sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hẹn hò với châu Âu - Chương 15 - phần 2 (Hết)

Wien - Kiến trúc và nghệ thuật

Viết về Wien ư, bao cuốn tàng kinh trong thư viện cũng chưa đủ để nói hết về cung điện hoàng gia Schönbrunn, về cung điện Belvedre với bức họa Nụ hôn nổi tiếng của Gustav Klimt, về nhà thờ thánh Stephan, về hàng loạt các bảo tàng nghệ thuật đặc sắc, về dòng Donau (Danube) xanh lững lờ trôi và về câu chuyện tình lãng mạn của hoàng hậu Sissi...

Wien có lẽ là địa điểm cần và phải đến với những người yêu nghệ thuật và cả những ai muốn tìm cho mình chút bình yên, những ai muốn lạc bước trở về với châu Âu cổ kính và thơ mộng xa xưa. Là thủ đô của nước Áo trung lập với mức sống cao nhất nhì châu Âu, Wien tuy hiện đại mà không hề có vẻ xô bồ ồn ã, bến tàu điện ngầm dẫu có đông vẫn trật tự và nền nếp, trôi đều đặn, hiền hòa như dòng Danube ngoài kia. Kiến trúc của Wien không phải là thứ khiến bạn ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên như ở Paris hay Rome, nhưng cứ từ từ nhé, bạn sẽ thấy nét hài hòa với thiên nhiên và với cả con người của kiến trúc nơi đây.

Gần như lần nào qua Wien tôi cũng đến Schönbrunn, nhưng nhớ nhất là lần đến vào năm 2005 khi tôi còn bỡ ngỡ với mùa thu vàng nước Áo, khi Schönbrunn hiện lên trong trẻo và dịu dàng với tôi vào một sáng sớm tinh mơ. Thành phố lúc ấy tĩnh lặng lạ thường, hoa còn đẫm sương đêm và những hạt nước li ti từ hệ thống tưới hoa tung lên trời, tạo cho Schönbrunn vẻ huyền ảo và tinh khôi đến kỳ lạ. Nhiều người nói Schönbrunn giống cung điện Versailles họa lệ của Paris, nhưng với tôi Schönbrunn rất Áo, đặc biệt khi bạn ngồi cà phê và ngắm toàn cảnh cung điện từ tòa nhà Gloriette trên đồi. Xung quanh Schönbrunn là hệ thống vườn tự nhiên và cả vườn thú nên cái cảm giác xa hoa của nội thất rococo trong mỗi khán phòng dường như “được” lấn át bởi những chú sóc con tinh nghịch chuyền cành, bởi tiếng quạc quạc nhẹ thênh giữa không trung của chú vịt trời bé nhỏ. Cái sang trọng của Wien hình như luôn gắn liền với sự giản dị đến tinh tế.

Bảo tàng của hoàng hậu Sissi (Elisabeth) cũng là điểm đến thú vị, khi bạn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập trang sức của Sissi - công nương xinh đẹp xứ Bavaria nổi tiếng - người đã trở thành hoàng hậu Áo – Hung qua một câu chuyện tình đẹp hơn cả cổ tích. Hình ảnh hoàng hậu Sissi gắn liền với hoa edelweiss - noble white hay hoa nhung tuyết - loài hoa bé bỏng cao quý như chính cái tên của nó. Hoa chỉ mọc trên những rặng núi cao cỡ trên một nghìn năm trăm mét của dãy Alps hùng vĩ, lọc những tinh khiết của gió, nắng và cả mùa tuyết năm trước để nở ra những cánh trắng mịn như nhung. Là biểu tượng của nước Áo và dãy Alps, bạn có thể tìm thấy hình hoa edelweiss trên mái tóc của hoàng hậu Sissi, trên chiếc khăn quàng cổ của các cô gái, trên tà áo xanh lục truyền thống của đàn ông Áo và thậm chí được khắc trên cả đồng hai eurocent của Áo. Hoa edelweiss khá hiếm, chỉ mọc vào tháng Bảy và tháng Tám trên núi cao nên nếu người nào gặp hoa là người đó gặp may mắn. Chưa kể trong các câu chuyện xưa, hoa nhung tuyết còn là biểu tượng tình yêu khi các chàng trai phải vượt những chặng đường núi xa và cheo leo để hái tặng người yêu bông hoa nhỏ bé dịu dàng mà kiên cường làm vật đính ước tình yêu.

Wien - Giai điệu bình yên và lãng mạn

Lần nào tôi đi Wien cũng vội vàng với hàng loạt công việc phải làm nhưng không lần nào Wien lấy đi của tôi sự tĩnh tại, yên ả và thậm chí, như bạn bè vẫn đùa, cái “tật” lãng mạn của tôi còn được Wien bổ sung thêm. Sự bình yên của Wien nói riêng và Áo nói chung không phải là thứ mà bạn yêu ngay được, thậm chí tôi còn nhớ cảm giác ngơ ngác và hụt hẫng khi mới tới Áo học, khi không biết mọi người đi đâu, làm gì mà tất cả đều yên tĩnh, nhẹ nhàng đến thế. Khi ngấm rồi tôi mới hiểu, nước Áo để cho bạn những khoảng lặng cần thiết để nhìn và suy nghĩ, để yêu mến trên nền tảng một sự hiểu biết nhất định. Điều này cũng phần nào giống như phong cách người Áo, không quá vồn vã nhiệt tình ngay lúc đầu gặp mặt nếu không muốn nói là hơi lành lạnh, nhưng khi quen rồi, nói chuyện rồi thì nhẹ nhàng, tình cảm và chân tình lắm.

Dù mệt đến mấy, bạn cũng có thể dịu lòng trước dòng Danube nhẹ trôi, trước những giai điệu ngọt ngào cất lên từ chiếc arcodeon hay violon của những người chơi đàn dạo. Là thủ đô âm nhạc cổ điển của cả châu Âu nên đương nhiên du khách sẽ được mời xem hòa nhạc trong những khán phòng sang trọng. Các “Mozart mới” trong trang phục áo đuôi tôm quý phái sẽ đến “kiss your hand” rồi đưa cho bạn những tờ rơi đầy đủ thông tin của các chương trình hòa nhạc. Thường thì họ đội lọn tóc bạch kim giả nghiêng mình chào bạn, nhưng đôi lúc họ vẫn quyến rũ với mái tóc ngắn và điếu thuốc cầm trễ nải trên tay.

Tôi cùng các bạn đã nhiều lần được đi xem chương trình Zauber der Musik (Âm nhạc quyến rũ) tại các nhà hát của Áo, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn rất thích cảm giác được nghe nhạc trên đường phố hơn. Hình như không gian ấy, khung cảnh ấy, con người ấy đã là khuông của những nốt nhạc kỳ diệu hàng trăm năm qua. Tôi nhớ một chiều thu, sau ngày làm việc mệt mỏi, ngồi bệt trước Stephan Dom nhấm nháp hạt dẻ nướng chờ một người bạn và chợt ngỡ ngàng khi giai điệu Serenade, rồi Eine Kleine Nachtmusik của Mozart réo rắt vang lên từ chiếc violon sờn của người nhạc công đường phố. Tiếng violon da diết, say đắm đến mức bạn tôi đã đến ngồi cạnh rất lâu mà tôi vẫn không hay.

Đi giữa lòng khu Altstadt Wien (phố cổ Wien), tôi luôn cảm tường như mình đang xem một bộ phim cổ đầu thế kỷ hai mươi. Ngay cạnh nhà thờ Stephan Dom, những cỗ song mã cho những đôi tình nhân lãng mạn luôn chờ sẵn, trên xe để những tấm chăn dạ kẻ xanh kẻ đỏ ấm áp. Đội tuấn mã cũng thường trực bên cung Hofburg với các bác xà ích. Họ thường ngậm tẩu tào lao chuyện trò đợi khách và khi khách lên xe, những câu chuyện thành Wien, chuyện cà phê và cả chuyện về những quốc gia họ chưa từng tới nhưng được nghe qua các vị khách khác cũng sẽ đến tai bạn.

Wien bình yên và lãng mạn ngay cả ở khu nghĩa trang thành phố, nơi yên nghỉ của nhiều vĩ nhân và cả những người dân. Nhiều du khách đến đây để thăm Mozart, Beethoven, Strauss cha và con, Schubert. Hoa trồng khắp nơi, những lối đi thẳng tắp, những khu mộ tựa những ngôi nhà nhỏ xinh khiến bạn cảm tưởng như họ chỉ đi vắng đâu đó và để khách đến chờ ngoài cửa một lúc. Nhà nghỉ ngàn thu của Mozart, trái với tưởng tượng, rất nhỏ bé và giản dị. Cây đàn trước cửa ngôi nhà nhỏ bé ấy hình như vẫn chưa bao giờ ngừng vang lên những giai điệu chất chứa nỗi niềm.

Wien lãng mạn còn bởi Wien rất gần với thiên nhiên. Chịu khó đi xe điện, buýt hay thả bộ một chút, bạn có thể đặt chân lên các “dorf” hay làng trên những ngọn đồi còn giữ nguyên những cây thông, cây sồi, cây đoan... Mùa thu đi dạo, thỉnh thoảng bọn nhím và sóc thậm chí cả nai chạy vọt qua. Và mùa xuân, đến cả những loài cây giản dị như bärlauch (cây tỏi rừng) cũng dâng lên trên thảm cỏ những vạt hoa bồng bềnh, trắng như mây gió.

Wiener Kaffeehaus - Quán cà phê của Wien

Danh từ Wiener Kaffeehaus đã nổi tiếng đến mức trở thành thương hiệu “quán và phong cách cà phê Wien”. Thì cũng bằng ấy thứ thôi, cũng cà phê sữa, capuccino, chocolate nóng (schoki) nhưng đến Wien đã biến thành một nghệ thuật, đơn cử như cách vắt cái thìa chạm trổ cầu kỳ hững hờ qua chiếc ly uống nước và tất cả đặt trong một cái đĩa bạc. Tờ báo ngày cũng được kẹp gọn gàng trong một chiếc kẹp gỗ xinh xắn, treo lên giá hoặc trao tay cho bạn. Đấy là cho buổi sáng, còn nếu ghé Wiener Kaffeehaus buổi trưa hoặc tối đừng quên thử các món ăn đặc trưng của mỗi vùng miền Áo như Burgenland, Salzburg, Vienna, Tirol, Vorarlberg… Là nơi giao thoa văn hóa của các cường quốc từ xa xưa, ẩm thực Áo mang dấu ấn của gulasch (ragu) Hungary, của món nướng Đông Âu, của pho mát nóng chảy dậy mùi gần giống với pho mát Thụy Sỹ và món mang thương hiệu Wien là Wiener Schnitzel, thịt lợn pha mỏng bọc vụn bánh mỳ rán giòn tan ăn với mứt dâu.

Quán cà phê nổi tiếng ở Wien thì nhiều lắm, như Frauenhuber, quán ưa thích của Mozart hay quán Sacher, nơi bạn có thể thưởng thức những loại bánh ngọt trứ danh của Wien. Tôi đặc biệt yêu thích Hawelka tọa lạc tại số 6 Dorotheergasse. Hawelka nổi tiếng vì là điểm hẹn của các nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ thành Wien và đã xuất hiện trong bài hát Jö, schau của Georg Danzer năm 1976 với giọng thổ ngữ Đức đặc trưng. Người ca sĩ hát lên rằng: “Neilich sitz I umma hoiba zwa im Hawelka, bei a paar wuchteln und bei an bier” (Hôm nay tôi ngồi ở Hawelka, gọi một cặp xúc xích và cốc bia). Hawelka thân thuộc với tôi vì lần nào đến Wien tôi cũng ngồi đó cùng anh Christian, người bạn Áo thân nhất. Và rồi hai anh em có thể trò chuyện rất lâu vì Hawelka làm bạn quên cảm giác về thời gian, dường như mọi thứ đã ở đó từ lâu lắm rồi và chẳng có gì thay đổi. Quán cũ và chật, tranh hơi sờn, cây piano cũng cũ, tường bàng bạc, cà phê thì thường chỉ có Kleine Braun (kiểu như cà phê nâu Hà Nội) nhưng nó đậm chất Wien lắm và những anh bồi thì vẫn hào hoa kiểu cách nhưng giao tiếp với bạn như thể đã biết bạn từ hồi nhỏ, bàn ghế thì kê san sát và hoa thì cắm vội như kiểu vừa ngắt tạm ngoài vườn, vậy mà ấm cúng. Ngồi đó nhấm nháp Apfelstrudel (bánh táo “quốc hồn” của Áo) hay Sachertorte (bánh chocolate) thì thật ngọt ngào. Nhưng có lẽ ngọt ngào nhất khi trời bắt đầu lành lạnh, nắm chặt tay người bạn trước giờ tạm biệt để cảm nhận sự ấm áp từ trái tim mình.

Chuyện bên những tách cà phê Wien thì còn nhiều lắm, chẳng biết đâu là đầu, đâu là kết thúc, chẳng biết làm sao để tả hết. Thôi thì đến Wien đi nhé, để còn hàn huyên cà phê phố cổ, để nghe tiếng thời gian thở qua từng góc phố, để thấm chút nhạc chiều và còn để… yêu nhau nữa.

Mùa đông: Innsbruck, niềm kiêu hãnh Alps

Innsbruck không phải là một địa danh nổi tiếng của nước Áo như Wien hay Salzburg, thậm chí khi đọc thông tin về Innsbruck, nhiều người con e ngại ghé thăm bởi giữa mùa hè mà nhiệt độ cũng chỉ nhích lên được hai mươi lăm độ C, mùa đông thì xuống dưới hai mươi độ không phải là hiếm. Nhưng đối với dân mê thể thao mùa đông thì Innsbruck là thiên đường với những bãi trượt tuyết có lớp tuyết dày trắng tinh, sườn dốc cao và thoải, hệ thống cáp treo và dịch vụ tốt, đưa khách du lịch tới những đỉnh núi cao tưởng như chạm vào nền trời.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đáp máy bay xuống Innsbruck để nhập học. Chuyến bay của hãng Tyrolean với cái máy bay nhỏ xíu chứa khoảng mười hai người cứ bay là là khắp các đỉnh núi cao vút của dãy Alps trắng xóa tuyết mù dù lúc ấy mới là tháng Mười. Cảm giác máy bay bay xuyên qua núi làm tôi không khỏi e ngại. Chưa kể lúc ấy, một cư dân sinh ra và lớn lên ở đồng bằng nhiệt đới như tôi chưa hề biết yêu “văn hóa núi Alps”, thứ văn hóa mà sau vài năm học ở Innsbruck, tôi mới bắt đầu ngấm và yêu đến tận máu thịt mình.

Thành phố của văn hóa Alps

Tôi còn nhớ một lần dẫn một người bạn đi vòng quanh Innsbruck khi bạn ghé thăm, bạn tôi đưa cho tôi cuốn sách du lịch có tên: Lonely Planet với ánh mắt vô cùng tò mò như thể không hiểu sao người ta lại “dám” viết thế này: Ở Innsbruck, những ngọn núi thì cao vời vợi, những thung lũng thì sâu hun hút nhưng suy nghĩ của con người thì cũ kỹ và hạn hẹp (narrow). Tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên và có lẽ người Innsbruck cũng coi đó là bình thường, bởi chính một người dân địa phương ở Innsbruck đã nói với tôi rằng: “Khi nhận được nụ hôn của cô gái trên vùng núi Alps thì cô gái dưới thung lũng đã sinh cho mình vài ba đứa con rồi”. Người Innsbruck kiêu hãnh và kỹ tính, đó là một nét đặt trưng mà họ tự hào. Cái kiêu này bắt nguồn từ lịch sử, bởi trong điều kiện vùng núi lạnh lẽo, khắc nghiệt như vậy, tồn tại và phát triển để xây dựng nên một thành phố Innsbruck hùng mạnh về mọi mặt, thủ phủ của bang Tyrol không phải là chuyện đơn giản. Ngay đến tận ngày nay giao thông đã rất phát triển, người ta có thể làm những đường hầm sâu hun hút qua núi hoặc đường ray trên những đoạn đèo dốc ngược, vậy mà không ít lần tàu đi qua Innbruck vào mùa đông đã phải dừng lại để chờ làm sạch lớp tuyết quá dày, hoặc cơn bão tuyết mù mịt làm lái tàu không thể nhìn thấy đường. Tôi nhớ nhất chuyến tàu chiều dừng đột ngột trên đỉnh St.Anton giữa mùa đông xám xịt. Lúc ấy, tôi ngó ra cửa mà kinh ngạc bởi đường ống nước có đường kính một mét gần đó chảy ra một khối nước đã hoàn toàn đóng băng. Vệt nước chảy vẫn hằn dài trên khối nước nhưng đường ống thì không nứt vỡ chút nào. Thế mới biết ngày xưa, người dân nơi đây thông thương và xây dựng thành phố, thậm chí là chiến đấu vì lãnh thổ đất đai chỉ với ngựa thồ, với những ván trượt tuyết bằng gỗ và tiếng kèn gọi nhau từ núi này qua núi kia quả là điều không đơn giản. Kỹ nghệ xây dựng những công trình chịu lạnh và y học từ thảo dược của dân cư vùng núi Alps đạt đến trình độ điệu nghệ, đủ để Innsbruck giữ vị trí trung gian và cầu nối của trục kinh tế ba nước Italia - Áo - Đức (Verona - Innsbruck - Munchen). Từ “bruck” cũng bắt nguồn từ brücke (cây cầu) trong tiếng Đức, cầu vượt sông Inn lúc nào cũng ì ầm nước chảy xiết từ trên núi cao xuống, mang thông thương và văn hóa tới những vùng đất quan trọng của miền Tây Áo.

Innsbruck, với một người đến từ xứ sở nhiệt đới gió mùa như tôi thì quanh năm quá lạnh. Mùa hè mà tôi vẫn diện khăn áo như thường vì buổi tối nhiệt độ ngoài trời là mười hai độ C. Chính vì thế, dù không biết uống rượu nhưng tôi vẫn hay cùng bạn bè tụ họp tại những quán rượu ngoài trời ở Innsbruck, đặc biệt là cái quán nhỏ dưới “Ban công mái vàng” (Goldenes Dachl) ngay trung tâm thành phố, biểu tượng của Innsbruck. Ban công được xây dựng khoảng năm 1500 từ mấy ngàn mảnh đồng mạ vàng dưới thời Maximilian I. Tuy là quán rượu nhưng người ta đến đây thường gọi mỗi người một cốc bia tươi to, sau đó nhâm nhi cùng chai rượu mạnh schnaps hay obstler thủ sẵn trong túi. Schnaps là quốc túy của vùng Alps chắt từ những loại quả tươi như táo, lê, cherry, mận. Nổi tiếng nhất ở Áo là Marillenschnaps nấu từ quả mơ, là thứ rượu chống rét cho cư dân vùng Alps. Tôi không hiểu hết được giọng tiếng Đức miền Nam rất nặng, nhưng tôi thích đứng “hóng” chuyện với họ. Cái cách họ mặc đồng phục: đội mũ len giống nhau có chữ Tyrol, chỉ khác màu hoa văn, mặc áo khoác chống tuyết nhãn hiệu Mammut và đeo ba lô Deuteur hoặc Alpine đủ cho thấy họ tự hào với thương hiệu Alps như thế nào. Đó toàn là những nhãn hiệu nghe chừng vô danh với các tín đồ thời trang đại chúng, nhưng rất đắt tiền với thiết kế đặc biệt, không màu mè mà vô cùng hữu dụng trong thời tiết lạnh giá. Trong câu chuyện của họ, ngoài chuyện học hành làm ăn thì chủ yếu là về các hoạt động thể thao với tuyết mà phải sống ở đây một thời gian, tôi mới hiểu nó khác nhau thế nào. Trước đây, tôi chỉ biết có môn trượt tuyết, và sau vài năm ở Innsbruck, tôi mới biết đến nhảy tuyết (ski jump), lang-laufen (đi trên ván trượt qua các đoạn đường dài), bob-sleighing (trượt bằng xe có bánh lăn trên các địa hình dốc, trơn). Tôi còn biết có một thú chơi vô cùng tao nhã nhưng khá nguy hiểm, đó là trượt tuyết vào đêm rằm dưới ánh trăng xanh vằng vặc, khi những hạt tuyết bắt được ánh trăng mà ngời lên lấp lánh. Bọn trẻ con ở Innsbruck có lẽ biết trượt tuyết cùng với lúc biết chạy. Đó là phương pháp nhanh nhất đi từ nhà nọ sang nhà kia khi mỗi mùa đông tuyết đổ dày hàng nửa mét trên mái nhà. Cô bạn người Innsbruck đã tương đối mất kiên nhẫn với tôi khi dạy trượt tuyết mãi mà tôi vẫn cứ ngã, chỉ đến khi tôi “bẻ” lại rằng tôi dạy bạn cả tuần nay mà bạn vẫn chưa cầm được đũa gắp thức ăn, bạn tôi mới “chấp nhận”. Thế mới biết, những gì gắn bó máu thịt với mình từ nhỏ sẽ tạo nên một bản năng mà người khác không dễ gì học được. Và trượt tuyết với người Innsbruck chính là một bản năng máu thịt như thế.

Tôi cứ ngồi ở quán rượu nghe những câu chuyện của họ cho đến khi cái lạnh thấm qua giày vào chân. Vì không uống nổi tí “schnaps” nào nên tôi lạnh run đành phải lui vào quán cà phê cũng ngay dưới chân “Ban công màu vàng” mang tên “Zimt & Zucker” (Quế và đường) để thưởng thức cà phê cùng những món bánh ngọt quý tộc của Innsbruck.

Văn hóa Alps không chỉ đậm nét vào mùa đông, mà cả ngay mùa hè, khi lớp tuyết dày trên các ngọn núi cao sừng sững dần tan bớt. Nói là “tan bớt”, bởi tuyết không thể nào tan hết trên những ngọn núi uy nghi của Innsbruck, nhưng dưới thung lũng, tuyết tan đi để lại những thảo nguyên bạt ngàn cỏ xanh và thảm thực vật Alps trăm hoa khoe sắc. Đây là lúc người nông dân Alps bắt đầu chăm sóc và thu hoạch những cây trái ngọt lành, những cánh đồng nho trải dài ngút mắt và thả đàn bò cuồng chân sau cả mùa đông dài về với thung lũng. Bởi không khí êm đềm ấy nên mới có một kiểu nghỉ dưỡng rất riêng của vùng Alps và Innsbruck, đó là nghỉ dưỡng ở nhà của những người nông dân Alps, nơi khách du lịch có thể ngủ trong những căn nhà gỗ nồng mùi cỏ và cả mùi phân bò, sáng dậy đi vắt và uống sữa tươi, sau đó hái trái cây, ban ngày thì đi dạo bên những dòng suối trong vắt chảy xuyên qua rừng bách xanh thăm thẳm. Nếu may mắn, khách du lịch còn có thể leo lên những chiếc xe cuốn cỏ, là xe đi thu hoạch cỏ trên thảo nguyên và cuộn thành những cuộn tròn to tích trữ cho mùa đông khắc nghiệt. Có lần tôi đã được ngắm một công việc vô cùng thú vị, đó là hun khói cho thịt và xúc xích. Món ăn này khá phổ biến nên thoạt nhìn sẽ tưởng được làm một cách đơn giản nhưng chứng kiến cảnh những tảng thịt lớn, tảng salami (xúc xích hun khói) bọc hạt tiêu xanh treo dày đặc trong căn nhà gỗ bóng ánh bồ hóng, khói hun mù mịt, tôi mới hiểu để làm ra những tảng thịt ngon cần bí quyết công nghệ lâu đời. Nhiều gia đình nông dân đã phát triển thành những hãng lớn chuyên sản xuất thịt nguội, thịt hun khói hay sản xuất mứt và các loại siro trứ danh như Dabor, Echter.

Văn hóa Alps bởi những đồng cỏ, những núi tuyết mà cũng vô cùng lãng mạn, bay bổng. Giữa mùa hè, trên những ngọn núi cao xanh và không khí trong lành đến ngơ ngác, người ta lại tụ họp nhau để nấu rượu, làm pho mát và đặc biệt là ca hát. Có một thứ nhạc gọi là Tyrolean Music, là loại nhạc dân gian vui tươi nhất mà tôi từng được nghe. Những bài hát đều có lời lẽ vô cùng giản dị và trong sáng như kiểu: “Yêu em tôi tặng em bông hồng đỏ, tôi dẫn em lang thang trên những thảo nguyên Alps lộng gió”, với giai điệu lúc vút cao như núi, lúc trong trẻo như suối, lúc rộn ràng như tiếng nhịp chân của đàn bò đàn dê, đi kèm với tiếng kèn và đàn accordion réo rắt. Đặc biệt nữa là những điệu nhảy của cư dân vùng Alps thì thật điêu luyện, nhịp nhàng mà yêu đời vô cùng. Có lẽ, để quên đi cái mệt nhọc trong công việc, người ta nghĩ ra những điệu polka gắn liền với công việc của mình như “điệu nhảy chặt gỗ”, “điệu nhảy của thợ mỏ” hay “điệu nhảy lục lạc”, tất cả đều nhanh, rộn ràng. Có một chương trình ca nhạc tối mang tên Tyrolean Abend (đêm của người Tyrol), nơi tôi thưởng thức một buổi tối trọn vẹn với âm nhạc Tyrol đủ để thấy cuộc sống này tuy vất vả nhưng giản dị và đáng yêu biết bao. Các cô gái má đỏ hồng trong trang phục Alps truyền thống, thường là váy hoa xanh với yếm đỏ hoặc xanh lá cây, cổ trễ gợi cảm thêu những loại hoa li ti của Alps. Con trai thì mặc những chiếc quần da, áo gile đỏ, đầu đội mũ xanh lá có gắn lông chim. Các ban nhạc này thường chính là những gia đình cư dân Tyrol làm cho âm nhạc càng trở nên thân thuộc, gần gũi và chân tình.

Văn hóa Alps là thứ khiến bạn ban đầu thích thú, sau sẽ tò mò tìm hiểu và rồi yêu mến, bởi dù đến từ nơi chẳng bao giờ có tuyết bạn cũng sẽ biết chờ đợi những bông hoa giọt tuyết đầu tiên ngoi lên khỏi mặt đất sau mùa đông, biết nhâm nhi siro từ hoa holunder (hoa cơm cháy) và biết nhấm nháp pho mát cùng salami khi mùa đông giá lạnh tràn về.

Niềm tự hào của Alps

Innsbruck được bao bọc bởi núi Alps, và núi cũng tự hào vì có Innsbruck trong lòng. Nói về vị trí địa lý, Innsbruck nằm trên núi cao, khá ngăn sông cách núi với các bang bên cạnh, vậy mà thủ phủ của bang Tyrol từ năm 1429 vẫn phô bày được tất cả sự thịnh vượng về lịch sử, kinh tế và văn hóa. Innsbruck có những công trình tráng lệ như Ban công vàng, Nhà thờ hoàng gia Hofkirche, Cầu Inn cổ, Khải hoàn môn Triumphpforte, Lâu đài Ambras. Innsbruck có hạ tầng thể thao mùa đông và những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết (ski-resort) đẹp như mơ như Igls, Seefeld, Tulfes hay thung lũng Stubai. Innsbruck cũng có trường đại học đời mang tên Leopold Franzen và Đại học dược Innsbruck, nơi nổi tiếng với những nghiên cứu về thuốc chiết xuất từ thảo mộc dãy Alps.

Vẻ đẹp của Innsbruck vừa hùng vĩ tráng lệ, lại vừa trong trẻo lãng mạn. Mỗi sớm thức dậy, từ một căn nhà nhỏ ở chung cư trong thành phố, tôi hoàn toàn có thể ngắm nhìn những dãy núi xanh ngắt bao bọc xung quanh, lưng chừng núi là màn sương trắng vắt lững lờ. Mùa đông đến, cả thành phố có nhiều hôm trắng xóa. Tuyết phủ trắng đỉnh núi, trắng những mái nhà, tinh khiết đến nao lòng, cho dù có thể khiến tay tôi cứng đờ đến mức không thể bấm được máy ảnh. Mùa hè sang, tôi lại có cái thú nằm dài trên đám cỏ trong thung lũng, ngắt vẩn vơ vài nhành hoa mao lương vàng, ngắm nhìn đàn bò, đàn dê đang gặm cỏ với cái vẻ thư thái, chậm rãi. Mùa thu về, lá nhuộm vàng những sườn núi phía thấp, tuyết thì vẫn trắng trên những đỉnh núi cao, cỏ thì bắt đầu khô cháy, những màu sắc pha trộn không gì có thể hài hòa hơn. Các bạn tôi vẫn đùa, trông Innsbruck có vẻ lạnh lùng thế, chứ đây là một nơi rất dễ tỏ tình. Chàng chỉ cần đưa nàng đi dạo thung lũng vào mùa hè, đưa nàng đi uống cà phê tối mùa đông với cái lạnh đến mức đủ để người ta cần một cái ôm từ thứ tình cảm mới nhen nhóm, chưa kể hoàn toàn có thể tặng nàng sợi dây chuyền lóng lánh mặt đá pha lê Swarovski, một trong những đặc sản của Innsbruck. Swarovski có hẳn một bảo tàng mang tên Thế giới pha lê, nơi dẫn bạn vào mê cung của những hạt đá lung linh, lóng lánh sắc màu.

Tôi nhớ nhất những chiều sau giờ hội thảo hay giờ thi, đi dọc bờ sông Inn nghe tiếng nước chảy rì rầm và ngắm những dãy núi bao bọc quanh thành phố, cảm giác thư thái và hơi lạnh khiến tôi tỉnh hẳn, xua tan những căng thẳng và mệt mỏi.

Tôi có một kỷ niệm thú vị với Innsbruck. Lần ghé thăm Hofkirche vào năm học cuối cùng, tôi được mấy cậu bạn người Áo và cô bạn người Mông Cổ thuyết phục tới Nhà thờ hoàng gia Hofkirche một lần nữa. Nhà thờ này nổi tiếng vì có hai mươi tám bức tượng đồng kích cỡ như người thật với các khuôn mặt sống động hệt như những vị tổ tiên, họ hàng của vua Maximilian. Nhà thờ này được coi là “thiêng” vì ngay khi bước vào, bạn sẽ nhận thấy một trong những bức tượng nữ (mà tôi không thể nhớ nổi tên) có bàn tay màu vàng sáng bóng do rất nhiều người ghé thăm đã chạm vào. Cô bạn Mông Cổ nói chạm tay một lần sẽ có gia đình, hai lần sẽ có con, cô ấy đã làm và hiệu nghiệm nên thuyết phục tôi thử. Cái giọng thuyết khách mê hoặc của cô ấy khiến tôi khá căng thẳng khi chạm tay vào tượng, chỉ sợ làm quá thành hai lần sẽ có con sớm thì nguy. Cuối cùng thì mọi việc suôn sẻ, vào cuối năm ấy tôi lập gia đình. Chẳng biết có phải vì lần chạm tay vào bức tượng hay không, nhưng điều đó cũng khiến tôi tin Innsbruck và tôi có cái duyên nhất định.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Innsbruck trong tôi luôn là bức tranh mùa đông đẹp đẽ và ấm áp nhất.

Tôi muốn trải lòng mình với bốn mùa nước Áo, nhưng hình như đó là một tham vọng lớn, bởi tôi không biết phải viết bao nhiêu cho đủ để tả về nước Áo trong tôi, nơi tôi đã sống, nơi tôi dành cho người và người cũng dành cho tôi thật nhiều những tình cảm, những trải nghiệm buồn vui, những cảm nhận thật khó viết nên lời. Như những người bạn Áo thân thiết của tôi, họ chẳng bao giờ nói nhiều về đất nước của mình nhưng Rita không bao giờ quên thông báo cho tôi các lễ hội hoặc say sưa giảng giải về các món ăn Áo, còn Christian thì luôn dẫn tôi đến những góc nhỏ đáng yêu của Wien mỗi lần hai anh em gặp mặt. Anh cũng luôn đưa tôi đi nghe những bài hát Áo đậm phong vị của những ngọn núi hùng vĩ, những rừng thông ngút ngàn và những dòng suối trong vắt. Có lẽ, bạn phải đến đây thôi, phải ngồi ở Wiener Kaffeehaus, xắt miếng bánh chocolate bày trong đĩa bạc hay ăn kem với bánh xốp Manner cùng dâu tây, nhấp ngụm Kleine Braun thơm phức hay ngả đầu vào vai một người bạn thân bên dòng Danube, có thể, phần nào bạn sẽ hiểu và đồng cảm với tôi.

-Hết-

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên

Du Ca– Hexagon

(Duyệt – Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx