sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hẹn hò với châu Âu - Chương 15 - phần 1

Chương 15: Cho bốn mùa nước Áo

Nước Áo với tôi có lẽ không thể coi là một chuyến du lịch, bởi tôi đã sống ở đây ba năm, đã vui buồn cùng nước Áo một khoảng thời gian dài, và cũng gửi lại đây những năm tháng đẹp đẽ của cuộc đời. Hãy để tôi dành một góc riêng cho bốn mùa nước Áo, và dành cho bạn những cảm nhận chi tiết nhất về nơi tôi luôn coi là quê hương thứ hai của mình.

Nước Áo, mùa nào cũng đẹp, cái đẹp nhẹ nhàng nhưng sang trọng, không phô bày rực rỡ mà dịu dàng, kín đáo. Vẻ đẹp ấy, tôi ngấm từ một sáng mùa xuân, hoa giọt tuyết đột ngột chui lên từ đám tuyết lạnh sau vườn, tôi yêu từ những đêm hè lênh đênh trên hồ Bodensee, tôi say mê từ những góc phố mùa thu mơ màng của Wien, và cả từ cú ngã đau điếng khi lần đầu trượt tuyết ở Vorarlberg.

Tôi không biết phải tả sao cho hết vẻ đẹp bốn mùa nước Áo cho đến khi nhìn lại cuốn sách ảnh mà bạn bè thương mến tặng tôi khi chia tay. Cuốn sách đã bộc lộ vẻ đẹp của bốn mùa bằng những hình ảnh đặc trưng nhất của mỗi vùng miền khi mùa về, như cảnh hoa mơ nở ở Wachau mùa xuân, cảnh rừng thu vàng ươm ở Montafon, và mùa đông trắng ở Innsbruck. Tôi mượn “tứ” của cuốn sách đó để vẽ lại bức tranh tứ quý bằng những địa danh nổi bật nhất nước Áo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Mùa xuân: Wachau hoa mộng

Wachau là một trong những nơi đẹp nhất của Áo vào mùa hoa mơ nở búp trắng búp hồng đẹp hơn cả trong mơ, hơn nữa, đến Wachau thực sự là một giấc mộng đẹp cho những đôi lứa đã, đang và sắp yêu nhau.

Không chỉ có mùa xuân hoa mơ nở yêu kiều, Wachau mùa nào cũng đẹp! Là một thành phố nhỏ xinh xắn nằm ở vùng thung lũng Wachau của nước Áo, Wachau mùa hè mát rượi những làn gió thổi lên từ sông Donau (Đa nuýp) xanh thăm thẳm. Wachau mùa thu ngọt ngào những đồi nho chín vàng hươm nắng báo hiệu mùa rượu vang đã đến. Còn Wachau mùa đông tuyết trắng tinh khiết lấp lánh các sườn đồi dọc bên thung lũng. Không nổi tiếng như thủ đô Wien, nhưng đến Áo mà không ghé qua Wachau thì quả là một điều đáng tiếc bởi Wachau không chỉ đẹp mà còn là di sản văn hóa thế giới với hai tu viện cổ kiến trúc độc đáo Melk và Göttweig, với nhà thờ sơn xanh Dürnstein.

Những lời tự tình bên dòng sông Donau

Khi nghĩ về nước Áo và bản nhạc bất hủ Sông Donau xanh (The Blue Danube), có lẽ nhiều người yêu nhạc hay những người lãng mạn sẽ mơ về một ngày được ngồi ngắm dòng Donau xanh hiền hòa trôi, được nghe tiếng piano thánh thót cùng tiếng sóng sông đập nhẹ qua những đám lau sậy giăng kín hai bên bờ. Wachau là địa điểm lý tưởng nhất cho bạn thực hiện giấc mơ này. Dòng sông Donau ở Wachau không bị choán bởi những nhà những phố, những kiến trúc đồ sộ hay những bờ kè chắc chắn như ở Wien. Donau qua Wachau như một quãng trầm trong bản hùng ca, giản dị và trong sáng, phóng khoáng và tự do, nằm lọt giữa thung lũng xanh mướt mắt với những đồi nho trải dài vô tận. Dòng sông dường như không vướng bận điều gì, cứ lang thang du ca khắp nơi, thỉnh thoảng đánh sóng ghé chào những thị trấn xinh đẹp hai bên bờ thung lũng như Melk, Krems, SpitzDürnstein, Weißenkirchen in der Wachau và Emmersdorf an der Donau. Có lẽ từ xa xưa, người dân đã luôn chọn những thung lũng sông làm nơi trú ngụ nên dọc hai bên bờ Wachau là hàng loạt những căn nhà cổ làm bằng đá, gỗ, thậm chí có căn nhà đã ở đây từ thế kỷ thứ sáu. Dòng sông chảy vô tư và lững lờ, vui tươi và trong trẻo chẳng khác gì giai điệu dịu êm trong Sông Donau xanh của Johann Strauss II. “Kẻ phá bĩnh đáng yêu” duy nhất của giai điệu ấy chính là những con tàu hơi nước đồ sộ hay những chiếc thuyền trắng xinh xắn thỉnh thoảng lừng lững chạy qua, đưa du khách từ bờ này tới bến kia của dòng sông. Đây cũng là phương tiện duy nhất đưa bạn đi ngang qua sông bởi Donau chảy qua thung lũng Wachau không hề có một cây cầu nào bắc ngang. Điều này đôi khi là bất tiện, nhưng hình như, đặc trưng đó đem lại cho Donau ở Wachau một vẻ đẹp thuần khiết và nguyên sơ nhất.

Donau trở nên lãng mạn vô cùng ở Wachau, bởi dòng sông nghe được rất nhiều lời tự tình bên sông. Tôi đã bắt gặp nhiều đôi lứa ngồi tâm sự với nhau bên bờ sông, gió thổi qua tóc họ bay phất phơ trong nắng chiều. Tôi đã nhìn thấy có đôi lứa trao cho nhau nụ hôn ngọt ngào bên bờ Tây dòng sông, còn phía bờ Đông, cụ ông nắm tay cụ bà đi dạo, họ mỉm cười với nhau thật tình cảm. Tôi cũng gặp nhiều người như tôi, lang thang một mình, thỉnh thoảng hít hà mùi hương nồng nồng ngọt ngọt tỏa lên từ sông, một thứ mùi đặc trưng chắt chiu của đất của trời, của cây, của cỏ, của dòng nước mát lành trong trẻo.

Donau qua Wachau chảy hiền hòa đến nỗi, dòng sông dường như phẳng lặng, đủ để in bóng tất cả những cảnh đẹp nên thơ hai bên bờ. Này là những căn nhà xinh xắn, kia là những đồi nho bạt ngàn, và đặc biệt nhất, nhà thờ màu xanh dương nổi tiếng Dürnstein. Hồi đó tôi chưa có một cái máy ảnh đẹp để chụp lại cảnh tượng khó quên ấy, nhưng hình ảnh nắng xiên đổ in rõ bóng nhà thờ Dürnstein lên mặt sông cùng tiếng chuông chiều thong thả buông thực sự vẫn còn in rõ trong trí nhớ của tôi. Bờ cát trắng dường như cũng lấp lánh hơn và được nhuộm hồng bởi ánh nắng cuối ngày, nơi cô bé con tóc vàng vẫn nấn ná với dòng sông mà không chịu theo bố mẹ lên bờ.

Những đặc sản của Wachau

Dù tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của lâu đài bằng đá từ xa xưa, tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ khi biết Wachau là thành phố cổ nhất của Áo. Hai thị trấn Kems và Melk của thung lũng Wachau đã hình thành từ giai đoạn đầu của thời kì đồ đá. Tôi còn choáng ngợp hơn nữa khi đi thăm hai tu viện Stift Melk và Göttweig với những phù điêu trang trí, những hiện vật hoàn toàn bằng vàng ròng và hệ thống phòng ốc quy củ mang tính thứ bậc rõ rệt. Gọi là tu viện nhưng đó thực sự là hai công trình kiến trúc cầu kỳ đồ sộ. Cầu thang xoắn ốc ở tu viện Melk là nơi ai cũng muốn dừng lại, không chỉ vì nó quá đẹp với những họa tiết trang trí tinh xảo mà còn bởi sự suy tưởng mà mọi người thường có khi đứng ở cầu thang này. Dường như ai cũng thấy mình bé nhỏ nhưng thật mạnh mẽ trước những vòng xoáy phức tạp vô tận mờ tối, chỉ có chút ánh sáng tỏa ra từ phía cuối cùng. Chỉ tiếc rằng tôi không phải là người ham mê kiến trúc, hơn nữa tôi đôi lúc cũng sợ cái cảm giác xa hoa nhưng chật hẹp, tù túng trong lâu đài cổ nên tôi chỉ thăm tu viện để hiểu thêm về lịch sử Wachau, còn phần lớn thời gian, tôi dành cho sông Donau và những nét văn hóa đời thường nơi đây.

Cuộc sống ở Wachau thực sự hấp dẫn và thú vị, vừa giàu có trù phú lại vừa thôn dã và truyền thống. Tôi đến Wachau vào tháng Mười, tháng của mùa thu và nho cũng đã chín khắp các sườn đồi. Ở làng Weissenkirchen của Wachau, không gì sung sướng và ngọt ngào hơn cái cảm giác được hái tận vườn, chọn tận tay những chùm nho chín mọng thơm lựng với giá rất rẻ, quả còn tươi roi rói, chưa kể người bán còn nói vanh vách loại nào ngọt hơn, loại nào chát hơn, loại nào để làm rượu gì. Với một kẻ uống nước trái cây ngâm cũng đủ say như tôi thì rượu vang là một khái niệm rất xa vời, nhưng tôi không thể chối từ khi chủ nhà đưa ra “sturm”, thứ nước ép nho mới lên men chỉ có ở Wachau mùa ủ rượu. Tôi đến thăm một hầm rượu, hay một trong rất nhiều gia đình nấu rượu vang truyền thống ở đây. Tiếp tôi là ông chủ nhà, người đang khoe những chai rượu vang lâu đời và quý nhất của gia đình. Hai cô con gái mới độ mười tuổi của ông chủ lắc lắc cái chuông leng keng, mời tôi thử từng ly rượu mới lấy ra từ những thùng gỗ sồi xếp đầy trong hầm. Cái mùi ẩm mốc trong hầm không dễ chịu chút nào, nhưng tôi vô cùng háo hức khi biết thứ mốc bám đầy vách hầm ấy là loại nấm, vi khuẩn rất quan trọng để lên men rượu vang. Tôi cũng à lên thú vị khi biết nho trắng làm rượu vang đỏ, nho đỏ làm rượu vang trắng, và có một thứ rượu gọi là “eiswein”, được nấu từ những quả nho “lạnh”, vẫn còn ở trên cây khi mùa đông tuyết trĩu nặng để cho ra một vị nho ngọt sắc, đậm đà. Dù không uống được rượu, tôi cũng vẫn mua về một chai Grüner Veltliners và nhấm nháp cả tháng không hết, đến nỗi phải mang đi nấu bò sốt vang.

Nhà nấu rượu cũng là nhà phục vụ bữa tiệc truyền thống của người Áo và một số nước nói tiếng Đức, chỉ có vào mùa thu mang tên Heurigen. Không phải ai cũng có cơ hội tham gia Heurigen bởi tiệc này nơi chủ nhà mời bạn nếm loại rượu vang mới nhất trong mùa ủ rượu và phục vụ bạn những món nguội cây nhà lá vườn như các loại xúc xích, salami, ớt chuông, dưa chuột ngâm dấm và pho mát cứng ăn với nho tươi mới hái ở vườn. Đặc biệt, thời điểm mở Heurigen chỉ khoảng hai hay ba tuần của mùa thu. Âm nhạc của Heurigen thường chỉ là vài chiếc accordion để người ta nhảy múa khi rượu ngon đã làm người ta yêu đời và hưng phấn hơn nhiều.

Mùa thu là mùa du khách đến Wachau đông nhất để ngắm những sườn đồi trĩu nặng nho chín, để uống rượu vang, tham gia Heurigen và ngắm sắc thu chen màu vàng đỏ lên những rừng cây trong thung lũng Wachau.

Wachau mơ nở trắng rừng

Có một mùa mà Wachau còn đẹp hơn cả cổ tích, đó là mùa hoa mơ nở. Đây là loại mơ trái to, quả vàng, lông tơ mịn, cũng là đặc sản của Wachau. Đến Wachau mùa thu đã khó, đến mùa hoa mơ còn khó hơn nữa, bởi thời tiết mùa xuân vô cũng đỏng đảnh, mưa nhiều, chưa kể mùa hoa mơ cũng “đỏng đảnh”, thời gian nở mỗi năm không hoàn toàn cố định mà phụ thuộc nhiều vào khí đất khí trời năm ấy. Sau này, thành phố Wachau đã đặt hệ thống webcam bên những đồi hoa mơ để du khách có thể quan sát từ xa xem hoa đã nở đẹp chưa để đến Wachau đúng thời điểm.

Khi đã đến đây đúng mùa hoa mơ nở, có lẽ người khô khan nhất cũng sẽ đột nhiên trở nên lãng mạn. Hoa nở bừng khắp thung lũng, xen lẫn hoa trắng là hoa hồng yêu kiều, xinh xắn, thỉnh thoảng vạt gió đưa qua làm đám hoa rung rinh, vài cánh mỏng manh nhè nhẹ bay. Không biết đã bao đôi lứa đến đây để tìm cho mình một mùa hoa mộng, một mùa trong trẻo nên thơ, một mùa dạt dào cảm xúc và ngời ngời sắc xuân, hứa hẹn một mùa trái chín bội thu.

Cứ mỗi lần nghe lại bản Sông Donau xanh dập dìu, lòng tôi lại tràn ngập những hình ảnh của bốn mùa Wachau, lại say như thể vừa uống chút sturm, lại cảm nhận dư vị ngọt ngào se sắt của trái nho còn ở lại trên cây đến mùa tuyết, lại tưởng nghe thánh thót đâu đây tiếng chuông vọng từ nhà thờ sơn xanh Dürnstein.

Wachau mãi sẽ là giấc mộng đẹp về nước Áo trong tôi!

Mùa hè: Lãng đãng Hallstatt

Ví Hallstatt như một bài thơ tình, tôi nghĩ không ngoa chút nào vì có lẽ nếu chỉ vô tình đi cùng nhau đến đây, dạo bước bên hồ, ngắm sương sớm mờ ảo trong không gian tĩnh mịch thì tình yêu sẽ nảy sinh từ những điều khó tin nhất.

Có lẽ tôi chẳng bao giờ quên buổi sáng hôm đó ở Hallstatt, tôi đang vùi mình trong chiếc chăn lông vịt ấm áp giữa căn nhà gỗ cổ thì giật mình tỉnh giấc bởi tiếng vịt kêu quạc quạc. Tôi ngó ra cửa sổ từ căn nhà trên núi và thấy đôi vịt đang đuổi nhau trên hồ, tạo thành hai vệt sóng dài. Chỉ đúng hai con mà náo động cả thành phố xinh xắn còn đang say giấc nồng. Thế mới thấy, Hallstatt yên tĩnh đến mức nào. Tôi tưởng chừng như có thể nghe thấy cả tiếng những hạt sương đang rơi khe khẽ, tiếng những đám mây sớm đang nhẹ nhàng di chuyển về phía cuối đỉnh núi mở ra.

Mảnh đất di sản

Nếu chỉ có phong cảnh đẹp và yên tĩnh, thành phố nhỏ nhắn xinh đẹp nằm lọt giữa vùng núi Salzkammergut của nước Áo này đã không hấp dẫn du khách đến thế. Hallstatt là di sản văn hóa thế giới với một lịch sử rất lâu đời. Dấu vết của cuộc sống con người đã hiện diện ở đây hàng triệu năm trước Công nguyên, từ thời kỳ đồ đá mới. Đây cũng chính là mỏ muối cổ nhất thế giới với bảy nghìn năm lịch sử, nơi người xưa đã biết dùng những chiếc túi lông chồn để mang những tảng muối nhỏ mà họ khai thác được từ mỏ về nhà. Tôi không giỏi địa lý, cũng không phải là người mê khảo cổ, nếu không, tôi đã làm một tour khảo cổ để khám phá những dấu vết để lại của con người nơi đây, từ thời đồ đá, đồ đồng cho đến thời trung cổ, đặc biệt là những gì khai thác được từ nghĩa trang cổ nhất thế giới.

Tôi thích thú hơn với mỏ muối có lẽ vì từ lúc sống ở Áo tôi mới biết rằng đa phần muối dùng ở đây là muối mỏ và muốn mua muối biển bạn phải hỏi riêng. Từ Hall trong tiếng Đức cổ có nghĩa là muối và từ Salz trong tiếng Đức ngày nay cũng là muối, điều này cũng phần nào cho thấy lịch sử của Hallstatt và toàn bộ vùng Salzkammergut luôn gắn liền với muối. Con người hiện diện ở đây vì muối và những cuộc chiến tranh suốt chiều dài lịch sử giữa những người Illyrians, Celts, Norikum và Roman sau này cũng là vì muối - thứ sản vật còn quý hơn vàng trong một câu chuyện cổ. Bảo tàng vẫn còn giữ lại những hiện vật, dụng cụ mà con người dùng để khai thác muối từ thời xa xưa. Tôi cũng đi theo tour khám phá thế giới muối Salzwelt, chui xuống hầm muối cổ trong lòng núi qua những máng trượt bằng gỗ, chèo thuyền trong dòng sông ngầm ở động muối để ngắm nhìn những tảng muối lớn ánh lên màu hồng hồng, xanh xanh lung linh. Không khí trong mỏ muối rất khó thở dù đã có cả một hệ thống thông gió hiện đại. Thế mới biết ngày xưa, người công nhân mỏ đã phải lao động cực nhọc như thế nào để khai thác những tảng vàng trắng vô cùng quan trọng với cuộc sống con người ở khu vực này.

Một địa điểm nữa ở Hallstatt mà những người yếu bóng vía chưa chắc đã dám đến, đó là Beinhaus, căn nhà chứa hơn một nghìn hai trăm chiếc đầu lâu từ xa xưa. Chiếc đầu lâu mới nhất và có lẽ là cuối cùng được đưa vào căn nhà này là từ năm 1995. Vì lý do không có đất để xây nghĩa trang và có thể do một nguyên nhân huyền bí nào đó, những người đã chết sau khi chôn cất mười hay mười lăm năm sẽ cải mộ và giữ lại duy nhất chiếc đầu lâu đem bỏ vào căn nhà này. Những chiếc đầu lâu sẽ được phơi nắng, phơi sương vài tuần cho đến khi ngả màu vàng ngà thì sẽ đem đi sơn vẽ. Chiếc nào cũng vẽ hình thánh giá ở giữa để mong nhận được sự che chở của Chúa, sau đó là hoa văn và tên họ người quá cố. Vốn rất sợ ma nhưng vì tò mò nên tôi vẫn đến Beinhaus. Sau một thoáng rùng mình cảm giác sợ hãi bỗng qua đi, trong tôi chỉ còn những suy ngẫm mông lung. Những người có họ, có tên đang nằm kia là một phần của lịch sử Hallstatt và họ đã chọn cách “trường tồn” như thế này để ở lại mãi với thành phố xinh đẹp của họ.

Thành phố của lễ hội

Xinh đẹp và giàu truyền thống là thế nên Hallstatt cũng là thành phố của các lễ hội như lễ hội về nguồn, hội hoa, những tuần lễ để người thành phố có thể “home-stay” trở về với cuộc sống nông thôn, chưa kể hàng loạt những lễ hội bất thường được tổ chức theo sự kiện hàng năm. Trong tất cả những lễ hội ấy thì lễ hội hoa thủy tiên vào mùa xuân rất được ca tụng, khi hàng ngàn hàng vạn bông thủy tiên vàng kết trên những chiếc xe hoa, thuyền hoa thong dong khắp phố.

Tôi thích những lễ hội ở châu Âu khi người dân là chủ thể của lễ hội chứ không chỉ là khán giả. Tôi chưa được tham dự lễ hội hoa nhưng có may mắn được tham gia lễ hội diễu hành bằng thuyền mang tên Fronleichnam (Colourful Corpus Christi), một lễ hội lâu đời có từ năm 1628, thường tổ chức đầu mùa hè tháng Sáu. Khi ấy, thuyền về tấp nập, các gia đình hoặc hội các quý ông, quý bà ngự trên một chiếc thuyền. Thuyền trang trí bằng cành lá sồi cón các vòng hoa thì kết từ cây linh sam. Đàn ông, đàn bà, trẻ con đều vận trang phục truyền thống, nam thì áo trắng với mũ và quần da xanh lá cây thêu hoa, nữ thì váy ren màu bồng bềnh. Người dân giải thích cho tôi rằng đây là một nghi lễ tôn giáo thể hiện lòng kính Chúa. Tương truyền rằng cũng chính nơi đây xưa kia hàng năm những người làm muối và cư dân vùng hồ này tụ về trên mặt hồ Hallstatt chia sẻ niềm tin với Chúa, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống nơi miền hồ núi nên thơ. Tôi để ý một cậu bé mặc quần xanh, tóc vàng quăn quăn ngồi bên mép nước, đếm từng chiếc thuyền đi qua. Rồi chẳng biết đếm được bao nhiêu mà cậu đứng dậy nói to: “Để năm sau đếm tiếp”. Trẻ con nơi đây cũng đã hiểu được rằng lễ tuần hành bằng thuyền Fronleichnam đều diễn ra hàng năm, còn khách du lịch thì luôn biết rằng năm nào mình cũng được dịp gặp lại những đoàn thuyền xanh, hòa với màu xanh của điệp trùng núi non khi hè về.

Lãng đãng Hallstatt

Không hiểu do nhiều hồ nằm giữa lòng núi, do những kiến tạo địa chất đặc biệt hay do “muối” mà Hallstatt như một cô gái duyên dáng mặn mà, lúc nào cũng có cái vẻ lãng đãng rất đáng yêu.

Sáng sớm, cả thành phố lặng như tờ, sương dần tan hết, mây dần bay lên và khói từ những ống khói của căn bếp nơi mà những người mẹ đang chuẩn bị bữa sáng cứ dần lan tỏa thơm phức. Cảnh vật buổi sáng mờ mờ ảo ảo và tĩnh lặng đến nao lòng, chỉ hai con vịt đùa nhau trên hồ mà tao tác cả thành phố. Bọn thiên nga thì vẫn còn ngái ngủ nên cứ dập dềnh bên cầu cảng. Những căn nhà gỗ nép mình bên sườn núi dốc còn đẫm sương đêm, nhiều căn nhà có lẽ đã nằm đây cả trăm năm. Con gà trống trên nóc nhà thờ cứ quay đều theo hướng gió, phát ra tiếng kẽo kẹt khe khẽ. Lạ là tôi thấy một cây hoa đào, đúng là hoa đào chứ không phải hoa gì khác, nép mình bên căn nhà ven hồ làm tôi nhớ nhiều đến Hà Nội những ngày Tết.

Trưa về, thành phố náo động hơn một chút vì người dân và khách du lịch bắt đầu xuống phố. Dường như gió cũng theo đó mà về nhiều hơn nên trời khá lạnh. Mọi người đi mua sắm, ngắm cảnh, có khi chỉ lang thang đi chơi quanh những ngõ phố nhỏ, nơi nhiều gia đình còn giữ những nghề truyền thống như khắc gỗ, làm rìu, đan lưới, thậm chí là cả điêu khắc trên những tảng muối. Tôi ngồi xuống cạnh căn xưởng nhỏ bé của một bác thợ đang sơn hoa văn lên những chiếc ghế gỗ thật xinh xắn. Bác cũng “lãng đãng” như Hallstatt, vừa làm vừa ngậm tẩu nhìn xa xăm, chỉ nheo mắt cười chứ không nói chuyện với đám khách du lịch trẻ tuổi đang ríu rít vây quanh.

Hoàng hôn buông xuống, mây và sương ở đâu lại ùn kéo về, không trắng tinh khôi như buổi sáng mà đượm màu hồng đỏ ấm áp, chỉ một loáng đã lại phủ kín thành phố làm dòng người đi chơi tối trở nên mờ ảo trong sương. Cái lạnh và cái đói khiến tôi sà vào quán để thưởng thức món súp barlauch, thứ rau chỉ mọc vào mùa xuân, hơi có mùi tỏi mà thỉnh thoảng tôi vẫn thường bắt gặp trong rừng. Bát súp chưa nguội mà nhìn ra ngoài, tôi đã thấy cửa sổ mờ mịt, sương đêm đã buông xuống tự bao giờ.

Vây là một ngày nữa sắp trôi qua, Hallsatt chìm vào đêm tĩnh lặng để sớm mai trở dậy trong trẻo tinh khôi. Ngày rời Hallstatt, tôi cứ nghĩ sẽ được đón một bình minh lãng đãng sương như trước, ai ngờ sáng ra Hallstatt mờ đi vì màn mưa và sương mù giăng kín. Tôi như lạc vào một xứ sở khác. Tôi chợt tưởng tượng nếu hiện lên dưới một đêm trăng nhuốm vàng thì Hallstatt còn lung linh, huyền ảo đến chừng nào.

Thôi thì bốn mùa ở lại. Hãy cứ để Hallstatt tự viết nên những bài thơ tình trong sương của mình!

Mùa thu: Wien - Câu chuyện bên những tách cà phê

Vì những cái hẹn công việc và bạn bè, lần nào tôi đến Wien cũng vào mùa thu và lần nào thời gian tôi dành cho Wien nhiều nhất cũng là ở những quán cà phê.

Tôi được người bạn thân của tôi kể về Wien nhiều lắm và tôi nhớ nhất trang sách về Wien mà anh đưa cho tôi khi lần đầu tới đây với lời tựa “Küss die Hand, Gra Frau” hay “A kiss on the hand, honourable lady. I”m at your service - with a heartfelt greeting, by the grace of God, to Vienna (Thưa quý bà, nụ hôn trên tay quý bà thể hiện tấm lòng nhiệt tình của tôi với sự hàm ơn của Chúa, chào đón quý bà tới Vienna).

Phải chăng, đó là một đặc trưng của Viên (hay chính xác là Wien), lịch lãm, hào hoa, kiểu cách và thể hiện tấm lòng nhiệt thành một cách đầy ẩn ý. Là thủ đô của đế chế Áo - Phổ và là cửa ngõ nối Tây Âu với Đông Âu, Wien mang trong mình một nền văn hóa đa dạng nhưng đã được Wien hóa không lẫn đi đâu được. Dòng họ Hapsburg mà nổi tiếng nhất là nữ hoàng Maria Theresa đã biến Wien thành một nơi sang trọng, quý tộc mà vẫn thanh bình, gần gũi với thiên nhiên như đặc trưng của tính cách Áo. Điệu Waltz thành Wien đã trở thành một biểu tượng bất hủ. Cho đến bây giờ, New Year Concert (hoà nhạc truyền thống năm mới) vẫn được trình diễn ở Wien đêm 31 tháng 12 hàng năm, và sau đó là khắp nơi trên nước Áo, mùa Carnival diễn ra sôi động cùng nhạc Mozart, Strauss dìu dặt khắp nơi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx