sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! - Tập 3 - Chương 13 (Hết)

Món quà

STEVE GOODIER

Bố mẹ của John Claypool có được chiếc máy giặt đó khi John còn là một cậu bé. Chuyện xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Lúc đó, gia đình John không hề có máy giặt, và vì xăng dầu rất khan hiếm, nên họ cũng không thể có xe mà cứ phải đi bộ tới chỗ giặt quần áo cách nhà hàng dặm đường. Giữ cho quần áo sạch đã trở thành một trách nhiệm quan trọng, cả một vấn đề đối với mỗi thành viên trong gia đình John.

Rồi một người bạn của gia đình phải đi xa một thời gian, và vợ anh ta cũng đi cùng. Gia đình John nhận giữ đồ đạc của họ trong khi họ đi vắng. Trước sự ngạc nhiên của cả gia đình, người bạn đó đề nghị họ sử dụng chiếc máy giặt của gia đình mình.

“Để nó hoạt động thì tốt hơn”– người bạn nói – “chứ cứ bỏ không thì cũng gỉ hết cả rồi lại hỏng”. Và đó là lý do mà gia đình nhà John có được cái máy giặt.

John bé nhỏ rất thích giúp bố mẹ giặt quần áo bằng chiếc máy giặt, và qua vài năm, cậu bé dần dần rất yêu quý chiếc máy cũ màu xanh đó. Thế nhưng cuối cùng nhiệm kỳ công tác của người bạn của gia đình cũng kết thúc.

Những người bạn quay trở về. Trong suốt khoảng thời gian đó, John đã quên mất rằng lúc ban đầu chiếc máy giặt đã đến với gia đình mình thế nào. Vì vậy, khi những người bạn của bố mẹ đến đem máy giặt đi, John buồn bã kinh khủng – và ai cũng nhận thấy điều đó.

Mẹ của John gọi cậu đến ngồi cạnh và bảo: “Con trai ạ, con cần nhớ rằng, ngay từ đầu, chiếc máy đó đã chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Rằng việc chúng ta được sử dụng nó, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng đã là một món quà rồi. Vì vậy, thay vì giận dỗi khi máy bị đem đi, con hãy dùng chính cơ hội này để biết ơn vì chúng ta đã từng được sử dụng máy giặt vào lúc chúng ta rất cần nó”.

Bài học của người mẹ thông thái đã được chứng minh là một điều vô giá.

Nhiều năm sau đó, John phải nhìn cô con gái 8 tuổi của mình chết dần chết mòn vì bệnh bạch cầu. Dù đã cố gắng trong suốt nhiều tháng kể từ khi con gái ra đi, nhưng John không thể cảm thấy đỡ hơn một chút nào, không thể vượt qua được sự mất mát. Cho đến khi anh nhớ lại câu chuyện về chiếc máy giặt cũ màu xanh.

“Mình phải chứng tỏ rằng mình đã hiểu” – anh viết vào nhật ký – “rằng đây là cách duy nhất để vượt qua ngọn núi của mất mát và đau khổ này. Mình phải nhớ rằng Laura Lou là một món quà, một món quà đơn giản và trong sáng, một món quà mà mình không giành được hoặc có toàn quyền quyết định được. Và mình phải nhớ rằng cách phản ứng phù hợp với một món quà, ngay cả khi nó bị đem đi, là lòng biết ơn. Như thế thì mình sẽ không phải đau khổ, mà cần cảm ơn cuộc sống vì mình đã từng nhận được Laura Lou”.

John quyết định nhận thức rằng con gái anh được cuộc sống trao tới để anh yêu thương và nuôi nấng. Cô bé không bao giờ thuộc về anh hoàn toàn, nhưng anh đã nhận được món quà là chia sẻ cuộc sống với cô bé trong một thời gian.

Khi John nhận ra thực tế giản dị này, mọi thứ đều thay đổi. Anh bắt đầu vượt qua được bi kịch của bản thân bằng cách nghĩ đến những điều tuyệt vời mình có trong cuộc sống, cũng như những điều tuyệt vời anh từng được trải qua khi có Laura Lou ở bên cạnh. Laura Lou là một món quà mà anh đã đủ may mắn để có được trong một thời gian. John bắt đầu tìm thấy sức mạnh và sự hàn gắn. Cuối cùng, anh đã có thể vượt qua sự mất mát.

Cuộc sống có biết bao món quà tuyệt diệu, bạn có đủ tâm sức để nhận ra?

Tất cả chúng ta đều phải trải qua mất mát vào thời điểm nào đó trong cuộc sống – mất mát về con người, về sự nghiệp, về các mối quan hệ, về lòng tự tin, về cái tôi, về đủ mọi thứ. Sẽ thế nào nếu bạn coi những thứ bị mất là một món quà mà bạn đã đủ may mắn để được nhận trong một thời gian?

Có thể cách lựa chọn suy nghĩ đơn giản đó, để nhìn sự mất mát theo một cách khác, sẽ thay đổi những buồn bã thành những ý nghĩ biết ơn. Và có thể nó sẽ giúp bạn vượt qua được điểm-mắc-kẹt để quay trở lại con đường bình phục, lấy lại tinh thần, để sống tiếp thật trọn vẹn và lạc quan.

Đặng Mỹ Dung (Dịch)

Một câu hỏi đơn giản

STEVE GOODIER

Sẽ thế nào nếu bạn cũng tự hỏi mình một câu quan trọng, vài lần mỗi ngày?

Có lần, tôi đọc được rằng một trong những thành phố lớn của nước Mỹ có quy định cấm “đi bộ lang thang, vu vơ, không có mục đích rõ ràng, lảng vảng, loanh quanh, chậm chạp, tiêu phí thời gian chẳng làm gì cả, trì hoãn, tha thẩn, di chuyển chậm chạp”.

Bạn không thể biết là tôi đã cảm thấy khó chịu thế nào đâu. Bởi tại sao lại cấm những điều đó? Một số trong những ngày tươi đẹp nhất của tôi được dành để làm chính những điều như thế mà.

Nhưng, thật ra thì tôi cũng không muốn cả cuộc sống của mình được miêu tả về cơ bản là “không có mục đích rõ ràng… chậm chạp, tiêu phí thời gian chẳng làm gì cả, trì hoãn…”, và nói chung là đi lang thang.

Nhưng mặt khác, tôi cũng không muốn coi mỗi ngày đều là quá nghiêm trọng. Thỉnh thoảng, có một ngày gần như không làm gì cả là điều hoàn toàn tốt.

Vấn đề của tôi là tôi thường rất bận rộn. Tôi đặt thời gian biểu sít sao và làm việc nhiều giờ liên tiếp. Tôi có kế hoạch cho mỗi ngày và lập các danh sách.

Nhưng sẽ thật sai lầm nếu tin rằng, chỉ vì tôi đang làm rất nhiều việc, thì nhất thiết là tôi đang làm những việc đúng. Hay những việc TỐT NHẤT. Ít nhất, nếu tôi bận, thì tôi cũng muốn mình bận vì những điều thực sự có ý nghĩa chứ.

Nhà bình luận tin tức Dan Rather từng tự hỏi mình một câu quan trọng nhiều lần trong ngày. Phần lớn nhờ vào câu hỏi duy nhất này, mà ông ấy trở thành một trong những phóng viên hàng đầu của nước Mỹ.

Rather viết câu hỏi đó lên ba mẩu giấy. Ông để một mẩu giấy trong ví tiền, một trong túi áo, và một trên bàn làm việc. Câu hỏi quan trọng mà ông liên tục tự hỏi mình là “Điều mà anh đang làm bây giờ có giúp cho việc truyền thông không?”

Nếu câu trả lời là có, thì ông ấy sẽ tiếp tục làm công việc đó, dự án hay ý tưởng đó. Nếu câu trả lời là không, thì ông ấy ngừng những gì mình đang làm và dành thời gian, nỗ lực của mình vào việc khác.

Ông đã sớm nhận ra rằng nếu ông không tập trung thời gian của mình vào công việc xứng đáng, thì cuối cùng ông sẽ phải làm một công việc nơi ông không được trọng dụng và cũng không được thỏa mãn.

Sẽ thế nào nếu bạn cũng tự hỏi mình một câu quan trọng, vài lần mỗi ngày? Câu hỏi của bạn có thể liên quan tới việc học tập, công việc, hay có thể một lĩnh vực khác trong cuộc sống mà bạn đang thấy là quan trọng nhất với mình, như gia đình, tình yêu, sự phát triển cá nhân, tinh thần…

Bạn có thể tự hỏi mình rằng việc mình đang làm có đang giúp bạn thành công trong lĩnh vực bạn muốn hay không. Hay liệu việc bạn đang làm có giúp bạn trở thành một nhân viên tốt hơn, một người con tốt hơn hoặc một con người tốt hơn không. Bạn tự quyết định. Vấn đề là một câu hỏi đơn giản có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Hãy thử viết câu hỏi mà bạn chọn lên những mảnh giấy nhỏ, hay trên mặt sau một tấm danh thiếp. Mang theo nó bên mình. Dán trước bàn làm việc. Hoặc đính nó vào một nơi nào đó dễ thấy. Và rồi đọc nó vài lần mỗi ngày. Câu hỏi duy nhất đó sẽ giúp bạn chọn những hoạt động có đóng góp vào thành công của bạn. Và nếu bạn bận rộn, ít nhất, bạn cũng sẽ bận rộn vì làm những điều đúng – những điều có ý nghĩa với bạn.

Và rồi, nếu bạn quyết định thỉnh thoảng dành một ngày để đi bộ lang thang, vu vơ, không có mục đích rõ ràng, lảng vảng, loanh quanh, chậm chạp, tiêu phí thời gian chẳng làm gì cả, trì hoãn, tha thẩn, di chuyển chậm chạp, thì tại sao lại không?

Thời gian nghỉ ngơi có thể cũng sẽ khiến bạn trở nên tốt hơn để làm những điều đúng cho mình.

Đặng Mỹ Dung (Dịch)

Phản ứng trong những lúc khó khăn

RUBEL SHELLY

Bạn có thể “chịu” được bao nhiêu tin tức xấu? Đã có khi nào bạn tắt TV hoặc quăng tờ báo sang một bên và bảo: “Đủ rồi!”?

Chúng ta lo lắng cũng là lẽ tự nhiên thôi. Chỉ nghĩ đến chi phí sinh hoạt và những khoản tiền cần phải chi tiêu trong tương lai gần cũng đủ khiến bạn thấy phải đau đầu tính toán.

Tuần trước, tôi nhận được một e-mail của Tập đoàn Stephens – một doanh nghiệp về đầu tư ở Little Rock, trong đó bao gồm một bản ghi nhớ được viết bởi W.R. “Witt” Stephens sau khi thị trường chứng khoán lao dốc vào “Ngày thứ Sáu đen tối” hồi tháng 10/1987. Witt Stephens đã mất, nhưng tập đoàn này cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nhắc lại bản ghi nhớ của ông, và giải thích: “Sự thông thái và những lời khuyên đúng đắn của ông vẫn sống.”

Trong đó có nói những điều đại loại thế này:

Suốt bao nhiêu năm lịch sử của con người khám phá thế giới, loài người đã liên tục phải đối diện với những tin tức xấu. Nếu những người đi tìm kiếm những vùng đất mới và khai phá các quốc gia từ thời xưa tin rằng mọi chuyện đều tồi tệ như những gì mà họ vẫn nghe thấy, hẳn là họ đã từ bỏ những nỗ lực xây dựng những vùng đất mới và cứ ở lại những “vùng an toàn” của mình. Và giấc mơ về một thế giới rộng lớn hơn sẽ chấm dứt.

Kể từ ngày đó, con người cũng vẫn nghe được những tin tức xấu.

Suốt nhiều năm, nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra, trong đó có hai cuộc chiến tranh thế giới, một loạt những cuộc xung đột nhỏ, những cuộc khủng hoảng và cả Đại Suy Thoái, chúng ta đã nghe đi nghe lại những lời như: “Đây là thời điểm thử thách tâm hồn con người”. Và mỗi lần như thế, con người lại bất chấp những tin xấu, vượt qua bất kỳ chướng ngại vật nào đang chắn trước mặt mình để đi tiếp.

Từ lần này sang lần khác, chúng ta được đặt vào các thử thách. Phần nhiều những điều chúng ta đọc được hoặc nghe được đều là xấu, là tệ. Chúng ta

được báo chí, TV và đài phát thanh “bủa vây” bởi những bản tin về… giá cả leo thang, tình hình kinh tế khó kiểm soát, tội phạm, gian dối, yếu kém…

Bạn không thể khóa cửa để tránh tin tức từ mọi nguồn thông tin, từ trong nhà ra ngoài phố, đến công sở… Mà thực tế thì, những phương tiện truyền thông đó không tạo ra tin tức, họ chỉ thuật lại. Nói lại những sự việc có thật. Chúng ta có tùy chọn: Chấp nhận hoặc không.

Chúng ta có thể rên rỉ về những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, rồi lấy tay ôm đầu; hoặc chúng ta có thể không chấp nhận những cái xấu và tìm những cái tốt.

Khi tôi còn nhỏ, sống ở một trang trại tại hạt Grant, tin tức đến không nhanh như ngày nay và chúng tôi nghe được tin chủ yếu là nhờ truyền miệng. Một người khách vãng lai nào đó đi ngang qua, hoặc một trong số những người hàng xóm của chúng tôi trở về sau chuyến đi tới Memphis, và chúng tôi “nhìn” được tin tức qua đôi mắt của họ. Hầu hết là những tin tức về những chuyện tồi tệ ở các thành phố lớn và khắp nơi.

Sau khi nghe một hồi, bố tôi sẽ nói: “Đủ tin xấu cho một ngày rồi. Đi làm việc thôi”. Sau này cũng thế, bố tôi sẽ nói: “Đủ tin xấu rồi đấy. Đến lúc làm việc rồi!”. Bố tôi dạy chúng tôi gạt những tin không hay sang một bên và nhìn quanh để thấy những điều tốt, hay những điều mà bạn có thể cải thiện cho tốt hơn lên. Mà bạn cũng chẳng cần phải nhìn quá xa. Gia đình, bạn bè, hàng xóm, công việc, xung quanh bạn, thế nào cũng có những điều tốt.

Bạn đang sống trong thời kỳ hiện đại nhất từ trước tới nay, có rất nhiều cơ hội mà trước đây chưa bao giờ có. Chất lượng sống được nâng cao, bạn có thể tự do quản lý thời gian của mình, được chăm sóc y tế tốt hơn, trường học tốt hơn… Đó là một số ví dụ trong những điều tốt mà bạn có thể tìm thấy quanh mình. Còn nếu chưa đủ? Hãy hoạt động tình nguyện, hãy quyên góp từ thiện, hãy giúp đỡ những người đang khó khăn, hãy bảo vệ môi trường…

Đó là những điều mà bạn có thể làm để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, với nhiều điều tích cực hơn.

Khi bạn cảm thấy bị “ngập” trong những tin không hay, thì đó chính là lúc bạn cần gạt những tin tiêu cực đó sang một bên và bắt tay vào những việc tốt. Bạn, hoặc bất kỳ ai, đều có thể là người TẠO RA những tin tức tích cực cho thế giới này.

Trái tim nói "có"

Những điều chúng ta nhớ nhất, khiến chúng ta hài lòng nhất, lại chính là những điều chúng ta làm theo khi trái tim nói “có”...

Tôi đã là giáo viên dạy piano nhiều năm nay, và trong khoảng thời gian đó, tôi đã gặp rất nhiều học viên ít tuổi, nhưng thực sự tuyệt vời.

Rất nhiều trong số họ giờ đã có gia đình và theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Tuy bận rộn, nhưng họ vẫn thường xuyên chia sẻ với tôi những tin tức và sự kiện trong cuộc sống của mình, dù các bài học đã kết thúc từ nhiều năm trước. Và mặc dù tôi là giáo viên, nhưng tôi thường cảm thấy rằng họ cũng dạy tôi nhiều ngang như tôi dạy họ, nếu không nói là nhiều hơn. Sự trung thực và ham học của những học viên trẻ tuổi không bao giờ ngừng khiến tôi ngạc nhiên, và họ chính là nguồn cảm hứng bất tận.

Charlie cũng là một học viên của tôi. Đó là một cậu bé 4 tuổi, rất thông minh và nghịch ngợm. Trước khi mẹ cậu bé gọi điện cho tôi đề nghị dạy Charlie học piano, tôi đã luôn nghĩ rằng học viên phải lớn hơn một chút, vì học piano đòi hỏi sự tập trung cao độ cho mỗi buổi học, mà mỗi buổi học thì không hề ngắn. Cho nên tôi hỏi mẹ Charlie về hứng thú âm nhạc của cậu bé.

Hóa ra, Charlie đã từng học piano, do một giáo viên khác dạy, nhưng cô giáo đó chuyển nhà. Nên tôi đồng ý dạy tiếp.

Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm dạy học viên nhỏ tuổi đến vậy, nhưng chẳng bao lâu thì tôi đã nhận ra rằng Charlie là một cậu bé đặc biệt.

Charlie, như hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi, rất hoạt bát và hay cười. Đôi mắt cậu bé sáng lấp lánh khi cậu bé kể đủ thứ chuyện ở trường, về bạn bè, thú cưng và các hoạt động khác. Tuy không dễ tập trung như người lớn, nhưng Charlie học rất nhanh.

Các bài học vẫn tiếp tục cho đến khi Charlie học lớp 1. Đó là khi cậu bé phát hiện ra có những môn thể thao đồng đội. Cậu bé thích mê môn bóng rổ và bóng bầu dục, và tôi đã khiến cậu bé ngạc nhiên khi đến xem một trận thi đấu dành cho lứa tuổi của cậu. Cậu bé chạy phăm phăm trên sân, cố gắng ghi điểm. Rõ ràng, Charlie rất mạnh mẽ và muốn chiến thắng!

Dần dần, cũng trong năm đó, tôi để ý thấy rằng Charlie không chuẩn bị sẵn sàng cho buổi học như trước đây, và khi nói chuyện với mẹ cậu, tôi còn biết rằng ở nhà, Charlie cũng không tập đàn. Lúc này, yêu cầu cậu bé tập trung càng trở thành một nhiệm vụ khó khăn, và với sự thất vọng của tôi, Charlie quyết định ngừng học piano.

Tôi đề nghị được gọi điện cho Charlie và mẹ cậu bé đồng ý. Tôi dự định sẽ thuyết phục Charlie tiếp tục học, vì cậu bé thực sự rất thông minh và có thể sẽ trở thành một nhạc sĩ giỏi sau này. Thế nhưng, khi tôi vừa vòng vo nói đến việc Charlie có nên dừng lại hay không, thì cậu bé đáp: “Cái đầu của em nói là không, nhưng trái tim em bảo là có”.

Đến đây, tôi đã bỏ ý định thuyết phục Charlie. Và tôi vẫn thường nghĩ tại sao một câu nói sâu sắc như thế lại đến từ một cậu bé nhỏ tuổi đến vậy. Sau này, tôi nghe nói rằng Charlie tham gia vào rất nhiều môn thể thao ở trường học. Charlie muốn trở thành một vận động viên. Cậu bé yêu thể thao và hạnh phúc khi được chơi bóng.

Tôi vẫn thường tự hỏi con người có thể đạt được những gì nếu chúng ta lắng nghe trái tim mình nhiều hơn. Cho dù tuổi còn rất nhỏ, Charlie đã hiểu được rằng trái tim chính là nơi có những mong muốn sâu sắc nhất của chúng ta.

Đã rất nhiều lần, tôi có những dự định rất tốt: Tôi muốn gửi một tấm thiệp cảm ơn, muốn đem thức ăn đến cho những người già yếu ở viện dưỡng lão, muốn theo đuổi một mục tiêu, muốn ủng hộ một dự án từ thiện, muốn tham gia một khóa học, và rồi tôi lại tìm các lý do để không thực hiện, vì đầu óc tôi nói “không”.

Trong khi, đến cuối cùng, thì những điều chúng ta nhớ nhất, khiến chúng ta hài lòng nhất, lại chính là những điều chúng ta làm theo khi trái tim nói “có”.Khi ngồi viết lại câu chuyện này, tôi cứ tưởng tượng ra rằng: Charlie đang là một vận động viên, hoặc một huấn luyện viên thể thao, và cậu ấy mỉm cười khi nghĩ: “Chà, mình đã đúng khi mình nghe theo trái tim mà ngừng học piano để chơi thể thao”.

Thục Hân  (Dịch)

Vùng an toàn

STEVE GOODIER

Một phóng viên trẻ muốn tìm hiểu về ngành nông nghiệp, nên anh gọi cho một bác nông dân và hỏi:

- Vụ mùa lúa mỳ của bác năm nay thế nào rồi ạ?

- Tôi có trồng cọng lúa mỳ nào đâu - Bác nông dân đáp.

- Thật ạ? - Anh phóng viên ngạc nhiên - Tôi tưởng vùng bác ở là nơi chuyên trồng lúa mỳ.

- Ừ thì có người bảo thế - Bác nông dân nói - Nhưng tôi sợ rằng năm nay không có đủ mưa để trồng lúa mỳ.

- À, vậy ngô thì sao ạ? Ngô năm nay có tốt không ạ? - Anh phóng viên trẻ hỏi tiếp.

- Năm nay tôi chẳng trồng ngô. Tôi sợ bọn rệp làm hỏng hết ngô.

- Thế còn cỏ linh lăng?

- Không. Tôi e rằng giá sẽ tụt.

- Chà, vậy thì… - Anh phóng viên ngập ngừng - Tóm lại là bác trồng gì ạ?

- Chẳng gì cả - Bác nông dân đáp - Tôi cứ phải đảm bảo an toàn.

Đúng là có một số người THỰC SỰ thích ở trong vùng an toàn. Như trong một bài hát cũ:

"Cô dâu, mái tóc bạc trắng, tựa vào cây gậy,

Từng bước đi, không chắc chắn, đều cần dẫn dắt,

Trong khi bước đi giữa hai hàng ghế của nhà thờ,

Với nụ cười mệt mỏi, yếu ớt, không có răng,

Chú rể ngồi trong xe lăn, đi tới.

Vậy cặp đôi già cả sắp cưới này là ai?

À, bạn sẽ biết khi bạn tìm hiểu thật kỹ,

Rằng đây là cặp đôi thận trọng nhất,

Hiếm có nhất,

Họ đã đợi đến khi đảm bảo có một đám cưới và một cuộc sống tốt!"

Bạn có thích đảm bảo an toàn? Ai mà chẳng thích được an toàn, nhưng, có lẽ chính bạn cũng biết, rằng một số điều tuyệt nhất trong cuộc sống chỉ có thể được tìm thấy sau khi chúng ta dẹp chút thận trọng sang bên. Tôi học được bài học đó khi chơi bóng chày hồi nhỏ. Khoảng cách chừng ba mươi mét chưa bao giờ có vẻ xa như khi bạn phải cố chạy đến chốt gôn thứ hai. Và đã hơn một lần, tôi quăng mình ra để cố chạm được vào góc thứ hai, nhưng tôi không thể quên được cảm giác của những lần đó: lo lắng, hồi hộp, nhưng rồi thành công. Vui mừng, Phấn khích. Thật xứng đáng để chịu chút rủi ro.

Có một bài học cuộc sống ở đây: Bạn không thể tới được chốt gôn thứ hai, trừ phi bạn phải chạy khỏi chốt gôn thứ nhất đã. Trong một số việc, tình huống đúng là "tất cả hoặc không có gì". Chạy thẳng đi hoặc đứng nguyên tại chỗ, vì bạn sẽ không được thay đổi ý định giữa chừng.

Đôi khi bạn cần có can đảm để làm những gì bạn chưa từng làm và đi tới nơi bạn chưa từng tới. Nó giống như chạy tới chốt gôn thứ hai - cho dù quyết định lớn trước mắt bạn là gì, thì giải pháp tốt nhất thường sẽ được đưa ra dựa trên sự can đảm, chứ không phải là nỗi sợ hãi.

Nếu bạn có điều gì đó hối hận vào 20 hay 30 năm sau, chúng sẽ là gì? Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ hối hận về những điều tôi đã làm, mà khả năng sẽ là về những điều tôi lẽ ra đã có thể làm, nhưng lại sợ không dám thử. Những khi tôi sợ không dám nắm lấy cơ hội vì lo rằng mình có thể bị từ chối hay bị nghĩ là ngớ ngẩn, ngu ngốc. Những khi tôi sợ không dám làm điều gì đó mới mẻ - hoặc thực hiện một thay đổi - vì lo rằng mình có thể sẽ thất bại.

Claude Thomas Bissell, tác giả và nhà giáo dục người Canada, đã nổi tiếng với lời nói về việc sống một cuộc sống trọn vẹn:

"Hãy mạo hiểm hơn mức mà người khác nghĩ là an toàn.

Hãy quan tâm hơn mức mà người khác nghĩ là thông minh.

Hãy mơ ước hơn mức mà người khác nghĩ là thực tế.

Hãy kỳ vọng hơn mức mà người khác nghĩ là có thể.

Bạn không thể luôn luôn chơi trong vùng an toàn của mình, nếu bạn muốn SỐNG TRỌN VẸN.

Đặng Mỹ Dung ( dịch)

Tình yêu không giới hạn

STEVE GOODIER

Tác giả Freda Bright nói:"Chỉ có trong các vở opera thì người ta mới chết vì tình yêu". Điều đó đúng. Bạn thực sự không thể yêu ai đó đến chết được. Tôi có biết những người chết vì không có tình yêu, nhưng tôi chưa từng biết bất kỳ ai được yêu đến chết. Chúng ta chỉ không thể yêu nhau đủ mà thôi.

Có một câu chuyện ấm áp kể về một cô gái, sau nhiều thời gian cân nhắc và do dự, cuối cùng đã quyết định đề nghị sếp cho tăng lương. Suốt cà ngày, cô lo lắng và e ngại. Đến tận chiều muộn, cô mới lấy hết can đảm để đến gặp sếp. Trước sự ngạc nhiên và vui mừng cuả cô, vị sếp đồng ý tăng lương cho cô.

Tối hôm đó, cô gái về nhà và thấy bàn ăn được trang trí rất đẹp đẽ, với những chiếc đĩa mới nhất và những món ăn ngon nhất mà cô từng biết. những ngọn nến dịu dàng, long lanh. Chồng cô đã về nhà sớm và chuẩn bị một bữa ăn tuyệt vời. Cô tự hỏi liệu có phải một đồng nghiệp nào đó ở công ty "bán đứng" mình và tiết lộ cho chồng mình biết hay không. Hay là... chồng cô tự đoán được rằng cô sẽ không bị từ chối?

Cô thấy anh chồng trong bếp và kễ cho anh nghe về việc được tăng lương. Anh chồng ôm chầm lấy cô, hôn vào trán cô, và rồi họ ngồi xuống bàn, vui vẻ ăn tối. bên cạnh đĩa của mình, cô gái tìm thấy một tấm thiệp viết tay nắn nót:"Chúc mừng em yêu! Anh biết là em sẽ được tăng lương xứng đáng. Những điều này sẽ nói với em rằng anh yêu em đến mức nào".

Sau bữa tối, anh chồng vào bếp dọn dẹp. cô gái tình cờ thấy một tấm thiệp thứ hai rơi ra từ trong túi anh. cô kín đáo nhặt nó lên và mở ra. Trong đó ghi: "Em đừng lo vì không được tăng lương. Anh chắc chắn rằng em xứng đáng được như thế, chỉ là người ta chưa nhận thấy thôi. Những điều này anh nói với em rằng anh yêu em đến mức nào".

Có ai đó nói rằng giới hạn của tình yêu là khi bạn yêu không có giới hạn. Điều mà người chồng cảm thấy cho vợ mình là sự chấp nhận và thương yêu vô điều kiện, dù cô thành công hay thất bại. Tình yêu của anh hân hoan cho chiến thắng của cô và an ủi những nỗi đâu của cô. Anh sẵn sàng đứng bên cô, dù cuộc sống có đặt thứ gì vào đường đi của họ. Anh có thể nói rằng anh yêu vợ mình đến chết. nhưng không phải thế. Anh ấy yêu vợ mình bằng cả cuộc sống. Bởi tình yêu của anh chăm lo cho cuộc sống của cô hơn bất kì thứ gì khác có thể.

Khi nhận giải Nobel hòa bình, Mẹ Teresa đã nói:"Bạn có thể làm gì để đẩy mạnh nền hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình bạn". Và hãy yêu những người bên cạnh mình. Yêu không giới hạn.

Yêu họ bằng cả cuộc sống

Đặng Mỹ Dung ( dịch)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx