sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hẹn hò với châu Âu - Chương 09

Chương 9: Đôi dòng cho Paris ngày mưa

Paris không phải là một nàng tiên bí ẩn. Có lẽ vì nàng quá nổi tiếng nên có cảm giác vẻ đẹp của Paris đã phơi bày hết trong tranh, trong sách, trong ảnh và trong những câu chuyện mất rồi. Tôi không yêu Paris ngay từ lần đầu tiên đến, bởi hành trình mải miết khám phá những địa danh nổi tiếng của Paris như Place de Bastille, Champs-Élysées, Khải Hoàn Môn, đại lộ Montaigne, đồi Monmatre và sự chật chội của hệ thống metro chằng chịt ở Paris khiến tôi mệt mỏi, như kiểu tiếp nhận quá nhiều thông tin để rồi không biết phải xử lý thế nào. Chưa kể, tôi đến Pháp mà không biết tiếng Pháp hình như là một cái tội. Tôi không gặp được sự chỉ dẫn ân cần hay ít ra sự chào đón nồng nhiệt nào ở đây khi thật thà khai báo mình chỉ biết tiếng Anh và Đức. Paris của lần đầu tiên tôi đến có phần kiêu hãnh và xa lạ.

Tôi chỉ bắt đầu yêu Paris vào lần thứ hai hay thứ ba đến đây, khi được chầm chậm lang thang đi dạo bất định với một người bạn, ngắm vẻ đẹp phớt đời của những quán cà phê, thăm những hiệu sách lâu đời đồ sộ và ngắm đường phố sau màn mưa. Đặc biệt, tôi được truyền tình yêu Paris từ những người bạn đã sống và học tập ở đây mấy năm. Họ đã ở lâu đủ để hiểu Paris như bản chất của một thành phố văn hóa lâu đời chứ không phải một nàng công chúa kiêu kì, đỏng đảnh.

Trong những câu chuyện vãn với bạn mình, tôi chợt nhớ và kể lại câu chuyện cười “rất kiêu kiểu Pháp” mà tôi đã đọc đâu đó trên báo:

Người ta đố nhau: “Có điểm gì giống và khác giữa Paris và một trinh nữ”.

Giống: Đương nhiên là đẹp, là lãng mạn, là tinh khôi, là đỏng đảnh, là nhiều thứ để khám phá.

Khác: Paris mãi mãi là Paris (có cần nói thẳng ra là trinh nữ thì không không nhỉ?).

Đúng, Paris mãi mãi là Paris cho dù không thiếu những biến động lịch sử đã đi qua thành phố này.

Không hiểu sao tôi đi Paris ba lần vào hẳn ba mùa khác nhau vậy mà lần nào cũng mưa. Những cơn mưa gột sạch đường phố, trải một lớp nước óng ánh lên những tòa nhà, những con phố xinh đẹp, những cơn mưa lành lạnh khiến người ta chỉ muốn nép vào nhau. Và tôi chợt nhận ra, Paris đẹp đến nao lòng khi mưa, vẻ đẹp khác hẳn cái hào nhoáng, phú quý thường ngày.

Đương nhiên, tôi không phải là Parisiene để có thể hiểu Paris đến tận chân tơ kẽ tóc, tôi cũng không như các bạn đã “quá rành” về Paris, tôi chỉ là một người khách phương xa đến đây, trót “để quên con tim” khi rời Paris và cũng mang về từ Paris những nhung nhớ cả đời không thể quên được.

Viết về Paris, tôi luôn cảm thấy thiếu và thừa, thiếu những ngôn từ chính xác để biểu lộ hết những điều mình cảm nhận, thừa vì đã có biết bao người đến Paris để rồi sẵn sàng trải lòng mình qua những trang viết, những bài thơ, hay những giai điệu lãng mạn như tôi. Văn hóa Pháp không quá xa lạ với người Việt Nam để mỗi khi nhắc đến những địa danh nổi tiếng ở Paris, ai cũng biết và cũng tìm tới khi đến đây. Tôi cũng đi nhưng là đi vào một ngày mưa. Và rồi khi theo chân những người bạn lang thang qua vài ngõ nhỏ phố nhỏ, tôi đã thấy một Paris khác với sách du lịch giới thiệu, một Paris càng ngắm càng yêu. Tôi chỉ dám nói về Paris những ngày mưa và mượn những bức ảnh để nói hộ lòng mình.

Mưa thường khiến trời buồn, đất buồn và lòng người cũng dâng lên nỗi buồn man mác nhưng mưa ở Paris thì khiến người ta trở nên lãng mạn. Khi cơn mưa về, người ta vào nhà thờ Đức Bà Notre Dame chứ không chỉ đứng ngoài chụp ảnh, và rồi chợt chùng lòng trong tiếng kinh cầu để tưởng tượng lại câu chuyện Nhà thờ Đức Bà Paris với sự bi thương của nàng Esméralda xinh đẹp.

Khi mưa về, từng hàng người xếp hàng để được lên tháp Eiffel. Những hàng ô nhiều màu sắc, xanh đỏ tím vàng. Trời mưa bao nhiêu cũng đợi. Có lẽ vì ai cũng nghĩ rằng nhìn toàn cảnh Paris dưới màn mưa là đẹp nhất.

Khi cơn mưa ào xuống, người ta cũng vội vã, hối hả chạy mưa, xô nhau vào các bến metro, thế nhưng có những người không chạy, họ đứng giữa cầu che ô cho nhau, thật là tình cảm.

Và có mưa hay không thì người ta vẫn cứ đợi nhau như vậy. Nếu làm nền cho dáng người đứng chờ cúi đầu (vì mưa, vì suy nghĩ) là những công viên thơ mộng của Paris như Parc Royal hay vườn Luxembourg, thậm chí chỉ là tòa nhà mái xám đặc trưng của Paris, thì khung cảnh còn trở nên dịu dàng và cảm động hơn nữa.

Mưa rơi ướt tóc, đáng lẽ nắm tay nhau đi dạo thì người ta lại nắm tay nhau trong quán cà phê. Quán cà phê lý tưởng nhất là những quán sát hè đường ở Palace St Michelle. Thế là vừa ngắm nhau vừa ngắm mưa vừa ngắm phố đông người qua lại. Tách cà phê thì nóng nhưng bàn tay tình nhân thì ấm và bánh croissant nóng rất thơm. Nếu quên đi giá cả của cà phê ở đây thì thế là quá đủ nhớ cho một chiều Paris rồi còn gì.

Sau cơn mưa không khí mới thật là đẹp!

Mọi thứ vẫn như trước nhưng trong trẻo lạ thường. Mặt đường đọng những vũng nước mưa nho nhỏ, tuy hơi vướng chân nhưng lại là những chiếc gương tự nhiên in vẻ đẹp của Paris xuống đường phố. Người ta lại nắm tay nhau đi dạo hoặc ngồi nói chuyện bên những chiếc ghế gỗ dọc bờ sông Seine. Sông bình thường không đẹp như trong các bài hát và cũng khá nhiều rác, nhưng cơn mưa đã xóa đi tất cả. Những người bán báo, tạp hóa, đồ lưu niệm lại dọn hàng ra, tuy còn hơi ướt nhưng còn hơn là đóng quầy để đó. Thế là những bức tranh Paris nét vẽ đen trắng, những mảnh gốm in dòng chữ “Paris, Je t’aime” để khách du lịch mua về treo trong nhà cũng điểm xuyết những hạt mưa. Những người chơi đàn lại hòa lên những bản nhạc giữa phố, say đắm và trong trẻo. Những em bé bỏ ô, tháo tung cả ủng và áo mưa xanh đỏ để chạy nhảy, cười lí lắc, chân dẫm lép bép lên những vũng nước còn đọng lại.

Mưa hết rồi nhưng trời còn lạnh, lúc này mà mò lên quận Mười ba ăn phở hoặc lang thang đâu đó kiếm bánh crepe nhân socola ăn nóng thì thật là tuyệt. Đấy là chưa kể những người sang hơn có thể nhâm nhi ly vang và thưởng thức bữa chiều nhẹ với chút pho mát “mốc xanh”.

Trời đã về chiều mà nắng lại lóe lên cuối trời sau cơn mưa làm cảnh vật long lánh như pha lê và để lại những mảng ráng chiều thật đẹp.

Vậy là Paris đã đi hết ngày mưa rồi đấy!

Lần sau tôi đến Paris, trời liệu có mưa nữa không?! Điều này tôi chưa biết, nhưng chắc chắn tôi sẽ đến quán cà phê Les Deux Magots, điểm hẹn mà vì nhiều lý do lần trước tôi đã không ghé qua. Nghe nói ngày xưa, mỗi sáng Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir thường ngồi viết liên tục ở đây hàng giờ, chỉ thỉnh thoảng họ mới ngẩng đầu lên nói chuyện với Ernest Hemingway, một khách ruột khác của quán.

Paris là thế, góc nhỏ nào cũng lịch lãm và mang tính lịch sử như thế, lẽ nào bạn không đến, cho dù là đến vào một ngày mưa.

Chương 9: Kyoto - Những ngày sống chậm

Trong tình yêu bao giờ cũng có những lúc trái tim lạc nhịp. Kyoto là một lần lạc nhịp đáng yêu của tôi. Mang vẻ đẹp dịu dàng của một thiếu phụ phương Đông đã bước vào tuổi đằm thắm nhất, Kyoto kéo tôi trở về bên nàng từ những con đường châu Âu để rồi suốt đời thương nhớ ánh mắt si mê, huyền diệu ấy.

Mọi người vẫn bảo tôi “vô duyên” với các nước châu Á bởi lang thang khắp châu Âu, ghé qua cả châu Phi, châu Mỹ, tôi lại ít có dịp đi thăm những quốc gia hàng xóm.

Nhưng tôi biết mình không vô duyên với Kyoto!

Chỉ hai lần ghé thăm, một vào mùa hè nắng trải vàng như mật khi lá momiji còn xanh ngắt, một vào đầu thu khi lá đã vàng và mưa đã lạnh, tôi như cảm nhận được sự bí ẩn, giản dị, sâu lắng, khoan thai mà kiên định của mảnh đất này. Tôi có duyên với nước Nhật và Kyoto, bởi ở đây, tôi có những kỷ niêm đẹp, những cuộc gặp gỡ định mệnh với những người đã gắn bó với tôi trong nhiều phần của cuộc sống.

Kyoto là một thành phố xinh đẹp với những thắng cảnh nổi tiếng như chùa Vàng, chùa Bạc, lâu đài Nijo, chùa Ryoan-ji, Shugakuin, quận Gi-on... v.v, đủ để bạn đi mải miết vài ngày không hết. Vậy mà không hiểu sao tôi chưa bao giờ vội vàng ở Kyoto. Tôi luôn chầm chậm đi từ nơi này đến nơi kia, không đi hết cũng chẳng sao. Có lẽ bởi phong thái cuộc sống ở Kyoto thanh bình và trầm mặc khiến người ta không muốn vội, chưa kể tôi đi với những người bạn thân mến nhất nên trọng tâm của hành trình không phải là danh thắng mà là những câu chuyện dường như chưa bao giờ có điểm dừng. Kyoto chỉ là “người chứng kiến” mà thôi. Tôi vẫn còn nhớ như in, ở chùa Vàng, tôi đã tâm sự với người thầy của mình về những dự định sau khi du học. Dưới những tán lá momiji vàng thấm đẫm nước mưa, ở ngôi đền với trăm ngàn chiếc cổng gỗ đỏ Fushimi-Inari Taisha, tôi đã ôn lại những kỷ niệm đẹp thời sinh viên. Và bên dòng sông Kamo cùng những khu phố cổ chằng chịt ở Gi-on, tôi đã được sống những giây phút bình yên và ấm áp tình cảm nhất.

Tôi có một may mắn là hai lần đến Kyoto, tôi luôn được sống trong nhà của người Kyoto thật sự mà không ở khách sạn. Như thế cũng đủ để tôi hiểu phần nào cuộc sống đời thường của người dân Kyoto diễn ra như thế nào.

Kyoto mến thương của đời thường

Ở Kyoto, tôi có dịp sống lại thời tuổi trẻ mơ mộng và không kém phần dại khờ. Đi lại trên đường phố Kyoto nhỏ xinh chằng chịt lối đi, tôi đã lạc một số lần, không phải vì không nhớ đường mà vì lúc nào cũng vừa đi vừa nghĩ vừa thảng thốt, để rồi đi quá xa mới chợt nhận ra mình đã lỡ mất rồi. Kyoto đem lại cho bạn một cuộc sống thanh bình và dịu dàng hiếm thấy. Thành phố nhỏ có dòng sông Kamo hiền hòa uốn quanh, thỉnh thoảng mấy con nai lạc đàn xuống suối uống nước, xa xa là những ngọn núi mờ sương. Những ngôi nhà ở đây còn mang đậm kiến trúc xưa, xinh xắn ấm cúng, xen kẽ là những hiệu bánh, hiệu ăn, cửa hàng gia đình, những quán cà phê nho nhỏ. Người ta chỉ kê thêm ghế bên ngoài như để mời khách đến thăm nhà mà thôi.

Được sống ở nhà người bạn thân đã từng gắn bó máu thịt suốt ba năm trời xa xứ, tôi tạm thời không còn là con người với những trách nhiệm và lo lắng bộn bề của công việc và gia đình nữa, mà trở lại thành đứa em bé bỏng của chị như ngày xưa, được chị lo lắng cho từ chỗ ngủ, món ăn và cả những tâm tư giấu kín trong lòng. Chúng tôi không còn nhiều thời gian như xưa mà bị cuốn vào nhịp sống khít khao của Nhật nên chẳng còn những bữa ăn phong phú, những tách cà phê cầu kỳ mà chỉ có những hộp Bento mua sẵn ở siêu thị, những lon cà phê Nhật pha sẵn loang loãng. Chỉ có một điều vẫn ở lại cùng chúng tôi đó là những nụ cười với hàng ngàn câu chuyện. Bạn tôi vẫn như xưa, nhiệt tình nhưng đãng trí, quên quên nhớ nhớ. Tôi cũng vẫn như xưa, mọi việc đều lên kế hoạch và thực hiện chính xác như một cái đồng hồ nhưng khi cần là sẵn sàng cho kim quay ngược thời gian. Điều tôi xót xa nhất là bạn tôi đã phải đến bác sỹ tâm lý vì những căng thẳng trong cuộc sống chỉ có làm việc và làm việc trong guồng quay của nước Nhật. Tôi cũng gặp ở phòng khám hôm ấy rất nhiều người Nhật lặng lẽ một cách ám ảnh, đôi mắt vô định luôn nhìn vào khoảng không xa xa.

Có lẽ, khủng hoảng “thiếu thời gian” đã tạo nên áp lực cho cuộc sống tưởng là chậm nhưng lại rất căng thẳng của họ. Những ngày trải nghiệm cuộc sống của một công chức Nhật sáng đi tối về trên tàu điệm ngầm, tôi nghiệm ra rằng, hầu hết dân Nhật đều tranh thủ ngủ trên bất kể phương tiện công cộng nào, từ tàu, metro tới xe buýt… để tiết kiệm thời gian. Một điều kì lạ mà đến giờ tôi vẫn không giải thích được là họ chẳng bao giờ lỡ bến. Dường như ngay cả cái việc chợp mắt chốc lát của họ cũng được “lập trình” chính xác đến từng phút, đủ để làm sao khi tàu, xe dừng lại thì họ cũng đã có được một giấc quý giá. Tôi vẫn còn nhớ những chuyến xe chật ních mà im phăng phắc, những chuyến tàu điện ngầm lúc mười một giờ đêm đầy những gương mặt lặng như robot sau một ngày vất vả. Cái khoản giữ trật tự trên các phương tiện giao thông công cộng hẳn người Nhật ăn đứt người Việt và cũng hơn hẳn người dân ở các nước châu Âu. Tôi lỡ khá nhiều chuyến tàu điện ngầm ở Nhật, phần vì mải nói chuyện, phần “cố tình” lỡ để lại được đi bộ hoặc đi xe đạp, tận hưởng những thanh bình dịu dàng mà Kyoto đem lại cho tôi.

Tôi sống trong một căn nhà chung cư đặc trưng kiểu Nhật, trong tiêu chuẩn của người Việt Nam thì quả là chật nhưng lại sạch sẽ và tiện dụng tới từng ngóc ngách. Chỗ ngủ mà bạn tôi sắp xếp cho tôi những ngày ở Kyoto khiến tôi nhớ quá căn phòng của mình thời thiếu nữ, đồ đạc gồm rất nhiều thứ nho nhỏ xinh xinh và chật ních nhưng kỷ niệm có thể thấy ở khắp nơi trong nhà. Nhà ở Kyoto rất nhỏ nhưng trong mắt tôi lại gần gũi và ấm cúng đến lạ. Chiều nào đi về, tôi cũng khẽ quan sát những căn nhà mình đạp xe qua và có thể thấy sự hiện diện quấn quýt của mỗi thành viên trong đó. Căn nhà kia có chiếc xe đạp mini của ai mới đi làm về, cạnh đó là ô, là mũ, là túi đi chợ của một người phụ nữ, góc kia là quả bóng đồ chơi của một đứa trẻ trong nhà. Tôi lặng người khi ngắm của sổ của ngôi nhà cuối ngõ, mặc dù chiếc rèm trắng mỏng manh đủ che hết bên trong, nhưng chiếc đèn chụp thả treo trên trần tỏa ánh vàng xuống bàn ăn chiều đã khiến tôi tưởng tượng ra khung cảnh cả nhà rủ rỉ chuyện trò bên bàn ăn. Với tôi, đó là một bức tranh tuyệt đẹp.

Ai cũng nói cuộc sống ở Nhật hối hả và quá nhanh nhưng với tôi, nhanh hay chậm đôi khi là một khái niệm tương đối. Ai lần đầu đến Nhật cũng sốc vì hệ thống tàu nhanh, tàu điện ngầm, việc đi lại vội vã trên đường phố nhưng nếu bình tâm một chút, quan sát một chút, tôi cũng sốc vì cách người công nhân trẻ tuổi tỉ mẩn sơn từng mảng tường bằng cây chổi nhỏ xíu, chậm rãi đến sốt ruột. Trên quãng đường đạp xe thong dong mỗi sáng, tôi mỉm cười khi thấy cứ đúng tám giờ ba mươi sáng hàng ngày, những người đàn ông lại cầm mỗi người một cây chổi, quét sạch sẽ, gọn gàng và kỹ lưỡng khoảng sân nho nhỏ trước cửa văn phòng mình. Tôi cảm động vô cùng trước cách người ta bán thuốc cho tôi, ghi chú rõ ràng tỉ mỉ liều dùng, bọc thuốc trong từng túi giấy nhỏ ngăn nắp và sạch sẽ. Tôi cũng yêu cách người ta chuẩn bị bát ramen (mì Nhật), nâng niu từng sợi mì, miếng thịt, lát hành, để khi đưa đến cho tôi, bát mì không chỉ là thức ăn mà còn là sự trân trọng người chủ dành cho khách hàng của mình. Đêm ấy ở Kyoto, tôi không thể nào ăn hết bát mỳ muộn và cảm thấy rất có lỗi với người bán... Chiếc xe đạp cũng đưa tôi đi từ nơi này nơi kia ở Kyoto, đôi khi xe đạp chỉ là để dắt còn tôi thì đi bộ, nhưng tiếng xe lóc cóc trên mặt đường, tiếng bánh xe rào rạo in vào đêm khiến tôi cảm nhận rõ Kyoto yên tĩnh và dịu dàng biết nhường nào. Những buổi đi chơi, xe đạp cùng tôi rong ruổi, những khi về muộn, xe đạp cùng tôi bon bon qua bờ sông róc rách tiếng nước chảy, để tôi cảm nhận hương cuối hè mát rượi thổi lên từ tận dưới lòng sông.

Tôi nhớ những bữa ăn ở Kyoto, không phải vì tôi vốn thích đồ ăn Nhật mà tôi yêu không khí ấm cúng chân tình của các quán ăn, sự ấm cúng tỏa ra từ người chủ cho đến thực khách. Sushi trong quán ở Shi-jo không quá đặc biệt nhưng quán đông như thế mà chúng tôi vẫn phải rủ rỉ nói chuyện vì xung quanh tĩnh lặng quá. Khi ăn bánh xèo Nhật (Okonomiyaki) ở Shijokawaramachi, tiếng rán bánh xèo xèo còn lớn hơn tiếng mọi người trò chuyện, chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa khi cùng sống và làm việc bên nhau. Rồi có hôm ăn mì soba ở quán nhỏ dưới chân núi ở Monkey Park, người chủ đã yêu mến dành cho tôi gói trà lúa mạch soba do quán tự làm, đơn giản chỉ vì ông từng làm ở trường đại học và quý mến những người yêu thích công việc trong phòng thí nghiệm. Ăn uống ở Kyoto với tôi hình như không chỉ là giải pháp cho cơn đói mà còn là chỗ dựa cho tâm hồn, bởi mỗi bữa ăn là một cuộc hẹn thú vị và ấm áp tình cảm.

Tôi cũng phải lòng thứ trà xanh của Nhật, với một vị đặc trưng riêng, thanh mát và khá dễ uống. Tách trà trên tay tôi trở nên mong manh hơn, vị trà cũng đượm hơn sau khi được tận thấy nghi lễ trà đạo mà cô gái trẻ Nhật Bản thể hiện trước sự hướng dẫn tỉ mỉ, nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm khắc của người phụ nữ đứng tuổi. Trà Nhật nổi tiếng khắp năm châu bốn biển cũng bởi chính sự cầu kỳ, tinh tế và cẩn trọng của đạo trà, của những lá trà được kén chọn kỹ lưỡng như thế.

Tôi là một người rất mê các loại bánh truyền thống của Nhật, đến mức có thể dùng để ăn hàng ngày nếu có điều kiện. Tôi mê không chỉ bởi cái vị ngon mà mê cả cách gói, cách trình bày, cách bài trí quán bánh và mê luôn những người thợ bánh đội chiếc mũ vải xinh xinh. Bánh làm từ bột gạo, khoai lang, đỗ đỏ, đỗ xanh, sang hơn nữa thì là bánh trà mà chỉ ở Kyoto mới có, toàn những nguyên liệu rất mộc mạc và dễ kiếm, nhưng cái tài khéo của người thợ đã làm nên sự tinh tế cho từng chiếc bánh. Mỗi chiếc bánh nhỏ xinh được gói khéo léo trong tấm giấy mỏng tang, lồng vào chiếc hộp sang trọng bày trong những hiệu bánh (thường là những căn nhà gỗ cổ kết đèn lồng đỏ). Hình như, mỗi hiệu bánh đều đã có mặt ở đó từ mấy trăm năm rồi. Thảo nào mà hương bánh cứ thoang thoảng vị đậm đà của quá khứ.

Tôi luôn thích những quán cà phê nên ngay ngày đầu tiên trở lại Kyoto, tôi đã ngắm nghía một quán cà phê bằng gỗ màu nâu trầm, xinh xắn và duyên dáng nép nép bên đường. Chẳng hiểu sao, tôi không thích những quán cà phê lớn tấp nập người qua lại mà chỉ thích những nơi yên tĩnh - những nơi mà chỉ người địa phương mới biết. Ở nơi ấy người ta ngồi uống cà phê với nhau mà không cần nói chuyện vì đã hiểu nhau quá rồi. Cũng vì cái sự hiểu đó mà ngay ngày đầu trở lại, tôi đã đến đây. Cho dù ly cà phê đá kiểu Nhật to như cốc sinh tố không hợp gu tôi lắm nhưng đấy là cảnh đầu tiên của thước phim “trở lại ký ức ở Kyoto” mà tôi vô tình hay cố ý đã trở thành diễn viên chính. Chỉ có điều, kịch bản thú vị của thước phim, dù muốn, tôi cũng không bao giờ biết trước được.

Ngày đầu ở Kyoto

Vốn là người rất thích đi dạo, đặc biệt là ở những khu phố cổ đan xen chằng chịt và có nhiều những quán hàng xinh xắn nhuốm màu truyền thống, tôi háo hức còn hơn đứa trẻ con nhận món quà mơ ước. Đó là khu phố cổ Kyoto-Shijo-dori. Đừng hỏi tôi tên khu phố và cũng đừng hỏi tôi ở đó bán những gì, bởi tôi chỉ mải miết đi trong những ô bàn cờ của lòng phố, mỗi lần thấy một Geisha hay Maiko xuất hiện lại dừng lại chụp ảnh và ngắm nhìn không chớp mắt. Tôi yêu những căn nhà gỗ nho nhỏ vọng ra tiếng đàn hát u uẩn mời gọi, tôi yêu dòng kênh nhỏ chảy mải miết bên những căn nhà dọc sông, treo đèn lồng ấm áp. Từng ô cửa của những quán hàng liên tiếp bên khúc sông như kể cho tôi từng câu chuyện nhỏ của cuộc sống. Ô cửa bên này có hai người lớn tuổi đang ngồi ăn tối, ngồi không gần nhưng nhìn nhau đầy tư lự và dịu dàng, ô cửa bên cạnh lại có một nhóm đang chuyện trò tâm sự rôm rả và thoải mái, còn khung cửa kính của quán hàng màu xanh cốm nằm sát ven sông lại có hai người ngồi, cũng không gần nhau nhưng cái cách họ nhìn nhau cho thấy hình như họ là một đôi tình nhân. Tôi đang quan sát họ và tôi nghĩ rằng họ cũng đang quan sát tôi, cô gái mong manh chẳng khác gì Charlotte trong bộ phim Lost in translation. Chỉ có điều, lần này cô lạc lối ở Kyoto chứ không phải Tokyo. Những cảnh quay của phim không diễn ra ở các quán bar và đường phố vun vút xe cộ của Tokyo mà ở những con đường quanh co của phố cổ Kyoto, nơi người ta có thể dễ dàng trốn từ một đại lộ sầm uất vào một ngõ hẹp nhỏ nhoi toàn nhà gỗ cổ trăm năm, trốn khói thuốc lá và tiếng nhạc rock vỉa hè của đám thanh niên, để những chuyện trò phải nói thật khẽ kẻo cả phố nghe thấy. Khung cảnh đan xen giữa cổ kính và hiện đại, giữa sầm uất và giản dị ở Kyoto khiến tôi cũng lơ mơ như sống giữa hư và thực, giữa quá khứ và hiện tại. Những nỗi niềm riêng mang đến và nhận được từ Kyoto khiến tôi rối bời. Có lúc, tôi muốn mang mọi nỗi niềm ấy thả bằng hết xuống nước để dòng sông Kamogawa cuốn đi, nhưng cuối cùng tôi đã nhặt nó lên bờ sông, hong dưới ánh trăng dù biết rằng hong dưới trăng thì có bao giờ hết ướt. Bờ sông hôm ấy gió lộng và trăng rất sáng, cho dù đó là ánh trăng bạc của nỗi buồn chia xa, trăng của tháng Ngâu.

Kyoto - Chốn bình yên của tâm hồn

Tôi không phải là người đầu tiên nói về Kyoto như là nơi trú ngụ bình yên của tâm hồn. Điều tôi không thể ngờ là mình có duyên với Kyoto đến thế.

Lần đầu đến đây, tôi vội vã chạy shinkasen (tàu cao tốc) từ Tokyo đến Kyoto mà chưa hề đọc một dòng nào về thành phố này. Mục đích tôi đến đây chỉ để gặp người thầy giáo thân thiết và một người bạn của tôi. Chỉ có hai ngày ngắn ngủi mà tôi đã kịp đi chùa Vàng, chùa Bạc, kịp đi tắm onsen (tắm hồ nước nóng) ở một căn nhà nhỏ trong rừng trúc. Với người Nhật thì phải thân lắm mới đi tắm oshen với nhau. Người Nhật cho rằng khi trút bỏ toàn bộ trang phục, khi hòa mình với thiên nhiên đất trời là khi ta cởi mở tâm hồn, tình cảm với nhau nhất. Bể tắm oshen hôm ấy lạ thay chỉ có tôi và bạn tôi, bên trên là trời sao, bên cạnh là rừng trúc âm u, đẫm nước mưa. Hòa mình vào dòng nước khoáng nóng trong bể gỗ thơm thơm, ngẩng đầu lên là trời đêm và cái lạnh buốt đặc trưng vùng núi, tôi cảm giác như gột bỏ tất cả những ưu phiền, những suy tư. Bạn tôi nói tắm oshen những hôm tuyết rơi đẹp lắm và tôi cũng mơ một lần được như thế.

Tôi cùng bạn mình đi nhiều chùa và các công trình cổ ở Kyoto, đi một cánh chậm rãi, thong thả, vừa đi vừa chuyện trò ríu ran, mải miết. Ở Kyoto ra ngõ là gặp chùa. Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng nên ghé thăm, tôi rất thích những ngôi chùa nhỏ xinh bất ngờ hiện ra giữa đoạn đường tấp nập và sầm uất, có cảm giác như cuộc sống với những hối hả, vội vã đã dừng lại phía trước cánh cửa gỗ nơi đây. Mỗi chùa có một vẻ đẹp riêng nhưng đều chung nhau ở nét trầm mặc, cổ kính, giản dị và đầy bí ẩn. Tôi leo lên chùa Kiyomizu-dera giữa cái nắng chang chang cuối hạ, nhưng không khí mát mẻ, trong trẻo vẫn đọng lại trong cốc matcha mát lạnh bên bàn nước nhỏ xinh và những tán trúc, tán momiji lá ken dày. Tôi lang thang giữa hàng chục ngàn cánh cổng gỗ màu cam mà ngàn vạn người Nhật đã cúng tiến để tạo nên đền Fushimi Inari-taisha, lòng chợt dâng lên cảm giác khâm phục ý chí và sự kiên trì của người Nhật vô cùng. Tôi ngước nhìn rừng trúc và “con đường lãng mạn” (Romantic train) ở Arashiyama mà lòng vẩn vơ tự hỏi mình, điểm cuối của chuyến tàu lãng mạn trong hành trình cuộc sống của mỗi con người sẽ là gì, hạnh phúc hay chỉ là ước mơ?

Lạ một điều, tôi luôn không thấy “tĩnh tâm” khi thăm những ngôi chùa và công trình kiến trúc cổ ở Kyoto, tất cả đều khiến tôi suy nghĩ về cuộc sống, về hạnh phúc và số phận con người. Có lẽ, với một người yêu tự do và khao khát được sống tự tại như tôi, chùa Nhật quá lễ giáo, tỉ mỉ, khá gò bó và u uẩn. Từ cánh cổng nặng cho đến lớp mái dày, dù có làm từ loại gỗ ép đặc biệt đi nữa thì đối với tôi vẫn có chút gì đó đè nén. Tiếng đàn u tịch văng vẳng từ phía chái nhà, tiếng bước chân cót két trên sàn gỗ khiến tôi thu mình lại, dù nắng vẫn tràn qua khung cửa len lỏi vào trong dãy hành lang dài.

Đối với những ngôi chùa ở Kyoto, tôi chỉ nhớ nhất những khoảng vườn trong xanh yên tĩnh, hòa sắc đẹp giữa cây xanh, mây trắng, bóng nước im lìm cùng những chú cò mảnh mai, những chú cá lững lờ bơi lội. Mỗi khi đứng trước những khoảng vườn tĩnh mịch, tôi thấy lòng mình dịu xuống, yên ả và vô ưu lạ thường. Cuộc sống dường như nhẹ nhàng và mong manh như chiếc lá khẽ rơi trên mặt hồ tĩnh lặng, như tiếng quẫy nhẹ giữa làn nước của đàn cá vàng.

Tôi coi Kyoto cũng chẳng khác gì khu vườn yên tĩnh của tâm hồn mình vậy.

Ấy thế mà lần nào tôi đến Kyoto cũng ngắn ngủi và vội vã. Nhưng không vì thế mà Kyoto bớt đi sự trìu mến với tôi. Tôi không biết tại sao hai lần tới Kyoto, tôi đều được thậm chí là bắt buộc phải sống cho chính mình, sống đúng tình cảm và con người mình. Dù có lý trí đến mấy, tôi cũng không thể giấu lòng mình với Kyoto. Ngay lần đầu đến Kyoto, tôi đã mang tới những rối bời khó tả và tôi đã có một đêm trắng tâm sự với bạn tôi để rồi khi về, mạnh mẽ hơn trong những quyết định quan trọng của cuộc sống. Lần sau thì không phải một mà rất nhiều những tâm tư trong lòng vốn được chôn kín đã được tôi trải như lông ngỗng trên những chuyến xe buýt ngang dọc, giữa những buổi lang thang trên xe đạp hoặc đi bộ vô định trong khu phố cổ. Kyoto đã giúp tôi có thời gian lắng đọng và suy tư để nhìn lại quá khứ, giúp tôi có sức mạnh để “đạo diễn” tiếp cuốn phim cuộc đời mình mà không đơn thuần chỉ là một diễn viên cô đơn nữa.

Tôi yêu những chiếc là momiji rung rinh trên cành, tưởng như mỏng manh mà đầy kiêu hãnh. Tôi không nỡ ngắt những chiếc lá vẫn còn trên cây, chỉ dám ngồi chờ lá rụng như một lần hưởng thụ cảm giác được thanh tịnh, yên bình. Khi tôi lang thang ở Arashiyama, có cô bé con sơ ý làm rơi cả một cành momiji và tôi đã nhặt lấy mang về. Chỉ tiếc rằng cả chùm lá đã khô héo lúc tôi còn chưa kịp rời Kyoto. Tôi hiểu rằng, lá momiji chỉ thuộc về nơi đó. Lá momiji mỏng manh chỉ có thể xanh tươi sau khi lìa cành nếu nó được gỡ ra nhẹ nhàng, nâng niu, trân trọng và được thổi vào đó một niềm vui sống mới, được cảm nhận sự ấm áp, tin yêu của bàn tay người.

Lá momiji bé bỏng sẽ nằm trong trang sách để luôn bên tôi, nhắc tôi nhớ về khu vườn yên tĩnh Kyoto.

Ở khu vườn ấy, tôi đã yêu say đắm đến tận tâm can mình!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx