sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11 - Bài Học Đầu Tiên Trong Cuộc Hành Trình

Chuyến tàu dẫn chúng tôi vào cuộc phiêu lưu là một chuyến tàu chợ. Tàu chợ là tàu chạy chậm, đỗ ở tất cả các ga xép để đón khách. Khách đi tàu thường là dân miền xuôi lên trên núi mua khoai, sắn khô phòng ngày giáp hạt, dân buôn măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, gạo nếp, củ nâu từ miền núi về. Và cá mắm, cá khô, tôm tép ướp muối, các loại kim chỉ màu, phẩm nhuộm… tóm lại là trăm thứ đồ vặt vãnh ở dưới xuôi lên. Hàng hóa của họ đặt chồng lên nhau chặt như nêm cối. Lần đầu tiên đi tàu, tôi không khỏi choáng váng vì sự đông đúc, nhộn nhạo, vì tiếng trò chuyện, cãi cọ ồn ào, vì cả mùi trầu thuốc, mùi mồ hôi chua khẳn và mùi khai từ buồng vệ sinh đầu toa theo gió tạt xuống. Nhưng dẫu sao, đấy cũng là những giây phút đầu tiên chúng tôi rời tà áo mẹ, bước vào đời. Tôi và Loan đều hồi hộp khi con tàu thét lên hồi còi dài để giã từ cái ga xép chúng tôi vừa từ đó lên. Những toa tàu dồn nhau lịch kịch. Các đầu nối xô lại khiến hành khách ngã giúi giụi. Một làn khói trắng tuôn lên trời cao. Rồi con tàu chuyển bánh, lăn về phía trước.

Hai đứa tôi ngồi sát vào nhau. Mặc dù chúng tôi mua đủ hai vé, một bà buôn gạo to béo vẫn huých chúng tôi vào một xó để đặt bộ mông đồ sộ của bà vào ghế:

- Chúng mày là trẻ con, ngồi thu vào một chỗ trong kia.

Bà ra lệnh. Không đợi chúng tôi trả lời, bà bắt đầu mở túi lấy trầu ăn và nói chuyện oang oang với đám bạn buôn chuyến ngồi quanh.

Chúng tôi nhìn ra bên ngoài. Những cánh đồng quen thuộc lùi lại phía sau. Những thửa ruộng tôi và Loan từng đi tát cá dầu về nấu dưa. Dòng mương chúng tôi vẫn cùng nhau lội mò trứng vịt đẻ rơi. Trái đồi tròn, xanh um kia là trái đồi Đông Na, nơi có ngôi chùa xinh xắn, những trái đào ngọt lịm và những trái đu đủ chín cây đỏ hườm hườm. Bà vãi chùa thật hiền từ, còn lão già sống với bà là một conquỷ độc ác. Lão đã nhốt tôi trong căn buồng tối tăm, hôi mốc và khiến tôi đói lả suốt ngày đêm… Dòng mương thẳng tắp có những gợn sóng lăn tăn, dọc con đường bờ vùng học sinh trường tôi đã góp sức đào với dân xã. Chính cái hôm đào mương, trời vừa mưa vừa nắng, Ly đã bị cảm và bố Thế cõng nó đưa lên bệnh viện… Những kỷ niệm lần lượt hiện về khiến tôi xốn xang trong dạ. Loan cũng im lặng. Hẳn nó cũng đang xúc động như tôi. Khi con tàu rẽ vào một đoạn đường ngầm xuyên qua núi, tôi bỗng muốn khóc. Nhưng tôi không dám để cho Loan hạt mít biết mình yếu mềm như thế. Tôi ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ và đưa lưỡi liếm những giọt nước mắt mằn mặn đang theo nhau chảy xuống.

Con tàu chui khỏi đoạn đường hầm. Từ đây nó chạy giữa những trái đồi nối tiếp. Trái đồi nào cũng tròn và thấp, làng mạc bám xung quanh giống như những trái cam màu xanh.

- Các bà,các cô giúp cháu với. Cháu tìm mẹ cháu từ sáng tới giờ mà chẳng thấy đâu… Mẹ ơi i i!… Mẹ ở đâu rồi?

Tiếng kêu than của một đứa trẻ vang lên giữa lúc nhịp chuyển động đều đặn của vòng bánh quay đang làm mọi người gà gà ngủ. Riêng bà lái buôn to béo ngồi cạnh chúng tôi đã ngủ rất say, miệng há hốc, thở phì phò như bễ lò rèn. Mấy bà bạn buôn chuyến với bà cũng gục đầu xuống gồi ngủ mê mệt. Chỉ đám khách đi tàu bình thường như chúng tôi là quay lại nhìn đứa bé:

- Mẹ ở đâu rồi? … Mẹ ơi i i… Hu hu hu…

Nó cất tiêng than hời rồi khóc tức tưởi như bị đòn oan. Đó là một đứa bé trai trạc tuổi tôi, gầy gò, đen đủi. Đôi mắt đen, rất sáng nhưng không nhìn thẳng vào ai. Nó cứ mở trừng trừng, nước hàng mi dày lên như nhìn vào nỗi bất hạnh của sự cô đơn, của tai hoạ mà nó đang phải gánh chịu. Đôi vai gầy hơi so. Tóc dài lợp xuống tận gáy. Thằng bé mặc chiếc sơ mi kẻ sọc đã cũ bẩn và chiếc quần dài tới đầu gối. Những sợi vải tua lùa rủ xuống khách đi tàu, gồm những cán bộ, bộđội, sinh viên và hai đứa tôi, đều tỏ vè băn khoăn. Mấy người lớn tuổi sốt sắng hỏi:

- Nhà cháu ở đâu?

- Cháu ở Hưng Yên, làng Lệ Xá… Bố mẹ cháu bỏ nhau rồi. Mẹ cháu đưa cháu lên Lạng Sơn tìm cậu. Từ sáng đến giờ chẳng thấy mẹ cháu đâu nữa… Mẹ ơi i i!…

Thằng bé kể lể xong lại khóc, lại gọi mẹ bằng cái giọng vô cùng ảo não. Một chàng trai xoa đầu nó:

- Tại sao có hai mẹ con mà lạc nhau được? Chú trông cháu có đến nỗi khờ khạo đâu.

Thằng bé liếc nhìn anh rất nhanh và đáp:

- Cháu ngủ. Mẹ cháu cũng ngủ. Mẹ cháu bảo sớm mai tới ga mua bánh mì ăn. Lúc thức dậy, cháu không thấy mẹ cháu đâu nữa… Mẹ ơi i i… Mẹ ở đâu bây giờ?

Sau mỗi câu trả lời, đứa bé gọi mẹ càng thảm thiết hơn.

Mấy chị ngồi quanh tôi thì thào:

- Có lẽ mẹ nó không nuôi nổi nên bỏ con đi nơi khác.

- Hoặc chị ta theo nhân tình nhân ngãi nên bỏ con khỏi vướng thân chăng?…

- Ăn nói hồ đồ… Làm gì có thứ đàn bà quạ tha gà mổ thế!… Đến hổ cái cũng còn biết thương con, huống chi là người…

- Thế vì cớ gì mà thằng bé bị bỏ bơ vơ?

Mỗi người một ý, xôn xao bàn tán. Thằng bé vẫn đứng giữa đám đông, ngước đôi mắt sầu não lên, khuôn mặt lem nhem bụi bẩn và hoen nước mắt. Một chú bộ đội rút chiếc bánh mì kẹp thịt trong túi ra đưa cho nó:

- Chắc từ tối hôm qua tới giờ cháu chưa ăn gì?… Cháu ăn tạm chiếc bánh này. Bụng cháu thì cũng đủ no đấy…

- Cám ơn chú - thằng bé lắc đầu - Mẹ ơi, mẹ ơi!…

Nó không ăn uống gì mà đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm một cách vô vọng. Trong đám hành khách có người khẽ chép miệng:

- Nó là con nhà tử tế đấy. Đói thế mà có thiết ăn đâu… Nó mải tìm mẹ… Đến khốn khổ cho số kiếp con người…

Thằng bé không để ý những lời bình phẩm xung quanh. Nó đưa mắt nhìn tôi, vừa như ngạc nhiên vừa như muốn tìm một câu an ủi, một niềm cảm thông. Những kẻ đồng niên bao giờ cũng dế thân thiết với nhau hơn là với những người khác tuổi. Tôi nghĩ thế nên goi:

- Bạn có thể cùng đi với chúng tôi tới Lạng Sơn. Chúng tôi có đủ thức ăn dọc đường cho cả ba người đấy.

Mấy chị cán bộ hùn vào:

- Phải rồi, cùng tuổi đi với nhau dễ ăn dễ nói hơn. Cháu cứ lại ngồi với hai bạn gái cho vui. Tới Lạng Sơn, các cô dẫn vào đồn công an tìm mẹ…

Thằng bé im lặng đưa mắt nhìn chúng tôi. Rồi nó lại nhìn bà lái buôn to béo vẫn đang há hốc miệng như con cá ngão mà ngủ, thây kệ mọi chuyện trên đời.

Loan hạt mít sốt sắng chìa túi thức ăn gồm rất nhiều thứ: nào bánh dày kẹp chả, bánh giò, xôi nén, bỏng nắm ngào mật…

- Đằng ấy không lo tụi tớ đói đâu. Ối thức ăn cơ mà.

Đứa bé chừng như yên tâm, lặng lặng tới ngồi bên mép ghế đối diện với chúng tôi. Loan mời mãi, nó mới chịu ăn miếng xôi nén với chả. Mặt thằng bé buồn thiu khiến chúng tôi không dám hỏi thêm một lời nào về tình cảnh thương tâm của mẹ con nó.

Xình xịch, xình xịch, xình xịch,… Con tàu cứ chạy đều. Những trái đồi bên ngoài dần dần thưa thớt và cao hơn. Đã có những khoảng rừng ven chân núi đá. Không còn những thôn ấp trung du tròn trịa như những trái cam xanh mà chỉ có các xóm trại lơ thơ giữa thung lũng hoặc bám chênh vênh lưng chừng đồi. Ngắm mãi cảnh cũng chán mắt. Tiếng bánh tàu nghiến trên đường ray tạo nên một âm điệu đều đặn buồn tẻ khiến dần dần mí mắt tôi cứng đờ, rơi sập xuống. Tôi dựa đầu vào ghế mà ngủ. Trong giấc ngủ, gió lẹ làng từ ngoài ô cửa tới vuốt ve làn da và mái tóc tôi. Hương thơm của lúa, của những vườn cây xa xôi đưa tới. Tôi mơ thấy mình đang cưỡi trên lưng con ngựa hồng. Con ngựa xinh đẹp phi nhịp nhàng qua những dãy múi xanh thẳm vùng biên cương. Rồi nó hý vang lên khi tới trước một đồn biên phòng ở đỉnh ngọn núi cao chót vót. Tiếng hí của con ngựa hồng rung chuyển khoảng trời im vắng. Bố tôi ở trong chiếc lán nứa, phía sau mảnh sân cắm lá cờ bước ra, kêu lên mừng rỡ:

- Con Bê của bố, con Bê của bố lên tới tận đây… Này các cậu xem, con gái tôi có cừ khôi không?… Nó đã lên tới tận đây mà thăm chúng mình…

Có người đập vào vai tôi rất mạnh, nhưng không phải bố tôi mà là bà lái buôn to béo có cặp môi nứt nẻ quết trầu.

- Tới ga Voi Xô rồi đấy, chúng mày có xuống không?

Tôi giụi mắt, đáp:

- Chúng cháu còn đi xa hơn nhiều, bà ạ.

Loan hạt mít cũng vừa tỉnh dậy. Hẳn nó vừa được một giấc ngon lành, say sưa như tôi. Tiếng cô phát thanh viên trên loa ra rả:

- Tàu đã tới ga Voi Xô. Mời hành khách kiểm tra hành lý, trật tự xuống tàu. Ai đi trước xuống trước, ai đi sau xuống sau, không nên chen lấn, phòng kẻ gian móc túi.

Các bà các cô lục tục đứng dậy, tìm túi, tìm nải, quang gánh lên vai xuống ga. Tôi thò cổ khỏi cửa sổ để nhìn cái ga đầu tiên vùng trung du.

Chợt Loan hốt hoảng kêu lên:

- Bê ơi, túi quần áo đâu rồi?

Tôi quay vào, ngẩng đầu nhìn lên giàn gác hành lý. Chiếc ba lô đựng toàn bộ áo quần đồ đạc của chúng tôi đã không cánh mà bay. Thằng bé lạc mẹ ngồi đối diện với chúng tôi cũng biến mất. Bây giờ không phải thằng bé đó khóc mà chính Loan hạt mít hu hu.

- Mất hết áo quần đồ đạc rồi… Biết làm thế nào bây giờ? Hu hu hu…

Trong chiếc ba lô đó, tôi xếp đủ áo quần mùa hè lẫn mùa đông của hai đứa. Chiếc phong bì có vẽ đường lên Khậu Phai. Tất cả những thứ tôi sắm sửa để đem lên cho bố tôi và các chú bộ đội: kim chỉ, dầu cù là, khuy áo, tem thư, kẹo bạc hà ngậm ho, ô mai cam thảo, một cân đường phèn, ba lạng hàn the để quấy bánh đúc (Tôi nghe nói bộ đội hay thèm ăn mấy thứ quà vặt đó). Cả bộ Đông Chu Liệt Quốc. Ngoài ra số tiền dành dụm và pho tượng vũ nữ bằng bạc của bà ngoại Loan cho. Chao ơi, đối với chúng tôi, đó là một gia tài quá lớn. Vả chăng, khi bắt đầu cuộc hành trình đầy mạo hiểm này, tôi chưa hề nghĩ tai hoạ xảy ra với mình chua cay thế. Tôi cứ tưởng tượng cảnh gặp hổ ngang đèo, gặp tướng cướp từ các đám lau rậm xông ra giống như những chuyện bọn lục lâm đòi tiền mãi lộ thời trước… Ai dè kẻ gieo tai hoạ chỉ là một thằng nhãi gầy gò, loẻo khoẻo.

Loan hạt mít vẫn khóc nức nở.

Tôi cố gắng để không khóc. Tôi cũng khóc thì còn ra thể thống gì nữa?…

Đằng nào thì tôi vẫn là con chim đầu đàn, là người dẫn đường cho nó. Những hành khách xung quanh xúm lại hỏi thăm. Khi vỡ lẽ, người ta thốt kêu lên:

- Khiếp thật, kẻ cắp bây giờ đóng kịch giỏi hơn tài tử xi nê ma. Lúc nãy mình định gọi nó tới cho ăn nữa chứ…

- Trông mặt mũi hiền lành, sáng sủa thế… Ai ngờ được là quân lừa đảo…

Bà lái buôn to béo ngồi cạnh chúng tôi bĩu dài cặp môi khô nẻ quết trầu:

- Tại sao các ông các bà không gọi tôi dậy? Tôi mà dậy thì tôi tống cổ thằng lỏi con ra khỏi toa này ngay. Chuyến buôn xuôi bán ngược nào tôi chả gặp mặt nó. Lúc nó giả vờ lạc mẹ, lúc nó giả vờ bị chú dượng đuổi khỏi nhà. Lúc nó giả vờ bị mất hết áo quần, tiền bạc, nó đi xin từng người tiền về quê… Dân buôn chúng tôi nhẵn mặt nó nên cứ thấy tụi tôi là nó lảng ngay. Các ông các bà là ma mới nên bị vào tròng. Phải tay tôi, tôi cứ xách tai lên, vặn ra đằng sau cho lòi con mắt ra mới thôi…

Hết tràng diễn thuyết, bà chồm người ra cửa sổ nhổ nước quết trầu rồi bảo chúng tôi:

- Từ rày phải cảnh giác, các cháu ạ. Chúng mày là con nhà lành, ra đời dễ gặp quân mèo mả gà đồng gạ gẫm, lừa gạt lắm. Chớ có tin người mà chết.

Tôi ngao ngán nhìn túi thức ăn đặt dưới chân. Ra đi hay quay về? Lấy gì mà tiếp tục cuộc hành trình, khi trước mắt là con đường dài dằng dặc, không có một người thân quen, một nơi tựa đỡ?… Còn quay về thị xã với mẹ tôi, với hoàn cảnh hiện tại, trước những con mắt tò mò thương hại của mọi người?… Rồi sẽ có những bàn tay xoa đầu tôi và nói:

- Thôi, đừng có viển vông, ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung là chết đấy…

Hoặc:

- Cứ ở nhà nuôi gà cho mẹ mày vài năm cũng chẳng sao. Chưa vỡ bọng cứt đừng có đòi bay bổng…

Mới nghĩ tới đó, mặt tôi đã nóng ran lên. Tôi không thể hèn kém như vậy! Goóc Ki từng tự kiếm sống bằng nghề bới rác vụn, đánh giày, làm thuê… Vậy mà ông đã trở thành nhà văn lỗi lạc trên thế giới. Tại sao tôi không thể làm như vậy? Không phải để trở thành một nhà văn mà chỉ để kiếm đủ tiền lên chơi với bố tôi, một người lính biên phòng…

Tôi bảo Loan:

- Đừng khóc nữa. Đằng ấy có khóc hết nước mắt cũng không ích gì. Chúng ta vẫn còn cách sống.

Tôi nói thầm cho Loan biết rằng chúng tôi vẫn còn một trăm bảy mươi đồng. Số tiền hai trăm của Loan đưa, tôi cho mẹ con bé Cau ba mươi đồng, còn lại tôi khâu vào túi con ở lưng quần. Số tiền đó đủ mua cho mỗi đứa một bộ áo quần và chiếc áo bông. Còn lại, chúng tôi sẽ ăn uống dè xẻn để dành tiền mua vé lên Cao Bằng. Từ Cao Bằng lên đồn Khậu Phai, mọi chuyện sẽ tính sau. Loan nghe xuôi tai, không khóc nữa. Vả lại xưa nay nó vẫn tin tôi.

Bản tính nó ít lo nghĩ, tư lự. Chỉ mười lăm phút sau, Loan đã giở bánh giò ra ăn rồ vỗ tay cười toe toét khi thấy một con sơn dương chạy qua thung lũng ven đường. Tôi cũng ăn xong, ngồi tựa vào lưng ghế nghĩ ngợi. Dẫu sao, tôi không khỏi lo âu. Tôi chưa biết cái gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới. Và cuộc phiêu lưu của chúng tôi sẽ tới ngả đường nào?… Bên ngoài, những dãy nũi xanh rì tiếp tục lướt qua. Ánh chiều vàng rực trên sườn non đã nhạt, rồi bóng tồi bò từ những khoảnh rừng đen thẫm tới. Ngọn đèn điện đỏ quạch trong chiếc lưới sắt được bật lên, soi lờ mờ. Hành khách trong toa ăn no, chuyện vãn chán, gà gật gục vào nhau ngủ, Loan tựa đầu vào vai tôi, ngáy khe khẽ. Còn tôi, tôi không ngủ được. Mắt mở thao láo, tôi tìm một đốm lửa trong những hình thù quái dị của núi non đang trôi qua khung cửa con tàu. Ngày trước, bà tôi vẫn bảo, ban đêm gặp lửa cháy là gặp điềm may. Khi con tàu đi khuất vào một hẻm núi, tôi bỗng nhìn thấy một đốm lửa thật. Ánh lửa đỏ rực, lắt lay, chập chờn giữa thung lũng. Hình như một người dân nào đó đã gieo vào lòng tôi, một đứa bé xa lạ, niềm tin đinh ninh rằng mình sẽ gặp may mắn trong đời.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx