sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 89 - Tống Công Minh Phá Trận Thành Công

Đang nói chuyện Tống Giang mộng được phép tiên của Cửu Thiên Huyền Nữ, nhớ kỹ không sót một câu, liền bàn định mọi việc với quân sư Ngô Dụng, rồi viết văn thư báo cho Triệu khu mật biết tin. Quân sư được lệnh chọn sắt lá, gỗ hoa đóng ngay hai mươi tư cỗ lôi xa. Dưới mỗi xe đều xếp củi khô, rưới dầu đốt, trên đặt hoả pháo, liền ngày thâu đêm đốc thúc làm cho xong. Các tướng chỉ huy quân mã quân bộ đều được mời đến dự họp để bàn cách đánh trận. Tống Giang truyền lệnh cắt đặt như sau:

Đại tướng Song thương Đổng Bình chỉ huy đạo kỵ binh áo vàng, gọi là đạo Thổ quân, dàn trận ở hai phương Mậu, Kỷ giữa trung ương, xuất chiến đánh vào trận của viên đại tướng Thuỷ tinh. Hai bên tả hữu đánh bảy khóm môn kỳ của đạo quân cờ đen giao cho bảy phó tướng là Chu Đồng, Sử Tiến, Âu Bằng, Đặng Phi, Yến Thuận, Mã Lân, Mục Xuân.

Đại tướng Báo tử đầu Lâm Xung chỉ huy đạo kỵ binh áo trắng gọi là đạo Kim quân, dàn trận liền hai phương Canh, Tân ở phía tây, xuất chiến đánh vào trận của viên đại tướng Mộc tinh. Hai bên tả hữu đánh bảy khóm môn kỳ của đạo quân cờ xanh giao cho bảy viên phó tướng là Từ Ninh, Mục Hoằng, Hoàng Tín, Tôn Lập, Dương Xuân, Trần Đạt, Dương Lâm.

Đại tướng Tích lịch hoả Tần Minh chỉ huy đạo quân kỵ mã áo đỏ gọi là đạo Hoả quân, dàn trận liền hai phương Bính, Đinh ở phía nam, xuất chiến đánh vào trận của viên đại tướng Kim tinh. Hai bên tả hữu đánh bảy khóm môn kỳ của đạo quân cờ trắng giao cho bảy viên phó tướng là Lưu Đường, Lôi Hoành, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Chu Thông, Cung Vựng, Đinh Đắc Tôn.

Đại tướng Song tiên Hô Diên Chước chỉ huy đội kỵ mã áo đen, gọi là đạo Thuỷ quân, dàn trận liền hai phương Nhâm, Quý ở phía bắc, xuất chiến đánh vào trận của viên đại tướng Hoả tinh. Hai bên tả hữu đánh khóm toà môn kỳ của đạo quân cờ đỏ giao cho bảy viên phó tướng là Dương Chí, Sách Siêu, Hàn Thao, Bành Kỷ, Khổng Minh, Trâu Uyên, Trâu Nhuận.

Đại tướng Đại đao Quan Thắng chỉ huy đạo quân kỵ mã áo xanh, gọi là đạo Mộc quân, dàn trận liền hai phương Giáp, Ất ở phía đông, xuất chiến đánh vào trận của viên thượng tướng Thuỷ tinh. Hai bên tả hữu đánh vào trận chính của đạo trung quân cờ vàng giao cho tám viên phó tướng là Hoa Vinh, Trương Thanh, Lý Ứng, Sài Tiến, Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Thi Ân, Tiết Vĩnh.

Lại sai bảy viên đại tướng là Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Dương Hùng, Thạch Tú, Tiêu Đình, Thang Long, Sái Phúc chỉ huy đạo bộ binh trương cờ gấm, mặc áo hoa xuất chiến đánh vào trận Thái dương của đạo Tả quân bên địch.

Bảy viên đại tướng là Hỗ Tam Nương, Cố Đại Tẩu, Tôn Nhị Nương, Vương Anh, Tôn Tân, Trương Thanh, Sái Khánh chỉ huy đạo bộ binh áo trắng giáp bạc, xuất chiến đánh vào trận Thái âm của đạo Hữu quân bên địch.

Lại chọn một đội kỵ mã dũng mãnh do sáu viên đại tướng là Lư Tuấn Nghĩa, Yến Thanh, Lã Phương, Quách Thịnh, Giải Trân, Giải Bảo chỉ huy đánh thẳng vào trung tâm quyết bắt sông vua Liêu.

Các cỗ lôi xa do một đội quân bộ đi hộ tống, cầm đầu là năm viên đại tướng: Lý Quỳ, Phàn Thuỵ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn.

Còn các đầu lĩnh thuỷ quân và những người khác cùng đều ra trước quân giúp sức phá trận. truớc trận cũng cắm tám lá "ngũ phương kỳ". Sắp đặt quân tướng vẫn theo thế trận Cửu cung bát quái.

Tống Giang truyền lệnh đã xong, các tướng quân tuân lệnh thi hành, một mặt đốc thúc đóng cho xong các cỗ lôi ra, kịp chất các vật dẫn hoả để đưa ra trận.

Thật là:

Lập kế kinh thiên địa

Bày mưu khiếp quỷ thần.

Lại nói Ngột Nhan thống quân mấy ngày liền không thấy Tống Giang cho quân ra giao chiến, hôm ấy thống lĩnh các đạo quân xông trận kéo đến đánh doanh trại Tống Giang. Bên quân Tống các cỗ lôi xa cũng vừa làm xong, hẹn định đêm nay sẽ xuất trận theo hình chữ nhất, phía trước bố trí quân xạ thủ cung nỏ để giữ vững trận thế chờ đến tối. Qúa chiều, trời bỗng nổi gió bấc, mây đen ùn ùn kéo đến che kín bầu trời, chưa tối hẳn mà trời đất đã đen như mực. Tống Giang ra lệnh cho quân sĩ bẻ lá lau ngậm vào mồm làm kèn thổi báo hiệu cho nhau biết đường. Đêm ấy bốn đạo quân đều xuất phát theo đường riêng, còn đạo kỵ binh áo vàng ở lại dàn trận đối diện với quân Liêu. Người ngựa bốn đạo tiến đến đâu đánh bạt quân tiền tiêu địch đến đấy, các đội quân lớn men theo trận tuyến mà đi về phía bắc.

Vào lúc gần canh một, trong quân Tống Giang nổi hiệu pháo liên châu. Hô Diên Chước cầm quân đánh vào mở cửa trận, xông thẳng đến tận đạo hậu quân giao chiến với viên đại tướng Hoả tinh. Đạo quân của Quan Thắng lập tức tiến vào giữa đạo trung quân giao chiến với chủ tướng Thổ tinh. Lâm Xung dẫn quân đánh vào trận của đội tả quân, giao chiến với viên đại tướng Mộc tinh. Tần Minh dẫn quân đánh vào trận của đội hữu quân giao chiến với viên đại tướng Kim tinh. Đổng Bình đưa quân đánh vào đầu trận, giao chiến với viên đại tướng Thuỷ tinh. Công Tôn Thắng đứng ở đạo trung quân giơ kiếm điều khiển phép thuật, đạp Thiên cang vượt Bắc đẩu, ra lệnh cho trời đất nổi trận sấm sét. Đêm ấy gió nam nổi rất mạnh, cây cối đổ rạp, cát sỏi bay mù trời. Hai mươi bốn cỗ lôi xa đều nhất loạt phát hoả. Lý Quỳ, Phàn Thuỵ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn dẫn năm trăm quân giáp sĩ thiện chiến đẩy các cỗ lôi xa vào giữa trận quân Liêu. Nhất trượng thanh Hỗ Tam Nương cầm quân đánh vào trận Thái âm, quân của Hoa hoà thượng Lỗ Trí Thâm đánh vào trận Thái dương. Ngọc kỳ lân Lư Tuấn Nghĩa dẫn đội quân kỵ theo sau các cỗ lôi xa đánh vào đạo trung quân của địch. Quân đôi bên đều tự tìm đối phương mà đánh. Rồi các cỗ lôi xa bốc cháy, lửa sáng rực trời. Thật là một trận đánh rung chuyển trời đất, lu mờ nhật nguyệt, quỷ khóc thần kêu, quân binh đều rối loạn.

Lại nói Ngột Nhan thống quân đang đứng giữa đạo trung quân điều khiển tướng lệnh, bỗng nghe tiếng hò la dậy đất, khắp bốn bên đều có quân đến đánh. Ngột Nhan vừa kịp lên ngựa thì quân Tống Giang đã đẩy các cỗ lôi xa vào giữa trung quân. Lửa bốc cao lưng trời, tiếng nổ dậy đất, một cánh quân của Quan Thắng đã ập đến trước trướng. Ngột Nhan thống quân vội cầm phương thiên họa kích giao chiến với Quan Thắng. Cùng lúc, Một vũ tiễn Trương Thanh ném đá tới tấp, các nha tướng ở cạnh Ngột Nhan bị thương rất nhiều, bỏ chạy tán loạn. Lý Ứng, Sài Tiến, Tuyên Tán, Hách Tư Văn phóng ngựa vung đao xông vào đám quân tướng mà chém giết. Ngột Nhan thống quân thấy tả hữu không còn ai bèn quay ngựa chạy về hướng bắc. Quan Thắng lập tức thúc ngựa đuổi theo. Đúng là:

Vịn trời tẩu thóat khôn đường chạy

Đạp mây đuổi bắt dễ như không

Hoa Vinh từ phía sau thấy Ngột Nhan Quang thua chạy liền giương cung bắn rượt theo. Mũi tên trúng vào mảnh kính hộ tâm sau lưng áo giáp của Ngột Nhan, nghe "cạch" một tiếng, tia lửa tóe ra. Hoa Vinh chưa kịp bắn phát thứ hai thì Quan Thắng đã đuổi kịp, vung thanh long đao chém trúng Ngột Nhan Quang. Nhưng viên tướng này mặc đến ba lần áo giáp: trong là giáp sắt liên hoàn, giữa là giáp bằng da rái cá, ngoài cùng mới là giáp hộp nạm vàng, nhát đao của Quan Thắng chỉ mới đứt được hai tầng ngoài. Quan Thắng thu đao bồi thêm một nhát, nhưng Ngột Nhan trông bóng đao kịp né mình tránh rồi ghìm ngựa nâng cây phương thiên kích nghênh chiến. Hai tướng đánh gần năm mươi hiệp, Hoa Vinh đuổi tới nhằm giữa trán Ngột Nhan Quang bắn thêm phát nữa. Ngột Nhan Quang vừa kịp cúi tránh, mũi tên liền cắm phập vào chiếc mũ cắm lông chim phượng. Ngột Nhan Quang vội quay ngựa chạy, Trương Thanh tế ngựa đuổi theo ném đá trúng đầu. Ngột Nhan Quang ngã gục trên ngựa, kéo lê cây họa kích mà chạy. Quan Thắng kịp tới bồi thêm một nhát. Cây thanh long đao bổ xuống ngang lưng hất Ngột Nhan Quang xuống đất. Hoa Vinh đuổi tới nhảy sang đổi lấy con ngựa tốt. Trương Thanh cũng kịp tới đâm tiếp một mũi thương. Thương thay Ngột Nhan Quang thống quân! một đời hào kiệt cũng đành kết liễu bởi lưỡi đao, ngọn giáo. Có thơ làm chứng như sau:

Lý Tĩnh lục hoa nhân diệc thức,

Khổng Minh bát quái thế ưng tri.

Hỗn nhiên chỉ tưởng vô nhân địch

Dã hữu thần cơ đả phá thời

(Bát quái Khổng Minh ai cũng biết

Lục hoa Lý Tĩnh mọi người hay

Hỗn nhiên những tưởng là vô địch

Lại có mưu thần phá vỡ ngay!)

Lại nói Lỗ Trí Thâm cùng bọn Võ Tòng sáu đầu lĩnh dẫn quân hò hét đánh vào trận Thái dương của quân Liêu, hoàng điệt Da Luật Đắc Trọng hốt hoảng định bỏ chạy bị thanh giới đao của Võ Tòng chém đứt đầu ngựa ngã lăn xuống đất. Võ Tòng liền túm tóc Da Luật Đắc Trọng xách lên khua một đao chặt lấy thủ cấp. Trận Thái dương bị đánh tan tành. Lỗ Trí Thâm nói:

- Bọn ta cứ đánh luôn vào trung quân, bắt sống vua Liêu cho dứt chuyện!

Lại nói bên quân Liêu, Thọ Thiên công chúa đang đứng trong trận Thái âm nghe bốn phía tiếng hò la dậy đất, vội xách vũ khí nhảy lên ngựa, gọi nữ binh theo hộ vệ. Chợt thấy Nhất trượng thanh Hỗ Tam Nương hai tay vung hai đao dẫn bọn Cố Đại Tẩu sáu đầu lĩnh ập vào trướng tướng. Hỗ Tam Nương và Thọ Thiên công chúa cùng xông vào giao chiến. Hai nữ tướng đánh không biết bao nhiêu hịệp vẫn không phân thắng bại. Hỗ Tam Nương bèn vứt đao, xáp ngựa vào vít cổ níu áo Thọ Thiên công chúa. Hai người cứ ngồi trên ngựa mà níu kéo nhau không rời ra được. Vương Nuỵ Hổ kịp tới xông vào bắt sống công chúa Thọ Thiên. Cố Đại Tẩu, Tôn Nhị Nương xông trận đánh tan bọn nữ binh. Tôn Tân, Trương Thanh, Sái Khánh từ bên ngoài đánh ốp vào. Thương thay công chúa Thọ Thiên, cành vàng lá ngọc nay phải chịu trói quy hàng!

Lại nói Lư Tuấn Nghĩa đem quân đánh vào giữa đạo trung quân của địch, Giải Trân, Giải Bảo chém gãy ngọn cờ soái rồi xông vào giữa đám loạn quân mà chém giết. Hộ giá đại thần cùng các nha tướng phò giá vua Liêu chạy về hướng bắc. Hai hoàng điệt La hầu tinh và Nguyệt bột tinh bị đâm ngã ngựa chết ngay tại trận. Hoàng điệt Kế đô tinh bị bắt sống ngay trên ngựa. Còng hoàng điệt Từ khí tinh không biết chạy trốn đằng nào.

Đại binh quân Tống vây chặt lớp trong lớp ngoài, ốp đánh quân Liêu tới tận canh tư mới dừng. Quân Liêu bị chém giết đến hơn hai mươi vạn, mười phần thương vong đến bảy tám.

Trời gần sáng, các tướng đuổi theo quân Liêu đã quay lại. Tống Giang cho khua chiêng thu quân, truyền lệnh cho quân tướng ai bắt đựợc tù binh thì dẫn đến nộp để báo công. Nhất trượng thanh Hỗ Tam Nương nộp Thái âm tinh Thọ Thiên công chúa; Lư Tuấn Nghĩa nộp Kế đô tinh hoàng điệt Da Luật Đắc Hoa; Chu Đồng nộp Thuỷ tinh đại tướng Khúc Lợi Xuất Thanh; Âu Bằng, Đặng Phi nộp Đẩu mộc giải Tiêu Đại Quan; Dương Lâm, Trần Đạt nộp Tâm Nguyệt Hồ Bùi Trực; Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc nộp Vị Thổ trĩ Cao Bưu; Hàn Thao, Bành Kỷ nộp Liễu thổ chương Lôi Xuân và Dục Hoả Đà Địch Thánh. Các tướng đem nộp thủ cấp tướng địch thì nhiều vô kể. Tống Giang ra lệnh cho giải đám tướng giặc bị bắt sống đến giam bên doanh trại của Triệu khu mật, số ngựa bắt được thì cho phép các tướng đổi lấy mà dùng.

Lại nói vua Liêu hốt hoảng rút chạy về đến Yên Kinh, lập tức truyền lệnh đóng chặt bốn cổng thành, cố sức giữ kinh đô, không dám nghĩ đến chuyện đối địch với quân Tống Giang nữa.

Tống Giang biết tin vua Liêu rút chạy liền truyền lệnh cho quân sĩ nhổ trại lên đường, tiến thẳng đến vay sát chân thành Yên Kinh. Lại mời Triệu khu mật dời hành dinh đến phía sau để giám thị việc đánh thành. Quân sĩ được lệnh hạ trại, dựng chòi cao, đặt súng bắn đá khắp mặt ngoài, chuẩn bị đánh vào thành Yên Kinh.

Vua Liêu hoảng sợ triệu quần thần vào cung bàn bạc. Quần thần đều nói: "Tình thé hết sức nguy cấp,chỉ còn cách đầu hàng nước Tống là thượng sách". Vua Liêu nghe theo, cắm cờ hàng trên mặt thành, sau đó sai người đến doanh trại quân Tống thưa: "Hàng năm sẽ xin tiến cống bò ngựa châu báu, không dám xâm phạm đến Trung Quốc nữa".

Tống Giang đưa sứ Liêu đến hậu doanh bái kiến Triệu khu mật để thưa lại việc xin đầu hàng. Triệu khu mật nghe xong, nói:

- Đây là việc quốc gia đại sự, phải theo ý triều đình, ta không dám tự tiện quyết định. Nước Liêu ngươi thực bụng đầu hàng thì phải sai quan đại thần có danh tiếng đến Đông Kinh triều kiến thiên tử. Nếu thiên tử bằng lòng giáng chiếu xá tội, thuận cho nước Liêu ngươi được đầu hàng thì ở đây ta mới dám cho lui quân bãi chiến.

Sứ Liêu vâng lời trở về tâu lại với vua Liêu. Vua Liêu liền triệu các quan văn võ vào bàn định. Hữu thừa tướng là thái sư Chử Kiên bước lên tâu:

- Nay nước ta thiếu quân ít tướng, người ngựa cơ hồ sạch không, liệu còn gì mà đánh nhau với địch? cứ nhu ngu ý của hạ thần thì đưa lễ vật thật hậu đến với Tống tiên phong. Một mặt xin Tống tiên phong cho đóng quân ngưng chiến, một mặt thu xếp lễ vật đưa về Đông Kinh hối lộ cho các quan đại thần giữ việc ở các sảnh viện, nhờ họ khéo lời tâu bẩm với thiên tử giúp cho. Hiện nay ở Trung Quốc, bốn tên gian thần là Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn chuyên quyền, vua Tống chỉ nhắm mắt nghe theo. Ta nên sai người đưa vàng lụa hối lộ, nhờ bọn chúng thu xếp việc giảng hoà, tất thế nào vua Tống cũng ưng thụân cho lui binh bãi chiến.

Vua Liêu chuẩn theo lời tâu ấy.

Ngày hôm sau, thừa tướng Chử Kiên ra khỏi thành đi đến doanh trại Tống Giang. Tống Giang cho mời vào trong trướng, Chử Kiên nói lại việc quốc vương nước Liêu xin đầu hàng, sau đó đem vàng lụa cùng nhiều báu vật biếu Tống Giang. Tống Giang nghe xong đáp:

- Quân ta bất quá chỉ vây đánh trong mấy hôm, lo gì không phá được thành trì nước ngươi, luôn tiện nhổ cỏ bỏ rễ để trừ hậu hoạ. Thấy nước Liêu ngươi cắm cờ hàng trên thành, ta tạm cho dừng quân chưa đánh. Hai nước xuất quân giao chiến, xưa nay vẫn cho nước địch được đầu hàng! ta án binh bất động là để cho nước ngươi thu xếp bằng lòng cử người về triều đình xin chuộc tội. Nay ngươi đưa lễ vật đến đút lót, vậy bọn ngươi coi Tống Giang là kẻ thế nào? Chuyện ấy không được nói đến nữa.

Chử Kiên sợ hãi xin vâng. Tống Giang nói tiếp:

- Ta bằng lòng cho ngươi sửa soạn biểu văn đưa về kinh tuỳ triều đình định đọat. Ở đây ta cứ tạm đóng quân không đánh. Nhưng ngươi phải đi mau, đừng để bọn ta phải đợi!

Chử Kiên vái tạ Tống Giang, ra khỏi trại, lên ngựa trở về Yên Kinh tâu lại với vua Liêu. Các quan đại thần cùng nhau bàn bạc đã xong, ngày hôm sau vua Liêu cho sửa soạn lễ vật vàng bạc châu báu xếp lên xe, sai thừa tướng Chử Kiên cùng mười lăm viên thuộc quan lên đường. Sứ bộ một đoàn hơn ba chục người ngựa mang theo biểu văn tạ tội, dời Yên Kinh đến doanh trại quân Tống thưa chuyện với Tống Giang. Tống Giang đưa Chử Kiên đến yết kiến Triệukhu mật trình bày việc nước Liêu sai thừa tướng Chử Kiên về kinh sư triều kiến thiên tử nhận tội và xin đầu hàng. Triệu khu mật lưu Chử Kiên ở lại tiếp đãi tử tế, một mặt bàn với Tống Giang, rồi viết tờ tâu trình lên thiên tử. Sài Tiến và Tiêu Nhượng được cử đi cùng với sứ bộ về kinh dâng tấu và chuyên công văn lên viện trung thư tường trình việc hành quân. Đường xa chẳng phải một ngày. Về đến kinh sư, người ngựa và mười xe lễ vật vàng bạc châu báo vào nghỉ ngơi ở nhà công quán. Sài Tiến và Tiêu Nhượng đi trước đưa công văn vào viện trung thư, trình rằng:

- Hiện nay binh mã đang vây chặt thành Yên Kinh, chỉ nội ngày đêm là phá được. Vua nước Liêu đã sai cắm cờ hàng trên mặt thành, nay lại sai thừa tướng, Chử Kiên về kinh trình biểu văn tạ tội xin đầu hàng để thiên tử cho bãi binh. Triệu khu mật không dám định đọat nên sai bọn tiểu nhân chúng tôi về xin thánh chỉ.

Các quan ở viện trung thư nghe xong nói:

- Cho ngươi cùng sứ Liêu cứ tạm nghỉ ngoài nhà trạm, đợi bọn ta bàn định đã!

Hồi bấy giờ Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn cùng các quan lớn bé ở viện trung thư đều là một bọn tham hám lợi. Bọn Chử Kiên tìm mối vào yết kiến bọn Sái Kinh và lo biếu xé lễ vật cho các quan ở viện trung thư. Ai theo mối ấy, bọn chúng lo việc đút lót cho các quan ở viện trung thư.

Sáng hôm sau vào chầu, các quan lạy mừng thiên tử đã xong, quan khu mật sứ Đồng Quán bước ra tâu:

- Tướng tiên phong là Tống Giang hiện đã đánh đuổi quân Liêu đến tận Yên Kinh, vây chặt thành trì chỉ sớm chiều là phá được. Liêu chủ đã cắm cờ tự nguyện đầu hàng, nay lại cử thừa tướng Chử Kiên đưa biểu văn đến xin thuần phục, mong được thiên tử xá tội, cho phép giảng hoà và ra lệnh bãi chiến, giao hứa hàng năm phụng tiến lễ vật không dám sai mệnh. Cúi xin thánh thượng soi xét.

Thiên tử phán:

- Lần này cho giảng hoà, lui binh bãi chiến, các khanh thấy thế nào?

Thái sư Sái Kinh bước lên tâu:

- Hạ thần cùng các quan cũng đã bàn: bọn tứ di xưa nay chưa bị trừ hết. Theo ngu ý của bọn hạ thần thì cứ cho nước Liêu được thần phục để chắn giữ phía bắc, hàng năm dâng đồ cống nạp cũng có ích cho nước nhà. Xét như vậy thì nên chuẩn tấu cho nước Liêu được tạ tội đầu hàng, một mặt cho lui quân bãi chiến, triệu hồi quân mã trở về lo giữ kinh sư. Bọn hạ thần không dám tự tiện, cúi xin bệ hạ phán xét.

Thiên tử chuẩn tấu, truyền thánh chỉ cho phép sứ Liêu được vào triều yết kiến. Quan truyền lệnh liền dẫn bọn Chử Kiên vào Kim Điện. Bọn Chử Kiên phủ phục vái lạy, tung hô vạn tuế. Thị thần nhận biểu văn bóc trình lên trước ngự án. Quan tuyên biểu học sĩ cao giọng đọc như sau:

Quốc chủ nước Liêu, thần Da Luật Huy cúi đầu trăm lạy xin tâu lên:

Thần vốn sinh cư ở chốn sa mạc phương bắc, xưa nay thuộc cõi phiên bang, không thông hiểu kinh sách của thánh hiền, không biết rõ cương thường lễ nghĩa. Lại thêm, thuộc hạ đều một phường văn ngu võ dốt tả hữu rặt những kẻ xấu bụng gian lòng, tham lam tiền tài, thích ăn của đút, trông trước ngó sau đều những kẻ tướng mạo bất lương. Hạ thần bị mê muội, họp nhau gây chuyện ngông cuồng, xâm phạm cương vực của nước Đại Tống, đến nỗi thiên binh phải tới trị tội. Sự ấy chẳng những khiến cho quân sĩ người ngựa phải vất vả xông pha mà còn làm nhọc lòng các quan ở triều đình phải lo việc dấy quân chinh phạt. Tự biết sức mình con sâu cái kiến sao đủ lay chuyển được Thái Sơn, nghĩ rằng trăm nguồn đều chảy về biển lớn. Nay hạ thần đặc sai Chử Kiên đi sứ, mạo muội khiêu động đến thiên uy, xin rập đầu nhận tội. Dám mong được đội ơn thánh thượng thương cho mạng sống nhỏ nhoi, không nỡ phế huỷ chút cơ nghiệp tổ tông truyền lại, ân xá cho điều lỗi cũ của hạ thần, mở cho con đường để lo toan nghiệp mới, lui về giữ đất Di Địch ở cõi phiên bang, mãi mãi làm phên giậu che chắn cho thiên triều. Được như thế thì già trẻ lớn bé thật đội ơn tái sinh, con cháu đều cảm nhớ ơn đức muôn thuở. Từ nay hàng năm đều dâng lễ vật tuế cống, xin thề chẳng dám đơn sai!

Bọn thần xiết bao sợ hãi! kính cẩn dâng tờ biểu lên để xin soi xét.

Niên hiệu Tuyên Hoà năm thứ tư, đông nguyệt (tháng 11), ngày..

Quốc chủ nước Liêu, thần là Da Luật Huy cẩn biểu.

Thiên tử Huy Tông ngự lãm biểu văn đã xong, quần thần đều chúc mừng. Thiên tử truyền lấy ngự tửu ban cho đoàn sứ bộ. Bọn Chử Kiên phụng cống lễ vật dâng lên trước sân chầu. Thiên tử sai quan khố ti thu cất, một mặt cũng cho thu nhậnt số bò ngựa cống nộp. Rồi lại ban cho vóc lụa, quần áo mang về, và cho vào viện Quang Lộc hưởng yến. Thiên tử truyền lệnh rằng:

- Thừa tướng Chử Kien cùng bộ hạ cứ về nước, đón đợi quả nhân cho người đến tận nơi giáng chiếu.

Bọn Chử Kiên tạ ơn, lạy chào lui ra, tạm về nghỉ ở nhà công quán.

Hôm ấy tan chầu, Chử Kiên lại sai người đi đến nhà riêng các quan biếu thêm lễ vật để thu xếp cho xong mọi việc. Sái Kinh hết sức hứa hẹn: "Đã nói thừa tướng cứ về, mọi việc đều do bọn ta xếp đặt".

Lại nói thái sư Sái Kinh sáng hôm sau dẫn bá quan vào chầu, nhắc thiên tử việc giáng chiếu cho nước Liêu. Thiên tử thụân theo, liền truyền cho oquan học sĩ ở viện hàn lâm thảo tờ chiếu và ngay buổi chầu hôm ấy giao cho thái uý Túc Nguyên Cảnh phụng chiếu sang nước Liêu tuyên đọc. Một mặt, hạ sắc chỉ cho Triệu khu mật truyền lệnh cho Tống tiên phong thu quân bãi chiến, đưa người ngựa về kinh, còn hết thảy tù binh đều thả cho về, các thành trì đã chiếm đều giao lại cho nước Liêu quản lĩnh, vật dụng tài sản trong các kho thì giao lại cho các quan chức người Liêu quản lý.

Thiên tử lui triều, các quan ai về nhà ấy. Ngày hôm sau các quan ở viện trung thư đều đến phủ Túc thái uý hẹn ngày đưa tiễn Túc thái uý lên đường.

Lại nói Túc thái uý đã lĩnh chiếu sắc không dám nấn ná trì hoãn, liền cho chuẩn bị xe kiệu cùng đoàn người ngựa tuỳ tùng vào cung cáo từ thiên tử, chào biệt các quan ở viện trung thư rồi cùng Sài Tiến, Tiêu Nhượng lên đường sang nước Liêu. Đoàn người ngựa ra khỏi kinh đô, qua trạm Trần Kiều, đi lên biên giới phía bắc. Đoàn người lên đường đúng vào tháng rét nhất trong năm, mây đen che kín bầu trời, tuyết trắng phủ đầy mặt đất. Rừng đông trắng phau như rắc bột, đường trường như bạc tráng lối đi. Đoàn người ngựa của Túc thái uý cứ hứng gió đạp tuyết, lặn lội mà đi. Mưa tuyết vẫn chưa tạnh, Túc thái uý đành phải cho người ngựa dừng lại ở trạm nghỉ gần biên giới. Sài Tiến, Tiêu Nhượng sai người đi trước báo tin cho Triệu khu mật và Tống tiên phong. Tống Giang được tin liền sửa soạn rượu lễ, dẫn quân sĩ ra ngoài hơn năm mươi dặm đón đường nghênh tiếp. Khi Túc thái uý đến, hai bên chào hỏi xong, Tống Giang sai rót rượu mời Túc thái uý cùng đoàn tùy tùng uống cho ấm người, các quan ai nấy đều vui. Rồi mọi người cùng về trại mở tiệc chúc mừng, cùng nhau đàm đạo công việc triều đình. Túc thái uý nói chuyện bọn Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dường Tiễn và bọn ở các sảnh viện đều nhận lễ vật đút lót của sứ nước Liêu, trước mặt thiên tử bọn chúng ra sức tâu bầy, nên thiên tử chuẩn tấu cho nước Liêu đầu hàng, truyền mệnh thu quân bãi chiến, triệu hồi người ngựa trở về lo giữ vững kinh đô.

Tống Giang nghe xong thở dài, nói:

- Tống Giang tôi không dám có ý oán trách triều đình, nhưng công sức anh em chúng tôi thật uổng phí!

Túc thái uý nói:

- Tiên phong chớ lo, Nguyên Cảnh tôi về triều sẽ tâu bầy để thiên tử biết rõ công lao của anh em tướng quân.

Triệu khu mật cũng nói:

- Hạ quan được triều đình sai đi chứng thực việc quân, lẽ đâu dám để công lớn của anh em tướng quân bị mai một!

Tống Giang thưa lại:

- Anh em chúng tôi một trăm lẻ tám người dốc sức báo đền ơn nước, không dám có lòng dạ khác, cũng không dám trông chờ ân tứ của triều đình, chỉ mong sao tất cả anh em dù cực khổ nhưng được có nhau là may mắn lắm rồi! nếu tướng công có lòng nâng đỡ thì anh em tôi được nhờ ơn lớn.

Hôm ấy mở tiệc cả ngày, mọi người ai nấy đều vui, mãi đến tối mới tan tiệc ra về, một mặt sai người báo tin ngay cho nước Liêu biết để chuẩn bị đón chiếu.

Ngày hôm sau, Tống Giang cử mười viên đại tướng đi theo hộ tống Túc thái uý vào kinh đô nước Liêu tuyên đọc chiếu thư, mười viên đại tướng ấy đều mặc áo cẩm bào ngoài chẽn áo giáp nạm vàng, lưng đeo đai da võ tướng. Mười viên đại tướng ấy là: Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Diên Chước, Hoa Vinh, Đổng Bình, Lý Ứng, Sài Tiến, Lã Phương, Quách Thịnh dẫn theo quân kỵ quân bộ ba nghìn người tiền hô hậu ủng, dàn thành đội ngũ tiến vào thành Yên Kinh. Dân chúng thành Yên Kinh đã mấy trăm năm không được thấy quân của triều đình Trung Quốc, nay nghe tin Túc thái uý đến, hết thảy mọi người đều vui mừng hoan hỉ, nhà nào cũng bày hương án, treo đèn kết hoa ngoài cửa. Vua Liêu thân hành dẫn các quan văn võ mặc đại lễ, cưỡi ngựa ra ngoài cửa thành phía nam nghênh tiếp chiếu chỉ, rước về điện Kim Loan. Mười viên đại tướng đứng hầu hai bên. Túc thái uý đứng chếch ở phía trái toà long ngai đặt ở giữa. Vua nước Liêu cùng các quan văn võ đều quỳ dưới thềm điện. Quan điện đầu hô lệnh lạy, vua Liêu cùng các quan văn võ đều lạy theo. Lễ lạy đã xong, quan thị lang nước Liêu cúi nhận chiều thư, quỳ đọc trên điện như sau:

"Hoàng đế nước Đại Tống xét rằng: từ khi Tam hoàng lập ra thứ bậc, Ngũ đế truyền ngôi, ngay như đát Trung Hoa mà còn cần phải có chủ, huống chi cõi Di, Địch lại dám không vua? Nay nước Liêu các ngươi không tuân theo thiên mệnh, mấy lần xâm phạm đến cương vực của thiên triều, đáng lẽ khua một hồi trống cho quân tràn vào diệt sạch đi mới phải. Nay trẫm xem tờ biểu của ngươi tâu bầy tình thực, thấy lời lẽ bi ai thống thiết cũng đáng thương, lại xét cho tình cảnh của ngươi anh em cô độc hiếm hoi nên trẫm không nỡ tru di tàn hại, cứ cho nước ngươi tồn tại đó. Ngày nào chiếu thư này truyền đến nơi thì hết thảy quân tướng khi trước đã bị bắt đều được tha cho về nước, những thành trì quân trẫm đã chiếm cũng sẽ giao lại cho ngươi quản lĩnh. Hàng năm phải lo nộp lễ vật tuế cống, không được trễ nãi! tôn thờ nước lớn, kính sợ đất trời, ấy là chức phận của kẻ bề tôi coi giữ miền phiên thuộc. Nhà ngươi phải kính cẩn tuân theo!

Niên hiệu Tuyên Hoà thứ tư, Đông nguyệt (tháng 11), ngày...

Quan thị lang nước Liêu tuyên đọc chiếu thư xong, vua Liêu cùng các quan đều lễ tạ ơn hai lạy. Vua quan làm lễ đã xong lính hầu khiêng cất long ngai cùng hộp chiếu thư, sau đó vua Liêu lên điện tiếp kiến Túc thái uý. Nghi thức tương kiến đã xong, vua Liêu mời Túc thái uý vào hậu điện dự đại yến chúc mừng. Trên mâm yến mọi thứ hải vị sơn hào đều có đủ. Các quan văn rót rượu, các tướng võ bưng mời, lời ca điệu múa tưng bừng, tiếng kèn lá êm tai; gái đẹp thành Yên Kinh vừa hoà tấu nhạc Hồ, vừa uốn lượn nhảy múa theo tiếng sênh tiêu đàn trống.

Yến tiệc đã ta, các thị thần mời Túc tháii uý và các tuỳ tướng về nghỉ ở nhà công quán. Cùng ngày hôm ấy, hết thảy mọi người trong đoàn tùy tùng của Túc thái uý cũng đều được dự phần khao thưởng.

Ngày hôm sau, vua Liêu sai thừa tướng Chử Kiên đến tận doanh trại mời Triệu khu mật và Tống tiên phong cùng vào thành dự tiệc.Tống Giang bàn với quân sư Ngô Dụng, thấy không nên nhận lời đi, bèn kính Triệu khu mật vào thành dự yến với Túc thái uý. Hôm ấy vua Liêu lại mở đại yến khoản đãi sứ bộ. Rượu bồ đào rót khắp chén bạc, thịt dê non bày kín mâm vàng; các thứ hoa thơm quả lạ không thiếu thứ gì. Tiệc rượu gần tan, vua Liêu sai bưng ra một mâm đồ trang sức vàng bạc dâng tặng Túc thái uý và Triẹu khu mật. Yến tiệc còn tiếp tục mãi đến tận đêm khuya ai nấy mới ra về.

Ngày thứ ba, vua Liêu hội quần thần văn võ, dàn xếp quân ngũ chỉnh tề, đánh trống cử nhạc tiễn đưa Túc thái uý và Triệu khu mật về trại, lại truyền mệnh cho thừa tướng Chử Kiên đưa bò, dê, ngựa cùng lễ vật vàng bạc vóc lụa đến doanh trại Tống tiên phong mở hội lớn khao thế ba quân, trọng thưởng các tướng.

Tống Giang ra lệnh đưa Thiên công chúa hết thảy quân tướng bị bắt thả cho về. Lại giao trả các thành Đàn Châu, Kế Châu, Bá Châu, U Châu cho nước Liêu quản lý. Một mặt tiễn đưa Túc thái uý về kinh trước, còn bản quân ở lại thu xếp xe cộ người ngựa sắp đặt quân ngũ rồi về sau. Đạo kỵ binh trung quân được lệnh hộ tống Triệu khu mật khởi hành trước. Tống Giang mở tiệc khao thưởng các đầu mục thuỷ quân, rồi lệnh cho các đầu mục dẫn đội thủy quân xuống thuyền đi đường thuỷ về trước đóng thuyền ở Đông Kinh chờ lệnh.

Tống Giang lại cho người vào thành mời hai thừa tướng tả hữu của nước Liêu ra doanh trại nói chuyện. Vua Liêu cho tả thừa tướng U Tây Bột Cẩn và hữu thừa tướng là thái sư Chử Kiên tới hành doanh hội kiến với Tống Giang. Tống Giang mời hai thừa tướng vào trướng, chia ngôi chủ khách cùng ngồi, rồi nói:

- Bọn võ tướng chúng tôi một khi quân đã đến sát thành, tướng đứng sẵn bên hào thì việc lập công chỉ là chuyện vặt. Cứ như bản ý của ta thì không cho các ngươi đầu hàng, phải đem quân phá thành tiễu trư bằng sạch. May cho ngươi được chủ soái của ta y thuận cho tâu bầy với triều đình. Hoàng thượng đóai lòng thương tình cảnh của các ngươi, động lòng trắc ẩn không nỡ truy bức sát hại, chuẩn tấu cho nước ngươi được tạ tội đầu hàng. Việc triều đình như thế là xong, nay chúng ta chỉ còn đợi về Kinh. Các ngươi chớ tưởng lầm anh em Tống Giang ta không đánh nổi mà mưu toan gây chuyện lần nữa. Lễ vật triều cống hàng năm phải lo dâng nộp cho đủ! nay ta đưa quân về nước, bọn ngươi phải kính cẩn lo giữ tròn phận sự, chớ cố tình tái phạm! quân binh của thiên triều mà phải tới lần nữa quyết không dung!

Hai thừa tướng rập đầu lạy tạ, nhận lỗi. Tống Giang lựa lời khuyên nhủ. Hai thừa tướng thành thực cảm tạ rồi xin cáo lui.

Tống Giang cho nữ tứớng Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương dẫn một đội quân bộ đi trước. Tiếp đó cho gọi thợ đá đi theo trong quân đến giao cho chọn đá, đục một tấm bia, sai Tiêu Nhượng soạn bài văn bia ghi chép chiến công chinh phạt. Kim Đại Kiên lo việc đục đá khắc chữ, rồi cho dựng tấm bia ấy dưới núi Mao Sơn cách huyện Vĩnh Thanh mười lăm dặm về phía đông, đến nay bia ấy vẫn còn. Có thơ làm chứng như sau:

Mỗi năm Hồ mã độ âm sơn

Hận sát Đàn uyên túng lỗ hoàn.

Thuỳ tạo mao sơn công tích ký

Khấu công tuyền hạ diệc khai nhan.

(Giận nghe tin giặc vượt biên thuỳ

Thẳng tới Đàn Châu quyét sạch đi

Ai dựng bia công Mao Sơn ấy

Khấu công yên giấc chẳng lo nguy.)

Tống Giang chia quân mã thành năm đội, định ngày cho tất cả lên đường về kinh. Bỗng thấy Lỗ Trí Thâm vội vào trướng, chắp tay vái chào rồi thưa:

- Tiểu đệ từ khi đánh chết tên Trấn Quan Tây phải trốn đến huyện Nhạn Môn ở Đại Châu, may nhờ có Triệu viên ngọai đưa lên Ngũ Đài Sơn bái yết Trí Chân trưởng lão, được trưởng lão cho cắt tóc làm hòa thượng trong chùa. Chẳng may quá chén hai lần làm náo động cửa thiền. Sư phụ lại phải gửi về chùa Đại Tướng Quốc ở Đôngg Kinh nhờ thiền sư Trí Thanh cho tiểu đệ một chức sư tăng chấp sự. Tiểu đệ được giao việc coi giữ vườn rau của chùa Đại Tướng Quốc. Sau vì việc cứu Lâm Xung, bị tên Cao thái úy bức hại nên phải trốn tránh làm nghề lạc thảo, sau may đựợc gặp đại huynh. Từ đó đến nay đã mấy năm, tiểu đệ vẫn một lòng nhớ truởng lão nhưng chưa có dịp về thăm. Tiểu đệ vẫn ghi nhớ lời trưởng lão nói rằng tiểu đệ tuy có tính hay giết người đốt nhà, nhưng về sau chân thân ắt được chính quả. Nay nhân lúc thái bình vô sự, tiểu đệ xin phép đại huynh cho nghỉ vài ngày để về Ngũ Đài Sơn thăm chùa, nghe thuyết pháp. Tiểu đệ đi chuyến này xin đem theo số vàng lụa được ban thưởng từ trước đến nay nộp vào chùa làm của bố thí, sau nữa cũng là để xin sư phụ chỉ giáo cho biết sự việc sau này. Đại huynh cứ dẫn quân mã đi trước, tiểu đệ xin đuổi kịp theo ngay.

Tống Giang nghe nói ngạc nhiên, suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Vị Phật sống ấy ở gần đây thế mà hiền đệ không nói sớm để anh em cùng đến lễ chùa, xem sư phụ chỉ giáo cho biết hậu vận của anh em ta thế nào.

Tống Giang nói việc ấy với mọi người, ai cũng xin đi, chỉ có Công Tôn Thắng là người tu hành bên Đạo giáo nên không cùng đi. Tống Giang lại bàn riêng với quân sư Ngô Dụng: "để bốn người là Kim Đại Kiên, Hoàng Phủ Đoan, Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà ở lại cùng phó tien phong Lư Túân Nghĩa chuẩn bị cho quân lên đường. Anh em ta chỉ đưa theo một nghìn quân đi cùng Lỗ Trí Thâm đến bái yết Trí Chân trưởng lão. Bàn bạc xong, mọi người đều lui về. Tống Giang cho sắp xếp hương thơm, vóc lụa, quần áo, vàng bạc để lên đường đi Ngũ Đài Sơn. Đúng là:

Tạm rời yên cương giáp mã

Du lãng thiền lâm chốn xa

Mưa hoa rắc đầy lối

Cao tăng đi ngang qua

Theo chân vào nhà pháp

Dâng hương Phật Thích Ca

Chỉ biết rằng:

Tiễn trình chỉ rõ đường danh lợi

Pháp ngữ suy ra cửa tử sinh.

Chưa biết Tống Giang cùng Lỗ Trí Thâm đi lễ chùa ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx