Chúng tôi về bản Muốn được hai tuần lễ thì một buổi chiều, ông cậu ruột Dũng còm dắt con ngựa bạch xuống. Đó là một con ngựa cường tráng, toàn thân trắng không điểm đốm đen, đuôi dài, bờm rủ lòng thòng. không xén tỉa. Trông nó dũng mãnh và man rợ như một con ngựa hoang thời tiền sử. Mắt nó đỏ đòng đọc tựa như hai viên hồng ngọc, ban đêm thì nhìn rõ đường, còn ban ngày nước mắt chảy ràn rụa, hai mí mắt híp lại như người mắc bệnh bạch tạng. Nếu không dắt, nó sẽ đâm giúi giụi vào những bụi cây ven đường hoặc ngã xuống vực sâu. Ông già Mộc nhìn con ngựa vẻ hài lòng:
- Tôi cảm ơn ông lắm. Ông giỏi thật.
Ông cậu Dũng còm đáp:
- Tôi cũng còn mang ơn ông nhiều, ông Mộc à.
Hai người mời nhau uống rượu, ăn thịt. Sơm hôm sau, ông già Mộc đưa cho người cậu Dũng còm một bọc tiền rồi tiễn ông ta xuông tận chân cầu thang:
- Ông ra về mạnh khoẻ nhé. Vai tuần trăng nữa tôi sẽ tới chơi lâu.
Người đàn ông hỏi:
- Thằng bé cháu tôi ở với ông thế nào?
Ông già Mộc cười:
- Trẻ có bạn như cây cỏ gặp mưa rào. Ông nhìn xem.
Người đàn ông có vẻ hài lòng. Dũng còm ra tận cầu thang chào cậu. Nó còn đứng ở đó nhìn theo cho tới khi ông đi khuất mới quay vào.
Mấy ngày hôm sau, ông già Mộc bắt tay vào việc nấu cao. Ông giảng giải cho chúng tôi nghề nấu cao có từ bao giờ và ở vùng này, dòng họ nào giỏi nhất. Thời trước bản nào cũng có phìa, tạo hoặc một hai gia đình nhờ buôn bán mà giàu có. Họ thường nấy cao đem về xuôi. Nếu có các hàng thuốc quen nhận mua thì giá cao đắt vô cùng. Người bản nói: “Bán được giá, nấu cao một vốn mười lời, hai mươi lời” Nhà phìa, tạo nào cũng lùa dân đi săn, lấy khỉ, lấy hổ hoặc sơn dương về nấu cao. Chúng bắt người già quen nghề, ngồi róc thịt, rửa xương nấu cao suốt mùa hạ cho tới mùa đông. Họ phải làm nhiều đến nỗi mùi thịt thiu thối mốc từ các khúc xương xông lên khiến họ ốm o gầy mòn. Hơi lửa nóng hơ quắt da thịt lại. Các nhà phìa, tạo thường đôn đốc công việc luôn luôn mà trả công chỉ có vài bát muối hoặc vài thúng gạo. Người làm nghề nấu cao vì thế không đủ nuôi vợ nuôi con. Đã ngồi vào lò nấu cao là nương rẫy bỏ cho cỏ gấu, cỏ gai ăn hết đất.
- Sao họ không đấu tranh hở ông?
Tôi cắt ngang câu nói của ông già. Ông lắc đầu:
- Ồ, thời đó trên đỉnh đầu là quan Tây, hai vai là phìa, tạo, lính tráng… Ai dám đấu tranh. Nhưng con người đã uất giận là khắc sinh chuyện chống đói. Đầu tiên,họ tìm cách ăn cắp khớp xương bánh chân sau con hổ. Cả bộ xương đầy đủ mấy trăm khúc, chỉ mất khớp xương bánh đó là nồi cao mất hết công hiệu. Mẻ cao đó sẽ làm cho nhà phìa, tạo mất khách mua ngay. Sau, tụi nhà phìa, tạo biết. Chúng canh riết. Chúng đếm từng khúc xương trước khi thả vào nồi, rồi ngồi lì trông nồi cao canh thợ cho tới lúc xương tan. Đám người làm nghĩ ra một cách khác. Họ dùng dọc tầu lá chuối hút bọt cao. Nồi cao chưa tới độ keo, bọt nổi lên trên lớp nước. Thứ bọt đó mang nhiều chất béo, chất bổ. Mấy ông già nấu cao vờ như thử độ dính, thò dọc lá chuối vào khoắng. Dọc chuối xốp, có hàng triệu lỗ hổng nhỏ. Các lỗ hổng đó hút đầy chất bọt kia vào. Họ nhúng chừng năm sáu cái dọc chuối là gần hết lớp bọt cao trong nồi. Khi nào lũ người canh thấy cao thành keo, chuẩn bị đổ khuôn, không để ý tới nữa thì họ cất bó dọc chuối đó đem về nhà. Tới nhà họ vắt cho hết bọt cao, nấu lại với một hai bộ xương khỉ là được một thứ cao hổ lẫn khỉ rất công hiệu.
- Ở đây có nhiều người nấu cao giả không ông?
- Có, trước đây, thời xa lắm, người bản chỉ dùng cao chứ không bán thì họ nấu thứ cao thật. Từ ngày đám phìa, tạo và dân buôn đem cao về xuôi là sinh tệ nấu cao giả. Cao thứ tốt họ bán ở các hiệu thuốc quen với giá đắt. Cao giả, nấu độn cả xương trâu, xương bò đem bán rong các nơi… Khi nào con người tham tiền, lúc đó khắc sinh nhiều tật xấu. Năm trước, ông bỏ một người bạn phường săn cũng vì chỉ ông ta lừa dối kẻ khác lấy tiền. Dạo đó, trời đã rét, cây leo cây nhỏ xếp lá trong rừng đã rụng lá trơ trụi. Người bạn săn buồn vì vợ bỏ về nhà mẹ. Bà ta chê ông ta đã nhiều năm. Ông ta buồn nên tới rủ ông đi vào rừng. Đi hai ngày đầu chỉ đụng năm bảy con chim với một con dím đủ nướng ăn. Ngày thứ ba hạ được một con gấu ngựa lớn, ước một tạ. Ông mừng lắm, định bảo xẻ con gấu lấy mật. Loài gấu, phải mổ bụng, lấy mật ngay khi nó vừa chết, nếu để lâu, túi mật sẽ tự biến đi, dẫn vào khắp các chi của con vật. Chính vì điều này nên gấu khôg bao giờ bị thương khi ngã, mặc dì có khi say mật ong hoặc bị ong đốt, gấu buông tay từ những cành cây cao chót vót rơi xuống. Phải những con vật khác, không tan xương nát thịt cũng què. Nhưng gấu thì không. Nó cứ nằm ì lì, mắt nhắm tịt. Chất mật trong túi tự dẫn tới, làm hồi lại các vết đau. Rồi sau đó, con gấu mở mắt, khụng khiệng bò dậy, đi về hang như thường…
Ông già Mộc ngừng kể, ném một nắm muối màu xám vào đám lửa trong lò nấu cao. Nắm muối nổ lép bép, lửa toả ra xanh lè như những chiếc lá trong truyện cổ tích, hoặc gần như ánh lửa hàn vọt lên từ những que hàn gắn với bình hơi của người thợ hàn ngày hôm nay. Lũ chúng tôi, cả ba đứa, đều nín thở nghe ông nói tiếp:
- … À, ông vừa kể cho các cháu nghe bọn ông bắn được ngã được con gấu ngựa. Ông định xẻ ngay để lấy mật. Nhưng lúc đó, một đoàn địa chất nghe tiếng súng chạy tới. Họ có chừng mười người, toàn là những người có gương mặt sáng sủa, nhân từ. Người lớn tuổi nằn nì xin mua túi mật vì ông ta có một ông bố đã gần tám mươi tuổi bị bênh đau xương. Ông và người bạn săn bằng lòng. Ông cán bộ địa chất mừng rơn. Ông ta cảm ơn mãi mặc dù người bạn săn của ông bắt ông ta phải mua cái mậtgấu với giá đắt hơn giá thường hai lần. Lúc đó ông giận nhưng không nói vì giữ mặt cho bạn. Ông rút dao định xẻ con gấu. Nhưng ông bạn phường săn ngăn lại: “Chúng tôi chờ ở đây. Ông xuống lấy đủ tiền đem lên rồi tôi đưa mật. Không sợ chúng tôi khiêng gấu về bản đâu…”. Người bạn phường săn của ông nói với khách mua như vậy. Cả đoàn cán bộ địa chất bỏ đi sau khi để lại nửa số tiền để giữ hàng. Còn ông, ông cũng ngồi xuống gốc cây, nói: “Bán đắt như vậy là không tốt”. Người bạn kia trả lời: “Họ cần, họ phải mua đắt. Ông có thấy họ mua đắt thế mà họ vẫn mừng không?...”. Ông chán ngán không buồn tranh cãi, nhắm mắt nghỉ. Lát sau, mở mắt ra, ông thấy người bạn phường săn kia đang làm một việc rất kỳ quái. Ông ta rút trong túi áo một hộp tiêm, có ống tiêm, có cả mũi tiêm đã cắm sẵn. Ông ta tới xác con gấu còn đang ấm nóng, lần tìm nơi túi mật, cắm phập mũi kim vào. Rồi sau khi nhìn quanh, ông ta từ từ rút mũi kim ra. Trong cái ống thủy tinh, một dòng nước đặc quánh màu xanh đen từ từ dâng lên. Khi mũi kim vừa hết nấc, chất nước xanh đen kia cũng ngừng dâng.
Bấy giò ông ngồi dậy và ông chợt hiểu việc làm xấu xa của bạn. Ông bảo ông ta: “Lòng ông không thẳng như cây thông trên núi mà cong queo như rễ cây trăn dưới khe sâu. Ông tự chặt đứt ngón tay trỏ kia đi”. Ông ta trả lời: “Người dưới xuôi họ chỉ có con mắt nhìn cây lúa chớ không có con mắt nhìn cái lá ngón, lá han. Ông cứ mặc tôi. Chưa tàn điếu thuốc, cái mật sẽ đầy căng như nguyên thôi. Tôi đã làm mấy lần rồi, đừng lo…”. Con người đen bụng nó nói đúng thật. Khi mổ con gấu ra, cái mật vẫn đầy căng như chưa từng bị rút hết ruột…
- Cháu biết rồi, cháu biết rồi…
Loan hạt mít hấp tấp ngắt lời ông già Mộc bằng cái giọng lanh chanh vốn có của nó.
- Nước đó là nước mô…
Rồi nó nhìn vào cặp mắt băn khoăn của ông già giải thích:
- Nước mô là nước có ở tất cả các tế bào trong cơ thể con người cũng như con vật. Khi con gấu bị rút mật đi thì nước mô sẽ tràn vào.
Ông già Mộc gật gù:
- Như nước ở bờ ao tràn xuống vũng thấp, đúng không?...
Rồi ông nói tiếp:
- Ông và người bạn phường săn đang cãi cọ, đoàn cán bộ địa chất trở lại. Họ đếm đủ tiền. Ông mổ con gấu, đưa túi mật cho họ. Người bạn săn cầm tiền. Thường thường về tới bản, chia thịt và bán xương xong mới nhận tiền. Nhưng lúc đó, ông ta phải chia tiền ngay. Rồi ông đưa lại cho người mua số tiền đó. Ông ta chối từ. Ông đành nói: “Tôi chỉ có một mình. Tiền ăn không hết đâu. Gặp ông, ưng cái bụng, tôi cho ông làm vui thôi”. Người bạn phường săn kia sợ ông nói sự thật nên vội vã hùn vào: “Ông ấy nói đúng đó. Vợ con ông ấy bị giặc giết hết ròi. Ở một mình, tiền dày từng gang, đếm không hết đâu...” Người cán bộ địa chất cảm ơn ông mãi rồi cả đoàn trở lại dưới thung lũng khoan giếng. Ông bỏ con gấu ở đó luôn, không khiêng về bản nữa. Từ đó, ông cũng không bao giờ nhìn mặt con người lòng ruột cong queo kia...
Đám lửa trong lò reo lên, nhảy phần phật vì hơi gió mạnh lùa vào. Ông già Mộc lại nhúm một nắm muối trộn lẫn đất đen ném vào lửa. Và những bông hoa lửa lại nở bùng lên, uốn éo, nhảy múa với muôn ngàn tia sáng xanh.
Ông già Mộc thôi không kể chuyện nữa. Ông bảo chúng tôi ăn sắn nướng rồi đi ngủ. Sẵn than, Loan hạt mít sáng chế ra một kiểu nướng sắn tuyệt vời. Nó dàn than thành hàng, rồi bên trên gác củi. Sắn thái từng lát lớn, trông như từng lát bánh mì bổ dọc, đặt lên. Mặt này vàng rộn mới lật mặt kia. Sắn nướng kiểu đó ăn không còn giống sắn mà giống như miếng vỏ giòn tan của bánh mì mới ra lò. Đứa nào muốn ăn mặn thì trước khi nướng tẩm nước muối. Còn đứa nào ưa ăn ngọt, đem quết với mật mía để trong chum.
Chúng tôi đi ngủ trước ông già Mộc vì ngày hôm sau chúng tôi giúp ông kéo nốt số cây gỗ dưới chân dốc làm chuồng bò. Từ ngày Dũng còm về đây, nó tỏ ra là một người đàn ông thực thụ vì luôn luôn đề xuất những công việc mới, cả những việc nặng nhọc mà chúng tôi chưa hề nghĩ tới. Dẫu sao, nó cũng là một thằng con trai. Và một năm đi ở với người đời đã dạy nó nhiều bài học về sự làm ăn. Còn chúng tôi chỉ là những con chim vừa ra ràng đã được nằm trong vòng tay che chở của ông già Mộc. Thế nên chúng tôi phải khiêm tốn mà nói thua nó.
- Dẫu sao, về khoản này đằng ấy cũng hơn chúng tớ.
Tôi nói, tưởng Dũng còm sẽ khoái trí vì được khen. Nhưng nó chỉ khẽ bĩu môi, xì một tiếng rất kẻ cả. Tuồng như nó bảo tôi:
- Ấm ớ, lắm chuyện...
Tôi tức lắm nhưng đành im vì cãi nhau bây giờ sẽ không còn đủ thời gian làm lành trước khi bắt tay vào việc. Mà đã vào việc thì cái thằng oắt con ấy lại là chỉ huy của chúng tôi...
Chuồng bò vừa khánh thành được ba hôm, con hổ thọt đã nhảy về cắp đi một con bò tơ chưa đầy tuổi. Bà Kín te tái chạy sang cằn nhằn ông già Mộc:
- Một cây gãy ông còn chưa đủ sợ gió hay sao? Tôi đã biêt rồi mà. Vắng hơi người, cọp sẽ tha bò đi ngay. Nay một con, mai một con... rồi còn đâu mà đầy đàn đầy sân nữa...
Ông già Mộc lặng lẽ không nói gì. Dân bản xôn xao, mỗi người một lời góp vào, khuyên ông phá cái chuồng bò mới lại dồn bò, dồn lợn xuống dưới sàn nhà cho yên chuyện.
Dũng còm, tôi và Loan đứng im thin thít. Cái chuồng bò đó là thành quả lao động của cả bốn ông cháu. Nhưng nó cũng lại là ý muốn của ba đứa chúng tôi. Chúng tôi vẫn tin rằng nuôi súc vật riêng tốt hơn, sạch sẽ hơn. Đáng buồn là khó khăn đã đến. Mà khó khăn đó nằm ngoài tầm tay của chúng tôi. Từ nhỏ chúng tôi đã biết con hổ ra sao, huống hồ nghĩ tới cách tiêu diện nó để bảo vệ đàn bò...
Buổi trưa hôm đó, bữa cơm thật buồn tẻ. Nhưng đến tôi, ông già Mộc an ủi chúng tôi:
- Đừng buồn. Thua keo này, phải bày keo khác. Cháu Dũng lấy sách ra đọc, còn hai đứa gái đem khung, đem chỉ mà thêu.
Hồi ở phố Lạng trở về bản, ông già mua cho chúng tôi rất nhiều kim thêu, chỉ màu, khung thêi và cả sách vở, bút mực. Thoạt đầu tôi chịu khó ghi nhật ký. Nhưng sau, dần dần ham vui tôi quên đi. Khung thêu với kim chỉ, chúng tôi rờ tới đúng hai lần, thêu chưa hết một bông hoa rồi cũng bỏ nó. Bởi lẽ cả tôi lẫn Loan đều thích trò bắt cá, bắt ốc trong suối, bẫy dím, đào khoai môn rừng, hái vả rồi nướng sắn, nướng khoai... Hết trò này tới trò khác. Chúng tôi phỉ sức để làm chàng Rô Bin Sơn chính hiệu chứ không còn phải bơi thuyền ra đảo Hoa Vàng để tưởng tượng mình trở thành Rô Bin Sơn.Vì tất cả những niềm ham mê đó, cứ chiều xuống, rửa chân tay xong là chúng tôi mệt lử. Nhất là sau bữa cơm ngon lành bên bếp lửa ấm, chỉ còn muốn chui vào giữa lớp chăn và nệm ngủ một giấc quên đất quên trời.
Từ ngày Dũng còm về bản Muốn, tôi trở lại ghi nhật ký đều đặn, còn Loan vẫn rong chơi như xưa. Nó vốn ham vui và lười. Dũng còm có mang theo trong túi áo quần bộ Tam Quốc Chí đã nát nhầu của ông cậu. Đêm đêm, chúng tôi ngồi đọc cho cả nhà nghe chung. Đọc đi đọc lại đến nỗi tất cả đều thuộc làu. Không còn trò giải trí gì khác nên tối hôm đó ông già Mộc bảo tôivà Loan đem kim chỉ ra thêu. Nể ông, hai đứa tôi ngồi thêu qua loa vài đường. Nhưng ánh lửa chập chờn khiến nét thêu không đều và các hình vẽ trên vải cứ nhòe đi nên lát sau hai đứa tôi quay sang nướng sắn ăn với mật. Dũng còm ngồi nhai lại bộ Tam Quốc. Cái đầu bù xù to tướng in lên vách. Còn ông già Mộc loay hoay giờ lâu trước hai cánh tủ đã mở rộng. Lát sau, tôi thấy ông lôi ra khẩu súng bọc giẻ, không hiểu loại súng gì. Ngoài khẩu súng, có chiếc que thông nòng, nhiều viên đạn và những phụ tùng lặt vặt.
Vừa thấy khẩu súng, Dũng còm sáng mắt lên. Nó buông quyển Tam Quốc, sán tới ngồi bên ông già. Ông vừa lau chùi từng bộ phận, vừa giảng giải cho nó nghe. Hai người thì thầm chuyện trò lâu lắm. Khi chúng tôi đi ngủ vẫn còn thấy hai chiếc bóng, một cao một thấp, lay động, chập chờn in lên vách. Và ngọn lửa cháy đều đặn thỉnh thoảng lại lùa tung lên một đám tàn than.
Sớm hôm sau, Dũng còm gọi chúng tôi ra, điệu bộ đầy quan trọng:
- Ông Mộc sắp rủ phường săn quen tới đây. Nhất định phải diệt con cọp thọt. Còn nó, dân bản không ai dám làm chuồng nuôi bò nuôi lợn riêng. Hôm nay, ông tới bàn với trưởng bản đấy.
Tôi hỏi:
- Thế ông có cho cậu đi theo không?
- Cố nhiên là tớ sẽ đi theo ông chứ không phải các đằng ấy. Con gái không thể dính vào những việc quan trọng như thế này.
Dũng còm đáp lại với vẻ thản nhiên. Thản nhiên như điều nó nói là mặt trời mọc phương đông, lặn phương tây, là bàn tay người ta có năm ngón, còn hai bên đầu chỉ mọc ra hai cái tai vậy. Nói xong, nó không thèm giải thích thêm một lời mà lại bảo:
- Cậu đi lau bát, sắp đũa ra để tớ với ông Mộc ăn trước còn đi.
Tôi tức đắng họng, không thèm trả lời. Loan hạt mít không hiểu ý tôi lại lăng xăng đi lau bát, sắp mâm ra chuẩn bị bắc chõ xôi xuống. Tôi lườm nó đến nứt kẽ mắt mà nó không hề hay biết gì. Kể ra, ở với đứa bạn đụt lắm lúc cũng tức như ăn phải thứ không tiêu.
Lúc đó, ông Mộc khoác súng lên vai xem dây đeo vừa chưa. Rồi ông bỏ cây súng, dựng xuống bên vách, nói:
- Hôm nay hai cháu ở nhà cho lợn ăn nhé. Ông với Dũng sang nhà trưởng bản bàn chuyện.
Loan “vâng ạ” thật to. Tôi chẳng nói gì. Ông già Mộc thấy tôi ngồi im, liền nói:
- Cháu Bê đã sang nhà trưởng bản chơi với ông lần trước rồi mà... Bây giờ cháu cũng muốn đi nữa chăng?
Tôi trả lời rành rọt:
- Không. Nhà trưởng bản chỉ có vườn giâu gia với hai cây bưởi chua, cháu không sang. Cho Dũng còm đi. Nhưng khi nào ông cùng phường săn đi bắt con hổ thọt thì cháu sẽ đi theo ông . Dứt khoát là như thế.
Loan tròn mắt lên vì vẻ mặt hùng hổ và giọng nói gay gắt của tôi. Dũng còm im thít. Ông già cười hiền từ, giơ tay xoa đầu tôi, nói:
- Ôi chao, con bé này ghê thật. Rắn như miếng gỗ lim già.
Ông cúi xuống uống chén rượu buổi sớm theo lệ thường. Tôi nhìn bàn tay ông, chợt nhận thấy một ngón tay có buộc giẻ. Tôi quên cơn hờn giận rất nhanh, băn khoăn hỏi:
- Tay ông đứt hay sao mà buộc giẻ thế ông?
- Không - ông trả lời.
- Không đứt sao lại buộc giẻ. Ông mở ra cháu xem còn chảy máu không, cháu rịt lông cu li vào. Con cu li của cháu tốt hơn của cái Loan với Dũng còm nhiều.
Ông già lúng túng, rồi như cảm động sự quan tâm của tôi, ông nói:
- Có gì đâu, sáng ông thái thuốc, ông sầy chút da thôi...
Ông giơ túi thuốc lá sợi cho tôi yên tâm rồi giục mọi người ăn sáng. Tôi hoàn toàn tin là thật. Mãi mười mấy năm sau, khi đã trưởng thành, trở lại bản Muốn thăm ông, tôi mới biết rằng ngón tay buộc giẻ đó là ngón tay ông đã cứa ra để nhỏ bảy giọt máu vào chén rựo thề. Ông tự thề với mình phải giết bằng được con hổ thọt. Cũng như ba mươi hai năm trước, ông cũng tự cứa tay nhỏ máu vào chén rượu thề trước ông chú ruột đang hấp hối rằng ông sẽ nuôi mấy đứa em cho tới lúc dựng vợ gả chồng. Và cũng như mười năm trước, ông thề trước vong linh người vợ và hai đứa con gái là ông ở vậy để tháng năm thờ cúng họ... Chuyện ngón tay buộc giẻ của ông già, cho tới giờ tôi vẫn còn thấy rõ như mới ngày hôm qua. Và tôi hiều, mỗi con người là một thế giới huyền bí, có khi gần hết cuộc đời mình, ta mới có thẻ khám phá được phần nào cái thế giới sâu thẳm đó...
Ông già Mộc dắt Dũng còm tới nhà trưởng bản bàn xong, bảo nó về trước. Ông tới nhà các bạn phường săn thông báo. Khoảng một tuần sau, cuộc săn chính thức bắt đầu. Tất cả những nhà thợ săn đã làm lễ cúng cầu may từ hôm trước. Ở gia đình chúng tôi,ông già Mộc bắt hai con gà làm cơm cúng tổ tiên như ngày giỗ dưới xuôi. Ông đứng trước bàn thờ, khấn vái lúc lâu. Chờ hương tàn, ông hú gọi mấy bà con xung quanh tới. Lần này là môt bữa ăn lặng lẽ, nghiêm túc. Mọi người chỉ nói nhiều tới chuyện lúa má, nương vườn mà không hề nhắc tới con cọp – kẻ thù và niềm kinh sợ của dân bản. Ông già không đem đàn tính ra, mọi người cũng không đàn hát như lần trước. Ăn xong, ai nấy đều nắm tay ông già, chúc điều lành điều tốt trước cuộc săn rồi trở về.
Tôi hồi hộp, đi đi lại lại quanh quẩn chờ đợi. Khi hết khách, tôi bước tới bên ông. Không chờ tôi nói, ông già Mộc kéo tôi vào lòng, nhìn vào mắt tôi bằng cặp mắt già, hiền từ của ông và nói:
- Việc săn bắn không phải là việc của đàn bà. Huống hồ cháu còn non như cây măng chưa đầy ngón tay. Cháu nghe ông, ở nhà. Ông sẽ đem cái vuốt cọp thọt về cho cháu đeo trước ngực. Cọp già thành tinh, vuốt nó càng thiêng. Đeo vào người, không sợ gió độc gió dữ vật ngã mình.
Giọng nói của ông ôn tồn và nghiêm trang quá khiến tôi không thể nói thêm được một lời nào. Tôi lặng lẽ cùng Loan vào buông ngủ. Buồng bên kia, Dũng còm cũng vậy. Lần đầu tiên trong đời, tôi thầm khấn vái, cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho ông già thân mến của chúng tôi chiến thắng. Tôi không biết khấn thành bài, thành lời, nhưng trong tâm can tôi, tiếng thì thầm cầu nguyện cứ vang lên. Và tôi bỗng tin rằng. Khi ta mong mỏi thành thực, khi ta hết lòng hướng tới một điều tốt lành nào đó, thì điều đó sẽ trở thành hiện thực. Đêm yên lặng, mênh mông. Tiếng nai, tiếng mang tác ngoài rừng vọng qua thung lũng. Chỉ còn ngọn lửa vẫn đang nhảy nhót một cách cân cù. Chỉ mình nó thức với đêm dài, giữ cho lời cầu nguyện của tôi còn lại với ngôi nhà sàn ấm cúng, không bị những cơn gió lạnh lẽo mang đi.
Sớm hôm sau, khi chúng tôi thức dậy, phường thợ săn đã ra đi từ lâu. Không có dấu vết gì. Trên bếp, cũng không có chõ xôi bốc nghi ngút mà chỉ một mình ngọn lửa vì thức suốt đêm nên mỏi mệt giờ lim dim mắt, cháy liu riu. Tàn than trắng như bột phủ lên những hòn than lớn. Chúng tôi cùng chạy ra trước sàn, nhìn quanh. Thung lũng vẫn im lìm, sương phủ trắng như sữa. Trên dải núi đen mờ trước nhà, từng đám mây dài như đuôi chồn, luệt quệt đi qua. Những dải mây đó có lúc gió lùa qua nhà, chúng áp bàn tay giá buốt lên da thịt chúng tôi rồi lại ra đi. Không một lời giải thích.
- Ông Mộc đi lúc nào mà không gọi tụi mình nhỉ? – Loan nói.
- Phường săn ra đi phải bí mật như bóng đêm, nhẹ như khói, thì mới mang được thú về. Đi mà khua kèn gõ trống thì chỉ khiêng vài bãi phân cọp đầy lông đem về thôi.
Dũng còm nói bằng giọng hiểu biết và ra vẻ giảng giải. Tôi quay vào nhà, đặt chõ xôi lên và bảo Loan múc cám lợn đã nấu tối qua trong chiếc chảo gang lớn đang còn nóng ấm cho lũ lợn. Hai chon lợn mẹ vừa đẻ đang hộc lên đòi ăn dưới chuông. Mặc dù bị hổ cắp đi con bò tơ, ông Mộc vẫn thi gan với con cọp thọt. Nếu hôm nay, cuộc đi săn thắng lợi, ông sẽ là người chiến thắng. Chúng tôi cũng sẽ là đội quân chiến thắng vì mọi người trong bản sẽ theo chúng tôi làm chuồng bò, chuồng lợn riêng. Cuộc sống ở bản sẽ văn minh hơn hẳn bây giờ.
Dũng còm và Loan đều chung một ý nghĩ như tôi. Chúng tôi vừa làm đủ mọi việc vừa hồi hộp chờ đợi.
Vẫn không có một tiếng súng nào vọng về thung lũng. Không có một tiếng hú gọi, một tiếng kêu. Thậm chí một cơn gió mạnh cũng không. Những ngọn cây bưởi, cây giâu gia, cây chùm kết quanh vườn im lặng. Sương đã tan heté và mặt trời nhô khỏi tấm chăn trắngh như bóng của biển mây phương đông. Mặt trời cũng trắng như nhúng sữa. Dần dần, màu trắng của mặt trời chói chang hơn và ánh nắng chiếu xuống mặt đất cũng ấm nóng hơn. Đã sang trưa rồi. Chúng tôi ăn bữa trưa vội vàng, không canh, chỉ có một món thịt rang mặn.. Đứa nào cũng cố gắng không nhắc tới chuyện săn hổ cho đỡ nóng ruột.
- Dũng còm ơi, đằng ấy kể chuyện Tam Quốc đi – tôi bảo.
- Đoạn nào cơ? – Dũng hỏi lại.
- Đoạn kết nghĩa vườn đào ấy – tôi đáp lời.
Dũng lấy quyển Tam Quốc, bắt đầu đọc. Tôi nghe thờ ơ, những dòng chữ đã thuộc làu. Được một chương tôi bảo:
- Thôi, chán quá... Tụi mình làm gì bây giờ cho quên việc săn hổ đi.
Dũng còm đặt quyển sách xuống, thở dài:
- Ờ, tớ đọc mà cứ chán ngắt.
Loan nói:
- Hay chúng mình ra suối bắt ốc.
Dũng quay lại:
- Nhưng nếu chúng mình đang bắt ốc ngoài suối, hổ chạy về đây cắn cổ con lợn mang đi thì sao?... Nó đã cõng bò một lần, quen đường dễ trở lại lần nữa lắm chứ... Bây giờ, bò vào núi ăn thì nó sẽ cõng lợn đi.
- Nó về đây ban ngày à?... Loan trợn mắt lên – Úi giời, sợ quá! Các cậu ơi, chúng mình kéo hết cầu thang lên không hổ vào nhà.
Dũng còm nhìn ra ngoài chuồng bò bằng con mắt vừa sợ hãi vừa háo hức:
- Giá mà con cọp ngồi chồm chỗm trước sân kia nhỉ?...
Loan rú lên:
- Thế thì chết. Trời ơi, thế thì tớ chui vào trong buồn, đóng chặt cửa lại.
Dũng lườm:
- Hão huyền! Hổ đã về đến đây, gan ruột chạy lên ngon cây hết, còn đâu mà vào buồng với đóng chốt...
Thấy Loan mặt tái xanh, rên rỉ, Dũng còm nói tiếp:
- Mà các cậu tưởng rút cầu thang lên là cọp sợ à? Nó nhảy vọt từ dưới đất lên tận sàn nhà này ấy chứ.
Tôi gạt đi:
- Loan đừng sợ. Dũng còm dọa cậu đấy. Không tin cái miệng nó được đâu. Đồ con trai mà môi mỏng quẹt.
Dũng còm cáu thật sự, quay lại vặc tôi:
- Cậu nên nhớ tớ đã ở đây một năm, trong khi các cậu mới lên đây vài tháng. Mà cậu tớ chuyên mua xương hổ, xương gấu, xương khỉ bán cho người dưới xuôi nấu cao. Bao nhiêu chuyện về hổ, các ông thợ săn đều kể cho cậu với thím tớ nghe hết.
Tôi cãi lý:
- Nhưng hổ về bản ban ngày thì chưa ai nói cả. Loài vật, dẫu là chúa sơn lâm cũng phải sợ người.
Dũng bĩu dài môi, “xì” một tiếng. Đúng là môi nó mỏng thật, trông mà ghét.
- Tớ xin cậu. Chỉ có tai cậu chưa được nghe đủ chuyện thôi. Bị rượt, bị phường săn vây, có khi hổ còn chui vào trong chuồng bò nằm im mà không tha bò, tha lợn nữa... Nhưng đấy là con hổ mèng. Chứ đã là hổ thọt thành tinh rồi. Người, nó cũng còn gặm đầu, nữa là bò!... Nó sợ người thì đã chả dám về tận bản tha bò đi mấy lần như thế!
Loan hạt mít nghe tới đó lại sợ hãi, rên rỉ, mắt tròn mắt dẹt nhìn ra ngoài. Nó bảo tôi:
- Hay mình đóng cửa vào, Bê nhé.
Tôi gắt:
- Không đóng. Đừng có hèn.
Tôi cũng sợ thật, nhưng không hiểu sao tôi lại gắt lên như thế. Có lẽ vì tôi bực Dũng còm. Cũng có lẽ vì tôi thương ông già Mộc và nghĩ rằng khi ông đang cùng những người thợ săn vây bắt cọp mà mình đóng cửa lại, chỉ lo giữ thân. Không lo giữ tài sản cho ông, thì mình không xứng đáng là một con người chính trực, con người biết tự trọng và giữ gìn nhân cách.
Thấy tôi quát, cả Loan và Dũng còm đều im. Khoảnh khắc im lặng đó kéo dài, rất dài. Sau đó bị cắt ngang chừng bởi một tiếng hú. Tôi lao ra cửa, theo sau là Dũng và Loan. Một thanh niên chạy băng qua bản. Vừa chạy, anh ta hướng về phía núi trước mặt mà hú. Tiếng hú vang lên từng hồi, khẩn cấp, tha thiết, xen lẫn lo âu.
- Anh ơi, ông Mộc đâu rồi, ông Mộc đâu rồi?...
- Anh ơi, có vây được hổ không?... Có vây được hổ thọt không?...
Cả tôi, cả Dũng còm đều thi nhau cất tiếng hỏi dồn dập. Nhưng người thanh niên chỉ kịp quay đầu nhìn chúng tôi trong giây lát rồi cứ nhắm hướng ngọn núi phía đông mà chạy miết.
Chúng tôi đứng thẫn thờ nhìn theo. Người thanh niên đã chạy tới con đường leo lên núi, nhưng anh ta lại vòng ra phía sau. Dũng còm kêu:
- Đi gọi ông Rộc. Tớ biết rồi, phường săn đã cử người về gọi ông Rộc.
Tôi hỏi nó:
- Ông Rộc nào?
Dũng nhìn tôi lạ lùng như nhìn một kẻ từ hành tinh nào đó rơi xuống:
- Ở bản Muốn mà không biết ông Rộc hay sao?
Tôi nhìn Loan, Loan lại nhìn tôi. Quả tình, hai tôi chưa nghe tới cái tên lạ lùng này lần nào cả. Thấy vậy, Dũng bắt đầu giảng giải:
- Bản này có hơn hai chục nóc nhà cùng ở trong thung lũng. Nhưng riêng có một nhà lẻ loi ngoài ngọn núi kia – nó giơ tay chỉ ngọn núi trước nhà, cao nhất trong dải núi phía đông, đỉnh nhọn hoắt như một mũi tên và luôn luôn sáng óng ánh vì những mỏm đá bắt ánh nắng – Đó là nhà ông Rộc, người thợ săn số một, nổi tiếng cả vùng rừng này. Ông đi săn từ năm mười một tuổi. Bố mẹ ông Rộc đều chế sơm nên ông ở với ông nội và được ông nội dạy nghề săn bắn thú. Quanh năm, người tới nhà ông Rộc mua da hổ, da báo, mua mật gấu, mật trăn và các thứ cao, thứ xương đi mòn nhẵn con đường chung của bản. Hồi đó, ông Rộc cũng ở trong thung lũng này. Nhà ông gần nhà trưởng bản, phía lưng núi chếch về bên trái vườn giâu gia kia kìa... – Dũng còm giơ tay chỉ cho chúng tôi xem – Đó, hồi đó nhà ông Rộc vào loại lớn nhất bản Muốn. Đến bọn phìa, tạo cũng phải kiêng nể vì ông Rộc có thể bắn trúng con mắt trái hoặc con mắt phải của con sơn dương đứng xa bốn quang dao.
Dũng còm ngừng lại, vì mắt nó vẫn theo dõi người thanh niên đang chạy vòng quanh chân núi. Vừa thoắt thấy bóng áo xanh của anh giữa đám cây, Dũng nói:
- Còn phải mười lăm phút nữa mới tới được nhà ông Rộc, nếu chạy qua rừng ổi ven suối...
Nó lẩm bẩm một mình, cặp mày chau lại.
Tôi giục:
- Rồi sao nữa, kể đi.
Dũng còm tiếp tục:
- Ông Rộc nổi tiếng đến nỗi những kẻ tình nguyện theo hầu ông để học nghề một năm phải ăn hết một nhà gạo, thịt. Bây giờ, họ vẫn còn tới thăm nom, biếu quà bánh cho ông. Nhất là sau cơn tai nạn.
- Tai nạn gì cơ? – Tôi sốt ruột hỏi dồn.
Từ từ đã, tớ mới kể được chứ... – Dũng còm nhăn nhó – Thế, ông Rộc có rất nhiều đệ tử. Được ông dạy, dần dần họ cũng giỏi giang. Vợ ông ít đi làm nương mà ở nhà cơm nước cho khách suốt năm. Ông Rộc nhiều bạn người chỉ có một đứa con trai. Ông cũng dạy cho nó nghề săn từ năm thằng bé mười một tuổi. Bà vợ ông than khóc, xin cho nó làm nương, nuôi bò. Nghề làm nương không nguy hiểm, dù có nghèo cũng bảo toàn chữ thọ. Vả lại đứa con trai đó dù không làm gì, với số của cải bố mẹ để lại, cũng thừa thóc thừa thịt ăn. Mặc vợ hết van vỉ đến khóc lóc dằn dỗi, ông Rộc vẫn cương quyết đào luyện con trở thành một thợ săn cao cường như mình. Thằng bé rất thông minh, dũng cảm. Nó cũng đã từng bắn được gấu ngựa, lợn lòi khi chưa đầy mười sáu tuổi và khiến đám học trò của ông Rộc phải kính nể. Tới năm thằng bé mười tám, ông Rộc định làm lễ cho con nhập phường. Đó là cái lế chứng nhận thằng bé đã hết thời gian tập sự, đủ tư cách làm một người thợ đứng trong phường săn. Ông bảo đứa con ở nhà để có đủ sức khoẻ ngày hôm sau ra mắt anh em phường. Ông đưa hai người học trò vào núi. Trời hôm đó sương mù đặc tới độ giơ bàn tay trước mặt hai gang nhìn không thấy. Ông Rộc rủa trời đất nhưng cương quyết hạ một con thú. Một bậc tổ nghề như ông, lẫy lừng khắp vùng mà trở về tay không thì không đúng lẽ. Ông cùng hai người học trò tìm đến con gấu ngựa ông đã theo dõi và đánh dấu hang. Lần trước, vai đã nặng khiêng nên ông khôngmuốn đi đến cùng, bắn con gấu. Ông định hôm nay sẽ bắn nó mang về, giống như người khác vào chuồng bắt một con lợn để mang lên thịt. Cả ba người lần tới hang gấu. Họ thấy cái bóng lù lù của nó bên kia một mỏm đá, trong màn sương loãng, trắng đục. Ông Rộc không cần ngắm, giơ súng bắn. Tài bắn của ông không cần nói, viên đạn cứ bật khỏi nòng là con thú ngã. Nhưng lần này, không phải con thú kêu hộc lên mà là tiếng thét đau đớn của đứa con trai ông.
- Bố ơi, bố bắn lầm rồi!…
Thì ra đứa con trai không ở nhà theo lời ông Rộc dặn. Nó hiếu thắng, muốn lập chiến công trước khi chính thức bước vào phường. Khi ông Rộc đi, nó cũng rủ một người bạn nữa vào rừng. Và rủi ro thay, nó cũng lại muốn bắn con gấu ngựa là lần săn trước, hai bố con đã tìm hang và đánh dấu…
Dũng ngừng kể. Tôi lặng đi vì câu chuyện ghê gớm quá. Tâm trí xốn xang, tôi và Loan ngồi im nghe Dũng kể tiếp:
- Sau cơn tai nạn đó, người vợ ông Rộc chết vì buồn phiền. Ông Rộc rời nhà từ trong bản ra nơi đứa con trai ông bị bắn chết. Ông làm bàn thờ vợ con, treo cành lá cữ trước cửa, không tiếp ai, không làm gì, không đi tới đâu. Trước bàn thờ vợ con, ông dựng khẩu súng chúc mũi xuống và thề không bao giờ còn đi săn nữa.
Tôi hỏi:
- Thế anh thợ săn lúc nãy chạy tới nhà ông làm gì? Ông ấy đã bỏ nghề rồi mà!
Dũng gật:
- Ờ, đúng là mấy năm nay ông Rộc bỏ nghề. Ông chỉ sống bằng của cải còn lại và nương lúa nhỏ trước nhà. Nhưng tài nghệ của ông thì cả vùng còn kính nể. Chắc hẳn cuộc săn gặp điều trắc trở mà ngoài ông Rộc không ai vượt qua nổi nên họ cử người tới gặp ông.
- Theo đằng ấy, ông Rộc có ra tay không? – tôi hỏi.
- Mình chưa thể nào biết được – Dũng đáp. Đôi mắt nó nhìn xa lắc xa lơ.
- Làm sao cậu biết được nhỉ? Cậu mới tới bản Muốn chưa đầy tuần trăng mà… - tôi thắc mắc với nỗi bất bình.
Dũng còm ngẩng lên nhìn tôi:
- Thế cậu không biết, từ ngày tớ về đây chỉ có tớ đi củi hay sao? Các cậu là con gái nên chỉ việc dỡ sắn, nấu cháo cho lợn và nấu cơm… Ngày nào đi củi, tớ cũng vác thêm cho ông Rộc một bó. Hôm gặp ông ấy ngồi một mình trước vườn, tớ bỗng thấy thương. Tớ tưởng ông ấy là người cô đơn, ốm yếu và nghèo khổ nên kiếm giúp ít củi. Ai ngờ chuyện lại là thế…
Chúng tôi ngồi im, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ. Trời đã ngả sang chiều từ lúc nào không rõ. Ánh nắng bò dài trên thung lũng, trắng như lụa bạch. Những ngọn cây in trong nắng hóa nhạt như màu mạ non. Rồi ánh nắng cũng hết. Đàn bò đã về chuồng, tiếng mõ lóc cóc quen thuộc. Dũng còm chạu xuống mở cửa chuồng, dồn bò vào. Nó bảo tôi và Loan mau mau đổ cám lợn vào máng để đóng chặt cửa chuồng lại. Tôi và Loan hổi hả làm việc. Không đứa nào nói một lời nhưng đều cố gắng làm xong mọi việc thật nhanh trước khi trời đổ tối để lên cầu thang. Hình ảnh con hổ thọt đã thành tinh vì hung dữ và ranh ma, cộngvới câu chuyện thương tam của Dũng còm kể về ông Rộc khiến chúng tôi sởn gai ốc. Cả ba đứa làm chu tất mọi việc trước khi trời sập xuống. Sao mà ở đây, hoàng hôn ngắn ngủi thế. Mặt trời vừa ngã xuống sau núi là bóng tối đã từ khắp nơi đổ về, không còn có một khoảnh khắc chờ đợi. Mà bóng tối đã về là gió lạnh cùng sương núi giá buốt cũng về theo. Lúc đó, thung lũng, vườn cây, rừng núi… những gì ban ngày quen thuộc, tươi đẹp rực rỡ trước mắt ta bỗng nhên trở thành bóng đêm quái dị, đầy đe doạ. Cả ba đứa đã rửa chân tay xong, lấy nước vào bếp. Lúc đó, chúng tôi mới bắc nồi cơm, bụng đói như cào.
- Phải chụm lửa cho thật to nhé. Đêm nay, chúng mình sẽ thức canh lửa suốt đêm.
Tôi nói thế. Dũng còm và Loan đồng ý ngay. Nhưng sau khi ăn cơm xong, cơn buồn ngủ kéo chúng tôi rũ xuống. Cả ba đứa đều gật gù. Tôi cho Dũng còm và Loan đi ngủ trước, một mình tôi ngồi canh bếp. Nhưng cơn buồn ngủ đã khiến tôi ngã gục, mặc dù tôi tự véo tai, tự cấu vào chân, rứt tóc và vã nước lạnh vào mặt. Sớm hôm sau, tôi thấy mình nằm còng queo trên sàn, bên bếp lửa. Lửa còn cháy âm ỉ vì thôi đã chụm rất nhiều cây củi lớn và ngoài củi khô, tôi chụm lẫn cả củi tươi cho lâu bén.
Ngoài chuồng bò, lũ bò đánh sừng lóc cóc vào những thanh ván chắc. Bầy lợn con lợn mẹ hộc lênđòi ăn. Trời sáng trắng. Tôi vội vàng đánh thức Loan và Dũng. Chúng tôi hối hả múc cám cho lợn ăn, mở gióng chuông thả đàn bò vào núi. Những con bò nhảy cẫng, con nọ húc vào mông con kia chạy vượt lên. Loan ném cho gà một đấu ngô tấm. Nó cầm cây que dài đuổi lũ gảtống vộ và mái già để cho lũ gà con và đám gà choai ăn. Bầy gà trống hơn hai chục con trước khi tản mát ra khắp vườn tìm mồi còn vỗ cánh phành phạch, vươn cổ gáy.
Xong mọi việc, ba đứa chúng tôi trở vào nhà. Loan lúi húi bắc chõ xôi lên. Tôi với Dũng còm mỗi đứa một góc. Tự dưng tôi nhìn gian nhà rộng mênh mông và thấm thía nỗi buồn. Chỉ vắng ông già Mộc hai buổi sáng mà sao đã thấy vắng vẻ vậy. Hình ảnh ông ngồi hút thuốc bên bếp lửa với chõ xôi bốc hơi nghi ngút đã quá quen thuộc mỗi ban mai, khi chúng tôi vừa tỉnh giấc. Giờ đây, thiếu ông, tất cả trở nên lạnh lùng, trống trải… Nhưng rồi vài ba tháng nữa, khi người cháu ông được về phép và đưa chúng tôi đi theo, ông già có thấy nỗi buồn của tôi buổi sáng hôm nay không?…
Tôi đang nghĩ lan man thì khắp thung lũng bỗng vang lên những tiếng hú. Tiếng hú dồn dập khiến không gian náo động. Dường như tất cả những vòm lá, những ngọn cây, những mỏm đá đều ném tiếng hú lên cao khiến chúng trở thành một bản hoà âm ghê gớm. Tất cả dân trong bản đều đổ xuống dưới thung lũng. Những ông già ốm yếu và những đứa bé tí xíu đứng lố nhố khắp các sân trước nhìn ra đường. Tất cả đều nhìn về phía cửa rừng, nôn nao chờ đợi. Khoảng thời gian ấy kéo dài. Cửa rừng như mở ra. Đoàn người xuất hiện. Thoạt tiên là người thợ săn trạc tuổi năm mươi. Ông ta đi mau lẹ, súng cầm trong tay và chiếc túi đi săn đeo nơi thắt lựng. Sau ông là hai người nữa. Rồi tới một tốp bốn thanh niên cúi đầu về phía trước, dáng điệu như những người kéo thuyền. Chờ mãi, không thấy ai khiêng con thú bị bắn. Cũng không thấy bóng dáng ông già Mộc thân yêu của chúng tôi. Tự dưng, tôi nắm tay Dũng còm, Dũng còm nắm tay Loan. Cả ba chúng tôi đứng im lặng, mắt căng ra theo dõi đám người di chuyển dọc con đường mép núi. Tim phập phồng vì những phỏng đoán rủi ro mà không một đứa nào dám nói ra lời… Chúng tôi không dám thở mạnh.
Đoàn người vẫn tiến về phía bản, lúc ẩn lúc hiện sau những mỏm đá, những bụi cây. Sau cùng, họ đã hiện ra hoàn toàn trên con đường đổ vào thung lũng. Tôi nhìn rõ mặt từng người. Ông già đi đầu tiên sát nhà bà Kín. Hai người đi sau ở gần khu nhà trưởng bản. Bốn thanh niên lạ mặt ở bản khác nhập phường đang kéo con hổ trên một thứ đòn quệt kiểu như đòn làm xe quệt cho trâu kéo. Đó là một con vật kinh khủng. Hẳn là nó nặng lắm nên người ta không thể khiêng mà phải làm đòn quệt kéo đi. Con hổ đã già nên lông không còn màu vàng như những bức tranh tôi thường thấy trong miếu thờ mà biến thành một thứ màu tro xám nhạt. Những vằn đen cũng bạc phếch, in lờ mờ trên lưng và hai sườn. Lông rụng từng đám, trông bẩn thỉu gớm ghiếc. Toàn thân nó bốc lên mùi gây gây, hôi hám đến buồn mửa. Khi chết, nó vẫn còn gây niềm kinh sợ. Nhưng đồng thời, nó cũng làm chúng tôi thất vọng vì nó không có dáng vẻ oai dũng như chúng tôi thường tưởng tượng, mà bẩn thỉu, nhem nhuốc.
Một người dân bản đá chân vào cái bụng to lớn của con hổ thọt:
- Ái chà, cái bụng này chứa hàng trăm con bò, con lợn của dân các bản rồi đây. Hôm nay con cọp thành tinh này mới đi theo lũ bò, lũ lợn đó.
Chúng tôi không còn để ý tới con vật gớm ghiếc đó nữa. Chúng tôi đi tìm những người thợ trong phường săn, hỏi tin ông già Mộc. Đám thanh niên kéo con hổ đang ngồi thở. Còn ông già cầm súng đi đầu trong đám thợ săn bảo chúng tôi:
- Ông các cháu còn ở trong rừng, canh xác thằng bé bị con cọp vồ chết.
- Ông cháu bắn chết con hổ này à?
- Không. Ông Mộc bị trẹo tay phải bó cánh tay treo lên cổ từ ngày hôm qua, lúc lùa cọp vào vòng vây. Người bắn con cọp thọt này là ông Rộc. Ngoài ông Rộc, không ai dám bắn nó đâu.
- Thế ông Rộc đâu?
- Cũng ở lại đó với ông Mộc.
- Hai ông ở đó tới bao giờ về?
- Bao giờ người nhà thằng bé bị cọp vồ tới nhận xác nó đem về làm ma.
Thấy băn khoăn, ông ta nói thêm:
- Không lâu đâu. Đã có thằng khỏe chân chạy đi báo tin rồi.
Dũng còm lặng im từ nãy, cất tiếng hỏi:
- Ông Rộc với ông cháu ở rừng nào hả ông? Có gần hang Khỉ Trắng không?
Ông già thợ săn nhướng cặp mày ngắn ngủn lên:
- Ô, mày cũng biết hang Khỉ Trắng sao? Giỏi đấy!... Đúng rồi, ở hang Khỉ Trắng chỉ cách chừng nửa quăng dao thôi.
Dũng còm quay lại:
- Hai đằng ấy ở nhà, tớ vào với ông Mộc đây.
Nói xong, nó co chân định chạy. Nhưng tôi nhanh hơn, tôi đã túm chặt lấy đuôi áo của nó:
- Không được, tớ đi với.
Rồi tôi quay lại:
- Loan ở nhà nhé. Tớ với Dũng còm đi một tí tẹo thôi.
Loan hốt hoảng kêu:
- Không! Không đâu…
Nhưng nó chưa kêu hết câu thì tôi và Dũng còm đã chạy đi. Tôi chắc Loan không dám đuổi theo vì nó vốn hiền và nhát. Vả lại, xưa nay nó quen phục tùng lệnh của tôi. Mà nếu có định chạy theo cũng không nổi vì nó béo ục ịch như con vịt bầu. Quả nhiên, tới đoạn đường rẽ, tôi quay lại đã thấy cô nàng ngoan ngoãn leo cầu thang trở lại sàn.
Phần tôi và Dũng, không còn cảm thấy đói khát gì nữa, chúng tôi chạy như bay, mặc gai các bụi cây dọc đường cào cấu, mặc những cú vấp ngã đau điếng và những túm lá ban ướt cọ vào ngứa đến phỏng tay. Dũng còm quả là cừ khôi. Nó thuộc đường như đã ở đây hàng chục năm rồi. Tôi cứ nhắm theo nó mà chạy hơi thở phì ra hai lỗ tai mới theo kịp.
- Bê! Cháu Bê!... Dừng lại!...
Tiếng kêu ông già Mộc vang lên cùng với tiếng gió ù ù trong óc. Tôi vẫn cứ còn chạy theo quán tính mươi bước nữa mới dừng lại được.
- Cháu Bê, cả cháu Dũng nữa!... Ai bảo các cháu đến đây?...
Ông già Mộc từ trong rừng cây bước ra, giơ tay đón chúng tôi và sốt sắng hỏi.
- Không… Không có ai bảo cả… tự chúng cháu đi tìm ông …
Tôi nép vào ông già, hổn hển đáp. Chúng tôi đã được gặp ông, sau bao nhiêu khắc khoải lo âu.
Ông Mộc kéo cả tôi lẫn Dũng còm vào lòng, mặc dầu ông chỉ còn cử động được cánh tay phải. Cánh tay trái, đúng như ông già thợ săn về trước đã nói, nẹp chặt bằng một thanh tre treo trước ngực.
- Ông bị trẹo hả ông? Ông có đau lắm không? – tôi hỏi.
- Không – Ông già Mộc lắc đầu – Trẹo là chuyện thường. Chỉ vài nắm lá là xong thôi.
Lúc đó ông già Rộc thủng thỉnh bước tới. Đó là một người cao lớn, hơi gầy. tưởng như ông được kết bằng những đám rễ cây xoắn chặt lấy nhau. Gương mặt ông đều đặn nhưng hốc hác. Đôi mắt sáng quắc, hơi dữ, nhưng lại pha lẫn vẻ ngơ ngác và nỗi buồn. Ông Rộc nắm tay Dũng còm lắc lắc. Hai người đã quen nhau từ trước nên rủ rỉ chuyện trò.
Ông Mộc kiếm một khúc gỗ cho tôi ngồi. Tôi bỗng ngửi thấy mùi tanh đâu đó bay tới. Tôi xực nhớ hai ông già canh xác một người bị cọp thọt vồ chết, chờ gia đình người đó tới mang về. Tôi bỗng rùng mình. Tôi hỏi:
- Xác người chết có gần đây không ông?
Ông già đáp:
- Gần. Nhưng cháu đừng nghĩ tới nữa.
Tôi hỏi:
- Sao anh ta lạ bị hổ vồ hả ông? Anh ta có phải thợ phường săn không?
- Không – ông lắc đầu – thằng bé đó đi vào rừng gỡ mấy đõ ong đã đánh dấu. Rủi cho nó gặp lúc mình vây con cọp. Ông bảo nó ra khỏi vòng về nhà nhưng nó không nghe. Nó ham xem nên đòi mọi người cho ông ờ lại. Tới lúc con cọp lọt vòng rồi, tất cả đều trèo lên cây. Ông là người vững dạ nhất thì đã trẹo tay rồi nên không ai dám bắn. Con cọp này là con cọp đã thành tinh, nó dạn người, ăn người như ăn con bò, con lợn. Nghe tiếng thanh la, tiếng mõ dồn, nó chạy. Nhưng tới khi nhìn thấy người, nó liền dừng lại, cứ đi quanh quẩn dưới gốc cây. Tất cả mọi người đều đeo súng, nhưng không ai dám bắn vì tay phải ôm cây cho chắc, lỡ mà tuột tay rơi xuống gốc thì làm mồi cho cọp ngay. Cứ như vậy, người nhìn cọp, cọp rình người từ giữa buổi sáng cho tới non trưa, thằng bé đi gỡ đõ ong sợ quá, không chịu nổi nữa. Khi con cọp há mồm gầm lên một tiếng thì nó tuột tay ôm, ngã xuống gốc cây ngất xỉu. Con cọp thọt liền nhảy tới vồ trúng bụng kẻ xấu số. Lúc đó, may mắn sao, cậu trai trong phường trẻo ở ngọn cây xa nhất tụt xuống, luồn ra phía sau núi, về bản gọi ông già Rộc. Con cọp đang ăn mồi nên không chú ý nữa, anh ta đi thoát.
- Cháu có gặp anh ta đi qua bản, hú gọi ông già Rộc. – tôi nói.
- Ừ - ông già Mộc đáp lời – không có ông Rộc còn gay go lắm. Cậu ấy thông minh thât. Phi ông Rộc, không ai bắn được con hổ thọt trong tình thế ấy.
Tôi nhìn ông Rộc. Con người đáng kính nể ấy vẫn chống cằm, tư lự nhìn đâu đó, như không hề nghe tới câu chuyện về mình.
- Ông Rộc bắn ra sao hả ông? – tôi hỏi.
- Mắt đối mắt, mặt chọi mặt – ông già Mộc kể tiếp – Bắn như thế là kiểu bắn độ. Người thợ săn chỉ có hai con đường: hoặc là bắn trúng con thú dữ hoặc là phải chết. Con cọp thọt đứng trong tư thế bình thường bởi nó vừa ăn thịt người. Lưỡi nó thè ra liếm mép đỏ hỏn. Ông Rộc giương súng nhằm thẳng đi ngược lên. Con cọp nhìn ông. Ông cũng nhìn con cọp chằm chằm. Cứ như thế, khoảng cách giữa ông Rộc và con cọp dữ thu ngắn dần lại. Tới đúng lúc con cọp quật đuôi xuống chẩn bị nhả thì ông nổ súng. Thông thường, hễ quật đuôi sang trái thì cọp sẽ nhảy sang bên phải. Điều này người thợ săn nào mới nhập phường cũng biết. Cốt yếu là phải bắn trúng ngay, không được chệch đường ngắm, không được hóc hay thối đạn. Lúc ngồi trên cây, ông chỉ lo mỗi hai điều thôi.
Ông già ngừng lại, đưa tay giụi mắt. Hai ngày đêm căng thẳng thần kinh, hẳn ông cũng mệt mỏi. Tôi không dám hỏi nhưng ông kể tiếp:
- May cho ông, may cho dân bản là ông Rộc bắn trúng ngay từ viên đạn thứ nhất. Đạn xuyên giữa trán con vật. Nó nhảy vọt lê, cao hơn đầu người chừng một thước, rồi rơi xuông. Trước khi chết, nó vật vã ba bốn lần. Cháu đã nhìn thấy anh em phường săn đem xác nó về bản chưa?
- Cháu nhìn thấy rồi ông ạ. Nhưng chán lắm, nó vừa thối vừa bẩn thỉu. Cháu không muốn nhìn lâu.
Ông già cười, xoa đầu tôi.
Tôi đã thấy đói bụng, định nhắc ông về. Nhưng giữa lúc đó, từ trong cánh rừng chạy ra một người đàn ông. Ông ta chạy ra đột ngột khiến tôi giật mình, phải ôm chặt lấy ông già Mộc. Sau khi định thần nhìn rõ bộ mặt ông ta, tôi bủn rủn chân tay, không nói được nữa. Vì bộ mặt ông ta là bộ mặt người hủi. Một bộ mặt sưng phồng như mặt sư tử, đôi tai lở loét. Hai bàn tay co quắp, có nhiều ngón đã rụng đốt. Ông ta biết sự ghê sợ của tôi và Dũng còm, nên không tiến đến gần. Đôi chân đi giày vải rách xơ dừng lại cách nơi chúng tôi ngồi chừng hai mươi bước chân.
- Các ông cho tôi cáci thây người kia nhé… - Ông ta cất tiếng nói, giọng khàn khàn.
Ông già Mộc và ông Rộc vẫn điềm tĩnh ngồi, đưa mắt nhìn người hủi. Còn hai chúng tôi thì bíu chặt ông như hai trái bắp non dính chặt vào thân cây. Con người khốn khổ kia tiếp tục nói:
- Hai ông làm gì cái thây chết đó. Cho tôi. Nó sẽ cứu cho tôi được làm người. Tôi ở trong núi này mấy chục năm nay khổ hơn con khỉ trên cây, con rắn con rết trong hang…
Ông ta dừng lại như nghẹn họng vì tủi nhục. Rồi ông ta nuốt nước bọt một cách khó khăn và chỉ lên cây bằng những ngón tay cụt gớm ghiếc:
- Các ông xem: con khỉ trên cành có tay chân leo trèo hái quả. Con rắn con rết cũng biết bò, biết trườn… Trời cho tôi làm con người mà bắt tôi không được sống kiếp người. Đã bao nhiêu lần tôi bứt lá ngón về ăn mà trời bắt tội, không cho tôi cái gan to, không cho tôi cái tài nuốt lá độc… Tôi xin hai ông thây ma kia… Nó sẽ cứu tôi làm kiếp người!
Nói xong, người hủi giơ tay chỉ về phía sau, nơi xác kẻ xấu số bị hổ ăn đang bốc mùi máu tanh lợm. tôi không dám nhìn nơi ông ta chỉ, tôi cũng không dám nhìn bộ mặt sư tử sưng phồng lở loét, tôi quay đi. Ông già Mộc im lặng. Ông già Rộc gác cây súng vào vai, chậm rãi đáp:
- Thằng đó người bản bên kia. Phải chờ người nhà nó tới mới xin được.
Người hủi cất tiếng van thảm thiết:
- Tôi xin chôn cất tử tế cho nó khi tôi xong việc rồi. Đằng nào nó cũng trở thành ma. Còn tôi, tôi xin hai ông cho tôi được sống kiếp con người. Đừng bắt tôi sống kiếp sống sâu bọ trong hang núi, tôi đến ăn lá ngón, ăn quả độc để chui vào mồ thôi…
Giọng ông ta rồ lên như khóc.
Hai ông già đưa mắt nhìn nhau. Rồi ông già Mộc đáp lời:
- Thôi được, làm đi. Xong rồi phải chôn cất cho tử tế. Mày biết rằng mày đã mó tới xác người là không ai làm ma được cho nó nữa đâu.
Người hủi cúi rạp đầu:
- Thưa ông, tôi biết ạ, tôi biết ạ…
Nói xong, anh ta biến mất. Tôi nghe tiếng chân bước xa dần, rồi tiếng chân chạy huỳnh huỵch tại chỗ, như người chạy vòng quanh một gốc cây. Tôi và Dũng còm giỏng tai lên nghe nhưng không biết đầu đuôi ra sao cả.
Ông già Rộc lúc đó bảo:
- Ông đưa hai đứa bé về bản đi. Mặt chúng nó tái xanh như chàm kìa. Tôi sẽ ngồi đây chờ người nhà thằng bé xấu số kia tới.
- Ông nói rằng…
Ông già Mộc ngập ngừng. Nhưng ông Rộcđã gật đầu cắt ngang:
- Tôi biết mà. Ông cứ yên tâm… Ông về trước đi.
Nói xong, ông rút thuốc trong túi châm lửa hút. Trong khi đó, tiếng chân chạy huỳnh huỵch kia vẫn vang lên không nghỉ trong rừng, nghe như chỉ cách nơi ông ngồi dăm bảy chục bước chân.
Dọc đường, ông già Mộc và hai chúng tôi đều im lặng. Chúng tôi bước hối hả để về bản cho mau. Ở bản, người ta xẻ thịt con cọp. chia cho mọi nhà. Tấm da lột, bộ xương và những chiếc vuốt cọp còn để cả ở trước sàn nhà chúng tôi. Những vệt máu dây trên gỗ thâm đen.
Loan bưng ra một rổ thịt, nói là phần chia của phường. Mùi thịt tanh lạ lùng. Tôi nói với ông già Mộc:
- Đừng ăn ông ạ. Cháu sợ lắm.
Ông gật đầu:
- Ờ, để cả cho ông Rộc. Cả tấm da nữa. Ta chỉ lấy mấy cái vuốt cho các cháu đeo. Bộ xương đem nấu lên chia cho mỗi nhà một vài lạng.
Chúng tôi ra máng nước rửa mặt, rửa chân tay. Ông Mộc vợi nước nóng trong thùng ra tắm gội. Trước khi tắm, ông bỏ vào nước một nắm lá khô. Chỉ lúc sau, nắm lá nở bồng, tỏa mùi thơm nồng nồng, hăng hăng như mùi cây hương nhu dưới xuôi, rất dễ chịu. Tắm xong, ông cất tiếng hú gọi bà Kín. Bà cởi cánh tay treo nẹp tạm bằng tre rồi trộn các thứ lá với cao đen nhánh như hạt na bó cho ông. Tay ông bây giờ chỉ quấn một lớp vải bọc dày, vẫn cử động nhẹ nhàng được.
- Ông đừng làm việc nặng nhé. Ba ngày là khỏi thôi.
Bà nói rồi cầm túi thuốc, tất tưởi ra cầu thang.
Ông Mộc hỏi với theo:
- Lúc anh em trong phường thịt con cọp, bà có ở đấy chứ?
- Có – bà Kín trả lời.
- Bà có thấy họ đốt râu nó đi không?
- Có. Đốt râu trước, mổ thịt sau.
Bà đáp lời rồi xuống thang nhanh thoăn thoắt.
Ông già Mộc gật đầu:
- Như thế là tốt rồi.
Ông nói riêng mình ông nghe. Rồi ông vào bếp, ngồi ăn xôi với chúng tôi. Lúc đó, trời đã trưa. Chúng tôi đang ăn dở bữa thì ông Rộc bước lên sàn. Ông có vẻ mệt, nét mặt phờ phạc. Ông dựng cây súng vào vách sàn, lẳng lặng lấy chiếc thau đồng ra máng nước.
Ông Mộc bỏ dở bát xôi, tự tay lấy nước nóng trong thùng và lá thơm bỏ vào thau cho bạn. Ông Rộc rửa mặt, bỏ mũ lau mái tóc đốm bạc rồi mới rửa sạch chân tay. Xong ông thong thả vào ngồi bên cạnh Dũng còm.
- Chúng cháu mời ông ăn xôi ạ.
Tôi nói trước, Dũng và Loan nói sau.
- Ờ, cứ ăn đi thôi.
Ông Rộc đáp lời. Gương mặt ông không linh hoạt như gương mặt ông già Mộc. Nó trầm mặc, u uẩn.
Ông Mộc mở tủ lấy cao hổ, cắt ra hai lát, bỏ vào hai chiếc chén sứ hơ lên than cho nóng chảy rồi rót rượu trong chiếc hũ nhỏ vẫn để dành vào chén. Mùi rượu thơm lừng, nóng sực. Mới ngửi đã thấy say say như ăn nhiều rượu nếp ngày mồng năm tháng năm.
Ông già Mộc đưa chén rượu cho khách, nói:
- Uống để mừng ông. Nỗi đau không làm nhụt cái chí. Nỗi buồn không kéo chùng sợi gân tay người đi săn. Từ hôm nay trở đi, ngọn súng lại quay về rừng. Con cọp, con heo chết cho yên bụng người dân bản.
Ông Rộc không nói gì. Ông nâng chén rượu ngang mặt mình, ngửa cổ uống một hơi.
Chén thứ nhất nhấp giọng để nói với nhau điều hay. Chén thứ hai mới làm nóng cái bụng.
Ông già Mộc vừa nói vừa rót cho mỗi người một chén rượu nữa. Uống xong, họ ăn xôi với thịt nướng. Loan nấu thêm một bát canh tai chua với mấy con cá trê đầu to bằng bao diêm, thân dài nhỏ tí tẹo chúng tôi bắt được trong hốc suốt từ mấy hôm trước. Canh có nhiều lá thơm và ớt nên hai ông già húp xùm xụp, khen ngon.
- Ông ở với mấy đứa cháu, vui quá thôi – Ông Rộc nói.
- Ờ, mấy đứa cháu ngoan lắm. Mặt chúng nó sáng như sao mà – Ông Mộc gật đầu rồi hỏi – Người nhà thằng bé bị cọp vồ có nói gì không?
Ông Rộc đáp:
- Tôi bảo con cọp ăn hết xác rồi. Làm cái lễ ở cửa rừng cho nó thôi.
- Còn đứa hủi kia?
- Nó vác nửa cái xác thằng bé, dốc ngược lên cho máu chảy thấm xuống áo quần, xuống người. Nó tin rằng con trùng hủi sẽ ăn máu người chết, không ăn thịt da nó nữa… Ông có biêt nó sống ở đâu không?
Ông già Mộc nói:
- Hồi nó ở rừng trám đen, tôi biết. Sau dân bản đuổi chạy đi. Nhưng nó có đứa em họ vẫn thường đem đồ ăn, thức dùng vào cửa rừng cho.
Ông Rộc gật đầu:
- Tôi biết thằng đó. Nó thương anh nhưng xấu hổ không dám nhận. Cứ một tuần trăng một lần, nó đem gạo, muối, dầu thắp đèn và đồ vật vào bỏ trong núi… Ông có biết thằng anh nó ở đâu không? Nó ở cái hang dơi phía sau hang Khỉ Trắng. Hang Khỉ Trắng rộng lại đẹp nên người dân bản đi làm nương thường ghé vào nghỉ. Thằng hủi sợ, bỏ lên hang dơi phía sau. Cái hang đó hẹp, tối, lại đầy phân dơi… Ôi chao, ở đó không chết cũng là tài…
- Ông ơi, người hủi đó không có bố mẹ, anh em ruột sao?
Ông Rộc đáp:
- Hồi ông còn nhỏ, gia đình nó giàu lắm. Lúc đó nó mới một hai tuổi thôi. Bò đàn nhà nó có vài ba trăm con. Lợn kín dưới sàn. Rồi năm hai mươi tuổi, nó bỗng phát bệnh. Bố mẹ thương đứa con một, bao nhiêu thầy thuốc cũng rước về chữa. Nhưng bệnh càng ngày càng nặng khiến dân bản hoảng sợ. Nhà nó tốn không biết bao nhiêu bạc trắng với đồ cúng cho phìa, tạo để khỏi bị đuổi vào rừng. Bố nó nhờ người mua từng xe ngựa thuốc lào dưới xuôi đem lên rải cho con nằm. Rồi có người mách cách chữa bằng bò sống. Con bò sống, mổ bụng ra, rút hết ruột, nhét người bệnh vào trong, khâu lại, chỉ thò đầu ra ngoài để thở, để ăn uống. Con trùng hủi ra sẽ ăn thịt bò, không đục khoét thịt da người bệnh nữa. Cứ làm hết một trăm con bò sẽ lành. Bố mẹ thằng bé giết cả đàn bò gần ba trăm con mà nó vẫn không khỏi bệnh. Các ngón chân nó bắt đầu rụng từng đốt. Người bản sợ, không cho ở trong bản nữa. Gia đình nó phải rừng. Bố mẹ thằng bé ăn lá ngón chết. Còn nó sống lay lắt tới tận ngày nay… Ồ, nó tới gần bốn chục tuổi rồi đấy, ông Mộc nhỉ?
- Ờ, cũng khoảng đấy – ông già Mộc gật đầu.
Chúng tôi đã buông đũa buông bát từ lâu. Tôi nói với hai ông già:
- Dân bản đuổi người hủi vào rừng là sai. Họ đáng thương. Họ không có tội.
- Biết vậy, nhưng ai cũng sợ lây bệnh. Lúc ở trong rừng, cháu có dám nhìn vào mặt nó đâu – ông già Mộc bảo tôi.
- Vâng. Nhìn người bệnh, ta vẫn sợ. Nhưngbvệnh của họ chữa được. Nhà nước mình có nhiều trạitập trung những người mắc bệnh hủi. Ở trại, họlành bệnh, lấy vợ lấy chồng, cũng sinh con, cũng trồng vườn hái quả và câu được cá tôm… Ông chưa đọc báo nói về chuyện ấy nên ông không biết thôi.
Hai ông già nhìn tôi bằng cặp mắt hồ nghi. Tôi quả quyết nói:
- Cháu xin thề với hai ông là cháu nói thật. Các ông cứ bảo trưởng bản, bảo xã làm công văn gửi lên Ty y tế tỉnh, họ khắc cử cán bộ xuống đưa những người hủi vào trại.
Ông Rộc chậm rãi nói:
- Nếu vậy thì tốt lành quá. Ở quả núi bên kia cũng có hai vợ chồng người hủi. Cả xã có tới bốn, năm người. Rồi cả huyện nữa. Họ ở trong rừng nhưng họ cũng ăn nước suối, rửa nước suối. Họ ở đầu nguồn, dân bản ở cuối nguồn, lây bệnh lúc nào không biết được. Cháu nói điều hay, lẽ phải đấy. Chiều nay, ta qua trưởng bản bàn xem…
Ông Rộc quả là một con người hành động. Ngay chiều hôm đó, ông kéo ông Mộc tới nhà trưởng bản bàn việc luôn. Cán bộ xã và huyện nhiều việc, nhưng cũng đang lúng túng về vấn đề này. Cứ thình thoảng lại có một đoàn dân bản tới đòi đuổi những người nghi mắc bệnh vào rừng. Rồi những vụ đốt nhà người mắc bệnh, những trận xô xát tàn nhẫn xảy ra. Xã làm công văn gửi lên Ty y tế tỉnh.Khoảng vài tuần lễ sau đã có công văn phúc đáp. Nhưng phải ba tháng nữa, khi Tết Nguyên Đán đã qua, khi tôi và Loan ở trên đồn biên phòng Khậu Phai, mới có cán bộ y tế của tỉnh về các xã trong huyện, đưa những người mắc bệnh tới trại tập trung. Dẫu sao, đó cũng là một kỷ niệm đẹp của chúng tôi với bản Muốn. Cũng như việc ông già Mộc xây dựng chuồng nuôi bò tách biệt khỏi nhà ở của người.
@by txiuqw4