VỪA kịp nhìn thấy số nhà, tôi nhảy vội xuống chiếc xe lam, hạy vào. Mẹ tôi, má đã nhăn nheo rất nhiều, và rõ ràng vẫn lam lũ như ngày trước, không kịp đi dép, quýnh quíu chạy ra. Trời, cái hơi âm ấm này đây của mẹ, hai mươi năm, hai mươi năm chẵn, tôi mới bắt gặp lại đây.
Thật kỳ quặc, câu đầu tiên mẹ tôi nói với tôi, mẹ nói với con trai, sau hai mươi năm xa vắng: “— Con già vậy, con ơi!”. Và, sau câu đó, chưa buông tay tôi ra, mẹ tôi đã hỏi liền: “— Con đã gặp vợ con chưa, con?”
Mặt tôi còn trùng trình áp trên mái tóc bạc của mẹ. Tôi nghĩ: Mẹ nói ai vậy? Vợ nào? Nhiên có vào đây hay sao? Tôi hỏi mẹ tôi: “— Nó đâu rồi, mẹ?”
Tôi nhớ cái cử chỉ đột nhiên trở nên thong thả của mẹ tôi lúc đó. Bởi vì tôi là con của mẹ tôi, nên qua dáng điệu của mẹ, tôi biết, tức thì, vừa có xảy ra một cái gì đó nghiêm trọng. Tôi cũng hồi hộp lắm, nhưng mẹ tôi đã xắn xả nói sang những chuyện khác, những chuyện bình thường hai mươi năm mới gặp nhau mẹ phải kể với con, và con phải hỏi mẹ.
Trước hết là cái chết của cha tôi. Con đi rồi, nó kêu lên kêu xuống ông già mãi, tra, đánh, một hai phải khai con ở đâu, gia đình ở lại có phải là cơ sở không? Không làm gì nó cũng bắt, làm gì nó cũng bắt; thế thì làm! Nó bắt ổng bảy bận, đánh ổng sinh bệnh. Ông chết ở ngoài nhưng chính là do những vết thương trong nhà giam.
— Mẹ cũng bị bắt? Tôi hỏi.
— Cha con chết rồi, nó mới bắt đến mẹ. Cũng những câu hỏi như cha con. Rằng thằng Duyên có về không, nó có viết thư cho bà không, bà muốn viết thư cho nó không, chúng tôi nhờ bà chuyển giúp bức thư chúng tôi viết cho nó. Mẹ nói liều: các ông làm ăn nực cười, khó gì cái chuyện thằng Duyên còn hay không còn mà các ông mất thì giờ quá. Nó còn thì không con chó nào dám hành hạ mẹ nó như vầy. Chúng nó giận quá, lột truồng, đánh mẹ một trận, rồi đuổi mẹ về. Mẹ cứ thế, tô hô đi ra đường, vừa đi vừa hô hoán. Úi chúng nó cầm cái quần chạy theo năn nỉ, lạy mẹ nhé. Từ đó, cạch không bắt mẹ nữa.
— Nhà ta là một trong những nhà cắm cờ đỏ sao vàng trước tiên ở thị xã, phải không mẹ? — Tôi hỏi, mẹ không sợ sao?
— Sợ quái gì, mẹ già rồi, mẹ chờ hai mươi năm rồi — mẹ tôi móm mém nói.
— Mẹ sinh sống ra sao? Các em con có chu cấp cho mẹ không?
— Các em con có chu cấp cho mẹ. Nhưng ở không ngứa tay ngứa chân lắm, nên mẹ đúc bánh xèo. Nhân con về, mẹ nói với con, chắc mẹ có thể sống nhờ con, không cần đúc bánh xèo nữa, nhưng mẹ cũng cần có việc gì làm...
Như vậy đó, hai mẹ con nói lan man sang chuyện các em tôi, chuyện ông chú bà bác, kẻ chết người còn, người tốt kẻ xấu. Khi mọi việc ấy đã lướt qua gần hết, mẹ tôi mới trầm giọng nhấn nha trả lời câu hỏi tôi ban chiều, lúc tôi mới bước vào sân nhà, còn đang ôm mẹ:
— Con đi được một tháng thì có một đứa nó vào đây, nó xưng nó là con dâu của cha mẹ, nó vào muộn vì dọc đường bị cản trở nhiều, không kịp gặp con để cùng con ra Bắc. Mẹ cũng thương con nhỏ quá nhưng nó chỉ ở với cha mẹ được có hai ngày, bọn địch khủng bố dữ quá, chúng đòi bắt nên nó phải trở về ngoài Quảng. Vả, công việc của nó cũng xong rồi...
Giải phóng hoàn toàn rồi, giặc chạy rồi, nhưng mẹ tôi vẫn quen hạ giọng mỗi khi nói dính dáng tới cách mạng.
— Hình như nó với cha con có bí mật làm một công việc chi đó, làm xong thì nó đi. Năm năm, cứ đến ngày Tết là có thư của nó từ ngoài Quảng gửi vào thăm cha mẹ. Sang năm thứ sáu thì không nghe tin tức gì nữa. Tết nào mẹ cũng mong. Hay nó ra được ngoài con? Hay nó không giữ được đã đi lấy chồng? Hay nó đã hy sinh? Mẹ cứ phân vân mãi, thương nó quá, muốn đi kiếm mà không biết kiếm ở đâu. Đâu phải tên Nhiên? Hảo, con Hảo chứ, con! Mà những đứa hoạt động trong này, con trai, con gái, hỏi tên tuổi, họ nói có trúng trật gì đâu! Mẹ cũng lo nữa là ở ngoài Bắc, con không chờ đợi được, con lấy vợ thì tội nghiệp nó quá. Ở trong này, dẫu sao, nó cũng trăm cay ngàn đắng hơn con. Như vậy đó con, mẹ nghĩ vẩn vơ lẩn thẩn hoài. Giải phóng, con thì mẹ tin chắc thế nào con cũng về, nhưng nó thì mẹ cứ phấp phỏng. Hai tháng rồi, vẫn không thấy nó. Hồi chiều thấy con về có một mình, lại hỏi mẹ: — “Nó đâu rồi mẹ?”. Vậy là không xong rồi. Không xong thật rồi con, khổ thân mày chờ đợi nó mấy chục năm trời. Thôi, mai con đi ít ngày xem vợ con nó ở đâu, hoàn cảnh nào, sống hay chết, nó còn thương con, con còn thương nó thì con đem nó về đây cho mẹ. Được vậy nữa thì mẹ mới sướng hoàn toàn...
Đêm ấy, trong căn nhà, xưa kia bằng lá, bây giờ bằng toóc-xi, vẫn tuyềnh trống toàng của mẹ tôi, tôi lòng cứ rào rạt mãi không sao chợp mắt được. Tôi bàng hoàng về câu chuyện mẹ tôi kể, chuyện Nhiên có vào đây, sau khi tôi đi, nhận bố mẹ chồng. Tôi cũng băn khoăn dữ dội mối băn khoăn âm ỉ của mẹ tôi hàng chục năm nay bà không còn được tin Nhiên, nhất là hai tháng sau khi hoàn toàn tự do.
Đúng là trong đời tôi có cái lầm lỗi đó. Cái lầm lỗi một phút ngẫu hứng bịn rịn, đã viết trên một mảnh giấy bằng một ngón tay: Năm ngày nữa, anh lên đường và như vậy là trong cuộc đời, chúng ta mất hút nhau mãi mãi hay sao. Nếu em cũng yêu anh, em vượt mọi khó khăn vào đây, theo người liên lạc này, sẽ lo cho em ra Bắc, đi học. Tôi bần thần ngồi nhìn đồng chí liên lạc cẩn thận cho vào gấu quần, nhân chuyến đi công tác của anh qua nhà Nhiên, bức thư tình đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi. Sau này, gặp anh ở miền Bắc, anh có nói với tôi là Nhiên có vào, nhưng nửa đường không thể nào vượt được hàng rào địch, đành trở lại. Không ngờ Nhiên sau đó vẫn vào được nhà tôi đây. Chao ôi, nếu tôi không có phút hành động thuần cảm tính gàn rỡ đó, không có bức thư bằng ngón tay đó, chắc hẳn rằng hai cuộc đời chúng tôi sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sự chung thủy trong veo như sao Thủy sao Khuê, trong trường hợp tôi, — tôi dễ hơn Nhiên nhiều — là sáu nghìn ngày đêm cô đơn trống lạnh quằn quại, đầy phân vân và cám dỗ. Tôi ném vào đây tất cả tuổi trẻ của tôi: sau sáu nghìn ngày đêm chờ đợi đó, tôi đứng trước một sự thật là có thể mình chỉ đã ôm ấp một cái bóng mà thôi. Dù có như thế, tôi cũng đành, vì chính tôi là người đã nói, và đã dấy lên tình yêu, dấy lên sóng gió trong lòng và trong đời người con gái.
Mẹ tôi lục cục lạc cạc hết buổi tối, mãi khuya vẫn chưa đi nằm. Xay bột, làm tôm rửa rau, nhặt giá. Con tha lỗi cho mẹ. Vì hôm nay con về, mẹ không biết trước nên mua hàng lỡ rồi, đáng lẽ mẹ phải nghỉ để chơi với con — mẹ tôi nói. Không sao mẹ ạ, làm ăn như mẹ, trong hoàn cảnh miền Nam, là lương thiện, việc gì con phải xấu hổ mà mẹ cứ rào trước đón sau. Nhưng đêm nào, sáng nào mẹ cũng vất vả thế này ư?
— Không — mẹ tôi nói mạnh bạo — có con Thức nó giúp mẹ.
— Thức nào, mẹ?
— Trước đây nó đi ở. Hồi đầu nó đến đây hỏi mẹ, mẹ dẫn lên em con. Nhưng trên ấy khách khứa hàng họ, nhiều việc quá, con nhỏ coi bộ vất vả quá. Em con thì tốt, nhưng bầy cháu, chúng nó hư lắm. Ai lại con Phấn, trang lứa bằng em người ta, ngày hai lần, bắt con Thức cọ chân. Mỗi sáng quần áo giặt ném to như trái núi. Thằng Phước lại dám đánh chửi cả người ta nữa.
Tôi nghe mẹ tôi hạ giọng xuống, như lúc nãy:
— Mẹ bằng này tuổi đầu, mẹ nhìn mẹ biết. Con nhỏ là con nhà gia giáo, có thế nào đây chớ không phải đứa đi ở chuyên nghề đâu, bạc đãi người ta tội chết. Mà biết đâu lại không như con Hảo, vợ con, bây giờ chị em người ta hay giả làm người ở như vậy lắm để làm việc cách mạng. Nhân mẹ đau khớp, có hôm muốn lấy nước phải bò, mẹ đòi con nhỏ lại.
— Chị ấy có phải là người cách mạng không hở mẹ?
— Con nhỏ nó kín lắm. Mà trong này, có ai dám hỏi ai một câu như vậy? Mẹ chỉ xem chừng thôi, nhưng cũng không nhận xét gì được, sau này, có đứa thanh niên tới chơi cười bảo cái quán bánh xèo của mẹ giúp chúng nó nhiều lắm. Lúc đó mới biết. Chính con Thức đưa cho mẹ lá cờ bảo mẹ treo lên hôm đó. Nó bảo nó treo cũng được, nhưng lần này nó muốn tự tay mẹ treo để anh Ba ảnh về ảnh thấy thích.
— Chị ấy đâu rồi, mẹ?
— Nó đi họp trên tỉnh. Sau giải phóng, nó ra làm việc, cũng ở nhà đây mà làm việc thôi, ngày ngày vẫn thổi nấu hàng họ giúp mẹ, nó là cán bộ rồi, mà về nhà chẳng khác gì trước. Nhưng nó nói rồi đây nó phải trở về gia đình nó, nó đợi con về để bàn giao mẹ cho con. Con nhỏ biết ăn ở, tội nghiệp lắm, con. Mẹ mang ơn nó lắm, con. Mẹ nói có lúc trở trời, mẹ lết cũng không lết được, không có nó thì mẹ chết cũng không ai biết. Mẹ cũng ngóng nó về gặp con để con nói với nó một lời cảm ơn.
Lúc bấy giờ, tôi mới chú ý giường tôi đang nằm là giường phụ nữ, là giường Thức. Mùi chăn gối bay mùi hương của những tấm lòng thơm thảo gây nên một bâng khuâng man mác. Nó xóa nhòa lẫn lộn hai câu chuyện mẹ tôi kể lại, hai người con gái mẹ tôi kể lại làm một, và khiến tôi không thể nào chợp mắt được.
Sáng hôm sau, tôi lên đường tìm kiếm Nhiên, người từng yêu tôi, và tôi chờ đợi hai chục năm. Trong hai chục năm, tôi thề dù Nhiên ở chân trời góc biển nào, tôi cũng quyết tìm.
Thoạt đầu, Nhiên lấy tên là Hảo, như mẹ tôi kể. Theo bác lái xe khách bên hàng xóm là người đã chở Nhiên vào nhà tôi hai chục năm trước, trước tiên tôi tìm đến thị trấn Chợ Bà. Bước xuống xe, tôi biết là tôi đang làm một việc hết sức khó. Người qua kẻ lại tíu tít như vậy, cán bộ cũ chết gần hết, những anh chị em trong ủy ban, đoàn thể đều là những người mới, làm sao hỏi được dấu vết một cô Nhiên hay cô Hảo nào đó, hai mươi năm trước còn là học sinh? Tuy vậy tôi cũng nhặt được một nét dữ dội: gia đình Nhiên có ra tản cư ở Chợ Bà này sau đó dọn về huyện Tam Kỳ, bị trận lụt năm sáu tư, cả nhà trôi ra biển — trôi ra biển năm ấy có đến cả ngàn người — chỉ trừ có đứa con gái chắc là cô Nhiên cô Hảo anh hỏi đó, đi làm cách mạng, không có nhà, là sống sót thôi.
Rời Chợ Bà, theo người ta chỉ dẫn, tôi đến Vĩnh Trinh, tìm đến ngồi ngẩn ngơ trên cái đập trước đây chúng nó nhận chìm hàng trăm cán bộ của vùng Duy Xuyên. Tôi tìm đến một ngôi chùa, dưới ánh đèn dầu lạc, trong tiếng chuông tiếng mõ của nhà chùa, lần đọc từng dòng danh tánh trên cái bài vị viết trên giấy vàng. Tôi tìm đến Duy Mỹ, trên sông Thu Bồn, tha thẩn trên khu nghĩa địa chằng chịt dây thép gai vốn là làng cũ, người ta nói giặc ủi làng dồn dân, một cây chanh cũng không còn như thế này rồi, một nhóm thanh niên vẫn cứ ở đây, ở trong những nhà mả mà đợi giặc, và làm cho dân tin mà trở về. Trong số thanh niên đó, có cô Hảo đấy. Tôi đã tìm đến Tam Hải nơi xuất hiện đội tuyên truyền vũ trang giải phóng đầu tiên của địa phương, cô gái đột nhập vào xã nói chuyện với bà con hôm ấy tên là Hảo. Tôi đã tìm tới nơi, gần đấy, hình thành cuộc công kích đầu tiên của nhân dân vào sân bay Chu Lai, đến tận mỏm đồi đầy gai xương rồng mà có lẽ Hảo đã đặt súng.
Và cuối cùng, trước mặt tôi là một ngôi mộ, trong một nghĩa trang Phật tử, ở phía nam thị xã Tam Kỳ, có bia hẳn hoi, trên bia còn rõ tên Trần Thị Hảo viết bằng sơn đỏ, vong sinh năm 1968, ngày 29 tháng tư, Hảo đã ngả xuống, một đêm tấn công nữa vào sân bay Chu Lai, xác được đồng bào cướp lại chở về tận đây chôn cất.
Một nén hương. Một nén nữa. Một nén nữa. Một nén nữa.
Tôi bàng hoàng, nhưng không buồn. Trong cuộc tìm kiếm, ngày một dấn thêm vào cuộc đời của người hy sinh, tôi thấy rõ ràng cô ngày càng lớn hơn, lớn rất nhiều, lớn hơn tôi. Trong cuộc tìm kiếm đó, tôi như được cô dạy cho đức tính hy sinh, nên khi biết cô hy sinh — tức là tôi hy sinh — tôi có bàng hoàng, nhưng mà không buồn. Dầu sao thì tôi cũng đã đi trọn con đường yêu thương của tôi, chung thủy với người đã khuất, hiến cho sự nghiệp chung của đất nước cái quý giá nhất của mình, ấy là tình yêu của tôi.
Chỉ thương cho mẹ tôi. Tôi sẽ báo tin cho mẹ tôi thế nào đây? Tôi nghĩ hoài, không quyết được nên nói với mẹ thế nào.
Cũng như buổi chiều hôm trước, tôi đi xe lam về nhà. Xuống xe để đi vào cổng, vừa đi được hai bước, bỗng tôi đứng sững lại: ở trong nhà có một người đàn bà đang đứng trong khung cửa nhìn ra. Trời, sao giống Nhiên thế? Nhiên? Nhiên đó! Tôi nhầm sao được! Chính là cái vóc dáng đó, cái khuôn mặt đó mà tôi nhớ, mà tôi nghĩ tới trong hai chục năm. Nhiên cũng vậy. Trông thấy tôi, cô quýnh lên chạy ra, và ngã vào vòng tay tôi.
Vì Nhiên, Nhiên thật, chính là Thức. Cũng như Hảo, cũng như bao cô gái khác, để có thể làm công tác, trên bước đường xê dịch của mình, Nhiên đã đổi nhiều tên và đã lâu rồi, thực tế đã về làm dâu mẹ tôi mà mẹ tôi không biết. Còn người mà mẹ tôi tưởng là dâu, (chắc là vì thương tôi nên là nhầm ra như vậy) cha tôi có biết sự thật, nhưng vì lẽ gì đó, ông đã không nói ra.
Nhiên bây giờ công tác trên Mặt trận tỉnh, cũng ngay đây thôi. Mấy hôm nay, đoán tôi sắp về, cô lánh trên cơ quan để xem tôi thế nào đã. Biết tôi vẫn như xưa, cô trở về nhà đợi tôi.
Như vậy đó, chúng tôi gặp lại nhau, trước đôi mắt yêu thương và kinh ngạc của mẹ tôi. Lạ thực đấy, chiều hôm ấy là một chiều cuối tháng sáu, hoa phượng nở đỏ rực trên bầu trời xanh thẳm của thành phố quê hương, một người đàn ông và một người đàn bà là hai chúng tôi, chúng tôi như quên mình một đứa đã bốn mươi và một đứa ba mươi bảy rồi, chúng tôi quên mình sự thật nào đã cheo cưới ràng buộc gì đâu; chúng tôi lại gặp nhau, ôm chầm lấy nhau nồng nàn như hai người thanh niên, chỉ xa nhau đâu có vài tuần, vài tháng, không phải là hai chục năm. Khi hiểu ra, mẹ tôi nở ra một nụ cười rất bao dung.
— Mẹ ạ, — tôi nói — chắc Nhiên cũng nghĩ như con thôi: rỗi rãi rồi chúng con sẽ rước mẹ đi thăm chị Hảo.
@by txiuqw4