sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

27. Những Cánh Chim Không Mỏi (Tony Dương) - Phần 1

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Những Cánh Chim Không Mỏi

Tony Dương

Đây là lần thất bại thứ mấy rồi, tôi không còn nhớ được – nhưng thất bại bị ở tù thì đây là lần thứ hai.

- Lần thứ nhất: Cùng ông anh rể, xuống tuốt mãi Trà Vinh: Họ dụ khị để bán vé, rồi bắt bỏ tù mười tháng, đòi đem tiền chuộc mạng, mới tha! (Có đáng nổi loạn chưa?)

- Lần thứ hai: Tham gia cướp tàu có vũ khí (đã nổi loạn thật rồi!), tù mười lăm tháng!

Các cụ bảo: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” xem ra chẳng đúng một ly ông cụ nào trong trường hợp của tôi cả!... Cái cảnh “cùng đường” của tôi đã được bọn chúng tôi “khuấy lên thành BIẾN”!... Thế nhưng cái “tắc biến” đó lại dẫn tôi đến nơi “tắc tị”... Tôi vừa suy ngẫm như thế, vừa thất thểu trên đường chẳng biết đi về đâu. Với nước da bạc thếch lốm đốm những nốt ghẻ ruồi và muỗi đốt, nhất là cái đầu trọc lốc dễ gây chú ý cho những người qua lại, và không dấu được hành tung của một tên tù, hay ít ra là của một tên tù vừa được thả, thì bỗng nghe có tiếng gọi tên tôi... Một cô gái cũng khá tiều tụy, từ bên kia đường đang hăm hở lách dòng xe cộ băng qua. Hóa ra là Ngọc Bảo, một sinh viên trước năm 1975 và cũng là vị hôn thê của tôi. Chúng tôi đưa nhau vào một quán cóc ven đường. Ngọc Bảo cho biết nàng cũng vừa được thả từ huyện Duyên Hải về tuần trước. Về chuyện của tôi cả hai bên cha mẹ đều đã biết. Các vị buồn chứ không lo lắng lắm. Riêng ông già vợ của tôi thì “phán” thêm một câu: “Ngựa non háu đá!” và nói với Bảo rằng ông muốn gặp tôi chừng nào tôi được tha về.

Ông già vợ tôi là người có khuynh hướng thực dụng, làm việc cần cù và rất thận trọng. Phân tích những lần thất bại của tôi và của các ông – ông thường dựa vào ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa... nhưng luôn nhấn mạnh “chính mình phải luôn luôn nắm lấy thế chủ động”. Việc gì cũng vậy, nếu chưa chuẩn bị chu đáo thì hãy chờ thời.

Từ đó tôi ở hẳn nhà bố mẹ vợ tôi. Tứ thân phụ mẫu đã cùng lo tổ chức hôn lễ cho chúng tôi. Sau đó nhờ sự quen biết rộng rãi ông xin nhập hộ khẩu cho tôi. Dịp này chị tôi từ Mỹ gởi về mừng chúng tôi một số vốn kha khá. Vợ tôi sang được một sạp bán đường, đậu, bột tại chợ Hòa Bình. Còn tôi học được một lớp máy nổ tại Trường Kỹ Thuật Cơ Khí trên đường Vườn Chuối Sài Gòn.

Năm 1984 chúng tôi có một cháu trai, ba năm sau nữa vợ tôi sinh thêm một cháu gái. Vợ chồng tôi tâm sự với ông:

“Chúng con thấy trách nhiệm ngày càng thêm nặng... Chúng con không thể để các cháu lớn lên trong cái xã hội mỗi ngày thêm một thoái hóa này được được...”

Ông nhìn tôi thích thú: “Tôi tưởng những cánh chim bằng đã mỏi rồi chứ!” – Rồi ông cười ha hả...

Có lần ông kể cho tôi nghe như một lời gợi ý: Một lần ông đến liên hệ công tác với công ty Hải Sản quận 6, Giám đốc công ty này thấy ông nói tiếng Bắc, lại than sắp về hưu, ngỡ ông là cán bộ, nên vồn vã: “Lo gì đồng chí cứ xuống đây…”

Chúng tôi bèn nhờ ông mở hồ sơ tại đó và lấy những thông tin cần thiết. Sau đó chúng tôi chính thức đến phường xin thị thực chữ ký và đem đơn đến Ủy ban Nhân dân Thành phố nạp ở Sở Thủy sản để xin phép đóng thuyền đánh cá ven biển. Được giấy phép, chúng tôi đến Hợp tác xã Sao Vàng tại quận 8 ký hợp đồng đóng thuyền. Ngày thuyền đóng xong, khánh thành hạ thủy, chúng tôi cũng mời thầy cúng Tổ Nghiệp. Tiệc khánh thành chúng tôi mời công nhân hợp tác xã và hai anh công an địa phương tham dự. Rượu nửa chừng, anh công an trưởng nửa đùa nửa thật:

“Này, chừng nào cậu vượt biên nhớ rủ tớ với nhé!”

Vợ tôi tái mặt, tôi vội bỏ đũa đùa lại: “Dạ, nếu anh chịu thì nhất định em sẽ đến tận nhà mời cả chị và các cháu nữa!”

Anh công an khu vực cũng thêm vào: “Các cậu cứ ngồi lai rai, tớ phải đi rồi, chiều nay tớ sẽ tóm một lũ vượt biên cho coi!”

Lúc đó đã quá ba giờ ba mươi chiều. Tiệc tan, chúng tôi cũng dọn dẹp xong, sau đó tôi đi tìm được anh công nhân để nhờ giới thiệu một người thợ máy. Chuyện vãn một lúc lâu, tôi chở vợ tôi trên chiếc xe Lambretta sport cổ điển rời khỏi bến sông. Đi vào trong xóm, còn xa mới ra đến đường Phạm Thế Hiển, đã thấy phía trước môt đoàn người bị trói thành một giây đang bị dẫn đi. Thấy tôi, anh công an khu vực khi nãy hất hàm kênh kiệu:

- Thấy chưa?

Tôi đùa lại:

- Anh phát tài rồi!

Vỏ thuyền có rồi, bây giờ đến giai đoạn làm máy. Công đoạn này, và trong giai đoạn 1987 này mới thật vất vả. Tôi còn nhớ hồi đầu phong trào vượt biên, người ta tìm kiếm vỏ tàu phải là dài hơn hai mươi mét, mười chín là bị chê rồi. Máy thì chọn Yanmar tám lốc đầu bạc, hèn cũng phải sáu lốc, bốn lốc là bị chê, đầu xanh cũng chê... Còn bây giờ thì bói cũng không mua nổi một máy hai lốc được cho là tạm ổn. Cuối cùng chúng tôi chọn mua trong đống phế liệu một thân máy hai lốc thật cũ xì hiệu Kiloska sản xuất tại Ấn Độ - anh thợ máy, người tôi nhờ đi mua giải thích:

- Cái thân máy này có thể cải tiến được.

1. Thân máy rất dầy, các máy dẫn nước giải nhiệt còn nguyên chưa bị nước biển bào mòn gây rò rỉ.

2. Trục máy rất lớn có thể mài mà không sợ yếu.

3. Phần thân đặt cylinder rất dầy tha hồ xoáy, để thay cặp cylinder to nhất.

4. Cá bộ phận khác ta còn có thể kiếm ra...

Khi đem về tái tạo, chúng tôi thay vào bằng một cặp cylinder Yanmar và một cặp Píton Kubota mới toanh, chỉ còn thiếu một cây lap cốt cam. Anh thợ máy lại một phen vất vả mất mấy ngày mới vác về một cây lap, hình như được tháo ra từ một cái máy điện nào đó, sau khi anh hì hục chế biến, rồi cũng lắp vào được.

Tiện, xoáy, đục, đẽo, cắt, mài thôi thì đủ cả... Các công đoạn giờ đã hoàn thành. Chúng tôi cho nổ máy thử, tiếng nổ âm vang, từ dòn tan như bắp khi ga thấp, cho đến rền êm khi tăng ga lên tối đa. Chiếc thủy động cơ của chúng tôi giờ đây như mới, tôi bảo đảm ngay đến ông chủ hãng Kiloska Ấn Độ có thấy cũng không dám nghĩ đó lại là từ sản phẩm của mình.

Máy được lắp đặt vào vỏ thuyền xong xuôi, chúng tôi chuẩn bị cho bữa tiệc khao quân trên sông nước. Thức ăn đã được bày ra ở khoang trên, rượu, thuốc lá đã sẵn sàng. Tôi mường tượng chút nữa đây, vừa cầm lái cho thuyền vun vút trên sông, vừa nâng ly chúc tụng nhau cho bõ những ngày mồ hôi chảy...

Đến giờ hoàng đạo, anh thợ máy lệnh cho tài công quay máy. Tôi đứng cạnh anh, chờ sai bảo khi cần. Máy nổ rộn ràng tựa tiếng vỗ tay chào mừng của một đám đông. Anh thợ máy ra lệnh tiếp cho tài công gài số tới và kéo ga... rời bến. Thuyền giật lên chuyển mình. Tất cả mọi người hoảng hốt! Thay vì thuyền tiến lên rời bến, thì nó lại thụt lui thật mạnh... suýt gây tai nạn phía sau... Anh thợ máy hoang mang suy tính... Tôi trấn an:

- Thôi thì... ta vừa bàn vừa nhậu... Thịt rượu sẵn sàng rồi...

Kiểm tra thật kỹ từng động cơ qua hộp số đến chân vịt... không có gì sai sót. Vậy nguyên nhân từ đâu? Máy vẫn nổ nhẹ nhàng khi khởi động... Tắt máy để kiểm tra thật kỹ vẫn không thấy gì bể gẫy... Thôi đây rồi... Tôi chợt hiểu: Tất cả chỉ tại cây cốt cam... Một thứ: “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Từ những kiểm tra thực tế đó, tôi đi mua ngay một cái chân vịt trái chiều. Cuối cùng thuyền của chúng tôi: Lui tới ngon lành như bao thuyền khác. Nhưng khi kiểm tra về tốc độ... mới thật là số dách! Máy mạnh thuyền chạy nhanh là chuyện rất bình thường. Trong trường hợp thuyền của tôi chỉ có chúng tôi mới biết: nó mạnh nhỡ cặp cylinder và piston quá khổ!

Chúng tôi đăng ký vào Hợp tác xã Đánh cá Nhà Bè. Từ một người mất chỗ đứng trong xã hội “Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” giờ đây tôi đã trở thành thuyền trưởng kiêm thợ máy và “chỗ đứng của tôi nhất định là trên con thuyền” này rồi! Vợ tôi là chủ phương tiện đánh cá này, hay nói cho oai là chủ tàu đánh cá! Lương, em trai vợ tôi là tài công, cô vợ tôi, chị gái tôi, em gái vợ tôi là thuyền viên! Thành lập một danh sách như thế để đi đăng ký hành nghề đánh cá, tôi mới thấy một khoảng trống không thể nào chấp nhận được! Bạn đi đánh cá ven biển thì có thể là đàn ông, đàn bà, già trẻ gì đều được ráo... Nhưng chỉ có hai mống đàn ông là không thể được! Khi ra khơi lỡ một người ốm đau thì sao? Cuối cùng chúng tôi phải rủ thêm anh Bình, một bạn hàng xóm tham gia, với điều kiện anh phải góp vào năm chỉ vàng. Đây chỉ là điều kiện chúng tôi cầm chân anh mà thôi. Cho đến lúc đó, thông thường vượt biên vẫn phải là ba “cây” trở lên, điều kiện chúng tôi đưa ra làm anh ngỡ ngàng... Dĩ nhiên là anh mừng húm, bắt ngay.

Kể từ lúc đó chúng tôi chăm chỉ hành nghề! Nếu ai tinh ý sẽ thấy chúng tôi xuất bến ra khơi kể cả các ngày giông gió lớn. Đi đi về về đến độ sạp đường, đậu, bột của vợ tôi tại chợ Hòa Bình cứ mỗi ngày một teo lại. Thực ra những ngày ra khơi là tập cho quen để không say sóng, tập nhảy sóng ra sao, tập đoán thời thiết bằng cách nhìn ráng trời, mây, nước, và cũng là quan sát địa hình cũng như thực trạng hoạt động của biên phòng và của các tàu đánh cá quốc doanh. Buổi tối, tôi thường neo thuyền và đăng ký tạm trú tại bến công an biên phòng cửa sông Rinh. Mỗi lần được phép đi đánh cá là phải mua cá để khi về có cá bán cho Hợp tác xã, hay ít nhất cũng phải có chút đỉnh làm quà cho biên phòng và công an dọc bờ sông. Năm 1986, Tường Vân em gái của vợ tôi được người anh họ đưa đi đã đến bến tự do. Từ đảo Galang cô gửi thư về, ngầm chỉ đường cho tôi tìm gặp người taxi chở cô.

Nắm rõ tình hình, tôi ra bến xe mua vé đi Bà Rịa, đem theo xe đạp. Còn cách Bà Rịa mười tám cây số, tôi xuống xe, đạp khoảng hai cây số, tôi thấy một xe nước mía bên đường, ghé vào nghỉ chân, kêu một ly nhâm nhi giải khát, nhìn sang bên kia đường... Tôi tìm thấy một căn nhà tranh vách đất, trên vách gần cửa có trổ một cửa sổ tròn, nhìn qua bên phải có một trạm sửa xe màu xanh dương. Băng qua đường tôi đi thẳng đến căn nhà tranh. Từ sân nhìn xuyên qua nhà vào tận bếp, tôi thấy một người đàn bà và một đứa nhỏ, tôi mạnh dạn lên tiếng như một người quen:

- Chị Cang ơi! Anh Cang có nhà không?

Người đàn bà bế con ra ngó tôi lom lom:

- Anh... Mà xin lỗi.. Anh là ai?

- Tôi là anh của cô Vân.

- Cô Vân nào cà? Mà anh tìm anh Cang có chuyện gì không?

Tôi nghĩ người đàn bà này thật khôn ngoan, kín đáo, biết rõ việc của chồng mà chị ta vẫn vờ như không biết.

- Cũng có chút việc muốn nói với anh ấy, chị có biết bao giờ anh ấy về không?

- Mọi khi giờ này về rồi, còn hôm nay thì tôi không biết.

- Thôi được! Tôi ra ngoài một lát, chút nữa tôi quay lại vậy!

Tôi vừa quay ra thì chị vợ reo lên:

- Kìa, anh ấy về rồi.

Tôi thấy một anh chàng thanh niên khoảng gần ba mươi tuổi từ ngõ bước vào sân, dáng đi vững vàng chắc nịch, khổ người cao to cân đối, nước da nâu bóng nhẫy, rõ ra một người suốt ngày sống với sóng gió thiên nhiên. Nét phong trần phóng khoáng của anh khiến tôi có tình cảm ngay khi gặp mặt.

Thấy tôi, đôi lông mày Cang hơi nhíu lại, thì chị vợ lên tiếng:

- Anh đây là anh của cô Vân.

- Làm sao anh biết mà ra đây?

- Em tôi viết về giới thiệu cho tôi, mấy tháng trước cô ấy đã ở đây vài ngày, nên tôi ra đây để cám ơn anh chị.

Hình như Cang còn do dự, chưa đủ tin, tôi tung thêm đòn tối hậu:

- Lúc mới đến đây nhìn thấy chị Cang, tôi đã hoàn toàn tin là tôi đã đến đúng nhà và tìm đúng người, vì chiếc áo sơ mi mà chị đang mặc, chính là chiếc áo quen thuộc mà ở nhà em Vân thường mặc.

Đến lúc ấy Cang mới chịu đưa tay ra bắt tay tôi và vui vẻ mời tôi ngồi uống nước.

Lúc đó đã quá trưa, chị Cang nhanh nhảu dọn cơm và mời tôi cùng ăn với anh chị. Xong bữa thì chúng tôi đã thực sự thân tình. Anh pha hai ly cà phê rồi kéo tôi ra sau nhà ngồi dưới gốc điều (đào lộn hột) xum xuê rợp bóng. Tôi hỏi anh:

- Bữa trước cá lớn của anh Diệm nằm có xa không?

- Khoảng một giờ taxi thôi.

- Từ đấy ra biển bao xa?

- Gặp lúc nước ròng cũng chỉ khoảng một giờ đồng hồ.

- Có thể tìm được bến khác tốt như thế không?

- Ăn thua là cá lớn, lớn hay nhỏ thôi, nếu chỉ bằng của anh Diệm thì vùng này thiếu gì vùng có thể làm bến.

Tôi đề nghị anh Cang cho tôi đi chơi một vòng, nhân tiện thăm cho biết bến của anh Diệm ra sao. Cang lấy đưa tôi một bộ quần áo của anh để tôi “giả dạng thường dân”, mặc dù bộ quần áo của tôi đang mặc trên người chẳng đáng giá gì.

Trên chiếc Tam bản, tôi ngồi đằng mũi, cũng hờ hững cầm theo một mái chèo. Cang ngồi lái, con thuyền uốn lượn đưa tôi đi như đi trong một mê hồn trận. Thật là một vùng trời nước mênh mông luồn lách dọc ngang chằng chịt, nếu không phải là người địa phương, đã vào đây cầm chắc sẽ lạc lối, khó tìm được đường về. Ấy thế mà Cang luôn miệng giải thích chỗ này là gó ếch, chỗ kia là vũng cua...

Lúc này nước đang dâng lên và bóng tồi bắt đầu phủ xuống. Chúng tôi ra về, đêm đó tôi nghỉ lại nhà Cang.

Sáng sớm hôm sau, theo đề nghị của tôi, Cang đưa tôi ra biển. Cũng may lúc đó nước vẫn còn ròng, nên khoảng hai tiếng sau thì tôi đã nghe tiếng sóng biển rì rào. Cửa rạch mỗi lúc thêm mở rộng... Trước hình như có một cái đảo chặn ngang tầm mắt. Cang bảo chúng tôi đã ra đến biển, vì lúc này nước đã hết ròng, mép nước biển cũng đã rút ra xa, nên mới thấy được trọn vẹn cả bãi bùn lẫn cồn đất đang bồi. Lúc nước lớn mặc cồn hoàn toàn chìm dưới mặt nước sâu khoảng ngang thắt lưng, tuy nhiên các lùm cây vẫn xanh um. Chúng tôi bơi xuồng vòng ra phía ngoài mặt cồn cạn. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn ra khơi, nhấp nhô đây đó những con thuyền đánh cá. Xa xa về bên trái là một dốc đá, trên đó thấp thoáng có một ngôi chùa, Cang cho biết ngôi chùa bỏ hoang từ lâu, bây giờ chỉ là chỗ nghỉ trưa, ăn cơm của những người mò cua bắt ốc. Ngay bên dưới chỉ là vũng bùn, nên tất cả những ghe cào cũng lánh xa. Xa hơn nữa là cửa sông Rinh, mà bên kia là đồn công an biên phòng nằm gần như dựa vào chân núi lớn Vũng Tàu. Về bên mặt chúng tôi, lác đác những hàng cột đáy, càng xa về huyện Duyên Hải và Vam Láng cột đáy càng thêm dày đặc.

Lúc trở về, vì là nước dừng và cạn nên chúng tôi phải chèo thuyền rất vất vả, phải mất một thỡi gian dài gấp hai lần chuyến đi, mới về đến nhà. Tuy vậy có một cái lợi là tôi quan sát được độ nông sâu của con rạch, căn cứ vào các thân cây để lại vết bùn rêu bám vào khi nước lớn. Trước khi rời nhà Cang, tôi hỏi;

- Sao anh không tự lực làm một mình mà phải dựa vào người khác? Tôi thấy anh cũng tháo vát lắm mà!

- Chúng tôi chỉ mới đến đây đây được vài năm thôi nên không quen biết nhiều.

Về lại Sài Gòn tôi tìm mua được một bản photocopy bản đồ hải hành thuộc vùng cửa sông Rinh để nhận định được rõ vị trí mà tôi và Cang đã đi suốt một ngày rưỡi trên thực địa. Tôi thấy có thể chọn vùng này làm nơi xuất phát. Tôi đem dự kiến của tôi bàn lại với ông già vợ và trình bầy khái quát: Buổi đi biển chót, không về bến, đợi đến tối khuya khi nước lên, dẫn thuyền vào lạch mất một giờ, bốc dầu, bốc lương thực, bốc người tối đa một giờ, quay thuyền trở ra biển thêm độ một giờ nữa, là khoảng độ ba tiếng đồng hồ tất cả. Như vậy khoảng ba giờ ba mươi sáng thuyền sẽ thong thả ra khơi, như bất kỳ một thuyền đánh cá nào khác. Nghe xong ông già vợ tôi phản bác ngay:

- Vẫn hoàn toàn bị động! Này nhé, từ lúc bắt đầu vào lạch là lúc thuyền trở nên bất hợp pháp, ba giờ là tối thiểu, lúc nào thuyền cũng bị lệ thuộc vào con nước, ba giờ đầy bất chắc cho thuyền không phải là ngắn ngủi. Nếu thuyền không gặp rủi ro, nhưng nhóm taxi gặp phải thì thuyền vẫn bị vạ lây, không có cách nào gỡ ra được! Tại sao ta không đem điểm xuất phát ra tuốt bên ngoài?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx