Tôi không có những ký ức tốt đẹp về người Triều Tiên vì những người Triều Tiên đầu tiên tôi gặp lại trong bộ quân phục Nhật. Họ là một trong hai đội quân đánh thuê mà người Nhật đã đưa đến Singapore, đội quân kia là người Đài Loan. Lính Triều Tiên hung dữ và cũng áp bức như lính Nhật. Lính Đài Loan đóng vai trò thông dịch viên, nói tiếng Phúc Kiến, thổ ngữ chính của người Hoa ở Singapore.
Sau chiến tranh, thuyết động lực về kinh tế của Nam Triều Tiên đã xóa bỏ thành kiến xưa kia của tôi. Khi tôi đến thăm quốc gia này vào tháng 10/1979, Tổng thống Park Chung Hee đã tiếp tôi tại nơi ở chính thức của ông là Nhà Xanh (Blue House). Park là một người trông có vẻ khổ hạnh, nhỏ con và gầy với gương mặt thông minh và mũi nhỏ. Người Nhật đã chọn và huấn luyện ông thành một sĩ quan quân đội. Chắc hẳn ông là một trong những người giỏi nhất của thế hệ ông.
Ông muốn có những mối quan hệ gần gũi với Asean và hy vọng tôi sẽ giúp đỡ. Ông nói triển vọng hòa bình ở bán đảo Triều Tiên không được tốt. Miền Nam không muốn một cuộc chiến tranh nào khác, họ cần đặt hòa bình lên hàng đầu và sự thống nhất xuống hàng thứ hai. Miền Bắc muốn thống nhất bằng vũ lực. Tôi hỏi liệu quân Mỹ có trở về nước sau năm 1981 – thời hạn mà Tổng thống Carter đã tuyên bố về việc rút quân đội Mỹ hay không. Park trả lời rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của Tổng thống Carter, ông Brown, đã hứa đảm bảo an ninh sau năm 1981 và đã phát biểu trước công chúng rằng vấn đề an ninh ở Nam Triều Tiên là quan trọng đối với Mỹ. Tôi nói rằng lời cam kết sẽ rút quân khỏi Nam Triều Tiên trong cuộc bầu cử năm 1976 của ông Carter đã được dân Mỹ ngưỡng mộ; nếu họ lại ưa thích nó thì Carter có thể thay đổi. Ông ta đồng ý và nói rằng ông lo lắng về chính sách của Mỹ vốn bị tác động bởi các vòng bầu cử bốn năm.
Tối hôm đó, ông ta không nói chuyện phiếm trong bữa ăn. Con gái ông ta, một cô gái 20 tuổi nói tiếng Anh, đã giữ cho cuộc nói chuyện tiếp tục. Park nói rằng quá trình huấn luyện của ông là quá trình huấn luyện của một sĩ quan quân đội, và công việc của ông là lấy những lời khuyên và những lời đề nghị của những chuyên gia mà ông đã bổ nhiệm với tư cách là những vị bộ trưởng, những viên chức cao cấp, rồi quyết định chính sách.
Thủ tướng của ông, Choi Kyu Hal, là một người có năng lực, được giáo dục theo kiểu Nhật. Vợ của Choi cũng thông minh như ông ta và được giáo dục tốt tại Nhật. Bà và chồng vẫn đọc những tiểu thuyết và báo bằng tiếng Nhật. Giới trí thức Nam Triều Tiên, cũng như Đài Loan, bị ảnh hưởng của người Nhật nhiều như tôi bị ảnh hưởng của người Anh. Park đã cầm quyền 18 năm và đã đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng với một dân tộc kỷ luật và đoàn kết, những người quyết tâm đạt được sự hiện đại hóa nền kinh tế. Theo cách của người Nhật, ông ấy đã khư khư bảo vệ thị trường quốc nội và xuất khẩu một cách tích cực. Ông đã khuyến khích, thậm chí ép buộc người Nam Triều Tiên phải tiết kiệm, từ chối những xa xỉ phẩm như những chiếc ti vi màu mà họ đang xuất khẩu với số lượng tăng dần. Tôi rất ấn tượng bởi ý chí sắt đá và cách giải quyết dứt khoát để đưa Nam Triều Tiên đến thành công. Nếu không có Park thì Nam Triều Tiên có thể không bao giờ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa. Năm ngày sau khi tôi rời Nam Triều Tiên, Park đã bị viên sĩ quan hầu cận thân nhất, trưởng cơ quan tình báo, ám sát. Theo chính phủ, đây là một phần trong âm mưu chiếm quyền lực. Báo chí đưa tin rằng viên chỉ huy cơ quan tình báo lo sợ bị thay thế sau khi Park phê bình ông ta vì thất bại trong việc xử lý tình trạng náo động khi sinh viên và công nhân ẩu đả với cảnh sát ở Pusan.
Chuyến viếng thăm đã củng cố nhận định của tôi rằng người Nam Triều Tiên khá cứng rắn và có khả năng chịu đựng gian khổ. Những kẻ xâm lược đã bành trướng qua những thảo nguyên của vùng Trung Á và dừng chân ở bán đảo này. Họ là những người có dòng dõi Mông Cổ với những nét đặc trưng về hình dáng và gương mặt, rất dễ phân biệt với người Nhật và người Hoa. Tự hào về lịch sử của mình, họ đã đưa tôi đến Kyongju, trung tâm văn hóa cổ xưa, nơi có những lăng mộ của các vị Hoàng đế triều đại Shilla đã làm nở rộ những tạo phẩm tinh vi từ vàng và đá quý.
Lòng căm thù của họ đối với người Nhật thật mãnh liệt. Sự đàn áp tàn nhẫn của người Nhật trong 35 năm đối với bất kỳ hoạt động chống đối nào đã để lại những vết thương khắc sâu trong tâm hồn họ. Họ hồi tưởng lại những cuộc xâm lược của người Nhật trong hơn 500 năm qua, mà họ đã đẩy lùi. Ngay cả trong số những người Triều Tiên ưu tú bị Nhật hóa nhiều nhất, có thủ tướng Choi và vợ ông, cả hai hoàn toàn thấy thoải mái về ngôn ngữ, văn chương và văn hóa Nhật, vẫn có một mối ác cảm cơ bản đối với những kẻ trước đây đã từng cai trị họ. Người Nhật rất hà khắc với người Nam Triều Tiên vì họ đã phản đối sự thực dân hóa và thống trị. Họ cũng chống lại cương vị lãnh chúa của người Hoa trong một nghìn năm, nhưng họ lại không ác cảm sâu sắc như thế đối với người Hoa. Họ đã chấp nhận hệ thống chữ viết của người Hoa và cùng với nó là sự hấp thụ Nho giáo.
Những sinh viên Nam Triều Tiên trong các trường Đại học Mỹ đã chứng tỏ rằng họ cũng thông minh như người Nhật hoặc người Hoa. Nhưng dẫu người Hàn mạnh hơn về thể chất, thì họ cũng không thể sánh kịp người Nhật trong việc liên kết và cống hiến cho các công ty của họ. Các công đoàn và công nhân Nam Triều Tiên đều im lìm chừng nào nó ở trong tình trạng thiết quân luật. Khi luật này được bãi bỏ, các công đoàn đã trở thành những "chiến sĩ" lãn công, biểu tình ngồi và đình công. Họ đã yêu cầu được tăng lương và nâng cao điều kiện làm việc bất kể những gì đang xảy ra với các thị trường xuất khẩu của họ. Giới chủ và công đoàn người Nam Triều Tiên không bao giờ đạt được mối quan hệ hợp tác như người Nhật và các công đoàn của họ. Các công đoàn Nhật không bao giờ phá hủy vị trí cạnh tranh của công ty họ dù mối bất hoà giữa họ với chủ về việc ai sẽ nhận được cái gì có gay gắt đến đâu.
Người Nam Triều Tiên khá dữ tợn. Khi họ nổi loạn, họ cũng có tổ chức và kỷ luật như những cảnh sát chống bạo loạn – những người như những đấu sĩ trong chiếc mũ sắt với tấm che mặt và những cái khiên bằng chất dẻo, đang đối diện với họ. Khi những công nhân và sinh viên ẩu đả với cảnh sát trên đường phố, họ giống như những người lính trong cuộc chiến. Những người đình công ngồi xổm trên mặt đất lắng nghe những bài diễn văn và đưa nắm đấm lên xuống nhịp nhàng. Họ là những người mạnh mẽ không thỏa hiệp, và khi họ chống đối chính quyền, họ sẽ hành động với sự mạnh mẽ và dữ dội đó.
Tôi đã thực hiện hai chuyến viếng thăm đến Nam Triều Tiên trong những năm 80 để gặp gỡ với các Tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo. Tôi cũng đã gặp Tổng thống Kim Young Sam ở Singapore vào năm 1996. Cả bốn nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên, từ ông Park đến ông Kim, đều quan tâm sâu sắc đến tính bất ổn về tình hình địa lý chính trị của quốc gia họ, vốn bị kẹp giữa ba nước láng giềng hùng mạnh và rộng lớn là Trung Quốc, Nga và Nhật.
Khi tôi gặp ông Chun ở Seoul vào năm 1986, tôi đã kinh ngạc trước nỗi ám ảnh và lo lắng của ông ấy về Bắc Triều Tiên. Tôi thấy điều này thật lạ. Dân số của miền Nam gấp đôi miền Bắc. Họ lại giàu hơn rất nhiều và được Mỹ viện trợ thiết bị quân sự tốt hơn. Những đau buồn đã phải trải qua trong cuộc xâm lược của những người cộng sản ắt hẳn đã để lại những vết thương sâu sắc và một nỗi lo sợ vĩnh cửu về tính hung ác của những người anh em Bắc Triều Tiên của họ. Tất cả những Bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên mà tôi gặp đều bày tỏ sự sợ hãi đối với sức mạnh và lòng dũng cảm của quân đội miền Bắc, bất chấp nền kinh tế khó khăn của họ.
Một vấn đề khác nổi bật trong các cuộc thảo luận của tôi với những nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên là vấn đề thương mại và đầu tư giữa những nền kinh tế công nghiệp hóa mới (NIEs), trong đó có cả Nam Triều Tiên và Singapore, và các quốc gia phát triển của châu Âu và châu Mỹ. Năm 1986, tôi đã nêu rõ mối quan ngại của tôi với Tổng thống Chun về khuynh hướng bảo hộ đang gia tăng ở Mỹ và châu Âu. Nếu chúng tôi, những nước công nghiệp mới (NIEs), không mở cửa thị trường để đáp lại sự thâm nhập tự do mà chúng tôi đã thực hiện ở Mỹ và châu Âu, thì họ sẽ nhận thấy điều này là không thể chấp nhận được và sự bảo hộ mậu dịch sẽ tăng. Ông ấy đồng ý rằng NIEs nên mở rộng tự do. Nam Triều Tiên đang thực hiện điều này, với một phương pháp có hệ thống và ổn định, để được hoàn thành trong vòng 2 năm. Tôi chỉ ra rằng sau khi mở rộng tự do, các mức thuế của Nam Triều Tiên sẽ vẫn còn cao khoảng 16 đến 20%. Câu trả lời của Chun là vì Nam Triều Tiên vẫn chưa phải là một quốc gia giàu có. Thu nhập theo đầu người chỉ khoảng 2.000 USD, ít hơn của Singapore, và nước ông đã có món nợ khoảng 46,5 tỷ USD bên cạnh gánh nặng quốc phòng.
Khi tôi nói chuyện với bốn tập đoàn kinh doanh quan trọng của Nam Triều Tiên trong bữa trưa ở Seoul vào năm 1986, tôi thấy rằng họ rất miễn cưỡng mở cửa thị trường của họ. Hai năm sau, cũng trong bữa ăn trưa với bốn tập đoàn này, tôi đã bàn đến sự cần thiết nên tăng hàng nhập khẩu, và đề nghị rằng họ và những NIE khác nên thảo luận với các quốc gia công nghiệp trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OEQD) về những phương pháp để thu hẹp sự mất cân bằng thương mại. Lần này họ đã tiếp thu hơn, và nhận ra rằng vị trí của họ không còn đứng vững được.
Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của Chun, những cuộc biểu tình và nổi loạn lớn thỉnh thoảng đã đưa Seoul vào tình thế bế tắc. Trước lúc kết thúc nhiệm kỳ, những cuộc biểu tình đã trở nên thường xuyên. Roh, với tư cách là viên sĩ quan phụ tá quan trọng của ông, đã làm tình trạng căng thẳng giảm xuống một cách tài tình và đã tập hợp sự hỗ trợ để tranh cử và chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống kế tiếp.
Roh Tae Woo là một người đàn ông trầm tĩnh và nghiêm nghị. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu vào tháng 7/1986, ông ấy còn là một Bộ trưởng trong nội các của Chun. Ông ta ca ngợi chính phủ trong sạch của Singapore. Tổng thống của ông đã cố gắng xóa bỏ nạn tham nhũng nhưng thấy rằng điều này không dễ dàng. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Tôi đã giải thích về hệ thống của chúng tôi: đầu tiên, sự hiểu biết tốt; tiếp đến, sự khách quan, chứ không có quan điểm chủ quan; thứ ba, sự hậu thuẫn vững chắc từ những người lãnh đạo cao nhất trong công tác điều tra chống tham nhũng và truy tố. Tôi nói có thể cho những viên chức cao cấp đã lớn tuổi nghỉ hưu dần và đưa những người trẻ hơn, còn trong sáng, và đảm bảo rằng họ vẫn duy trì được những chuẩn mực cao. Họ nên được trả lương hậu hĩ. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, trừ phi những nhà lãnh đạo cao cấp đều hoàn hảo, và những cấp bậc chính quyền cao hơn được làm sạch trước, nếu không việc chống tham nhũng chỉ là sự lãng phí thời gian vô ích.
Tôi đã gặp Roh lần tiếp theo vào năm 1988, khi ông ta đã trở thành Tổng thống. Ông ta đã hỏi làm thế nào mà tôi có thể cầm quyền trong một thời gian khá dài như vậy, cũng như đã thắng được các cuộc bầu cử liên tiếp. Tôi trả lời, bởi vì người dân biết rằng tôi không nói dối và tôi trung thành với các lợi ích của họ. Người dân bình thường không thể hiểu được tính phức tạp của một vấn đề kinh tế hay vấn đề chính trị, vì vậy họ nghiên cứu xem người nào nên được tín thác. Để chiếm được niềm tin đó, tôi không bao giờ phát biểu điều mà tôi không tin chắc, và mọi người dần dần đã nhận ra rằng tôi trung thực và thẳng thắn. Đây là “tài sản” mạnh nhất của tôi. Cũng như nó đã là sức mạnh của Tổng thống Hoa Kỳ Reagan. Ông ta đã có những người viết diễn văn xuất sắc. Reagan đã làm việc trên những bản phác thảo của họ, sử dụng những ý tưởng của họ, nhưng lại đặt chúng trong ngôn ngữ của ông. Ông không cho phép bản thân bị "thuyết minh" bởi những người viết diễn văn của mình, vì vậy khi đọc một bài diễn văn, ông ta luôn được xem là một người đàn ông trung thực và có sức thuyết phục. Tôi khuyên Roh không nên đua tranh với Kim Dae Jung trong việc đọc những bài diễn văn lôi cuốn. Roh đã chứng tỏ với mọi người rằng ông ta có thể giữ bình tĩnh trong một cơn khủng hoảng với những cuộc bạo động lớn và mất trật tự xảy ra trước kỳ bầu cử, cũng như đã biểu hiện đức tính khiêm tốn của mình. Đó là những “tài sản” mà ông ta đã tạo được.
Roh đã kết nạp Kim Young Sam, một trong hai nhà lãnh đạo phe đối lập chính vào Đảng của ông. Điều này cho phép Kim trở thành vị Tổng thống thường dân đầu tiên đắc cử vào năm 1992. Ông ta đã thực hiện xóa bỏ nạn tham nhũng. Ông ta đã cách chức ba bộ trưởng trong nội các chỉ trong vòng vài tuần sau khi bổ nhiệm họ vì những hoạt động tham nhũng khác nhau, cách chức một số vị quan tòa cao cấp, sa thải và bỏ tù một số sĩ quan quân đội cao cấp. Quân đội đã không phản đối. Một số đài truyền hình và báo chí Nam Triều Tiên đã đến Singapore để thực hiện những phim tài liệu và những bài báo về luật chống tham nhũng và phương thức cưỡng chế của chúng tôi.
Năm 1996, tôi gặp Tổng thống Kim Young Sam khi ông viếng thăm Singapore. Là một người đàn ông sang trọng với trang phục trang nhã, ông ta tự hào nói với tôi rằng ông đã chạy bộ nhiều km mỗi buổi sáng. Ông ta nói rằng chúng tôi đã chia sẻ những nguyên tắc chung như tầm quan trọng của gia đình và một mạng lưới xã hội để hỗ trợ gia đình đó. Tôi bổ sung rằng mối quan tâm chung quan trọng nhất của chúng tôi là tầm quan trọng chiến lược về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á.
Tình hình ở miền Bắc đột ngột thay đổi. Kim đã miêu tả những nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên như những người điên rồ và có khả năng thực hiện những hành động phi lý. Họ có lực lượng vũ trang khoảng 1,1 triệu quân nhưng vũ khí của họ đều lạc hậu, các tuyến viện trợ yếu và ngành hậu cần kém.
Khi nhậm chức, Kim đã tuyên bố rằng ông ta sẽ không bới lại các vấn đề cũ. Nhưng khi áp lực trong nước tăng lên, ông ta đã thay đổi quan điểm vào cuối năm 1995 và đã có cuộc họp quốc hội để thông qua một luật đặc biệt để nhằm gỡ bỏ những hạn chế của đạo luật áp dụng cho cuộc đảo chính năm 1979 và cho tội giết người, nổi loạn, tham nhũng, và những tội ác khác liên quan đến cuộc thảm sát ở Quang Du vào năm 1980, lúc quân đội đã giết chết vài trăm thường dân phản đối. Hai vị tiền nhiệm của ông đã bị bắt và buộc tội. Tôi kinh ngạc khi xem họ trên truyền hình lúc bị đưa ra tòa trong quần áo phạm nhân, tay bị còng và bị làm nhục. Chun bị kết án tử hình còn Roh bị xử 22 năm và 6 tháng tù giam vì vai trò của họ trong cuộc đảo chính năm 1979 và cuộc tàn sát ở Quang Du năm 1980. Cả hai cũng bị phạt về việc nhận hối lộ trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của họ. Nhờ kháng án, những bản án này sau đó đã được giảm xuống thành tù chung thân cho Chun và 17 năm tù cho Roh.
Ngay sau đó, chính Tổng thống Kim Yong Sam bị nhấn sâu vào một vụ tai tiếng về tham nhũng lớn khi một tổng công ty lớn, tập đoàn Hanbo, bị phá sản, nợ hàng tỷ đôla trong một số ngân hàng nhà nước. Con trai của Kim đã bị buộc tội là nhận khoảng 7 triệu đôla và đã bị kết án 3 năm tù giam, với tiền phạt là 1,6 triệu đôla. Phe đối lập đã khẳng định rằng bản thân Kim đã nhận hối lộ từ tập đoàn Hanbo và rằng ông đã vượt quá những giới hạn chi tiêu hợp pháp cho cuộc bầu cử của ông. Tổng thống Kim đã xin lỗi công khai trên truyền hình, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Địa vị của Tổng thống đương nhiệm và đảng cầm quyền đã sụp đổ sau khi những tai tiếng về tham nhũng được công khai rộng rãi cũng như sự quản lý tồi nền kinh tế. Vì cuộc khủng hoảng kinh tế kế tiếp, Nam Triều Tiên phải cần đến đến sự giúp đỡ của IMF.
Vào tháng 12/1997, Kim Dae Jung, một nhà lãnh đạo phe đối lập kỳ cựu ra ứng cử lần thứ tư và đã đắc cử Tổng thống. Ông ấy đã tạo dựng một liên minh bầu cử với Kim Jong Pil, chỉ huy đầu tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Nam Triều Tiên (Korean Central Intelligence Agency – KCIA), người đã từng ra lệnh bắt giam ông.
Là một người đối lập nổi bật, Kim Dae Jung đã sống nhiều năm ở Hoa Kỳ và đã trở thành người ủng hộ sự áp dụng toàn cầu về nhân quyền và dân chủ mà không quan tâm đến các giá trị văn hóa. Với tư cách là nhà lãnh đạo phe đối lập, ông ấy đã viết một bài báo trong tạp chí Foreign Affairs để phản hồi lại bài phỏng vấn của tôi với vị chủ bút, Farred Zakaria. Ông ấy không đồng ý rằng lịch sử và văn hóa tạo nên những quan điểm khác nhau của một dân tộc và những quy tắc khác nhau của chính phủ. Tạp chí Foreign Affairs đã mời tôi trả lời. Tôi đã không trả lời. Sự tranh luận không thể giải quyết được sự khác biệt trong quan điểm của chúng tôi. Nó sẽ được định đoạt bởi lịch sử, bởi phương cách mà các sự kiện sẽ bộc lộ trong 50 năm tới. Cần nhiều hơn một thế hệ cho những mối quan hệ mật thiết về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của các chính sách để tự cho ra lời đáp. Đó là một quá trình tiến hóa của học thuyết Đác–uyn về xã hội.
Với tư cách là Tổng thống mới được bầu (chưa nhậm chức), Kim Dae Jung đã chấp nhận lệnh ân xá của Kim Young Sam cho hai cựu Tổng thống đã ở tù một thời gian dài vì tội phản quốc, nhận hối lộ và cả tội giết người trong trường hợp của Chun. Họ đã được tự do vào tháng 12/1997 và đã tham dự lễ tuyên thệ Tổng thống vào tháng 2/1998. Sau lời tuyên thệ, Tổng thống Kim Dae Jung đã bắt tay với Chun và Roh, một cử chỉ "hòa giải và hòa hợp" trong xã hội Nam Triều Tiên, như người phát ngôn Tổng thống đã nói. Nó được dàn dựng trước đám đông khoảng 40.000 người. Kịch bản chính trị này có khôi phục lại niềm tin của quần chúng đối với hệ thống nhà nước của họ không, vẫn còn là một câu hỏi.
Thể chế chính trị của Nam Triều Tiên sẽ chịu ít thiệt hại hơn nếu, giống như chính phủ của Mandela ở Nam Phi, họ khép lại tất cả những món nợ trong quá khứ. Hội đồng Sự thật và Hòa giải ở Nam Phi đã tha thứ tất cả những người đã phạm những hành động tàn bạo trong chế độ phân biệt chủng tộc nếu họ khai báo những hành vi sai trái trước đó của họ. Trong lúc có thể nó chưa đạt được sự hòa giải, thì hội đồng này cũng không làm tình trạng chia rẽ xấu hơn.
Những phiên tòa của họ không chỉ loại trừ Chun Doo Han và Roh Tae Woo, mà còn giảm uy tín những người đã giúp tạo ra nước Nam Triều Tiên hiện đại, khiến nhân dân hoài nghi và vỡ mộng với mọi quyền lực. Cần mất một thời gian để người Nam Triều Tiên lấy lại sự kính trọng đối với các nhà lãnh đạo của họ. Chun và Roh đã xử sự theo các tiêu chuẩn người Nam Triều Tiên trong thời đại của họ, và theo luật lệ đó họ không phải là những tội phạm. Bị áp lực bởi công luận Mỹ chống lại việc một người khác trong quân đội làm người kế nhiệm, Roh đã đặt quyền lực vào tay của Kim Young Sam. Những sự kiện này đã phát những tín hiệu sai đến các nhà lãnh đạo quân sự đương nhiệm ở các quốc gia khác, rằng việc trao quyền lực cho những chính khách dân sự vốn đang tìm kiếm sự ủng hộ của quần chúng là rất nguy hiểm.
Vào năm 1999, tôi đã tham gia một Hội nghị ở Seoul với tư cách là thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc tế (International Advisory Council – IAC) với Liên đoàn Công nghiệp Nam Triều Tiên. Tại diễn đàn ngày 22/10, các thành viên của IAC đã có cuộc thảo luận với những nhà lãnh đạo các tập đoàn Nam Triều Tiên. Họ là những phiên bản Hàn Quốc của những nhóm tài phiệt Nhật. Trong mỗi ngành công nghiệp quan trọng các nhóm tài phiệt đã thành công, những tập đoàn này đã theo sau để cạnh tranh với giá nhân công rẻ hơn và chi phí thấp hơn. Như người Nhật, họ nhắm vào thị phần, không tính đến quay vòng vốn và tỷ suất lợi nhuận. Như ở Nhật, toàn bộ kinh tế quốc nội Nam Triều Tiên, đặc biệt là tiền tiết kiệm cao của công nhân, đã tạo cơ sở cho các tập đoàn có nguồn vốn với lãi suất thấp và nhắm vào các ngành công nghiệp cụ thể.
Với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, tình hình bên ngoài đã thay đổi. Giống như Nhật, Nam Triều Tiên phải mở cửa thị trường quốc nội và đặc biệt là thị trường tài chính. Những tổng công ty lớn của họ đã vay khoảng 150 tỷ đôla ngoại tệ để mở rộng công nghiệp nhanh chóng ở Nam Triều Tiên và nước ngoài – Trung Quốc, các nước cộng sản trước đây ở Đông Âu, Liên bang Nga và một số nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Những sự đầu tư này không nhằm vào tỷ suất lợi nhuận dự tính mà nhằm bành trướng để giành thị phần. Khi họ không đủ khả năng để trả lại lãi đáo hạn, gần cuối năm 1997, đồng tiền Nam Triều Tiên – đồng won, đã sụt giá. IMF đã cứu họ. Ba tuần sau đó, Kim Dae Jung đã thắng cử và trở thành Tổng thống.
Tôi đã nói với các giám đốc các tập đoàn là Nam Triều Tiên đang đến bước ngoặt. Họ không thể tiếp tục mô hình cũ dựa theo kiểu Nhật, vì chính người Nhật đã gặp phải sự bế tắc. Bây giờ, Nam Triều Tiên và Nhật là một phần của hệ thống tài chính và kinh tế hội nhập toàn cầu, và sẽ phải tuân theo những luật lệ mà Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đặt ra cho IMF, Ngân hàng Thế giới và WTO. Điều này đòi hỏi họ phải đầu tư có tính cạnh tranh, quan tâm đến lãi ròng, như bất kỳ tập đoàn châu Mỹ và châu Âu nào khác. Vấn đề là làm sao để thoát khỏi vị trí hiện tại để đến được chỗ mà họ lẽ ra đã đến nếu họ đã phải cạnh tranh. Những tập đoàn đã phát triển thành khối lớn hơn. Bây giờ, họ nên tập trung vào những việc mà họ đã làm tốt nhất và thực hiện những hoạt động kinh doanh nòng cốt, phân nhánh những hoạt động kinh doanh phụ. Tiếp đến, họ cần những nhà quản lý có nghị lực kinh doanh nếu họ muốn công việc của họ phát triển mạnh.
Những nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn đều bằng lòng với suy nghĩ của tôi rằng văn hóa Nho giáo đã không gây ra sự sụp đổ của họ, nhưng nhược điểm của họ là hệ thống hoạt động kinh doanh phi chính thức và việc không coi trọng mức cổ tức và lãi ròng. Điều này càng tồi tệ hơn bởi họ không có những hệ thống mở và thông suốt, những sân chơi công bằng, thông lệ kế toán tiêu chuẩn quốc tế. Hong Kong và Singapore, cả hai xã hội Nho giáo, đều đã đứng vững trong cơn khủng hoảng tài chính vì cả hai đều có hệ thống pháp luật kiểu Anh, những phương pháp kinh doanh thông suốt, thông lệ kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế, đấu thầu công khai và những hợp đồng không thể bỏ ngang được dàn xếp trên những sân chơi công bằng, và những khoản vay ngân hàng vừa sức. Nam Triều Tiên phải chấp nhận những sách lược này. Thông lệ kinh doanh Nam Triều Tiên đã theo thông lệ của Nhật, dựa nhiều vào các mối quan hệ phi chính thức hơn là những quy tắc chính thức và luật pháp. Những nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn đã hiểu sự cần thiết phải tái cơ cấu nhưng lại miễn cưỡng từ bỏ quyền lực gia đình trong sự kiểm soát công ty mà họ đã thiết lập trong bốn thập kỷ qua, và trao vận mệnh của các công ty con của họ cho những người quản lý đã quen với việc dành những quyết định kinh doanh cho người thành lập.
Sau hội nghị IAC, tôi đã ghé thăm Tổng thống Kim Dae Jung tại Nhà Xanh. Vào giữa tuổi 70, ông ấy có khổ người to lớn và chiều cao cao hơn chiều cao trung bình của người Triều Tiên cùng thế hệ với ông. Ông ta đi khập khiễng, kết quả của một lần bị thương trong một vụ mưu sát năm 1971 – nghe nói là bởi nhân viên mật vụ KCIA. Ông ta nghiêm nghị, thậm chí không vui, thỉnh thoảng mới mỉm cười. Ông ta đã đưa ra hàng loạt các vấn đề, bắt đầu là những mối quan hệ Nam – Bắc. Một cách có phương pháp, ông ta đã trình bày hết những ý tưởng trong đầu. Ông ta muốn một lời phê bình về các chính sách của ông, bắt đầu với "chính sách cởi mở". Những mục đích của chính sách này là, thứ nhất, ngăn chặn chiến tranh bằng cách duy trì một lập trường răn đe mạnh; thứ hai, thống nhất hai miền Triều Tiên mà không gây tổn hại và đe dọa đến chế độ Bắc Triều Tiên; thứ ba, tạo ra một môi trường mà trong đó hai miền có thể hợp tác về kinh tế và kinh doanh ở mức độ tư nhân.
Tôi nói, để giúp đỡ những người dân Bắc Triều Tiên thay đổi từ bên trong bản chất thì điều có ý nghĩa là phải chuyển giao công nghệ, việc quản lý, phương pháp sản xuất và khuyến khích họ phát triển. Bắc Triều Tiên có thể tự nâng cao mức sống và giảm gánh nặng cho miền Nam. Tuy nhiên, điều này phải được kèm theo với sự tiếp xúc giữa hai miền, đặc biệt là các trao đổi giữa những nhóm chuyên gia cố vấn và các trường đại học, để thay đổi cách nhìn tinh thần của họ.
Sau đó, ông ta yêu cầu tôi đánh giá về những mối quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Tôi không tin mối liên kết giữa hai nhà lãnh đạo trước đây như Đặng Tiểu Bình và Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) vẫn tồn tại giữa Giang Trạch Dân và Kim Jong Il. Thế hệ ngày xưa đã chiến đấu bên nhau như những đồng đội có cùng mục đích trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Thế hệ những nhà lãnh đạo hiện nay không chia sẻ sự thân thiết đó. Trung Quốc không muốn có chiến tranh hay mất trật tự ở bán đảo Triều Tiên. Điều Trung Quốc muốn là nguyên trạng, sẽ cho phép Nam Triều Tiên tiếp tục đầu tư và buôn bán với Trung Quốc. Trung Quốc cũng không tha thiết với việc hợp nhất giữa hai miền Triều Tiên. Như vậy thì Trung Quốc sẽ mất lá bài Bắc Triều Tiên chống lại Mỹ và Nam Triều Tiên. Kim đã xem xét tỷ mỉ các vấn đề của ông; ông ấy chỉ đơn giản muốn sự xác nhận hoặc phản đối của tôi về các quan điểm của ông ta.
Kim đã gây ấn tượng cho tôi bởi lập trường của ông về Đông Timor. Ông ta nói cuộc khủng hoảng gần đây và kỷ nguyên Internet đã khiến Đông Bắc Á và Đông Nam Á gần gũi nhau hơn. Mặc dù Đông Timor cách xa về mặt địa lý so với Nam Triều Tiên, nhưng cuộc xung đột đã ảnh hưởng gián tiếp đến họ. Tình hình sẽ tốt hơn nếu tất cả các quốc gia ở châu Á có thể liên kết thành một khối, trong phạm vi rộng hơn. Đó là lý do ông đã quyết định gởi quân đến Đông Timor (một tiểu đoàn gồm 420 người), mặc dù phe đối lập trong chính phủ phản đối. Ông còn có một lý do khác là: vào năm 1950, 16 quốc gia đã đến giúp đỡ Nam Triều Tiên và hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nam Triều Tiên sẽ thiếu trách nhiệm nếu không giúp đỡ Liên Hiệp Quốc ở Đông Timor. Tôi tin việc làm cho Đông Bắc Á và Đông Nam Á hợp thành một khối chỉ là vấn đề thời gian. Nền kinh tế hai vùng này đang ngày càng gắn chặt với nhau hơn.
Giới truyền thông ở Nam Triều Tiên đã trông đợi chúng tôi thảo luận những quan điểm khác nhau về các tiêu chuẩn châu Á (như Nho giáo), và về dân chủ và nhân quyền. Tôi nói với họ rằng chúng tôi không thảo luận chủ đề này; cả hai chúng tôi đều đã ở cuối tuổi 70 và không có khả năng thay đổi quan điểm. Lịch sử sẽ quyết định người nào có hiểu biết hơn về văn hóa Nho giáo.
Tôi đã phát hiện Kim là một người đàn ông đã được tôi luyện qua nhiều cuộc khủng hoảng. Ông ta đã học được cách chế ngự cảm xúc để đạt mục đích cao hơn. KCIA đã bắt giam ông lúc ông ở Nhật, đã tra tấn và có thể đã giết ông nếu không có sự can thiệp của người Mỹ. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1997, ông đã liên minh với một cựu chỉ huy KCIA, Kim Jong Pil, và đã bổ nhiệm Kim Jong Pil làm Thủ tướng khi ông đắc cử.
Một nguyên nhân quan trọng của những khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội hiện nay ở Nam Triều Tiên là sự chuyển giao từ tình trạng thiết quân luật sang nền chính trị dân chủ tự do diễn ra quá đột ngột. Họ không có sẵn truyền thống thi hành luật pháp để kiểm soát những cuộc họp công khai hoặc những luật lệ quy định cho các nghiệp đoàn cũng như đòi hỏi họ phải bỏ phiếu kín trước khi đình công hoặc tổ chức các cuộc bãi công. Ở Singapore, lúc chúng tôi nắm chính quyền vào năm 1959, người Anh đã để lại một bộ luật phụ dành cho những phạm tội nhỏ, vì vậy khi luật khẩn cấp chấm dứt, chúng tôi đã có những phương tiện khác để ngăn chặn các cuộc phản đối của quần chúng không vượt qua những giới hạn có thể dung thứ và không làm đảo lộn luật pháp, trật tự. Nếu người Nam Triều Tiên dân chủ hóa chậm hơn và trước hết sắp đặt một pháp chế cần thiết để điều chỉnh các cuộc biểu tình và phản đối, thì dân chúng có lẽ sẽ ít thiên về những hoạt động bạo lực trong các cuộc phản đối, đặc biệt là sự đối đầu dữ dội của công nhân và sinh viên với cảnh sát.
Phải có một khoảng thời gian để hồi phục lại khế ước xã hội giữa những nhà lãnh đạo và quần chúng. Họ cần khôi phục lòng tin của quần chúng rằng sẽ có sự công bằng giữa những người thành công và những người ít thành công hơn, giữa những người được giáo dục tốt và những người ít học, giữa các nhà quản lý và người lao động. Trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh sự tăng trưởng, những vị tổng thống kế nhiệm đã ban hành một chính sách ưu đãi thưởng cao cho những nhà tư bản công nghiệp, những nhà quản lý và những kỹ sư, nhưng lại chống công nhân, và điều này đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo khi GDP tăng. Một khi đã lập lại được một khế ước xã hội mới, người dân Nam Triều Tiên sẽ lại tiến lên mạnh mẽ. Họ là một dân tộc năng động, chăm chỉ, quyết đoán và có năng lực. Nền văn hóa đầy nhiệt huyết đưa họ đến những thành tựu được định hướng.
Sau một số khởi đầu thất bại, cuối cùng, những vị lãnh đạo Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên đã gặp nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 13/6/2000 tại Bình Nhưỡng. Chương trình truyền hình trực tiếp những cuộc gặp của họ đã làm kinh ngạc người dân Nam Triều Tiên. Nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il, đã biểu lộ sự nhiệt tình, vui tính và thân thiện. Một làn sóng hớn hở lan ra trong người dân Nam Triều Tiên. Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng bị ấn tượng. Nhưng những nghi ngờ vẫn tồn tại. Đây chẳng phải là con người đã ra lệnh ám sát các bộ trưởng Nam Triều Tiên tại một buổi lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Rangoon năm 1983 và đặt bom một máy bay Nam Triều Tiên năm 1987 sao?
Trong cùng những ngày này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Madeleine Albright đã đến thăm Bắc Kinh và Seoul. Tại Seoul, bà tuyên bố quân đội Mỹ sẽ vẫn ở lại Nam Triều Tiên. Nhưng nếu thái độ cởi mở này tiếp tục thì bà hẳn phải tính đến việc miền Bắc thúc giục việc rút quân và miền Nam ủng hộ. Và nếu Bắc Triều Tiên ngừng phát triển tên lửa, thì điều đó sẽ loại bỏ nhu cầu về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ, hệ thống này được dùng để đề phòng sự tấn công tên lửa từ Bắc Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc.
Tôi đã gặp chủ tịch Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh vào buổi chiều của cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên đó. Ông ta đang trong trạng thái hưng phấn, thuật lại chi tiết một cách sung sướng về cú bắt tay của hai nhà lãnh đạo mà ông ấy đã xem trên truyền hình. Giang có nhiều thứ để hài lòng, Kim Jong Il đã thực hiện một cuộc viếng thăm hiếm hoi đến Bắc Kinh để bàn bạc vấn đề đó với ông hai tuần trước khi sự kiện này xảy ra.
@by txiuqw4