Tôi về nhà, đã non trưa. Hóa ra tôi đã ngồi trò chuyện với ông già chăn vịt gần ba tiếng đồng hồ.
Cau lúi húi nấu cơm dưới bếp. Nó bảo tôi:
- Hôm nay chỉ có hai chị em mình ăn cơm thôi. Mẹ em sang nhà cô Nhài làm giúp đám cưới rồi ăn ở đó luôn.
Nó bảo tôi ra vườn hái một nắm lá lốt.
- Để bỏ vào canh ếch. Chị đã ăn canh ếch nấu lá lốt bao giờ chưa?
Tôi rửa nắm lá lốt đưa cho Cau và đáp:
- Chị chưa bao giờ ăn ếch cả.
Cau nói:
- Thế thì dại quá. Thịt ếch ngon ghê lắm. Người ta đã bảo gà đồng mà lại.
Rồi nó đọc luôn:
Măng chua nấu với gà đồng
Chơi nhau một mẻ xem chồng về ai?...
Tôi cười rũ ra. Chúng tôi cùng ngồi trước một chiếc nồi đất đang sôi lục bục trên bếp lửa. Cau giải thích cho tôi hiểu rằng các món canh như cá, cua, lươn, ếch nấu nồi đất thường ngon hơn nồi đồng, xoong nhôm, vì đất hút hết mùi tanh. Ở làng này, người ta thích ăn canh cua, canh lươn và canh ếch. Canh lươn cho rau răm, hành, còn canh ếch cho măng mụt tước nhỏ với lá lốt và ớt chỉ thiên. Món nấy ở làng quê đơn giản vì người ta còn vội làm nhiều việc khác. Nhưng nhất thiết phải tươi và nóng. Bưng nồi canh ra, mở vung là hơi phà lên mù mịt, mùi lá thơm bốc lừng nhà, thế mới đạt tiêu chuẩn.
- Đây này, chị xem nhé...
Cau bảo tôi. Miệng nói, tay nó mở vung nồi. Trong lớp hơi nước bốc mù mịt, tôi thấy những miếng thịt ếch trắng nõn nhào lộn với nhiều sợi dài như sợi bánh đa, đó là măng mụt và măng vòi tre tước nhỏ. Cau nêm một thìa tương vào nồi canh, rồi ném nắm lá lốt thái nhỏ vào. Xong nó hối hả bắc ra ngay, không để những sợi rau thơm kịp chín. Thằng bé lấy chiếc vung đất úp chặt miệng nồi lại, bảo tôi:
- Được rồi đấy, chị bưng ra mâm cho em.
Trên mâm, đã có đĩa cá bống kho tương khô lăn lóc. Cau xới cơm ra bát rồi mở vung nồi canh.
- Nào, ăn thôi.
Mùi canh ếch bốc lên ngọt ngào. Những miếng thịt ếch còn tươi rói nên vừa trắng lại vừa ngọt. Tuy không có mì chính, chỉ nêm tương ăn cũng tuyệt vời. Chỉ có điều đáng tiếc là canh rất cay, tôi ăn ớt chưa quen nên ho sặc sụa.
Ăn xong, chú bé phải tới trường ngay. Chỉ còn mình tôi nằm nhà, lắng nghe tiếng mọt đục gỗ và những con thạch sùng tắc lưỡi trên mái gianh. Tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ với ông già chăn vịt lạ lùng buổi sáng. Cặp mắt hiền hậu và tinh anh của ông hiện lên trước tôi, khích lệ:
- Nào hãy dũng cảm mà tiến lên, cô bé.
Ô, nhưng tôi sẽ tiến lên bằng con đường nào cơ chứ? Việc lánh nạn lên một trường huyện xa xôi nào đó thì đã hết hy vọng rồi. Ở lại thị trấn, nhìn tụi bạn ngày ngày cắp sách tới trường, tôi không thể nào chịu nổi. Nơi đó quá khứ oanh liệt của tôi chưa phai mờ trong tâm trí mọi người và do đó nó sẽ không ngừng day dứt tôi. Về quê ư? Cũng không được vì ở đó tôi cũng đã trót được coi như hình tượng tốt đẹp nhất cho lũ trẻ trong họ hàng học tập. Hay tôi xin làm thợ nhỏ ở một xưởng cơ khí hay nhà máy nào đấy? Cũng không được vì tôi đâu đã đến tuổi lao động... Cuối cùng, tôi chợt nhớ đến bố tôi. Con người thân yêu nhất nhưng lại xa biền biệt đến nỗi tôi chẳng kịp nghĩ tới trong những lúc vui sướng cũng nhu khi đau khổ. Bây giờ tôi bỗng dưng nhớ tới người. Có lẽ vì một thằng bé nào đó bị bạn đánh vừa khóc vừa gọi “Bố ơi” ở ngoài đường. Tiếng gọi của nó vọng vào trong nhà, đánh thức những ý nghĩ trong tôi: “Ồ, mình cũng có một người bố. Lẽ ra trong lúc này, tôi cũng có thể gọi: “Bố ơi, con khổ quá, bố bảo con làm gì bây giờ? Bố có thương con không? Bố che chở cho con và đừng ghét con...”. Và khi đó, chắc chắn bố sẽ ôm tôi vào lòng: “Con Bê của bố, làm sao bố ghét bỏ con được. Bố sẽ che chở cho con. Bố sẽ dìu đỡ con...”
Lần nào về phép, bố cũng ôm tôi tha thiết, âu yếm như thế. Vậy mà những lúc đó tôi lại cố gắng chui khỏi vòng tay bố để nhông ra phố chơi, để khoe với lũ bạn chiếc túi thổ cẩm hoặc chiếc vuốt hổ treo ở sợi dây đeo cổ. Tôi chê người bố có mùi thuốc lá và mùi hăng hăng là lạ mang ở trên rừng về.
Mẹ tôi mắng:
- Con nhà bất hiếu.
Còn bố chỉ cười hiền lành. Rồi bố chìa tay:
- Bê ơi, bố con mình ra sông tắm nhé. Bố nghe mẹ viết thư kể rằng con bơi vượt sông được rồi, bố mừng quá. Cả đồn biên phòng của bố đều biết tin con Bê đã vượt được sông... Nào, bố con mình cùng nhau bơi thi chứ?...
Chao ơi, những giờ phút đó ngắn ngủi và mau qua. Bây giờ bố đang làm gì trên miền rừng xa xôi đó? Bố có biết tôi đang đau khổ và đang khóc vì nhớ bố không?
Ngoài đường, thằng bé lúc nãy bị đòn lại khóc ré lên, gọi:
- Bố, bố ơi...
Tôi chợt nảy ra ý nghĩ: lên biên giới tìm bố. Hai bố con sẽ được ở với nhau cho tới vụ hè. Rồi sẽ định liệu năm học tới. Đằng nào thì tôi cũng phải bỏ hẳn năm nay. Ở trên đồn biên phòng heo hút đó, chắc bố nhớ tôi ghê lắm. Tôi lên, chắc bố sẽ mừng biết bao. Tôi sẽ mang kim chỉ vá áo quần rách cho bố. Tôi sẽ mang thuốc lá, dầu cù là, thuốc ho cam thảo và ô mai mơ cho bố... Tôi quyết định ngay: Mình sẽ đi. Dẫu sao mình cũng là con một đại úy mà kinh nghiệm chiến đấu và lòng dũng cảm khiến nhiều cán bộ cấp tá phải kính nể. Đã nhiều lần tôi nghe bạn bè bố nói vậy. Tôi phải đủ can đảm để lên miền biên giới đó, đứng ở cửa đồn biên phòng mà gọi to:
- Bố ơi, con Bê của bố đã lên.
Bố tôi sẽ ngẩng đầu lên, kêi:
- Trời đất, thật hay mơ thế này. Các cậu nhìn xem, con Bê của tôi đã lên tới tận đây sao?...
Viễn cảnh tươi đẹp khiến tôi vui vẻ, lòng nhẹ lâng lâng. Tôi cứ nghĩ tới đó mãi và trôi vào giấc ngủ êm ái, dễ chịu.
Khi tôi tỉnh dậy, đã gần năm giờ chiều Mẹ Cau về, đem theo gói xôi lớn:
- Cháu ăn một nửa, phần em Cau một nửa.Chiều nay khỏi phải nấu cơm. Phần cô, cô đã ăn no nê rồi.
Xôi đám cưới là xôi gấc đỏ tươi, vừa ngọt vừa béo ngậy mỡ. Tôi ăn xôi xong, chào cô để ra bến sông chờ Loan. Lần này chỉ năm phút, cô bạn đã tới.
Tôi hỏi:
- Mẹ cậu khỏe chưa? Sao cứ ỉu xìu thế?
Loan đáp:
- Mẹ tớ đỡ rồi. Nhưng hai người em của mẹ tới dưới quê lên. Các cậu ấy tới nhà lão cai Cân đòi tiền. Lão chửi ầm ĩ và sai hai thằng con ra cổng đuổi. hai cậu tớ kéo cả một dây đàn ông trong họ tới định đốt nhà. Thế là chính quyền, công an phải tới can thiệp. Chuyện ầm lên, tớ xấu hổ quá.
Tôi an ủi cô bạn:
- Người lớn họ đánh nhau. Mình dính gì vào đấy mà sợ?...
Rồi tôi kể cho Loan nghe ý định của tôi. Loan kêu thét lên. Tôi tưởng nó hoảng sợ can ngăn, không ngờ cô bạn hí hửng nói:
- Tớ đi với. Nhất định đằng ấy phải cho tớ đi. Hai đứa mình sẽ cùng đi. Thú thật!
Tôi lắc đầu:
- Không được. Nhiệm vụ của cậu là phải ở nhà học. Học cho giỏi để sau này còn kèm cặp tớ.
Loan kêu to:
- Tớ không thể học được nữa. Đằng ấy thì lang thang. Mẹ tớ thì nằm trên viện. Chuyện nhà ầm ĩ lên, tớ không dám nhìn mặt ai cả. Đến bố Thế, tớ cũng phải tránh đi...
Tôi nói:
- Tự dưng bỏ học, có họa là người điên.
Loan bướng bỉnh lắc đầu:
- Không. Tớ quyết sẽ đi. Xưa nay, tớ cứ làm theo sự chỉ huy của đằng ấy. Bây giò, tớ làm theo ý mình.
Tôi chưa kịp đối đáp, Loan dọa thêm:
- Nếu đằng ấy không cho tớ đi, tớ sẽ báo mẹ đằng ấy tới đây bắt đằng ấy về nhà. Nào, suy tính đi.
Tôi chưa bao giờ thấy Loan hạt mít tỏ ra bướng bỉnh và đáo để như lúc ấy. Tôi nghĩ bụng: Có khi mình phải nhượng bộ nó thật. Mà kể ra, đi hai đứa cũng vui hơn... Tôi đành dàn hòa:
- Thôi được. Nhưng gặp khó khăn gian khổ dọc đường, đừng có oán tớ, nghe chưa?
Loan mừng cuống quýt, và nó trở lại hiện lành, êm ái ngay tức khắc:
- Mình hứa mà... mình hứa là sẽ...
Tôi ngắt lời:
- Còn chuyện này nữa. Số tiền hai trăm cậu lấy ở đâu? Nếu là tiền phi nghĩa thì phải trả ngay.
Loan chợt ngẩn ra, thở dài. Sau đó, nó khẽ nói:
- Hồi mẹ tớ bán nhà, chú tớ không đồng ý. Vì đất là nhà của ông bà nội để cho. Nhưng mẹ nghe lão cai Cân cứ bán. Chú tớ khóc, bảo tớ rằng: “Cháu tìm cách lấy lại một món tiền trong số tiền bán nhà để lập bàn thờ cúng vong hồn bố cháu. Chú tàn tật yếu hèn, chú không giữ được mảnh đất tổ tiên để lại. Chú xin thắp ba nén nhang để vong linh bố cháu chứng giám cho tấm lòng ...”. Thế rồi, từ đó tớ rình mãi nhưng không có cơ hội. Một hôm, tớ đang ngồi đi đồng trong chuồng xí chợt thấy thằng con lớn lão cai Cân chạy xuống nhà tắm, lật ngói lên, giấu một gói giấy. Tớ đoán chắc đó là tiền. Tụi con lão luôn tìm cách ăn trộm, ăn bớt tiền của bố. Chờ cho nó ra phố, tớ nhấc viên ngói, lấy gói tiền cất đi. Hôm sau thằng đó cứ quanh quẩn tìm nhưng không dám kêu. Nó hậm hực kiếm cớ đánh thằng em. Còn tớ, tớ chờ dịp đưa cho chú tớ làm bàn thờ, nhưng chưa thấy chú lên. Bây giờ, tớ nghĩ đằng ấy cần tiền hơn...
Tôi lắng nghe chuyện. Lòng tôi bỗng dấy lên nỗi chua xót. Bố Loan ngày xưa là chú thợ cơ khí khỏe mạnh, đẹp trai, hiền như đất. Tôi nhớ hai cánh tay lực lưỡng của chú thường tung Loan và tôi lên cao. Hàm răng trắng ánh khi chú cười. Và mỗi khi chú khom lưng làm ngựa cưỡi, chúng tôi thương kêu:
- Ếp ếp, nhong nhong...
Người đàn ông tốt bụng hiền lành đó đã chết đột ngột làm sao! Em chú, một anh thợ rèn ở làng, khập khiễng, nhút nhát tới mức chỉ cần một đứa trẻ hay một cô hàng xôi trêu cũng đỏ mặt lên, lưỡi líu lại. Người em đó đã không đủ sức giữ mảnh vườn mà anh mình đã tưới biết bao mồ hôi lên.
Loan thấy tôi im lặng hồi lâu, hỏi:
- Đằng ấy bảo sao?
Tôi thở dài:
- Thôi cũng được. Coi như đây là tiền của bố cậu. Chúng mình sẽ dùng nó vào chuyến đi này. Khi nào có dịp, ta sẽ lập bàn thờ và cúng vong linh cho bố cậu.
Rồi tôi dặn Loan những công việc cụ thể: Phải lấy đủ quần áo, nhất là áo rét vì miền núi khí trời lạnh lắm. Phải tìm bằng được lá thư bố tôi đề địa chỉ và ghi rõ đường đi. Mẹ tôi đã theo đường này lên thăm bố khi tôi chín tuổi. Phải vào phố mua khăn mặt, bàn chải và thuốc đánh răng, kẹo bạc hà, ô mai cam thảo, thuốc lào, kim chỉ, phong bì, giấy viết thư với tem. Ngoài ra, phải nhớ mang chiếc hộp bằng nhôm ở nhà đi. Thứ nồi lưu động đó, nấu ăn dọc đường là tiện nhât. Các chú bộ đội đã bảo thế.
Tôi ra lệnh:
- Cậu phải chuẩn bị tất cả mọi thứ trong vòng ba tiếng đồng hồ. Đúng chín giờ, mình lại chờ cậu ở đây. Ta ra đảo kho tàng. Sớm mai, lên đường.
Loan nín thở, nghe tôi nói. Mắt nó long lanh, đầy xúc động. Tôi cũng thấy hai đầu gối run run. Chao ôi, thiêng liêng làm sao cái phút giây trước chuyến đi xa đầu tiên của cuộc đời. Loan về thị trấn, tôi quay lại nhà chú bé Cau, xin mảnh giấy viết thư cho mẹ:
Thưa mẹ kính yêu của con,
Con rất đau khổ vì đã gây cho mẹ những nỗi lo buồn. Con mong mẹ tha thứ cho con. Ngày mai, con sẽ lên đường đi xa, con sẽ tiến lên bằng đôi chân bé nhỏ và lòng dũng cảm của mình. Con sẽ cố gắng để trở thành con ngoan của mẹ, trò yêu của bố Thế. Mẹ đừng lo cho con. Lúc nào con cũng giữ một tâm hồn trong sạch và ngay thẳng. Mẹ ở nhà đừng ốm và đừng buồn vì con nữa. Con chắc mọi người không nỡ quên con. Trước khi đi, con gửi mẹ và tất cả họ hàng ruột thịt nhà ta lời chúc tốt đẹp.
Con gái mẹ: Vũ Thị Bê
Tái bút: Loan đi cùng với con. Mẹ nói để cô Lưu yên tâm.
Gập lá thư làm tư, tôi bỏ vào túi quần. Rồi tôi lấy trong số hai trăm, ba mươi đồng, đặt dưới gối chú bé Cau. Và không nói một lời, tôi lẳng lặng ra dòng sông xanh quen thuộc. Giá ban ngày, tôi đã có thể thấy được làn nước trong với những gợn sóng lăn tăn, những đám cỏ mềm xanh như lá liễu và bầu trời lơ soi mình trên đáy nước. Nhưng bây giờ là đêm, nên tôi chỉ có thể lắng nghe tiếng gió rì rào và tưởng tượng ra chúng mà thôi. Tôi tìm được cái thuyền của bà An Lạc rồi. Chút nữa, tôi sẽ chở Loan ra đảo. Sáng tinh sương mai, chúng tôi sẽ đi bộ lên một ga xép cách thị trấn năm cây số và lên tàu. Trước khi lên tàu, tôi bỏ thư cho mẹ. Khi chúng tôi tới một thị trấn cách ga hơn một trăm cây số, mẹ sẽ nhận được thư tôi.
- Trời ơi, con gái của mẹ, sao con dại dột thế?... Sao con bỏ mẹ ra đi? Giờ này, con gái tôi bơ vơ ở đâu rồi?
Mẹ sẽ nức nở gục đầu lên chiếc bàn chất chồng vở học trò chờ chấm.
- Mẹ ơi, con không dại dột đâu, và mẹ cũng đừng lo cho con bơ vơ giữa cuộc đời...
Tôi thầm nói với mẹ như vậy. Và nước mắt tôi chảy ra tự lúc nào không rõ, ướt lạnh trên hai má.
Thôi, chào sông nhé, chào dòng sông thân yêu, chào hòn đảo đã cất giấu kho tàng và những bí mật tuổi thơ. Chào thị trấn quê hương. Tất cả ở lại nguyên vẹn, tươi đẹp. Và hãy chúc cho tôi một lời may mắn, trước khi tôi bước vào chuyên đi xa thứ nhất của cuộc đời.
@by txiuqw4