sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 20 - Tờ Di Chúc Thứ Hai

Sáng hôm sau, ánh nắng ban mai sáng ấm qua cửa sổ lọt vào nhảy múa trong phòng, Ái Lan mới thức giấc. Đưa mắt nhìn đồng hồ hình con cú để trên bàn đêm, em giật mình khi thấy kim ngắn đã chỉ gần mười giờ.

- Hừ! Đã định dậy sớm, mà giờ này mới mở được mắt! Chết chưa! Ngày hôm nay nhiều việc lắm đây! Còn muốn nằm thêm nữa sao được!

Đưa nhanh tay lùa vào áo gối, em lôi quyển sổ xanh của cụ Doanh ra và đưa mắt ngắm nhìn thích thú. Hai ngón trỏ và cái mân mê ngoài bìa mịn mãi không thôi:

- Hà! Hà! Gia đình Phàm khi bị một cú bất ngờ này thì phải biết... là đau!

Nhẩy khỏi giường, em vội vả rửa mặt đánh răng, mặc quần áo. Bước vào phòng ăn: ghế ngồi của luật sư Minh bỏ trống, ba em đã lái xe tới văn phòng làm việc theo thường lệ rồi, để khỏi trễ hẹn với các thân chủ.

Vẻ mặt Ái Lan buồn thiu:

- Trời ơi! Chỉ sợ ba lại quên là ngày hôm nay hai cha con phải xuống Ngân hàng Di Linh.

Ngay lúc đó, chị Năm Dậu bước vào, hai tay bưng cái khay nhỏ trên bầy một ổ bánh mì kẹp trứng chiên và một ly cà phê sữa khói bốc nghi ngút:

- Cô à! Ông dặn tôi là khi nào cô thức giấc, ăn uống xong xuôi thì ra gặp ông tại văn phòng. Và ông bảo nhắc cô nhớ đem theo cuốn sổ con bìa xanh gì đó!

Ái Lan ngây người:

- Cuốn sổ con nào?... À, phải! Thôi được rồi! Đi ăn đi chị Năm! Em hiểu rồi!... Em ăn lẹ lắm! Chút xíu là rồi à!

Mười phút sau, Ái Lan đã chễm chệ trên vespa, chạy thẳng ra phố. Thiệt may, khi bước chân vào văn phòng của cha, em thấy luật sư Minh có mỗi một mình đang cặm cụi làm việc.

- Con lỡ dậy trễ quá! Chẳng ai đánh thức con hết, ba ơi! Chắc ba phải chờ đợi lâu lắm hả ba?

- Không lâu gì đâu con! Chính ba đã dặn chị Năm để yên cho con ngủ cho ngon đấy mà. Ba biết rằng con cần phải ngủ nhiều cho lại sức sau một ngày vất vả khó nhọc như hôm qua. Vả lại, cha con mình cũng không thể làm gì được nếu không có được tờ ủy thác mở tủ sắt do ông Chánh án ký cho phép.

- Thế sao ba không tới xin ông Chánh án đi?

- Rồi! Ba đã ghé vào Tòa án trước khi tới văn phòng kia mà, và ba trình bày cho ông biết rõ ràng mọi việc. Nghe xong ông Chánh án đã ra lịnh cho viên Lục Sự viết rồi đánh máy ngay tờ ủy thác. Chính tay ông đóng dấu lấy, và hạ bút ký tên. Hiện giờ thì tờ giấy đó nằm đây...

Vừa nói, luật sư vừa vỗ vỗ vào túi trên cái áo "vét tông" ông mặc trên người.

Ái Lan:

- Còn con, con cũng đem theo cả cuốn sổ của cụ Doanh đây ba! Ba cần đến nó không?

- Được, con đưa ba! Đáng lẽ phải đưa trình ông Chánh án để chứng minh thật câu chuyện ba thuật trình ông kia đấy. Nhưng thôi, bây giờ thì không cần nữa. Đưa ba cất vào két sắt cho yên trí hơn.

Ái Lan đưa cuốn sổ con cho cha:

- Bao giờ xuống Di Linh hả ba?

- Ngay bây giờ, nếu con rảnh...

Em vui mừng không để luật sư Minh phải nhắc đến lần thứ hai, nhanh bước tiến ra phía cửa, trong khi ông Minh quay vào dặn dò cô thư ký mấy công việc cần làm gấp.

Luật sư Minh bước ra cửa dịu dàng bảo con:

- Đi xe của ba! Ba muốn cho con rảnh tay một bữa.

Mấy phút sau, chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi sơn đen bóng loáng đã phóng nhanh, nhằm hướng Di Linh.

Lâu lắm Ái Lan mới lên tiếng:

- Lần này mà không tìm ra được tờ chúc thư mới của cụ Doanh là thôi, con cũng chịu thua luôn đó, ba à!

Luật sư Minh liếc nhanh mắt ngó con. Làn da trắng hồng rám nắng, đôi mắt sáng long lanh của Ái Lan chứng tỏ sự nóng lòng của em mỗi lúc mỗi tăng khi câu chuyện gia tài của cụ Doanh sắp sửa đi đến hồi kết cục vô cùng gay cấn. Để em vui vẻ, luật sư Minh cất tiếng giọng nói bình tĩnh, chậm rãi:

- Có một điểm đặc biệt chắc con chưa quên. Đó là tính nết lạ lùng của cụ Tú Doanh, chỉ thích làm những việc thật khác người. Nhiều khi cụ có những hành động kỳ dị không ai ngờ được đó con. Biết đâu, xuống đến Ngân hàng Di Linh mà tìm tờ di chúc cũng không có ấy chứ. Hoặc là cụ già oái oăm cũng có khi lại chỉ để trong tủ sắt một tờ giấy gì đó, dặn dò cách đi tìm tờ di chúc mới... Ấy thế là cha con mình lại mất công chạy ngược chạy xuôi một phen nữa. À việc này khiến ba nhớ lại một câu chuyện kỳ quái xảy ra... lâu lắm rồi.

Ái Lan quay mặt nhìn cha, đôi mắt chớp chớp. Ông không đợi con phải hỏi:

- Đây! Câu chuyện như thế này!...... Sau cái chết của một ông phú nông, những người thừa kế đã tìm thấy, không phải là chúc thư, mà chỉ là một tấm giấy nhầu nát viết dặn các con cháu là "muốn tìm thấy của cải thì phải vào nhà kho, lục trong một chiếc rương cũ". Khi mở rương ra, chỉ thấy toàn quần áo cũ rách. Lục soát từng chiếc túi, một người con lại vớ được một giấy viết nguệch ngoặc mấy chữ dặn rằng phải tìm trong hộc tủ cũ để dưới bếp. Bới tìm hộc tủ dưới bếp, của cải chẳng thấy đâu mà lại chỉ có một hàng chữ kẻ vào gỗ bảo rằng cần xét kỹ bên trong một cái ấm đồng mà người chết hồi sinh thời, vẫn hay lau chùi nâng niu đó... Khổ một nỗi, cái ấm đồng đó lại biến mất. Mãi về sau mới tìm thấy tại một tiệm bán... ve chai. Cái ấm có một cái quai hai lớp đồng. Trong cái quai có một tờ giấy lụa dai lắm, trên giấy ghi chi chít những chữ vô nghĩa và nhiều dấu cộng, trừ, nhân, chia kỳ quặc lắm. Các con cháu chẳng hiểu tí gì, chán nản có ý muốn bỏ không đi tìm của nữa. May sao có một người bạn, khôn ngoan sáng trí, đem tờ giấy ấy về nghiên cứu mãi. Kết quả: hũ vàng của ông phú nông chôn ngay trong buồng riêng ở bên phải phía đuôi giường nằm.

Ái Lan ngẩn mặt, chăm chú nghe cha kể.

- Vậy thì các con cháu ông ấy, sau bao phen vất vả khó nhọc cũng đạt được kết quả tốt đó chứ ba!

Phút chốc, xe đã tới Di Linh, đậu cách cửa Ngân hàng chừng năm mươi thước. Ông Minh bước xuống khẽ bảo Ái Lan:

- Con đi với ba!

Hai cha con bước vào nhà Ngân hàng. Luật sư Minh tự giới thiệu với nhân viên trực và xin được gặp ông Giám đốc. Phút sau, đã có nhân viên ra dẫn hai người vào trong một gian phòng rộng. Ngồi tại một cái bàn giấy rộng, một ông lớn tuổi đang cắm đầu vào một tập hồ sơ. Thấy khách vào, ông đứng dậy tiến ra, niềm nở tiếp đón.

Sau những câu lễ phép xã giao trao đổi, luật sư Minh trình bày mục đích ông tới đây, và ông cho Giám đốc Ngân hàng biết ông đại diện cho những người thừa kế của cụ Doanh.

- Thưa luật sư, cụ Doanh họ gì?

- Phạm Tú Doanh!

- Dạ, vậy thì tôi chắc đây chỉ là một sự lầm lẫn mà thôi, thưa luật sư! Ngân hàng chúng tôi ở đây chưa hề có một thân chủ nào tên là Phạm Tú Doanh cả!

Luật sư Minh vẫn điềm đạm:

- Có thể là vị thân chủ này không kê khai lý lịch đích thực của mình. Theo tôi, thì cụ Doanh đã thuê bao một cái két sắt của quý hãng với tên Phạm Trọng Kinh!

Ông Giám đốc Ngân hàng hơi nhổm người lên:

- Phạm Trọng Kinh? Luật sư nói Phạm Trọng Kinh?

Rồi ông ta cắn môi suy nghĩ:

- Hình như Ngân hàng của chúng tôi vừa mới viết công văn nhờ các cơ quan hành chánh tìm hộ cho một thân chủ có cái tên như vậy. Luật sư cho phép tôi nhớ lại một chút! À, vâng! Đúng rồi! Có tới một năm nay không thấy vị này đến thanh toán tiền thuê két sắt. Luật sư cho phép tôi đi coi lại một chút cho rõ ràng!

Ông Giám đốc bước nhẹ vào một căn phòng kế cận. Mấy phút sau, ông đã quay ra, một tờ giấy cầm nơi tay.

- Đúng rồi đó! Thưa luật sư, vị thân chủ tên Phạm Trọng Kinh có thuê két sắt số 148, tiền thuê bao đã tới một năm rồi mà không thấy tới thanh toán. Đây, luật sư muốn coi, thì đây, chữ ký của ông ấy đây!

Ái Lan và luật sư Minh cùng cúi xuống tấm giấy ông Giám đốc Ngân hàng đưa ra. Hai cha con nhận ra ngay chữ ký xoáy trôn ốc quen thuộc của cụ Doanh.

Ông Giám đốc Ngân hàng:

- Có thể ông Phạm Trọng Kinh và ông Phạm Tú Doanh chỉ là một người, đúng như lời của luật sư vừa nói. Nhưng phiền một cái, tôi lại không đủ thẩm quyền để luật sư mở tủ sắt đâu ạ!

Ông Minh vẫn bình tĩnh:

- Dạ, thưa ông Giám ðốc, tôi có giấy ủy thác của ông Chánh án Tòa Sơ thẩm Đà Lạt đây!

Ông Giám đốc ngạc nhiên:

- Nếu vậy thì lại là chuyện khác! Luật sư làm ơn cho xem...

- Dạ thưa đây!

Dứt lời luật sư Minh lấy từ túi áo ra tờ giấy ủy thác, đưa cho ông Giám đốc. Ông Giám đốc chăm chú đọc từng câu, đoạn trao trả luật sư Minh, nét mặt ông tỏ vẻ yên tâm thấy rõ. Tiếng luật sư Minh:

- Hợp pháp chứ ạ! Thưa ông Giám đốc?

- Hoàn toàn hợp pháp! Thưa luật sư! Luật sư có thể mở tủ được rồi! Xin chờ cho một phút, để tôi mời ông Phó giám đốc cho đủ hai người làm chứng! Luật sư có... chìa khóa tủ đấy chứ ạ?

Ái Lan cảm thấy trái tim mình như có ai thò tay bóp mạnh một cái. Em không hề có một phút nào nghĩ đến cái chìa khóa mà ông Giám đốc Ngân hàng vừa nói.

Luật sư Minh lắc đầu nhè nhẹ:

- Chìa khóa?... Dạ tôi không có chìa khoá đâu, thưa ông Giám đốc. Quý sở chắc có loại chìa đặc biệt mở được các loại tủ sắt chứ ạ?

Điều này luật sư Minh được biết vẫn là thông lệ tại các Ngân hàng, để có thể mở tủ trong những trường hợp khẩn cấp.

Ông Giám đốc Ngân hàng:

- Dạ, thưa, trước đây chúng tôi vẫn làm như vậy đó, nhưng từ hai năm nay, đã sửa đổi đôi chút về phương pháp tàng trữ tiền bạc cũng như các loại giấy tờ quan hệ. Tuy nhiên, luật sư chờ cho một chút, tôi có cách giúp luật sư đây rồi!

Dứt lời, ông Giám đốc bước lẹ ra ngoài. Phút sau ông đã trở lại, giơ ra trước mắt cha con Ái Lan một cái phong bì nhỏ gắn si kín đáo. Và ông giải thích:

- Theo thông lệ, khách hàng của chúng tôi bao giờ cũng nhận được hai chiếc chìa khóa. Một cái họ giữ luôn trong mình, một cái gởi tại đây, niêm phong bì gắn si như thế này. Vì lẽ luật sư đã có giấy ủy thác của Tòa án, tôi có đủ thẩm quyền giúp phương tiện để luật sư hoàn tất nhiệm vụ. Đây, luật sư cầm lấy chìa khóa đi!

Luật sư Minh chăm chú đọc hàng chữ đánh máy ngay trên đầu chiếc phong bì: Phạm Trọng Kinh, số tủ 148. Bên trong không có gì ngoài một chiếc chìa khóa bẹt bằng đồng.

Ông Giám đốc Ngân hàng đi trước dẫn khách tiến ra cửa.

- Xin mời! Tôi dẫn luật sư cùng cô em đây xuống hầm để tủ sắt.

Đi xuống hết một cái cầu thang dài, ông Giám đốc đưa hai cha con đi trong một cái hàng ba xây ngầm dưới mặt đất, qua một trạm có người gác. Rồi ông ta đích tay mở khóa một căn phòng nhỏ, bốn vách tường xây bằng đá lớn mài nhẵn, sáng lóng lánh dưới ánh đèn nê-ông từ trần nhà hắt xuống. Ông Giám đốc nhanh nhẹn tiến thẳng về phía cuối gian phòng. Ông lùa một chiếc chìa khóa con mở hai chiếc khóa ngoài móc ở cánh cửa tủ sắt mang số 148. Đoạn lấy chiếc chìa khóa hồi nẫy luật sư Minh đã biết, lùa vào ổ, xoay nhẹ hai ba vòng, rồi ấn mạnh một cái. Cánh cửa tủ bật ra, phát lên một tiếng "tách" khẽ. Ông Giám đốc thò tay vào hộc tủ lôi một cái hộp bằng kim khí nhỏ xinh, bèn bẹt, và đưa cho ông luật sư. Ông Minh trịnh trọng đưa tay lên mở nắp hộp và liếc nhanh mắt vào bên trong. Ái Lan, tim đập rộn ràng, tựa cầm lên vai cha, đôi mắt không hề chớp. Thoáng trông bên trong cái hộp, em có cảm giác là hộp rỗng không. Ngó kỹ, chỉ có mấy tờ giấy gập thẳng nếp nằm bẹp dí dưới đáy hộp. Chợt Ái Lan thảng thốt khẽ kêu:

- Tờ di chúc!

Luật sư Minh lấy tờ giấy, mở ra, liếc mắt đọc nhanh:

- Đúng nó đây rồi!

Tiếng ông Giám đốc Ngân hàng:

- Tờ di chúc? Vậy thì hay quá rồi! Và vẻ mặt ông ta cũng vui lây vì cái kết cục quá bất ngờ của một sự việc hết sức bí ẩn.

Luật sư Minh quay lại nhìn ông ta:

- Phiền ông Giám đốc ký tắt quý danh vào mỗi góc trang của tờ di chúc này, đặng về sau có thể nhận ra được nó là bản chính gốc, không bị tráo đổi hay làm giả mạo, bất cứ một trang nào. Cả tôi, tôi cũng cùng ký.

- Xin sẵn sàng, thưa luật sư. Tôi cũng đã từng làm nhiều lần rồi!

Đâu đó xong xuôi, luật sư Minh hết lời cám ơn ông Giám đốc Ngân hàng. Mấy phút sau, hai cha con đã ngồi bên nhau trong chiếc xe hơi sơn màu đen bóng loáng. Đưa tia mắt cho nhau, ông luật sư cùng con gái mỉm cười ranh mãnh, y hệt hai chú học trò đang hân hoan thú vị với sự thành công trong một trò nghịch ngợm tinh quái.

Ông Minh khẽ bảo con gái:

- Sao, Ái Lan? Kết quả rồi, mà lại kết quả tốt nữa chứ, hả con?

- Tốt thật đó ba! Nhưng, ba ơi! Ba đọc lẹ coi bên trong có cái gì, đi ba! Con nóng ruột muốn biết quá hà!

Tờ di chúc gồm nhiều trang viết tay, chữ nhỏ nét, xít vào nhau. Luật sư Minh trải rộng nó trên hai đầu gối và Ái Lan cúi thấp đầu, hai cha con cùng lầm thầm đọc. Em đọc líu cả lưỡi mà chẳng hiểu gì những giòng chữ mực đen dày đặc toàn danh từ luật pháp.

Luật sư Minh dịu dàng bảo con:

- Thôi chịu khó chờ về đến văn phòng của ba sẽ hay!

Vừa nói, ông Minh vừa giở tới trang cuối cùng của tờ di chúc, nhìn chăm chú:

- À, trong này có nại ra hai nhân chứng. Một là bác sĩ Ngọc Bằng! Hừ! Thảo nào mà không một ai hay biết chút tin tức gì về tờ di chúc này cả. Bác sĩ Ngọc Bằng cũng đã mất rồi còn đâu, sau cụ Doanh hai, ba tháng chớ mấy! Còn nhân chứng thứ hai, tên Trần Vĩnh Quý! Chịu! Ba cũng chẳng biết hoặc nghe nói ông Vĩnh Quý này là ai hết.

Ái Lan lo lắng:

- Thây kệ! Ba! Ba coi xem Mỹ Ngọc, Mỹ Liên và bà cụ Sáu Riệm có được ghi tên trong đó không ba?

Luật sư Minh chỉ ngón tay vào một trang:

- Đây! Có đây con! Tên của mấy người đó có đây rồi!

Em mừng rỡ cười to, ánh mắt sáng lên:

- Vậy là con yên trí rồi! Yên trí lắm rồi!

Bây giờ thì con có thể ngồi ngoan cho ba lái xe về Đà Lạt, tới văn phòng sẽ coi nốt mấy điều chi tiết nữa!... À, này ba! Ba bảo cô thư ký đánh máy chép lại cho dễ đọc hơn, được không ba?

- Sao lại không được? Cần phải đánh máy là khác ấy chứ? Ba còn phải xem xét, nghiên cứu, cân nhắc từng chữ cụ Doanh đã viết trong này. Đúng như lời ông cụ đã nói với luật sư Công: cụ đích thân tự tay viết lấy tờ di chúc. Vậy việc cần là phải kiểm soát kỹ lại coi những câu viết trong này có hợp thể thức không?

Vừa nghe hết lời cha nói, nét mặt Ái Lan hiện rõ niềm lo lắng:

- Ba cho rằng lá chúc thư này có thể bị coi là không có giá trị đối với luật pháp?

- Ba chưa dám nói chắc trước khi nghiên cứu thật tỉ mỉ. Nhưng có một điều rõ rệt là trong này không hề đả động gì đến nhà ông Phàm hết. Vậy, cần phải đề phòng kẻo họ sẽ tìm chỗ sơ hở mà phá tờ di chúc mới này đó. Bởi thế cho nên, ba cần cứu xét thật kỹ, chỉ khi nào biết chắc được là nó không còn điểm nào sơ hở nữa, lúc đó mới cho xuất hiện được.

Dứt lời, ông Minh trịnh trọng nhẹ tay gấp gọn tờ di chúc để vào túi áo trong. Rồi ông đưa tay mở chìa khóa máy xe hơi. Ái Lan quay nhìn cha, cười khẽ:

- Phen này nhà Phạm Văn Phàm mà không làm gì được tờ di chúc mới thì chắc họ chỉ còn nước đấm ngực kêu trời thôi, hả ba? Con khoái nhất là được xem thái độ của nhà ấy khi tờ giấy động trời này xuất hiện... À ba ơi! Ba có mời tất cả mấy người bà con thân thích của cụ Doanh đến để cùng chứng kiến việc mở và đọc lá chúc thư này không ba? Nếu có, thì mời họ tới nhà mình, nghe ba! Trời ơi, vậy thì vui quá hả ba!

Luật sư Minh vừa lái xe vừa nheo mắt ngó đứa con yêu, mỉm cười, lây cái vui sướng hồn nhiên của con trẻ:

- Cưng của ba hồi này hóm lắm đó nghe! Nhất định là sự việc rồi sẽ phải diễn theo đúng như ý con nghĩ. Ba sẽ nghe con mà làm y như thế, và hơn thế nữa, nghĩa là: nhà Phạm Văn Phàm bất nhân ác đức sẽ đấm ngực la trời... ngay trước mặt con!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx