sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hẹn hò với châu Âu - Chương 02

Chương 2: Athens - Lời thì thầm của những cây ô liu

Như một cuộc hẹn hò, nếu Ai Cập - một đất nước ở châu Phi xa xôi, nằm trên con đường bước vào châu Âu đã khiến tôi tìm về với những cảm xúc đích thực trong trái tim mình thì Hy Lạp là một điểm đến mơ ước của tôi trên con đường ấy. Hy Lạp - một nơi quá lý tưởng để khám phá những nền văn minh cổ đại, để bắt đầu một tình yêu châu Âu chưa bao giờ sứt mẻ trong tôi.

Để đi được Hy Lạp, tôi phải “dành dụm” nhiều hơn vì Hy Lạp là địa điểm du lịch nổi tiếng, là đất nước tương đối thịnh vượng ở châu Âu thời điểm đó. Chính vì vậy, sau khi đọc thông tin và biết số ngày nắng ở Hy Lạp ít nhất là ba trăm ngày trong năm, tôi quyết định đi vào mùa xuân, tránh được mùa hè vốn là mùa du lịch đắt đỏ, lại vẫn tận hưởng được vẻ đẹp đặc trưng của Địa Trung Hải.

Có một cảm xúc trái ngang xuất hiện trong tôi khi đặt chân đến Hy Lạp và cả Cairo trước kia, ấy là đột nhiên tôi “ghét” bảo tàng Louvre của Paris mà tôi đã từng háo hức ghé thăm. Cảm xúc choáng ngợp, xúc động và bay bổng tôi có được khi nhìn những cột đá cẩm thạch, những bức tượng đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp cổ giữa đỉnh đồi Acropolis ngập tràn nắng gió Địa Trung Hải hoàn toàn khác với sự trầm trồ nhưng nuối tiếc và có phần mệt mỏi khi nhìn những tượng đá im lìm trong bộ sưu tập đồ sộ của Louvre.

Ngay từ khi máy bay lượn vòng trên bầu trời Hy Lạp xanh ngắt, xôm xốp mây trắng, tôi bồi hồi nhớ về những câu chuyện thần thoại Hy Lạp đã đọc từ bé, về Achilles, Odyseus, thần Zeus, về tư tưởng của Socrates, Plato, những điều cao xa mà tôi bắt đầu làm quen từ thời phổ thông nay dường như đến thật gần bên tôi. Vừa đặt chân đến sân bay, tôi lại nhớ lời cậu bạn thân người Thái dặn: “Nhớ học lại Toán trước khi đi Hy Lạp”. Đúng là nhìn tứ phía chỗ nào cũng toàn những ký tự “ Έ,λ,η,ν,ε,ς…”, đến cái tên thành phố Athens mà mãi tôi mới suy ra được từ dòng ký hiệu khá loằng ngoằng “Αθήνα”. Ngay từ giờ phút đầu tiên Athens đã hấp dẫn và bí ẩn như thế đấy!

“Live at the Acropolis - Athens”

Có lẽ rất nhiều người mê mẩn những giai điệu trong chương trình hòa nhạc ngoài trời Live at the Acropolis của anh chàng đẹp trai Yanni. Tôi cũng không là ngoại lệ. Tôi biết đến đồi Acropolis huyền thoại của Athens từ đĩa nhạc đó, để rồi khi ngồi giữa những phiến đá còn sót lại từ một nhà hát cổ đại ở Acropolis, tâm trí tôi lại tràn ngập những giai điệu cuốn hút của Yanni.

Giá vào thăm toàn bộ khu di sản không hề rẻ - mười hai euro - nhưng lại miễn phí cho sinh viên các nước thuộc cộng đồng châu Âu EU. Và thế là tôi sung sướng cầm tấm thẻ sinh viên đại học Innsbruck của mình chạy ùa dưới những rặng ô liu đang trổ hoa để để dành một ngày trọn vẹn Live at the Acropolis.

Mới sáng sớm mà trời đã nắng chang chang, tôi có thể đội mũ tránh nắng, nhưng không cách nào trốn được những cơn gió mát lành, thơm nức mùi cây ô liu Địa Trung Hải vi vút thổi khắp bốn bề. Ấn tượng về Địa Trung Hải đầu tiên đối với tôi có lẽ là cây trái. Cây cối ở đây đều xanh tươi khỏe khoắn vươn mình đón nắng còn trái của chúng thì thơm lựng, ngọt ngào. Ngay ở khu khảo cổ trong khu vực Acropolis cũng đầy những cây dâu tằm cổ thụ thân to bằng mấy vòng ôm, sai trĩu trịt quả, rụng đen thẫm dưới chân. Đây là món quà giải khát “miễn phí” cho tôi dưới cái nắng chói chang nơi đất này. Một điều đặc biệt nữa là quanh đây ở đâu cũng thấy những cây lô hội cao vút kiêu hãnh, cây cải dầu vàng ươm nở đầy hoa và lũ chim sẻ chí choách khắp nơi. Những mảnh ghép sống động này khiến những hàng cột đá uy nghiêm đã đứng đây cả mấy ngàn năm dường như vẫn hòa cùng nhịp đập cuộc sống với thế giới hiện đại.

Đọc về lịch sử Athens trước khi đến Athens, tôi không khỏi mông lung trước những biến động của Athens dù nhiều huy hoàng chói lọi suốt mấy nghìn năm nhưng có lúc lại bại trận, chỉ còn là một thành phố nhỏ dưới tay đế chế Ottoma. Nếu như ở các địa danh khác, tôi gần như chỉ cần đọc và ghi nhớ điểm đến trước khi đi, thì với Athens, lúc nào tôi cũng phải kè kè bên mình một cuốn cẩm nang du lịch, bởi nhiều khi đang lang thang vô định trên đường, tôi lại bất ngờ bắt gặp những cột đá cẩm thạch khổng lồ, đổ vỡ rêu phong không tên tuổi. Hình dáng của chúng đủ gợi nhớ đến một công trình hoành tráng xưa kia và chắc chắn chúng là nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử bi tráng đã qua. Phải vừa đi vừa lò dò đọc sách vừa tưởng tượng, tôi mới có thể hình dung ra phần nào nơi mình đang đứng đã từng chứa đựng một nền văn minh phát triển rực rỡ, một trung tâm của nghệ thuật và văn hóa thế giới cổ đại như thế nào.

Không giống như Cairo, nơi mà dấu tích của thành phố cổ đã biến mất nhiều còn kiến trúc hiện đại bị ảnh hưởng nặng nề của thời Pháp thuộc, Athens vẫn còn nguyên kiểu kiến trúc Hy Lạp đặc trưng. Tôi là người ngoại đạo về kiến trúc nhưng đứng bên những cột đá cẩm thạnh trụ tròn, tạc hoa văn ở đỉnh cao vút sừng sững giữa mây trời, tôi nhận ra hình ảnh của những cột đá đồ sộ này trong những tòa nhà ở Vatican, Rome, Paris. Trải qua mấy ngàn năm, hầu như các công trình chỉ còn lại dấu tích của những cột đá trơ gan cùng tuế nguyệt. Những phần còn lại của đền Partheon, Erechtheion với cột trụ là tượng sáu thiếu nữ carytids(*) hay còn được gọi là những cô gái nô lệ xứ Caria được chạm khắc trên đá tinh xảo, đủ cho thấy những công trình này đã từng quy mô đến mức nào. Có lẽ muôn đời nhân loại vẫn không thể giải đáp đầy đủ câu hỏi: “Tại sao từ hàng ngàn năm trước những những cột đá cẩm thạch khổng lồ ấy lại được mài nhẵn thín, chính xác đến từng milimet, xếp chồng lên nhau tới độ cao vài chục mét qua một sự tính toán Toán học tài tình như vậy?!”.

(*) Carytids: Tượng thiếu nữ thay cột trong kiến trúc châu Âu với ý nghĩa: Phụ nữ là trụ cột.

Đi bên những đền đài nhuốm màu gió cát cao sừng sững, tôi như sống trong khung cảnh uy nghiêm của những cuộc tế lễ xưa kia với những trinh nữ Hy Lạp đầu đội vòng nguyệt quế, tay bưng bình nước thanh tân mà đẹp đẽ như lịch sử nghìn năm của dân tộc vĩ đại này. Thỉnh thoảng, những chàng trai Hy Lạp của thời hiện đại đẹp như tượng bất ngờ hiện ra đâu đó ở Acropolis minh họa cho những điều trong tưởng tượng của tôi. Họ cao lớn cân đối, tóc quăn cắt ngắn, mũi cao thẳng, mắt xanh thăm thẳm, gương mặt nhẹ nhàng mà uy nghiêm như giấu hết mọi cảm xúc vào bên trong.

Tôi lang thang đi vòng quanh những phiến đá vuông vức xếp thành những vòng tròn bậc thang đồng tâm, nơi xưa kia là một nhà hát, nhà trình diễn cổ đại. Chỗ ngồi hạng thường là những phiến đá, chỗ ngồi của khách VIP là những chiếc ghế bằng đá chạm trổ cầu kỳ. Tôi chạm tay vào chiếc ghế hạng VIP ở vị trí cao, chợt cảm nhận sự giới hạn của thời gian và không gian vĩnh cửu khi có thể hàng nghìn năm trước đây, biết đâu, một dũng sĩ Hy Lạp cổ đã từng ngồi đây cười hào sảng với những lớp lang kịch nghệ đan chéo và quyến rũ.

Khám phá Acropolis và thành Athens, tôi phải tìm hiểu kĩ sách hướng dẫn hành trình bởi được cảnh báo rằng sẽ rất dễ rơi vào tình trạng rối trí trước hàng loạt công trình có niên đại khác nhau dày đặc trên bản đồ Athens. Nếu Acropolis níu lại những dấu vết của Athens cổ đại thì khắp nơi trong thành Athens vẫn có thể bắt gặp những Roman Forum (Hội quán của người La Mã), Obelisk (Đài kỷ niệm hình tháp), đền đài cột đá thẳng tắp và rất nhiều dấu ấn khác của người La Mã ở Athens. Tôi ghé thăm đền thờ thần Olympia Zeus vào cuối ngày khi nắng đã gần tắt, ánh hoàng hôn đọng lại trên những cột đá đổ nghiêng, xung quanh là dây leo um tùm khiến khung cảnh càng trở nên huyền tích.

Tôi cũng không bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh người anh hùng Cộng sản Che Guevara khắp nơi. Đặc biệt ở khu vực quảng trường Syntagma, những bức tượng công nông “cờ đỏ búa liềm” giữ vị trí quan trọng. Chủ nghĩa Cộng sản giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Hy Lạp sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hy Lạp là đất nước của những vị thần, xứ sở của những người hùng nên họ được tôn thờ và vinh danh bậc nhất ở đây. Tượng đài chiến sỹ vô danh, chính vì thế, trở thành một điểm đến hấp dẫn của Athens. Tượng đài này được canh gác suốt ngày đêm bởi một đội lính gác, có lẽ nói không ngoa là đẹp trai và đặc biệt nhất thế giới với cái tên “lính Evzones”. Evzones đặc biệt vì họ có cách phục trang thật kiểu cách với váy xếp ly, giày sarouchi pom-pom và cục bông nổi đặc trưng. Mùa hè họ vận bộ kaki, mùa đông bộ xanh biển và những dịp đại lễ thì trang phục đặc biệt hơn một chút. Những trang phục này trở nên đẹp hơn rất nhiều bởi người mặc chúng là những chàng lính Evzones mà tiêu chuẩn tuyển chọn tiên quyết: cao trên 1 mét 87. Tôi đến trước giờ đổi gác đúng mười phút và chứng kiến nghi lễ đổi gác trang nghiêm nhưng cũng rất tự nhiên, giản dị và có phần dí dỏm. Mấy em bé sau một hồi quan sát bỗng cười lí lắc rồi cũng bắt chước các chàng Evzones, cao tay gấp chân thực hiện lễ đổi gác giữa quảng trường Syntagma rợp bóng bồ câu. Lúc ấy là sáu giờ chiều. Riêng tôi đã kịp có một kỷ niệm vui với các chàng Evzones, ấy là sau khi tôi chụp ảnh xong liền ngay lập tức đăng trên flickr của mình. Bất ngờ, một trong các chàng Evzones đã liên hệ email với tôi và xin ảnh. Qua cách nói chuyện của anh, tôi hiểu rằng được làm Evzones là một điều rất thiêng liêng và vinh dự. Chàng trai cao 1 mét 92 này là người Athens.

Phố cổ Plaka, Monastiraki: ô liu, gió và ẩm thực Hy Lạp

Vẫn giữ thói quen lang thang từng ngõ ngách khi đi du lịch, tôi không thể bỏ qua khu quảng trường cổ, nơi rất dễ bị lạc vì một loạt hàng quán với cảnh quan giông giống nhau. Mặt hàng phổ biến ở đây là các đặc sản: từ quả ô liu, đồ ăn và mỹ phẩm đến những món quà của biển như: miếng bọt biển vớt từ tự nhiên dùng để tắm, đá kỳ lưng và ốc… Dường như ở Hy Lạp chợ ở đâu cũng có cùng một không khí như thế. Ngoài việc bán rất nhiều đồ đặc sản và sản phẩm thỏa mãn sở thích mua sắm của các cô gái thì chợ ở Monastiraki có một nét vô cùng đặc biệt đối với tôi. Đó là gió Địa Trung Hải.

Những con gió nhỏ từ Địa Trung Hải ùa khắp phố, thổi tung những tà váy quyến rũ. Gió nâng thêm bước chân của các chàng trai Athens phóng khoáng, gió cũng làm cà phê trở nên thơm ngọt đậm đà hơn rất nhiều và gió cũng thổi tới tai tôi lời phán của bà cụ tiên tri quàng khăn xanh đang ngồi xem hậu vận cho hai cô gái trẻ. Dù tôi không hiểu tiếng Hy Lạp nhưng khuôn mặt bí ẩn của bà lão và gương mặt kính cẩn của hai cô gái khiến tôi tin rằng, hình như bà nói đúng.

Tuy nhiên, những ngọn gió mát lành cộng cái nắng chói hanh hanh đặc trưng khiến người ta dễ rơi vào tình trạng buồn ngủ, không biết có phải vì thế không mà hầu hết các chú khuyển tôi gặp trên đường phố Athens ban ngày đều đang ngủ say sưa, ngon lành, mặc những bước châm rầm rập của khách du lịch.

Cái nắng, cái gió hanh hao ấy cũng buộc tôi phải dừng chân rất nhiều lần trước các quán KAφe (chữ “cà phê” viết theo đúng kiểu Hy Lạp) để thưởng thức “frappé” - cà phê đá đánh bọt nổi ngọt mát và salat Hy Lạp, món ăn mà sau chuyến đi này đã trở thành món khoái khẩu của tôi. Tôi thử salat Hy Lạp ở nhiều nơi nhưng không đâu ngon bằng chính xứ sở đã tạo ra món ăn này. Chắc bởi có lẽ chỉ ở đây, miếng pho mát sữa dê Fetta mới béo ngậy đến thế, trái ô liu mới đậm đà đến thế và nắng gió của quán ăn mới tràn trề đến thế.

Sau món salat, tôi lại say sưa thưởng thức “souvlaki” - thịt xiên nướng bán ngoài đường giống như các quán bún chả Việt Nam. Souvlaki gần giống với món Việt có lẽ vì cũng làm từ thịt gà, thịt lợn xiên qua que gỗ nướng trên than. Món này ăn với muối tiêu chanh, một kiểu kết hợp mà lần đầu tiên tôi thấy ở một nước châu Âu. Điều khiến cho hương vị món ăn trở nên rất quyến rũ và dậy mùi có lẽ là gia vị Địa Trung Hải. Nó bao gồm hỗn hợp phơi khô của hương thảo, cỏ xạ hương, kinh giới ô, húng quế và lá nguyệt quế. Tôi bỏ nhúm gia vị trong tay, hít hà mùi hương hoang dại và tinh khiết chắt lọc từ nắng, từ gió, từ sự cần mẫn của người nông dân trên những cánh đồng trồng toàn gia vị, từ sự khéo léo của một nền ẩm thực truyền thống lâu đời.

Thảm thực vật Athens

Tôi còn nhớ rất rõ, khi lang thang trong các cung điện hay nhà thờ lớn châu Âu, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những khoảng vườn rợp bóng cọ, vàng rực những trái cam chín và xanh mướt ô liu. Các vua chúa xưa thường mang chúng về cùng những chiến lợi phẩm như ngầm ý rằng: chúng tôi đã đặt chân tới, đã chinh phục những mảnh đất xa xôi chan hòa nắng gió ấy. Với tôi, những cây ô liu, cây cam, cây dâu và cả những bông hoa dại đùa với gió luôn ẩn hiện trong tôi mỗi khi nhớ về Hy Lạp, về Địa Trung Hải.

Vừa đặt chân xuống Athens, qua cửa kính xe buýt, tôi vẫn thấy những quả đồi, những rặng ô liu vi vút gió, cây lớn cây bé xen kẽ, có cả những cây thân to gộc không biết đã đứng ở đó từ bao giờ. Trước khi đi Hy Lạp một người bạn đã nhờ tôi chụp hình quả ô liu trên cành, nhưng mùa này, ô liu mới chỉ trổ hoa, chỉ có những trái cam trĩu cành hươm vàng hơn vì đọng nắng. Đặc biệt là những rặng dâu chi chít quả đã giúp tôi giải tỏa cơn khát giữa cái nắng khô rất đặc trưng của miền biển Nam Âu.

Đất của nắng, đất của gió nên trái cây cũng đẹp và tràn trề.

Nếm những quả cherry chín mọng, ngọt lừ, tôi không khỏi ngạc nhiên vì rất nhiều trái đôi và nhiều trái hình thù rất kỳ dị trong giỏ quả. Chuyện vãn với mấy người bán hàng thạo tiếng Anh, tôi được biết nguyên nhân cũng là vì... gió. Gió làm quá trình thụ phấn ra trái của cây hơi đảo lộn một chút. Tôi cảm nhận rõ điều này khi say sưa chụp hoa mà không thể lấy nét được vì những bông hoa dại bé nhỏ cứ ngả nghiêng phần phật cùng gió.

Tôi yêu những bông cocolico dại bé xíu mà kiên cường, những bông cúc biển khô nắng và cả những bông hoa mà tôi chưa kịp biết tên len lỏi vươn lên từ những thềm đá cổ. Chúng bé nhỏ, gầy guộc nhưng sao tôi cứ nhớ mãi. Có lẽ vì cái nắng chói chang, những thềm đá cẩm thạch khô trắng và màu xanh dịu dàng đặc trưng của biển trời Địa Trung Hải đã khiến chúng trở nên xinh đẹp bội phần, như một cô gái vừa dịu hiền vừa bản lĩnh, vừa nhỏ bé vừa anh dũng, hiên ngang.

Một tuần tôi ở Athens đúng vào những ngày cuối xuân, hôm nào trời cũng nắng, gió thì thổi ngập tràn khắp nơi và nền trời thì xanh ngăn ngắt. Thảo nào mà cờ Hy Lạp mang hai màu trắng và xanh thẳm như biểu trưng cho trời xanh, biển xanh và cát trắng ở đây.

Chỉ một tuần thôi có lẽ chưa đủ để tôi đi hết những công trình còn sót lại của một thành phố cổ xưa huy hoàng rực rỡ, dù chúng đã đổ nát xê dịch rất nhiều. Cả một hành trình dài suốt mấy ngàn năm vật đổi sao dời đã đi qua Athens nên tôi hiểu rằng những dấu tích còn lại ở đồi Acropolis, ở Athens đã là một kỳ tích, là sự may mắn cho nhân loại. Tuy nhiên, tôi vẫn ước giá như những đền thờ đá cẩm thạch sừng sững ấy không bị phá hủy bởi chiến tranh, giá như những bức tượng tuyệt tác không tản mạn về những bảo tàng khắp nơi trên thế giới mà vẫn còn uy nghi giữa Acropolis, như sự hiện diện của các công thức chứa đầy các ký tự “β,π,α,θ,ψ…” trong khoa học và cuộc sống hiện tại thì tốt biết mấy.

Có một điều, tôi biết chắc mình không cần phải mơ ước đó là: trời Athens vẫn trong xanh như nghìn năm chưa bao giờ quét qua đó vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx