sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 06:Hoa trường xuân vẫn nở-P2

Đó là một buổi chiều mùa đông u ám và buồn bã. Những cơn gió bấc lạnh lùng khô khan khinh khỉnh thò bàn tay cứng ngắc tàn nhẫn giật tung những tàu lá cọ trên nóc nhà ném thẳng vào vườn cải. Có tiếng người gọi ngoài cổng. Tôi quàng khăn len, xỏ dép, khoác áo bông co ro bước ra. A Máo của tôi phong phanh áo sợi, chân đất, tóc tai rối bù, mặt mày xám ngoét. Hôm nay A Máo lạ lắm, dám một mình đi bộ từ trấn lên xóm núi của tôi, thế mà dù tôi vội vã giật then cửa, kéo tay vật nài thế nào cũng nhất định không bước vào. Cậu ấy dắt tôi ra đứng nép vào bờ rào, nhìn quanh quất rồi len lén rút vật gì đó giấu trong ngực áo ra rồi đặt vào tay tôi. Con cù quay bằng gỗ cẩm lai! Món đồ chơi quý giá nhất trong những thứ đồ chơi của A Máo. Con cù quay có khắc chữ "vạn", mỗi lần tiếp đất, nó rất xoáy, rất "lim". Mặc dù chỉ là những nhóc nhí nhưng mỗi lần thi đánh cù với các chú Mán ngoài chợ hay phiên hội, bao giờ A Máo và tôi cũng thắng. Chúng tôi rất hãnh diện về con cù của mình, ai gạ gẫm đổi chác thế nào cũng không đồng ý. Tuy nhiên, dẫu sao nó vẫn là của A Máo, thuộc về A Máo. A Máo luôn giữ rất kỹ và vì thân nhau nên Máo mới cho tôi chơi chung đấy. A Máo hứa đến mùa xuân này, cậu sẽ theo tía, chị Phon, chị Phín, anh rể Tùa Mi, anh Liu Liu và anh La La nữa vào rừng lấy củi. Trên rẫy nương, những gộc cây còn sống sót sau vụ mùa người ta đốt dở dang mùa đông qua sẽ trồi lên những mầm xanh hơn nên thế nào, cậu cũng dễ dàng tìm thấy gốc gỗ quý thật ưng ý để gọt cho riêng tôi con cù quay. Nhưng tôi phải tập quấn dây qua chân cù và ngón tay, tập tung và chọn điểm thả cù rơi cho thật "hảo thủ" trước đã...

- Giữ nhé... - A Máo dúi vào tay tôi, nói giọng buồn buồn.

Lúc đó, tôi sướng rên và cực kỳ cảm động, không ngờ A Máo lại cho mình cái vinh hạnh này nên định chạy vào nhà, bê cả mủng sách của mình ra cho A Máo chọn đổi lấy món gì tương xứng tùy ý. Nhưng A Máo giữ tôi lại và dáo dác nhìn xung quanh. Không biết sao khi ấy, tôi nghĩ ngợi thế nào đó lại chạy luôn vào vườn nhổ một gộc trường xuân to tướng mọc cạnh chân rào đầy những hoa là hoa, dúi vào tay A Máo và lắp bắp những câu mà bố đã giảng giải cho tôi hiểu rất kỹ từ lâu:

- Phát tài... Phát lộc... Cát tường... Trường xuân...

Chúng tôi nhìn nhau như chưa bao giờ được nhìn nhau. Nơi con mắt sáng ngời và hiền hậu của A Máo, tôi nhìn rõ bóng tôi bé tí teo như con kiến càng, mảnh khảnh, khờ khạo, ngồ ngộ, ngơ ngơ. Những đóa trường xuân tím ngắt rung rung trong vòng tay A Máo... Có tiếng lục lạc leng keng vọng tới. Bố tôi mặc áo chàm, đội mũ lông cáo, khoác đãy thổ cẩm ngang người, cưỡi trên lưng ngựa đang về tới con dốc ngoằn ngoèo dài lê thê xa xa đấy mà. A Máo hốt hoảng nấp vào sau lưng tôi khi người vụt qua. Rồi cậu ấy hấp tấp, luống cuống ôm bó hoa bỏ chạy. A Máo khác thường quá! Tôi và con Míc bươn lên mỏm đồi ngóng trông theo. Bóng dáng cậu ấy phong phanh. Đôi cánh áo với những chiếc nút vải bị gió giật xổ tung ra xấp xõa. Chốc chốc, cậu ấy lại ngoảnh cổ ngoái nhìn và có lẽ bị vấp vào viên đá nào đó trên đường nên chúi đầu một cái. Bạn tôi bước liêu xiêu trong hoàng hôn u ám của mùa đông. Có điều gì rất khó hiểu, bi thương, biệt ly mà tôi tuổi nhỏ, nhỏ quá đã không thể nhận ra...

*

Tôi vẫn ngồi lặng im lắng nghe với vẻ ngoan ngoãn nhưng khó lung lạc như mọi khi cho đến lúc nhà sưu tầm âm nhạc dân gian ra về. Cũng như mọi lần, tôi không tiễn khách mà chỉ đợi tiếng sập cửa vọng lại để nằm vật xuống đi-văng. Mắt tôi ngước lên, đăm đắm nhìn về phía bức tranh mới treo trên tường. Đó là phiên bản của phiên bản. Người thợ chép tranh giỏi nhất Hà Nội đã phải hì hụi cả tháng trời mà vẫn không làm tôi ưng ý. Bức tranh tôi chụp ở quận Bạch Vân, thành Quảng Châu trong chuyến công tác Trung Quốc vừa qua. Để thực hiện hợp đồng dài hạn hợp tác sản xuất các chương trình đĩa compact tuyển chọn âm nhạc vùng Đông Á do các nghệ sĩ Trung Hoa đại lục, Hương Cảng và Việt Nam thể hiện, tôi được giao nhiệm vụ tới Quảng Châu thống nhất với bộ phận biên tập của đối tác về kịch bản chi tiết trước khi tiến hành phối khí, hòa âm, thu thanh, quay cảnh, dựng hình... nhằm tránh trục trặc nào đó trong ngôn ngữ biên thảo. Tại phòng làm việc của đạo diễn đồng thời là giám đốc nghệ thuật của phía bạn, tôi đã nhìn thấy bức tranh này; bức tranh được treo ở vị trí trang trọng nhất và ở rất gần với tầm mắt, chủ nhân mỗi lần ngẩng đầu lên là có thể nhìn thấy rất gần gũi bên mình.

... Một chú bé mảnh khảnh cổ quàng khăn sẫm màu, mặc chiếc áo bông chàm vá một đụm nâu vát như bàn tay bên vạt áo. Cạnh chú bé là con cún nhỏ, tai nhọn vểnh lên như nghe ngóng điều gì xa lắm. Hai sinh linh ấy đứng trên mỏm đồi những tán sao cổ thụ cành cội trơ trụi, dưới bầu trời cuồn cuộn những áng mây xám rưng rưng. Núi rừng điệp trùng, u ám. Con dốc nhỏ, dải đường ngoằn ngoèo thấp thoáng dưới chân thung... Cảnh vật này đã làm tôi ngờ ngợ, thấy quen quen quá... Cho đến lúc nhìn kỹ những bụi hoa li ti, bạt ngàn, tím sẫm trong ánh sáng chấp chới của hoàng hôn lạnh giá... Bức tranh vẽ theo lối quốc họa cách tân với sắc tím nhưng tôi vẫn nhận ra những bông cỏ dại, bé nhỏ, ngời ngợi kiên trinh ấy chính là hoa trường xuân. Hoa trường xuân quê tôi! Hoa trường xuân tuổi nhỏ vời vời thương nhớ đời tôi. "Là tác phẩm của Trương tiên sinh. Tiên sinh cũng còn khá thanh niên, trạc tuổi anh đấy. Những lúc thanh nhàn, tiên sinh sáng tác hội họa. Về hoa, thì chỉ có vẽ thứ này thôi". Chuyên viên ngôn ngữ đồng thời là trợ lý của Trương giới thiệu khi thấy tôi chăm chú đến bức tranh một cách rất lạ thường...

Tôi không gặp được Trương bởi vì anh đang có mặt tại La Sa, thủ phủ xứ Tây Tạng huyền bí, trong khí hậu khắc nghiệt, cùng các cộng sự hoàn thành ngoại cảnh cho tập tiếp theo của bộ phim dã sử về cuộc đời một đức Phật tý hon - đức Đạt ma bé nhỏ, đáng kính và đáng yêu trong truyền thuyết. Bởi thế, ngày chia tay các bạn bên ấy, tôi đành ấm ớ trình bày một lý do hết sức buồn cười trước khi xin chụp lại bức tranh của Trương sư phụ. Suốt hành trình trở về đất Việt cho đến nay, tâm trí tôi luôn băn khoăn một câu hỏi, một thắc mắc mà chỉ khi nào trực tiếp gặp Trương có thể mới hết mơ hồ: anh có phải là A Máo những năm tháng tuổi thơ của tôi không?

... Trên vô tuyến, bản tin cuối ngày. Tình hình thế giới. Xung đột các sắc tộc, tôn giáo, đảng phái. Những mưu mô chính trị đen tối. Các cuộc chiến tranh đau thương và tàn khốc. Tôi nhìn thấy, những người mẹ ôm xác con thơ. Tôi nhìn thấy những đám đông hốc hác, đói khát, hoảng loạn, nháo nhác. Tôi nhìn thấy, những người xưa kia có thể là bạn bè, nói chung một ngôn ngữ, sống trên cùng một mảnh đất, nay đối đầu trên hai giới tuyến, ném lựu đạn, xả súng vào nhau. Tôi nhìn thấy binh lính, xe tăng, đại bác, tên lửa và máy bay... Những thành phố, con đường, cây cầu, sân chơi, khu vườn, mái trường, đền đài... bỗng chốc tan tành đổ nát. Tôi nhớ đến tiếng nghẹn ngào của nỗi sợ hãi không dám bật lên môi bởi bị bàn tay người lớn giữ lại. Nhớ nỗi âu lo ngơ ngác đang đêm giá lạnh bị thúc dậy khỏi chăn đệm ấm êm băm bổ, hoảng loạn, dắt díu, bơ vơ... Và những đoàn người sơ tán hỗn độn, nhếch nhác, muộn phiền, đói khổ từ miền biên cương xuôi xuống phương nam lánh nạn hai mươi năm trước kia... Chẳng hiểu vì cơn cớ gì những người anh em dân tộc Hác ở quê tôi đã âm thầm bỏ đi đâu mất. Mấy tháng tiếp theo, xung đột biên giới Việt - Trung xảy ra. Phiên chợ đông vui, buổi biểu diễn văn nghệ của đội văn hóa thông tin, ngày xuống núi đi học, trò đánh cuộc, chơi cù quay, hội tung còn, đánh cầu, chăn trâu, cưỡi ngựa... yên lành, vui vẻ, vô tư cũng tiêu tan theo hết... Trong thời điểm nhiều nỗi buồn u ám ấy, một vài người có thể vì hiểu lầm hoặc vì nguyên do nào khác nữa đã soi xét mối quan hệ thâm tình của bố tôi và những người Hác dưới thị trấn, trong đó có gia đình ông Tra Pá La. Tuy nhiên, nhát chày thị phi ấy đã chẳng hề hấn gì với những người như bố tôi. Bởi vì bố tôi chỉ là một người trong một đội ngũ, bởi bố tôi còn những đồng đội, còn những người chỉ huy, người đã tin tưởng và giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ của mình dấn thân vào trận tuyến mà tôi biết chắc chắn rằng cho đến nay, với bất cứ quốc gia đa sắc tộc nào vẫn còn nóng bỏng bởi có rất nhiều gian nan và phức tạp. Đó là mặt trận văn hóa thông tin và phong trào dân vận. Tôi và mẹ theo bố chuyển đến vùng công tác mới. Con đường đi của bố tôi thênh thang, rộng rãi và bằng phẳng hơn. Nhưng không hiểu sao, vào cả những lúc vinh quang nhất, tôi vẫn linh cảm rằng bố tôi luôn có một điều gì đó buồn lắm. Một nỗi u uẩn, day dứt khôn nguôi. Lúc còn nhỏ, nghe trộm người lớn nói chuyện thời sự với nhau, tôi nghĩ đó là nỗi buồn của công dân một đất nước đang nghèo khó lại tiếp tục gặp tai họa chiến tranh. Khi lớn hơn một chút, bắt đầu tập tọng ghi chép và nghiền ngẫm những câu danh ngôn với suy tư riêng mình, tôi lại cho rằng, đó là nỗi niềm của người kỵ mã phải rời xa lưng ngựa, của cánh phượng hoàng sớm giã từ bầu trời gió lộng nơi đại ngàn hoang vu. Nhưng cho đến khi thành một gã trai trẻ tuổi hai mươi, bồng trên đôi tay lực lưỡng của mình thân thể người cha già nua teo tóp và nhẹ bẫng như một nhành củi khô, đi lang thang trong khu vườn mùa thu yên tĩnh, giữa hoa lá cỏ cây thơm ngát... thì dường như tôi mới hiểu đúng nỗi lòng của bố. Ông luôn canh cánh nỗi băn khoăn của người lính không hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ. Nỗi day dứt của người giống như những cây trường xuân không có cơ may trổ nụ nở hoa tím thắm dưới ánh mặt trời.

... Không còn bố nữa, đời tôi trống trải vô cùng. Nhưng dẫu thế, tôi vẫn để người mẹ góa bụa hiền hậu chung thủy ở lại một mình nơi mảnh đất cưu mang và che chở nấm mồ bé nhỏ của bố, để đi theo con đường mở dưới bàn chân tuổi trẻ rất nhiều ước muốn của tôi. Nơi phương trời xa lạ, tôi học nói tiếng người, mặc trang phục, ăn uống, cư xử... và lẫn vào đám đông xung quanh rất nhanh. Tôi đã làm rất nhiều công việc để kiếm sống và cũng nếm trải rất nhiều hương vị cuộc mưu sinh. Số phận run rủi thế nào trong hành trình dài dằng dặc của mình ấy, tôi đã dừng lại ở vị trí chuyên viên kinh tế kiêm biên tập văn nghệ của một công ty chuyên sản xuất vật phẩm văn hóa trong đó có sản phẩm âm nhạc. Mặc dù có nhiều may mắn và thuận lợi như vậy, nhưng cho đến bây giờ tôi cũng không chắc bản thân mình gắn bó lâu dài với công việc hiện tại hay không. Bởi vì tôi là người hay thay đổi và không thủy chung. Tôi chưa bao giờ kiên tâm đeo đuổi một mục tiêu nào đấy lâu dài và hễ gặp vài trở ngại, dù rất nhỏ, tôi cũng sẵn sàng vứt để chuyển lối đi. Chính thế, khi nhà sưu tầm văn hóa dân gian đáng kính ấy đến tìm tôi như tìm gặp một tri âm trẻ tuổi, tôi đã trốn tránh. Khi không thể trốn chạy được nữa, tôi lại im lặng, vờ vĩnh và giả dối ngoan ngoãn nghe ông tâm tình. Hơn bốn chục năm qua, con người đó đã chuyên tâm sưu tập những làn điệu dân ca của các vùng quê, các dân tộc sống trên dải đất hình chữ S với một nguyện vọng đeo đuổi từ những năm tháng tuổi trẻ xa xưa: được góp phần công sức bé nhỏ của mình cho cộng đồng các dân tộc sống trên dải đất Việt Nam yêu quý này được hiểu biết về nhau hơn, hòa hợp, thân ái và yêu quý nhau hơn. Bao nhiêu năm qua, ông đã đi, đã đến và sống tại rất nhiều vùng đất, trong đó có nơi tôi đã sinh ra và trải qua thời thơ ấu tươi đẹp. Tại nơi ấy, ông đã nghe nhạc, sao chép, trực tiếp ghi âm thêm được vài ba bài dân ca dân tộc thiểu số hay và đặc sắc trong vùng. Tuy nhiên, như ông nói, qua nghiên cứu nhận thấy về nhạc lý không có gì đáng ngờ nhưng phần ca từ có vẻ khá hiện đại. Tìm hiểu kỹ hơn, có người trước kia đã từng tham gia đội văn nghệ quần chúng mách ông rằng để giải đáp được mối hoài nghi ấy cũng như phục hồi lại ca từ nguyên thủy có lẽ chỉ còn một ít người làm được việc này. Họ nhắc đến người cha đã quá cố của tôi. Nhưng tôi đã kịp làm người nghệ sĩ này mất vui ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên sau cuộc tìm kiếm đầy may rủi và khó khăn của ông bằng việc phủ nhận còn lưu giữ những di vật của người đã khuất... Gần hai mươi năm qua rồi, có biết bao biến cố đã xảy ra. Những kỷ vật của bố để lại luôn gợi cho tôi rất nhiều nỗi niềm nhưng lớn hơn tất cả là nỗi hổ thẹn của tôi, một người con sống không xứng đáng với mong ước của người cha. Tôi không có niềm đam mê, nghị lực, niềm tin, nỗi khao khát và lý tưởng cao lớn, rộng mở như bố, như nhà sưu tầm cao tuổi, và biết bao nhiêu người thuộc thế hệ cha anh tôi đã gặp trong đời. Tôi nông nổi, nhợt nhạt, yếu đuối, cầu toàn, vị kỷ và ba lăng nhăng lắm...

... Không hiểu sao lúc này, trước phiên bản bức tranh ấy, tôi lại nghĩ rất nhiều về A Máo, về gia đình anh, về những người Hác đã ra đi ngày xa xưa ấy, về cả bố tôi, về nhà sưu tầm văn hóa dân gian và về nhiều người khác nữa. Chuyện cũ qua rồi, đã khép lại một quá khứ buồn rồi, bởi thế tôi hy vọng trong hành trình bôn ba của số phận, từ họ Tra mà A Máo mang để biến thành một họ Trương sau đấy, biết đâu chẳng có rất nhiều điều ly kỳ, bí ẩn và có thể cả những kỳ tích nữa. A Máo của tôi ơi! Không biết có phải là người đa cảm không mà trong bức tranh anh đã vẽ, tôi nhận biết cả tâm tưởng tuổi thơ nhung nhớ xa xưa... Còn có những khoảng cách, những cự ly, những khoảng vượt mà để minh bạch hơn, tôi còn phải mất nhiều thời gian và công sức nữa. Nhưng sao tôi lại hy vọng vào cuộc trùng phùng sẽ có trong tương lai với Trương, với câu chuyện đời anh và bức tranh ấy thế này. Đời tôi hay nhận vơ và tưởng bở nên việc vỡ mộng vẫn là chuyện thường tình lắm, nhưng lần này tôi cầu ước sao sẽ không giống như bao lần trước nữa.

Tôi bấm số điện thoại. Khuya lắm rồi nhưng có lẽ nhà sưu tầm vẫn thức và có thể điện thoại đặt ngay trên bàn làm việc nên chưa dứt hồi chuông đầu tiên, đã nhấc máy.

- Chiều chủ nhật, mời bác qua chỗ con - Tôi nói - Con đồng ý đưa bác mượn một số sổ công tác, bản thảo ghi chép liên quan đến thơ ca, truyện dân gian và âm nhạc của bố con để lại mà bác đang tìm. Nếu cần, con cũng đưa bác đọc những trang nhật ký bố con viết về công việc của mình trong thời gian đó. Con nghĩ là có thể chúng cũng giúp ích được cho những người như bác.

Lâu lắm rồi tôi mới thức khuya như thế này. Tôi đang cố gắng sử dụng hết khả năng Trung văn của mình cùng với từ điển để viết cho Trương một bức thư tâm tình. Để chắc chắn hơn về ngữ pháp, tôi sẽ đưa cho nhà sưu tầm dân ca ấy đọc hộ vì tôi biết ông đã từng được học tập tại Trung Quốc nên rất giỏi Hán ngữ. Có thể, khi đọc những gì tôi viết, ông sẽ cốc cốc vào đầu tôi, mắt long lanh hiền hậu nhưng lại nghiêm nghị nói:

- Ôi! Cậu kiến bé nhỏ ơi! Chỉ nên nói về mặt đất quanh tổ ấm của mình thôi. Sao cậu lại cứ trèo lên cây, leo ra cành cụt, nghểnh râu huyên thuyên hết chuyện cung mây mường trời thế này hả? Hả? Hả...

Nếu còn sống, thể nào bố tôi cũng mắng thương con trai mình như vậy đấy. Tôi biết rõ điều đó lắm bởi vì ngoài khung cửa sổ kia, trong đêm yên tĩnh thanh bình này, mưa đang rơi, đang rơi rất khẽ... Sau cơn mưa đầu mùa hạ, trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của tôi, mọi chốn, mọi nẻo đều trỗi dậy bạt ngàn hoa trường xuân tươi tắn. Những chồi nụ tím hồng, những chiếc lá xanh biếc trẻ trung long lanh, long lanh những giọt nước... Đám nhỏ xóm núi chúng tôi quên hết mọi công việc người lớn giao, chẳng hẹn mà trùng hợp cùng ùa ra thung lũng. Lúc đó chẳng cần biết là con ai, từ đâu tới, nói tiếng gì, chỉ cười cười thân thiện rồi ùa lại, tay nắm tay nhau đi nhung nhăng, ngúc ngoắc cái đầu và rồi thỏa thích trêu chọc nô đùa cùng những trảng hoa ngút ngàn rực rỡ...

A Máo ở dưới trấn và ít có dịp được vui vẻ vô tư như thế lắm. Có thể vì vậy mà anh sớm hiểu, trân trọng và yêu quý hoa trường xuân hơn chúng tôi.

Sao tôi nhớ những ngày ấu thơ của tôi đến thế...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx