Đang nói chuyện ở suý phủ trong thành Tế Châu, Cao thái uý cho gọi bọn tiết độ sứ Vương Hoán đến dặn dò mưu kế rồi truyền lệnh cho các lộ quân mã nhổ trại vào đóng trong thành, giao cho các tiết độ sứ khoác giáp đeo đai mai phục sẵn ở trong thành. Quân sĩ các lộ phải dàn sẵn thế trận, xung quanh mặt thành không cắm cờ lệnh, chỉ treo một lá cờ vàng đề hai chữ "thiên chiếu" ở cửa bắc. Cao Cầu cùng các quan trong sứ bộ thiên triều đều đứng trên mặt thành đợi bọn Tống Giang đến.
Ngày hôm ấy, Một vũ tiễn Trương Thanh dẫn năm trăm quân thám mã tiến sát dưới thành Tế Châu thám thính một lượt rồi theo đường phía bắc trở về. Một lúc sau Thần hành thái bảo Đái Tôn lại đi qua xem xét lần nữa. Quân giữ thành báo tin về dinh nguyên suý. Cao thái uý đích thân lên đứng trên đài quan sát trên mặt thành, phía trước đặt một chiếc hương án. Quân hộ vệ hơn một trăm tên trương cờ vác lọng theo hầu. Lúc ấy từ phía bắc quân mã của Tống Giang đang tiến đến. Đi trước là quân chiêng trống và đội cờ ngũ phương. Các đầu lĩnh dàn hàng cánh nhạn người nọ tiếp sát người kia. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng đi đầu. Các đầu lĩnh ngồi trên lưng ngựa nghiêng mình chào Cao thái úy. Cao thái uý sai người hầu đứng trên thành nói lớn:
- Nay triều đình đã xá tội cho các ngươi, sai thiên sứ đến chiêu an, sao các ngươi không cởi giáp xuống ngựa?
Tống Giang sai Đái Tôn đến dưới thành trả lời:
- Anh em chúng tôi chưa được đội ơn triều đình, không rõ lời ý trong chiếu thư ra sao nên chưa dám bỏ giáp trụ. Xin thái uý cho mọi người già trẻ trong thành cùng đến nghe đọc chiếu thư, bấy giờ chúng tôi sẽ xin vâng mệnh cởi giáp.
Cao Cầu bèn sai quân đi gọi dân chúng trong thành đến cùng nghe đọc chiếu thư. Chẳng bao lâu người kéo tới đông nghịt. Bọn Tống Giang thấy dây chúng đứng đông trên mặt thành, bấy giờ mới thong thả cho ngựa tiến đến. Một hồi trống vang lên, các đầu lĩnh đều xuống ngựa. Hồi trống thứ hai vang lên, Tống Giang cùng các tướng cùng đi bộ đến dưới thàn. Các viên tiểu hiệu dắt ngựa theo sau. Đến cách mặt thành ngoài một tầm tên thì dừng lại. Sau hồi trống thứ ba, các tướng đều khoanh tay đứng nghiêm dưới thành nghe tuyên đọc chiếu thư. Vị sứ giả của triều đình cất giọng đọc:
"Hoàng đế truyền rằng: Bản tính người ta vốn không hai lòng, đạo thường của nước nahf cũng cùng một ý; làm việc thiện là lương dân, làm việc ác là phản nghịch. Những kẻ gian ác thì không được hưởng đúng chính mệnh, thật là thương thay!
Trẫm nghe tâu các ngươi tụ tập ở Lương Sơn Bạc, bấy lâu không chịu theo giáo hoá, chưa phục hồi lương tâm. Nay trẫm sai thiên sứ ban chiếu thư: trừ Tống Giang, bọn Lư Tuấn Nghĩa lớn bé đều được tha tội. Kẻ đứng đầu phải đến kinh đô tạ ơn, những kẻ a tòng cho phép trở về làng cũ. Các ngươi không được trái ý trẫm, để thoả lòng mong muốn của các ngươi. Than ôi! các ngươi hãy bỏ tà theo chính, mau được hưởng mưa móc tưới nhuần, chớ phạm uy trời sấm sét, gắng ra sức giúp hòang triều thay cũ đổi mới. Nay ban chiếu hiểu thị, tưởng các ngươi nên biết.
Niên hiệu Tuyên Hoà... tháng... ngày...
Quân sư Ngô Dụng vừa nghe đọc xong câu: "trừ Tống Giang.." bèn đưa ắmt ra hiệu nói với Hoa Vinh:
- Tướng quân nghe rõ chưa?
Sứ giả vừa đọc xong chiếu thư, Hoa Vinh nói to lên:
- Không tha tội cho huynh trưởng thì chúng ta về hàng làm gì?
Nói đọan Hoa Vinh đặt tên vào dây, trương cung thật căng nhằm tên sứ giả:
- Phải cho ngươi biết mũi tên thần của Hoa Vinh thế nào?
Rồi thả cho mũi tên bay vút trúng giữa mặt tên sứ giả đọc chiếu thư. Quân lính của Cao Cầu úm vào cứu đỡ. Các hảo hán dưới chân thành đồng thanh hét to:
- Không thể được!
Rồi mọi người lấy cung tên bắn tới tấp lên mặt thành. Cao thái uý vội tìm chỗ ẩn nấp, truyền lệnh cho quân cung mã mở cổng thành đuổi theo. Các hảo hán Lương Sơn Bạc nghe một tiếng trống, ai nấy đều lên ngựa trở về. Quân trong thành đuổi theo chừng năm sáu dặm không kịp, vội quay lại thì nghe tiếng pháo lệnh nổ vang phía sau hậu quân. Lúc ấy Hắc toàn phong Lý Quỳ dẫn quân từ phía đông ập đến, phía tây là đội quân mã của Hỗ Tam Nương. Cả hai đội quân cùng lúc xáp vào. Quân Cao Cầu sợ bị mai phục vội rút lui. Tống Giang và các tướng quay lại ra sức đánh tới, cả ba mặt cùng chặn giặc mà đánh. Quân Cao Cầu rối loạn, hoảng hốt chạy vào thành, số bị thương, bị giết nhiều không đếm xuể. Tống Giang cũng cho thu quân về Lương Sơn Bạc.
Cao thái uý vội viết biểu văn tâu về triều, kể tội bọn Tống Giang bắn chết thiên sứ, không chịu nhận chiêu an. Một mặt Cao Cầu lại viết mật thư gửi cho Sài thái sư, Đồng khu mật và Dương thái uý, nhờ ba người bàn cách để thái sư xin thiên tử cho quân tiếp viện và lương thảo ngày đêm đi gấp vào triều tâu lên thiên tử. Đạo quân hoàng đế buồn rầu nói:
- Bọn giặc này đã bao phen phạm tội nghịch làm nhục triều đình!
Nói đoạn sai truyền lệnh cho các lộ đem quân mã đến hiệp sức với Cao thái uý. Dương Tiễn cũng đã biế quân Cao Cầu thất lợi, bèn điều thêm hai tướng ở ty ngự doanh và ra lệnh cho bốn doanh: Long Mãnh, Hổ Dực, Phủng Nhật, Trung Nghĩa, mỗi doanh chọn lấy năm trăm quân tinh nhuệ, tất cả là hai nghìn người, đặt dưới quyền chỉ huy của hai viên thượng tướng đi cứu viện cho Cao Cầu. Hai viên thượng tướng ấy một người là hỗ giá tướng quân Khưu Nhạc, chỉ huy sứ vệ tả nghĩa của đội thân quân, là giáo đầu của tám mươi vạn cấm quân; ngươi kia là xa kỵ tướng quân Chu Ngang, chỉ huy sứ đội thân quân vệ hữu nghĩa, phó giáo đầu của tám mươi vạn cấm quân. Hai viên tướng này tinh thông võ nghệ, nhiều lần lập kỳ công, oai động kinh sư, lừng danh khắp chốn, vốn là thủ hạ tâm phúc của Cao Cầu. Dương thái uý đích thân dặn dò Khưu Nhạc và Chu Ngang phải đem quân lên đường ngay. Hai tướng lại đến cáo từ Sái thái sư. Sái Kinh căn dặn: "Hai tướng quân phải cẩn thận đề phòng, mau lập công lớn, khi trở về sẽ được cất nhắt trọng dụng".
Khưu Nhạc và Chu Ngang từ tạ rồi đến bốn doanh chọn lấy những quân sĩ khỏe mạnh quan trèo núi lội nước, quê ở Sơn Đông, Hà Bắc rồi sửa soạn lên đường. Dương thái uý cấp cho hai tướng năm con tuấn mã để dùng khi ra trận. Một mặt sai báo trước cho dân chúng biết để ra đường xem đoàn quân xuất trận.
Hai tướng cảm tạ Dương thái uý rồi về doanh thu xếp lên đường. Ngày hôm sau, tướng sĩ nai nịt chỉnh tề đứng trước ngự doanh đợi lệnh. Khưu Nhạc và Chu Ngang chia quân làm bốn đội. Hai doanh Long Mãnh và Hổ Dực gồm một nghìn quân tinh nhuệ và hơn hai nghìn quân mã, do thượng tướng Khưu Nhạc chỉ huy. Hai doanh Phủng Nhật và Trung Nghĩa cũng gồm một nghìn quân tinh nhuệ và hơn hai nghìn quân mã do thượng tướng Chu Ngang chỉ huy. Ngoài ra còn một nghì quân bộ chia làm quân tuỳ tùng của hai tướng. Vào khoảng nửa buổi sáng, hai tứớng đem quân tiến ra khỏi thành. Dương thái uý đích thân lên cổng thành xem quân ra trận.
Khưu Nhạc ngồi trên mình ngựa đi trước đòan quân. Dân chúng Đông Kinh đổ ra đường xem, ai nấy trầm trồ khen ngợi. Tiếp sau là hữu đội gồm quân mã hai doanh Phủng Nhật và Trung Nghĩa hàng ngũ chỉnh tề.
Dưới hai lá cờ thêu, xa kỵ tướng quân Chu Ngang oai vệ ngồi trên lưng ngựa dẫn quân mã hữu đội tiến gần đến chân thành, cùng Khưu Nhạc xuống ngựa đến chào Dương thái uý vào cáo từ các quan ra tiễn, rồi lên ngựa dẫn quân ra khỏi kinh thành, thẳng hướng tiến về Tế Châu.
Lại nói ở Tế Châu, Cao thái uý bàn với tham mưu Văn Hoán Chương đợi viện binh đến nơi sẽ sai quân đi chặt cây đốn gỗ ở các rừng núi châu huyện lân cận, trưng tập hết thợ đóng thuyền đem về lập xưởng ở ngoài thành Tế Châu để đống chiến thuyền. Một mặt lại treo bảng tuyển một thủy thủ dũng cảm quen nghề sông nước.
Bấy giờ ở quán trọ trong thành Tế Châu có người khách họ Diệp tên Xuân, nguyên quán ở Tứ Châu, vốn giỏi nghề đóng thuyền. Diệp Xuân nhân có việc đi qua vùng Lương Sơn Bạc bị lâu la trên sơn trại đón đường cướp mất tiền vốn nên phải lưu lạc đến Tế Châu. Nghe tin Cao thái uý sai quân đốn gỗ đóng thuyền đi đánh Lương Sơn Bạc, Diệp Xuân bèn vẽ mẫu thuyền đưa đến yết kiến Cao thái uý. Lạy chào xong, Diệp Xuân nói:
- Thưa ân tướng, lần trước đại quân đưa thuyền đi đánh Lương Sơn Bạc không thắng được, theo ý Diệp Xuân tôi, là vì thuyền thu thập các nơi về là thuyền buồm chèo tya, không đúng phép thuyền chiến. Hơn nữa, phần lớn lại là thuyền nhỏ, đáy hẹp, không tiện cho việc dùng binh. Nay Diệp Xuân tôi xin hiến ân tướng một kế: muốn đánh tan được bọn giặc này, xin ân tướng hãy cho đóng ngay mấy trăm thuyền lớn. Loại to nhất gọi là thuyền "cá thu biển lớn", hai bên mạn thuyền mỗi bên đặt hai mươi bốn guồng đạp nước, khoang thuyền chứa được mấy trăm quân. Mỗi guồng nước có mười hai thuỷ thủ ngồi đạp, phía ngoài che phên tre để tránh tên. Trên mặt thuyền dựng chòi, đặt máy bắn. Khi xuất phát quân truyền lệnh đứng trên chòi đánh một tiếng mõ, các thuỷ thủ đều nhất loạt đạp guồng, thuyề sẽ lướt đi như bay. Loại thuyền nhỏ của Lương Sơn Bạc làm sao chặn nổi? khi gặp địch, quân cung nỏ mai phục trên thuyền nhất tề băn tới, quân Lương Sơn Bạc lấy gì che đỡ? loại to vừa gọi là thuyền "ca thu biển nhỏ", mỗi bên chỉ đặt mười hai guồng đạp, khoang thuyền chứa được hơn trăm người, cả đằng mũi đằng lái đều gắn đinh dài. Hai bên mạn thuyền cũng dựng chòi bắn và treo phên tránh tên. Loại thuyền này rất tiện dùng để chặn đánh các thuyền con của quân Lương Sơn Bạc mai phục trong các ao đầm. Nếu ân tướng cho đóng thuyền theo mẫu Diệp Xuân tôi vừa nói thì có thể xoa tay đợi ngày đánh tan quân Lương Sơn Bạc.
Cao thái uý nghe xong, cầm xem bản vẽ lấy làm mừng, liền sai dọn rượu khoản đãi, lấy quần áo thuởng cho Diệp Xuân, rồi giao cho Diệp Xuân trông nom công việc đóng thuyền. Cao thái uý truyền lệnh cho quân sĩ ngày đêm lo việc đẵn gỗ xẻ ván, hẹn ngày đem đến Tế Châu giao nộp. Một mặt lại sức cho các lô, phủ, châu, huyện nộp các loại vật liệu cần dùng để đóng thuyền. Ai chậm trễ hai ngày thì bị phạt bốn mươi roi, ba ngày thì phạt gấp đôi. Để quá hạn từ năm hôm trở lên thì xử tử theo quân lệnh. Dân chúng bị bắt làm việc phần quật từ sáng sớm đến tối mịt, nhiều người ốm đau kiệt sức mà chết, muôn dân oán trách ca thán. Có thơ làm chứng như sau:
Tỉnh oa tiểu kiến khởi tri thiên
Khả khái Cao Cầu thính quyệt ngôn.
Tất cánh thu thuyền nan thủ thắng,
Thương tài lao chúng cánh đồ nhiên.
Ếch ngồi giếng thẳm biết trời đâu,
Oán trách Cao Cầu thích nịnh tâu.
Dẹp giặc thuyền lầu khôn dễ đóng,
Hao tiền tốn sức kẻ đen đầu.
Tạm gác chuyện Diệp Xuân đốc thúc đóng thuyền cá thu. Chuyện thuỷ quân các nơi đến cứu viện được Cao thái uý chia vào các trại đặt dưới quyền chỉ huy của các tiết độ sứ cũng không có gì đáng nói.
Một hôm có tên quân canh vào báo:"Hai tướng quân Khưu Nhạc và Chu Ngang theo lệnh của triều đình đã đến".
Cao thái uý sai các tiết độ sứ ra ngoài thành đón tiếp. Hai tướng cùng vào suý phủ yết kiến Cao thái uý. Cao Cầu ân cần thăm hỏi rồi dọn rượu khoản đãi. Một mặt sai khao thưởng ba quân. Khưu Nhạc và Chu Ngang xin Cao thái uý cho đưa quân ra ngoài thành khiêu chiến. Cao thái uý nói:
- Hai tướng quân hãy nghỉ ngơi vài hôm, đợi đóng xong loại thuyền cá thu, bấy giờ thuỷ lục hai đường sẽ cùng xuất chiến. Chỉ một hồi trống quân Lương Sơn Bạc tất bị dẹp tan.
Tạm gác chuyện Cao Cầu thúc giục đóng thuyền để đánh quân Lương Sơn Bạc. Đây kể tiếp chuyện Tống Giang và các đầu lĩnh sau khi la ó không chịu nhận chiêu an bèn quay ngựa trở về sơn trại. Tống Giang bàn với quân sư Ngô Dụng và các tướng:
- Hai lần sứ giả triều đình đến chiêu an đều bị làm nhục, tội lỗi của anh em ta càng nặng hơn. Không biết nên thu xếp thế nào cho ổn? thế nào triều đình cũng lại cho quân đến đánh nữa.
Rồi Tống Giang sai quân do thám xuống núi đi dò xét các nơi. Mấy ngày sau đó co tên lâu la nghe ngóng được tin tức liền trở về sơn trại báo tin: Cao Cầu tuyển mộ thuỷ thủ, giao cho Diệp Xuân đốc thúng đóng mấy trăm chiếc thuyền theo kiểu cá thu, lại mới thêm Khưu Nhạc và Chu Ngang là viên tướng chỉ huy sứ ở ngự doanh vua Tống vừa từ Đông Kinh đến. Tống Giang hỏi quân sư Ngô Dụng:
- Loại thuyền lớn dùng guồng đạp nước lao đi như bay, quân ra làm sao phá được?
Ngô Dụng cười đáp;
- Chẳng có gì đáng sợ! chỉ cần mấy đầu lĩnh thuỷ quân ra tay là xong! còn quân bộ thì mấy viên mãnh tướng của ta chặn đánh cũng đủ. Loại thuyền lớn ấy muốn đóng xong vài trăm chiếc phải mất vài tuần nữa. Chúng ta còn hơn một tháng nữa để tập luyện sẵn sang đối phó. Theo ý Ngô Dụng tôi, trước hết nên sai hai đầu lĩnh xuống núi tìm đến xưởng thuyền quấy đảo một trận cho bọn chúng khiếp vía. Sau đó tuỳ tình thế sẽ định liệu.
Tống Giang đáp:
- Quân sư nói phải lắm! có thể giao cho Cổ thượng sắt Thời Thiên và Kim mao khuyền Đoàn Cảnh Trụ đi làm việc này.
Ngô Dụng nói:
- Lại phải sai Trương Thanh và Tôn Tân đóng giả làm dân phu kéo gỗ trà trộn vào xưởng thuyền. Một mặt sai Cố Đại Tẩu và Tôn Nhị Nương giả làm vợ đem cơm cho chồng để theo vào trong xưởng. Thời Thiên và Đoàn Cảnh Trụ đi tiếp ứng.
Các đầu lĩnh nói trên đều được mời đến sảnh đường nhận lệnh. Thời Thiên và Đoàn Cảnh Trụ vui mừng sửa soạn xuống núi.
Ở Tế Châu, Cao thái uý vẫn ngày đêm đốc thúc việc đóng chiến thuyền, liên tiếp ra lệnh lùa bắt dân phu các nơi về TẾ Châu phục dịch. Trên các ngả đường phía đông thành Tế Châu san sát các xưởng đóng thuyền, dân phu đi lại phục dịch đông nghìn nghịt, bọn cai đội khua gướm giáo đe doạ bắt dân phu làm cật lực suốt ngày đêm.
Hôm ấy Thời Thiên và Đoàn Cảnh Trụ lọt được vào trong xưởng. Hai người bàn nhau:
- Có phần chắc là hai vợ chồng Tôn Tân và Trương Thanh sẽ phóng hỏ ở chỗ đóng thuyền. Chúng ta cũng phải tìm đến đấy, nhưng chỉ nấp một chỗ, khi xưởng thuyền bốc cháy thì ta rút ngay ra cổng thành đón bọn họ. Bọn Cao Cầu tất sẽ mở cổng thành cho quân đi cứu, anh em ta nhân lúc ấy một người lọt vào trèo lên chòi canh châm lửa đốt, còn một người đi nhanh đến châm lửa đốt trại chứa cỏ ở phía tây. Hai đám cháy ở hai phía, quân lính của Cao Cầu không cứu ứng kịp, tất sẽ bị một phen kinh hồn bạt vía.
Bàn xong mỗi người đều giắt theo đồ đánh lửa rồi đi ngay.
Lại nói Trương Thanh và Tôn Tân đến dưới thành Tế Châu thấy đám quân dân phu chừng bốn năm trăm người đang kéo gỗ. Hai người bèn trà trộn vào cùng kéo. Trước cửa xưởng có chừng hai trăm quân canh đeo dao, cầm gậy đánh đập dân phu. Xung quanh xưởng đều đóng cọc rào chắn giữ, đằng trước đằng sau có đến hai ba trăm gian lán tranh Trương Thanh và Tôn Tân đến tận nơi xem xét, thấy thợ mộc đã đông đến mấy nghìn người, chia làm ba khu: chỗ xẻ ván, chỗ đóng đinh, chỗ lát khoang thuyền. Thợ mộc và dân phu đi lại tấp nập không biết bao nhiêu mà kể. Thời Thiên và Đoàn Cảnh Trụ đi vào đều mặc quần áo rách bẩn, tay xách giỏ tre đi theo đám đàn bà đưa cơm cho chồng. Bấy giờ trời đã chiều muộn, ánh trăng toả sáng bầu trời, quá nửa số thợ mộc còn đang mải miết làm số phần việc chưa xong.
Vào khoảng canh hai, Tôn Tân và Trương Thanh châm lửa đốt xưởng thuyền bên trái; Tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu đốt xưởng thuyền bên phải. Từ cả hai phía mái tranh lửa bốc ngùn ngụt. Mấy nghìn thợ mộc và dân phu hoảng loạn kêu la, ào ào nhổ rào đạp cổng chạy ra ngoài. Lúc ấy Cao Cầu đang ngủ ngon giấc, chợt có người vào báo"
- Thưa thái uý, xưởng thuyền bị cháy.
Cao Cầu vội vùng dậy sai quân đi cứu ứng. Hai tướng Khưu Nhạc và Chu Ngang dẫn quân bản bộ đi ngay ra ngoại thành. Chảng bao lâu, lại một đám lửa cháy khác bốc trên mặt thành. Cao Cầu thấy tình thế nguy ngập vội lên ngựa phóng lên mặt thành chữa cháy. Vừa lúc ấy có tin báo trại cỏ phía tây cổng thành cũng đang cháy lớn. Khưu Nhạc và Chu Ngang đem quân đến trại cỏ bỗng nghe tiếng trống nổi vang và tiếng quân lính hò reo vang trời. Đó là năm trăm quân kỵ mã do Một vũ tiễn Trương Thanh chỉ huy đã mai phục từ trước, thấy bọn Khưu Nhạc tiến đến thì tung quân đón đánh. Trương Thanh ngồi tên ngựa quát lớn:
- Các hảo hán Lương Sơn Bạc đều có mặt ở đây!
Khưu Nhạc cả giận vung đao thúc ngựa xông vào đánh Trương Thanh. Trương Thanh nâng trường thương giao chiến. Hai tướng đánh chưa đầy ba mươi hiệp thì Trương Thanh quay ngựa bỏ chạy, rồi lấy viên đá trong túi gấm, quan người chờ Khưu Nhạc đến gần hơn, vung tay ném mạnh, quát lớn:
- Trúng này!
Khưu Nhạc bị ném trúng mặt liền ngã nhào xuống ngựa. Chu Ngang nhìn thấy vội cùng mấy viên nhan tướng liều chết xông đến cứu. Chu Ngang chặn đánh Trương Thanh, mấy viên nha tướng thừa dịp dìu Khưu Nhạc lên ngựa đưa về thành. Trương Thanh chỉ đánh vài hiệp rồi quay ngựa, nhưng Chu Ngang không đuổi theo. Trương Thanh quay lại gặp bọn Vương Hoán, Từ Kinh, Dương Ôn, Lý Tùng Cát dẫn quân đến tiếp ứng. Trương Thanh vội vẫy quân theo đường cũ trở về. Bọn Chu Ngang cũng sợ Lương Sơn Bạc có phục binh, vội chu thu quân về. Ba đám cháy vẫn bốc rừng rực cho đến tận sáng. Trương Thanh ném đá gãy mất bốn chiếc răng. Cao thái uý liền cho thầy thuốc đến chữa trị cho Khưu Nhạc. Một mặt sai người hầu truyền lệnh cho Diệp Xuân đốc thúc việc đóng thuyền, nhắc nhở các tiết độ sứ ngày đêm canh giữ xưởng thuyền nghiêm ngặt hơn.
Lại nói vợ chồng Trương Thanh, Tôn Tân bốn người làm xong công việc ai nấy đều vui mừng, rồi cùng Thời Thiên và Đoàn Cảnh Trụ lên ngựa theo đường cũ trở về sơn trại.Cả sáu ngừời đi thẳng lên Trung Nghĩa đường thuật lại việc phóng hoả đốt xưởng thuyền. Tống Giang cả mừgn sai dọn rượu khoản đãi sáu đầu lĩnh. Từ đó về sau Tống Giang thỉnh thoảng lại sai quân xuống núi do thám, chuyện không có gì đáng kể.
Bên quân Cao Cầu, các chiến thuyền đã đóng gần xong, cũng vừa lúc mùa đông sắp đến. Năm ấy tiết trời ấm áp, Cao thái uý lấy làm mừng, cho là trời phù hộ mình đánh quân Lương Sơn Bạc. Khi Diệp Xuân đã cho đóng đủ số thuuyền dự định, Cao thái uý ra lệnh cho thuỷ quân lên thuyền tập luyện các môn đánh trận trên miền sông nước. Những chiếc thuyền cá thu lớn nhỏ được lục tục đưa sống nước. Số thuỷ thủ chiêu mộ chừng hơn một vạn người. Cao Cầu ra lệnh cho một nửa số quân tập đạo guồng nước, nửa còn lại tập cung tên. Khoảng hai tuần sau quân sĩ luyện tập chiến thuyền đã thành thạo. Diệp Xuân mời Cao thái uý đi điểm duyệt các chiến thuyền.
Ngày hôm ấy Cao Cầu cho dàn cả ba trăm chiến thuyền cá thu rồi cùng các viên tiết độ sứ lên kiểm tra từng chiếc một. Cao Cầu chọn hơn chục chiếc chắc đẹp nhất để chở đội cờ và các đội chiêng trống. Nghe một hồi mõ, các thủy thủ ngồi hai bên mạn thuyền đạp chân guồng, chiến thuyền lướt lên như bay. Cao thái uý nhìn theo cả mừng, thầm nghĩ:"Kiểu thuyền này quả là lợi hại, phen này cầm chắc phần thắng". Nghĩ đoạn Cao Cầu bèn sai lấy vàng bạc vóc lụa thưởng cho Diệp Xuân, lại cấp lộ phí cho đám thợ mộc trở về quê quán. Ngày hôm sau, Cao Cầu sai giết lợn dê, sắm vàng mã làm lễ tế thuỷ thần. Mọi việc sắp xếp xong xuôi các tướng mời Cao thái uý đến thắp hương khấn tế.
Bấy giờ Khưu Nhạc bị thương đã chữa khỏi, căm giận chỉ muốn bắt sống Trương Thanh để báo thù. Chu Ngang và các viên tiết độ sứ cùng lên ngựa theo Cao thái uý đi dâng hương tế thuỷ thần. Cao Cầu khấn tế, cho đốt vàng mã xong, bọn Chu Ngang đều đến chúc mừng. Cao Cầu sai gọi đội ca nhi vũ nữ đem từ kinh sư tới cho lên thuyền hát múa hầu rượu. Một mặt lệnh cho quân sĩ đua sức tập luyện thuyền nhanh vùn vụt trên sông. Cao Cầu cùng đòan tuỳ tùng ngồi trên thuyền uống rượu thưởng thức múa hát, say sưa du ngọan suốt ngày không tan. Đêm ấy Cao Cầu và các tướng tuỳ tùng đều nghỉ lại trên thuyền, ngày hôm sau lại bày tiệc cùng nhau ăn uống. Cuộc vui kéo dài suốt ba ngày, Cao Cầu vẫn chần chừ chưa hạ lệnh xuất quân. Bỗng có quân thám mã về báo:"Quân Lương Sơn Bạc viết một bài thơ dán ở miếu thổ thần. Hiện đã cho bóc về đây, xin trình thái uý".
Bài thơ ấy như sau:
Sinh cầm Dương Tiễn dữ Cao Cầu,
Tảo đãng Trung nguyên tứ bách châu.
Tiện hữu hải thu thuyền vạn chiếc,
Cụ lai bạc nội nhất tề hữu.
Đánh tan Dương Tiễn với Cao Cầu,
Quét sạch trung nguyên các huyện châu.
Dẫu có cá thu thuyền vạn chiếc,
Hễ vào thuỷ bạc ắt chìm sâu.
Cao thái uý xem xong tức giận muốn đem quân đi đánh ngay, liền bảo các tướng:
- Nếu lần này không phá đuợc bọn giặc Lương Sơn Bạc, quyết không đem quân trở về!
Tham mưu Văn Hoán Chương can rằng:
- Xin thái uý bớt giận. Đó hẳn là do quân giặc lo sợ quá mà viết bậy bạ, không đáng bận tâm. Xin thái uý cứ nghỉ ngơi dăm ngày rồi sẽ truyền lệnh chia quân hai đường thuỷ, bộ tiến đánh cũng chưa muộn. Mùa đông năm nay thời tiết ấm áp, ấy là hồng phúc của thiên tử trợ uy cho nguyên suý.
Cao Cầu nghe nói lấy làm mừng, bèn trở về thành bàn tính việc điều binh khiển tướng. Về quân bộ, giao cho hai thượng tướng Chu Ngang và Vương Hoán chỉ huy đại quân đi theo để tiếp ứng cho đàon chiến thuyền. Giao cho Hạ Nguyên Trấn và Trương Khai lĩnh một vạn quân mã chiếm giữ con đường lớn chạy qua dãy núi phía trước Lương Sơn Bạc. Nguyên vùng Lương Sơn Bạc bốn bề lau sậy mênh mông, con đường con do Tống Giang mới cho đắp gần đây. Cao Cầu muốn cho quân chặn ngang con đường ấy. Các tướng tá khác, từ tham mưu Văn Hoán Chương, Khưu Nhạc, Từ Kinh, Mai Triển, Vương Văn Đức, Dương Ôn, Lý Tùng Cát, trưởng sử Vương Cẩn, Diệp Xuân, cùng các chánh phó tướng tuỳ tòng đều theo Cao thái uý lên thuyền tiến theo đừơng thủy. Văn Hoán Chương can:
- Thái uý nên đi theo quân mã được an toàn hơn.
Cao Cầu đáp:
- Không ngại! hai lần trước vì không có tướng tài nên mới bị thua. Lần này đóng được chiến thuyền tốt, ta không tự cầm quân đốc chiến làm sao bắt giặc được? Cao Cầu này quyết cùng quân Lương Sơn Bạc một phen sống chết, ngươi bất cất phải nói nhiều.
Văn Hoán Chương đành im lặng theo Cao thái uý lên thuyền. Cao Cầu giao cho các tướng Khưu Nhạc, Từ Kinh, Mai Triền quản lĩnh ba mươi thuyền lớn đi tiên phong, giao cho Dương Xuân cùng bọn Vương Cẩn, Diệp Xuân quản lĩnh năm mươi thuyền nhỏ. Thuyền đi đầu dựng hai lá cờ đỏ lớn thêu mười bốn chữ vàng:"giác hải phiên giang xung bạch lãng, an bang định quốc diệt hồng yêu". (quấy biền đảo sông xông sóng bạc, yên nhà vững nước diệt tà gian). Cao thái uý và tham mưu Văn Hoán Chương ngồi trên chiến thuyền ở đội trung quân, có ca nhi vũ nữ theo hầu. Trên thuyền cắm cờ chữ "suý", cờ búa vàng lông trắng, cờ phướn tua đỏ viền đen. Phía sau là đoàn bốn năm chục chiến thuyền do Vương Văn Đức và Lý Tùng Cát chỉ huy. Bấy giờ tháng mười một. Đội quân mã được lệnh lập tức lên đường. Đội thuỷ quân tiên phong do bọn Khưu Nhạc, Từ Kinh, Mai Triền chỉ huy cũng nhổ neo tiến vào Lương Sơn Bạc. Đoàn thuyền dàn thành hàng ba: một thuyền lớn đi giữa, hai thuyền nhỏ đi kèm hai bên. Bọn Chu Ngang dừng thuyền chặn ngang các cửa lạch.
Tống Giang, Ngô Dụng đã biết trước, chỉ đợi đoàn thuyền của Cao tiến đến là lệnh cho các tướng ra tay. Từ xa Cao Cầu thấy đoàn thuyền của Lương Sơn Bạc đang tiến đến, trên mỗi thuyền có chừng mười bốn, mười lăm tên quân mặc áo giáp do một đầu lĩnh chỉ huy ngồi ở mũi thuyền. Ba chiếc thuyền đi đầu trương ba lá cờ trắng đề chữ "tam hùng họ Nguyễn Lương Sơn Bạc". Đi giữa là thuyền Nguyễn Tiểu Nhị, bên trái là thuyền Nguyễn Tiểu Ngũ, bên phải là Nguyễn Tiểu Thất. Từ xa nhìn giáp trụ của Lương Sơn Bạc lóng lánh, đó là do bọn họ dùng giấy trắng kim bồi dán nên. Bọn Khưu Nhạc hạ lệnh cho quân sĩ bắn đạn lửa, tên lửa xuống tới tấp. Nhưng anh em họ Nguyễn không chút sợ hãi, chờ đoàn thuyền của Cao Cầu tiến đến thì giương cung nhằm bắn rồi hò reo nhảy xuống nước lặn trốn mất. Khưu Nhạc cho thuỷ thủ chèo thuyền đến, chỉ bắt được ba chiếc thuyền không. Chèo tiếp vài dặm nữa, lại thấy ba chiếc thuyền nhẹ đang phăng phăng lướt tới. Trên chiếc thuyền đi đầu có hơn mười người xoã tóc, trát bùn đất đen, miệng hít sáo, khua chèo lướt thuyền như bay. Hai thuyền khác đi hai bên, mỗi thuyền có chừng sáu bảy người, quần áo đều vá víu. Vị đầu lĩnh ở mũi thuyền giữa là Ngọc phan can Mạnh Khang, đầu lĩnh ở thuyền trái là Xuất động giao Đồng Uy, đầu lĩnh ở thuyền bên phải là Phan giang thẩn Đồng Mãnh. Khưu Nhạc liền hô quân dùng đạn lửa, tên lửa bắn chặn. Quân Tống Giang la hét rồi nhảy xuống nước. Quân Khưu Nhạc lại đọat thêm ba chiếc thuyền không. Cách một quãng nữa lại thấy ba chiếc thuyền khác lao tới, mỗi thuyền có bốn cọc chèo do tám người chèo, hơn chục lâu la cầm cờ đỏ hộ vệ một đầu lĩnh ngồi trước mũi thuyền. Trên lá cờ để dòng chữ:"thuỷ quân đầu lĩnh Hỗn giang long Lý Tuấn". Vị đầu lĩnh ở thuyền bên trái cầm thương dài ngồi dưới lá cờ xanh đề dòng chữ:"thuỷ quân đầu lĩnh Thuyền hoả nhi Trương Hoành". Một vị hảo hán cao to, mìnht trần trùng trục chỉ quấn chiếc khố ngang người đứng trên thuyền bên phải, tay cầm chiếc chuỳ đồng, phía trên đầu là lá cờ đên để chữ trắng:"thuỷ quân đầu lĩnh Lãng lý bạch điều Trương Thuận". Bọn Trương Thuận cất tiếng nói to:
- Bọn ta được lệnh dẫn đường cho các ngươi vào hồ!
Chu Ngang vội truyền lệnh tên bắn ra như mưa. Các hảo hán và lâu la trên các thuyền nhảy ào cả xuống nước.
Bấy giờ đang giữa mùa đông, quân Cao Cầu sợ rét đang chần chừ chưa dám nhẩy xuông nước thì nghe trên sơn trại tiếng pháo liên châu nổ vang. Lập tức từ trong lau lách um tùm, khắp bốn phương tám hướng, hàng nghìn chiế thuyền nhỏ lau ra như châu chấm, mỗi thuyền có bốn năm người, còn trong khoang chở gì không nhìn rõ. Đoàn thuyền của Chu Ngang muốn tiến lên nhưng không sao tiến được. Quân lính trên thuyền cá thu ra sức đạp guồng nước nhưng các chân vịt đều bị vướng không đạp được. Quân cung nỏ đứng trên chòi thuyền bắn xuống, nhưng quân Lương Sơn Bạc ai nấy đều cầm tấm mộc đỡ lên. Đám thuyền con áp sát vào các thuyền cá thu, dùng câu liêm móc giữ bánh lái rồi rút đao nhảy sang chém giết quân đạp thuyền. Chu Ngang thấy năm sáu chục quân Lương Sơn Bạc sắp tiến đến thuyền tiên phong, định hạ lệnh lui thuyền, nhưng guồng chèo bị vướng không quay lại được. Trong lúc các thuyền đi đầu đang hỗn chiến thì tiếng hò hét lại vang dậy ở các thuyền sau. Cao thái uý và tham mưu Văn Hoán Chương ngồi trên thuyền trung quân thấy tình thế rối loạn vội chạy lên bờ. Bỗng tiếng chiêng trống nổi vang, quân sĩ trên thuyền đều kêu thét:"thuyền thủng!". Rồi xô nhau nhảy xuống nước. Các thuyền trước thuyền sau đều bị thủng, xem chừng sắp đắm. Trong khi đó đám thuyền nhỏ vẫn ùn ùn rẽ lau sậy đổ ra lao vào các thuyền cá thu. Thế là đoàn thuyền mới của Cao thái uý bị Trương Thụân cùng đội thuỷ quân đục thủng hết. Cao thái uý nắm lấy guồng lái gọi thuyền cứu ứng. Ngay lúc ấy, một người từ dưới nước ngoi lên, bám nhảy lên thuyền, nói lớn:
- Tiểu nhân xin cứu thái uý!
Cao Cầu không nhận ra kẻ vừa nói là ai. Người ấy bước đến túm lấy khăn khít đầu và đai lưng của Cao Cầu giật mạnh mà quát:
- Nhảy xuống!
Dứt lời bèn đẩy Cao Cầu xuống nước rồi nhảy theo. Đáng đời cho Cao Cầu, một tay đỡ biển chống trời, phen này đành chịu bó tay thua trận! có thơ làm chứng như sau:
Công chiến thu thuyền sự dĩ không,
Cao Cầu nhân mã cánh vô công.
Đường đường phụng mệnh cần vương tướng,
Khước bị sinh cầm lạc thuỷ trung.
Thuyền chiến hai tầng chuyện viển vông,
Cao Cầu người ngựa uổng toi công.
Đường đường phụng mệnh đi chinh thảo,
Lại bị cầm tù uống nước sông.
Bấy giờ hai chiếc thuyền con vừa đến tiếp ứng, người vừa nhảy xuống nuớc liền kéo Cao thái uý lên thuyền. Người ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là Lãng lý bạch điều Trương Thuận, vốn quen bắt người dưới nước như thò tay bắt cá trong chậu. Khưu Nhạc đi ở thuyền trước thấy tình thế nguy cấp vội tìm cách thóat thân. Trong lúc rối loạn, có một người từ trong đám thuỷ thủ bước đến. Khưu Nhạc không kịp đề phòng, bị người kia vung dao chém đứt làm hai đoạn. Người ấy chính là Cẩm báo tử Dương Lâm. Thấy tiên phong Khưu Nhạc bị giết, bọn Từ Kinh, Mai Triển xông vào hợp sức đánh Dương Lâm. Lập tức bọn Bạch diện lang quân Trịnh Thiên Thọ, Bệnh đại trùng Tiết Vĩnh, Đả hổ tướng Lý Trung và Thao đao quỷ Tào Chính từ phia sau xông tới tiếp ứng. Từ Kinh thấy tình thế bất lợ vội nhảy xuống nước, chẳng ngờ đã có người chờ sẵn. Từ Kinh liền bị bắt. Mai Triền bị Tiết Vĩnh đâm vào đùi, ngã gục xuống khoang thuyền. Ba đầu lĩnh khác ngồi trên thuyền đi trước là Thanh nhãn hổ Lý vân, Kim tiền báo tử Thanh Long và quỷ kiểm nhi Đỗ Hưng. Bọn tiết độ sứ của Cao Cầu dẫu có ba đầu sáu tay cũng không thi thố được. Quân Lương Sơn Bạc chia hai đường thuỷ bộ tiến đánh: Tống Giang thống lĩnh quân thuỷ, Lư Tuấn Nghĩa thống lĩnh quân bộ.
Kể tiếp việc Lư Tuấn Nghĩa dẫn quân mã theo đường lớn từ sơn trại tiến xuống, gặp ngay quân của Chu Ngang, Vương Hoán chặn đánh. Chu Ngang ngồi trên ngựa quát lớn:
- Bọn giặc cỏ có biết ta là ai không?
Lư Tuấn Nghĩa quát đáp;
- Tên nhãi tướng chết đến nơi còn hống hách!
Dứt lời liền thúc ngựa vào đánh Chu Ngang. Chu Ngang cũng vung búa lớn chặn đánh Lư Tuấn Nghĩa. Hai tướng ngồi trên lưng ngựa giao chiến ở đường lớn trước núi, hơn hai mươi hiệp không phân thắng bại. Chợt từ phía sau có tiếng quân mã reo hò. Đại quân Lương Sơn Bạc mai phục trong rừng rậm ồ ạt xông ra: phía đông nam là bọn Quan Thắng, Tần Minh, phía tây bắc là Lâm Xung, Hô Diên Chước. Các hảo hán cùng lúc dẫn quân ập đến. Bọn Hạ Nguyên Trấn, Trương Khai không sao chặn nổi, bèn mở đường tháo chạy. Chu Ngang, Vương Hoán không dám ham đánh, bèn quay ngựa theo Hạ Nguyên Trấn, Trương Khai trốn về đến thành Tế Châu mới dừng quân nghe ngóng.
Lại nói chuyện cánh quân thuỷ, sau khi Trương Thụân bắt được Cao Cầu, Tống Giang liền sai Đái Tôn truyền lệnh không đựợc giết quan quân triều đình. Tham mưu Văn Hoán Chương cùng đội ca nhi vũ nữ ở thuyền trung quân đều bị bắt. Tống Giang cho khua chiêng thu quân, áp giải tù nhân về sơn trại. Tống Giang cùng bọn Ngô Dụng, Công Tôn Thắng đang ngồi ở Trung Nghĩa đường thấy Trương Thuận ướt sũng giải Cao Cầu về. Tống Giang liền xuống dưới thềm đỡ Cao Cầu dậy, gọi lấy quần áo lụa mới đưa cho Cao Cầu thay rồi mời lên ngồi ghế giữa trên Trung Nghĩa đường. Tống Giang cúi đầu tạ lỗi. Cao Cầu vội vàng đáp lễ. Tống Giang gọi Ngô Dụng, Công Tôn Thắng đỡ Cao Cầu đứng dậy. Lạy tạ xong, Tống Giang lại mời Cao Cầu vào ghế chính, rồi sai Yến Thanh đi truyền lệnh cho các tướng sĩ:
- Từ nay về sau ai phạm tội giết người sẽ bị trừng trị theo quân lệnh.
Một lúc sau, các đầu lĩnh rầm rập áp giải tù binh về trước sân Trung Nghĩa đường. Đồng Uy, Đồng Mãnh giao nộp Từ Kinh; Lý Tuấn, Trương Hoành giải Vương Văn Đức; Dương Hùng, Thạch Tú áp giải Dương Ôn; ba anh em họ Nguyễn dẫn Lý Tùng Cát đến; Trịnh Thiên Tho, Tiết Vĩnh, Lý Trung, Tào Chính giao nộp Mai Triển; Dương Lâm nộp thủ cấp Khưu Nhạc; Lý Vân, Thanh Long, Đỗ Hưng nộp thủ cấp Diệp Xuân, Vương Cẩn; Giải Trân, Giải Bảo bắt sống tham mưu Văn Hoán Chương cùng đội ca nhi vũ nữ và bọn tuỳ tùng của Cao Cầu. Điểm lại chỉ có bốn tướng Chu Ngang, Vương Hoán, Hạ Nguyên Trấn và Trương Khai trốn thóat. Tống Giang sai lấy quần áo mới cho các tướng triều đình thay mặc, rồi mời tất cả cùng lên ngồi trên Trung Nghĩa đường. Quân sĩ bị bắt sống đều tha cả cho về Tế Châu. Tống Giang sai đem một chiếc thuyền tốt để chở đội ca nhi vũ nữ và bọn tuỳ tùng của Cao thái uý.
Ngày hôm ấy, Tống Gaing sai giết trâu mổ ngựa, bầy tiệc lớn khao thưởng ba quân. Một mặt nổi kèn gióng trống gọi các đầu lĩnh lớn nhỏ đến Trung Nghĩa đừơng chào Cao thái uý. Mọi người chào hỏi xong, Tống Giang rót rượu cầm tay, Ngô Dụng và Công Tôn Thắng bưng chiếc bàn nhỏ theo sau, Lư Tuấn Nghĩa đứng hầu bên cạnh. Tống Giang nói:
- Tống Giang tôi là viên tiểu lại, phạm tội bị thích chữ đi đày, thực không dám phản nghịch chống lại triều đình. Chỉ vì tội chồng chất, bị bức bách mà làm như thế. Hai lần tuy được thiên tử thương đến, nhưng bị kẻ gian thần ngăn trở, nỗi oan không bày tỏ được. Muôn trông thái uý rộng lòng cứu vớt để anh em chúng tôi lại được thấy ánh mặt trời. Anh em Tống Giang tôi xin khắc cốt ghi lòng, nguyện quên mình báo đáp.
Cao Cầu thấy các hảo hán uy nghiêm hùng dũng, ai nấy đều mặc chiến bào gấm thêu hoa khác hẳn lúc ra trận thì lấy làm khiếp sợ, nói:
- Tống Công Minh cứ yên lòng! Cao Cầu tôi về triều sẽ xin hết lòng tâu lên để thiên tử ban ơn đại xá, sai sứ giả đến chiêu an, phong quan ban tước cho các nghĩa sĩ,để các nghĩa sĩ được hưởng ơn lộc của thiên tử, lại trở về làm kẻ lương thần.
Tống Giang cả mừgn lạy tạ Cao thái uý. Bữa tiệc hôm ấy tuy không có chả phượng nem rồng, nhưng thực đủ các món sơn hào hải vị. Các đầu lĩnh lớn nhỏ lần lượt đến rót rượu mời Cao thái uý.
Cao Cầu uống say huênh hoang nói:
- Ta từ nhỏ đã giỏi môn đấu vật, người trong thiên hạ chẳng ai đáng đọ tài.
Lư Tuấn Nghĩa cũng đã hơi men chếnh chóang, nghe Cao Cầu khoe là giỏi vật thì lấy làm lạ, bèn chỉ Yến Thanh nói:
- người anh em này đánh vật cũng khá, ba lần sang Đại Nhạc đấu vật đều giật giải nhất.
Cao Cầu đứng dậy cởi áo ngoài, thách vật với Yến Thanh.
Các đầu lĩnh thấy Tống Giang kính đãi Cao Cầu nên khi nghe hắn huênh hoang thách vật thì cũng tán thưởng, không ngờ chính việc đó lại làm hắm bẽ mặt im mồm. Mọi người đứng dậy nói:
- Hay lắm! hay lắm!
Rồi mọi người xuống cả dưới sân. Tống Giang cũng đã ngà ngà say nên cũng không có chủ ý rõ rệt. Cao Cầu và Yến Thanh cùng cởi áo bước ra giữa sân. Tống Giang sai trải đệm mềm cho hai người thi vật. Cao Cầu và Yến Thanh lựa thế khom người xuống tấn. Cao Cầu xông vào trước, Yến Thanh liền bắt tay bám chặt, rồi chỉ một cái hất chân quãng Cao Cầu ngã ngửa trên thảm, hồi lâu không gượng dậy được. Miếng vật ấy gọi là "thủ mệnh". Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa vội đến đỡ Cao Cầu, lấy quần áo đưa đến, cười nói:
- Thái uý say rồi, làm sao vật được? xin thứ lỗi cho người anh em của tiểu nhân!
Cao Cầu khiếp sợ, lại lên ngồi vào bàn tiệc. Uống rượu đến tận khuya, Tống Giang mới cho người dìu Cao Cầu vào hậu đường nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, Tống Giang lại sai dọn tiệc khoản đãi Cao thái uý. Cao Cầu định từ tạ bọn Tống Giang để trở về. Tống Giang nói:
- Anh em chúng tôi lưu giữ thái uý ở lại đây quả thật không có ý gì khác. Nếu có điều gì ám muội, xin trời tru đất diệt anh em chúng tôi.
Cao Cầu nói:
- Nếu nghĩa sĩ bằng lòng để Cao Cầu tôi về kinh thì Cao Cầu tôi xin đem cả nhà đến trước sân rồng xin thiên tử xuống chiếu chiêu an, phong quan ban tước, trọng dụng các nghĩa sĩ. Nếu Cao Cầu tôi lật lọng thì trời đất không che chở, sẽ phải chết dưới làn tên mũi đạn.
Tống Giang nghe xong cúi đầu vái tạ. Cao Cầu lại nói:
- Nếu nghĩa sĩ không tin xin cứ giữ các tướng ở đây làm tin.
Tống Giang đáp:
- Lời thái uý là lời của bậc đại quý nhân, Tống Giang tôi đâu dám nghi ngờ, hà tất phải giữ các tướng làm tin. Ngày mai sẽ cho đóng yên, đem ngựa đến để thái uý cùng các tướng trở về.
Cao Cầu đáp tạ:
- Cám ơn các nghĩa sĩ có lòng khoản đãi ưu hậu, Cao Cầu tôi trở về sẽ xin tâu bầy đầy đủ để thiên tử hiểu rõ.
Ngày hôm ấy Tống Giang lại sai bầy tiệc lớn khoản đãi Cao thái uý và các tướng tuỳ tùng, mọi người cùng nhau cạn chén đến tận khuya mới tan tiệc về nghỉ ngơi. Ngày hôm sau Cao thái uý muốn xuống núi trở về, anh em Tống Giang mời thái uý ở lại thêm vài ngày không được, bèn dọn tiệc tiễn hành. Cao Cầu nói:
- Nghĩa sĩ có thể cho người nào am hiểu, lịch thiệp theo về kinh sư. Cao Cầu tôi sẽ xin tiến dẫn người ấy vào yết kiến thiên tử, trực tiếp tâu bầy nỗi oan khuất của anh em các vị để thiên tư mau chóng ban chiếu chiêu an.
Tống Giang ngày dêm mong được chiêu an, liền bàn với quân sư Ngô Dụng cho Thánh thủ thư sinh Tiêu Nhượng đi theo thái uý về kinh. Ngô Dụng nói:
- Nên cho Thiết khiếu tử Nhạc Hoà cùng đi cho có bạn.
Cao thái uý nói:
- Nghĩa sĩ đã có lòng tin cậy, vậy xin để tham mưu Văn Hoán Chương ở lại đây làm tin.
Tống Giang cả mừng, ngày hôm sau cùng Ngô Dụng đưa hai chục con ngựa đến để Cao thái uý và các tuỳ tường xuống núi. Anh em Tống Giang đưa tiễn qua bến Kim Sa ngoài hai mươi dặm lạy chào từ biệt rồi mới trở về sơn trại.
Đúng là:
Mắt trông cờ tiết đến
Tai nghe tin tức lành
Nói tiếp đoàn người ngựa của Cao thái uý về đến Tế Châu thì tiên phong Chu Ngang, Vương Hoán, Hạ Nguyên Trấn, Trương Khai, tri phủ Trương Thúc Dạ cùng các quan nghe tin đã ra ngoài thành đón tiếp. Cao thái uý vào thành nghỉ ngơi vài ngày rồi truyền lệnh thu quân về kinh, cho các viên tiết độ sứ đem quân bản bộ về châu cũ chờ điều dụng. Cao thái uý cùng bọn Chu Ngang và các tướng tá tuỳ tùng đưa Tiều Nhượng, Nhạc Hoà tới Tế Châu lên đường về Đông Kinh. Tri phủ Trương Thúc Dạ trở lại Tế Châu lo việc gìn giữ thành trì.
Chưa nói chuyện Cao thái uý đem hai người của Lương Sơn Bạc về kinh ra sao, hãy biết trước rồi đây:
Ngõ liễu thềm hoa, phong lưu lãng tử gặp hoàng đế,
Cửa ngách tướng phủ, công sai thần thánh cứu anh hùng.
Chỉ biết rằng:
Giữa tiệc phượng rồng hay dũng mãnh,
Trong bầy sói hổ tỏ anh hùng.
Chưa biết Cao thái uý về kinh tâu xin việc chiêu an ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.
@by txiuqw4