sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 79 - Lưu Đường Đốt Lửa Thiêu Chiến Thuyền,

Đang nói chuyện lúc bấy giờ Cao Cầu thấy thủy quân thua trận, biết không đánh nổi, đang định cho lui quân thì nghe hoả pháo nổi vang khắp nơi, Cao Cầu vội cùng các tướng cướp đường mà chạy. Nguyên là các hảo hán Lương Sơn Bạc đặt súng bắn pháo hiệu chứ không đặt phục binh, chỉ mượn tiếng nổ làm cho bọn Cao Cầu một phen kinh hồn táng đảm, phải luôn đêm luồn đường chạy về Tế Châu. Điểm lại tướng sĩ thấy quân bộ không thiệt hại bao nhiêu, nhưng quân thuỷ tổn thất quá nửa, chiến thuyền không một chiếc quay về. Lưu Mộng Long thóat chết, quân sĩ kẻ nào biết bơi thì sống sót, bọn không biết bơi thì chết đuối hết. Thấy tướng sĩ đều suy nhụt nhuệ khí, Cao thái uý đành phải cho đem quân vào đóng trong thành, chờ Ngưu Bang Hỷ đem thuyền đến. Một mặt thái uý sai người đem văn thư đi thúc giục các nơi: bất kể thuyền công, thuyền tư, nếu thấy dùng được đều phải trưng dụng đem đến Tế Châu.

Lại nói ở trại Thuỷ Hử, Tống Giang trước hết cho người đem Đổng Bình lên núi, nhổ mũi tên ở cánh tay, rồi gọi thần y An Đạo Toàn đến đắp thuốc chữa trị. An Đạo Toàn dùng môn thuốc kim thương rịt vào vết thương rồi để Đổng Bình nghỉ ngơi dưỡng bệnh trong sơn trại. Ngô Dụng tập hợp các đầu lĩnh về tiếp sau. Thuỷ quân đầu lĩnh Trương Hoành áp giải Đãng Thế Hùng đến trước Trung Nghĩa đường để báo công. Tống Giang sai đem ra trại sau giam giữ. Tất cả chiến thuyền đoạt được đều đem về giao cho các đầu lĩnh thuỷ quân sử dụng.

Trong thành Tế Châu, Cao thái uý hội họp các tướng bàn cách tiến đánh Lương Sơn Bạc. Tiết độ sứ Từ Kinh thưa:

- Từ Kinh tôi thuở bé làm mãi võ bán thuốc, rong ruổi khắp giang hồ, có giao du với một người am hiểu binh cơ, tinh thông thao lược, có tài điều khiển binh sĩ như Tôn, Ngô, trí mưu chẳng nhừơng Gia Cát. Người ấy họ Văn, tên là Hoán Chương hiện ngồi dạy học ở thôn An Nhân ngoài thành Đông Kinh. Nếu thái uý đón được người ấy làm tham mưu thì có thể bẻ gảy được quỷ kế của Ngô Dụng.

Cao thái uý nghe xong bèn sai tứơng thắng ngựa tốt, đem theo lễ vật vóc lụa ngày đêm đi gấp về Đông Kinh mời tú tài Văn Hoán Chương đến Tế Châu giữ chức tham mưu quân vụ.

Viên tướng ấy đi được mấy hôm thì ở ngoài thành Tế Châu có tin báo:"Quân Tống Giang đến khiêu chiến". Cao thái uý cả giận, điểm ngay quân bản bộ ra ngoài đón đánh, lệnh cho các tiết độ sứ đem quân ra giao chiến.

Quân mã của Tống Giang thấy quân Cao Cầu tiến đến, vội lui về phía sau hơn mười lăm dặm, rồi đóng lại trên một vùng rộng rãi, địa thế bằng phẳng. Khi Cao Cầu dẫn quân đuổi đến nơi, quân Tống Giang lại lui sát về dàn trận bên chân núi. Dưới bóng cờ đỏ, một viên mãnh tướng phóng ngựa xông ra, trên cờ lệnh của viên tướng ấy để rõ "song tiên Hô Diên Chước". Hô Diên Chước nâng thương, ghìm ngựa đứng trước trận. Cao Cầu thấy Hô Diên Chước liền nói:

- Kẻ này lúc trước từng thống lĩnh quân mã, sau phản bội triều đình.

Nói đoạn sai Vân Trung tiết độ sứ Hàn Tồn Bảo ra đánh. Hàn Tồn Bảo quen sử dụng cây phương thiên họa kích, vâng lệnh phóng ngựa ra trước trận. Hai tướng lầm lì xông vào giao chiến. Một ngọn trường thương, một cây phương thiên họa kích vun vút qua lại, như đan chéo trên không. Hai tướng đánh đến hơn năm mươi hiệp, Hô Diên Chước đánh dữ một đường rồi nhảy ra ngoài quay ngựa chạy xuống sườn núi. Hàn Tồn Bảo nóng lòng muốn lập công liền thúc ngựa đuổi theo. Tám vó ngựa khua gìon như lắc chén. Hai ngựa đuổi nhau chừng bảy tám dặm, đến chỗ vắng, Hô Diên Chước vội đeo thương vào lưng, rút song tiên cầm tay, quay ngựa đón đánh Hà Tần Bảo. Hai tướng đánh hơn mười hiệp, Hô Diên Chước múa song tiên gạt cây họa kích rồi lại quay ngựa chạy. Hàn Tồn Bảo nghĩ bụng:"dùng thương còn chẳng dám đến gần ta thì cây roi kia làm được trò gì! không bắt sống ngươi lúc này còn chờ lúc nào nữa?" Hàn Tồn Bảo thúc ngựa đuổi theo, gặp ngay chỗ đường rẽ dưới chân núi, không biết Hô Diên Chước rẽ sang lối nào.

Hàn Tồn Bảo thúc ngựa chạy lên sườn núi nhìn quanh thấy Hô Diên Chước đang chạy ngựa bên kia bờ khe, Hàn Tồn Bảo quát lớn:

- Tên phản tặc định chạy đi đâu? mau xuống ngựa quy hàng thì ta tha cho khỏi chết.

Canary

canary

Hiệp Sĩ

USA

107 Bài viết

Được đăng vào ngày: 12/08/2003: 11:29:51

--------------------------------------------------------------------------------

Hồi 79 tiếp theo

Hô Diên Chước cũng dừng ngựa quát mắng Hàn Tồn Bảo. Hàn Tồn Bảo cho ngựa vòng ra phía sau đón đường Hô Diên Chước. Hai tướng gặp nhau bên bờ khe. Một bên là núi, một bên là khe, giữa chỉ có một con đường hẹp không đủ cho hai ngựa quần nhau.

Hô Diên Chước nói:

- Ngươi không đầu hàng còn đợi đến bao giờ?

Hàn Tồn Bảo đáp:

- Ngươi là tên bạo tướng trong tay ta, sao còn dám xấc xược?

Hô Diên Chước nói:

- Ta lừa ngươi đến đây để bắt sống. Tính mạng ngươi sống chết chỉ trong khoảnh khắc.

Hàn Tồn Bảo đáp:

- Chính ta đang muốn bắt sống ngươi!

Hai tướng tức giận xông vào giao chiến. Hàn Tồn Bảo nhằm vào bụng Hô Diên Chước lao trường kích. Hô Diên Chước rút thương đỡ gạt rồi nhanh như cắt đâm tới. Hai tướng lại quần thảo hơn ba mươi hiệp nữa. Hàn Tồn Bảo đâm ngay một kích vào bụng Hô Diên Chước. Hô Diên Chước né tránh rồi xông tới giằng cán kích của Hàn Tồn Bảo. Hàn Tồn Bảo cũng lôi cán thương của Hô Diên Chước. Đang lúc hai tướng dùng hết sức giằng co, ngựa của Hàn Tồn Bảo sẩy chân lăn xuống khe, kéo cả người ngựa Hô Diên Chước lăn theo. Hô Diên Chước liền vứt thương, kẹp chặt cán kích của Hàn Tồn Bảo rồi rúut roi vụt đánh. Hàn Tồn Bảo cũng bỏ kích, ghì chặt vai Hô Diên Chước. Hai tướng trổ tài quyền thuật đánh nhau dưới nước. Vừa lúc ấy đội quân mã của Một vũ tiễn Trương Thanh ập đến, quân sĩ liền ào xuống bắt sống Hàn Tồn Bảo, đón bắt hai con ngựa, xuống khe mò tìm vũ khí cho Hô Diên Chước rồi trói gô Hàn Tồn Bảo quẳng lên ngựa đem về đầu lũng núi.

Vừa lúc ấy có đội quân mã của hai tiết độ sứ Mai Triển và Trương Khai chỉ huy đến cứu Hàn Tồn Bảo. Thấy Tồn Bảo ướt sũng bị trói vứt trên lưng ngựa, Mai Triển cả giận múa trường đao ba lưỡi xông vào đánh Trương Thanh. Hai tướng đánh chừng ba mươi hiệp thì Trương Thanh quay ngựa bỏ chạy. Mai Triển liền rượt ngựa đuổi theo. Trương Thanh vươn tay, nghiêng mình liệng đá tới. Viên đá trúng ngay vào trán Mai Triển, máu tuôn như xối. Mai Triển vứt đao ôm mặt. Trương Thanh quay ngựa trở về. Chợt thấy Trương Khai giương cung đặt tên, Trương Thanh vội giật cương, con ngựa chồm lên, tên trúng ngay vào mắt ngựa. Trương Thanh nhảy sang một bên, cầm thương xông đến đánh bộ. Nguyên là Trương Thanh về môn ném đá thì tài nghệ cao cường nhưng môn thương đao thì có phần chậm chạp. Trương Khai trứớc hết đến cứu Mai Triển, sau đó mới xông đánh Trương Thanh. Thấy đường kích của Trương Khai có sức biến hoá xuất quỷ nhập thần, Trương Thanh cố đỡ gạt rồi nhân lúc sơ hở chạy về phía quân nhà. Trương Khai xông ngựa tới đánh tan năm sáu chục tên quân mã của Trương Thanh, cứu được Hàn Tồn Bảo. Trương Khai chưa kịp quay về thì nghe tiếng reo hò vang dậy, rồi hai đội quân mã ập đến đầu cửa núi. Đó là quân mã của Tích lịch hoả Tần Minh và Đại đao Quan Thắng. Trương Khai vội bỏ quân, hộ vệ Mai Triển chạy trốn. Hai đội quân mã đánh ập tới, đọat lại Hàn Tồn Bảo. Trương Thanh cướp được ngựa, cùng Hô Diên Chước thừa thắng đánh đuổi. Quân Cao Cầu đại bại phải chạy về Tế Châu. Các hảo hán Lương Sơn Bạc không đuổi theo, chỉ cho người áp giải Hàn Tồn Bảo về sơn trại. Tống Giang và các đầu lĩnh đang ngồi ở Trung Nghĩa đường thấy quân áp giải Hàn Tồn Bảo về, liền quát lui quân sĩ rồi xuống sân tự cởi trói, mời Hàn Tồn Bảo lên chính sảnh, ân cần thăm hỏi. Hàn Tồn Bảo rất mực cảm kích. Tống Giang cho mời Đăng Thế Hùng ra chuyện trò rồi sai dọn rượu khỏan đãi cả hai người.

Tống Giang nói:

- Hai vị tướng quân chớ nên nghi ngờ. Anh em Tống Giang tôi vốn không có dị tâm, chỉ vì bọn tham lam ô lại bức bách nên phải nổi lên chống lại. Nếu triều đình xá tội chiêu an thì anh em chúng tôi nguyện ra sức giúp nước.

Hàn Tồn Bảo nói:

- Trước đây Trần thái uý đem chiếu sắc đến chiêu an, sao các vị không nhân dịp đó mà cải tà quy chính?

Tống Giang đáp:

- Lần ấy chiếu thư của triều đình viết không minh bạch, sứ giả lại đem rượu quê đánh tráo ngự tửu nên các anh em đều không chịu nghe. Hai viên Trương can biện và Lý ngu hầu cậy thế tác oai tác phúc làm nhục các tướng.

Hàn Tồn Bảo nói:

- Hóa ra chỉ vì không có người tốt đứng ra làm trung gian để thu xếp nên mới lỡ việc lớn của quốc gia.

Ngày hôm sau, Tống Giang sai lấy ngựa đưa hai người xuống núi.

Hàn Tồn Bảo và Đăng Thế Hùng đi đường đều khen đức tốt của Tống Giang, về đến ngoài thành Tế Châu thì trời vừa tối. Sáng hôm sau, hai người vào thành yết kiến Cao thái uý trình việc đựợc Tống Giang tha về. Cao Cầu cả giận quát:

- Đó là gian kế của giặc. Bọn chúng cốt làm như thế để khinh mạn quân ta, thế mà các ngươi còn dám vác mặt về đây gặp ta! quân bay đâu, lôi hai tên này ra chém đầu.

Bọn Vương Hoán đều quỳ xuống van xin.

- Thưa nguyên suý, việc này không can dự đến hai tướng quân đây, ấy chỉ là kế của bọn Tống Giang, Ngô Dụng. Nếu chém đầu hai tướng thì quân giặc sẽ chê cười chúng ta.

Cao Cầu thấy mọi người cố sức can ngăn, đành phải nghe theo mà tha cho hai tướng, nhưng cách hết chức tước, sai quân áp giải về cung Thái Ất ở Đông Kinh đợi tội.

Nguyên Hàn Tồn Bảo là cháu quốc lão thái sư Hàn Trung Ngạn. Trong số nhiều đại thần tại triều từng là môn hạ của quốc lão thái sư có viên giáo thụ Trịnh Cư Trung là người được Hàn Trung Ngạn cất nhắc đề cử, hiện giữ chức ngự sử đại phu. Hàn Tồn Bảo bèn kể lại đầu đuôi sự việc. Trịnh Cư Trung liền lên kiệu đưa Hàn Tồn Bảo đến yết kiến thượng thư Dư Thâm để trình bày việc này. Dư Thâm nói:

- Phải bẩm với Sái thái sư rồi mới được phép tâu lên thiên tử.

Tiếp đó cả Cư Trung và Dư Thâm đi ngay tới phủ thái sư yết kiến Sái Kinh. Cư Trung nói:

- Bọn Tống Giang vốn không có dị tâm, ngày đêm chỉ mong được triều đình chiêu an.

Sái Kinh nói:

- Lần trước bọn chúng đã xé chiếu thư, huỷ báng triều đình. Quân giặc vô lễ như thế làm sao mà chiêu an được? Chỉ có cách đánh dẹp cho hết thì mới yên.

Cư Trung, Dư Thâm đều nói:

- Lần trước sứ giả đi chiêu an không tỏ ý vỗ về thương xót cho sáng tỏ ân đức triều đình, toàn dùng lời lẽ gay gắt nên việc không thành.

Sái Kinh đành bằng lòng cho tâu lên thiên tử. Sáng hôm sau Đạo quân hoàng đế thăng triều, Sái Kinh đem việc tâu lên xin thiên tử lại xuống chiếu cho người đi chiêu an lần nữa. Thiên tử nói:

- Cao thái uý hiện đang sai người về kinh, đến thôn An Nhân mời Văn Hoán Chương đến biên đình làm tham mưu quân vụ. Nếu bọn họ chịu về hàng thì trẫm sẽ khoan dung tha tội. Nếu vẫn ngang ngạnh không hàng phục thì giao cho Cao Cầu định hạn đem quân tiễu trừ.

Sái thái sư liền cầm bút thảo chiếu thư, một mặt cho người đi mời Văn Hoán Chương đến phủ dự tiệc. Văn Hoán Chương là bậc danh sĩ, các đại thần ở triều nhiều người quen biết nên mời Văn Hoán Chương đến nhà riêng mở tiệc tiễn hành. Văn Hoán Chương thu xếp để sớm lên đường.

Lại nói chuyện Cao thái uý ở Tế Châu, đang lúc trong lòng buồn bực thì quân canh vào báo có Ngưu Bang Hỷ đến. Cao thái uý cho gọi vào. Bang Hỷ lạy chào xong, Cao Cầu hỏi:

- Thuyền bè hiện đóng ở đâu?

Bang Hỷ thưa:

- Thuyền lớn nhỏ thu được ở ven sông tất cả là hơn một nghìn năm trăm chiếc, đều đã đưa đến đủ cả.

Cao thái uý cả mừng, thưởng cho Ngưu Bang Hỷ, rồi truyền lệnh cho đưa cả số thuyền đó vào vào trong cảng, neo chặt ba chiếc làm một, bên trên ken ván, dùng xích sắt nối đuôi thuyền vào nhau, tất cả quân bộ đều chở bằng thuyền, còn quân mã đi trên bờ hộ tống. Việc sắp xếp quân sĩ lên thuyền đã được luyện tập thành thạo từ nửa tháng trước. Tất cả mọi việc ấy, các hảo hán Lương Sơn Bạc đều biết rõ. Ngô Dụng mời Lưu Đường đến căn dặn, giao cho chỉ huy quân đánh thủy. Các đầu lĩnh quân ai nấy sửa soạn thuyền nhỏ, đầu mũi thuyền đóng tấm chắn sắt, trên khoang thuyền chở đầy lau sậy, củi khô đã trộn lưu huỳnh, diêm tiêu. Các thuyền chuẩn bị xong, đều đậu cả trong lạch nhỏ. Lại giao cho pháo thủ Lăng Chấn đặt súng trên sườn núi cao để bắn làm hiệu. Sai quân sĩ buộc cờ lên ngọn cây ở những bụi rậm bên bờ nước. Mỗi nơi ấy đều đặt hoả pháo, chiêng trống, đóng quân và làm núi giả để nghi binh. Một mặt Ngô Dụng nhờ Công Tôn Thắng trổ phép gọi gío. Ba đội quân mã chia đong ở khu đất khô chờ tiếp ứng. Ngô Dụng chỉ tay nói rõ cách tiến đánh.

Lại nói Cao thái úy ở Tế Châu đốc thúc quân mã lên đường, quân đi đường thủy giao cho Ngưu Bang Hỷ, Lưu Mộng Long và Đăng Thế Anh chỉ huy. Cao Cầu đánh ba hồi trống cho quân thuỷ bộ xuấ phát rồi tự mình cũng khoác giáp lên ngựa. Thuyền lướ như tên, ngựa phóng như bay, nhằm hướng Lương Sơn Bạc mà tiến. Quân thuỷ thuyền kề sát nhau, chiêng khua trống thúc liên hồi, quân sĩ háo hức tiến về Lương Sơn Bạc. Trước sau không hề thấy một bóng thuyền giặc. Chiến thuyền của bọn Cao Cầu tiến đến bến Kim Sa, bỗng từ trong đầm sen có hai chiếc thuyền đánh cá bơi ra. Mỗi thuyền có hai người chèo đang vỗ tay cười lớn. Lưu Mộng Long đứng trên thuyền đi đầu, ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tới. Mấy người đánh cá đều nhảy xuống nước. Lưu Mộng Long đốc thúc chiến thuyền áp vào đầu sát bến Kim Sa.

Dưới rặng liễu buông tơ có hai con bò buộc vào gốc cây và ba bốn đứa trẻ đang nằm ngủ trên bãi cỏ xanh. Xa xa nữa lại có một đứa mục đồng đang ngồi ngược trên lưng bò, tay nâng sáo trúc thổi vi vu. Lưu Mộng Long bèn sai mấy tên quân dũng mãnh nhảy lên bờ. Mấy đứa mục đồng nhỏm dậy cười như nắc nẻ rồi chạy mất vào rặng liễu. Quân tiền đội của Lưu Mộng Long sáu bảy trăm tên nhảy ào cả lên bờ. Bỗng từ trong rặng liễu một tiếng súng nổ vang, rồi từ hai phía trống trận nổi liên hồi. Đội quân mã mặc giáp đỏ do Tích lịch hoả Tần Minh chỉ huy từ phía bên phải, đội quân mã mặc giáp đen do Song tiên Hô Diên Chước chỉ huy từ phía bên trái, mỗi đội năm trăm quân nhất loạt xông ra chặn ngang đầu bến. Lưu Mộng Long vội truyền lệnh cho quân rút xuống thuyền. Bọn chậm chân rớt lại trên bờ bị giết đến quá nửa. Ngưu Bang Hỷ nghe tiền quân kêu thét bèn cho đoàn thuyền phía sau quay lại. Bỗng nghe pháo liên châu nổ vang trên núi, rồi tiếng lau sậy cuộn gío ào ào. Đó là do Công Tôn Thắng tuốt kiếm làm phép gọi gió. Cát bụi mù trời, trong chốc lát sóng hồ tung trắng xoá, mây đen kéo đến, trời đất tối đen, gió lớn gầm rít. Lưu Mộng Long quát thét quân sĩ lui thuyền. Vừa lúc ấy, từ trong các kênh lạch lau sậy um tùm, từng đoàn thuyền con vun vút lao ra. Đó chính là đoàn thuyền chở củi khô trộn mồi lửa mà Ngô Dụng đã giao cho Lưu Đường sắp đặt từ trước. Trong chốc lát lửa bốc ngùn ngụt, cháy lan sang cả đoàn thuyền lớn của Ngưu Bang Hỷ.

Bấy giờ Lưu Mộng Long thấy lửa bén cháy thuyền, vội bỏ mũ sắt, áo giáp, nhảy xuống hồ cố sức bơi theo dòng lạch sâu mong tìm phương tẩu thoát. Bất ngờ từ trong bờ sậy một chiếc thuyền con lao thẳng đến. Lưu Mộng Long vừa ngụp tránh thì bị một người lặn đến túm cổ lôi lên thuyền. Người chèo thuyền ấy chính là Xuất động giao Đồng Uy, còn người lặn dưới nước là Hỗn giang long Lý Tuấn.

Ngưu Bang Hỷ thấy chiến thuyền lọt vào trận hoả công của Lương Sơn Bạc vội vứt mũ, cởi giáp, nhưng chưa kịp nhẩy xuống hồ thì bị một bóng người ở đầu mũi thuyền giơ câu liêm kéo nhào xuống nước. Người ấy là Thuyền hoả nhi Trương Hoành. Thế là quân thuỷ của Cao Cầu đã bị các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc đánh tan máu loang đỏ hồ, thây tắc đầm lạch, số bị thương bỏng thì nhiều không kể xiết. Đăng Thế Hùng chèo thuyền con định trốn, liền bị quân cung nỏ nấp trong bờ lau bắn tên ra tới tấp, chết gục ngay giữa hồ. Quân sĩ của Lưu Mộng Long kẻ nào biết bơi thì thoát chết, kẻ không quen sông nước đều bị chết đuối cả. Những tên bị bắt thì áp giải về đại trại. Lý Tuấn và Trương Hoành định giải bọn Lưu Mộng Long, Ngưu Bang Hỷ về sơn trại nhưng sợ Tống Giang lại thả ra như bọn trước nên bàn nhau ghé vào vệ đường hoá kiếp rồi cắt thủ cấp đem về sơn trại.

Lại nói chuyện Cao Cầu điểm quân mã đến bên bờ tiếp ứng, bỗng nghe tiếng pháo liên châu nổ rồi trống trận nổi vang. Cao Cầu phóng ngựa lên sườn núi nhìn xuống cho rõ. Thấy quân sĩ hoảng loạn lội nước quay về, Cao Cầu hỏi nguyên do, bọn chúng đều nói chiến thuyền bị giặc đốt hết nhưng không biết thuyền giặc ẩn ấp ở đâu. Cao Cầu lại càng thêm sợ. Vừa lúc ấy nghe tiếng reo hò rồi mây mù che kín, trời tối sầm. Cao Cầu định cho lui quân, lại nghe trống trận nổ vang đầu núi, rồi một đội quân mã xông ra chặn đường. Tướng đi đầu là Cấp tiên phong Sách Siêu cưỡi ngựa vung búa xông tới. Vương Hoán đứng bên Cao Cầu bèn thúc ngựa đến đánh Sách Siêu. Hai tướng đánh bốn năm hiệp thì Sách Siêu quay ngựa bỏ chạy. Cao Cầu dẫn quân mã đuổi theo. Đến góc núi thì không thấy bóng Sách Siêu đâu nữa. Đúng lúc ấy từ phía sau Báo tử đầu Lâm Xung dẫn quân đuổi đến. Quân hai bên giao chiến một lúc thì Cao Cầu dẫn quân lui chạy. Được chừng sáu bảy dặm lại gặp Thanh diện thú Dương Chí tung quân chặn đánh. Giao chiến một lúc, quân Cao Cầu lại bỏ chạy.Chưa đầy bảy tám dặm, lại gặp Mỹ nhiêm công Chu Đồng đem quân chặn đánh. Đó là mưu kế đuổi giặc của Ngô Dụng, không chặn đầu mà chỉ chặn đuổi từng quãng ngắn ở phía sau. Bọn tàn quân không còn lòng dạ nào mà đánh, chỉ cố sức chạy cho nhanh, tiền quân hậu quân không cứu ứng được cho nhau. Cao Cầu bị đuổi gấp hoảng sợ cắm đầu chạy tới canh ba thì về đến Tế Châu. Vừa lúc ấy có tiếng kêu la huyên náo trong doanh trại ở ngoài thành. Nguyên là bọn Thạch Tú, Dương Hùng đã đem năm trăm quân bộ lén vào mai phục, đem đuốc đi đốt các khu trong doanh trại rồi rút ra ngoài. Cao thái uý kinh sợ rụng rời, sai quân đi nghe ngóng. Quân thám mã trở về báo là có một toán quân giặc lẻn vào đốt trại, hiện đã rút về, bấy giờ Cao Cầu mới yên tâm vào trại. Điểm lại quân mã thấy số bị giết bị thương đến quá nửa. Có thơ làm chứng như sau:

Xích bích bưu binh sự khả trưng,

Cao Cầu kế thuyết diệc vô bằng.

Hùng binh phản bại Lương Sơn Bạc,

Hồi thủ tu tương đại phủ đăng.

Xích bích đời xưa việc tỏ tường,

Cao Cầu kế vụng muốn khoa trương.

Quân triều bại bởi Lương Sơn Bạc,

Trở lại kinh đô thẹn phủ đường.

Cao Cầu đang buồn rầu ngồi trong trướng thì quân thám mã về báo:"có thiên sứ từ Đông Kinh tới". Cao Cầu và các viên tiết độ sứ liền đem quân ra ngoài thành nghênh tiếp, chuyện trò hỏi thăm tham mưu Văn Hoán Chương rồi mọi người cùng về suý phủ ở trong thành. Cao Cầu xem xong bản chiếu thư băn khoăn nghĩ ngợi:"nếu không chiêu an thì quân đã thua liền hai trận, bao nhiêu thuyền bè trưng dụng được đều bị đốt cháy cả. Nếu thụân cho chiêu an, mình đem quân về kinh kể cũng hổ thẹn". Nghĩ thế Cao Cầu chần chừ mấy hôm chưa quyết. Không ngờ trong thành Kế Châu có một viên thư lại già là Vương Cẩn, xưa nay vốn là kẻ hiểm độc, ngườita thường gọi là Uyển Tâm Vương, gần đây được tri phủ Trương Thúc Dạ phái đến giúp việc ở suý phủ. Vương Cẩn đã xem bản sao chiếu thư, lại dò biết Cao thái uý còn có ý do dự, bèn đến suý phủ bàn mưu lợi hại. Vương Cẩn nói:

- Xin thái uý đừng lo nghĩ, tiểu lại thấy trong chiếu thư có chỗ sơ hở có thể tráo trở được. Vị hàn lâm đãi chiếu thảo tờ chiếu này tất có hảo ý với tướng công, đã để ngỏ cánh cửa sau cho tướng công rồi đó.

Cao Cầu ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao ngươi biết điều đó?

Vương Cẩn thưa:

- Có một dòng quan trọng nhất ở giữa chiếu thư:"ngoài bọn Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, v..v.. mọi người lớn bé khác phạm tội đều được ân xá cả". Đó là một câu liền hoàn chỉnh. Khi tuyên đọc tách ra làm hai: ngắt mấy chữ "trừ Tống Giang", là một câu, "bọn Lư Tuấn Nghĩa lớn bé đều được ân xá cả" làm một câu. Tướng công cứ dụ cho bọn chúng vào thành rồi bắt tên Tống Giang cầm đầu mà giết đi, còn bọn thủ hạ của hắn thì đem phân tán đi các nơi. Từ xưa đã có câu:"rắn không đầu, không bò được; chim không cánh, không bay được". Không còn Tống Giang thì bọn còn lại còn dám làm trò trống gì? ý tiểu nhân như thế, chưa biết tướng công nghĩ thế nào?

Cao Cầu cả mừng, bèn cất nhắc Vương Cẩn làm chức trưởng sử của suý phủ. Rồi đó bèn mời tham mưu Văn Hoán Chương đến nói lại mưu kế của Vương Cẩn để cùng bàn tính. Văn Hoán Chương can:

- Đường đường là sứ giả của thiên tử, chỉ nên theo lý lẽ chính đáng, không nên làm điều xảo trá. Nếu trong bọn Tống Giang có kẻ hiểu biết phát giác điều tráo trở lại làm ầm lên thì thật bất tiện.

Cao Cầu nói:

- Không đúng! từ xưa binh thư có câu:"quân đi đường hiểm", cần gì phải mang minh chính đại?

Văn tham mưu nói:

- Dù là "quân đi đường hiểm" chăng nữa, nhưng việc chiêu an này là theo thánh chỉ của thiên tử, cần phải thủ tín với thiên hạ. Xưa nay lời nói của bậc đế vương như đinh đóng cột nên mới gọi là "ngọc âm", không thể thay đổi được. Nếu làm thế sau có người biết chuyện thì khó giữ được chữ tín.

Cao thái uý nói:

- Cứ biết việc bây giờ đã, sau thế nào hãy hay.

Rồi Cao thái uý không kể gì đến lời khuyên của Văn Hoán Chương, bèn sai người lên Lương Sơn Bạc báo cho bọn Tống Giang đến thành Tế Châu để nghe đọc chiếu xá tội chiêu an của thiên tử. Có thơ làm chứng như sau:

Viễn phủng nê thư xuất đại bang,

Thuần thuần thiên ngữ dục chiêu hàng.

Cao Cầu khinh tín gian nhân ngữ,

Yên cấu âm mưu sát Tống Giang.

Ống sắc vai đeo khuất nẻo đường,

Lời vua rành rõ muốn chiêu hàng.

Cao Cầu khinh xuất nghe xui bẩy,

Bầy đặt mưu ngầm giết Tống Giang.

Lại nói Tống Giang sau khi đánh tan quân Cao Cầu, những chiếc thuyền bị đốt thì sai kéo về làm củi, số còn nguyên thì đưa về thuỷ trại để dùng. Quan quân bị bắt lần lượt tha cho về Tế Châu. Hôm ấy Tống Giang và các đầu lĩnh đang bàn việc ở Trung Nghĩa đường thì có viên tiểu hiệu vào thưa:"có sai nhân ở phủ Tế Châu lên báo: triều đình sai thiên sứ đến ban chiếu chiêu an, phong quan tước cho các đầu lĩnh". Tống Giang vui mừng cho mời sai nhân vào sảnh đường. Sai nhân nói:

- Triều đình đã giáng chiếu đặc cách sai thiên sứ đến chiêu an. Cao thái uý sai tiểu nhân đến mời các đầu lĩnh lớn nhỏ về thành Tế Châu làm lễ tuyên đọc chiếu thư. Việc này không có gì khác, xin các đầu lĩnh chớ nghi ngờ.

Tống Giang nghe xong cho mời quân sư Ngô Dụng đến bàn bạc, lấy bạc và vóc lụa thưởng cho sai nhân rồi cho về Tế Châu. Tống Giang truyền lệnh cho các đầu lĩnh thu xếp công việc để đi nghe đọc chiếu thư. Lư Tuấn Nghĩa nói:

- Xin hãy thư thả! chỉ sợ đây là mưu của Cao Cầu, huynh trưởng đừng nên đi ngay.

Tống Giang nói:

- Nếu anh em cứ nghi ngờ thì việc trở về với chính nghĩa bao giờ mới xong? dù xấu tốt, mọi nguờ cũng phải đi một chuyến xem thế nào.

Ngô Dụng cười nói:

- Cao Cầu bị anh em ta đánh cho mấy trận kinh hồn táng đảm hẳn bày mưu kế gì đây. Nhưng thi thố cũng khó trót lọt. Anh em không cần phải nghi ngờ, cứ theo huynh trưởng xuống núi. Nhưng trước khi đi, Ngô Dụng tôi sẽ điều Hắc toàn phong Lý Quỳ cùng bọn Phàn Thuỵ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn đem một nghìn quân bộ đến mai phục ở đường phía đông đi về Tế Châu, lại cho Nhất trượng thanh Hỗ Tam Nương cùng bọn Cố Đại Tẩu, Tôn Nhị Nương, Vương Nuỵ Hổ, Tôn Tân, Trương Thanh đem một nghìn quân mã mai phục ở đường phía tây. Hễ nghe tiếng pháo liên châu nổ thì quân mã quân bộ phải gấp đến cửa thành phía bắ để cứu ứng.

Ngô Dụng cắt cử quân tướng đã xong, các đầu lĩnh đều xuống núi, chỉ để các đầu lĩnh thuỷ quân ở lại giữ sơn trại. Ấy là vì Cao Cầu không nghe lời khuyên của Văn tham mưu, vẫn dùng mưu mẹo xảo trá dụ dỗ các hảo hán xuống núi. Ngờ đâu:

Thành Tế Châu xảy chuyện lở trời,

Lương Sơn Bạc sóng tung hồ rộng.

Khác nào như sói vồ đàn chó, hổ đuổi bầy dê. Đúng là:

Chỉ bởi chiếu son dùng mẹo chữ,

Khiến bao tráng sĩ phải xăn tay!

Chưa biết các hảo hán đại náo Tế Châu ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx