Năm 1954, lần đầu tiên tôi đến thăm Hong Kong trên con tàu của Ý mang tên "Á Châu". Tàu ở lại Hong Kong ba đêm, thế là tôi và Choo được dịp thả bộ vòng quanh thuộc địa này. Hong Kong là một thành phố đẹp nằm trên hòn đảo chắn phía trước vịnh cùng với một khu ngoại ô đang phát triển ở bên bán đảo Cửu Long. Thành phố này hấp dẫn vì phía sau lưng trung tâm thành phố là đồi Peak cao chừng 300 mét với những con đường và nhà cửa rải rác trên sườn đồi.
Người dân ở đây làm việc chăm chỉ, hàng hóa rẻ, dịch vụ thật tuyệt vời. Vào buổi sáng nọ, tôi được đưa đến một cửa hiệu để đo may hai bộ com–lê. Đến chiều tôi trở lại mặc thử và tối hôm đó hai bộ com–lê được giao đến tận buồng tôi ở trên tàu, một dịch vụ mà thợ may ở Singapore không thể làm được. Lúc bấy giờ tôi không hiểu được rằng khi cộng sản “giải phóng” Trung Hoa đại lục vào năm 1949, thì trong dòng người chừng 1 đến 2 triệu tị nạn từ đại lục sang đó có một số nhà doanh nghiệp cự phách, giới chuyên môn và trí thức từ Thượng Hải và các tỉnh Triết Giang, Giang Tô và Quảng Đông. Họ hình thành nên lớp dày những nhân tài đã biến đổi Hong Kong thành một trong những thành phố năng động nhất thế giới với sự hỗ trợ của những người công nhân người Hoa tháo vát, có đầu óc kinh doanh, những người đã quyết bỏ Trung Quốc ra đi hơn là sống dưới chế độ cộng sản.
Đối với thế giới nói chung, Hong Kong và Singapore là hai thành phố tương tự của người Hoa, tương đương nhau về mặt tầm cỡ. Đối với tôi, chúng có nhiều điểm tương phản cũng như nhiều điểm tương đồng nhau. Hong Kong có diện tích đất gấp hai diện tích Singapore, với dân số gấp hai dân số nước chúng tôi sống chen chúc trên hòn đảo, bán đảo Cửu Long và Lãnh thổ Mới. Vào năm 1949, Hong Kong có môi trường chính trị và kinh tế ảm đạm, hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiềm chế của Trung Hoa đại lục. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có thể tiến vào bất cứ lúc nào một khi được lệnh. Song, bất chấp tình trạng không ổn định cũng như nỗi lo sợ về một tương lai đầy thảm họa, Hong Kong vẫn phát triển thịnh vượng.
Singapore hồi đó không đứng trước một viễn cảnh thảm khốc như vậy. Tôi cảm thấy yên tâm vì chúng tôi không sống bấp bênh như vậy dưới những sức ép dữ dội như Hong Kong đã phải gánh chịu. Thậm chí sau khi Malaya độc lập vào năm 1957, Singapore vẫn còn gắn liền với bán đảo này về mặt kinh tế và địa lý, dân chúng hai bên vẫn qua lại buôn bán làm ăn. Chỉ vào năm 1965, sau khi chúng tôi bị yêu cầu tách khỏi Malaysia, chúng tôi mới thật sự đứng trước một tương lai ảm đạm. Nhưng không giống như Hong Kong, chúng tôi không có một triệu rưỡi dân tị nạn từ đại lục đến. Nếu chúng tôi có được dòng người trong đó có những nhà doanh nghiệp cự phách cùng những con người đầy nghị lực, tháo vát, cần cù thì chúng tôi đã có thêm nhiều thuận lợi. Quả thật, một dòng người tị nạn tương tự từ Trung Hoa đại lục đến Đài Loan năm 1949 cũng đã giúp ích cho Đài Loan. Không có dòng người tị nạn này, Đài Loan chưa chắc đã có được những nhân tài hàng đầu từng thống trị nước Trung Hoa trước năm 1949. Với sự viện trợ của Hoa Kỳ, bộ máy chính quyền của họ đã chuyển hóa Đài Loan. Khi tất cả những sự kiện này xảy ra vào năm 1949, tôi chưa hiểu được tầm quan trọng của nhân tài, nhất là tài kinh doanh, cũng như chưa hiểu được rằng nhân tài được đào tạo chính là chất men làm thay đổi xã hội và thúc đẩy xã hội đi lên.
Lần kế đó tôi đến thăm Hong Kong vào tháng 5/1962. Trong vòng tám năm, Hong Kong đã tiến xa lên phía trước so với Singapore nếu xét qua những tòa nhà, cửa hiệu mà tôi đã nhìn thấy. Sau khi độc lập vào năm 1965, tôi quyết định hầu như năm nào cũng đến thăm Hong Kong để xem họ giải quyết những khó khăn của họ như thế nào và liệu có thể học hỏi ở họ những kinh nghiệm gì. Tôi xem Hong Kong là nguồn cảm hứng, nguồn ý tưởng về những gì có thể đạt được nếu là một xã hội năng nổ. Tôi cũng có ý định thu hút một số nhà doanh nghiệp, nhất là các nhà sản xuất nhằm thiết lập các nhà máy dệt cũng như các nhà máy khác ở Singapore. Giới truyền thông Hong Kong nhìn những nỗ lực của tôi với con mắt không mấy thiện chí nên họ viết những bài tường thuật chỉ trích Singapore gay gắt nhằm can ngăn người của họ ra đi.
Tháng 2/1970, trường Đại học Hong Kong trao tặng tôi bằng tiến sĩ luật danh dự. Trong bài diễn văn của mình, tôi phát biểu: "Là những người tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa, Hong Kong và Singapore có thể đóng vai trò làm chất xúc tác để đẩy nhanh sự thay đổi của những xã hội nông nghiệp lâu đời xung quanh họ…" Tôi hy vọng rằng: "Họ có thể trở thành những mũi nhọn để truyền bá không chỉ những kỹ thuật chế tạo tinh vi của thế giới phát triển mà quan trọng hơn là các giá trị và kỷ cương, cũng như kỹ năng và bí quyết công nghệ. Một thập niên sau đó, cả hai nước đều thực hiện được điều này.
Sau chuyến thăm này, tôi viết cho Ủy ban Phát triển Kinh tế của chúng tôi rằng với tình hình chính trị không ổn định ở Hong Kong do tình hình Trung Quốc gây nên và việc chấm dứt vào năm 1997 hợp đồng cho Anh thuê 99 năm Lãnh thổ Mới, Singapore có thể thu hút được một số chất xám và công nhân lành nghề của họ. Chúng tôi cũng có thể cung cấp cho Hong Kong tay nghề và tín dụng khi họ thiếu.
Sự ngưỡng mộ của tôi đối với nhân dân Hong Kong và khả năng bật dậy của họ mỗi khi thất bại chưa bao giờ giảm sút. Trong thập kỷ 70, Hong Kong cũng như Singapore gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, song họ đã điều chỉnh nhanh chóng hơn. Các cửa hàng hạ giá bán, công nhân chấp nhận cắt giảm lương. Số ít công đoàn mà họ có đã không đấu tranh chống các thế lực thị trường. Ở Singapore, chúng tôi phải làm dịu bớt tác động của lạm phát, tình trạng suy thoái, và giúp giảm bớt khó khăn của công nhân do mức sống đột ngột giảm xuống bằng cách dàn xếp các vấn đề giữa giới quản trị và các nghiệp đoàn.
Người Hong Kong không phụ thuộc vào chính quyền mà phụ thuộc vào bản thân và gia đình họ. Họ tích cực làm việc và thử vận may trong kinh doanh bằng cách bán hàng rong, sản xuất vật dụng hoặc mua đi bán lại. Nỗ lực đạt đến thành công của họ rất mãnh liệt. Quan hệ gia đình và dòng họ rất gắn bó. Rất lâu trước khi Milton Friedman chọn Hong Kong như một mô hình kinh tế tự do kinh doanh, tôi đã nhìn thấy lợi thế của việc có ít hoặc không có hệ thống bảo hiểm an toàn về mặt xã hội. Điều này đã thôi thúc người Hong Kong phấn đấu nỗ lực để thành công. Không có một khế ước nào về bảo hiểm xã hội giữa chính quyền thuộc địa và họ. Không giống như người Singapore, họ không có khả năng bảo vệ và không bảo vệ bản thân hay các lợi ích tập thể. Họ không phải là một quốc gia, quả vậy, họ không được phép trở thành một quốc gia. Trung Quốc sẽ không cho phép họ làm điều đó và người Anh thì chưa bao giờ thử làm điều đó. Đó là sự khác biệt lớn giữa Hong Kong và Singapore.
Chúng tôi buộc phải trở thành một quốc gia, nếu không sẽ phải ngừng tồn tại. Chúng tôi phải bù lỗ cho giáo dục, y tế và nhà ở, dù rằng tôi đã cố tránh những ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa phúc lợi. Tuy nhiên, người Singapore không sánh bằng người Hong Kong về mặt nỗ lực và động cơ. Ở Hong Kong, khi người ta thất bại, họ tự trách mình hoặc đổ cho vận rủi của họ, rồi tự đứng lên và làm lại từ đầu với hy vọng vận may sẽ đến. Đối với chính phủ và cuộc sống, người Singapore có thái độ khác. Họ thích có việc làm ổn định, không phải lo âu. Khi họ không thành công, họ đổ lỗi cho chính phủ vì họ cho rằng bổn phận của chính phủ là phải đảm bảo đời sống của họ ngày càng tốt hơn. Họ mong đợi chính phủ không những dàn xếp được một sân chơi công bằng mà còn phải tưởng thưởng thậm chí cho những người chơi tồi khi kết thúc cuộc đua. Người Singapore bỏ phiếu cho các nghị sĩ, bộ trưởng và trông chờ họ phân phát mọi phần thưởng có thể có.
Một nhà doanh nghiệp Hong Kong định cư ở Singapore đã tóm tắt súc tích điều đó cho tôi nghe. Vào đầu thập niên 70, khi ông ta xây dựng các nhà máy dệt và may mặc ở Singapore, ông ta mang theo những quản lý người Hong Kong và thuê thêm một số người Singapore. Đến năm 1994, những nhà quản lý người Singapore vẫn tiếp tục làm việc cho ông ta trong khi các quản lý người Hong Kong đã thành lập doanh nghiệp riêng và cạnh tranh với ông ta. Họ thấy chẳng có lý do gì họ phải làm việc cho ông ta trong khi họ am hiểu về công việc kinh doanh không kém ông ta. Tất cả những gì họ cần là có một ít vốn, và khi họ có vốn rồi thì họ đi luôn. Người Singapore thiếu nỗ lực kinh doanh, và không sẵn lòng chấp nhận rủi ro để đi đến thành công và trở thành ông trùm. Trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi đáng khích lệ. Khi trong khu vực có được sự tăng trưởng nhanh chóng, các chuyên gia và nhà điều hành trẻ mới dám ra làm ăn riêng; ban đầu chỉ là những nhà quản lý ăn lương, được khuyến khích góp cổ phần, rồi sau đó khi đã biết được những rủi ro, tự tin trong công việc thì họ kinh doanh riêng.
Chúng tôi đã thu hút được một số nhà doanh nghiệp về ngành dệt, may mặc, nhựa, đồ kim hoàn, một ít thợ khắc ngà voi và mài kim cương và một số người làm đồ gỗ từ Hong Kong. Trong những năm 60 và đầu những năm 70, hầu hết những người này được hoan nghênh nhất do họ đã tạo ra nhiều việc làm và mang lại tinh thần lạc quan. Những người giỏi nhất vẫn ở lại Hong Kong, vì ở đó họ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn ở Singapore. Tuy nhiên, họ đã lập ra các chi nhánh, như chúng tôi hy vọng, và cho những cậu con trai của họ trông coi chi nhánh ở Singapore.
Sau khi tuyên bố chung năm 1984 giữa Liên hiệp Vương quốc Anh và Trung Quốc về việc giải quyết tương lai của thuộc địa này được công bố, tôi mời một nhóm doanh nhân và chuyên gia hàng đầu sang thăm Singapore trong tuần lễ kỷ niệm Quốc khánh của chúng tôi vào tháng 8 đó. Kết quả là một nhóm trùm tư bản Hong Kong đã cùng nhau đầu tư trên 2 tỷ đôla Singapore để xây dựng khu liên hợp văn phòng, hội trường và nhà triển lãm lớn nhất Singapore mang tên Suntec City, là nơi mà chúng tôi đã tổ chức hội nghị các bộ trưởng của Tổ chức Thương Mại thế giới (WTO) đầu tiên vào tháng 12/1996, một năm sau khi tòa nhà hoàn thành. Đó là một trong những khoản tiền dành cho tương lai mà họ rải khắp các thành phố duyên hải Thái Bình Dương, chủ yếu là ở Bắc Mỹ và Úc. Giới truyền thông Hong Kong cho rằng Singapore muốn gạn lấy nhân tài của họ, song chính vì lợi ích của chúng tôi mà chúng tôi muốn có một Hong Kong thành công sau khi chủ quyền của nó được trả về cho Trung Quốc. Cướp bóc và bòn rút nhân tài của Hong Kong chỉ là việc làm nhất thời. Một Hong Kong thịnh vượng sẽ là nguồn kinh doanh và mối lợi lâu dài.
Người Anh cai trị Hong Kong theo truyền thống đế chế xưa – kiêu căng, khinh khỉnh, trịch thượng đối với dân địa phương và cả đối với tôi, bởi vì tôi là người Hoa. Các toàn quyền Hong Kong trước đây đều được đề bạt từ hàng ngũ quân chủng thuộc địa của Anh. Sau năm 1971, việc đề bạt này thay đổi. Murray MacLehose vốn là người của Bộ Ngoại giao Anh, một bộ cao cấp. Ông ta quyết định đến thăm Singapore trước khi nhậm chức. Hong Kong bị nạn tham nhũng tràn lan, ông ta muốn biết chúng tôi đã chế ngự chúng bằng cách nào. Ông ta còn muốn biết chúng tôi đã làm gì cho nền giáo dục, nhất là các trường bách khoa của chúng tôi. Hong Kong không có trường nào; hầu như họ chẳng đầu tư gì cho giáo dục kỹ thuật. Ông ta muốn xem khu nhà ở công cộng của chúng tôi; ông ta muốn cải thiện nhà ở của họ trước khi tình trạng này trở nên nguy ngập.
Người Anh đã cung cấp một nền hành chính trung thực, ngoại trừ khoảng 10 năm trước khi MacLehose trở thành toàn quyền Hong Kong. Lúc bấy giờ nạn tham nhũng trầm trọng đến nỗi ông ta phải áp dụng những biện pháp mạnh dựa vào những luật và thực tiễn chống tham nhũng của Singapore. Đương nhiên là những luật chơi kiểu thuộc địa này có lợi cho cộng đồng kinh doanh người Anh. Ngân hàng Hong Kong & Thượng Hải và Ngân hàng Chatered là những ngân hàng phát hành tiền. Các hãng buôn lớn của người Anh (hình thành do sáp nhập nhiều công ty thương mại với nhau và về sau trở thành tập đoàn kinh doanh đa dạng) có vị trí đặc quyền, song những đặc quyền của họ giảm dần đi khi sự thống trị của người Anh đã bước vào thập niên cuối cùng với nhiều hãng buôn lớn của Anh bị người Hoa ở Hong Kong mua lại.
Trước khi toàn quyền kế tiếp David Wilson nhậm chức vào năm 1987, ông ta cũng đến thăm Singapore để tìm hiểu cách thức cộng đồng đa số người Hoa tự tổ chức và tìm cách giải quyết những vấn đề của họ. Ông ta cũng là một quan chức Bộ ngoại giao và là một chuyên gia về Trung Quốc. Wilson muốn biết kinh nghiệm giành độc lập của Singapore. Tôi nói với ông ta rằng hoàn cảnh của chúng tôi khác với Hong Kong. Chúng tôi là một phần của Malaysia, khi đó chúng tôi không có ý định tách ra độc lập nhưng bị buộc phải nắm lấy vận mệnh của mình. Còn Đặc khu Hành chính Hong Kong (Special Administrative Region – SAR) sẽ là một phần của Trung Quốc. Bất kỳ vị quản trị trưởng nào của Hong Kong cũng phải hiểu Trung Quốc và học cách sống cùng những người lãnh đạo của nó trong khi bảo vệ các lợi ích của Hong Kong. Ông ta sẽ không có quyền tự do hoàn toàn để hành động.
Cho đến năm 1992, chính sách của Anh là tham khảo và thương lượng với Trung Quốc về bất cứ thay đổi cơ bản nào mà họ định đưa ra trong chính sách trước khi công bố. Điều này nhằm đạt được cái mà người Anh gọi là "con tàu suốt". Nói cách khác, không có sự thay đổi nào cả về đầu máy lẫn toa xe khi nó tới điểm tiếp giữa Hong Kong thuộc Anh vào ngày 30/6/1997 và Hong Kong thuộc Trung Quốc vào ngày 1/7/1997. Sau cú sốc Thiên An Môn năm 1989, chính phủ Anh cảm thấy nên làm điều gì đó ngoài những gì đã được thỏa thuận với Trung Quốc trong Tuyên bố chung năm 1984. Người Anh muốn nhẹ nhõm lương tâm rằng họ đã làm hết sức mình để bảo vệ lối sống của người Hong Kong sau khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc.
Sáu tuần sau vụ Thiên An Môn, chúng tôi đưa ra đề nghị cho 25.000 gia đình Hong Kong cư trú lâu dài theo Điều luật cư trú được chấp thuận về nguyên tắc (Approval In–Principle – AIP), nghĩa là những người này không phải chuyển đến Singapore ở chừng nào chưa có nhu cầu. Điều luật AIP này sẽ có giá trị trong vòng 5 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm. Như vậy sẽ không lôi kéo nhân tài ra khỏi Hong Kong giữa lúc xứ sở này đang trong tình trạng bất ổn lớn. Hàng nghìn người tụ tập bên ngoài Phái bộ Singapore ở Hong Kong để nhận mẫu đơn và suýt gây ra bạo loạn.
Tháng 1/1990, khi tôi gặp toàn quyền Wilson ở Hong Kong, tôi cam đoan với ông ta rằng tôi không có ý định gây tổn hại cho Hong Kong khi đưa ra đề nghị AIP, rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Hong Kong kỹ thuật và tín dụng khi họ thiếu, và ngược lại; như vậy mỗi bên sẽ kiếm được lợi nhuận từ nguồn vốn, kỹ thuật và nhân tài của nhau. Chúng tôi không ngờ được hưởng ứng sôi nổi như vậy. Nhiều người nộp đơn nhưng không đủ tiêu chuẩn vì họ không có trình độ học vấn hay khả năng tay nghề cần thiết. Sau một năm, chúng tôi đã cho phép nhập cư tất cả là 50.000 người theo điều kiện AIP, gấp đôi con số dự kiến. Tính đến năm 1997, chỉ có 8.500 người chuyển đến Singapore. Hong Kong đã sớm hồi phục sau vụ Thiên An Môn và làm ăn phát đạt. Ở Hong Kong, người dân kiếm được nhiều tiền hơn ở Singapore hay bất kỳ nơi nào khác. Thật vậy, nhiều người di dân sang Canada, Úc và New Zealand sau đó lại trở về làm việc ở Hong Kong, thường là họ để gia đình ở lại.
Giống như những vị tiền nhiệm Wilson và MacLehose của ông ta, vào tháng 7/1992, Chris Patten cũng ghé qua Singapore trên đường đến nhậm chức ở Hong Kong. Sau một tiếng đồng hồ thảo luận, tôi có cảm giác ông ta muốn mở rộng giới hạn của những gì mà người Anh đã ký ước với Trung Quốc và tôi đã hỏi: "Ông có dự tính gì à? Có gì mới không?" Thay vì trả lời, ông ta chỉ lặp lại câu hỏi của tôi: "Có gì mới à?" Tôi cảm thấy bất an rằng ông ta đang dự tính những cải cách có thể dẫn đến phá vỡ hiệp định. Sau cuộc gặp của chúng tôi, các nhà báo Hong Kong đã đến Singapore phỏng vấn tôi. Để ngăn chặn họ đưa tin sai lệch, thay vì gặp họ, tôi đã đưa ra bản công bố: "Tôi tin rằng nếu những mục tiêu mà ông ta (Patten) quyết định nằm trong khuôn khổ của Tuyên bố chung và Luật cơ bản, thì ông ta sẽ có những lý do vững chắc để điều hành và xây dựng… thước đo tốt nhất về thành công của ông ta là hệ thống mà ông ta để lại vẫn tiếp tục hoạt động tốt cho Hong Kong sau năm 1997".
Vào tháng 10/1992, sau chuyến thăm Trung Quốc, tôi đến Hong Kong. Patten đã tuyên bố rằng ông ta sẽ mở rộng cử tri đoàn cho những khu bầu cử theo ngành nghề đại diện cho các nhà doanh nghiệp, giới chuyên môn và các nhóm lợi ích đặc biệt khác bằng cách đưa vào danh sách cử tri những người làm thuê cho những người này. Khi báo giới phỏng vấn, tôi phát biểu rằng: "Những đề nghị của Patten về việc tăng cường nền dân chủ là rất sáng tạo… Rất thông minh. Những đề nghị của ông ta luồn lách qua những khe hở của Luật cơ bản và Tuyên bố chung”. Song, tôi thêm vào: "Kế hoạch của Patten giống một chương trình nghị sự cho hành động của một lãnh tụ theo chủ nghĩa quốc gia đang huy động toàn dân đấu tranh giành độc lập từ một cường quốc thực dân hơn là chương trình từ biệt của một toàn quyền thuộc địa sắp ra đi”. Khi gặp riêng Patten ở dinh thống đốc, tôi cảnh báo ông ta rằng ông ta đã làm mất ý nghĩa của “khu bầu cử theo ngành nghề”, bởi vì ngoài nhóm chuyên gia hay những nhà doanh nghiệp “chủ yếu” như đã dự trù, ông ta lại mở rộng ra cho tất cả người làm thuê.
Vào giữa tháng 12, tôi trở lại Hong Kong để nói chuyện ở Đại học Hong Kong. Patten với tư cách hiệu trưởng danh dự của trường này làm chủ tọa. Để trả lời một câu hỏi từ phía khán giả về những cải cách do ông ta đề nghị, tôi trích đọc một số đoạn trong các bài diễn văn của hai cựu toàn quyền tại thượng nghị viện là Murray MacLehose và David Wilson, và một bài trả lời phỏng vấn của Sir Percy Cradock, cố vấn chính trị của Thatcher; ông này chính là người đã đàm phán với Trung Quốc. Cả ba vị này đã cho thấy rằng đường lối hành động của Patten ngược lại với những gì mà họ – thành viên của đoàn Anh – đã thương lượng và thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc. Tôi nghĩ tốt hơn nên phát biểu quan điểm của mình trong sự có mặt của ông ta để ông ta có thể trả lời nếu ông ta muốn, song ông ta không trả lời.
Patten cầm quyền trong năm năm cuối cùng của nền cai trị thuộc địa, thường xuyên vướng mắc vào những cuộc tranh cãi với chính phủ Trung Quốc. Người Trung Quốc giận dữ phản đối biện pháp của Patten. Nếu người Anh muốn làm như vậy tức là họ sẵn sàng hủy bỏ toàn bộ hiệp định. Họ tuyên bố họ sẽ phủ định những thay đổi của Patten. Vào tháng 7/1993, người Trung Quốc thành lập một ủy ban công tác lâm thời nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau 1/7/1997. Vào tháng 8/1994, Ủy ban thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc biểu quyết thay Hội đồng lập pháp (Legislative Council – Legco) và các hội đồng thành phố và khu vực, và các ủy ban quận, huyện. Toàn quyền Hong Kong và chính phủ Anh ở London không tiếp nhận sự bác bỏ này một cách nghiêm túc. Patten tổ chức bầu cử vào tháng 9/1995, ông ta đưa vào 9 khu bầu cử theo ngành nghề mới và mở rộng cử tri đoàn bao gồm toàn bộ dân lao động gồm 2,7 triệu cử tri. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không công nhận kết quả bầu cử và cho rằng cơ cấu chính trị do người Anh dựng lên không phù hợp với Bộ luật Cơ bản và Tuyên bố chung, do đó sẽ bị loại bỏ và chắc chắn hội đồng lập pháp sẽ được tái thiết lập. Vị toàn quyền tin rằng cuối cùng chính phủ Trung Quốc sẽ ưng thuận bởi vì không làm như vậy tức là đi ngược lại nguyện vọng nhân dân và sẽ tổn thất lớn về mặt quốc tế.
Tôi thoáng nhận ra suy nghĩ chính thức của người Anh sau một cuộc thảo luận với Malcolm Rifkind vào tháng 5/1993, lúc ấy ông ta còn là thứ trưởng nội các phụ trách vấn đề quốc phòng và về sau là ngoại trưởng. Người Anh cảm thấy họ có trách nhiệm đảm bảo sao cho dân chủ là nếp sống cơ bản của Hong Kong cho đến năm 1997. Và họ tin rằng cho dù không có trưng cầu dân ý thì đó cũng là nguyện vọng của người dân thuộc địa. Tôi nói rằng những gì mà nhiều người Hong Kong muốn là mãi mãi không dính dáng gì với Trung Quốc. Do vấn đề trên không khả thi, nên chắc chắn phương cách hướng tới tương lai tốt nhất – nếu họ muốn tiếp tục phát triển và thịnh vượng – là làm cho những nhà quản lý và giới lãnh đạo tương lai của Hong Kong biết và hiểu những người quản lý và lãnh đạo ở Trung Quốc và biết bảo vệ những nhu cầu đặc biệt của hòn đảo này. Rifkind nói họ đang cố xây dựng một cơ cấu hiến pháp vững bền ở Hong Kong nhằm gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc xóa bỏ chế độ dân chủ, thực tế là thiết lập một hệ thống đảm bảo các quyền tự do theo quan niệm hiển nhiên của phương Tây, chẳng hạn như tự do không bị bắt bớ và tự do đi lại. Nếu thể chế này vững bền, nó sẽ gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc phá hủy nó. Tôi nói đó sẽ là một nỗ lực vô ích. Quản trị trưởng Hong Kong phải điều chỉnh và thích nghi với những lợi ích hàng đầu của Trung Quốc. Chỉ còn có 4 năm nữa, không thể nào giáo dục người Hong Kong thấm nhuần những giá trị dân chủ và nếp sống văn hóa chưa bao giờ tồn tại ở đó. Đây là một cuộc thử nghiệm ý chí mà người Anh không thể nào thắng.
Tôi đi đến kết luận rằng người Anh đang đặt hy vọng vào việc Mỹ giương dùi cui chống Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền và dân chủ. Mỹ có cái thế đòn bẩy trong thương mại, cụ thể là nhập siêu 20 tỷ đôla Mỹ trong năm 1992 và sẽ tăng vọt lên đến 40 tỷ đôla Mỹ trong năm 1997. Một thế đòn bẩy nữa là việc Mỹ đang cho Trung Quốc hưởng Quy chế tối huệ quốc (Most Favored Nation – MFN) hàng năm đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Song Trung Quốc có thể trả đũa lại bằng thái độ không hợp tác về mặt hạn chế năng lực tiềm tàng của kỹ thuật tên lửa tầm xa và nguyên tử hạt nhân.
Giới truyền thông phương Tây muốn dân chủ hóa Trung Quốc thông qua Hong Kong, hoặc ít nhất cũng gây sức ép đối với Trung Quốc thông qua những thay đổi mang tính dân chủ được đưa vào Hong Kong. Do đó họ ủng hộ những cải cách chính trị đơn phương và quá muộn màng của toàn quyền Hong Kong Patten. Việc này đã khích lệ một số chính khách của lãnh thổ này tin rằng họ có thể hành động tựa hồ Hong Kong có thể độc lập.
Quan trọng hơn tất cả những động thái chính trị giữa một bên là Anh và Mỹ và một bên là Trung Quốc là sự phát triển kinh tế mạnh mẽ không ngờ ở Trung Quốc. Sau vụ Thiên An Môn năm 1989, khi các nhà đầu tư phương Tây đứng ngoài, không chịu vào Trung Quốc thì các doanh nhân người Hoa từ Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan mạnh dạn đầu tư vào Trung Quốc. Trong suốt 3 năm họ làm ăn phát đạt. Họ chỉ cho thế giới hoài nghi thấy rằng quan hệ tức quan hệ cá nhân – cùng nói một thứ tiếng, có chung một nền văn hóa, và không theo quy tắc – sẽ bổ khuyết những thiếu sót trong luật pháp. Những Hoa kiều này thành công đến nỗi vào tháng 11/1993, tại Hội nghị các nhà doanh nghiệp người Hoa trên thế giới lần thứ hai tổ chức tại Hong Kong, tôi cảnh báo họ rằng nếu những công trình đầu tư của họ ở Trung Quốc gây bất lợi cho những quốc gia nơi họ đang sống, thì chúng sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa họ với chính phủ của họ.
Thị trường bất động sản và chứng khoán Hong Kong sụp đổ sau cú sốc Thiên An Môn cộng với viễn cảnh thuộc địa này sẽ bị trao trả về Trung Quốc. Tám năm sau, Trung Quốc đã đạt được một sự biến chuyển hoàn toàn trong nền kinh tế, và Hong Kong thì mong chờ tiếp tục tăng trưởng với một Trung Quốc thịnh vượng. Khi ngày 1/7/1997 đến gần, thị trường bất động sản và chứng khoán Hong Kong vững dần lên, biểu thị một niềm tin có lẽ không ai đã tiên đoán được. Các doanh nhân Hong Kong từng quyết định ở lại (đa phần đều ở lại) đã chấp nhận một thực tế là tương lai của họ phụ thuộc vào những mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Công việc làm ăn của Trung Quốc thông qua Hong Kong sẽ làm cho lãnh thổ này ngày càng thịnh vượng hơn cho đến thời điểm khi Thượng Hải và các thị thành duyên hải khác đã phát triển và xây dựng các công trình của họ.
Tôi ở Hong Kong suốt một tuần lễ trước ngày bàn giao 30/6/1997 và gặp ông Đổng Kiến Hoa. Trong vòng 6 tháng kể từ khi được chọn bổ nhiệm làm Quản trị trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, ông ta đã trải qua một sự thay đổi trời biển. Từ một người rất riêng tư, cả đời chỉ chăm chú cùng gia đình kinh doanh vận tải đường biển, bỗng nhiên thấy mình đang trước ánh sáng chói lòa và ống kính của giới truyền thông, thường xuyên phải trả lời những câu hỏi hóc búa của giới nhà báo. Ông ta thừa nhận rằng muốn Hong Kong thành công, thì Trung Quốc phải thành công. Đó là nền tảng đúng đắn để điều hành Hong Kong. Tôi nhận thấy tầng lớp ưu tú trong doanh nghiệp và chuyên môn đã điều chỉnh về mặt tâm lý để thích nghi với tư thế một đặc khu của Trung Quốc. Giới truyền thông bằng tiếng Hoa của Hong Kong cũng vậy. Thậm chí tờ báo bất nhã nhất trong báo giới tiếng Hoa là nhật báo do một doanh nhân tự do điều hành đã từng lăng mạ và xúc phạm Thủ tướng Lý Bằng, cũng xuống giọng. Báo giới luôn biết đâu là giới hạn.
Thế nhưng, toàn quyền Patten vẫn tiếp tục cãi vã với Bắc Kinh đến cùng. Các nhà lãnh đạo Anh tẩy chay lễ tuyên thệ của cơ quan lập pháp lâm thời. Họ tuyên bố rằng điều này vi phạm Tuyên bố chung. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không được mời đến dự lễ chia tay của người Anh, nhưng dẫu có được mời thì họ cũng không dự. Trung Quốc muốn có một đội quân chính quy có mặt ở Hong Kong trước khi Giang Trạch Dân đến dự lễ bàn giao vào nửa đêm 30/6. Lúc đầu người Anh từ chối song rốt cuộc họ cho phép khoảng 500 quân trang bị vũ khí nhẹ tiến vào lúc 9 giờ tối. Khi Trung Quốc thông báo vào ngày trước thời hạn chót rằng họ sẽ đưa thêm khoảng 4000 quân đến Hong Kong vào 4 giờ sáng ngày 1/7, thì vị toàn quyền sắp ra đi lên án đây là "tin khủng khiếp". Điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Chủ quyền đã được trao lại cho Trung quốc vào lúc nửa đêm ngày 30/6, và Hong Kong đã là lãnh thổ của Trung Quốc rồi.
Trong những giờ đầu tiên của ngày 1/7, sau lễ bàn giao, tôi nghe thấy một đám đông dùng loa phóng thanh chạy bằng pin hô to những khẩu hiệu khoảng chừng 10 đến 15 phút. Sau này, tôi được biết khoảng 3.000 người biểu tình đã làm chuyện đó, có cảnh sát dẹp đường cho họ trên những đường phố trống vắng. Martin Lee, lãnh tụ Đảng Dân chủ từ trên ban công tòa nhà hội đồng lập pháp đang phát biểu trước đám đông về việc tiếp tục cuộc đấu tranh của họ cho nền dân chủ. Đó không phải là tình thế cách mạng. Giới truyền thông quốc tế đã tường thuật sự phản kháng mang tính lễ nghi này.
Kể cũng lạ, không khí Hong Kong rất im ắng. Để chuẩn bị cho khoảnh khắc này, người dân ở đây đã chờ 13 năm kể từ Tuyên bố chung 1984. Không có một biểu hiện hân hoan nào khi được mẫu quốc dang tay đón nhận lại, cũng tuyệt nhiên không thấy nỗi buồn nào trước việc ra đi của người Anh, không một lời tạm biệt yêu thương từ phía dân chúng tại lễ diễu hành chia tay hay khi chiếc thuyền Britannia của Hoàng gia chở vị toàn quyền sau cùng nhổ neo ra đi. Patten đã làm cho năm năm thống trị sau cùng của người Anh trở nên gay gắt. Ông ta đã làm trật đường rày "con tàu suốt" mà Trung Quốc đã đồng ý, theo đó Hội đồng lập pháp được bầu ra năm 1995 lẽ ra vẫn tiếp tục sau khi thống nhất đất nước vào năm 1997, và đã để lại sau lưng một cơ quan lập pháp với những quy định về bầu cử kém thoáng đãng hơn so với trường hợp ông ta đừng đơn phương thay đổi chúng.
Ngay khi bắt tay vào công việc vào ngày 1/7/1997, quản trị trưởng Đổng Kiến Hoa và các quan chức hàng đầu của ông ta đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á, mặc dù mãi đến năm 1998 họ mới biết đến nó. Vào ngày 2/7, Thái Lan phá giá đồng baht, gây ra một sự sụt giá lan khắp khu vực, rồi lan đến Nga và tận Brazil. Để ghìm giữ đồng đôla Hong Kong khỏi mất giá so với đồng đôla Mỹ, Hong Kong buộc phải tăng lãi suất. Thế là bất động sản, cổ phần và tất cả các tài sản khác đều sụt giá gây nên suy thoái và nạn thất nghiệp. Sự bất mãn với chính quyền gia tăng. Niềm mong đợi của người dân Hong Kong đã thay đổi. Sống dưới một chính quyền thực dân nước ngoài, họ chẳng mong đợi điều gì ngoại trừ được bảo hộ khỏi cộng sản Trung Quốc. Dưới chính quyền người Hong Kong thuộc Trung Quốc, người ta mong đợi nhiều hơn nữa. Vậy mà Hong Kong lại phải gánh chịu dịch cúm gà, một loại vi–rút hiếm có, đặc biệt đe dọa người già và trẻ em. Phải giết đến một triệu con gà, những chủ nuôi gà đòi bồi thường và họ đã được đáp ứng. Khi tảo đỏ (red algae)40 tàn phá nguồn cá của dân nuôi cá, họ cũng đòi bồi thường và được đáp ứng. Lúc bấy giờ một công ty đầu tư phá sản và những nhà đầu tư đã ký thác chứng khoán tạm thời vào đó cũng được đền bù.
Vào tháng 6/1999, trong thời gian ở Hong Kong để tham dự một cuộc hội nghị, tôi gặp nhiều người và thấy họ rất lo lắng, trong đó có một số bạn bè cũ và những người tôi mới quen biết. Họ phân tích những vấn đề của họ thật rõ ràng, nhưng không tìm ra giải pháp. Họ kể lại chi tiết rằng ở vào thời kỳ cuối của chế độ thống trị đế chế, người Anh đã nới lỏng sự cai trị đối với Hong Kong. Để tránh khơi dậy sự phản kháng và đối đầu do thực thi những chính sách không được lòng dân, họ lại nhượng bộ những nhóm người gây sức ép như tài xế taxi, những người từng đe dọa đình công khi chính quyền muốn loại dần động cơ điện điêzen dùng cho taxi để giảm bớt ô nhiễm. Những nhóm người gây sức ép biết cách chống lại và làm thất bại những chính sách cứng rắn bằng cách tăng cường các cuộc biểu tình phản đối. Giờ đây Hong Kong là một phần của Trung Quốc, nên vị quản trị trưởng của họ không có quyền lực chính trị để chống lại những hành động như vậy. Không giống như các toàn quyền người Anh, những người vốn cho rằng việc Hội đồng lập pháp ủng hộ là dĩ nhiên, ông Đổng Kiến Hoa phải đối phó với những ủy viên hội đồng lập pháp mà trong đó không một ai cảm thấy mình có bổn phận ủng hộ chính sách của ông ta. Các quan chức dân chính cao cấp của ông ta không phải là dân biểu nên không có được sự ủy nhiệm của cử tri để bảo vệ các quan điểm của mình khi bị các ủy viên hội đồng lập pháp thách thức.
Các cố gắng của Patten nhằm củng cố hội đồng lập pháp được bầu ra một cách dân chủ đã thất bại. Hội đồng lập pháp được bầu ra khi Hong Kong còn dưới sự cai trị thuộc địa đã bị giải tán. Trong thành phần những người có học thức cao, có sự chia rẽ sâu sắc về phương thức đạt tiến bộ và xúc tiến hệ thống hiện nay hoạt động. Hệ thống cũ do người Anh điều hành đã bị suy yếu, không thể đối phó với tình hình chính trị mới. Một bên là các chính khách thực dụng, các doanh nhân và giới chuyên môn muốn có quan hệ làm việc với chính phủ Bắc Kinh và kịch liệt chống lại chính sách của Patten. Còn một bên là các giáo sư đại học, giới truyền thông và các nhà chuyên môn muốn xây dựng một cơ cấu hiến pháp thật mạnh để bảo vệ và chống lại bất kỳ bàn tay cứng rắn nào từ Bắc Kinh và bằng cách lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế, nhất là của Mỹ, gây sức ép đối với Trung Quốc, không cho họ can thiệp vào công việc của đặc khu hành chính. Những người theo chủ nghĩa thực dụng không sẵn sàng đích thân tham gia vào những cuộc đấu đá chính trị, thay vào đó họ dựa vào những chính khách mà họ không mấy tin rằng những người này sẽ vì họ mà đứng lên chống lại Bắc Kinh. Thật là một tình hình đáng buồn. Ít người sẵn sàng đứng ra lãnh đạo. Làm thế có nghĩa là phải đối mặt với một thực tế là lợi ích của Hong Kong chỉ có thể được tăng cường khi giới lãnh đạo Hong Kong chiếm được lòng tin của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Người dân Hong Kong sẽ phải dung hòa các nhóm lợi ích cục bộ đang cạnh tranh nhau – các chủ sử dụng lao động như Li Ka Shing với các chính khách đang tranh thủ nghiệp đoàn và lá phiếu của công nhân, các nhà chuyên môn và giới quản lý với những người công nhân cổ trắng có mức lương thấp – trong vấn đề ai đóng thuế gì và ai được hưởng khoản trợ cấp nào về y tế, nhà ở và giáo dục. Sau khi cân bằng những lợi ích cạnh tranh cục bộ, họ lại đối diện với một vấn đề khó hơn là xác định các lợi ích tập thể cơ bản và đấu tranh vì các lợi ích đó, không phải với tư cách là một quốc gia độc lập tách biệt mà là một Đặc khu Hành chính thuộc Trung Quốc. Vì người dân ở Hong Kong không xác định mình là người Trung Quốc nên nhiệm vụ này khó khăn gấp bội. Trả lời những câu hỏi trong thăm dò bầu cử, những người sinh ở đại lục nói họ là người Trung Quốc Hong Kong, ngược lại những người sinh ở thuộc địa này thì gọi mình là người Hong Kong. Khi chính quyền Đặc khu Hành chính đề nghị kéo quốc kỳ và hát quốc ca Trung Quốc mỗi ngày trong tất cả các trường học thì 85% phụ huynh phản đối. Ngược lại, lễ kỷ niệm lần thứ 10 sự kiện Thiên An Môn lại thu hút khoảng 50.000 người thức trắng đêm cầu nguyện dưới ánh đèn nến. Tôi ngờ là họ còn sợ điều gì đó có thể xảy ra với họ ở Hong Kong, hơn là chỉ để nhớ lại vụ Thiên An Môn. Thế nhưng, khi người Trung Quốc ở đại lục giận dữ phản đối vụ ném bom tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, thì chỉ có một nhóm nhỏ người Hong Kong tổ chức biểu tình bên ngoài tòa lãnh sự Mỹ.
Một quyết định gây tranh cãi của ông Đổng Kiến Hoa là tìm kiếm sự giúp đỡ của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nhằm đảo ngược một phán quyết của tòa án thượng thẩm Hong Kong. Một điều khoản trong Luật Cơ bản quy định rằng con của cư dân Hong Kong sinh ra tại Trung Quốc được quyền nhập cảnh và cư trú tại lãnh thổ này. Tòa án quyết định những đứa trẻ con cư dân Hong Kong, kể cả con ngoài giá thú và con cái có cha hoặc mẹ là người đại lục, nhưng sau đó được thường trú ở Hong Kong, đều được hưởng quyền cư trú này. Người Hong Kong lo sợ khi chính quyền tiết lộ rằng sẽ có hơn 1 triệu rưỡi người được quyền nhập cư vào Hong Kong.
Tháng 3/1999, người đứng đầu ngành tư pháp Hong Kong tìm kiếm lời giải thích về điều khoản này trong Luật Cơ bản từ Ủy ban Thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, Ủy ban thường trực chỉ cho những trẻ em có ít nhất là cha hoặc mẹ là cư dân Hong Kong lúc ra đời được quyền nhập cư vào lãnh thổ này. Các hội luật gia, giảng viên, giáo sư đại học và giới truyền thông chỉ trích quy định này vì họ sợ rằng chính quyền đã tạo ra một tiền lệ cho Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc can thiệp vào thủ tục tố tụng của họ. Thế nhưng phần lớn người dân ủng hộ biện pháp này của chính quyền và không quan tâm những điều tế nhị về pháp lý.
Vào ngày 21/10/1999, trong bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Viện nghiên cứu chính sách, một cơ quan nghiên cứu chiến lược đã thực hiện một số công việc cho chính quyền đặc khu hành chính, tôi phát biểu về những vấn đề quá độ tỏ ra khó khăn hơn người ta tưởng. Hong Kong đã bị toàn quyền Patten dẫn qua một đường lối phá sản về dân chủ và nhân quyền từng được giới truyền thông Mỹ và vương quốc Anh ủng hộ. Mục đích là khắc sâu vào đầu óc người dân những nguyên lý về tự do ngôn luận – đặc biệt là tự do báo chí, phổ thông đầu phiếu với quyền bầu cử rộng rãi, một dự luật về quyền bảo vệ các quyền tự do cơ bản, tinh thần thượng tôn pháp luật và quyền độc lập của tư pháp – và trao trả cho Trung Quốc một Hong Kong mang nặng đầu óc dân chủ đến mức không thể đảo ngược. Điều này khiến nhiều người ở Hong Kong cho rằng Hong Kong sẽ tự lo cho nền kinh tế của họ, và nếu họ bảo vệ được nền dân chủ và nhân quyền thì mọi thứ sẽ tốt đẹp. Hóa ra không phải như vậy.
Giống như những quốc gia khác, người dân Hong Kong nhận thấy nhu cầu chủ yếu là sự tồn tại và thịnh vượng của họ. Dân chúng cảm thấy thất vọng khi thấy chế độ cũ mà trong đó mọi người đều tích cực làm việc vì mình và hầu như ai ai cũng thành công này không còn hoạt động, nhưng không thể quay về chế độ cũ. Sự mong đợi và thái độ đã thay đổi. Họ phải tiến về phía trước. Chừng nào nền chính trị bầu cử còn không bị ràng buộc bởi trách nhiệm thì Hội đồng Lập pháp là nơi phô diễn lập trường chính trị để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Những hứa hẹn của các nhà lãnh đạo chính trị sẽ không bao giờ được kiểm chứng bởi vì họ không có trách nhiệm thực hiện lời hứa của họ.
Có hai cách hướng về tương lai. Cách thứ nhất là các nhà lập pháp cần thực tế hơn và làm việc trong khuôn khổ Đặc khu hành chính như nó là một phần của Trung Quốc và tỏ ra biết chấp nhận những lợi ích quốc gia hàng đầu của Trung Quốc; trong trường hợp đó thì chắc rằng Bắc Kinh sẽ cho phép một đảng thắng đa số phiếu nắm quyền sau năm 2007, khi hiến pháp được xem xét lại. Hoặc bằng cách thứ hai là qua quá trình cọ xát, Bắc Kinh sẽ làm nhụt chí những chính khách cứng đầu. Người dân Hong Kong cho đến năm 2007 mới quyết định được hướng đi. Hong Kong của quá khứ đã thành lịch sử; còn tương lai của nó tùy thuộc vào việc người Hong Kong sẽ hành động như thế nào để phát triển lợi ích tập thể của họ.
Trong cuộc phỏng vấn một tiếng đồng hồ tại trung tâm hội nghị quốc tế trước 1.200 khán giả gồm các chính khách, doanh nhân và giới truyền thông tiêu biểu của Hong Kong, tôi đã phát biểu rằng điều rõ ràng với họ nếu Hong Kong chỉ là thêm một thành phố nữa của Trung Quốc thì nó không có giá trị gì đối với Trung Quốc. Điều làm cho Hong Kong có ích đối với Trung Quốc chính là ở chỗ nó có những thể chế năng lực quản lý tốt, thị trường tài chính hiện đại, điều luật, luật pháp nghiêm ngặt, lập pháp và các quy chế rõ ràng, sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng cộng với lối sống đại đồng cùng tiếng Anh là ngôn ngữ giao thương. Những điều này đã làm nên sự khác biệt của Hong Kong. Hong Kong đang đứng trước hai lực kéo trái ngược nhau. Để có ích cho Trung Quốc, Hong Kong phải học cách làm việc với các quan chức Trung Quốc và hiểu được thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và tư tưởng của họ. Nhưng không bao giờ được phép để cho những quan điểm đó ảnh hưởng đến Hong Kong, nếu không nó sẽ trở thành một thành phố khác đơn thuần của Trung Quốc. Hong Kong phải giữ lại những đặc điểm riêng vốn làm cho nó trở thành kẻ trung gian không thể thiếu giữa Trung Quốc và thế giới, giống như dưới thời Anh cai trị.
Tôi nghĩ là giới truyền thông sẽ kịch liệt chỉ trích tôi vì tôi đã nêu ra những sự thật rành rành. Phản ứng của khán giả rất nồng nhiệt; còn của giới truyền thông vào ngày hôm sau thì ôn hòa. Những bài tường thuật của họ khiến giới chuyên môn phải suy ngẫm về những chọn lựa mà họ đang gặp phải. Họ đang ở vào tình thế hoàn toàn khác với tình thế mà Chris Patten đã dự kiến. Rõ ràng không thấy đâu bàn tay cứng rắn của Trung Quốc nhưng trái tim nặng trĩu của người Hong Kong đã ngăn không cho họ tiến lên phía trước để vạch ra và phấn đấu đạt được cho những mục tiêu hoàn toàn thực tế và có thể đạt được trong tình hình mới của họ. Khi còn bị các quan chức Anh cai trị, người dân Hong Kong không phải hành động một cách gắn bó như một cộng đồng. Họ là những người theo chủ nghĩa cá nhân và là những nhà doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, để kiếm được những đãi ngộ lớn cho bản thân và gia đình họ. Giờ đây họ đang đứng trước những sự chọn lựa nghiêm túc cho tương lai của mình; họ phải cùng nhau thực hiện những chọn lựa này như một nhóm đặc biệt của dân tộc Trung Quốc.
Thực tại, giữa một bên là những nguyện vọng của người Hong Kong muốn có dân chủ nhiều hơn để bảo vệ lối sống giàu sang thoải mái của họ và một bên là những mong muốn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn có một Hong Kong hữu ích và không nguy hại, đang có một hố ngăn cách vừa rộng vừa sâu. Trong 47 năm tới, cả hai bên phải cùng tiến lại gần nhau và hợp nhất. Có lẽ sẽ không mấy khó khăn như hiện nay người dân Hong Kong đang lo sợ. Cần phải qua hai thế hệ nữa họ mới gặp nhau trong một quốc gia, một chế độ. Nếu những thay đổi đã diễn ra trong vòng một thế hệ kể từ khi Chủ tịch Mao từ trần vẫn tiếp tục với tốc độ như vậy, thì việc hợp nhất này sẽ không quá cam go.
@by txiuqw4