sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! - Tập 3 - Chương 12

Có ai đó lắng nghe không?

BOB PERKS

- Hôm nay mọi việc của anh tốt chứ ạ?

- Tôi ổn, anh thế nào?

- Hôm nay tôi không được tốt lắm.

Im lặng.

Hầu như trong mọi trường hợp, chúng ta đều coi các cuộc hội thoái kiểu này là nói chuyện vặt vãnh, xã giao. Những lời hoa mỹ được nói ra như một phép lịch sự. Chứ không có mối quan tâm hay chú ý thực sự.

- Hôm nay chị ổn không? – Anh ấy hỏi chị tiếp theo.

- Rất tuyệt! Anh thế nào?

- Ngày hôm nay tôi chẳng ổn chút nào – Anh ấy lại nói.

Anh nói số tiền mà khách hàng phải trả, rồi đưa cho chị ấy túi hàng, và chị ấy đi.

Người tiếp theo dịch lên.

- Hôm nay chị thế nào?

- Tôi vẫn thế, tốt cả – Người khách này đáp. Nhưng chị ấy không hỏi lại. Tôi có thể nhìn thấy ánh mắt buồn bã và trống rỗng của anh nhân viên thu ngân.

Tôi đang đứng trong cửa hàng tạp phẩm 1 giá. Tôi tìm mua mấy gói quà, được đặt ngay gần quầy thu ngân.

Tôi nghe thấy cuộc nói chuyện đó cứ lặp đi lặp lại, với mỗi khách hàng khi họ ra tính tiền, rồi rời khỏi cửa hàng.

Không ai đi bước tiếp theo. Không ai hỏi anh thu ngân rằng tại sao anh ấy lại không vui.

Tôi đã từng diễn thuyết nhiều lần về cái thực tế rằng chúng ta vẫn nói những câu xã giao lịch thiệp kiểu này nhưng chúng ta không thực sự muốn biết người khác có ổn hay không, có đang gặp vấn đề gì hay không. Hầu hết thời gian, chúng ta cũng chẳng thực sự nói ra sự thật,vì chúng ta nghĩ rằng đó không phải là việc của người khác, và cũng chẳng có ai quan tâm đến những rắc rối trong cuộc sống của chúng ta.

Vì vậy, khi đến lượt mình tính tiền, tôi đi bước đi mà những người trước không đi.

- Hôm nay anh thế nào ạ? – Anh thu ngân hỏi tôi.

- Phải nói là tuyệt vời. Anh thì sao?

- Hôm nay tôi không ổn lắm – Anh ấy đáp.

- Công việc bận quá phải không?

- Không phải, mặc dù đúng là hôm nay tôi không muốn ở đây.

- Sắp hết giờ làm việc rồi mà. Tôi hi vọng mọi việc sẽ khá hơn. – Tôi bảo anh ấy.

- Không khá lên được đâu.

- Tôi sẽ cầu mong những điều tốt lành cho anh.

- Cũng không ăn thua đâu. Một người thân của tôi đang hấp hối.

Tôi đặt túi sang một góc quầy thu ngân, chờ bớt khách một chút, rồi hỏi nhỏ:

- Tôi rất tiếc, đó là người nhà phải không ạ?

- Ông tôi. Ông đang nằm trong bệnh viện. Các bác sĩ nói ông chỉ sống được vài ngày nữa.

Tôi kể với anh ấy vài câu về ông tôi. Tôi nói rằng hồi ông tôi còn sống, ông cũng là 1 trong những người mà tôi yêu quý nhất.

- Tôi thực sự rất yêu ông tôi. – Tôi bảo.

- Những ông bà khác của tôi mất cả rồi chỉ còn mỗi ông tôi. Chúng tôi nói chuyện thêm một chút. Tôi nhìn bảng tên của anh, rồi chìa tay ra và nói:

- Clark, tôi rất tiếc. Tôi hữa sẽ nghĩ đến anh và ông của anh với những điều tốt lành nhất.

Chúng tôi bắt tay và tôi đi. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người khác không hỏi gì. Đã bao lần người khác bày tỏ sự buồn bã, bực bội hay thất vọng, và bạn chẵng để tâm, cũng chẳng đáp lại.

Chắc chắn, bạn có thể đang rất vội. Nhưng sẽ không mất của bạn nhiều thời gian lắm đâu. Chắc chắn về cơ bản thì có thể bạn chẵng quan tâm. Nhưng hãy nhớ rằng một ngày nào đó, bạn cũng sẽ cần ai đó quan tâm đến mình.

Bởi khi một người đã đủ thành thật và chờ đợi để nói với bạn rằng hôm nay của họ không ổn lắm, tức là họ đang hy vọng rằng có ai đủ quan tâm để hỏi lại tại sao.

” Có ai đó lắng nghe không?” – Câu hỏi của họ hẳn là như thế.

Và họ hy vọng bạn sẽ đáp lời. Bởi một lúc nào đó khác, chính bạn sẽ là người mong có ai đó đáp lại mình.

Đặng Mỹ Dung (dịch)

Đi theo niềm vui của bạn

JOSEPH CAMPBELL

Có ai đó đã từng nói một câu rất ngộ: “Hãy theo đuổi giấc mơ của bạn – trừ phi bạn có một giấc mơ mà trong đó, bạn chỉ mặc mỗi đồ lót đi làm, giữa một buổi luyện tập cứu hỏa đông nghẹt người…”.

Còn lời khuyên của tác giả Joseph Campbell thì lại là “đi theo niềm vui của bạn”, chứ không phải chờ niềm vui tìm đến với bạn. Và họa sĩ nổi tiếng người Mỹ Anna Mary Robertson Moses (thường được gọi là “Grandma Moses”) đã làm đúng y như thế. Thực tế, bà bắt đầu vẽ ở độ tuổi 76, sau khi bệnh viêm khớp buộc bà phải bỏ nghề chính của mình là thêu thùa. “Nếu tôi không bắt tay vào vẽ, thì hẳn tôi sẽ nuôi gà” – Có lần bà nói vậy.

Và tôi còn nghe kể về một tài xế xe buýt ở Chicago, một người đã theo đuổi niềm vui của mình, để rồi có những kết quả đáng ngạc nhiên. Ông ấy luôn hát khi lái xe. Đúng vậy: lúc nào cũng hát khi lái xe. Và cũng không phải là hát nho nhỏ hay huýt sáo hay ngân nga để một mình mình nghe thấy như hầu hết mọi người thường làm. Mà ông hát thật to, để tất cả mọi người trên cả một chuyến xe buýt có thể nghe được. Suốt cả ngày, ông vừa lái xe vừa hát.

Một lần, kênh truyền hình Chicago tới phỏng vấn ông. Ông nói, nửa đùa nửa thật, rằng thực ra mình không phải là tài xế xe buýt. “Tôi là một ca sĩ chuyên nghiệp đấy chứ” – Ông ấy khẳng định – “Tôi chỉ đi lái xe buýt để ngày nào cũng có một lượng khán giả không thể bỏ về giữa chừng. Ngày nào cũng vậy đấy”.

Vậy là, niềm vui của ông ấy không phải là việc lái xe buýt, dù đó lại có thể là nguồn đem lại sự thích thú đối với một số người. Niềm vui thật sự của ông ấy là ca hát. Còn những người quản lý Công ty Vận tải Chicago thì hoàn toàn hài lòng (và sung sướng) với việc này (họ cũng là những người được hưởng lợi từ niềm vui của bác tài xế đặc biệt). Bởi vì có rất nhiều người bỏ những xe buýt khác chỉ để có thể được đi trên chiếc xe của “bác tài xế hay hát”. Họ thích được nghe ông ấy hát suốt cả chuyến đi. Nó khiến hành trình của họ có không khí vui vẻ và thân thiện.

Bạn có đi theo những niềm vui của mình?

Phải nói rằng, bác tài xế này là người biết rõ mình muốn gì, biết rõ mục đích sống của mình. Đối với ông ấy, ca hát là niềm vui, nhưng ông cũng tin rằng ý nghĩa của cuộc sống là ở chỗ khiến cho mọi người được vui vẻ. Và ông càng hát, thì ông càng giúp cho nhiều người được vui. Ông đã tìm được cách kết hợp mục đích sống với nghề nghiệp của mình, điều mà không phải ai cũng làm được. Bằng cách đi theo niềm vui, ông đang sống cuộc sống mà ông tin là đúng đắn, ý nghĩa nhất.

Bạn có đang đi theo những niềm vui của mình? Nếu có, thì bạn có thể đã khám phá ra rằng bạn đang trải nghiệm một cuộc sống đáng sống nhất. Và thêm nữa, là chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc.

Đặng Mỹ Dung (dịch)

Đừng đá chú chó

Rubel Shelly

Có thể một trong những cách trên sẽ giúp được bạn “xử lý” stress, hoặc có thể bạn có cách riêng của mình. Vấn đề quan trọng về “sự tràn tín hiệu” ở đây không hẳn là để bạn tránh nó, mà để nhắc bạn đừng nên đặt người khác vào vị trí khó khăn như mình phải chịu. Kiềm chế bản thân và tự tìm cách giải tỏa còn dễ hơn nhiều so với việc trút giận lên người khác rồi sau đó tìm cách sửa sai, bù đắp.Sự hài hòa của cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào chính bạn.

Các nhà nghiên cứu đã có “tên khoa học” cho hiện tượng này: Họ gọi đó là “sự tràn tín hiệu”. Còn trong gia đình tôi, chúng tôi chỉ đơn giản gọi đó là “hội chứng đá chú chó”. Đó là vấn đề mà rất nhiều người trong số chúng ta gặp phải, khi để cho những stress trong công việc, học tập, đời sống xã hội làm hỏng những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.

Các cảnh sát, những nhân viên dịch vụ khách hàng, những thầy cô giáo, những người điều khiển không lưu, người bán hàng, học sinh…, nói chung, tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng gặp những chuyện vô cùng khó chịu, hoặc rơi vào trạng thái vô cùng căng thẳng, hoặc trở nên vô cùng ức chế khi bị những người khác – cũng không vui vẻ chút nào – mắng mỏ, khiển trách, chê bai… Tóm lại là chúng ta rơi vào tâm trạng giận dữ, cáu kỉnh. Có thể do rất nhiều nguyên nhân. Bạn mua một sản phẩm nhưng về nó lại không hoạt động như ý muốn. Bạn gọi điện thoại cho cửa hàng thì gặp đúng một nhân viên chẳng biết gì cả. Rồi đủ thứ nữa. Tức giận, tổn thương… rất nhiều cảm xúc tiêu cực có thể nhấn chìm tâm hồn và sự sáng suốt của bạn.

Nhiều năm về trước, tôi có nghe câu chuyện về một anh bạn. Anh này bị sếp phê bình ở công ty và gặp mấy chuyện không vui. Tối hôm đó, khi về nhà, vợ anh ra mở cửa nhưng anh nhăn nhó quay ngay đi và phàn nàn rằng sao lại để cái xe đạp ngoài lối đi, gây khó khăn cho anh ấy lúc lái xe vào nhà. Cô vợ bực mình, nhìn thấy đứa con đang vui vẻ chơi đồ chơi, lại trách móc nó tại sao đi xe đạp xong không biết cất. Thằng bé 5 tuổi đi cất xe đạp, nhưng cũng bực bội vì bị mẹ mắng, nên lúc vào nhà thấy chú chó đang vẫy đuôi liền đá cho nó một cái.

Trong gia đình tôi, mỗi khi có ai đó về nhà mà bực bội, khó chịu, thì không ai bắt phải nói ra ngay lập tức, mà một thành viên trong gia đình sẽ chỉ hỏi: “Liệu chúng ta có cần mua một chú chó không?”. Thế là đủ hiểu.

Hiệu ứng domino từ những cảm xúc “độc hại” là chuyện rất thực tế. Cho nên, những tập đoàn, những công ty nổi tiếng với phương châm đặt khách hàng lên trước luôn đào tạo nhân viên của mình phải biết bình tĩnh lắng nghe, ngay cả khi nhận những lời mắng mỏ cũng không được dùng ngôn ngữ y như thế mà cãi lại. Tuy nhiên, chưa có nhiều công ty thực hiện bước tiếp theo là đào tạo nhân viên của mình rằng họ phải làm gì để tránh “lưu giữ” những “cuộc tấn công bằng lời” đó trong lòng mình. Cho nên rất nhiều người, khi đi làm về đến nhà lại rất bực tức, gây hấn, không thích giao tiếp với gia đình…

Nhưng có một số người có kinh nghiệm thì có thể “tháo ngòi” cho “trái bom” đó dễ dàng hơn những người khác. Họ không giữ những khó chịu đó trong lòng. Họ hít thở sâu. Họ uống trà, đặc biệt là trà thảo mộc. Họ tập thể thao cho đổ mồ hôi để sự căng thẳng cũng vơi bớt. Họ chia sẻ với một người bạn về chuyện đã xảy ra và giải tỏa được một phần stress đơn giản bằng cách nói nó ra. Mỗi người có thể có một cách riêng để tránh trút đống stress đó lên người khác.

Có thể một trong những cách trên sẽ giúp được bạn “xử lý” stress, hoặc có thể bạn có cách riêng của mình. Vấn đề quan trọng về “sự tràn tín hiệu” ở đây không hẳn là để bạn tránh nó, mà để nhắc bạn đừng nên đặt người khác vào vị trí khó khăn như mình phải chịu. Kiềm chế bản thân và tự tìm cách giải tỏa còn dễ hơn nhiều so với việc trút giận lên người khác rồi sau đó tìm cách sửa sai, bù đắp.Sự hài hòa của cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào chính bạn.

Đặng Mỹ Dung  (Dịch)

Gieo trồng hạnh phúc

“Hãy biết ơn những người khiến cho chúng ta hạnh phúc. Họ là những người làm vườn làm cho tâm hồn chúng ta nở hoa”

– Marcel Proust

Sinh nhật năm ngoái, tôi được tặng một cái chậu hoa. Tôi đặt nó ngoài ban-công và rồi… quên nó đi. Đấy là bởi vì nó chỉ đựng đất đầy đến nửa chậu. Chẳng hề có một dấu hiệu sự sống nào. Nên bạn có thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên của tôi khi nhận món quà như vậy. Và tôi cứ để nó ngoài ban-công. Cái chậu trông hết sức cằn cỗi.

Cho đến tận tuần trước, đang rảnh việc, tôi quyết định "cân nhắc" đến cái chậu hoa cũ. Tôi ra cửa hàng và xem các loại cây. Trong khi cố gắng nghĩ xem nên mua loại hoa nào, thì tôi thấy họ có bán cả hạt giống hoa. Cuối cùng, tôi chọn một túi hạt giống, đọc qua hướng dẫn, rồi quyết định "chấp nhận thử thách".

Từ trước đến nay, tôi vốn không phải là người có "tay" trồng trọt. Hoặc là tôi tưới quá nhiều nước, hoặc tưới không đều đặn. Hoặc là tôi để cây ra ngoài trời nắng quá, hoặc thiếu ánh sáng. Tôi biết một số cây thích nhiều nước, một số cây khác lại thích bóng râm… Nhưng tôi chưa bao giờ nhớ được cây nào là thế nào. Nhưng lần này tôi đã quyết định sẽ khiến cho một cái gì đó nảy mầm và phát triển.

Về đến nhà, tôi lập tức gieo hạt giống vào cái chậu cây gần như bị bỏ quên. Trong vòng vài ngày, chẳng có gì xảy ra cả. Nhưng khác các lần trước, lần này, tôi vẫn kiên trì tưới nước.

Đến ngày thứ tư, cuối cùng, tôi cũng nhìn thấy mấy cái mầm xanh nảy lên từ mặt đất. Tôi hứng chí kinh khủng. Mấy cái mầm bé tẹo đã khiến tôi mỉm cười suốt cả ngày. Hoá ra tôi cũng không đến nỗi kém cỏi lắm. Có thể lần này tôi sẽ có một tác phẩm hoàn hảo!

Và lúc đó, tôi nghĩ về việc trồng hoa cũng giống như gieo trồng hạnh phúc. Cuộc sống của chúng ta đôi khi như một cái chậu cây rỗng. Mỗi ngày đều kín mít với những trách nhiệm và những thói quen. Và chúng ta vẫn thấy thiếu cái gì đó, nhưng lại không biết là cái gì, bởi chúng ta không thực sự bắt đầu suy nghĩ về nó.

Giống như thành phần còn thiếu trong cái chậu cây của tôi chính là hạt giống. Còn những thứ chúng ta thiếu trong cuộc sống có thể là hạt giống của hy vọng, tình yêu, niềm tin, sự kiên định…

Khi chúng ta nhận thức được rằng khu vườn cuộc sống sẽ được tạo ra từ chính những gì chúng ta trồng, thì chúng ta sẽ quan tâm hơn đến những gì mình gieo xuống. Tôi hiểu rằng hạt giống cây cải sẽ tạo ra cây cải. Hạt giống hoa cúc sẽ nở ra hoa cúc. Và tương tự, nếu tôi gieo hạt giống của từng niềm vui mỗi ngày, và kiên trì, thì tôi sẽ tìm thấy hạnh phúc trong mọi điều mình làm.

Nếu tôi gieo những ý nghĩ tiêu cực trong trái tim, thì tôi sẽ nhận được chỉ toàn những điều không hài lòng. Bởi cái gì được gieo trồng thì sẽ mọc lên và phát triển. Nếu chúng ta gieo hạt giống của hy vọng, chúng ta có thể chờ những điều kỳ diệu.

Khi chúng ta gieo hạt giống của sự chân thành, thì tình thương yêu sẽ đến.Còn nếu chúng ta gieo những hạt giống của tính kiên trì, thì chẳng gì có thể ngăn chúng ta trở thành những con người thành công.

Trong những ngày tới, tôi nghĩ những cái mầm bé nhỏ sẽ mọc cao lên, rồi tôi sẽ có một chậu hoa rực rỡ. Cái chậu bị bỏ quên rồi sẽ có những bông hoa đẹp đẽ, đơn giản vì tôi gieo trồng cả niềm tin cùng với những hạt giống ban đầu.

Bạn có đang gieo những hạt giống của hạnh phúc trong trái tim của những người bạn yêu thương?

Đặng Mỹ Dung  (Dịch)

Hãy cứ là một người "quét đường"

BOB PERKS

Mỗi buổi hoàng hôn trông đều có thể khác nhau. Mỗi bình minh là một bằng chứng cho thấy bạn được cho thêm một cơ hội nữa. Còn giữa bình minh và hoàng hôn là những khoảnh khắc tuyệt diệu, những khung cảnh tràn đầy cảm hứng mà bạn sẽ nắm bắt được nếu bạn không coi thứ gì là “vụn vặt”, không coi ai là “vai phụ” khi bạn là “vai chính” trong cuộc sống của riêng mình.Hãy cứ làm một “người quét đường”, và bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều điều đẹp đẽ...

Hồi tôi mới dẫn một chương trình radio của riêng mình, một trong các thính giả đã từng gọi điện và bảo tôi là một “người quét đường”.

Thính giả này nói như vậy hoàn toàn không có ý để chê bai hay tỏ ra thiếu tôn trọng tôi. Mà ngược lại, sau khi nghe cô ấy giải thích, thì tôi coi đây là một lời khen đáng giá dành cho những gì mình đã làm.

Vì cô ấy nói tiếp: “Anh đã chậm rãi bước đi trong cuộc sống, như những người quét đường, để tìm ra những điều rất quan trọng nhưng lại bị hầu hết mọi người bỏ qua”.

Tôi có sửa lại lời cô ấy nói một chút, rằng đôi khi những điều quan trọng nhất lại quá hiển nhiên, đến mức chúng trở thành “phông nền” trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta bảo rằng chúng quan trọng, rất được mong chờ, rất được coi trọng, nhưng rồi chúng ta đẩy chúng ra nền.

Cũng giống như khi xem một bộ phim. Hầu hết chúng ta sẽ không chịu nổi một bộ phim chỉ có đúng 2-3 nhân vật chính mà không còn ai khác nữa. Nhưng có mấy ai nhớ tên các diễn viên phụ?

Khi xem phim tôi thường thích lắng nghe các diễn viên chính, nhưng lại quan sát cả những người ở “nền”. Các “vai phụ”, như người ta vẫn gọi. Họ đóng góp vào bộ phim và tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho người xem chẳng kém gì các diễn viên chính.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta coi những con người, những nơi chốn, những khoảnh khắc là hiển nhiên, là đương nhiên có sẵn. Và rồi chúng ta coi đó là các “vai phụ” trong bộ phim cuộc sống của mình.Cho nên, có những “người quét đường”, như tôi sau này thích tự gọi bản thân mình, thích dành nhiều thời gian để tìm kiếm những “vai phụ”.

Cũng giống như show truyền hình “American Pickers”. Hai nhân vật chính quét dọn trong các gác mái và nhà kho để tìm kiếm những thứ mà đối với họ là rất có ý nghĩa, nhưng lại bị chôn vùi trong hàng đống đồ lỉnh kỉnh đổ nát, rồi không được chú ý tới và bị bỏ qua.Đầu mùa Hè năm ngoái, có lần tôi phát hiện ra cảnh hoàng hôn ngay đằng sau nhà mình.

Những tán cây lọc bớt ánh nắng, và chỉ trong vòng vài phút, tôi có cảm tưởng mình có thể nhìn thẳng vào Mặt Trời. Tôi vội vã dùng điện thoại chụp lại bức ảnh đó. Ánh sáng trông như những cánh tay rực rỡ và ấm áp vươn dài ôm lấy Trái Đất, bao trùm lên tôi. Hoàng hôn như thế ngày nào cũng có thể nhìn thấy ở đằng sau nhà tôi, nhưng ngày hôm đó, dường như sau một mùa Đông dài đằng đẵng, tôi chợt thấy nó đẹp đẽ và hoành tráng.

Tôi cứ đứng đó ngắm cảnh hoàng hôn, cho đến khi Mặt Trời lặn hẳn. Tôi cảm thấy nó như một lời nhắc nhở rằng tôi đã được trải qua một ngày nữa, được làm những việc mình yêu thích, và theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, thì điều đó cũng giá trị hơn cả vàng bạc.Bởi vì không ai có thể hứa với bạn là ngày mai bạn lại có thể được nhìn thấy khung cảnh ấy. Ngày mai không hứa trước với ai cả.

Thế nhưng hầu hết mọi người đều quá bận rộn, đến nỗi chẳng ai để ý. Ai cũng có những cuộc hẹn cần tới đúng giờ, những việc phải hoàn thành đúng hạn, những bữa ăn vội vã… Cho nên, có rất nhiều phần trong cuộc sống, như những chú chim ríu rít, những cây xanh giúp không khí trong lành, những con đường quang đãng…, đều “được” mọi người coi là những “vai phụ”.

Trong khi…

Mỗi buổi hoàng hôn trông đều có thể khác nhau. Mỗi bình minh là một bằng chứng cho thấy bạn được cho thêm một cơ hội nữa. Còn giữa bình minh và hoàng hôn là những khoảnh khắc tuyệt diệu, những khung cảnh tràn đầy cảm hứng mà bạn sẽ nắm bắt được nếu bạn không coi thứ gì là “vụn vặt”, không coi ai là “vai phụ” khi bạn là “vai chính” trong cuộc sống của riêng mình.Hãy cứ làm một “người quét đường”, và bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều điều đẹp đẽ.

Đặng Mỹ Dung (Dịch)

Hãy nhớ đến Sara

"Câu chuyện của thầy đã chạm tới trái tim tất cả chúng tôi. Hoặc cũng có thể không phải là câu chuyện, mà là ở thái độ luôn lạc quan và điềm tĩnh của thầy. Có câu nói rằng một người thầy xuất sắc là người khiến cho học sinh học được nhiều hơn là kiến thức trong sách giáo khoa..."

Vào giờ học lúc 8h sáng ngày thứ hai ở đại học Nevada, Las Vegas (UNLV), thầy giáo của chúng tôi bước vào với một nụ cười vui vẻ và hỏi cuối tuần của chúng tôi ra sao. Ngay lập tức, một cậu bạn trong lớp giơ tay và nói rằng cuối tuần của cậu ấy không được tốt lắm. Cậu ấy phải nhổ một cái răng khôn vì nó bị sâu. Sau đó, cậu ấy hỏi thầy giáo rằng tại sao lúc nào trông thầy cũng có vẻ rất vui tươi. Thầy giáo tôi trả lời:

- Mỗi buổi sáng khi em tỉnh dậy, em được lựa chọn là ngày hôm đó em muốn tiếp cận cuộc sống như thế nào. Như tôi, tôi chọn cách vui vẻ. Để tôi lấy một ví dụ cho các em xem.

Và trong khi gần sáu mươi sinh viên chúng tôi ngừng trò chuyện để tròn mắt lắng nghe, thì thầy bắt đầu câu chuyện của mình:

“Tôi không chỉ giảng dạy ở UNLV, mà còn dạy ở một trường đại học cộng đồng tại Henderson, tức là từ nhà tôi, đi 17 dặm theo đường cao tốc thì sẽ tới. Vài tuần trước, tôi lái xe qua chặng đường 17 dặm đó để đến Henderson. Rồi tôi rời khỏi đường cao tốc và rẽ sang lối vào trường. Chỉ còn khoảng một phần tư dặm nữa là tới cổng trường rồi. Nhưng đúng lúc đó thì xe tôi chết máy. Tôi cố khởi động lại, nhưng máy vẫn im re. Lục túi tìm điện thoại di động thì không thấy, hẳn là sáng ra tôi đã bỏ quên ở nhà. Thế là tôi đành bật đèn tín hiệu báo xe hỏng, vớ lấy cặp đựng sách vở, rồi đi bộ nốt quãng đường còn lại tới trường.

“Ngay khi vào trường, tôi gọi cho đội cứu hộ và đề nghị họ cho xe cẩu tới. Họ nói sẽ thực hiện. Cô thư ký ở phòng giáo viên của trường hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra.

“Hôm nay đúng là ngày may mắn của tôi” – Tôi nói với cô ấy và kể lại câu chuyện.

“Xe của anh bị hỏng và điện thoại di động thì quên ở nhà, và anh vẫn gọi hôm nay là ngày may mắn” – Cô thư ký ngạc nhiên – “Anh nói đùa đấy hả?”

“Nghe này, tôi sống cách trường tới mười bảy dặm” – Tôi đáp – “Chiếc xe của tôi có thể bị hỏng ở bất kỳ đâu trên đường cao tốc. Nhưng nó đã không làm thế. Mà nó bị hỏng ở một địa điểm hoàn hảo: sau khi đã thoát khỏi đường cao tốc, và chỉ còn một đoạn ngắn để tôi có thể đi bộ tới trường. Tôi vẫn có thể lên lớp dạy, và tôi cũng đã kịp gọi xe cứu hộ tới đem xe tôi đến ga-ra sửa. Sau giờ dạy, tôi sẽ đến ga-ra, lúc đó có thể xe tôi đã được sửa rồi, và tôi chẳng mất nhiều thì giờ chờ đợi. Nếu chiếc xe của tôi hẳn là phải hỏng vào hôm nay, thì rõ ràng nó không thể hỏng theo cách nào thuận tiện cho tôi hơn được nữa”.

“Cô thư ký tròn mắt, và mỉm cười. Tất nhiên, tôi mỉm cười lại và phóng lên lớp dạy”. Đó là câu chuyện thầy tôi đã kể trong giờ học Kinh tế ở UNLV.

Gần sáu mươi khuôn mặt sinh viên chúng tôi đều chăm chú lắng nghe, không ai tỏ vẻ buồn ngủ. Câu chuyện của thầy đã chạm tới trái tim tất cả chúng tôi. Hoặc cũng có thể không phải là câu chuyện, mà là ở thái độ luôn lạc quan và điềm tĩnh của thầy. Có câu nói rằng một người thầy xuất sắc là người khiến cho học sinh học được nhiều hơn là kiến thức trong sách giáo khoa.

Tôi nghĩ hẳn là đúng như vậy.

Đặng Mỹ Dung (dịch)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx