sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

9 — Con Trai Con Gái Cụ Hồ

VIỆC phá “ấp chiến lược” ấy, công cuộc đồng khởi rồi tổng tiến công tết Mậu thân mấy năm sau, ở đây, thật sự bắt đầu bằng một ánh lửa, một ánh nhìn, một chồi xanh. Khi ngồi lại với nhau, ôn lại chuyện cũ, hai người thích nói với nhau như vậy. Anh ngẩn người nhìn, không ngờ mặt mình vô tình vượt khỏi bóng tối, ló vào vòng sáng của những nọn đèn chai chi chít móc lên vành trong hàng rào dây thép gai. Chị, một người con gái, quần xắn cao, lưng mang một giỏ đá, một chiếc mõ dài bằng tre lồ ô treo ngang ngực, tay hèo, tay dùi, từ nãy vẫn đứng yên trong ánh sáng đỏ chạch của những ngọn đèn dầu phộng, ánh đèn dầu phộng càng làm cho chị giống hệt những pho tượng Chàm bằng đá, bằng gỗ, còn rải rác trong vùng. Chị bỗng bừng tỉnh, thảng thốt, tức thì vung tay lên định gõ mõ.

Người con trai vội vàng rụt lại, úp mặt xuống đất. Đất từ dưới sâu hắt lên miệng hào, lổn ngổn những hòn sạn nhỏ, sắc, rắn và còn chua gắt vị phèn. Tại sao mình không chạy ngay? Trống mõ sẽ um lên bây giờ. Cả dãy già, trẻ, trai, gái, cứ năm thước một người, ai cũng dây nhợ giỏ mõ chằng chịt như thế, cứng đờ khổ ải như thế, sẽ nháo nhác lê, gõ, gào, huơ, đuổi, ai cũng cố làm ồn hơn, có vẻ tức giận hơn người khác. Và bọn dân vệ... Không, anh không chạy. Anh muốn nhìn. Anh muốn nhìn như đêm qua anh trèo lên đồi nhìn: khu làng cũ không còn ở chỗ ngày trước, cạnh Hòn đá dựng, có một dãy cây bông goòng làm bình phong, mùa này trái goòng vỏ nứt để bông trắng bay lửng lơ đậu khắp mọi nơi — như người ta tả cho anh khi anh nhận công tác — mà cái xã ấy nó đã bị dắt đến kia, xích giam ở kia, giữa ba cái hào chông rộng như ba con suối, và bốn vòng núi dây thép chằng chịt, trên dây móc chi chít những cây đèn chai. Trên cái nền đen kịt của bóng đêm, đã biến mất những ngọn đèn ấm cúng của các mái tranh, của quán xá vốn rải rác trên khắp quê hương, chỉ còn hằn nổi những cái miệng giếng lớn, tách rời ra, xé ra, như những ốc đảo trên một bãi sa mạc màu mực tầu. Giặc Mỹ đã hóa vùng trù mật này của Quảng Nam thành như vậy đấy. Người con trai muốn nhìn tận mắt một cái xã bị cột trói như vậy, bị trói người và nhà cửa, bệ thờ ông bà và trâu bò, các lối đi và gánh xách. Người ta từng tả cho anh cảnh tượng những người dân làng mà Mỹ Diệm quàng vào cổ, vào người, vào tay chân những thứ gông cùm kia, hình thù kỳ quặc của những kẻ nô lệ cũng chưa thấy bao giờ cả ở những triều đại hà khắc man dã nhất cổ xưa. Chỉ thoáng nghe, thoáng thấy, một tiếng động, một bóng người lạ, những con người khổ nhục chắc chắn là mỗi đêm, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút chờ mong anh đó lập tức giật nảy người lên và hô hoán. Mười khuôn mặt lấp ló ở hàng rào dây thép gai, mười tiếng nửa đêm kêu cứu đập cửa xin vào ẩn, quá chín là địch. Địch đi dò lòng người, nắm cơ sở của ta, duyệt lại cạm bẫy của chúng. Chỉ cần một thằng đóng vai “Việt cộng” như vậy lấp ló mà anh nín thinh, chỉ cần một cái cọc tre vùng anh đứng canh long gốc, anh, cả nhà anh, cả xóm anh mang họa. Không còn chữ để tả những cái họa như thế đã xảy ra cho khắp mọi người... Biết đó chỉ là bề mặt của bà con, nhưng vậy thì làm sao nói chuyện được với họ, làm sao vào được trong ấp?

Trong bóng tối, từ đầu đêm, anh đã đi một vòng quanh ấp để xem xét, và bây giờ, anh dừng lại ở chỗ người con gái này đang đứng canh.

Chị nhác nhìn thấy. Nét mặt chị đang im lịm phẳng lì chợt nhăn nhúm lên hết. Chị vung mạnh tay. Anh úp mặt, tì trán lên cái bóng tối rắn lạnh, hồi hộp đợi tiếng mõ báo động sẽ đánh xuống đầu anh, cả một cơn dông bão làm bằng tiếng mõ — theo anh em tả — tiếp sau là bầy chó ngao dân vệ.

Chỉ nghe thình thịch tiếng ngực mình. Chị nghe có nó. Cái gì xảy ra vậy? Anh cẩn thận ngước lên. Người con gái vẫn còn đó, đứng đó. Chị vẫn ở ngay phía trước mặt anh, vẫn nhìn chằm chằm vào chỗ anh nằm. Cái tay chị vung lúc nãy, và cái dùi mõ, bây giờ đặt ngang ngực, đang víu vào cái mõ, tựa đang bịt miệng nó, hệt người ta tự vội bưng lấy miệng khi buột tiếng đầu một câu nói lỡ.

— Nhìn thấy cái mặt ló ra đó, em giận phát run. Da thịt bị đánh tra tơi tả những lần trước, các vết thương bỗng chốc như bục hết, buốt đến tận các đầu ngón tay. Có một lần chúng thít chặt đến nỗi em ngất đi, chúng mới cắt dây cho em đỗ xuống đất. Cái cổ em bây giờ cũng vụt nóng rát một đường tròn. Tao phải giết mày, cái thằng tay sai giặc Mỹ cố tình đeo đuổi lừa hại tao. Cũng không phải rồi mày hại mình tao. Chốc nữa, mày sẽ trở vô ấp đàng hoàng bằng cổng giữa, rửa các thứ vôi bột hóa trang đi mày lại khoác vào người bộ tây di của biệt kích, mày sẽ dẫn lâu la đến chà xát cả “liên gia” tao. Không biết ai sẽ bị mày quật chết, ông bác già hiền lành râu cước đứng bên trái tao hay thằng em mười lăm tuổi canh thay vì chị nó đẻ, ở bên phải tao đây. — Gõ!

— Không biết có sức mạnh nào giữ tay em lại. Y hệt các lần trước. Tay vừa đến cái mõ, em hầu níu lấy nó, tợ trượt suýt ngã xuống cái hố sâu vội bám được cái gì. Lần đầu bị thằng chó nó bẫy. Lần thứ hai lại bị. Lần thứ ba cũng thế. Nhưng rủi lần này mới là người đằng mình thì sao? Chóng hay chầy thế tất các anh ấy cũng đến. Bà con khắp miền Nam đều tin rằng trên đất nước chông gai này, không chỗ nào nhân dân chịu đắng cay mãi mà Cụ Hồ không phái người đến. Nếu đúng lần này là các anh ấy thì sao? Các anh ấy mà tới, chỉ cần một người đầu tiên thôi thì cũng đã là cái tin sống cho toàn dân xã, cho toàn vùng. Ngày mai, ngày mốt, vẫn còn một phần cơm, một phần trái mắm, vẫn còn phải giỏ đá, đèn cây, mõ gậy thế này, song tất cả những cái đó sẽ không còn nặng như hôm nay, vì rằng, bên dưới, trong bóng tối, mọi sự đều đã đổi khác... Gặp người đằng mình, thế vậy mà mình gõ, vì mình sợ, vì mình bảo mạng, vì mình hèn, vì mình tiếc cái thân sống sót của mình khi cả cha mẹ họ hàng đã vì chúng ta tàn rụi: cả xã sẽ nguýt háy mình, nhổ vào mặt mình. Khổ, người ta rủa; chết, người ta oán. Nhưng rủi lại là nó nữa? Lần này, chắc nó đánh chết. Chết, nhưng bà con tiếc. Cách mạng tới, bà con sẽ kể lại: “Con nhỏ quyết trông chờ các anh cho đến khi bị giặc Mỹ đánh chết. Bao nhiêu lần bị lừa, nhất định kiên gan không chịu gõ mõ”. Rồi nhiều người sẽ làm như mình, nhất định không gõ mõ lần nào hết. Một ngày nào thôi mà, cách mạng sẽ tới. Chúng nó không lừa mình mãi được. Chúng nó cốt tạo cho dân thành thói quen, tại sao ta không tạo cho nó một thói quen ngược lại: “Vô ích, dân ấp không chịu làm thế đâu, chỉ tố gây thêm thù oán...”?

Em mong khuôn mặt vô tình ló ra lần nữa, cố nhướn mắt thật to xem nó thế nào. Nếu em nhìn lại được tường mặt anh, em có thể xét đoán anh chính hay tà. Những đứa buôn bán tội ác có cái gì trên mặt rất giống nhau, cái đó thì em biết lắm. Có trời mà hay ông bác già bên trái, thằng em bên phải có như em trông thấy anh không, đầu họ có đang bão táp như đầu em không mà mắt họ cũng chằm chằm vào chỗ em nhìn thế, họ cũng lơ láo tợ kẻ mất hồn thế? Địch hay ta? Trên vùng đất nham nhở, dần dần lại hiện rõ những lớp dây thép gai chằng chịt, những cột tre lởm chởm, những hầm hào toác hoác, trơ trụi. Em thất thểu về nhà, phó mặc may rủi. Hoặc vừa rồi mình đã gặp cái họa lớn nhất hoặc cái phước to nhất. Mệt mỏi quá sức, em ực một gáo nước lạnh và đắp chiếu ngủ. Thức dậy, trời sắp đứng bóng: “Quái chưa đứa nào tới bắt mình hết!”

Anh chiến sĩ trẻ vụt trở nên thong dong, áp sấp một bàn tay lên mặt sỏi lởm chởm, giá lạnh tì cằm lên đó ngước nhìn một lúc lâu nữa.

“Sát nách địch, nhìn đồng bào, cậu sẽ thấy yên tâm” Đồng chí nào nói cái kinh nghiệm ấy? Lúc này, người ta chỉ thấy nổi lên thầm thì tổng quát trong lòng những lời nói đúng vào phấn chấn.

Bây giờ anh biết số phận anh bắt đầu có liên quan đến số phận riêng của người con gái trước mặt kia. Được lệnh đi “mở ra” cho đồng bào ấp chiến lược, từ trên núi, cách mấy ngày đường, anh đi luôn xuống đây, nằm ở đây. Nhưng bây giờ, anh biết không thể vào ngay bên trong ấp bằng cách luồn đại qua “ba sông bốn núi” như người ta dễ hình dung.

Lúc này, anh mới nghĩ đến việc tìm trở về làng cũ của bà con bị giam trong ấp.

Ai có mặt ở Quảng Nam những năm đó đều nhớ hình thù những làng xã sau khi đồng bào bất thần bị “xúc” đi, nghĩa là bị trì kéo đi, bắt cóc đi, đến nhốt ở các trại tập trung gọi là “ấp chiến lược”. Sau mấy ngày bắn tin, một mờ sáng nào đó, ầm ầm một đoàn cam nhông chạy tới, vài chiếc xe bọc sắt dẫn đầu, phân phối đi các ngả trong làng. Từ trên mỗi xe, hầm hầm lao xuống một phân đội lính, đứa cầm súng ngắn lăm lăm chĩa mổ, những đứa khác chia đi các nhà, dựng người ta dậy, kéo chăn, rút phản, tháo giường, dọn bàn thờ, quơ quần áo đang mắc trên dây, hất bu gà, trói lợn, dỡ mái tranh... và ném lên các chiếc moóc. Để xua đàn bà trẻ con còn bấu lấy những vách nhà nền nhà giờ đã trống trơn, chiếc xe bọc sắt đần độn lầm lầm lì lì lăn qua cái hàng rào ken đặc dưa leo, lủng lẳng những chùm rất sây hoa thiên lý, nghiến đè lên các vồng khoai lang, các bụi ớt, các bồn hoa vạn thọ đang phe phẩy, không nói không rằng, tiến tới húc vào một bức vách. Bức vách trắng rùng mình một cái nứt ra, chao nghiêng, gượng lại một chút, rồi đổ xuống phía trong với một tiếng nấc đục, đè lên cả khoảnh đất chữ nhật trước đây còn gọi là cái nhà, còn ấm hơi nóng của người, ấm những vui buồn của những đời người. Trong lúc đó, hai mái tranh hụt chân ngã chúi về phía trước, phủ cả lên chiếc xe bọc sắt đang lùi ra, máy ồ ồ lấy đà bò sang vườn nhà khác, giữa tiếng gào, tiếng kêu trời, tiếng chửi rủa xé ruột xé gan, đột ngột cắt quãng bằng những chốc im bặt khiếp điếng. Rồi thì bắt đầu cuộc săn người. Bắt người như bắt gà, chụp đây một bà già, kia một đứa con nít, thộp đầu, day tay, vừa chửi: “Sư cái giống sung sướng không muốn cứ muốn chui rúc như...!”

Cái làng quê, mỗi khi nhớ tới, tất cả như bốc lên trong trí ta thành màu xanh màu nâu lảnh lói, thoảng phả lên mũi ta những mùi ngan ngát quen thuộc, chỉ nửa tiếng thôi, cái làng ấy trở nên dị dạng, tàn hoang. Hoang vu với vàng úa và mốc ẩm trườn tới, bắt đầu gặm nhấm. Những mái nhà đã sụp mỗi ngày lưng còng thêm một tấc, cỏ mỗi ngày rướn một tấc, kêu la dữ cuối cùng được mươi tiếng đồng hồ ra khỏi “ấp” trở về làng cũ, có cả tốp lính đi kèm, để mót máy đồ đạc còn bỏ sót. Sau đó tuyệt đối cấm vãng lai. Để lệnh cấm thêm hiệu nghiệm, pháo đồn không ai đoán định được ngày giờ thỉnh thoảng rót tới làng cũ một chập đạn đại bác, còn điếm canh của ấp bao giờ cũng có thể tự do xả súng máy vào những chỗ có gợn cỏ lay động.

Anh chiến sĩ trẻ tìm một chỗ kín nằm, một nỗi vui mới mẻ đưa anh vào giấc ngủ. Tuy vậy, anh thiếp không lâu, thức liền với tia nắng sáng, trỗi dậy nhìn quanh bỡ ngỡ và bỗng một ý nghĩ làm anh trở nên tỉnh táo hẳn: “Cô ta sẽ đến tìm mình ở đây, thế nào cô ta cũng đến”. Chính là cái ý nghĩ, mấy giờ trước, bỗng hướng chân anh trở về khu làng cũ của ấp chiến lược. Tại sao, anh không rõ hẳn. Do kinh nghiệm công tác, hay do linh tính? Cái ý nghĩ ấy làm cho lòng anh sáng rỡ, tin là mình trông thấy sự thành công rồi. Anh bất giác đưa tay sờ túi lương, bây giờ mới thấy đói, nhưng rồi lại chưa ăn vội, thơ thẩn bước ra khỏi nơi trú ẩn, ngước cho nắng ấm chiếu vào mặt, đảo mắt nhìn quanh một vòng. Bốn bề im vắng, cái im vắng vàng úa chốc chốc điểm một tiếng chim tu hú, giống hệt một nơi bìa rừng. Hoang tàn, gãy nứt, xiêu nát, vết cắt bánh xích xe bọc thép cứa lên nền đất sét, vết dằng cọ, trì kéo: một ống tay áo vá quàng, một chiếc dép da trẻ con rơi vãi bên lối đi, trên bụi keo non. Anh bắt đầu đi lang thang khắp các nhà trong thôn, cố hình dung lại đời sống của hàng xóm trước kia. Nhà này chắc của một ông già hay chữ. Cái giá sách nhỏ còn dính vào rui mái bằng một sợi mây, giấy chữ Hán khắc gỗ có những khuyên mực đỏ vàng ố tơi tả khắp mọi nơi. Đây là một cái đẫy bằng đũi: bà già, hay cô con gái, có đi buôn tơ ở các phiên chợ trong vùng. Còn kia, cái bếp lò con nguyên cái ấm thiếc nhỏ và cái quạt tre: bốn giờ, giờ ông già ít ngủ trỗi dậy, đang quạt lò rửa ấm chén pha trà thì chúng nó ập đến “xúc”. Nhà thứ hai này là thợ rèn: nhìn nền đất kê bễ có hai lỗ thông sang bếp than kia, nhìn cái đống sắt vụn gỉ kia thì biết.

Anh đăm đăm nhìn những đồ đạc gãy vỡ tìm hiểu thêm sinh hoạt của những người khác trong nhà, bỗng trông thấy miệng một cái hầm bí mật. Thế rồi anh để ý tìm xem, biết nhiều nhà có hầm. Xe bọc sắt đè sập một số nhưng nhiều hầm vẫn còn tốt. Đáng chú ý là trong mươi tiếng đồng hồ được phép trở lại làng, các chủ nhà đã không thừa dịp hủy cái vết tích có thể làm cho họ liên lụy đó. Người ta cũng không buồn bẻ ngô: ngô núi đã già, hột trắng bệch, chim rỉa vung khắp trên mặt cỏ. Dưới các mái nhà đè lên đồ đạc đổ vỡ, chốc chốc lại thấy bỏ sót nửa chum khoai lang khô, trời đất! vẫn còn đậy nắp, một bìa thuốc quấn trong chum. Anh đi như vậy suốt một ngày, thích thú với sự cố gắng dựng lại trong trí sinh hoạt trù phú của làng xã cũ, giống làng xã vùng quê anh, với những khuôn mặt vốn hồ hởi và đôn hậu, trở nên khép kín, khắc khổ và quyết liệt. Như vẫn còn vẳng đâu đây tiếng lách cách của khung cửi dệt đũi phảng phất cái hơi vừa ấm vừa bùi quen thuộc của nhộng kén, tiếng đập chiếu trưa trên các thành giếng, cả những tiếng thầm thì nửa miệng khi chạng vạng, tiếng khóc cắn ngậm lại trong đêm... tất cả như vẫn còn, tưởng chừng như bới lên thì có thể tìm thấy, phả lên từ các vụn nát, níu lấy chân anh.

Nhưng anh vẫn bắt gặp mình mong đợi một sự kiện, mong đợi một người.

Mặt trời đã lặn. Anh thong thả đi lại phía đầu làng nơi gần ấp nhất. Anh đứng sững: từ sau một bụi tre, phất pheo mấy sợi khói mảnh: ai đến lúc nào, đã bày ở đấy một mâm cúng! Trên mâm: gà, xôi, chè. Thẻ hương đã lụn. Người cũng đi rồi, về ấp rồi.

Tôi đợi mãi, rình mãi, đến tối mịt vẫn không thấy ai trở lại. Bấy giờ mới sực nhớ những điều anh em kể: mâm cúng ấy chẳng phải dành cho ma quỷ âm hồn nào hết mà cho mình đấy. Nhiều thế này chắc để mình dùng nhiều ngày. Cô ơi, tình hình cô xích xiềng dọa nạt đau khổ như vậy, cô còn chưa gấp hay sao? Cô còn tránh tôi chắc vì còn ngại. Nhưng đối với cô, tôi mới chỉ là cái bóng thôi mà, cô dè dặt cũng phải. Cô không quản nguy hiểm tìm tới, kín đáo cho tôi ăn, thế là tôi cũng có cái để mà mừng rồi. Cách mạng là một quá trình, tôi sốt ruột là vô lý. Tôi đợi cô vậy, biết thế nào rồi cô cũng ra mặt, tôi chọn một cái hầm làm đúng cách nhất, tinh xảo nhất, có nhiều ngăn, rút về nằm ngủ ở đấy, thích thú với cái ý nghĩ sắp chắp được mối. Nhưng hai ngày vẫn chưa thấy cô đâu. Ngày thứ tư, tôi bất thần bắt gặp một mâm cúng y như lần trước ở một nơi khác. Lại chỉ mâm cúng thôi, người cúng không ở lại.

— Thật ra, em không còn phải suy nghĩ do dự gì nữa. Đợi một ngày không thấy động tĩnh gì, bấy giờ chắc chắn hình ảnh đêm qua không phải là địch, em liền theo bà con làm đồng, tìm cách mang cho anh một ít thức ăn. Nếu chúng nó gặp, vặn thì nói tôi đi cúng. “Cha mẹ chị em tôi oan khuất như thế cứ gào khóc mãi bên tai tôi, suốt ngày suốt đêm, tôi chết mất các ông ơi!”. Chắc anh ở làng cũ chứ không ở đâu. Đêm ấy trở về nhà, lắng tai nghe nữa, xem có đứa nào chú ý đến hành động mới của mình không. Không. Em mới bắt đầu ý định của em. Tối lại, đứng canh, nhân lúc gió nổi, em đánh tắt ngọn đèn chai của em, em đến chỗ bác già đứng cạnh, em xin mồi lửa. Hai ông con đồng cúi xuống lúi húi, em rỉ tai bác: “Bác hãy nhìn rõ mặt con: con có phải là đứa phản không, phản oan hồn cha mẹ con, phản bà con chòm xóm; cuộc đời khốn khổ của con có đủ cho bác tin không? Còn con thì con tin bác. Bác cũng khổ lắm, nhiều thù nhiều oán lắm, sắp xuống lỗ rồi mà người ta vẫn nhẫn tâm coi như là trâu ngựa”. Bác già nhìn sửng em. Kinh ngạc, sợ hãi, lại kinh ngạc... rồi bỗng nhiên bật lên nói: “Có gì cần bàn con cứ bàn với bác. Con nói đúng đấy. Ông con ta chỉ còn có cái bụng mà cái bụng lại không ra gì nữa thì đúng là trâu ngựa thật đó thôi. Nhưng thôi, để cho bác hỏi trước, có đứa nào nghe thì bác mang họa chứ không phải con: người tối kia là người đằng mình phải không con? Đã lọt được vào trong ấp rồi à, con?” Thì ra, trông thấy anh đêm trước và nín thinh, và mong mỏi bồn chồn suốt từ ấy đến nay, không phải chỉ một mình em. Em mừng quá, bấy giờ buộc nói: “Bác ơi, cách mạng đến rồi...”. Thế thôi đấy, thế đấy. Em thắp đèn xong, trở về chỗ cũ, móc lên sợi dây thép gai trước mặt thì một lúc sau, thằng em trai đứng bên phải em, đi canh thay cho chị nó đẻ đấy, đến lượt nó làm tắt đèn và đến em xin lửa...

— Hôm nào tôi định đêm đến lại đến bên hàng rào ấp chiến lược xem cô còn đấy không, y như hôm ấy, tôi lại được nhận lương ăn. “Hãy đợi!” Các mâm cúng của cô có ý bảo như vậy. Có việc gì thế, khó khăn thế nào? Suy nghĩ về những việc sẽ làm sắp tới không hết thì giờ. Muốn suy nghĩ dài phải dựa trên những điều cụ thể. Tôi chỉ có thể nghĩ loanh quanh về việc cô cho tôi giáp mặt và cô tìm cách đưa tôi vào ấp, cô nhẹ nhàng nhổ cái cọc tre đóng hờ nào đó, hay tôi cải trang và cô bố trí cho tôi vào cổng giữa. Nằm mãi trong hầm chán quá, những lúc không suy nghĩ gì, tôi mò ra, lại đi lang thang trong làng, bắt đầu từ khu vườn tôi ở. Tôi đi bẻ những bắp ngô bị gió xé, đem chất cẩn thận vào trong các hầm. Tôi đi gỡ các chum khoai khỏi các cột kèo sụp đổ và mang đi cất giấu dưới mặt đất. Đồng bào bị “xúc” đi, để các lương ăn ấy lại, như không thiết, không kịp lấy, là có ý giành lại cho những người cán bộ chắc chắn thế nào cũng tới đây như tôi: còn những người cán bộ tới được đây như tôi thì phải biết trân trọng của cải của bà con lúc bấy giờ đã sa sút, bây giờ lại càng cơ cực lắm. Ở một ngày, ở hai ngày, ở ba ngày, nơi ẩn náu dần dần thân thuộc. Tôi quét tước dọn dẹp, nhặt rác bên trên mặt đất, thu xếp các nhà cho đỡ ngổn ngang. Trong những buổi tối trời, tôi tẩn mẩn đi tưới cả những gốc chanh giờ sống chết nhờ trời, nắng nhiều mưa ít nhiều nhánh đã cháy khô. “Giặc Mỹ chúng mày đi đến đâu cây héo lá vàng đến đó. Chiến sĩ giải phóng chúng tao chân đặt đến đâu, chỗ ấy sống lại”. Tôi hết sức thú vị khi thấy, do công chăm sóc kiêng nhẫn của tôi, một cái chồi xanh non bỗng nhú ra trên cành cây vốn đã hấp hối nào đó. Tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ này: “Biết có người dưng vẫn để mắt chăm soc vườn tược của mình, bà con sẽ nghĩ đến vườn tược mình nhiều hơn. Bà con sẽ đi đến chỗ dần dà tự mình chăm sóc lấy, rồi dần dà nghĩ đến việc trở về. Tiếng gọi của quê hương bao giờ cũng mạnh lắm. Một ngày nào đó người ta khắc hỏi xin mình vũ khí. Rồi vùng dậy. Cách mạng, như vậy đấy, bắt đầu từ một cái chồi xanh...”.

— Anh toan gieo cả bắp nữa cơ đấy, em thấy anh buộc lại từng túm bắp giống để trong các hầm... Còn em, em phải sắp xếp thật sẵn sàng đã mới giáp mặt anh được. Em nghĩ làm thế lợi hơn. Em đi làm lại các màng lưới. Không phải là em, mà thật ra chính là anh, anh có hiểu không nhỉ, chính là anh đã đi làm các màng lưới đó. Chứ không ư? Em chỉ cần nghĩ thầm! “Cách mạng đã tới ấp ta, thím ơi!...” thế là người ủ rủ nhất, sau khi hỏi lại kỹ cũng mừng đến cuống lên, mắt sáng lên và hỏi em bây giờ cần họ làm gì. Ô! Em chỉ muốn tìm biết lại bụng dạ họ thôi, “điểm lại số quân” thôi, còn họ phải làm gì, em phải làm gì, ấp phải làm gì, cái đó phải tìm hỏi anh. Em, em muốn khi gặp anh, anh thấy em là nhìn thấy cả làng chứ không phải một mình em đơn độc. Khi mọi việc đã tiềm tiệm, em đi tìm bác già bàn với bác để em đi tới chỗ chỗ anh, lần này gặp anh. Bác già đòi đi theo em: “Có phải hy sinh thì bác cũng đã già rồi”. Em khăng khăng không chịu: “Con còn trẻ, nhưng sống ô nhục thế này thì hy sinh cũng chẳng có gì phải tiếc”. Đến lúc đó, bác già đòi đi cùng. Em nói nghiêm trang: “Nhân danh cách mạng tôi quyết định đồng chí ở lại đề phòng mọi bất trắc”. Lâu lắm mới nghe nói như thế, bác già nhìn thấy em đột ngột hết sức, rồi đồng ý. Cũng như mọi bận, em đi theo người làm đồng. Cũng như mọi bận tìm cách lủi đi tiếp tế cho anh thôi, nhưng lần này sao em cứ cuống lên, chân này đá phải chân kia hoài. Chỉ một tin anh đã tới, ấp đã hồi sinh rồi, ấp đã sẵn sàng rồi, đã gài sẵn quả pháo và chỉ còn đợi châm ngòi thôi. Em đi tìm anh, nói với anh thế đấy. Em đến thẳng chỗ anh ẩn. Làm sao biết, anh hỏi. Cũng chẳng khó gì. Con bạn thân em có cái hầm làm kỹ nhất, anh em trước đi về hay ở đấy. Thằng giặc ngốc giết bạn em mà cứ để nguyên cái hầm. Em đi đến thẳng đấy, chui ngay vào cái nóc sập úp lên nền nhà, vẹt vôi vữa tơi tả, lách vào tới miệng hầm. Em có cái cảm giác rất lạ: người ở dưới kia là con bạn em chứ không phải một anh cán bộ lạ đâu. Em ngồi xuống thở đã. Khi thấy mình đã bớt hồi hộp, em mới ngoảnh vào phía trong mở mồm định nói. Nhưng sao cổ cứ nghẹn. Một lúc lâu mới cố gắng mở miệng được bằng một câu thật không định trước:

— Tôi là con gái cụ Hồ đây.

Anh không hưởng ứng, không đáp. Nhưng tai em tinh lắm, em nghe có tiếng thở. Em mừng quá. Em vụt dạn hơn, em nhắc lại:

— Tôi là con gái cụ Hồ đây. Nếu các người là địch thì hãy ra đây mà giết tôi. Dễ thôi: tay tôi không có vũ khí, tôi cũng chẳng thèm chạy đâu. Còn nếu anh cũng là con cụ Hồ thì anh hãy ra cho tôi gặp một chút.

Anh vẫn không lên tiếng. Em đợi một chút, cổ lại nghẹn nhưng lại nói dài hơi:

— Hoàn cảnh tôi rất khó khăn, anh trông thấy rồi đấy. Tôi không tới đây được lâu. Giặc bắt được quả tang, có sao, mạng tôi, tôi không cần, nhưng lỡ hết việc mất. Anh ra cho tôi gặp. Có phải anh là người lần đến hàng rào ấp chiến lược tối hôm ấy không...

Em nói một hơi không nghỉ, lướt cả lên trên tiếng thở của anh. Không ngờ anh đã bước đến, đã tới bên em và nói, giọng anh xúc động:

— Đúng! Tôi cũng là con trai cụ Hồ. Tôi đang đợi đồng chí đây.

Đồng chí bước lên đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx