- Ba ơi! Sắp sửa hai giờ rồi mà ba còn làm gì vậy? - Ái Lan giọng lanh lảnh kêu lớn, - Sửa soạn tiếp khách đi chớ hả ba! Mấy phút nữa là họ rồi! Trời! Con đứng không yên chỗ nữa ba!
Luật sư Minh quần áo chỉnh tề, miệng ngậm ống vố, đứng khuất sau một cây cột bằng đá mài lặng ngắm qua cửa sổ mấy bông thược dược lả ngọn theo làn gió nhẹ thoảng trong vườn. Chợt nghe tiếng con gái, ông quay lại. Ái Lan trông thật xinh trong cái áo blouson đen dài tay, sơ mi đỏ, chiếc xiêm màu hồng nhạt chấm vừa đầu gối để lộ đôi bắp chân khỏe mạnh. Em lượn quanh phòng khách như con bướm, kéo ngay ngắn một chiếc ghế, sửa lại một cành hoa trong bình, đưa tay vuốt tấm màn gió cho thẳng nếp. Người cha mỉm cười âu yếm nhìn con:
- Ối chà! Làm gì mà con gái ba nôn nóng như chính con sắp sửa được hưởng gia tài của cụ Doanh vậy?
Ái Lan thú thực:
- Đúng đó, ba! Con nóng ruột chờ đợi mọi người ghê vậy đó! Sự ngạc nhiên mừng rỡ của họ chắc phải "kinh khủng" lắm hả ba? Và gia đình Phàm mới lại còn ngạc nhiên, à không, lại còn kinh ngạc sửng sốt phải biết... Nhưng, chắc họ có dám tới không ba?
- Con yên trí đi mà! Thế nào gia đình Phàm cũng tới. Và ba chắc có cả luật sư của họ cũng đi theo nữa đó! Sau khi biết tin tờ di chúc mới đã xuất hiện, họ ăn không ngon ngủ hết nổi và để tâm đề phòng dữ lắm rồi đó!
Ái Lan hỏi cha, giọng em lo lắng:
- Ba đã chắc chắn tờ di chúc mới này không còn chỗ nào sơ hở hết chớ, hả ba?
- Chắc chắn rồi con à! Ba đã nghiên cứu từng chi tiết một, kỹ lắm, không có một điểm nào sơ suất hết. Chà! Cụ già Doanh quả là một người kỳ lạ! Cụ cứ làm ra vẻ ngớ ngẩn, cổ hủ, quê mùa, nhưng thực ra thì ba thấy rằng ông cụ đúng là một tay thông minh lạ lùng. Do đó, nếu nhà Phàm có định giở trò khiếu nại gì thì cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi!
Ba ngày sau khi đi từ Di Linh về, Luật sư Minh khi hoàn tất việc nghiên cứu tỉ mỉ tờ di chúc, đã gửi giấy mời tất cả mấy người thừa kế, họ hàng thân thích của cụ Doanh tới... có việc cần. Vậy thôi, ông không hề đả động gì đến lý do quan trọng của buổi họp mặt đặc biệt này. Ngoại trừ bà cụ Sáu Riệm còn ốm yếu liệt giường, hết thảy mấy người kia đều hứa là sẽ có mặt. Hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên, tuy không phải thân thích của cụ Doanh, cũng nhận được giấy mời và hứa sẽ tới tham dự.
Ái Lan:
- Rất tiếc là cụ Sáu Riệm đau yếu không đi được. Chắc bà cụ nóng ruột lắm đấy. Để xong rồi, phải chạy xuống cho bà cụ biết, bà cụ mừng mới được!
Luật sư Minh, nét mặt trầm ngâm, nhè nhẹ gật đầu:
- Phải rồi! Nhất định là mọi người sẽ ngạc nhiên lắm chớ không ít đâu, một khi mà họ biết rõ ý định cuối cùng của người chết. Thiệt tình Ái Lan, trong vụ này, con là người có công lớn nhất đó!
Được cha khen, Ái Lan sung sướng đỏ cả hai tai.
Ông Minh nói tiếp:
- À, nhưng rồi con sẽ thấy: gia đình Phàm sẽ nổi giận lôi đình dữ lắm chứ không giỡn đâu nghe!
- Cái đó chắc phải có chứ sao khỏi, hả ba? Không giận sao được, vì bỗng dưng lại bị vuột mất khỏi tay cả một gia tài vĩ đại như gia tài của cụ Doanh!
Ông Minh lại gật đầu nhè nhẹ, kết luận:
- Thôi được! Để rồi coi!
Ái Lan, từ lúc nào vẫn rình rập bên cửa sổ, đột nhiên reo lên;
- A, ba ơi! Mỹ Ngọc, Mỹ Liên này ba! Trời! Con chỉ muốn nói phứt tin mừng cho hai chị em biết ngay, nhưng thôi, tuân lời ba, con cố ngậm miệng, ba cứ yên trí, nghe ba!
Rồi em quay ra niềm nở tiếp đón hai người bạn gái vào ngồi trong phòng khách.
Mỹ Ngọc ghé vào tai em, sau khi hai chị em đã lễ phép cúi đầu chào ông Minh:
- Ái Lan! Nghe đồn là đã tìm thấy tờ di chúc mới rồi, có phải vậy không?
Ái Lan mỉm một nụ cười bí mật:
- Suỵt! Bí mật trên bí mật! Em chưa thể nói được, tiết lộ thiên cơ thì nguy lắm! Nhưng chị khỏi lo mà!
Hai chị em Ngọc, Liên ngồi chưa nóng chỗ thì đã nghe tiếng chuông reo. Hai bà Ba Thìn, Tư Mậu, áo quần chỉnh tề, bước vào, phút sau là hai anh em các ông Nguyễn Mạnh Lân, Nguyễn Mạnh Mẫn.
Luật sư Minh vui vẻ mời khách ngồi, gọi chị Năm Dậu rót trà, rót nước mời khách. Rồi ông lên tiếng:
- Chỉ còn gia đình ông Phạm Văn Phàm! Chắc họ cũng tới bây giờ!
Ngay lúc đó, tiếng chuông điện chợt réo lên như một tiếng thét. Ái Lan nhảy bổ ra cửa: gia đình Phạm Văn Phàm đủ mặt, hai vợ chồng, hai cô con gái quần áo diêm dúa, vênh mặt bước vào. Và đúng như lời luật sư Minh đoán trước, một ông luật sư trẻ tuổi vác cặp theo sau.
Vợ ông Phàm hỏi trống không:
- Có việc gì đây? Các ông muốn hỏi chúng tôi cái gì đây?
Và tiến thẳng tới trước mặt ông Minh, chẳng chào chẳng hỏi, bà ta hất hàm:
- Ông căn cứ vào đâu mà dám nói dựng đứng là có người tìm thấy một tờ di chúc khác?
Luật sư Minh mỉm cười bình tĩnh:
- Hiện tôi đã có tờ di chúc đó trong tay thưa bà!
Câu nói chậm rãi như rót từng tiếng một vào tai làm bà Phàm phẫn nộ như nổi cơn điên. Bà hét lên:
- Vô lý! Vô lý lắm! Nói láo không ai nghe được! Bác Tú Doanh chỉ viết có một tờ di chúc duy nhất mà thôi. Và trong tờ đó, bác đã ghi rõ là cho chúng tôi hưởng hết gia tài của bác rồi!
Bích Đào đảo tia mắt một vòng, trâng tráo ngó mọi người, nhếch môi khinh khỉnh:
- Thật đúng là một cuộc âm mưu hèn hạ!
Trong khi đó Bích Mai, cắn chặt môi, mắt long lên sòng sọc như sắp sửa xông vào cắn xé ai đó, còn ông Phàm thì thái độ lộ rõ vẻ bứt rứt chẳng yên. Lúng túng một lúc lâu rồi ông kiếm chỗ ngồi xuống ngay cạnh vị luật sư ông dắt đi theo.
Luật sư Minh đĩnh đạc tiến lên một bước, giơ tay chỉ một chiếc ghế bành mời bà Phàm ngồi:
- Mời bà ngồi, chúng tôi xin đọc tờ di chúc mới của cụ Doanh!
Bà Phàm lưỡng lự tới gần một chút mới vén tà áo kim tuyến nâng cao mãi lên như chỉ ngại nó xòa đụng mặt nệm ghế mà bị dính bụi dơ mất chăng, đoạn nhẹ nhàng ngồi xuống.
Ông Minh quay nhìn mọi người hiện diện, hắng giọng:
- Các quý vị hiện diện tại hôm nay chắc đã biết tin tờ di chúc thứ hai của người chết là Phạm Tú Doanh đã được tìm thấy trong một chiếc tủ sắt ký thác tại ngân hàng Di Linh. Nội dung lá chúc thư này rất dài, vậy mong quý vị cho phép tôi chỉ đọc những mục liên quan đến vấn đề phân phối di sản của người thân thuộc dòng họ các vị để lại!
Ông luật sư đưa tay lên bàn cầm mấy trang giấy đánh máy rồi đưa mắt nhìn cử tọa.
Đoạn ông cao giọng đọc:
"Tôi, ký tên dưới đây là Phạm Tú Doanh trịnh trọng tuyên bố rằng tập tài liệu này là tờ di chúc cuối cùng của tôi; nó hủy bỏ tất cả mọi khoản đã ghi trong tờ di chúc thứ nhất. Chấp chiếu theo hiệu lực của tờ di chúc thứ hai này, tôi kính tặng tất cả gia tài của tôi, gồm toàn thể động sản và bất động sản cho những người liệt kê dưới đây:
"- Hai đứa cháu gái nuôi tên là Trần thị Mỹ Ngọc, Trần thị Mỹ Liên, một số tiền bẩy mươi lăm triệu đồng bạc, mỗi đứa.
Mỹ Liên mặt đỏ bừng, nói chẳng ra hơi:
- Trời ơi! Thật không thể ngờ lại thế được!
Bà Phàm tái mặt cũng nói theo:
- Không thể ngờ được thật! Cái gì mà lại cho những bảy mươi lăm triệu mỗi người. Hừ! Nhất định là một tờ di chúc giả!
Luật sư Minh điềm đạm:
- Thưa bà, tôi xin cam đoan với bà là không giả một chút nào. Rồi bà coi!
Và ông tiếp tục đọc:
"- Bà Phạm Thị Riệm, chị họ tôi, người đã trông nom săn sóc tôi, khi khỏe mạnh cũng như lúc tôi ốm đau, một số tiền là bẩy mươi lăm triệu đồng bạc."
Mỹ Ngọc, hai bàn tay xoắn lại với nhau:
- Chà! Thiệt là mừng thay cho bà cụ!
Mỹ Liên ghé vào tai chị:
- Rồi, sướng ghê! Thế là cụ Sáu Riệm có tiền thuốc thang chạy chữa tha hồ!
Ái Lan quay lại ngó hai chị em, nét mặt rạng rỡ, nói thật khẽ:
- Tiếc quá, bà cụ Sáu Riệm đau không tới được. Để chút nữa rồi, em phải xuống báo tin mừng cho cụ ấy mới được.
Bích Đào giọng chua như giấm:
- Ủa! Cái bà cụ già đó mà cũng được bảy mươi lăm triệu đồng bạc lận? Thử hỏi bà cụ đã giúp đỡ gì cho bác Doanh mới được chứ?
Rồi quay lại nhìn mẹ, cô ta to tiếng:
- Trong khi đó thì gia đình mình cơm bưng nước rót, giường ngủ chiếu chăn, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác! Để rồi bây giờ người ta trả ơn mình như vậy đó! Hừ!
Tiếng luật sư Minh đọc tờ di chúc vẫn đều đều thản nhiên:
"- Hai đứa cháu trai của tôi, gọi tôi bằng cậu ruột, tên Nguyễn Mạnh Lân, Nguyễn Mạnh Mẫn, hai mươi triệu đồng bạc, mỗi đứa.
Hai ông Lân, Mẫn trợn tròn con mắt, không tin ở lỗ tai mình:
- Trời đất ơi! Sao cậu Doanh lại có thể cho anh em mình nhiều quá như vậy được kìa?
Không ai bảo ai mà hai ông chủ trại cà phê đều buột miệng thốt lên hai câu giống nhau như hệt.
"- Hai bà em họ của tôi, tên Phạm Thi Thìn, Phạm thị Mậu, hai mươi triệu đồng bạc, mỗi người.
Bích Mai bĩu dài môi:
- Chà! Nhân đức dữ!
Bà Phạm Văn Phàm đột ngột cắt ngang tiếng đọc lá chúc thư:
- Thế còn chúng tôi? Không có điều gì nói về chúng tôi sao?
Luật sư Minh mỉm cười:
- Dạ, có chứ ạ! Xong tôi e rằng lời di ngôn sẽ không theo đúng ý ông bà đâu! Thưa bà, đây, tôi đọc tới bây giờ đây!
Tiếng đọc lại tiếp tục:
"- Tôi xin ghi thêm rằng, tôi thân tặng cho hai chị em Trần Thị Mỹ Ngọc, Trần Thị Mỹ Liên tất cả số đồ đạc mà ông bà Phạm Văn Phàm hiện đang sử dụng".
Nhiều tiếng xì xào nổi lên hoan nghênh câu di ngôn luật sư Minh vừa mới đọc. Bà vợ ông Phàm nhổm hẳn người lên, mặt nhợt ra như tờ giấy trắng, đôi mắt sáng rực. Dân chúng nội thành phố Đà Lạt ai ai cũng biết là gia đình bà Phạm đã chở hết chuyến xe đồ này tới chuyến xe đồ khác từ Lạc Dương về, khi cụ Doanh bằng lòng về ở với họ. Rồi sau khi cụ mất, ông Phàm nghiễm nhiên coi số đồ đạc ấy là của mình. Không tự chủ nổi nữa, bà hét lên:
- Thật là xấu hổ, nhục nhã quá! Bác Doanh lại dám ghi trong đó là chúng tôi cưỡng đoạt đồ đạc của bác sao?
Giọng ông Minh vẫn ôn nhu hòa nhã:
- Thưa, di ngôn của cụ Doanh viết sao chúng tôi đọc như vậy, còn thâm ý trong câu đó thế nào thì tôi không thể biết được!
Mỹ Ngọc bỗng lên tiếng:
- Dạ, thưa chị em chúng tôi cũng không cần dùng đến những món đồ đạc của ông bác nuôi chúng tôi đã thương mà cho đâu ạ! - Cô quay lại nhìn em, - phải vậy không, Mỹ Liên?
Mỹ Liên nhẹ gật đầu đồng ý với chị. Và em quay sang nhìn bà Phàm:
- Thưa bà, xin bà cứ giữ lấy để dùng!
Luật sư Minh thong thả gấp mấy trang giấy vừa đọc xong, đặt cẩn thận vào trong ngăn kéo bàn giấy. Đoạn, ông lại đưa mắt nhìn mọi người:
- Thưa quý vị, chỉ có vậy thôi. Ngoài ra là các điều nói về phí tổn trong việc tống táng cụ Doanh, xây cất phần mộ và một vài món chi tiêu lặt vặt. Còn lại khoảng gần năm triệu đồng, cụ Doanh cúng hết vào viện dưỡng lão Di Linh. Dạ, thưa như vậy là mọi sự đều êm đẹp cả và không có khó khăn trở ngại hết. Lý do: tài sản của cụ Doanh, phần lớn đều là tiền mặt cả, chỉ có số ít là bất động sản mà giấy tờ lại đầy đủ hết, nên cũng dễ dàng lắm. Trong các quý vị đây, nếu ai cần, có thể lãnh tiền trong thời hạn ngắn nhất.
Ông Phạm Văn Phàm mặt mũi xám ngoét như một thây ma, há miệng nói, tiếng ông ta chỉ còn phào phào như hơi thở nhẹ, tựa hồ văng vẳng từ một nơi nào xa lắm:
- Vậy là chúng tôi bị truất hết quyền hưởng gia tài?
Luật sư Minh:
- Tôi cũng nghĩ như ông!
Ông Phạm Văn Phàm nhăn mặt, giọng khẩn khoản:
- Thật vô lý quá! Luật sư hiểu giùm, hiện tôi đang cần tiền lắm!
Có tiếng cười nhẹ của ông Minh:
- Tôi hiểu! Nhưng không có cách nào giúp ông được. Tờ di chúc mới còn kia, các điều khoản của nó bất di bất dịch!
Bích Mai bỗng gầm lên giận dữ:
- Đây là một cuộc âm mưu làm hại chúng tôi! - Và quay về phía Ái Lan, bộ mặt uất hận, cau có rất khó coi, cô ta nghiến chặt hai hàm răng - Và con nhỏ ghê gớm này, chắc cũng đã có làm một cái gì đây chứ không đâu! Đúng vậy không?
- Có thể lắm! Ái Lan trả lời rất tự nhiên.
Tiếng the thé của bà vợ ông Phàm:
- À, mà xin các người nhớ cho rằng, tôi chưa nói hết đấy, nghe! Báo trước cho mà biết, chúng tôi sẽ khiếu nại!
Luật sư Minh khẽ nhún đôi vai, nói ngay:
- Cái đó tùy bà! Bà cứ việc khiếu nại, nếu bà muốn! Còn tôi, tôi sẽ biện hộ cho những người này… Lời tôi vừa nói ra có điều gì bà còn chưa rõ lắm, xin cứ hỏi vị luật sư đi theo ông bà kia, ông ấy sẽ giải thích thêm!
Vị luật sư trẻ tuổi vội vàng tiếp lời ông Minh, chẳng cần để ai phải hỏi:
- Đồng nghiệp của tôi nói rất đúng!
Bà Phàm quắc mắt nhìn ông luật sư trẻ, cất giọng nói thật tàn nhẫn:
- Vậy hả? Hừ! Gặp cái vụ rắc rối tày trời này, mà ông chỉ biết nói có thế thôi, thì xin lỗi, chúng tôi không cần phải nhờ đến ông nữa. Ông có thể trở lại nhà được rồi đó! Chúng tôi sẽ nhờ một luật sư khác tài ba hơn, đủ sức bảo vệ quyền lợi của chúng tôi và chúng tôi sẽ tranh đấu kỳ cùng!
Dứt lời, bà ta đứng phắc lên, y hệt một bà hoàng bị đám dân ngu xúc phạm. Bích Mai, Bích Đào đứng lên theo chân mẹ, không quên ném cho Ái Lan một cái nhìn đằng đằng sát khí. Phạm Văn Phàm thất thểu đi sau cùng, vẻ mặt vô cùng thiểu não. Chờ cho toàn thể gia đình thân chủ của mình ra khỏi, ông luật sư trẻ tuổi xách cặp da tiến lại trước mặt vị đồng nghiệp đàn anh:
- Kính thưa đồng nghiệp trưởng thượng, quả thật vụ này đã khiến tôi khổ tâm không ít. Nhưng thú thực cùng đàn anh, dù có phải bỏ cuộc giữa đường, mất một món thù lao đáng kể đấy, nhưng thiệt tình tôi cũng chẳng tiếc một chút nào. Mẹ con nhà này thật rắc rối không để đâu hết!
Sau khi ông luật sư trẻ đi khỏi, mọi người còn lại, đều cất tiếng nói chuyện cười vui, hể hả uống nước trà mạn sen do chị Năm Dậu rót mời lễ phép.
Mỹ Liên chộp lấy cánh tay Ái Lan:
- Trời ơi! Ái Lan! Thật tôi không bao giờ dám ngờ là hạnh phúc lại có thể đột ngột đến thình lình như vậy. Cái gia tài của bác Doanh đã cứu sống chị em tôi đó. Và tất cả đều nhờ ở Ái Lan. Em chưa bật mí cho hai chị biết, làm cách nào mà em đã khám phá ra được nó, nhưng ai ai cũng đã biết là chính em, chính Ái Lan đã đích thân truy lùng để rồi tóm phóc ngay được tờ di chúc mới đó.
Mọi người xáp lại, nhao nhao lên tiếng buộc Ái Lan phải kể chuyện lại từ đầu tới cuối... Khi em chấm dứt "bài thuyết trình" cử tọa vỗ tay, la hét vui mừng, khen ngợi em không tiếc lời.
Mỹ Ngọc nước mắt vòng quanh:
- Chị không biết nói gì để tạ ơn em. Nhưng chị và Mỹ Liên, ngoài một chầu bánh bông lan, chè Blao hảo hạng mà em vẫn thích ra, sẽ cố gắng để dành tặng em một cái gì để tỏ lòng yêu quý, nhớ ơn em!
Ái Lan định trả lời là em sẽ không nhận bất cứ một món gì hết của một người nào trong đám bà con của cụ Doanh, nhưng chưa kịp nói thì ông Minh đã hướng câu chuyện về phía gia đình Phạm Văn Phàm:
- Tôi chắc rằng, bọn ông Phàm sẽ không để êm câu chuyện này đâu. Thế nào họ cũng sẽ khiếu nại, tìm người hợp sức để phá các vị đấy. Do đó tôi xét thấy là quý vi cần nhờ ngay một người nào đó có đủ khả năng hợp pháp hóa việc thụ hưởng cái gia sản của cụ Tú Doanh.
Mỹ Ngọc vội vã nói ngay:
- Dạ! Điều đó không có gì là khó cả! Trăm sự, chúng tôi xin nhờ luật sư cả!
Rồi quay nhìn mọi người:
- Ý kiến của các vị thế nào, xin cho biết ạ!
Ai nấy đều vui vẻ đồng ý để luật sư Minh lo liệu mọi việc.
Ông Minh cất tiếng:
- Tôi vui vẻ nhận cái trọng trách mà các vị vì tín nhiệm đã giao phó. Và tôi có thể nói trước được rằng: Nếu nhà ông Phàm không chịu biết điều thôi đi, mà lại giở trò khiếu nại hoặc tìm cách phá, tôi sẽ cho họ nếm mùi thất bại chua cay để suốt đời sẽ không thể nào quên được.
Một lúc sau, hai bà Ba Thìn, Tư Mậu, cùng hai anh em Nguyễn Mạnh Lân, Nguyễn Mạnh Mẫn xin phép ông Minh để ra về. Rồi hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên cũng đứng lên. Trong khi hai chị em đang nắm tay Ái Lan cười vui, nói lời tạm biệt, thì ông Minh mở hộc tủ đem ra chiếc đồng hồ của cụ Doanh, đưa cho Mỹ Ngọc:
- Đây! Còn cái này cũng là của hai chị em hai cô đấy!
Mỹ Liên bật cười khanh khách:
- Trời ơi! Cái đó thì chúng cháu biết dùng để làm gì đây?
Ái Lan thản nhiên đặt chiếc đồng hồ cổ vào tay hai chị em, buộc phải giữ lấy.
Khi cánh cửa phòng khách đã khép, chỉ còn lại hai cha con, Ái Lan tươi cười nhìn ông Minh:
- Thiệt là tài tình quá hả ba! Những người ở hiền đều gặp lành, còn những kẻ bất nhân bạc ác, quả đã gặp chuyện chẳng hay. Con mừng hết lớn đó, ba! Chị em Ngọc, Liên được hưởng gần nửa gia tài của bác Doanh. Thiệt là may!
Tiếng ông Minh:
- Cụ Phạm Tú Doanh quả có con mắt rất tinh đời. Mỹ Ngọc, Mỹ Liên đúng là những cô bé thiệt ngoan. Và ba chắc thế nào hai chị em cũng tặng cho con gái của ba một món quà gì xứng đáng lắm để đền ơn đó!
- Con cũng nghĩ thế đó ba! Nhưng ba yên trí là con sẽ không nhận một món gì hết đâu, ba à! Trường hợp bắt buộc mà các chị ấy có hỏi con thích gì, có bắt buộc con phải chiều theo ý các chị ấy, thì con sẽ cho các chị ấy biết cái món đồ mà con thích!
Ông Minh ngạc nhiên:
- Vậy thì con thích cái gì chớ?
Ái Lan nheo nheo sống mũi, tươi cười:
- Rồi ba sẽ biết! Ba đừng bắt con phải nói bây giờ, nghe ba! À... mà ba không thấy sao? hiện giờ Ngọc và Liên đã nói là sẽ tặng con cái gì đâu?
Ông Minh định hỏi thêm nữa, nhưng Ái Lan không để ông kịp lên tiếng, đã nhanh như con sóc, leo vút qua bậu cửa sổ, nhẹ nhàng nhẩy xuống vườn cây rậm lá... biến mất.
@by txiuqw4