồm đứng lên và định di chuyển, Harlo lùi ra xa cánh cửa để lấy đà. Sau đó hắn chạy tới đưa vai trái ra phía trước, rúc đầu xuống.

Tôi cau mày chờ đợi cảnh tượng máu bắn tung tóe, chân tay đứt lìa, đầu bị mảnh kính chém phăng.

Dĩ nhiên tấm kính có độ an toàn đó vỡ tan thành một rừng những mảnh vụn bám dính. Harlo xộc vào nhà với tứ chi nguyên vẹn và cái đầu vẫn dính trên cổ.

Kính vỡ kêu lạo xạo, leng keng dưới đế giày khi tôi bám theo gót hắn. Tôi ngửi thấy mùi cháy khét.

Chúng tôi đang có mặt tại phòng khách. Tất cả vật dụng đều hướng về phía chiếc tivi màn hình rộng to bằng hai cái tủ lạnh.

Phần đầu khổng lồ của cô nàng phát thanh viên trên chương trình Today trông thật khiếp khi phóng to như thế. Ở trên kích thước này, nụ cười tươi tắn trên môi cô ta chứa đựng sự hăm hở như cá nhồng nhe răng. Đôi mắt lúng liếng có độ lớn bằng quả chanh dường như đang ánh lên vẻ điên cuồng.

Theo sơ đồ tầng nhà thoáng đãng này, phòng khách dẫn thẳng vào bếp, xen giữa chỉ có một quầy bếp để dùng điểm tâm.

Người phụ nữ chọn vị trí chống cự trong bếp. Một tay cô ôm chặt điện thoại tay kia cầm dao phay.

Harlo đứng ngay khoảng giữa hai gian phòng, cố nghĩ xem cô vợ nội trợ hơn hai mươi tuổi đang mặc bộ pyjama kiểu thủy thủ cực xinh kia thật sự có gan moi ruột hắn không.

Cô ta vừa huơ dao vừa hét vào điện thoại. “Hắn ở trong nhà, hắn ở ngay đây này!”

Sau lưng cô, bên kia bếp, khói bốc lên từ lò nướng bánh. Bột nở đã hỏng. Mùi bốc lên như dâu tây trộn với cao su cháy. Người phụ nữ đang trải qua một buổi sáng tệ hại.

Harlo ném một chiếc ghế đẩu vào tôi và chạy ra khỏi phòng khách, hướng về phía cửa trước của ngôi nhà.

Cúi đầu né chiếc ghế, tôi lên tiếng, “Thưa cô, tôi xin lỗi về mớ hỗn độn này,” rồi tôi đi tìm kẻ đã giết Penny.

Phía sau tôi người phụ nữ hét lớn, “Stevie, khóa cửa phòng con lại! Stevie khóa cửa phòng con lại.”

Lúc tôi đến chân cầu thang trong phòng ngủ, Harlo đã leo tới đầu cầu thang.

Tôi hiểu ra lí do hắn lên đây thay vì chạy thoát khỏi ngôi nhà. Trên tầng hai có một cậu bé mắt tròn to, khoảng năm tuổi, mặc độc chiếc quần lót đang đứng đó. Nắm một chân con gấu bông xanh dương, cậu bé trông yếu ớt như chú cún con bị bỏ rơi giữa làn đường cao tốc tấp nập.

Một con tin hoàn hảo.

“Stevie, khóa cửa phòng con lại!”

Thả rơi con gấu bông xanh dương, cậu bé ù té chạy trốn vào phòng.

Harlo nhảy bổ lên cầu thang tầng hai.

Hắt hơi bởi thứ nước do làm ngứa mũi và mùi mứt dâu cháy khét, người ướt sũng, tôi trèo lên cầu thang với tinh thần quả cảm kém hơn cả John Wayne trong phim Sand of Iwo Jima.

Tôi sợ hãi hơn kẻ tôi đang truy đuổi vì tôi còn có nhiều thứ để mất, nhất là Stormy Llewellin và chuyện tương lai hai đứa tôi bên nhau như chiếc máy bói toán đã hứa hẹn. Giả sử tôi đụng độ với anh chồng và trong tay anh ta có súng thì anh sẽ không hề do dự bắn xối xả vào tôi cũng như Harlo.

Phía trên, cánh cửa đóng sầm lại. Stevie đã làm theo lời mẹ bảo.

Theo truyền thống vào ngày Chủ nhật sau Lễ Phục sinh nếu có trong tay một bình kim loại chì đang sôi, Harlo Landerson sẽ đổ lên người tôi. Thay vì thế, hắn đẩy cho tôi một tủ chén đĩa nằm ở hành lang tầng hai, đối diện đầu cầu thang.

Tôi nhảy khỏi mấy bậc thang, đu lên tay vịn, ngạc nhiên phát hiện ra mình có được sự nhanh nhảu và tài giữ thăng bằng như khỉ, dù là một con khỉ sũng nước. Cái bẫy ì ạch rơi xuống từng bậc thang, các ngăn kéo cứ bật mở toang hoác rồi đóng ập lại hết lần này đến lần khác, như thể trong tủ chén ấy chứa đựng linh hồn của một con cá sấu.

Rời khỏi tay vịn, leo tiếp mấy bậc thang, tôi lên tới hành lang tầng hai khi Harlo bắt đầu đạp cửa phòng cậu bé.

Thấy tôi tiến đến, hắn càng đạp nhanh hơn. Gỗ vỡ vụn với một tiếng rắc khô khốc và cánh cửa mở tung.

Harlo xông vào như thể hắn bị một cơn lốc năng lượng hút khỏi hành lang.

Lao qua ngưỡng cửa, đẩy cánh cửa đang đung đưa sang bên, tôi thấy cậu bé cố chui vào gầm giường, còn Harlo đang ghì chặt chân trái cậu bé.

Tôi vồ lấy cây đèn ngủ hình chú gấu trúc tươi cười trên cái bàn đỏ ngay đầu giường và đập mạnh lên đầu Harlo. Trận tàn sát của những mảnh gốm sứ từ đôi tai vểnh màu đen, khuôn mặt trắng rạn nứt, bộ móng đen và vòng bụng trắng núc ních quét qua khắp căn phòng.

Ở một thế giới có hệ sinh thái và các định luật vật lí tuân theo độ chính xác tuyệt đối mà các nhà khoa học đã gán cho chúng thì lẽ ra Harlo sẽ gục xuống bất tỉnh ngay đơ hệt như cây đèn tan tác kia. Nhưng thật không may đây không phải cái thế giới ấy.

Hệt như kiểu tình thương khiến những người mẹ hóa điên có sức mạnh siêu phàm nâng bổng được cả chiếc xe hơi lộn ngược để giải thoát cho đứa con bị giam giữ, sự đồi bại đã cho Harlo ý chí hứng chịu cú đánh của gấu trúc mà không hề hấn gì. Hắn bỏ Stevie ra và vồ lấy tôi.

Tuy cặp mắt của Harlo không có hai đồng tử thu nhỏ nhưng chúng vẫn nhắc tôi nhớ đến cặp mắt của một con rắn, lóe sáng mưu đồ thâm độc và cho dù mấy chiếc răng để lộ không hé ra cái răng nanh dài sọc hay cong vút nào, nhưng tình trạng lên cơn của một con chó dại vẫn ẩn hiện trong tiếng gầm gừ khe khẽ của hắn.

Đây không phải người bạn tôi quen thời phổ thông cách đây chỉ mới vài năm, cũng không phải anh chàng bẽn lẽn tìm thấy phép lạ và ý nghĩa trong việc kiên nhẫn phục chế chiếc xe Pontiac Firebird.

Đây là một linh hồn bệnh hoạn và méo mó gai góc và thối rữa, một linh hồn có lẽ vừa mới thoát khỏi chốn giam cầm khuất sâu trong mê cung tâm trí của Harlo. Nó đập tan những chấn song của tế bào và vượt qua thành lũy canh giữ hạ bệ người mang tên Harlo và hiện nắm quyền thống trị.

Được giải thoát, Stevie cuống cuồng bò ngay vào gầm giường. Thế nhưng không có chiếc giường nào che chở tôi và không có tấm chăn nào để tôi trùm kín đầu.

Tôi không nhớ thật rõ những phút tiếp sau đó. Tôi và hắn lao vào tấn công khi có cơ hội. Chúng tôi vớ lấy bất cứ thứ gì có thể làm vũ khí, huơ lên rồi nắm. Một loạt cú đánh tới tấp khiến cả hai lảo đảo ôm ghì đối phương, tôi cảm nhận hơi thở nóng hổi của hắn phả vào mặt, nước bọt văng ra và nghe thấy tiếng hàm răng nghiến ngấu. Hắn cắn vào tai phải của tôi, cơn hoảng loạn đã dồn ép phải dùng đến thủ đoạn của một con quái thú.

Tôi vùng thoát, xô mạnh hắn ra bằng cách hất khuỷu tay vào dưới cằm và định lên gối vào hạ bộ hắn nhưng không trúng.

Tiếng còi hụ vang đến và mẹ Stevie xuất hiện ở chỗ cánh cửa mở toang con dao phay lóe sáng. Hai chiến sĩ: một người trong trang phục pyjama, người kia mặc đồng phục hai màu xanh và đen của Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo đang trong tình trạng sẵn sàng.

Harlo không thể thoát khỏi tôi và người phụ nữ cầm vũ khí kia. Hắn không thể bắt Stevie, tấm chắn bảo vệ hắn mong có được vì cậu bé đã nằm dưới gầm giường. Còn nếu lao qua cửa sổ và trèo lên mái ngói ngoài hiên trước thì hắn sẽ rơi thẳng vào vòng vây của cảnh sát đang đến.

Tiếng còi hụ vọng lại lớn hơn, gần hơn, Harlo trở vào một góc phòng, đứng rùng mình thở hổn hển. Hai tay siết chặt vào nhau, gương mặt hắn tái nhợt với vẻ thống khổ. Hắn nhìn mặt sàn, bốn bức tường, trần nhà, không phải với bộ dạng một kẻ sập bẫy đang ước tính cỡ của cái lồng giam giữ mà với nét hoang mang như thể hắn không nhớ ra tại sao hắn lại có mặt tại đây và rơi vào thế bí này.

Khác với bọn quái thú chốn rừng rú, những giống yêu tinh tàn bạo đội lốt người, khi bị dồn vào chân tường, hiếm khi chúng tấn công dữ tợn hơn. Thay vào đó chúng bộc lộ tính hèn nhát nằm sâu thẳm bên trong hành động hung ác của chúng.

Đôi tay siết chặt của Harlo vặn vẹo tách rời ra và ôm lấy mặt. Qua kẽ hở giữa mười ngón tay, tôi có thể thấy cặp mắt của hắn giật giật vì khiếp sợ.

Lưng ép sát vào góc phòng, hắn trượt người dọc theo chân tường, ngồi xuống sàn và xoạc chân ra trước mặt. Hắn cố giấu khuôn mặt sau đôi tay, như thể đôi bàn tay hắn là mặt nạ hóa phép tàng hình giúp hắn thoát khỏi sự trừng phạt của công lí.

Còi hụ rền vang hết cỡ cách đó chỉ một nửa khu nhà và rồi âm lượng của nó giảm từ tiếng gào thét đến tiếng gầm gừ và xuống còn tiếng rên yếu ớt ngay trước ngôi nhà.

Ngày mới vừa bắt đầu chưa đầy một giờ đồng hồ và từng giây từng phút của buổi sáng nay, tôi đã cư xử đúng theo tên gọi của mình.

CHƯƠNG 3

Hồn người chết không nói chuyện. Tôi không biết tại sao.

Harlo Landerson bị các nhân viên chức trách giải đi. Trong ví của hắn, người ta tìm thấy hai bức ảnh chụp Penny Kallisto. Tấm hình đầu tiên, cô bé trần trụi và còn sống. Tấm hình thứ hai, cô bé đã chết.

Stevie ở dưới nhà, trong vòng tay của mẹ cậu bé.

Wyatt Porter, cảnh sát trưởng ở Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo, yêu cầu tôi chờ trong phòng Stevie. Tôi ngồi xuống mép chiếc giường chưa sắp xếp ngăn nắp của cậu bé.

Tôi ngồi một mình không lâu thì Penny Kallisto đi xuyên qua tường và ngồi xuống cạnh tôi. Vết dây buộc đã biến mất khỏi cổ cô bé. Trông em như chưa bao giờ bị siết cổ, chưa bao giờ phải chết.

Như trước giờ, cô bé vẫn câm lặng.

Tôi thường tin vào kiến trúc truyền thống của dương thế và cõi âm. Thế giới này là một cuộc hành trình để khám phá và rửa tội. Thế giới bên kia gồm có hai đích đến: một nơi là cung điện dành cho linh hồn và vương quốc vô tận những điều kì diệu lạnh lẽo, tối tăm và không thể hình dung nổi.

Bạn cứ việc nghĩ tôi là kẻ ngớ ngẩn. Những người khác đều nghĩ thế cả.

Stormy Llewellin, một thiếu nữ có quan điểm độc đáo, lại tin rằng chuyến đi xuyên suốt thế giới này của chúng ta nhằm mục đích tôi luyện cho chúng ta vững vàng hơn vào kiếp sau. Nàng bảo tính trung thực, chính trực, dũng cảm và cương quyết chống lại cái ác của chúng ta sẽ được đánh giá vào phút cuối chúng ta có mặt trên thế giới này, và nếu được duyệt, chúng ta sẽ gia nhập vào đội quân những linh hồn, tham gia một nhiệm vụ cao cả nào đó ở thế giới bên kia. Những ai không vượt qua cuộc sát hạch xem như không sống tiếp nữa.

Tóm lại, Stormy xem cuộc đời này như trại huấn luyện binh lính. Nàng gọi kiếp sau là “giai đoạn tại ngũ”.

Tôi hi vọng nàng đã nhầm, bởi lẽ một trong những hàm ý của thuyết vũ trụ nàng đưa ra đó là rất nhiều nỗi kinh hoàng chúng ta biết đến ở đây chính là sự tiêm chủng phòng ngừa tình trạng tồi tệ ở thế giới bên kia.

Stormy nói những điều chúng ta trông đợi ở kiếp sau sẽ bõ công chúng ta nhẫn nại ở kiếp này, một phần vì chuyến phiêu lưu nhưng chủ yếu do phần thưởng dành cho giai đoạn tại ngũ sẽ đến vào kiếp sống thứ ba.

Về phần mình, tôi thích nhận phần thưởng vào thời điểm sớm hơn nàng dự đoán.

Nhưng Stormy thích trì hoãn việc hưởng thụ. Nếu ngày thứ Hai nàng thèm soda kem, nàng sẽ chờ đến thứ Ba hoặc thứ Tư mới uống một li. Nàng khăng khăng bảo rằng chờ đợi khiến li nước ngon hơn hẳn.

Quan điểm của tôi lại khác: nếu bạn thích mê món soda kem, thứ Hai uống một li, thứ Ba uống thêm li nữa, thứ Tư uống tiếp li khác.

Theo Stormy, nếu tôi sống theo triết lí đó quá lâu, tôi sẽ trở thành một gã nặng tám trăm pao, đến lúc ngã bệnh phải nhờ cần trục và đội thợ xây đến lôi ra khỏi nhà.

Nàng từng nói, “Nếu anh muốn bị bẽ mặt với việc được chở đến bệnh viện trên xe tải sàn phẳng thì đừng hòng có chuyện em ngồi lên cái bụng béo phị của anh như chú dế Jiminy ngồi trên lưng cá voi, nghêu ngao ca bài ‘Khi bạn cầu nguyện một vì sao’ nhé.”

Tôi khá chắc chắn rằng trong bộ phim hoạt hình Pinocchio của hãng Disney, chú dế Jiminy chưa bao giờ ngồi trên lưng cá voi. Thực ra tôi còn ngờ vực cả chuyện chú dế đó chạm trán cá voi.

Tuy nhiên, nếu tôi đưa ra lời nhận xét ấy với Stormy, nàng sẽ tặng tôi ánh mắt hình viên đạn ngụ ý rằng Anh ngớ ngẩn đến mức hết thuốc chữa hay chỉ là đang giỡn? Nên tránh đến vẻ mặt đó nếu không muốn sợ chết khiếp.

Vừa ngồi đợi trên mép giường của Stevie, tôi vừa nghĩ rằng ngay đến Stormy cũng không thể làm tinh thần tôi phấn chấn hơn. Quả thực, nếu bức hình Scooby-Doo cười toe toét in trên khăn trải giường không làm tôi vui trở lại thì có lẽ chẳng điều gì giúp được.

Tôi vẫn cứ nghĩ mãi về chuyện Harlo mất mẹ năm lên sáu tuổi, lẽ ra cậu ta phải là hình tượng gợi nhớ đến người mẹ, thế nhưng cậu ta đã làm ô uế kí ức về mẹ mình.

Và rồi tôi nghĩ đến Penny: cuộc đời cô bé kết thúc quá sớm, sự mất mát khủng khiếp đối với gia đình em, một nỗi đau không nguôi làm thay đổi mãi mãi cuộc sống những người thân của em.

Penny đặt tay trái lên tay phải của tôi và siết chặt an ủi.

Bàn tay em mang đến cảm giác thật như tay của một cô bé còn sống, rắn rỏi, ấm áp. Tôi không hiểu tại sao cô bé lại trở nên có thực đến thế đối với mình và tuy em đi xuyên tường nhưng em hiện hữu trước mắt tôi và vô hình với mọi người.

Tôi ứa nước mắt. Đôi khi tôi vẫn khóc. Tôi không xấu hổ với việc rơi lệ. Vào những lúc thế này, nước mắt giúp xua tan các cảm xúc, nếu không chúng sẽ ám ảnh tôi, sự ám ảnh làm tôi đau lòng.

Ngay sau khi những giọt lệ long lanh đầu tiên chỉ mới khiến mắt tôi nhòa đi chứ vẫn chưa kịp rơi xuống, Penny đã siết chặt tay tôi trong đôi tay cô bé. Cô bé mỉm cười và nháy mắt như muốn nói: Chuyện ổn rồi, anh Odd Thomas. Quên nó đi, tống khứ nó đi.

Người chết rất thông cảm cho những người sống. Họ đi trước và biết hết những nỗi sợ hãi, nhược điểm, những hi vọng bế tắc của chúng ta và việc chúng ta trân trọng thế nào thứ không thể kéo dài mãi mãi. Họ thương xót chúng ta, tôi nghĩ thế, và quả thực họ nên thương xót chúng ta.

Khi nước mắt tôi đã khô, Penny đứng nhổm dậy, mỉm cười lần nữa và dùng tay vuốt lên ngược tóc tôi ra sau trán. Tạm biệt, cử chỉ ấy dường như để nói lên điều đó. Cảm ơn và tạm biệt.

Cô bé băng qua căn phòng, xuyên tường, đi vào không gian buổi sáng tháng Tám ở tầng nhà nằm phía dưới trên mảnh sân trước, hay đi vào một lãnh địa khác tươi sáng rực rỡ hơn cả mùa hè tại thị trấn Pico Mundo này.

Lát sau, cảnh sát trưởng Wyatt Porter xuất hiện ngay cửa phòng.

Cảnh sát trưởng là một người đàn ông to lớn nhưng diện mạo của ông không đáng sợ lắm. Với cặp mắt lồi và hai bên má chảy xệ, khuôn mặt ông chịu ảnh hưởng của trọng lực trái đất nhiều hơn hẳn phần cơ thể còn lại. Tôi thấy ông di chuyển nhẹ nhàng và quyết đoán nhưng qua hành động và phong thái có vẻ ông gánh vác rất nhiều thứ nặng nề trên đôi vai rắn chắc, vạm vỡ.

Nhiều năm qua, khi những ngọn đồi thấp bao bọc thị trấn của chúng tôi được đục đẽo thành khu lân cận đầy các cư xá, dân số bùng phát, và khi sự hèn hạ của một thế giới hiểm ác len lỏi vào nơi trú ngụ cuối cùng của phép lịch sự, như thị trấn Pico Mundo, thì có lẽ cảnh sát trưởng Porter đã chứng kiến quá nhiều hành động dối trá của con người. Có lẽ gánh nặng ông chất trên vai là hàng đống kí ức ông muốn trút bỏ nhưng không thể.

“Vậy là hai bác cháu mình lại gặp nhau,” ông cất tiếng và bước vào phòng.

“Dạ phải,” tôi đồng tình.

“Cửa ngoài sân vỡ toang, đồ đạc tan tành.”

“Đa phần không phải do con làm vỡ, trừ cây đèn ngủ.”

“Nhưng con tạo ra tình huống dẫn đến điều đó?”

“Dạ phải, thưa bác.”

“Tại sao con không đến chỗ bác, để bác tìm cách khiến Harlo tự rơi vào bẫy?”

Trước đây chúng tôi đã hợp tác theo kiểu đó.

“Cảm giác của con,” tôi đáp, “cho thấy cần phải đối đầu với hắn ngay tức thì, có lẽ chẳng mấy chốc hắn sẽ lặp lại tội ác.”

“Cảm giác của con.”

“Dạ phải, thưa bác. Đó chính là điều con nghĩ Penny muốn truyền đạt. Sự khẩn nài lặng lẽ liên quan đến cô bé.”

“Penny Kallisto.”

“Dạ phải, thưa bác.”

Cảnh sát trưởng thở dài. Ông ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng: một chiếc ghế dành cho trẻ con, màu tím phủ lên phần lưng ghế có thân mình và đầu của khủng long Barney. Trông như ông đang ngồi trong lòng Barney. “Này con trai, con làm phức tạp cuộc đời của bác quá.”

“Họ làm phức tạp cuộc đời của bác và cuộc đời của con còn phức tạp hơn của bác nhiều lắm,” tôi nói, có ý chỉ những người đã khuất.

“Chắc rồi. Nếu là con, bác đã phát điên lâu rồi.”

“Con cũng cho là thế,” tôi thừa nhận.

“Nghe này, Odd, bác muốn tìm cách giữ con đứng ngoài tòa án, nếu sự việc diễn biến đến đó.”

“Con cũng muốn tìm cách.”

Ít người biết một vài bí mật kì lạ của tôi. Chỉ duy có Stormy Llewellin biết tất cả.

Tôi muốn giấu tên, muốn có một cuộc sống giản dị và êm ả, hay chí ít cũng giản dị ở chừng mực các linh hồn cho phép.

Cảnh sát trưởng cất giọng. “Bác nghĩ hắn sẽ thú tội trước mặt luật sư của hắn. Có thể không cần xét xử. Nhưng nếu có mở phiên tòa, phía cảnh sát của bác sẽ nói hắn mở ví lấy tiền chung cá độ cho con, có thể là cá độ một trận bóng chày, và bức ảnh của Penny rơi ra.”

“Con có thể khiến mọi người tin chuyện đó,” tôi quả quyết.

“Bác sẽ nói chuyện với Horton Barks. Anh ta sẽ giảm thiểu tối đa sự liên quan của con khi đưa tin.”

Horton Barks là chủ biên của tờ Thời báo hạt Maravilla. Hai mươi năm trước tại rừng Oregon, trong lúc bách bộ, ông ấy đã dùng bữa tối với quái vật Big Foot, nếu bạn gọi đồ khô ăn liền và xúc xích đóng hộp là bữa tối.

Tôi không biết chuyện Horton đã dùng bữa tối với quái vật Big Foot có thật không hay đó chỉ là những gì ông ấy tuyên bố. Theo trải nghiệm hàng ngày của tôi, tôi không thể ngờ vực chuyện Horton hay bất kì ai kể rằng đã chạm trán với sinh vật lạ, từ người ngoài hành tinh cho đến ma quỷ.

“Con ổn chứ?” cảnh sát trưởng Porter cất giọng hỏi.

“Dạ tạm ổn. Nhưng con không muốn muộn giờ làm. Giờ này là lúc quán ăn đông khách nhất.”

“Con còn làm ở đó à?”

“Dạ.” Tôi lấy ra cái điện thoại di động nho nhỏ kẹp ở thắt lưng khi nhảy xuống hồ bơi. “Con vẫn làm bình thường.”

“Chắc chút nữa bác sẽ ghé qua ăn một đĩa đầy ắp khoai tây và trứng.”

“Điểm tâm phục vụ cả ngày,” đó là lời hứa trịnh trọng từ năm 1946 của Quán Vỉ nướng Pico Mundo.

Cảnh sát trưởng Porter đổi tư thế ngồi khiến khủng long Barney rên rỉ. “Này con định suốt đời làm đầu bếp chế biến thức ăn nhanh à?”

“Dạ không. Con đang nghĩ đến việc chuyển đổi sự nghiệp sang lĩnh vực lốp xe.”

“Lốp xe ư?”

“Có lẽ ban đầu sẽ kinh doanh, sau đó đến tháo lắp. Ở Tire World, người ta luôn tạo cơ hội việc làm.”

“Sao lại là lốp xe?”

Tôi nhún vai. “Ai cũng cần nó cả. Và đây là lĩnh vực con chưa biết, một thứ mới mẻ để học hỏi. Con muốn xem sinh hoạt ở đó thế nào, sinh hoạt ở công ty kinh doanh lốp xe.”

Chúng tôi ngồi đó khoảng gần một phút không ai nói gì. Sau đó ông lên tiếng, “Và đó là điều duy nhất con nghĩ đến cho tương lai sao? Ý bác là vụ lốp xe.”

“Công việc bảo trì hồ bơi cũng có vẻ hấp dẫn. Với những cộng đồng mới kéo đến khắp quanh đây thì ngày nào cũng sẽ xuất hiện hồ bơi mới xây.”

Cảnh sát Porter trầm ngâm gật gù.

“Và hẳn sẽ rất tuyệt khi làm việc tại sân chơi bowling,” tôi nói. “Nhiều khách mới cứ đến rồi đi, không khí sôi động của các trận đấu.”

“Con sẽ làm gì tại sân chơi bowling?”

“Trước hết là trông coi mấy đôi giày cho thuê. Phải lau sạch chúng hay làm gì đó trước khi cho người khác thuê tiếp. Rồi đánh bóng nữa. Bác phải kiểm tra dây buộc đều đặn.”

Cảnh sát trưởng gật đầu và chiếc ghế hình Barney màu tím kêu rít lên nghe giống tiếng chuột hơn là tiếng khủng long.

Quần áo của tôi gần khô hẳn nhưng chúng nhăn nhúm thảm thương. Tôi xem đồng hồ. “Con nên đi thôi. Con phải thay đồ trước khi đến quán ăn.”

Cả hai chúng tôi nhổm dậy.

Chiếc ghế Barney đổ sụp.

Nhìn đống đổ nát màu tím, cảnh sát trưởng cất giọng, “Chuyện này có thể xảy ra khi con đánh nhau với Harlo.”

“Dạ phải,” tôi đáp.

“Bảo hiểm sẽ tính luôn vào phần kia.”

“Bao giờ mà chả có bảo hiểm,” tôi đồng tình.

Chúng tôi đi xuống lầu, Stevie đang ngồi trên ghế đẩu trong bếp, vui thích thưởng thức bánh nướng hương chanh.

“Bác xin lỗi bác đã làm gãy cái ghế trong phòng ngủ của cháu,” cảnh sát trưởng Porter nói với cậu bé vì ông luôn là người trung thực.

“Dù sao đó cũng chỉ là cái ghế cũ hình Barney chán ngắt,” cậu bé lên tiếng. “Cháu bỏ xó món đồ hình Barney chán ngắt ấy mấy tuần rồi.”

Cầm chổi và hốt rác, mẹ cậu bé Stevie đi quét dọn những mảnh kính vỡ.

Cảnh sát trưởng Porter trình bày chuyện cái ghế với mẹ Stevie, cô có ý bỏ qua xem như chuyện nhỏ, nhưng ông vẫn một mực yêu cầu cô phải tìm ra giá tiền và cho ông biết.

Ông đề nghị chở tôi về nhà nhưng tôi nói. “Với con cách nhanh nhất chỉ cần quay lại lối đi đã dẫn đến đây.”

Tôi rời khỏi nhà qua khoảng trống từng là vị trí lắp cánh cửa bằng kính, đi vòng quanh hồ bơi thay vì lội bì bõm trong đó, trèo lên bức tường gạch, băng qua một lối nhỏ, leo qua hàng rào sắt, đi qua bãi cỏ quanh một ngôi nhà khác, băng qua phố Marigold Lane và trở về căn hộ nằm phía trên ga-ra của mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx