sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 06:Hoa trường xuân vẫn nở-P1

Tôi thì luôn nghĩ rằng những cây trường xuân bé bỏng mọc lan tràn trên khắp dải đất quê mình là một thứ cỏ dại. Loài cây dễ tính, sức sống rất bền bỉ dù bị vứt đâu đó ở xó vườn, quăng quật lên nóc chuồng gà, quẳng vào chân bờ rào, bỏ rơi trên đống đá hay mảng gạch xỉ... Tại ngay cả những nơi không có chút đất đai màu mỡ nào, quên bằng đi một thời gian rồi chợt ngoảnh lại nhìn, những cây trường xuân đã xanh mơn mởn, đã bời bời sinh sôi. Tựa hồ trong những thân thể mỏng manh gầy gò ấy luôn tiềm tàng một khát vọng sống rất mãnh liệt, chỉ cần có ánh sáng mặt trời là bừng bừng lên. Kể cả những đài trường xuân già nua, héo quăn héo quắt ngả màu vàng vàng bọc lấy những hạt mầm mỏng tang, nhẹ bầng bẫng cũng ao ước được sống, được phát tán, đâm chồi. Tôi quấy phá và nghịch ngợm. Mỗi lần chẳng còn nghĩ ra trò gì, tôi thường vầy vò vô tội vạ những đài hoa khô cứng lép kẹp ấy trong lòng bàn tay rồi phồng má thổi phù phù. Những tép hoa bay tứ tung, vung vãi khắp chốn, bắn lẫn cả vào những nia hạt giống rau của mẹ. Mẹ luôn bận rộn nên không để ý. Tới mùa, người gieo hạt lên từng luống đất mịn màng thẳng khơi khơi trong vườn nhà. Một đêm sương qua đi. Đôi buổi mưa xuân rơi lất phất. Những hạt giống mẹ vô tình gieo kia cũng bám được lên mặt đất, chui lọt qua kẽ nứt làn gió, giấu mình dưới trảng rơm mục. Chỉ cần có thế, chúng đã định vị được ngay chỗ đứng để cho chiếc rễ trắng con con nhô ra bén cội, lên mầm. Nhưng có một điều lạ lùng, trường xuân lại là thứ cỏ rất hiền thục. Chúng không tranh giành ganh đua, đè đầu cưỡi cổ những kẻ cộng sinh. Chúng biết phận, đứng khép nép, hòa thuận nhường nhịn láng giềng và hình như sự có mặt của chúng làm cho những cây cối xung quanh mình tươi tốt hơn thêm. Bởi vậy, khi những luống đậu tương, cô-ve, rau bao, dền, đay... bắt đầu xanh ngăn ngắt thì mới thấy loi choi, lấm tấm những đầu trường xuân bé bỏng li ti như giọt mực tím he hé nhô lên. Rồi giọt mực tím ấy chếnh choáng lớn dậy, dèn dẹt hình cúc áo. Ấy là nụ hoa. Cho đến lúc hoa bừng bừng lên, phúng phính, tròn trịa tựa đầu ngón tay, mùa hạ đã về... Hoa trường xuân không có cánh riêng biệt. Đúng hơn, cả bông hoa là những tép hoa cứng cỏi dựa kề bên nhau suốt đời. Không có hương thơm, chỉ có sắc hoa là lạ lẫm, tím hồng từa tựa hoa mười giờ. Roi rói tươi. Bốn mùa mưa nắng dãi dầu, khi lá còn xanh, cả khi cội cành sang đông đã vàng lụi, tàn tạ trong cơn gió bấc lạnh giá. Dù như vậy, màu tím của hoa trường xuân vẫn cứ tha thiết, lay lắt, đeo đẳng và ngời ngợi lên...

Có lẽ vì bản tính khó bị khuất phục và bướng bỉnh ấy mà trường xuân là thứ sinh linh hiền lành nhất bị một đứa bé cực kỳ vô tâm và xấu tính là tôi đối xử tệ bạc, thậm chí hành hạ tàn nhẫn. Tôi mặc sức bứt, nhổ, bẻ những nhánh trường xuân, bó thành từng nắm to rồi treo ngược lên đỉnh gộc tre làm cọc tiêu quăng vòng, ném đá, bắn cung tên và súng cao su. Những buổi đi chăn ngựa men đồi, tôi thửa hàng túi cuộc trường xuân, gạ gẫm những đứa mục đồng khác thi đấu cuộc. Cuống hoa trường xuân rất dai, rất cứng, bởi vậy tôi chấp cả đứa ăn gian lén xâu sợi đồng bé tẹo qua cán cuộc của mình. "Tiêu này". "Xin bác cái thủ cấp này". Đoản đao trường xuân tôi bổ xuống, quốc cỏ gà, booc-vài, dâm bụt, cúc dại... cứ gọi là bay lông lốc. Phá phách chán, tôi và chúng bạn lại hò nhau nhảy chồm chồm lên những trảng trường xuân, hết đuổi bắt thằn lằn, cào cào, chuồn chuồn, bươm bướm lại moi móc dế mèn, trùi trũi... Mỗi khi giận hờn, cáu kỉnh hoặc có điều gì khoái chí, đứng cạnh bụi trường xuân, tôi cứ tưởng như đang được bố cho tự do một mình cưỡi trên lưng tuấn mã mà dùng cái roi tre quất tới tấp vào đám cỏ hoa để trút bỏ tất cả nỗi niềm trong cái tâm hồn bé nhỏ hời hợt và nông cạn. Trường xuân bị đánh tơi tả, cành, nụ, lá, hoa rụng rời văng bắn tứ tung. Những nhành trường xuân trơ trụi, nát nhừ hăng hăng ngai ngái. Không có ngày nào sân nhà, lối ngõ không bầy bừa đầy rác hoa lá trường xuân. Buổi chiều tà, mẹ lại phải lấy chổi trúc quét gom thành từng đống dưới chân rào.

Chỉ khi nào chơi bời hăng hái đến mệt lả, tôi mới lăn ra nằm sõng soài trên đám lá khô trên bìa rừng hoặc ngoẹo đầu, áp má vào tảng đá dưới bóng cây nơi khe suối, lim dim mắt và lơ mơ ngắm nhìn... Đột nhiên lúc ấy như có phép thần kỳ, trong mờ ảo lung linh, những đóa trường xuân bỗng hiển hiện to lớn khác thường. Chúng cứ lớn mãi lên tựa như hàng ngàn chiếc đèn lồng tím biếc lấp la lấp lánh. Rồi cứ thế, cả một vùng sắc xanh của lá, sắc tím của hoa nhòa vào nhau như một dòng chảy khổng lồ, bồng bềnh, hư ảo trôi đi xa tít tắp nơi những con đường, những núi đồi... dưới nắng vàng chói chang và trời xanh tha thiết. Miệng còn ngậm day day cuống trường xuân, tôi cứ thắc mắc mãi mãi, không biết sao lũ nghé ngọ, bê con và bầy sơn dương lại thèm ăn loại cỏ nhơn nhớt, nhạt nhẽo thế này. Cứ gặp chúng ở trên đồi thì biết. Cái mõm ươn ướt dũi dũi xuống, cái miệng bỏm bẻm nhai nhỏng từ tốn đến là ngon. Những khi ấy, tôi chỉ có một mình...

*

Tuy thế, tôi vẫn luôn coi trường xuân là thứ chẳng ra gì. Kể cả lúc tôi cẩn thận chọn lựa, tìm kiếm những nhành trường xuân đẹp nhất, lấy dao con cắt tỉa rồi bó lại, bọc kỹ lưỡng trong lá chuối xanh, gác vào chiếc loỏng-guật cài bên yên ngựa chuẩn bị theo bố đi chợ huyện.

Chợ huyện cách xóm núi của tôi chừng bốn cây số đường rừng. Đấy là một bãi đất rộng, bằng phẳng và nhẵn lì, chạy dọc bên quốc lộ, kề cận những dải núi đá cao ngất lô xô. Không biết từ bao giờ người ta đã xây lên giữa bãi đất ấy một khán đài bằng đá và dựng lên chính giữa một trụ cột bê tông cao sừng sững. Phiên chợ nào ngẩng đầu lên tôi cũng thấy quốc kỳ tung bay phất phới nơi cột trụ ấy. Cứ bám theo vật kiên cố này làm tâm, lều lán, nhà cửa... hàng hàng nối tiếp nhau san sát tỏa ra. Ngày thường, chợ huyện lưa thưa, lèo tèo mấy người trong trấn lại qua. Hy hữu mới có chiếc xe liên vận dừng lại cho khách nghỉ ngơi phút chốc. Người ta ăn vội cái bánh mán-thầu nguội ngắt ở quán nước duy nhất trong trấn của bà Veng, rửa nhờ mặt mũi chân tay tại giếng nước nhà ông Cắm Hỏn gần đó... Nhưng đến phiên chợ, những dãy nhà mái cọ thấp lè tè rêu phong, ủ dột nấp dưới những tán quéo cổ thụ xù xì mốc meo gân guốc thoắt cái đã thay luôn một khuôn mặt mới: hồ hởi, hớn hở, tươi tắn trẻ trung. Tất cả các khung cửa sổ, cổng ngõ ngày thường vẫn sầm sì khép nép, nay được mở tung hết cả ra. Người đi chợ đông quá. Người cứ như là từ dưới đất chui lên, từ các khe núi, bản làng heo hút hẻo lánh bấy lâu ẩn mình nay hiện ra để tràn về chợ. Người Mán, người Sán Dìu, người Mèo, người Cao Lan, người Lô Lô... Nhưng đông nhất vẫn là người Tày và người Nùng. Rồi cả người Kinh lên miền ngược lập nghiệp từ lâu năm nữa. Vào phiên chợ, còn xuất hiện vài tay lái buôn miền xuôi đeo túi dết, đội mũ lá, mắt lanh lợi ngó nghiêng kiếm tìm món gì đó. Những chiếc ô hoa, những chiếc dù đen, váy thổ cẩm, khăn piêu, dải áo năm thân, bắp chân quấn xà cạp, chuỗi tràng bằng đồng bạc, cổ tay mang vòng cườm, những chiếc khèn cùng màu áo chàm, áo xanh sĩ lâm loang loáng hòa vào nhau, nhìn cứ lóa cả mắt. Hàng hóa đầy ùn trên cái chiếu cói và tệm giang rải trên mặt đất, trên đài đá, mẹt, nia, sàn lán. Ngô hạt vàng vàng, tim tím, trăng trắng trong thúng. Gạo cẩm, nếp vì-pất, gạo nương thơm nức ăm ắp từng bao. Muối trắng, đỗ đen, đỗ tương, đỗ xanh, vừng, đại mạch... từng lu. Cá mắm, tép khô, đường phèn, những gắp thịt thú rừng, cá suối tẩm gừng nước vàng óng còn thơm lừng và hâm hẩm nóng bầy ngồn ngộn. Những bu vịt, lồng gà, những ống nứa giang nút lá chuối đựng đầy mật ong. Những giành sa nhân, mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả héo quăn. Những dâu, mận, mơ, đào, trám đen, trám trắng, cam, quýt, sọt mác-coọc, loỏng mác-kham... tươi ngon ong óng. Một vài ông già mặt mũi nhăn nheo, đội mũ nồi đen, mặc quần cáo chàm có vồng hoa văn mặt trời quanh cổ áo, móng tay cáu cặn, ngậm điếu thuốc như tổ sâu quấn bằng thứ lá nâu nâu xỉn xỉn, mắt lim dim, ngồi bệt dưới đất. Trước mặt ông, trên chiếc lá cọ hoặc mảnh cót, tệm nứa nho nhỏ bày nào là tay khỉ khô, mật gấu, vỏ cây rừng, vảy tê tê, vuốt hổ... và mấy mẩu cao đen đen hôi thum thủm. Thi thoảng, góc chợ chợt rộ lên bởi tiếng cãi lộn giá tiền kỳ đà, tắc kè, tò he, rùa rùa hay gà qué nhập nhằng gì đó do không hiểu hết ngôn ngữ của nhau mà ra. Cũng có một vài cuộc xô xát của đám thanh niên chỉ vì chàng trai nào đấy mải bám theo một nường, một noọng xinh đẹp, duyên dáng đã mang vòng bạc, dây tết ngũ sắc trên cổ tay trái mà anh không để ý. Tuy nhiên tất cả đều ổn thỏa khi một mè, một ké chẳng biết từ đâu tới kịp thời tung quyền Tàu, phi chưởng cước khóa giữ bàn tay hăng máu đang định rút dao khỏi vỏ gỗ bên hông ra. Người già vỗ vai kẻ hàng con cháu để nói đôi điều đạo nghĩa. Hai bên xích mích ngượng ngập nhìn nhau và giảng hòa bằng cách kéo vào quán lá, tay vòng tay chuyền nhau uống chung bát rượu đầy. Cũng có những người đã thành anh em kết nghĩa hoặc đồng hao một nhà từ những cuộc "kín tẩu" nho nhỏ ngẫu nhiên như thế... Cuối chợ, một bầy khỉ bị người ta nhốt trong lồng gỗ cứ nhe răng khèng khẹc bộc lộ sự bất mãn mất tự do cùng mấy chú vẹt xanh, chim sáo, họa mi cũng đang bị cầm tù trong rọ tre treo phía trên đó. Nhưng cũng có chú khỉ láu lỉnh lắm. Nó chìa tay ra ngoài xin ăn. Cho nó mẩu đường phên, trái mận, quả mác-mật hoặc mẩu mía de... cu cậu liền nhét vội vào miệng, không hiểu là ngậm hay nuốt chửng mà nhanh thế vì nhoáy một cái đã thấy một tay lại gãi bụng, gãi đầu, gãi tai, còn tay kia lại chĩa ra ngoài xin ăn tiếp. Mắt con khỉ cứ chơm chớp, nhìn tội nghiệp thế cơ chứ... Nhưng kẻ phàm ăn này cũng rất xấu tính, nhất là đối với những đứa trẻ nào đã không cho nó cái gì lại còn cười cợt, ngoảnh lưng chổng mông làm ngơ là biết ngay. Nó thò cánh tay dài ngoẵng đen đúa lông lá của mình ra, cố tóm bằng được vào cái bàn tọa hoặc hông sườn để bấu cho một cái thật đau khiến kẻ vô tình với nó phải kêu thét lên...

*

Chúng tôi xuống chợ, vì đội thông tin văn hóa đang chờ bố tôi ở đấy. Trên cái khán đài đá, phông, màn, khẩu hiệu... đã chăng ra cự kỳ sặc sỡ. Chú Nhỏ, chú Phía, bác Loòng và mấy đồng đội nữa của bố đang thử lại loa cầm tay, lắc lắc xúc xắc, lục lạc, chập cheng chũm chọe, phèng la, thổi kèn, thổi sáo và cả đàn nhị nữa. Tiếng trống thì thùng, tung tung tưng bừng. Nhưng chỉ khi nào bố tôi đến, ra hiệu lệnh thì mọi người mới bắt đầu các tiết mục của mình. Khi này chính là tầm chợ đông người nhất. Cô Phi La, bác Thào Can, chị Sẻo Mại, chị Nông Chử Hào, anh Hà Văn Toòng là những diễn viên chính của đội. Họ hát, diễn kịch, đọc tấu, đọc thơ, đối thoại và trò chuyện với khán giả. Người đổ về khán đài mỗi lúc một đông. Đội văn nghệ diễn các tiết mục đa phần được cải biên từ các làn điệu dân ca quen thuộc trong vùng bằng tiếng Tày, tiếng Mèo và tiếng Kinh. Những bài hát hùng tráng tha thiết, đại để thế này:

Chà tắng nóa chẩu dinh tù ti doa moa cồ xinh. Oa cha chư chầu tà tráo tỏa troa. Tỏa nha cu mình tăng tu chì di lì lú. Oa cha nì ná mồ ta hu sư mình ta trao linh tao. Pi xinh thi dinh mình tao pi cù tà tráo lu du... (Đại ý: Ta đánh đổ hòn đá Quốc dân Đảng. Ngày nay có Hồ Chủ tịch lãnh đạo, các dân tộc chúng ta đã được sống chung trên một Tổ quốc...).

Hoặc giản dị, vui tươi:

... Thâng tiết mùa bươn hả pây đăm. Bươn pét khẩu păn lằm kẻo lại. Thâng bươn cẩu khẩu cải pền chèn. Đếch ké tọn au càn pây háp. Báo sao duyên nả nạc chồm khua..." (Đại ý: Tháng năm ra ruộng cấy lúa. Tháng tám lúa đã lên bông. Tháng chín gặt ra tiền của. Trẻ già vác đòn gánh quẩy về. Trai gái vui cười hả hê...).

Nói chung, các tiết mục đều có cùng chủ đề ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống ấm no, thanh bình; cổ động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của chính phủ cách mạng; thông tin văn hóa, giáo dục, y tế. Đặc biệt là các phương pháp phòng chống chữa trị bệnh tật, vận động đồng bào bài trừ mê tín dị đoan, loại bỏ các hủ tục, làm rõ cái tốt, cái hay của đời sống định canh định cư, mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em... Người người xúm lại lắng nghe, hỏi han, hát theo, hể hả vui cười, vỗ tay tán thưởng. Ai biết chữ quốc ngữ thì xin thêm tờ tuyên truyền của đội văn hóa, run run cầm trên tay, đọc lẩm nhẩm, mặt mày hớn hở. Ai không biết chữ thì xem áp-phích, những tờ tranh vẽ, in những hình ảnh đen đen đơn giản dễ hiểu hơn. Cũng có khi hứng chí, các chú người Mèo còn mạnh dạn tháo gùi trên lưng trao cho người thương đi cùng giữ để trèo lên khán đài múa khèn góp vui với đội thông tin. Bốn, năm chú ôm những chiếc khèn sáu ống trúc nối vòng theo bác Thào Can, đá chân, đánh hông nhấp nhổm, nhịp nhàng. Có lúc, họ còn chăng cả gậy dài, nhún nhảy, đung đưa múa khèn trên gậy như làm xiếc. Tiếng khèn âm âm, vang vang trong nắng mới... Bố tôi rất ít khi xuất hiện trên khán đài. Ngay cả những lúc đông vui nhất, ông cũng chỉ đứng ở hàng cột người ta treo những sợi dây thừng to đùng xa xa đấy hoặc ngồi đâu đó nơi góc chợ. Như một khán giả bình thường, ông đi loanh quanh thăm hỏi những người đứng gần:

- Ké (pạc, chài...) thấy sao? Hiểu thế nào về cái đội thông tin đang hát lá?

- Mình biết là mình còn ngu quá mà. Nay về thử làm theo lời các cái cán bộ nói xem. Mà mày có quen thằng gì đang đứng cầm ảnh Cụ Hồ trên kia không, hỏi hộ xin cho tao một tấm để tao đem về treo ở nhà vớ.

- Noọng (lan, a, pỉ, pá...) sao về sớm vấy. Chợ còn đông mà. Đội văn hóa diễn hay quá nhỉ?

- Mình thấy vui, ghé lại xem nhưng không có hiểu mày à.

- Noọng (lan, a, pỉ, pá...) không hiểu ở cái chỗ nào? Nói tôi nghe với lá...

Người đối thoại cùng bố cứ hết lắc, hết gật, hết chỉ chỏ, lắc đầu, cười cười, lại đấm lưng nhau thùm thụp hoặc chúi mặt vào ô vì thẹn thùng điều gì đó. Bố tôi nghe rất chăm chú. Có nhiều khi, tôi thấy ông còn ghi chép rất tỉ mỉ. Cuốn sổ bìa da nâu cũ sờn của bố cứ loằng ngoằng những dòng tốc ký. Mỗi lần như vậy, về nhà bố tôi lại thức rất khuya. Ông sửa lại một tiết mục hay ca từ, lời tuyên truyền cổ động tiếng dân tộc nào đó. Đội thông tin tập luyện kỹ càng hơn. Họ chuẩn bị cho những chuyến đi xa, những chuyến đi không phải chỉ để đánh đàn, đọc thơ và ca hát...

Nhưng tất cả những thứ vui trong phiên chợ, kể cả ân sủng mà chú Nhỏ lắc xùng xèng to như con gấu ban cho tôi là ngồi bên cạnh mình để thi thoảng cầm cái dùi nện "tung... tung..." lên mặt trống cũng chẳng làm tôi hào hứng. Chỉ mãi sau, bố tôi mới sực nhớ ra. Chỉ mình bố mới biết tôi muốn theo người đi chợ là vì được đến quán nhà ông Tra Pá La nên người vẫy tay đồng ý cho tôi ra nơi ấy. Nhà ông Tra Pá La ở dãy nhà người Hác. Như những người Hác gặp hoạn nạn từ phương bắc xa xôi phiêu bạt tới ngụ cư trên quê hương tôi, gia đình ông sống rất hòa thuận, nhường nhịn cùng cộng đồng quanh mình. Cũng như những người Hác khác trong thị trấn, cả nhà ông, ai cũng chăm chỉ, hiền hậu, cần cù và chịu khó hết mực. Ông mở quán hàng, bán phở sắn và vịt quay trong những ngày có phiên chợ. Tôi muốn đến nhà ông Pá La không phải vì tôi chết thèm bát sủi dìn, cái men-pao, chiếc mán-thâu hay cái coòng vịt béo ngậy vàng óng mỡ ngon ơi là ngon mà bà A Khâu vợ ông thường bắt tôi ăn ngay cho nóng khi gặp mặt. Tôi thích đến nhà ông Tra Pá La vì nơi đó có người bạn thân thiết của tôi - A Máo. A Máo của tôi là một cậu con trai thực thụ đấy, bố tôi khen thế. Da cậu ấy trắng hồng, mũi cao, mắt to dài và sáng. Lông mày cậu ấy xênh xếch và nụ cười tinh nghịch. Tóc cậu húi cua, đen nhánh và cứng như sợi cây moóc. A Máo hơn tôi một tuổi nhưng cao hơn tôi hẳn hai cái đầu. Có thể vì được cả nhà tới những bảy người lớn thường xuyên quan tâm chăm chút nên A Máo cực kỳ nhõng nhẽo, thích "sa cheo". Mỗi lần tôi tới đều thấy cậu ấy đang ngồi bệt dưới nền nhà, nước mắt lưng tròng, mặt mày phụng phịu, miệng lầu bầu mếu máo vòi vĩnh cái gì đó. Thế nhưng chỉ cần nhác thấy bóng tôi lon ton ngoài cửa, A Máo liền vội vàng quệt ngang nước mắt và tươi tỉnh lại ngay. Cậu ta hớn hở chạy bổ về phía tôi, cảm động đỡ lấy bó trường xuân bọc lá chuối mà không hiểu sao lúc ấy, tôi rất trịnh trọng nâng niu đưa tặng như món quà vườn nhà. A Máo phải lòng hoa trường xuân một cách ghê gớm. Máo nắm tay dắt tôi lách qua những tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của các vị khách chen nhau ngồi xì xụp ăn hàng trong dãy quán; chờ tôi hét chào hai anh sinh đôi La La và Liu Liu giống nhau như hai giọt nước đang tất bật bên dãy bếp lò rừng rực, rồi lôi tôi đi qua sân, ra nhà sau. Bên ngách cửa gian thờ, hướng thẳng ra quán, có hai ông tượng sứ nhìn rất lòe loẹt đang ngoác đôi môi dày đỏ chót cười cực kỳ vô tư. Máo vứt hết những thứ hoa trong các lọ bình nho nhỏ cắm quanh đó, thay trường xuân vào. Cậu thắp hương, quỳ gối, chắp tay thành tâm khấn vái:

- Tấn tài! Tấn lộc! Cát tường! Trường xuân!

Tôi cũng bắt chước A Máo nhưng không hiểu điều mình lầm bầm nói nghĩa gì.

- Thì Máo thấy tía, thấy má[1] ngày ngày khấn thế, bảo có như vậy mới yên ổn, mới khỏe mạnh, mới may mắn, có nhiều khách đến ăn hàng và mới sống lâu nên làm theo luôn thôi.

Còn tôi lúc ấy thì chỉ đảo mắt đánh giá hai cái ông "tấn tài, tấn lộc" nhà Máo cười bợm bãi thế kia thì không thể nào dùng làm búp bê chơi đồ hàng được rồi. Bởi vậy chẳng mất thời gian, chúng tôi rủ nhau chui vào nhà kho, cào vào những bao tải đựng hạt lúa mì, ngô, sắn khô... cho mặt mũi, tóc tai, quần áo phủ ngầu những bụi, rơm rác và mạng nhện rồi cười khanh khách. Chúng tôi trèo lên cả những xà kèo cao quá đầu người, tìm bóc những tờ giấy hồng viết những câu phù chú chữ Hán mực tàu đen đen giắt trên mái ngói để gập pháo, gập quạt, gập máy bay, thuyền bè... Vừa làm, chúng tôi vừa ba hoa xích tốc với nhau đủ mọi thứ trên đời. Cứ như thể chúng tôi đã xa nhau từ lâu lắm rồi nay mới được gặp mặt... Có tiếng ho húng hoắng từ phía lầu vọng tới. Tít cuối vườn nhà A Máo, cách biệt bởi những bồn cây và chum vại sành, nơi mà tiếng ồn ào của phiên chợ và khách khứa không thể vượt tới được có một lầu gác nho nhỏ bằng gỗ. Trên lầu, có một người tóc trắng như mây, mỗi khi chải đầu lại đổ xuống dài chấm gót. Người này dáng vóc phương phi, luôn trầm tư tĩnh tọa với cuốn sách ngả vàng có những cột chữ tượng hình vuông vuông trong tay. Đó là Bạch Mao Nữ - nải nai - bà nội của A Máo. Nải nai có vẻ huyền bí và khắc kỷ. Bà rất ít khi ló mặt ra ngoài. Mỗi lần nai nải có việc phải đi đâu, tía, má của A Máo lại phải xòe ô, rước xe ngựa đón ra từ tận cửa. Thi thoảng tôi còn thấy ông Tra Pá La, bà A Khâu quỳ gối dập đầu dưới chân cầu thang lầu vấn an hay thỉnh cầu điều gì đó mà nải nai vẫn nhất định không tha thứ. Cả nhà A Máo ai ai cũng tôn kính và khiếp hãi uy phong của nải nai... Tôi đứng phắt dậy, gạt tay A Máo đang bấu chặt vào bờ vai mình, rón rén bò lên cầu thang, gõ cành cạch lên cánh cửa mãi cho đến lúc nghe thấy tiếng lẹt xà lẹt xẹt tiến ra mới ù té bỏ chạy. Tôi và A Máo chui tọt vào gầm cầu thang và nấp im thin thít dưới ấy. Nải nai ra mở cửa, mái đầu bạc ngó ngó, nghiêng nghiêng. Bà đi xuống mấy bậc cầu thang, qua lỗ hổng trên đầu tôi thấy rõ chân nải nai nhỏ xíu, có lẽ chỉ nhỉnh hơn chân chúng tôi một chút, ngoắc vào đôi hài màu hồng viền kim tuyến đã sờn cũ lộ ra dưới ống quần lụng thụng thêu những đóa đỗ quyên vàng.

- À hầy a. Cái tứa lào gọi ủa hầy? Ủa là ủa tang pận toọc Tường thi[2] mà. Hầy a! Cái tứa lào cần gì ủa a...

Tôi ngênh nghênh mặt, ngó sang A Máo, định bảo: "Thấy chưa, nải nai cũng rất hiền hậu đấy! Bà nội không chỉ đọc thơ Đường riêng đâu, bà còn muốn biết ai cần bà giúp đỡ đấy mà". Nhưng nhói một cái, có thứ gì cưng cứng, đau đau cắm sượt qua má tôi, sượt cả qua miệng. "Xin bác xơi cái coòng gà!". Hoa trường xuân héo khô, cứng săn lại, A Máo chìa sát bên tôi giăng bẫy. Tôi tức quá "cạch" chơi cùng A Máo, chạy ra ngồi bên cối xay, múc nước từ chum đổ vào máng xay giúp anh Liu Liu và La La. Tầm trưa, sau rất nhiều lần hòa giải không xong, A Máo vác con mèo tam thể đang ngủ khoèo trên nóc chuồng gà, mon men lại gần tôi. Máo xách cổ con mèo, liếc nhìn tôi, nói to:

- Miêu! Mày hãy nói xem, trên đời này ai là bạn thân nhất của Hoan?

Cậu ta bóp mạnh tay một cái, chú mèo đau quá ngoác miệng kêu: "... Ao... Mao... A... Máo...". Tôi thích quá đến bật cười và quên hết mọi chuyện giận dỗi để quay ra nịnh nọt A Máo chỉ cho cách dạy thú biết nói. Dự định của tôi là để Míc học được dăm câu ba điều hay hay gì đó. Đại để: "Míc kia! Tao đố mày biết con gì kéo cày, có sừng, ăn cỏ đấy?", nó sẽ trả lời: "u... âu... con... trâu" chứ không phải "... Đâu... đâu... diều hâu...". Tuy vậy A Máo có trao đổi lại với tôi, để dạy được Míc ủng oẳng một đôi câu có ý nghĩa, tôi sẽ phải trả cho A Máo một núi toàn hoa trường xuân, coi như là học phí "lảo sư". Một núi chứ cả dãy núi hoa tôi cũng bằng lòng tìm đủ cho ông thầy A Máo. Quê nhà hoa nhiều như thế, việc ấy khó gì đâu...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx