sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 03:Bố ơi, chúng con yêu bố lắm!

Bố ơi, chúng con yêu bố lắm!

Tất cả chúng con đều không dám lảng vảng qua căn phòng ấy mỗi khi biết bố đang làm việc ở đó. Kể cả anh Tý, người lớn nhất, chững chạc nhất, can đảm nhất trong ba anh em chúng con; người luôn được bố tin cậy giao cho thực hiện những công việc mà không phải ai bằng tuổi anh cũng có thể hoàn thành tốt như thế, cũng không dám. Rồi cả con, đứa út ít, đứa con hình như được bố yêu chiều và thương quý hơn một chút, đứa con luôn làm bố phải buồn cười và bớt nghiêm nghị đi, cũng không dám nốt. Bởi vì tất cả chúng con đều biết rằng những lúc làm việc, bố lại là người khác... Khi ấy, bố rất cần sự tĩnh lặng, thật sự yên lặng như bố nói. Và mẹ cũng đã răn chúng con bằng cách trỏ lên cái chổi phất trần cán mây bóng láng coóng treo ở đầu nhà...

Những lúc bố bận làm việc, con và các anh lại phải dắt díu nhau ra ngôi nhà trống cuối vườn. Chúng con đọc sách, học bài, viết, vẽ, làm tính bằng những que chuyền hay hạt gấc. Người lớn hơn thì thào chỉ bảo, nhắc nhở em bé tuổi. Kẻ hàng dưới lại nguệch ngoạc họa ra giấy nói lại nếu không vừa lòng. Xong rồi thì đến những trò chơi. Chúng con không dám chơi trò rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, thả đỉa ba ba, chuyền chắt hay luyện võ, quyền thuật... bởi nếu chơi những trò đó, phải ca hát, phải nô đuổi nhau, phải hò hét, phải giậm chân huỳnh huỵch và vỗ tay đen đét mới có khí thế. Ra ngoài đường, sang nhà hàng xóm hay đến một nơi nào vắng vẻ xa hơn nữa, chúng con có thể tự do làm được điều mình thích. Nhưng chúng con lại sợ... Sợ làm phiền người ta, sợ bị mẹ mìn, cô mán hay ông ba bị chín quai mười hai con mắt dụ bắt đi bán làm con nuôi xứ lạ. Đành lòng, chúng con phải chơi những trò ít tiếng động như đánh cờ, ô quan, đồn vây... Đầu chúng con cóm róm chụm vào nhau, tay khe khẽ cà lên mặt đất. Đến cả tiếng cười cũng nén nhịn nên cứ ấm ách trong cổ họng... Tuy vậy, cũng có lúc hứng chí qua, thích quá vì đang trên đà thắng cuộc (có mấy khi con được cược trước các anh), con đã quên khuấy đi mất điều quy ước bấy lâu vẫn giữ gìn mà nhảy cẫng lên như chú ếch ộp, tay chân múa may loạn xạ, miệng reo ầm ĩ:

- Á à a! Chiếu tướng! Hết đường rồi nhé! Chịu thua chưa nào? Á à a...

Và con còn có thể huyên thuyên tiếp một thôi một hồi nữa nếu như ngay lúc đó, các anh không hốt hoảng kéo con ngồi thụp xuống, tay chặn ngay miệng con lại và chỉ trỏ ra hiệu hướng về nhà lớn...

*

Nhưng con chim sáo mỏ ngà ấy đã làm chúng con thay đổi hoàn toàn. Chẳng là khi tặng lại con sáo quý, bác gác rừng còn căn dặn chúng con, ngoài việc chăm sóc chu đáo ra thì thi thoảng nói với nó một vài từ dễ hiểu nào đó nữa. Cứ lặp đi lặp lại như thế một thời gian thì thế nào chú sáo cũng bắt chước theo mà nhại lại tiếng người. Sáo biết nói! Đó là điều kỳ diệu mà chúng con mong ngóng chứng kiến. Chúng con mê mẩn hết cả đi, suốt buổi chỉ bám quanh lồng chim sáo... Chúng con nhường sáo những quả chuối trứng cuốc thơm nức mũi; chúng con cho sáo ăn những trái ổi lòng đào chín vàng ngọt lự. Chúng con thửa những ống nứa dài ngoẵng, phân công nhau ra bãi cỏ, ruộng lúa, bờ tre bắt châu chấu, cào cào... cho sáo ăn. Tội nghiệp chú sáo măng, đã bị nhốt trong lồng lại luôn bị những con mồi to đềnh đoàng bò lổm nhổm xung quanh quấy rối nên phát hoảng lên. Cả ngày, chú sáo cứ loạch choạch nhảy nhót mà không dám đậu vào đâu để nghỉ ngơi cả. Nó rất biếng ăn và uống. Sau một thời gian, chim sáo gầy rộc hẳn đi, bộ lông xơ xác, tiếng kêu thất thần. Hễ thấy bóng chúng con là chú chim vỗ cánh loạn xạ hoảng hốt, ý như muốn chạy thoát khỏi những nan lồng. Thế mà chúng con lại tưởng là chim sáo vui mừng, sáo ta đang luyện khí công để một ngày cất lên giọng nói con người. Chẳng biết anh Xíu nghe ai xui, còn mang về một chén rượu cẩm đỏ lự. Anh bảo, để cho sáo uống, "rượu vào lời ra", say sưa nghiện ngập nó sẽ mau mắn biết hát hơn. Việc dự định của chúng con là thế này: một kẻ mở lồng sáo lôi chú chim nhỏ ra, một kẻ giữ chân và cánh, kẻ còn lại dúi mỏ chú sáo vào chén rượu. Nếu chim không chịu uống thì bóp mỏ đổ vào... Nhưng chẳng hiểu anh Tí tay chân loắng ngoắng thế nào, sau vài đợt lẩn trốn khỏi cú chộp nghều ngoào, con sáo đã vượt ra khỏi cửa lồng, thoát bay vút lên trời cao. Không! Chú sáo không bay về rừng xanh nơi chú được mẹ sinh ra và bị mồ côi từ sau trận bão rừng ấy. Chú sáo bay lên phía hàng cây. Sáo sải cánh trên những luống hoa trong vườn. Nó bay mải miết về hướng nhà lớn. Chúng con, đứa cầm gậy gộc, đứa xách lồng, vợt, đứa cầm roi tre hùng hổ rượt bám đuổi theo lộ trình đường bay của chú sáo, miệng không ngừng la hét, thét gào om sòm. Rồi thì vụt, vồ, đập, chụp... thì thịch, đen đét, uỳnh uỵch... Bất chợt, cái sào dài nhất anh Tý đang vác va đánh "khấc" vào ngáng xà nhà thì tất cả mới đứng khựng lại vì sực nhớ ra... Nhưng không kịp nữa rồi. Phía trong phòng làm việc của bố đã có những tiếng loảng xoảng, leng keng đổ vỡ của sách vở, chai lọ và nhiều thứ khác nữa. Rồi một tiếng "tu... huýt..." lanh lảnh dõng dạc cất lên. Vài phút sau, hai cánh cửa bật mở toang ra. Bố đứng sừng sững nơi khung cửa, tóc tai rối bù, mặt đỏ gay đỏ gắt. Một vệt mực xanh đổ dài từ ngực áo trái sang bên phải lênh loang và bẩn thỉu. Còn con sáo nhẹ nhàng bay từ đâu đó trong phòng ra và khép nép đậu trên vai bố. Bố trừng mắt, chỉ tay về phía chúng con và gầm lên:

- Lũ nặc nô! Ta tịch thu con sáo! Cút xéo hết cả đi!

Ôi... Bố ơi! Chúng con suốt từ nãy đã đứng nghệt hết cả ra, mặt mày tái nhợt vì sợ hãi. Giờ chúng con càng bất ngờ hơn trước lời mắng mỏ của bố. Chúng con nào có hiểu từ "nặc nô" nghĩa là gì đâu. Nhưng chúng con đoán chắc chắn đó là từ cực kỳ tồi tệ và xấu xa trên đời. Xấu hổ, khiếp sợ và buồn rầu nữa, anh em chúng con lùi lũi dắt díu nhau quay đi. Tuy thế, lúc ấy con vẫn kịp quay đầu nhìn lại lần cuối. Bố vẫn đứng như ông Thiên Lôi giận dữ đáng sợ. Và con sáo kia vẫn thản nhiên đậu trên vai bố. Nó còn dám đưa cái chân nhỏ như que tăm chĩa về lũ "nặc nô" rồi quẹt quẹt lên cái mỏ ngà tỏ vẻ chế nhạo nữa chứ...

*

Kể từ ngày ấy, chúng con càng xa cách bố hơn. Nói chính xác ra, chúng con sợ lại một lần nữa trở thành "lũ nặc nô" trong mắt bố. Bữa cơm là lúc cả nhà mình đoàn tụ, thế mà ba chúng con cứ ngồi dạt cả vào nhau hoặc giành chỗ ngồi cạnh mẹ để mặc bố phải ngồi một mình bên mâm. Hình như bố cũng nhận ra điều khác thường ấy, bố vẫy chúng con lại, gắp thức ăn cho từng đứa rồi ôn tồn hỏi:

- Sao thế? Có chuyện gì nào?

Thế nhưng chúng con lại run lên, lại vội vã lẩy bẩy và, nhai, nuốt, miệng lụng bụng, lắp bắp không nói được điều gì rõ ràng. Cũng chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn bố nữa. Dù bố có gọi, có vẫy, có thưởng cho cùng đi đến đâu đó thì lại đùn đẩy nhau hoặc vờ vĩnh có việc bận để trốn tránh những cơ hội mà trước đó, chính chúng con ai cũng đều ao ước và hãnh diện...

Nhưng dẫu sao đi nữa thì chúng con vẫn không thể vì thế mà không vui chơi. Nhất là nghỉ hè, rỗi rãi, chúng con có thể đánh cả ngày trò cá ngựa. Bộ cá ngựa thường vẫn để trên giá gỗ trong ngôi nhà trống, nhưng tại anh Xíu đấy, "ngựa" của anh bị "đá" liên tục kỳ hồi cho dù đó là quân bạch, xích thố, lục hay ô đi nữa... Anh bảo, anh gặp xúi quẩy là tại cái chuồng ngựa nó màu trắng quá! Bởi vậy, tối đến anh tha tất cả lên nhà rồi kỳ cạch đo ướm, sơn quét, bôi nhuộm các chuồng sang màu đỏ thẫm. Xong rồi thì anh lại để quên trên phản nhà ngang. Lại ngay cạnh căn phòng bố đang làm việc nữa chứ. Hôm nay, bố ngồi ngay gần cửa sổ, mặt hướng ra sân thế kia thì có mà một bóng chim câu cũng không thể thoát. Đành chơi trò khác vậy... Nhưng mà thèm đánh cá ngựa quá nên chúng con bàn nhau: Em út bé nhất, thấp nhất, nhẹ nhàng nhất sẽ đi rón rén lần theo mép tường dưới cửa sổ có bố đang làm việc và tiếp tục như thế, tiến vào nhà ngang, ôm bộ cá ngựa, cái giỏ mây dựng hai mươi con tuấn mã cùng bốn lọ xúc xắc rồi khẽ khàng trở ra. Hai anh sẽ ngồi nấp ở xa xa, quan sát và nếu có động, chẳng hạn bố bỏ kính ngẩng đầu nhìn lên thì ra hiệu cho con kịp thời dừng lại. Kế hoạch suôn sẻ cho đến lúc con ôm được bộ cá ngựa đi ngược lại ngang qua cửa sổ. Bộ cá ngựa bằng gỗ dẻ, khá to và hơi cồng kềnh. Đã vậy lại thêm nhiều món kèm theo và do căng thẳng nên trở thành quá nặng đối với con. Lại còn quả tim trong ngực con nữa chứ. Nó cứ nhảy nhót không ngừng. Con nín thở để nhón gót bước cho nhanh chóng thoát khỏi quãng vượt ấy. Nhưng con chợt như nghe thấy tiếng gì đó loẹt xoẹt như tiếng kéo ghế đứng dậy và bước chân của bố hướng ra phía ngoài. Sợ quá, theo bản năng, con ù té chạy và vấp luôn vào ngón chân cái nên ngã chúi xuống đất. Bộ cá ngựa rơi loeng xoeng, xúc xắc vung vãi lách cách khắp nền hè và sân. Đúng là bố thật rồi bởi lúc con ngẩng mặt lên thì thấy hai anh đã chạy tuốt vào sau đống củi gần đó và kéo vội tấm đệm che kín người, trốn bố. Dù hơi đau nhưng con vẫn lồm cồm bò dậy. Đứng cúi đầu, tay vân vê vạt áo, con lí nhí:

- Tại con ạ. Bố cứ đánh con đi ạ. Cái phất trần mẹ để ở chái nhà ấy ạ.

Con đã thấy đôi bàn chân to xù mang đôi dép nhựa màu nâu tiến về phía mình. Nhưng bố lại nói:

- Hai đứa đang nấp sau đống củi kia! Ra đây ngay!

Thôi thế là hỏng hết rồi. Bố muốn hỏi tội các anh cơ. Bố đã bảo, nếu người em mắc lỗi thì kẻ làm anh phải chịu phạt trước vì đã không thay bố mẹ dạy bảo em cẩn thận. Con vội chạy à tới, sợ hãi ôm chầm lấy chân bố, miệng mếu máo líu díu:

- Tại con. Là tại con cả...

Nhưng hai anh cũng không để con nói hết lời. Ba chúng con cứ thi nhau nhận lỗi về mình mãi. Cuối cùng, trong cuộc thi giọng ấy, con đã nói to nhất, vang nhất. Con nói một hơi:

- Con làm thế vì sợ để mất trật tự bố không làm việc tốt được. Là vì con sợ, lại giống như lần đuổi con chim sáo, bố bảo chúng con là lũ nặc nô, cút xéo hết đi!

Im lặng và run rẩy. Con nhắm mắt, nín thở chờ đợi cái cán chổi quất xuống. Nhưng không phải thế, một bàn tay ấm áp đặt lên bờ vai con. Rồi bố từ từ ngồi xuống cho đến lúc thấp bằng chúng con. Bố nâng cằm từng đứa chúng con lên và ngắm nhìn thật lâu, thật kỹ. Đó là lần đầu tiên con dám nhìn thẳng vào mặt bố và nhìn chăm chú rất lâu như thế... Gương mặt bố vuông chữ điền, vầng trán cao và rộng. Mái tóc đã có nhiều sợi bạc hất ngược lên. Da bố ngăm ngăm đen, hơi nhăn nhăn, mày rậm và xếch như lưỡi mác. Ở giữa đôi mày có một nốt ruồi màu hồng nho nhỏ như hạt đỗ. Mắt bố rất to và sáng. Con còn nhìn rất rõ nơi đôi đồng tử màu nâu trong đôi mắt hiền hậu của bố có cả bóng hình ba đứa bé chúng con đang xúm xít chụm vào nhau, ngồ ngộ và tồi tội. Con cũng nhìn rất rõ, nơi khóe mắt ấy đang dần dâng lên một quầng sương mỏng mảnh... Bố đang rộng đôi cánh tay to lớn của mình ra, ôm tất cả chúng con vào lòng mình. Giọng bố trầm trầm, khe khẽ:

- Bố không biết là bố đã làm các con sợ như thế...

Bố ơi, có nghĩa là bố đã tha lỗi cho chúng con rồi phải không? Thế mà trong những ngày dài tránh mặt và lánh xa bố, anh Tý, anh Xíu và cả con nữa đã từng bàn nhau rằng sẽ bắt chước người ta gọi bố là cha, là ba, là thầy, là cậu, là a tía, là pò, thậm chí là... "ông ấy" để như nói về một người xa lạ nào khác nữa. Thôi, bây giờ thì ổn rồi nhỉ. Thấy chưa, biết ngay mà. Bố chỉ là bố thôi!

Bố ơi, chúng con yêu bố lắm!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx