sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 05:Con trai người lính biển - P2

Chúng tôi hoàn toàn quên khuấy mất dự định thu lượm cá, tôm trôi dạt trên bãi vào ngày biển trở trời của mình, lúc chạy tung tăng trên cát, lúc lại nhảy lon ton òa ập vào những gợn sóng rồi ù té chạy trở lại bờ. Nói nói cười cười huyên thuyên, khi rủ rỉ thầm thì, khi hét gào inh oang, hai chúng tôi cứ dắt díu nhau đi mãi trên bờ biển dài như vô tận ấy.

Tôi bảo: “Thủy là tên của con gái chứ?”. Tôi biết, tên ấy có nghĩa là "nước" và cũng viết bằng chữ Hán nữa đấy. Nhìn lên cát đây nhé. Sổ dọc, hất này. Hai cái móc cong cong bên trái rồi bên phải này. Đã thấy giống dòng nước chảy chưa nào? Tại sao mà tôi biết thế à? Vì thỉnh thoảng bố cũng dạy tôi chữ Hán. Hơn nữa, trước kia ở gần nhà tôi có chị Thủy. Chị Phan Hoàng Lệ Thủy, hơn tôi bốn tuổi nhưng rất thân thiết với tôi. Bây giờ chị Thủy đã theo bố mẹ vào miền Nam sinh sống nên có lẽ phải đến khi thật lớn hai chị em tôi mới gặp lại nhau được. Trước khi chia tay nhau, bố tôi đã viết thư pháp chữ "thủy" tên chị để làm kỷ niệm và giảng giải cho cả tôi nghe nữa đấy. Ngoài chữ "thủy" ra, tôi còn biết chữ "nhất", chữ "nhị", chữ "tam" này... Tôi lại nguệch ngoạc vẽ một gạch ngang, hai gạch ngang, ba gạch ngang lên cát và rất hãnh diện khi biết rằng Thủy lớn như thế mà không biết kiểu chữ này. Nhưng Thủy có vẻ không chịu phục, cậu bảo, tôi chỉ biết có từng ấy mà đem khoe thôi chứ gì. Tôi bảo, tôi còn biết cả kiểu chữ o, a, bờ, cờ... nữa. Tôi sẽ không đến trường học đâu vì tôi sợ bị cô giáo phạt lắm. Ở nhà cố gắng vài ngày là xong hết thôi, không phải đến lớp làm gì cả. Thủy nói: “Nếu dễ dàng thế thật thì em đọc thử chữ anh viết xem nhé!”. Thủy ngoạch tay, tôi đọc thành tiếng:

- Ka, hờ, ô, nờ, gờ. Nờ o i dấu... dấu sắc nữa. Thấy chưa, đã bảo là đọc được hết mà.

- Không phải! Em nói sai rồi. Em chưa biết đọc chữ anh viết.

- Thế... thế anh viết chữ gì thế?

- Không nói!

- Anh nói đi! Em chịu thật rồi. Em xin thua.

- Không nói! Khờ ô ngờ ông khờ ông - không. Nờ o i oi nờ oi noi sắc nói... Chữ "không nói", đã hiểu chưa hả?

Thấy tôi có vẻ xấu hổ, Thủy không trêu chọc nữa mà nhìn rất chăm chú vào những nét chữ trên cát đang bị sóng xóa dần đi rồi chống tay bên má, tần ngần bảo tôi: “Nhưng dù sao thì em vẫn rất giỏi vì biết kiểu chữ vẽ vẽ như của em ở đây chỉ có mỗi ông Ngao biết thôi” - “Ông Ngao là ai?” - “Là ông cụ già sống một mình trông giữ ngôi đền phía sau dải đá mờ mờ kia. Anh hay đến đấy lắm!” - “Thế bây giờ anh dẫn em đến chơi với ông được không?”.

... Một tiếng chim biển gảnh gót như hồi còi cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Nhìn ra sóng nước, như sực nhớ ra, Thủy vội vã kéo tay tôi:

- Thôi chết rồi! Đến giờ anh phải về nấu cơm giúp mẹ rồi! Để hôm khác anh đưa em ra đền nhé! Bây giờ về nhà anh đi.

Tôi líu ríu bon chân theo Thủy lên đồi phi lao có con đường mòn bé xíu phủ đầy cỏ khô. Xóm chài! Những ngôi nhà sao mà giống nhau. Thấp, nhỏ, nhưng thoáng đãng và đều có những hàng rào dứa dại, xương rồng, hoa dâm bụt và cây găng trổ hoa tím biếc... vây quanh. Hầu như nhà nào cũng có khoảng sân rộng với những kệ gỗ, tre và sào kê giăng dải nong, sạp hong phơi cá, tôm... Mùi tanh tanh mặn nồng thoang thoảng trong gió.

Nhà Thủy ở khuất sau sườn đồi. Có lẽ đó là ngôi nhà nhỏ nhất xóm chài. Mái lợp bằng tôn cũ lốm đốm vết rêu phong và mụn đinh gỉ sần sùi. Vách nhà ken gạch xỉ có ô cửa sổ với chấn song bạc phếch lớp bụi mờ như phấn trắng. Sân đất láng phẳng sạch sẽ mát rượi. Chỉ có điều khác là trước nhà Thủy dù cũng có giàn tre và kệ gỗ như bao nhà nhưng đã quá cũ, lúc tôi đập đập tay vào thanh ngáng ọp ẹp, mục nát rơi xuống. Trước hiên cũng không thấy tấm lưới hay chiếc chài nào mà chỉ thấy một cuộn cước rất lớn có kẹp chiếc lưỡi đan bằng tre vàng bóng cùng vài chiếc cần câu xếp dựng đứng cạnh đó. Bên giếng nước, sát ròng rọc gỗ, bụi hoa dong trổ bông đỏ rực. Lè tè kề mái tôn là một cây hồng xiêm rất to, nghiêng tán lá xòe như chiếc ô chùm kín hết cả ngôi nhà. Thủy lấy chìa khóa vẫn đeo ở cổ, mở cửa bảo tôi vào nhà nghỉ nhưng tôi sốt sắng muốn cùng cậu ấy chui vào bếp phụ giúp một tay, dù rằng tôi chưa bao giờ làm việc này cả. Thủy thoăn thoắt đong gạo trong lu đổ vào nồi, cong lưng, khuỳnh chân kéo dòng dọc nước, vo gạo, miệng hò hét hướng dẫn tôi nhặt rau, xếp củi vào bếp và nhóm lửa. Chẳng mấy chốc, lửa đã bùng lên đỏ hồng trên vách đất. Những cành cây khô bị đốt cháy tỏa ra thứ hương thơm dìu dịu lan cùng khói bếp bay quyện khắp không gian. Tôi ngồi bó gối bên chiếc kiềng ba chân kê trên bệ đất đỏ xem Thủy nấu canh, rang tôm càng khô, thỉnh thoảng cầm đôi đũa khoắng khoắng gắp gắp nhấm nháp nếm thử. Thơm quá! Ngon quá! Bụng đói réo rắt rồi đây... Ngoài sân, loen hoen vài tia nắng nhạt. Từng đợt gió thoảng qua, cây hồng xiêm đung đưa cành lá, vài ba trái hồng xiêm chín nục trễ nải rụng lộp bộp xuống khoảnh sân vắng...

Tuy chưa gặp lần nào nhưng vừa nhìn thấy người phụ nữ gánh đôi thúng đựng mấy tấm lưới còn sũng nước bước vào sân ấy, tôi biết ngay là mẹ của Thủy. Cô Son không khác những người phụ nữ trong vùng là mấy. Cô đội nón, mặc bộ quần áo tối màu đã cũ rộng thùng thình, đi chân đất, khăn đen trùm kín mít chỉ để lộ đôi mắt rất hiền. Tấm lưng mảnh mai hơi gù nhưng dáng vóc còn rất nhanh nhẹn. Cô tháo quang, móc những tấm lưới còn nguyên những giọt nước óng ánh bảy sắc cầu vồng vào gốc hồng xiêm và âu yếm xoa đầu tôi như thể tôi là con gái của mình vậy. Mặc dù biết rằng hôm nay vì tôi mà Thủy ham chơi lỡ cả việc nhà nhưng cô không nóng giận gì. Thật dịu dàng, cô căn dặn Thủy đừng đi chơi xa ngày dở trời, Thủy còn bé, chưa cần phải đỡ đần mẹ gì đâu, mẹ còn khỏe. Sau đó, ba chúng tôi cùng vui vẻ ngồi vây quanh mâm gỗ có những chiếc bát xinh xinh, có vỏ sò trắng muốt đựng mắm chấm rau dưa... Đó là bữa cơm ở nhà người lạ tôi thấy thích thú, ham ăn nhiều quá, râu tôm mắc cả vào hàm răng sún, phải há ngoác miệng ra để cô Son gỡ hộ...

Sau bữa cơm, cô Son chỉ ngồi nghỉ đôi chút rồi dọn dẹp bếp núc, nhà cửa. Vẫn bộ quần áo thùng thình tối màu, vẫn chiếc khăn đen trùm kín khuôn mặt, chỉ khác, bây giờ chân cô mang thêm đôi giày vải đã cũ Thủy vừa xách ra. Khoác trên vai cái túi đay thắt nút quả trám xù xì căng căng, cô dặn dò hai anh em tôi rồi đi nhanh ra phía con đường nhỏ men qua sườn đồi trước nhà hướng về khu những ngôi nhà cao tầng phía phố mới. Lúc cô đi, không hiểu sao tôi thấy dáng dấp hao hao giống những bác bán cá, bán tôm đang trốn tránh điều gì đó.

Có người đàn ông đi chiếc xe máy cũ nhưng tiếng chạy rất êm đỗ ngay trước sân. Tôi tưởng đó là bố Thủy vừa đi đâu về muộn nhưng Thủy lại chào "bác Đàm". Bác Đàm hiền hậu cười với tôi và thân mật hỏi chuyện Thủy. Bác ra sân lúc lắc sợi dây ròng rọc vẻ như kiểm tra xem nó còn chắc chắn không. Bác nhắc Thủy lấy dầu tra vào bản lề cửa kẻo hoen rỉ khó đóng mở rồi ngồi uống nước với nét mặt buồn buồn... Bác quan tâm thế, vậy mà tôi thấy từ khi bác đến, Thủy mất hẳn tự nhiên, cư xử, nói năng quá lễ phép và hơi e dè. Khi bác đưa cho Thủy mấy cuốn vở mới thì cậu ấy nửa như muốn trả lại nhưng rồi có lẽ sợ làm bác thêm buồn nên ngập ngừng đón nhận. Được quà mà sao lại thở dài? Bác lặng lẽ đi đến gần giá gỗ cao ráo đang treo rất nhiều sợi vòng vỏ ốc dài tha thướt đung đưa trong gió mà tôi nghĩ là chiếc rèm cửa bị tuột dây móc phải vắt tạm lên. Bác Đàm đứng nhìn chăm chú, vẻ mặt rất nghiêm trang và mắt nheo nheo kính cẩn...

Khi chỉ còn lại hai chúng tôi, Thủy kéo từ trong ngách tủ ra một hộp gỗ có rất nhiều ngăn, mỗi ngăn hộp lại đựng riêng từng loại vỏ ốc. Nhỏ xíu, nhơ nhỡ, dài dài, tròn tròn... tất cả đều sạch bóng. Có cả những chiếc vỏ xà cừ phản quang óng ánh. Tôi biết rồi, Thủy xâu vòng ốc... Vui quá, tôi bốc một nhúm ốc xòe lên tay, ý để Thủy chọn cho dễ nhưng cậu ấy lắc đầu. Đưa cho tôi chiếc kim đã luồn chỉ, cậu bảo: “Tiếc quá, túi vòng ốc xâu xong rồi thì mẹ anh lại đem đi gửi các quầy lưu niệm từ mấy hôm trước nên không có cái nào sẵn để tặng ngay cho em. Bây giờ, em thích kiểu vòng ốc gì, dài thế nào thì tự xâu lấy, anh bảo cách cho. Xâu vòng ốc không khó nhưng phải nhẹ tay, khéo léo và chịu khó nữa, nếu không sẽ làm vỡ vỏ ốc mỏng manh, nhất là những vỏ ốc hạt gạo”. Chiếc kim bằng đồng cứng, sắc, thỉnh thoảng lại được gại gại lên hộp nước gì đó nên khi xuyên qua lớp vỏ của những con ốc tròn đanh như cúc áo rất dễ dàng. Một số con to hơn thì phải lấy que sắt nhỏ khoen lỗ hoặc là mài vào đá... Tôi học xâu ốc nhanh và rất hứng thú với công việc này. Bấy giờ, Thủy lại quay ra cái mành ốc của mình. Thủy đứng gần rồi lùi ra xa, qua bên trái rồi sang bên phải đủ các phía rồi cầm tờ giấy có hình vẽ đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Sau đó Thủy cũng nhặt vỏ ốc, không phải xâu mà để riêng ra một chỗ. Thủy chọn rất kỹ càng, tỉ mỉ, đăm chiêu và dường như có quá ít vỏ ốc vừa ý cậu ấy...

*

Bây giờ thì tôi đã tin lời cô Son nói đến điều xúi quẩy rủi ro khi tôi và Thủy mang khoe con sao biển chúng tôi nhặt được trên bờ biển buổi chiều ấy. Con sao vẫn còn sống, ngo ngoe năm cánh sặc sỡ các sắc màu rất hiếm có trên đời. Thế mà vừa nhìn thấy, cô Son lại kêu thét lên như gặp quái vật rồi vội vã dắt chúng tôi chạy ra tận bờ biển quăng đi thật xa bờ. Cô cấm chúng tôi ra bãi bến và cô cũng không đi đâu ra khỏi nhà từ lúc ấy nữa. Chập chiều, mặc dù rất thèm ăn món cua bể luộc cô Son đang chuẩn bị nhưng không hiểu sao, tôi lại nóng ruột thế, cứ nằng nặc đòi trở lại nhà nghỉ ngay lập tức. Như mọi lần, Thủy lại dẫn tôi về. Nhà nghỉ vắng vẻ khác thường quá. Phòng lễ tân không có một ai. Ngoài rừng phi lao, mấy ông bảo vệ không biết ở đâu xuất hiện đang tất tả chạy hướng ra bến. Chúng tôi nghe nói, ngoài khơi kia, cơn lốc lớn bất ngờ đã làm đắm rất nhiều tàu thuyền. Tôi nghĩ đến bố tôi và cảm thấy vô cùng lo lắng nên cũng cắm đầu cắm cổ lao về phía bến. Thủy chạy sát gót theo tôi...

... Đám đông láo nháo, lộn xộn và đầy khắc khoải, âu lo. Những tiếng gọi lao xao, tiếng hỏi thăm, tiếng khóc và cả tiếng lầm bầm cầu nguyện. Mấy chiếc xe cứu thương mở toang cửa táp cạnh bãi neo với những chiếc đèn báo nhấp nháy liên hồi. Chạy ra. Đưa đón. Lao đi rồi trở lại. Từng chuyến, từng chuyến tàu cứu hộ cập bến và trở lại khơi xa. Nỗi thấp thỏm đợi chờ, mong ngóng càng làm không gian và đất trời trở nên ngột ngạt.

Bóng tối đang sậm dần xuống. Biển đen ngòm, u xì thâm tối. Những cuộn sóng trắng ào ạt sôi sục hung hãn húc đầu vào ghềnh đá, bắn tung lên... Lại một con thuyền máy nữa cập được đến đất liền. Trong số những thân hình ướt lướt thướt được những người cứu hộ mặc áo phao vàng chói khiêng, dìu loạng choạng về phía ô tô cứu thương, tôi nhận ra chú Sáng rồi cô Trang - những người cùng đoàn ra đảo với bố tôi sáng nay... Tôi chạy rướn lên, cố nắm bằng được lấy vạt áo chú Sáng, giữ rịt lấy, hỏi giọng lạc hẳn: “Chú ơi! Bố cháu đâu? Bố cháu đâu rồi?”. Chú Sáng tay lạnh toát, mặt nhợt nhạt, mệt xỉu không thể trả lời tôi. Tất cả những người được hỏi đều không một ai trả lời tôi cả... Tôi nhớn nhác chạy ngược phía đầu tàu, nơi tôi tin là bố sẽ xuất hiện trong số người của nhóm cuối cùng được cứu vớt ấy... Ôi, chỉ là những gương mặt vô cùng xa lạ. Tôi không còn cố gắng nín nhịn mếu máo được nữa mà thực sự đã khóc òa lên...

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều bất hạnh này. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ phải sớm sống trên đời mà không còn bố nữa. Mẹ, chú Nguyễn và có thể rất nhiều người thân thiết khác sẽ đón nhận tôi, che chở, yêu thương, đùm bọc tôi bằng tất cả những gì mà tấm lòng nhân từ của con người có thể dành cho kẻ côi cút... nhưng sẽ không một ai có thể bù đắp được cho tôi nỗi mất mát lớn lao của cuộc đời trẻ thơ khuyết vắng bóng hình người cha yêu dấu. Tôi sẽ phải đi một mình trên mặt đất rộng lớn dài dằng dặc mà mỗi khi khẩn thiết ngước nhìn lên không còn được thấy bầu trời - bầu trời cha yêu duy nhất của tôi. Tôi càng nức nở hơn khi nhận ra rằng từ trước đến nay tôi đã gây ra quá nhiều điều khiến bố không vui và đã rất thản nhiên trước những nỗ lực gắng gỏi của cuộc đời bố. Dù bố không bao giờ nói ra nhưng tôi đã hiểu, bố đã sống, đã làm tất cả là vì tôi, kể cả chuyến đi xa ngoài hòn đảo kia...

Tôi không còn nước mắt để khóc. Nỗi tang thương và tuyệt vọng thê thảm làm tan nát thế giới của tôi. Một cái gì đó rất u tối, nặng nề nghiền ngẫm tâm trí tôi. Tôi cảm thấy trời đất chao đảo quay cuồng và vô vọng. Tôi ngồi xuống bên ghềnh đá, thu lu như con cún hoang không chốn nương thân.

Người nào đó nói nghẹn ngào: “Chẳng còn ai may mắn sống sót nữa đâu. Đêm tối thế này, dù có biết bơi thì tàu thuyền nào trên biển trông thấy được mà cứu vớt. Còn bị lốc cuốn đi xa mà không bị cá lớn ăn thịt thì phải hai, ba ngày, xác người chết đuối mới nổi lên, thường là trong vịnh sâu kia. Nếu không thì coi như mất tích...”.

Ai đó đã đốt những nén hương và thả đồ tế lễ xuống những con sóng nhạt nhòa...

Ai đó bảo: “Con bé đó ốm mất thôi. Tội nghiệp quá. Bây giờ phải đưa nó về nhà nghỉ đi, rồi báo tin, người thân sẽ tới đón nó thôi. Con ơi, về thôi nào...”.

Nhưng trở về mà không có bố thì về làm gì. Tôi khóc lóc, quẫy đạp, van xin rồi gào thét, lăn lóc trốn tránh một vòng tay đang muốn bế ẵm, lôi kéo đưa tôi tránh xa nơi sóng gió tang tóc đau buồn kia. Giọng tôi khản đặc, mười ngón tay bấu víu bỏng rộp. Nhưng tôi mệt lả, không còn đủ sức làm theo ý muốn của mình nữa rồi...

Có một ai đó nhẹ nhàng ôm giữ lấy tôi. Một giọng nói vỗ về dịu dàng. Một bàn tay rất ấm, cứng cỏi nắm nắm lấy những ngón tay tôi. Cô Son và cả Thủy nữa. Tôi đã quên Thủy đã ở bên tôi suốt từ chiều đến giờ. Đợi mãi, không thấy con về, cô Son sốt ruột chạy đi tìm, biết tin nên ra đây...

Có cô Son, có Thủy, tôi không còn bị bắt phải dời bờ biển nữa.

Nhưng dù được ở lại bến tàu, tôi vẫn nức nở vì nghĩ đến điều mọi người vừa nhắc nhở tôi về bố. Biển kia! Sao ban ngày biển hiền lành quá, thế mà bây giờ trở mặt, thoắt cái đã là ác quỷ, đặc tối, gầm gừ như con quái vật ngoác rộng chiếc hàm lớn sâu hút nuốt sống mọi sinh linh. Tôi buồn bã và tuyệt vọng quá rồi. Tôi cảm thấy như mình đang chết...

Nhưng cô Son bảo: “Nín đi cháu à! Bố cháu chắc chắn còn sống, sẽ về với cháu thôi”. Thủy cũng bảo: “Chúng mình cùng chờ đợi. Nếu bố biết rằng có người rất mong đợi mình ở đây, nhất định bố sẽ vượt qua tất cả để trở về”.

- Sẽ là như thế, thật không? - Tôi gạt nước mắt, thút thít hỏi lại.

- Chắc chắn sẽ là như thế...

Lúc ấy, trong nỗi buồn thăm thẳm quay quắt của tôi lại le lói lên một tia hy vọng. Mỏng manh, yếu ớt nhưng tôi có thể bấu víu... Đúng rồi, tại sao tôi không nghĩ ra? Một người tốt như bố, hiền hậu như bố nhất định không thể chết được. Bố tôi còn sống bởi vì bố biết rằng tôi cần có bố lắm. Nhất định bố sẽ trở về với tôi, ở đây, trên bờ biển này. Nhất định... Tôi tin cậy dựa đầu vào vai cô Son, bám chặt lấy tay Thủy và mơ hồ cảm nhận sự cảm thông sâu xa vô cùng...

Biển lại rộn lên. Một tiếng hú vang lên trong sương mù sớm tinh mơ. Mọi người choàng tỉnh chạy ùa lại phía con thuyền mang cánh buồm trắng lấp lóa. Tôi nhận ra chiếc khăn màu huyết dụ bố quàng trước lúc ra đi đang tung bay như cánh tay tha thiết vẫy gọi trước bình minh xôn xao tủi mừng.

... Cơn lốc đã làm đắm chiếc ca nô chở những người của đoàn khảo sát di chỉ văn hóa trên đường trở về đất liền. Chú Sáng, cô Trang may mắn bám được vào những mảnh tàu vỡ và được cứu vớt sau đó. Còn bố tôi bị sóng gió cuốn đi rất xa. Nhưng bố là một người bơi giỏi, còn rất khỏe mạnh, ngoi ngóp giữa biển khơi. Người đã đoán phương hướng qua những ngọn gió biển thổi lên mái tóc mình. Gió biển thường thổi vào đất liền và bố đã gặp may. Một chiếc thuyền câu mực đêm đã phát hiện ra bố tôi khi người vừa kiệt sức...

*

Dù rất muốn nhưng bố tôi không thể nào trì hoãn thêm được thời gian phải trở lại thành phố. Đích thân ông viện trưởng đã đến đón bố tôi về chuẩn bị tham dự cuộc hội thảo quốc tế rất quan trọng gì đó. Còn cả buổi sáng để sửa soạn, tôi dẫn bố qua rừng cây đi về xóm chài. Biết rằng sẽ không gặp Thủy nhưng hy vọng được chào tạm biệt cô Son. Hôm trước, Thủy đã bảo tôi rằng cậu ấy sẽ được nghỉ học ba ngày liền và bác Đàm đã đồng ý cho Thủy theo ra đảo tìm ốc cùng toán chài. Cậu ấy rất vui vẻ, đảo Ốc rất xa, đứng ở bờ căng mắt nhìn không thấy đâu. Thuyền đi và về phải mất hơn hai ngày đêm. Nhưng trên đảo có hằng hà sa số các loại ốc và cậu sẽ tìm được những con ốc đúng ý của mình. Thủy còn hẹn, sẽ kiếm cho tôi một con ốc thật đẹp, con ốc thiên thần, mỗi khi áp tai nghe rõ từng đợt sóng biển rì rào như bản nhạc hay chưa từng có trên đời này... Tiếc quá, cánh cổng vào nhà Thủy khép kín. Cô Son mà tôi đã biết là công nhân vệ sinh môi trường, chắc như thường lệ, nếu không đi nhận lưới rách về vá thuê thì lại đang đi làm ở tận chợ xa rồi. Không được hẹn nên làm sao cô biết để tiếp đón chúng tôi. Sợ món quà gửi tặng nếu bố nhét qua khe cửa sẽ bị những con thằn lằn đầu nhọn hoắt, thân thể to lớn, da dẻ rám bóng nồng nồng phàm ăn kia khiêng tha giấu mất nên tôi sực nhớ đến ông Ngao và rủ bố cùng đến ngôi đền xa xa kia.

Chưa bao giờ quen nhau đâu nhưng vừa gặp mặt là tôi cứ nhất định ông cụ phúc hậu mặc bộ đồ nâu gụ, râu tóc bạc phơ đang chậm rãi chuốt nan tre ấy phải là ông Ngao. Đúng là ông Ngao của Thủy rồi! Vừa dẫn khách đi tham quan ngôi đền, ông vừa cặn kẽ giới thiệu sự tích của từng vật thể nơi đây. Những cây cột đá chạm khắc câu đối chữ Hán rêu phong. Tấm bia lớn với những dòng chữ tượng hình khắc vào vách núi. Những con rồng, con phượng, con nghê, con lân và đủ loại tôm, cua, cá, ốc.. vây quanh đùa giỡn. Giữa khói hương thơm thoảng phảng phất, tôi rón rén bước lại gần bức tượng thánh thần miền biển và thành kính cúi đầu chắp tay vái lạy. Trái tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực khi ngước nhìn lên thấy mắt vị thần hiền từ sáng long lanh. Sao tôi thấy đôi mắt ấy có nét gì đó giống mắt Thủy đến lạ lùng...

... Những chuỗi ốc xếp hình giăng giăng ở nhà cô Son không phải là tấm rèm gió như tôi đã nghĩ. Chú bộ đội hải quân trong bức tranh ốc dang dở ấy chính là bố của Thủy. Chú ấy đóng quân ở tận Trường Sa. Trong một chuyến cùng đồng đội của mình tuần tra trên biển, tàu của các chú đã phát hiện ra đối phương đang lợi dụng bão tố để gây tội ác với đồng bào mình và cuộc đụng độ đã xảy ra... Những ngư dân được giải cứu nhưng chú ấy và nhiều người lính nữa đã vĩnh viễn không trở về. Mặc dù nhận được tin báo chồng hy sinh đã lâu nhưng cô Son vẫn rất thủy chung bởi cô vẫn tin rằng bố của Thủy còn sống, một ngày nào đó chú ấy sẽ trở về để nhìn mặt đứa con trai bé bỏng...

Thủy không chỉ là Thủy như tôi đã biết. Cậu ấy còn là một nghệ sĩ bẩm sinh của xóm chài. Trong những dịp giúp mẹ đi gửi các bác trên phố bán ốc mượn hồn, vòng chuyền và đồ lưu niệm bằng vỏ ốc do mình và mẹ làm, Thủy đã nhìn thấy tấm rèm ốc xếp hình người và hoa lá che bụi nắng rung rinh trước khung cửa nhà ai đó. Cậu ấy đã nghĩ ra cách làm bức chân dung người cha của mình. Tôi đã nhìn thấy gương mặt, đôi mắt, nụ cười và bàn tay chào vẫy vô cùng hồ hởi trong nắng gió biển khơi thổi về ngôi nhà nhỏ xóm chài vào ngày đoàn tụ của chú ấy. Có điều, Thủy chưa hài lòng vì những con ốc cậu đã tìm được thường không đúng như tưởng tượng của cậu ấy. Cậu ấy rất hy vọng trong chuyến đi ra đảo ốc cùng đoàn chài của bác Đàm...

Ông Ngao còn kể, thằng bé Thủy hay thủ thỉ với ông, sau này lớn lên cậu ấy nhất định sẽ trở thành một chú bộ đội hải quân. Cậu ấy sẽ ra tận Trường Sa, sẽ đi khắp các nẻo sóng gió và vùng đảo hoang vu để tìm và đưa bố trở về sau những tháng ngày lưu lạc cách xa thương nhớ khôn nguôi...

Biển ầm ào dập dồn vỗ táp nước lên thềm đá trước sàn đền. Thỉnh thoảng, có ngọn sóng nhảy vượt qua hàng rào đá, ngã ập xuống luống hoa cúc biển đóa vàng tươi roi rói như những mặt trời nhỏ. Những con chim hải âu chao mình giữa không trung rồi lại đáp cánh, xòe chân giỡn sóng phía khơi xa. Trên mái đền, ríu ran ríu rít tiếng chim non gọi mẹ. Gió thổi u u. Không gian lồng lộng. Nắng vàng quá nắng vàng ơi. Cung đường hoa đỏ, bông trắng và lá xanh... Giăng giăng dải mây bay trên xóm chài. Bãi đá vắng lặng cô đơn. Ngôi đền có ông cụ già, có vị thần và những ngọn núi đứng trước biển... Biển rộng lớn và đất cũng rộng lớn quá. Biển dài như tấm áo che chở vây quanh khắp đất liền. Đất là Mẹ bí ẩn vô cùng. Biển là Cha thăm thẳm vô tận. Bên biển, có bao nhiêu Giọt Nước Nhỏ được như bạn tôi sẽ lớn cao lên cùng những ngọn sóng bạc đầu vỗ nhịp nơi bến bờ kia...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx