Ông già Mộc không chỉ làm nghề thợ mộc. ông cũng gieo lúa nương, trồng sắn, nuôi lợn, nuôi bò đàn như tất cả những người dân bản. Ngoài ra, ông còn săn thú và biết nấu cao. Trong nhà ông không treo những tấm da hổ, da báo. Ngực ông không đeo vuốt hổ, nhanh hổ như những tay thợ săn chuyên nghiệp ưa khoe tài, nhưng qua nhiều câu chuyện tôi thấy dân bản kính nể ông về tài săn thú và nấu cao là những nghề vốn dĩ không phải là của dân đồng bằng. Một chiều, theo lệ thường, tôi chuẩn bị bữa ăn. Ông già Mộc lúi húi phía sau nhà thay mấy tấm ván mục trên cầu thang phụ. Hôm đó, tôi và Loan bắt được ít ốc suối nên chúng tôi kiếm lá lốt, bày trò giã nghệ, thái thịt nấu nướng công phu hơn mọi bữa. Sắp được ăn, bỗng có người gọi phía trước:
- Ông Mộc ơi, ông Mộc có nhà không?
Tiếng Kinh rất rõ ràng, không hề pha trộn giọng vùng núi. Tôi bỏ chiếc muôi múc canh, chạy ra.
- Ông Mộc có nhà đấy chứ?
Một người đàn ông gầy gò, đen đủi hất hàm hỏi tôi, tự nhiên như ông ta bieté tôi từ lâu lắm.
- Ông cháu có nhà – tôi đáp – Mời ông ngồi chơi, uống nước đã.
Rồi tôi bảo Loan:
- Đằng ấy xuống gọi ông đi.
Loan đứng trong bếp, gọi gióng giả. Kỳ thực, không cần chúng tôi gọi, ông Mộc cũng đã nghe tiếng khách lạ vào nhà. Nhưng ông cứ lẳng lặng làm việc, dửng dưng. Thái độđó khác hẳn thái độ niềm nở của ông đối với dân bản.
Người khách cứ im uống nước, tự rút ra gói thuốc lá vụn, cuốn sâu kèn hút,nhẫn nại ngồi chờ. Khoảng nửa giờ sau ông già mới rửa chân tay vào nhà.
- Ông lên đây theo tiếng con cú kêu, hay theo lối con cáo dẫn?... Ông lại muốn rủ tôi nấu cao hổ, cao khỉ như năm xưa chăng?
Ông già mộc cất tiếng hỏi ngay, giọng không vui không giận, nhưng lạnh lùng.
Người khách cụp đuôi mắt, đưa bàn tay khô khốc gãi những kẽ ngón chân còn đầy bụi đường.
- Ông Mộc, chuyện đã qua rồi…
Ông già Mộc đáp:
- Chuyện ân nhớ nghìn năm, còn chuyện oán cũng phải trăm năm mới lạt dạ.
Người khách im lặng, mặt buồn xo. Đôi vai ông ta chảy xuống trong tấm áo màu xanh da trời đã nhem nhuốc cáu bẩn vì ghét bán và bụi đường. Mặt ông ta hóp lại, cằm nhọn hoắt. Cặp tai bé xíu và mỏng như hai chiếc mộc nhĩ dán vào da đầu. Đôi lông mày thưa thớt luôn cử động mặc dù bộ mặt ỉu xìu của cúi gằm xuống và cặp mắt như gằn vào một điểm trên tấm gỗ lát sàn. Ông già Mộc châm thuốc hút. Không ai nói được với ai một lời nào nữa. cho tới khi điếu thuốc đã tàn, ông già Mộc mới đứng lên:
- Thôi dẫu sao ông cũng lội suối, qua đèo tới đây. Ông vẫn là khách, ông ra sân sau rửa chân tay rồi vào uống rượu, ăn cơm… Nào, cháu Bê, cháu Loan. Canh ốc được chưa nhỉ?... Ông đói bụng lắm rồi.
Chúng tôi dọn cơm trên chiếc mâm gỗ đen bóng như sừng. Mân có chân cao nên ngồi sàn ăn rất tiện. Không phải xôi nếp mà là cơm gạo tẻ. Óc nấu thịt, nghệ, lá lốt, gần được như món canh ốc dưới xuôi. Thịt lợn rán và xào nấm hương.
- Chà chà, hai đứa làm bếp giỏi quá. Hôm nay ông phải uống ba chén rượu mới được.
Ông già Mộc cắt một lát cao hổ đen, mùi tanh, vị mằn mặn, cho vào chén. Ông cời mấy cục than hồng đặt chén cao chảy tan rồi rót rượu vào uống. Thỉnh thoảng ông cũng cho chúng tôi uống một tí rượu pha với nước đường chứ không cho uống cao. Ông bảo:
- Chưa tới tuổi bốn mươi, uống cao hổ với ăn nhung, thịt nứt ra. Không chết thì cũng không làm gì được.
Người khách lạ sau khi rửa chân tay, lặng lẽ ngồi xuống bên mâm. Ông già Mộc rót cho ông ta chén rượu và bảo:
- Ông đi đường xa mệt, cứ ăn no uống say rồi đi ngủ. Muốn chuyện gì mai nói.
Bữa cơm lặng lẽ, tuy ngon miệng nhưng không vui như mọi ngày. Lệ thường, ông già Mộc hay kể chuyện. Ví như ông kể trong cái hang gần nương sắn của ông có một conkhỉ già lông đã rụng trơ trụi. Một hôm cả bầy đang đu trên cành cao, con khỉ già bỗng trượt tay rơi xuống. Một con khỉ khác túm được chân nó nhưng không đủ sức kéo lên. Con khỉ già cứ chơi vơi trên miệng vực, rú lên thê thảm. Cả bầy khỉ hoảng sợ cũng rú lên. Con khỉ đựcđang túm chân còn khỉ già gần như sắp rơi theo vì căng thẳng. Sau cùng, con khỉ già quay cổ chí chóe kêu làm hiệu chocon khỉ đực kia buông tay. Khỉ đực chần chừ. Con khỉ già thu hết sức lực hét lên một tiếng dữ tợn. Khỉ đựcgiật mình buông tay, khỉ già rơi xuống vực sâu giữa những mỏm đá và chết. Bầy khỉ chuyền cành cây lần xuóng, chúng kêu than, đưa tay quệt nước mắt rồi khiêng con khỉ già bỏ vào hang. Ông già Mộc dã chứng kiến cảnh đó. Ông bảo chúng tôi rằng đôi khi tình thương yêu giữa những con vật khiến cho con người phải thèm muốn và kinh ngạc. Hoặc ông kể chuyện săn nhím, chuyện bắt chồn. Thành ra bữa cơm nào cũng giống như một buổi sinh hoạt văn nghệ với hai đứa tôi. Riêng bữa cơm hôm nay thì không. Thế nên tôi không khỏi có ác cảm với ông khách xa lạ đó. Cơm xong, ông già Mộc bảo chúng tôi đi ngủ sớm. Ông chỉ góc nhà có sẵn chăn nệm cho người khách ngủ, rồi ông cũng đi ngủ luôn. Giữa nhà, ngọn lửa cháy bập bùng. Chốc chốc, hơi gió lùa vào đám than hồng rực, thổi những tàn than bay rực rỡ. chúng tôi nằm nghe ngóng xem ông Mộc có nói chuyện với con người lạ lùng rất đáng hồ nghi kia không. Nhưng tuyệt nhiên chỉ có tiếng than nổ lép bép. Sau cùng, tôi ngủ quên. Sớm hôm sau, khi tôi thức dậy, ông già Mộc và người khách lạ đã ngồi bên bếp lửa. trời còn tối om. Gió lạnh. Sương bay mù mịt như sữa loãng tràn vào tận trong nhà. Ngọn lửa được khêu cháy rừng rực. Ánh lửa hắt lên khuôn mặt rắn rỏi điềm tĩnh của ông già. Ông đang hút thuốc. Người khách lạ ngồi xo ro, quay lưng lại phía tôi nằm, nói thẽ thọt:
- Tôi đã tính cặn kẽ với ông rồi mà. Tôi không dám đơn sai. Ông giúp cho kẻo vợ tôi chết mất. Lần này, tôi không còn ham làm giàu nữa. Vợ tôi chết, tôi không thể nuôi nổi năm đứa con.
Ông già Mộc chậm rãi nói:
- Lân ftrước ông cũng bảo vợ ông sắp chết mà.
Người khách van vỉ:
- Lần ấy tôi nói dối ông. Tôi mang cao về, bán đi hết để lấy tiền. Tôi định buôn gỗ lấy lãi để trả ông nhưng tôi bị kiểm lâm phạt, thu mất hai bè gỗ lát… Rồi tôi thua bạc… Nhưng lần này tôi không dám làm thế nữa. Vợ tôi ốm nặng lắm, nếu nó chết, tôi đành dăt năm đứa con đi ăn mày…
Ông ta cúi gục đầu xuống, trông khốn khỏ. Đốt xương sống lòi ra nhô cao phía trước gáy. Ông già Mộc vẫn tiếp tục nhả khói thuốc. Và người đàn ông kia, dường như cảm thấy tuyệt vọng, ngước nhìn ông già, đưa một cánh tay lên cao.
- Tôi xin thề… - giọng ông ta như nghẹn lại – Tôi xin thề vong linh của năm đứa con tôi. Nếu tôi còn đơn sai, chúng nó sẽ chết. Chúng nó sẽ chết.
Mấy tiếng cuối, ông ta nói gần như khóc. Rồi ông ta rũ mái tóc lâu ngày chưa cắt, xơ xác, bẩn thỉu xuống. Giống như một kẻ hành khất ngồi bên lề đường.
Ông già Mộc ném mẩu thuốc thừa vào đám lửa bếp, thở dài:
- Thôi được, tôi thương năm đứa trẻ vô tội. Tôi sẽ giúp ông.
Nói xong, ông đứng lên, vào gian nhà chính, lụcgì đó trong chiếc tủ đồ sộ mà ông vẫn dùng đựng quần áo, tiền bạc, đồ đạc, đồ đồng và nhiều thứ linh tinh mà tôi không biết tên. Sau đó hồi lâu, ông lại bước tới, ngồi xuống bên bếp lửa:
- Bệnh của vợ ông không trị được bằng cao hổ. Phải có cao ngựa bạch.
- Cao ngựa bạch? – người khách hỏi – Tôi có nghe thầy thuốc nói tới thứ cao đó đâu.
Ông già Mộc không trả lời mà trầm ngâm suy tính:
- Phải lần tới bản Nọi, may ra mới có. Xương hổ đã khó mua. Xương ngựa bạch lại càng khó mua hơn. Người có ngựa bạch không bao giờ bán vì xua nay họ cho rằng con ngựa bạch ra khỏi nhà chở theo một nửa linh hồn. Dân vùng này tin điều đó… Tôi sẽ giúp ông, nhưng có được hay không cũng còn tùy ở ý Trời.
Người khách lạ bỗng quỳ thụp xuống, hai tay chắp lại, vái lia lịa:
- Tôi lạy van ông, ông thương lấy năm đứa trẻ. Tôi có tội nhưng chúng nó thì không. Ông cứu cho mẹ nó được sống.
Ông già Mộc chắc hẳn không muốn nhìn cảnh đó. Ông quay mặt đi:
- Đừng làm như vậy. Ông ngồi lên. Tôi không nói thì thôi. Đã nói, một lời như con dao cắm vào cây gỗ rắn, khó rút, khó lay…
Người khách lạ đang gục đầu trên mặt sàn chống tay ngồi thẳng dậy. Bên ngoài, trời đã rạng sáng. Sương loãng ra như sữa lỏng. Từng đám mây lướt thướt bay qua khung cửa nhà. Loan trở mình, thức giấc. Nó hỏi tôi:
- Đằng ấy dậy lâu chưa?
- Rồi.
Tôi đáp khẽ và bấm nó lặng yên. Ngoài bếp, ông già Mộc nói:
- Ông đi kiếm tiền mà nuôi trẻ. Việc đã hứa giúp ông, tôi sẽ làm. Một tháng nữa, ông quay lại đây.
Ngời khách đáp lí nhí gì đó. Hình như ông ta cảm tạ ông già Mộc. Ông già bảo khách ăn xôi sớm. Ông ta ăn rất nhanh rồi khăn gói ra đi. Chúng tôi cứ nằm im thít trong buồng. Chờ cho người khách kia đi một lúc, ông già Mộc mới gọi chúng tôi dậy rửa mặt, ăn xôi. Tôi hỏi chuyện ông về con người kỳ quặc đó, nhưng ông chỉ đáp một câu:
- Ông ta là dân Kẻ Sặt, cùng làng với ông đấy. Con người tham tiền, coi nhẹ nghĩa nhẹ tình là bạc, không ăn ở bền được với ai. Nhưng vợ con ông ta vô tội nên mình phải giúp họ… Thôi cháu còn bé, đừng nghe nhiều chuyện xấu cho đen óc, đen đầu. Ngày mai ông cháu ta sẽ sang bản Nọi. Ông sẽ cố tìm mua con ngựa bạch về nấu cao.
Hôm sau, cả nhà dậy thật sớm.Ăn xôi xong, phải nén xôi gói trong lá chuối nướng. Lại phải hong than thui thịt lơn và thịt nai khô đem theo ăn đường. Tôi vui sướng vì từ ngày tới bản Muốn, đây là lần đầu tiên chúng tôi được đi xa. Đường lên bản Nọi ngược về phía tây bắc thung lũng. Phải vượt qua dãy núi sau lưng bản rồi xuống một đường mòn đi qua những rừng ổi lưa thưa dọc con suối cạn. Hết rừng ổi tới một thung lũng chỉ có những mảnh ruộng cao thấp từng hàng lúa đang lên mượt. Hết thung lũng, con đường chui vào giữa hai ngọn núi đá. Núi cao, cây cối mọc lưng chừng giống như tổ quạ màu xanh. Thỉnh thoảng một bầy khỉ lại chuyền cây, chí choé gọi nhau. Gần đỉnh núi, có miệng hang lớn chừng hai người đi lọt. Ông già Mộc bảo cái hang đó rộng chứa đủ năm mươi gia đình, ăn thông sang lưng núi bên kia. Hồi chín năm kháng Pháp, dân mấy bản quanh đây thường chạy vào đó tránh giặc.
Khoảng gần trưa, chúng tôi nghỉ dưới một gốc cây sao già ven đường mòn, giở xôi nén với thịt nướng ra ăn. Loan đeo bên lưng bầu nước chè xanh. Uống nước chè xong, mọi người ra rửa tay ở một nguồn nước nhỏ gần gốc sao đại thụ. Nguồn nước chảy từ lưng chừng núi, mát lạnh, trong như pha lê. Hai người dân Nùng đi sau chúng tôi cũng tới đó, rửa mặt, rồi chụm hai bàn tay uống nước núi một cách ngon lành. Tôi định uống thử nhưng ông già Mộc không cho. Ông bảo:
- Chưa quen dạ, uống nước trong kẽ đá ốm rụng hết tóc.
Rồi ông trải ni lông cho chúng tôi nằm bên vệ cỏ. Còn ông, ông ngồi tựa lưng vào gốc cây sao, ngủ ngay. Mười lăm phút sau, chúng tôi chưa kịp nhắm mắt, ông đã thức dậy, giục chúng tôi lên đường:
- Mình không đem đuốc, không có đèn săn trên trán, không có súng săn trên tay, không đi đêm được.
Ông nói đầy hình ảnh, theo cách nói của dân vùng cao. Chúng tôi tiếp tục đi. Buổi chiều, nắng oi và ít gió nên khá mệt. Cả hai chúng tôi đã cởi áo bông từ trước bữa ăn trưa mà vẫn thấy khó chịu. Qua con suối, chúng tôi đòi ông cho rửa chân tay, nghịch nước chừng dăm phút rồi mới chịu đi. Khi trời hết nắng, lớp sương mờ mờ đã lan khắp cửa rừng, chúng tôi tới bản Nọi. Bản này là một phố nhỏ, nơi tụ tập buôn bán của dân dưới xuôi lên và dân Mèo, lân Lô Lô trên núi cao xuống. Bản cũng toàn những nhà sàn nhưng không xa nhau vài trăm thước như ở bản Muốn. Nhà nọ với tay sang nhà kia mượn con dao, vay nắm muối được. Dưới sàn nhà, phân lợn, phân bò ngâpj ngụa. Vì người ở chen chúc, súc vật cũng chen chúc, gió không lùa mùi phân đi khiến chúng xông nồng nặc. Giữa bản, có một đám chừng hơn chục nóc nhà làm theo kiển nền lát gạch như dưới xuôi. Đám nhà đó toàn là dân bán phở, bán hàng tạp hoá, làm đậu phụ, tương và mắm. Chợ bản Nọi gần đám nhà trệt đó. Khi chúng tôi tới, chợ đã tan.
Chỉ còn trơ lại những mái ngói cổ, lợp trên những cây cột cũ kỹ, mòn nhẵn vì tay người cọ xát. Những đám hồng giậơ nát, bã mía, rác rưởi, lá bánh còn ngổn ngang chưa ai quét.
- Ta tìm quán ăn bát phở cho ấm bụng – Ông già Mộc nói.
Chúng tôi đi theo ông tới căn nhà to nhất đám nhà trệt. Nhà này cũng có hiên như nhà dưới xuôi, nhưng lại lợp ngói ống là thứ ngói cổ chỉ riêng các lò ngói vùng cao mới sản xuất. Cột đỡ hàng hiên vẽ rồng phượng. Một tấm biểm lớn bằng tôn kẻ chữ “Phở” đỏ chói. Dưới là hàng chữ sơn xanh nhỏ hơn: “Ngon, lành, thơm, bổ, theo đúng mùi vị phở Hà nội. Kính mời”.
Chúng tôi vào quán. Lò lửa cháy rừng rực. Thùng nước dùng sôi toả mùi mỡ bò gây gây. Rõ ràng, mùi nước dùng không thể giống mùi nước phở dưới xuôi được. Hơn nữa, thịt bò luộc treo trên móc đã khô đen. Không có túm hành treo, cũng không có tương ớt. Bánh phở thái to, cứng quèo. Bù lại, chủ nhân cho rất nhiều gừng và ớt chỉ thiên cay tới bỏng môi, trào nước mắt.
- Lâu lắm mới thấy ông tới bản Nọi ăn phở. Ông định mua xương khỉ hay xương hổ về nấu cao chăng?
Bà chủ quán bưng phở đặt trước bàn, nói. Bà ta trạc tuổi cô Lưu, người nhỏ nhắn, da trắng, tóc búi sau gáy, ăn mặc hoàn toàn như một phụ nữ vùng xuôi.
Ông già Mộc đáp:
- Ờ, lâu lắm tôi mới lại muốn nấu nồi cao. Ông bà chủ vẫn khoẻ chứ?
- Dạ, cảm ơn ông. Chúng cháu bình thường. Ông có lời dạy vợ chồng cháu không ạ?
- Tôi muốn nhờ ông nhà tìm mua cho con ngựa bạch.
Nghe tới đó, bà chủ quán “à, à…” một tiếng thật dài.
- Ngựa bạch khó tìm lắm. Tháng trước, có một người khách thấp nhỏ da đen cầm tiền tới nhờ nhà cháu mua hộ. Nhưng nhà cháu lắc đầu bỏ đi.
Ông già Mộc đặt bàn tay gân guốc lên bàn:
- Tôi biết người đó rồi. Nhưng tôi nhờ thì ông khắc tìm cho chứ?
Người đàn bà cười:
- Dạ, ông để nhà cháu về xem…
- Ông ấy đi đâu rồi?
- Nhà cháu sang bản bên xem cái lư đồng, muốn mua về làm đồ thờ tổ tiên. Khoảng tàn bếp lửa, nhà cháu về đấy.
Ông già Mộc gật gù, cầm thìa múc nước phở húp. Ông giục chúng tôi ăn cho nóng. Mặc dù phở ở đây thua xa phở dưới quê, nhưng vì đói nên chúng tôi cũng ăn một cách ngon lành. Ăn xong, ông già Mộc bảo:
- Bà xem có đậu nóng gọi cho chúng tôi mấy bìa chấm tương. Rồi mua cho hai đứa trẻ chục bánh rán nữa.
- Vâng, đậu nóng nhà bà Mén lúc nào cũng có. Ông uống rượu nữa để cháu lấy một thể. Còn bánh rán thì phải tới ông ké San. Dạo này, cả bản chỉ còn mình ké San làm bánh rán. Phiên chợ nào ông ấy cũng bán hết ba chảo đầy.
Nói xong, bà chủ cầm chiếc rổ con ra đi, trong rổ có cái bát nhỏ, chắc là để đựng tương.
Trời chạng vạng tối. Nhìn ra ngoài chỉ thấy những hòn đá mấp mô trên mặt đường vì ánh lửa rọi. Hơi sương lạnh dần, khác hẳn lúc chiều khi chúng tôi qua suối. Loan khoác áo bông lên vai. Ông già Mộc hút một điếu thuốc trong khi chờ đợi. Chừng tàn hai điếu thuốc, người đàn bà trở về. Trong chiếc rổ con, đậu phụ còn bốc hơi nóng nghi ngút. Một tấm lá dong lớn gói bánh rán cũng nóng bỏng tay, mỡ thấm đầy.
- Ông uống rượu với đậu nóng ngon lắm, ông à.
Chủ quán nói, đặt bát tương nhỏ trước mặt ông già rồi vào trong nhà bưng ra hũ rượu rót vào chén.
- Các cháu ăn đậu chấm tương trước rồi ăn bánh rán sau. Đậu ở đây ngon lắm – Ông già Mộc bảo.
Chúng tôi theo lời ông, ăn món đậu chấm tương trước. Quả là đậu phụ rất ngon, bột mịn, thơm, ngọt và béo. Ông già uống một hớp rượu lại bẻ một miếng đậu chấm tương và nhấm một chút ớt ăn kèm. Người đàn bà chủ quán đã lui về phía sau quầy hàng, đẩy những thanh củi vào lò cho chúng cháy lom dom. Bất chợt, một thằng bé cắp rổ bước vào:
- Mợ ơi, thịt đây rồi. Bò vừa xẻ chiều nay.
Tiếng nói quen đến lạ lùng. Tôi và Loan quay ra. Lúc đó, thằng bé kia cũng đặt rổ thịt xuống, nhìn chúng tôi ngỡ ngàng.
- Dũng!… Dũng còm!…
Tôi kêu lên, vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ.
Chúng tôi đứng lên. Dũng cũng từ từ bước vào, nói rất khẽ:
- Ồ, Bê, Loan… Làm sao mọi người lên tới đây được?…
Mắt nó mở to ra, loang loáng như đọng đầy nước. Nó vẫn gầy còm, tuy nó cao hơn ngày xưa chút đỉnh. Mái tóc cắt cụt ngủn khiến cho gương mặt nó có vẻ dại dại đi một cách kỳ khôi.
Ông già Mộc điềm tĩnh nhìn chúng tôi bằng con mắt từng trải và nhân hậu. Còn người đàn bà chủ quán thì sửng sốt hỏi:
- Mấy người này có quen nhau thật à? Mấy người này có quen nhau thật sao?
Tôi giải thích cho ba ta hiểu rằng chúng tôi là những đứa trẻ đã cùng sống với nhau thời thơ ấu, học cùng trường và cùng một quê hương.
Ông già Mộc vỗ vai Dũng còm:
- Ngồi đây cháu. Gặp bạn hiền là điều vui nhất trong đời. Uống một chút rượu với ông rồi ăn đậu, ăn bánh.
Dũng còm e dè ngồi xuống ghế. Nó dưa mắt băn khoăn nhìn bà mợ lúc đó đang xếp những tảng thịt bò to lớn từ rổ lên thớt. Người đàn bà hiểu ý, ngẩng đầu lên nói:
- Ông có lòng tốt, mày cứ uống rượu ăn bánh cho vui.
Dũng cầm chén rượu ông già Mộc rót cho, ngửa cổ uống một hơi. Nó uống rượu như một người dân miền núi thực thụ. Ông già Mộc hỏi:
- Cháu lên đây được bao lâu?
- Dạ, gần một năm.
Ông già gật đầu:
- Mỗi năm xa nhà, khôn lớn một gang. Khi nào cái khôn cao bằng cây lim trên núi, người ta khắc đủ khôn sống với đời. Nào, uống chút rượu nữa…
Nhưng Dũng còm không dám uống chén rượu thứ hai. Nó cầm bánh ăn và quay sang nói chuyện với chúng tôi. Tất cả những gì đã xảy ra ở quê hương, thân thuộc, từ chuyện nó mất tích, chuyện tôi và Loan bơi thuyền ra đảo Hoa Vàng để mọi người đi tìm xuốt đêm, chuyện lão Gia độc ác, chuyện tồi tệ của cai Cân đối với cô Lưu… tôi kể hết. Dũng còm trầm ngâm như một ông lão, nó nghe đủ chuyện rồi khẽ nói:
- Ông cai Cân không biết yêu con đâu. Ông ấy chỉ yêu tiền thôi. Tớ chẳng bao giờ coi ông ấy là bố. Tớ không có bố. Tớ chỉ có một người mẹ đã chết rồi. Khi nào lớn lên, làm người chủ gia đình, tớ sẽ có nhiều tiền và tớ sẽ làm giỗ mẹ tớ to hơn ngày Tết Nguyên Đán.
Chúng tôi lặng nghe Dũng còm nói. Bỗng nhiên, một người đàn ông bước vào. Đó là chủ quán, con người lạ lùng đã xuất hiện ở thị trấn khi gánh xiếc của người lùn đang biểu diễn. Ông ta vẫn cao lớn, da đỏ ửng, mặc áo đen khuy vải tết, nhưng không đội mũ cát-két bằng ka ki màu da bò bẩn thỉu mà đội mũ nồi xanh đen. Đôi mắt sáng quắc một cách dữ tợn dưới hai hàng mày rậm. Vừa đi lạnh về nên hơi thở ông phả ra trắng như sương. Ông đập bó đuốc đang cháy xuống đất, lấy chân giẫm lên cho tắt hẳn rồi bước vào nhà.
- Ôi chào, chào quý khách. Đã lâu lắm rồi ông mới lại tới đây.
Người chủ quán buông cây đuốc, giơ cả hai tay nắm bàn tay ông già Mộc lắc lắc.
- Ông chịu khó lặn lội vậy à?… Ông đã mua được đồ đồng chưa? – Ông già Mộc hỏi.
- Được rồi. Tôi đã trả tiền nhưng tới tuần trăng sau mới lấy - người đàn ông đáp lại vui vẻ. Rồi ông ta hỏi – Lâu nay ông có uống được hai ba chén rượu không?
- Được chứ - Ông già Mộc gật đầu – Tôi còn đủ sức vác cây gỗ lim trên núi về thay cột nhà. Tôi đang muốn nhờ ông tìm mua chi một con ngựa bạch.
- Sao?… Người đàn ông nhướng cặp mày lên – Đã lâu lắm ông có nấu cao ngựa bạch đâu? Vừa lâu công lại vừa tốn kém.
- Tôi biết chứ. Nhưng đây là việc cứu người.
- Người bà con của ông chăng?
- Không. Người cùng quê thôi. Nhưng chị ta có năm đứa con nhỏ. Chị ta không sống được, năm đứa trẻ sẽ mồ côi.
Người đàn ông gật đầu:
- Tôi biết rồi. Vợ cái người bữa trước lừa ông lấy cao hổ và cao khỉ. Tuần trăng vừa qua hắn lại đây năn nỉ nhờ tôi mua giùm để dắt về xuôi nhờ nấu cao nhưng tôi quay mặt đi.
Ông già Mộc đáp:
- Ờ, đúng đấy.
Người đàn ông hỏi:
- Hắn xấu bụng thế, ông còn giúp hắn làm gì? Tiền bán cao của ông một gang tay hắn còn chưa trả đồng nào.
Ông già Mộc đáp:
- Tôi không giúp ông ta đâu. Tôi cứu năm đứa trẻ vô tội thôi. Nào, ông giúp tôi chứ?…
Ông chìa bàn tay đặt lên bàn. Người đàn ông khẽ đập tay ông ta lên tay ông già, nói:
- Ông nói một lời, trèo qua bảy tám ngọn núi tôi sẽ tìm được ngựa đem về đây.
Bà chủ quan xào một đĩa thịt bò với ớt và lá sả non đem ra. Người chồng rút chiếc khăn vắt trên vách lau mặt rồi rót rượu vào chén. Ông ta bảo vợ rang lạc, nướng tôm khô thêm. Rồi ông ngồi uống rượu với ông già Mộc. Còn chúng tôi vào trong nhà ngủ. Bà chủ quán thu xếp cho chúng tôi ngủ trong một chiếc giường nhỏ ở góc buôn trong. Sau đó bà sai Dũng còm sang nhà ai đó mua thêm gừng để ngày mai làm phở bán. Mai là ngày chợ phiên. Chợ bản Nọi ngày nào cũng có nhưng cứ năm ngày môt phiên nhỏ và ba phiên nhỏ tới một phiên lớn.
Trong câu chuyện của ông già Mộc với chủ quán buổi tối hôm đó, tôi nghe ông già hỏi:
- Thằng bé này là con cháu ông chăng?
Người chủ quán trả lời:
- Ôi dà, chuyện dài lắm.
Ông già bảo:
- Lửa còn cháy trong lò, đêm còn dài, ông cứ kể. Tôi trông nó, lòng tôi cũng thương. Mà nó lại là bạn với hai đứa cháu gái đi cùng với tôi đấy.
Người đàn ông đáp rành rẽ:
- Chuyện không đẹp đẽ gì. Người khác tôi không nói đâu, nhưng ông hỏi thì tôi kể. Thằng bé này là con bà chị ruoọt tôi. Chị em tôi lưu lạc nhau từ hồi chạy Tây. Chị tôi buôn bán giàu có lắm. Ngoài số của cải củ chị, chị còn giữ vòng vàng, nhẫn vàng, hoa tai mặt đá của mẹ tôi để lại. Cả những đồ đồng thờ cúng tổ tiên. Tôi không biết hết nhưng nghe nói là đủ bộ lư, đỉnh, chân nến, hạc chầu, cả mâm thau, ấm nước nửa… Chị tôi nhiều lần nhờ người tìm tôi về nhận số đồ gia bảo và những thứ tư trang mà mẹ tôi gửi lại vì tôi là con trai, người thờ cúng tổ tiên trong họ. Chị tôi chưa tìm được tôi thì đã chết vì có u trong ruột. Tôi tìm tới hỏi anh rể nhưng lão chối phăng. Lão còn vác gậy đuổi tôi khỏi nhà. Nghĩ căm trong dạ, tôi bắt thằng bé con đem đi, tưởng lão thương con phải trả của. Nhưng lão lại thương của hơn con, lão cứ lờ như không… Chuyện dang dở, tôi chưa biết tính thế nào… xong người đàn ông thở dài.
Ông già MỘc trầm ngâm gõ gõ ngón tay lên mặt bàn hồi lâu, rồi nói:
- Thằng bé cũng không quý trọng gì bố nó… Tội nghiệp cho đứa trẻ.
Người chủ quán nói:
- Tôi nghe nói lão nhiều vàng lắm. Lão đang cầm đầu một dây buôn thuốc phiện lậu từ dưới xuôi lên Mèo Vạc thì phải. Bữa trước có người anh em của tôi gặp lão trên đó.
Ông già Mộc hỏi:
- Thế đứa bé ông tính sao?
Người đàn ông đáp:
- Vợ chông tôi chưa có con. Tôi giữ nó nuôi cũng được.
Ông già ôn tồn nói:
- Đứa trẻ có thuận, mình nuôi mới tốt. Nó không vui trong bụng, người sẽ héo như cây cỏ bị nhổ khỏi nương vườn. Ông cứ ngẫm lời tôi nói mà xem…
Chủ quán im lặng. Hình như ông ta khẽ thở dài, rồi rít thuốc. Tôi nghe tiếng Dũng còm về, báo tin đã mua đủ gừng với ớt để làm phở bán ngày mai.
- Thôi, mày rửa chân mà đi ngủ - Người chủ quán, ông cậu ruột của nó nói.
- Vâng.
Thằng bé đáp rồi ra sân sau. Nó đi ngang qua chỗ chúng tôi nằm, nhẹ như cái bóng. Tiếng nước chảy róc rách phía sân. Rồi có tiếng guốc gỗ khua lọc cọc. Dũng còm chui vào cái chăn chiên ở góc giường ngủ. Tôi không thấy nó mắc màn. Lúc ấy, tôi mới hiểu niềm hạnh phúc của chúng tôi khi gặp ông già Mộc. Rời bàn tay của mẹ, nào dễ mấy ai may mắn tìm được người giàu lòng nhân ái như chúng tôi. Tôi định gọi Dũng còm nhưng sợ người lớn nghe thấy. Vả lại, cũng đã khuya. Cả ông già Mộc lẫn vợ chồng người chủ quán đều lục tục chuẩn bị đi ngủ nên tôi đành im lặng. Mùi chăn chiếu lạ làm tôi thao thức lúc lâu. Nhưng rồi tôi cũng ngủ được khi gà vừa gáy lần thứ nhất.
Sớm hôm sau, tôi thức dậy muộn nhất so với tất cả mọi người. Loan hạt mít đã ăn sáng từ lâu. đứng ngoài cửa nói chuyện với Dũng còm. Lò lửa của bà chủ quán cháy rừng rực. Mùi mỡ bò, mùi xương bò ninh bốc hơi ngầy ngậy, gây gây. Người vào ăn phở đông. Phía trước la liệt sọt, lủ đựng hàng của dân vùng cao mang sa nhân, hồ, nấm hương, mộc nhĩ, măng khô… về bán. Những chiếc xe ngựa từ các phố huyện tới mua hàng đem về xuôi đứng từng dãy. Mùi phân ngựa tươi bốc lên hăng ngái. Bóng áo chàm, áo đen, áo trắng lướt qua. Bụi chưa bốc lên vì hơi sương còn quẩn nhưng tiếng ồn ào đã khiến ta hình dung cảnh chợ phiên thật rõ. Bà bán đậu ghé qua cửa hàng, đưa cho vợ chồng chủ quán một rổ đậu nóng hổi trước khi mang hàng ra chợ. Chúng tôi lại được ăn món đậu phụ chấm tương ngon lành, lạ miệng. Ăn xong, ông già Mộc bảo:
- Các cháu chào ông bà chủ đi. Ta qua chợ rồi về.
Chúng tôi chào vợ chồng người chủ quán. Dũng còm đứng mộtgóc nhỏ, nó nhìn chúng tôi với con mắt thèm khát buồn tủi. Ông già Mộc gọi ngườ chủ quán ra gốc cây trước cửa nói chuyện hồi lâu. Sau đó, ông chủ quay vào trao đổi vài câu với vợ, rồi ngồi xuống ghế.
- Mày ra đây cậu bảo – ông gọi Dũng còm.
- Dạ.
Thằng bé đến, đứng trước mặt ông cậu, vẻ nhẫn nại chờ đợi theo thói quen. Người chủ chỉ tôi và Loan rồi hỏi:
- Mày có muốn đi chơi với hai bạn không?
Dũng còm há miệng như muốn thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên. Nó đưa mắt hết nhìn vợ chồng người cậu lại nhìn chúng tôi, vẻ mặt băn khoăn, ngần ngại.
- Cậu hỏi thật, mày có muốn đi chơi với hai bạn một vài tháng thì tao cho đi - người đàn ông nhắc lại, giọng dịu dàng hơn.
Dũng còm như quýnh lưỡi lại. Lúc sau nó mới nói khẽ trả lời:
- Nếu cậu với mợ cho…
- Mày đi, nhà cũng bận, nhưng tao sẽ bảo con Dính sang giúp. Ở đây suốt ngày mày rầu rĩ, chúng tao cũng chẳng vui thú gì… - người mợ nói thẳng thắng một cách tàn nhẫn.
Tôi thấy Dũng còm cúi đầu, đáp lí nhí:
- Vâng ạ.
Ông chủ quán bảo:
- Vào nhà thu xếp quần áo mà đi.
Dũng còm vâng một tiếng sung sướng, chạy vào buồng, Quần áo của nó cũng chẳng nhiều nhặn gì, tất cả không đầy một túi dết. Nó đeo vào vai, chào vợ chồng ông cậu, hớn hở bước theo chúng tôi. Cái gia đình của chúng tôi từ đó gồm có bốn người.
@by txiuqw4