sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 02 phần 1

2

LỚN LÊN

Hồi ức sống động và xa xưa nhất của tôi là chuyện bị xách lỗ tai trên miệng giếng trong khuôn viên một tòa nhà gia đình tôi sống hồi đó, nơi bây giờ là đường Tembeling của Singapore. Lúc ấy, tôi được chừng bốn tuổi.

Tôi rất nghịch ngợm và đã phá phách hộp dầu chải đầu hiệu 4711 màu xanh nhạt thơm phức và đắt tiền của cha tôi. Tính tình của ông rất nóng nảy và tối hôm đó cơn giận của ông đến tung cả mái nhà. Ông tóm lấy gáy tôi, lôi từ trong nhà ra giếng và xách tôi lơ lửng ở trên đó. Làm sao tai tôi lại dai đến nỗi không toác ra cho tôi rơi xuống giếng như thế? Năm mươi năm sau, vào thập niên 1970, tôi đọc trong tờ Scientific American một bài báo giải thích sự đau đớn và chấn động đã tiết chất peptit vào não bộ thế nào, rồi ghi dấu ấn sâu đậm trong các tế bào thần kinh nên chắc chắn rằng biến cố đó sẽ được ghi nhớ mãi rất lâu sau này.

Tôi chào đời ở Singapore ngày 16/9/1923 trong một căn nhà lớn hai tầng số 92 đường Kampong Java. Mẹ tôi, bà Chua Jim Neo lúc đó mười sáu tuổi. Cha tôi, ông Lee Chin Koon, mới hai mươi. Ông bà hai bên của tôi đã tổ chức đám cưới cho cha mẹ tôi một năm trước đó. Cả hai gia đình hẳn đã nghĩ như thế là môn đăng hộ đối, vì sau này họ còn cưới em gái cha tôi cho em trai mẹ tôi nữa.

Cha tôi là con nhà giàu có. Ông thường tự hào kể với chúng tôi rằng khi còn nhỏ, cha của ông, tức ông nội tôi, đã cho ông một sổ nợ vô giới hạn tại hai cửa hàng bách hóa hàng đầu trong thương xá Raffles hồi đó là Robinson và John Little, tại đây ông có thể ghi sổ bất cứ bộ quần áo hay món hàng nào mà ông muốn có. Ông được học chương trình Anh tại Học viện Thánh Joseph, một trường học Thiên chúa giáo do các ông cha dòng De La Salle thành lập năm 1802. Ông kể rằng ông đã đậu tiểu học, sau đó ông thôi học khiến cả ông lẫn mẹ tôi còn tiếc mãi. Không nghề nghiệp, ông chỉ có thể xin được chân bán hàng cho Công ty xăng dầu Shell khi tài sản của cả hai nhà nội ngoại đều tan tành vì cuộc Khủng hoảng kinh tế thế giới.

Lịch sử gia đình tôi tại Singapore bắt đầu với ông cố nội của tôi, Lee Bok Boon, một người Hakka (người Hẹ). Người Hakka là người Hán miền đồng bằng Hoa trung và Hoa bắc di cư đến Fujian (Phúc Kiến), Guangdong (Quảng Đông) và các tỉnh khác ở Hoa Nam khoảng 700 đến 1.000 năm trước, và vì là kẻ đến sau, họ chỉ có thể sống chen chúc trên những mảnh đất đồi kém màu mỡ không có dân địa phương cư ngụ. Theo văn bia trên mộ ông cố ở sau căn nhà của ông tại Trung Quốc, Lee Bok Boon ra đời năm 1846 tại làng Tangxi, quận Dabu, Guangdong. Ông theo tàu di cư sang Singapore. Gia đình chẳng biết gì về ông từ sau đó đến năm 1870 khi ông cưới một cô gái người Hoa, Seow Huan Neo, sinh tại Singapore trong gia đình một tiểu thương.

Năm 1882, ông cố tôi quyết định rằng mình đã kiếm được đủ tiền để trở về làng quê ở Trung Quốc, xây một cái nhà lớn và trở thành quan chức trong làng. Tuy nhiên, bà cố nội tôi không muốn xa gia đình bà ở Singapore để tới một nơi chưa từng biết tới. Theo lời ông nội tôi, lúc đó mới mười tuổi, các con cái và bà cố nội tôi đã sang trốn bên nhà gia đình bà trên đường Ah Hood. Ông cố Lee Bok Boon trở về Trung Quốc một mình. Ở đó ông lấy vợ khác, xây một căn nhà lớn và đường hoàng mua một chức quan nhỏ. Ông cho vẽ chân dung mình trong quan phục rồi gửi sang Singapore cùng một bức khác vẽ một ngôi nhà kiến trúc kiểu Trung Quốc truyền thống cùng một khoảng sân và những mái ngói xám. Bức tranh về căn nhà thì nay đã mất, nhưng bức chân dung ông cố tôi thì còn.

Ông nội tôi, Lee Hoon Leong – mà tôi vẫn quen gọi là Kung, trong tiếng Trung Quốc nghĩa là ông – sinh ra ở Singapore năm 1871, cha tôi nói ông nội học tại Học viện Raffles tới lớp 5, tương đương với năm đầu cấp trung học ngày nay. Ông nội kể cho tôi nghe là ông làm việc pha chế thuốc trong tiệm thuốc khi thôi học, nhưng vài năm sau, ông đi làm quản lý trên một con tàu chở hàng đi lại giữa Singapore và vùng Đông Ấn thuộc Hà Lan[2]. Con tàu này thuộc một đội tàu của hãng Heap Eng Moh Shipping Line mà ông chủ là Oei Tiong Ham, một triệu phú người Tàu làm vua ngành đường mía ở Java.

[2] Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies) vùng đảo thuộc địa của Hà Lan nằm trong quần đảo Malay, nay là lãnh thổ của Indonesia.

Trong một đợt nghỉ, ông cưới bà nội tôi, Ko Liem Nio, tại Semarang, một thành phố miền trung Java. Có một văn bản bằng tiếng Hà Lan, ghi ngày 25/3/1899, do Tòa mồ côi Semarang[3] cấp phát, cho phép Ko Liem Nio, mười sáu tuổi, được cưới Lee Hoon Leong, hai mươi sáu tuổi. Phần bối thự ghi ở mặt lưng cho biết hôn lễ đã được cử hành ngày 26/3/1899. Cha tôi ra đời tại Semarang năm 1903. Nhưng ông là thần dân Anh theo dòng dõi, vì cha của ông – Kung – là dân Singapore. Sau khi có con, Kung mang vợ con trở về Singapore và sinh sống suốt đời ở đó.

[3] Tòa mồ côi (Orphan’s Court): loại tòa có ở một số nước, có thẩm quyền đối với việc quản lý điền sản theo di chúc và giám hộ trẻ vị thành niên.

Tài sản của ông tăng dần khi ông được Oei Tiong Ham tin cậy và ủy quyền cho ông quản lý mọi công việc của hãng tại Singapore. Kung nói cho tôi nghe ông đã được tin cẩn thế nào đến độ năm 1926, bằng quyền hạn của mình, ông đã tặng 150.000 đôla, hồi đó là số tiền rất lớn, từ quỹ của ông Oei cho việc xây dựng đại học Raffles.

Giữa cha tôi và ông nội tôi thì không thể xác định tôi kính trọng ai hơn. Ông nội thương và nuông chiều tôi. Còn cha tôi, người giữ kỷ luật trong gia đình, thì khó tính với tôi. Ông nội tôi đã gầy dựng được một gia sản lớn. Cha tôi chỉ là cậu con nhà giàu, chẳng có gì để kể về chính ông.

Khi tài sản gia đình suy kiệt trong thời khủng hoảng kinh tế thế giới vốn làm giá cao su giảm từ 80 xu một cân Anh (khoảng 450gr) năm 1927 xuống còn 20 xu năm 1930, Kung đã bị thiệt hại nặng. Rõ ràng ông không khôn ngoan trong kinh doanh bằng ông ngoại tôi là Chua Kim Teng. Tài sản của ông ngoại Chua cũng bị thiệt hại vì ông đã đầu tư vào đồn điền cao su và đầu cơ trong thị trường cao su. Nhưng ông cũng thâm nhập thị trường bất động sản nữa. Ông sở hữu nhiều sạp chợ và cửa hàng nên không bị sụp đổ hoàn toàn như ông nội Kung của tôi. Nên năm 1929 cha mẹ tôi đã dọn từ nhà ông nội sang ở trong căn nhà lớn mà bừa bộn của ông ngoại trên đường Telok Kurau.

Ông nội tôi đã bị Tây phương hóa, do nhiều năm làm việc trên tàu buôn chung với người Anh, từ thuyền trưởng, máy trưởng tới các nhân viên. Ông thường kể lại cho tôi nghe những kinh nghiệm và chuyện trên tàu thì người ta kỷ luật tới mức nào. Thí dụ, dù cho khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, thuyền trưởng và các thuộc viên vẫn phải mặc bộ đồ vải trắng gài nút kín cổ để ăn tối với đầy đủ dao muống nĩa và khăn ăn được bày dọn đàng hoàng. Qua lời ông kể về những chuyến hải hành trong khu vực thì rõ ràng các sỹ quan Anh ấy đã để lại trong ông dấu ấn sâu đậm về tính trật tự, sức mạnh và hiệu năng.

Khi tôi ra đời, gia đình đã hỏi ý một người quen thông thạo chuyện con cái để tìm tên tốt đặt cho tôi. Ông đã đề nghị chữ “Kuan Yew”, trong tiếng Quan thoại là guang yao, nghĩa là “thông minh và sáng láng”. Nhưng ông nội tôi, vì lòng ngưỡng mộ nước Anh, đã thêm cho tôi tên Harry, nên tên tôi thành Harry Lee Kuan Yew. Hai em trai tôi, Kim Yew và Thiam Yew, cũng có tên thánh Tây phương như thế – lần lượt là Dennis và Freddy. Thời đó ít có người Hoa không theo đạo Thiên chúa lại có tên thánh như thế, nên sau này đi học tôi thấy mình kỳ cục với cái tên Harry. Khi em út của tôi, Suan Yew, ra đời năm 1933, tôi đã thuyết phục cha mẹ tôi đừng đặt tên thánh làm gì vì gia đình đâu có theo đạo Thiên chúa.

Tuy ông nội tôi không còn đủ tiền để sống và ăn mặc đúng cung cách nữa, nhưng ông vẫn còn giữ được những dấu tích của thời sung túc trước đây, trong đó có mấy món đồ nội thất rất đẹp nhập từ Anh hồi thập niên 1910. Hơn nữa, ông còn là tay sành ăn. Mỗi bữa ăn với ông là một nghi thức. Bà nội tôi nấu ăn cũng giỏi. Bà có thể chiên thịt bò với nhục đậu khấu tới vàng sậm mọng nước, dọn chung với khoai tây được chiên vàng ươm nhưng không nhẫy mỡ, vốn là chi tiết mà ông nội tôi rất để ý. Tôi có ấn tượng rõ ràng rằng ông nội tôi là người đã vươn lên trong cuộc sống và biết sống sao cho ra sống.

Ông khác biệt rất rõ với ông ngoại tôi. Ông Chua Kim Teng không hưởng nền giáo dục Anh và cũng không làm ăn hợp tác với các viên chức Anh hay các triệu phú người Hoa trong ngành đường. Ông sinh ra ở Singapore năm 1865 trong gia đình gốc Hakka ở Malacca. Ông giàu lên nhờ làm lụng chăm chỉ và sống tiết kiệm, dùng tiền để dành được đầu tư một cách thận trọng vào ngành cao su và bất động sản.

Ông đã lấy vợ ba lần. Hai người vợ đầu đã mất và bà vợ thứ ba là bà ngoại tôi, Neo Ah Soon, một phụ nữ Hakka vai rộng quê ở Pontianak trong vùng đảo Borneo thuộc Hà Lan. Bà nói được tiếng Hakka và tiếng Malay của người Indonesia. Khi bà lấy ông ngoại tôi, bà đã có một đời chồng với hai con riêng, người chồng trước đã chết ít lâu sau khi có đứa con thứ hai. Bà có với ông Chua bảy người con trước khi chết vào năm 1935. Còn ông ngoại tôi chết năm 1944, thời người Nhật chiếm Singapore.

Mẹ tôi là con lớn nhất của hai ông bà, và khi mẹ tôi lấy cha tôi năm 1922 lúc bà mười lăm tuổi thì tình hình của gia đình cả hai bên còn rất sung túc. Bà còn mang theo được, như một phần của hồi môn, một cô hầu nhỏ có nhiệm vụ giúp bà tắm, lau chân, tháo hoặc đi giày cho bà. Tất cả những biểu hiện giàu sang ấy đều đã biến mất khi tôi nhận thức được môi trường xung quanh mình vào năm bốn hoặc năm tuổi. Nhưng ký ức về thời kỳ tốt đẹp ấy vẫn còn trong những ảnh chụp xưa của tôi – một cậu bé mặc đủ thứ áo quần nhập từ Anh, hay nằm trong một chiếc xe nôi sang trọng. Nhà của ông ngoại Chua ở Telok Kurau là một căn nhà trệt rất rộng bằng gỗ và gạch. Ông và tất cả con cái của bà vợ thứ ba sống trong căn nhà đó, mẹ tôi, con gái lớn, cùng với cha tôi và năm anh em tôi chiếm một phòng ngủ lớn. Tất cả hợp thành một đại gia đình trong đó mọi người sống hòa hợp ngoại trừ những xung đột nho nhỏ, chủ yếu vì những đứa cháu nghịch ngợm và ưa gấu chó. Cứ thế tôi lớn lên cùng với ba em trai và một em gái cùng sáu anh em họ trong cùng một ngôi nhà. Nhưng vì tất cả chúng nó đều nhỏ tuổi hơn tôi, nên tôi thường chơi với những đứa trẻ con nhà ngư dân người Hoa hay người Malay sống trong khu gần đó, một cụm chừng hai ba chục ngôi nhà lá hay gỗ có mái tôn trong một ngõ đối diện nhà ông ngoại tôi. Những ngư dân này kiếm ăn dọc bãi biển Siglap cách đó chừng 200 thước.

Đó quả là một thế giới đơn giản. Chúng tôi chơi diều, bông vụ, bi và cả cá đá nữa. Những trò chơi đó hun đúc một tinh thần chiến đấu và khát khao chiến thắng. Tôi không biết có phải những chuyện đó đã chuẩn bị bản thân tôi cho những cuộc đấu tranh sau này trong lãnh vực chính trị hay không. Chúng tôi không mềm yếu, mà cũng không hư hỏng. Là một cậu bé, tôi không có những thứ quần áo giày dép lạ kỳ như của những đứa cháu tôi ngày nay.

Chúng tôi không nghèo nhưng chúng tôi cũng không tràn ngập những đồ chơi, và cũng không có TV. Nên chúng tôi phải tháo vát, phải sử dụng trí tưởng tượng. Chúng tôi đọc, và điều đó có lợi cho ngữ vựng của chúng tôi, nhưng hồi đó chẳng có mấy sách hình cho trẻ con, và lại đắt tiền nữa. Tôi mua những truyện rùng rợn rẻ tiền và theo dõi những cuộc phiêu lưu của các chú nhỏ – Harry Wharton, Billy Bunter và các bạn. Tôi sốt ruột chờ đợi con tàu bưu điện từ Anh mỗi tuần đến đậu tại bến Tanjong Pagar vào thứ Sáu, mang theo các tạp chí và truyện tranh của Anh. Nhưng những thứ này cũng không rẻ. Khi lớn hơn một chút, tôi sử dụng thư viện Raffles, nơi có thể mượn sách đọc trong hai tuần. Tôi đọc đủ thứ sách nhưng thích truyện miền viễn tây hơn truyện trinh thám.

Trong những đợt nghỉ, gia đình tôi có thể đến chơi cả tuần lễ trong ngôi nhà gỗ của ông ngoại tại đồn điền cao su của ông ở Chai Chee. Từ đường Changi, chúng tôi lên đường đi đồn điền trên một chiếc xe bò thắng hai con bò do người làm vườn của bà ngoại tôi điều khiển. Chiếc xe có bánh gỗ bọc niềng sắt và không có dàn nhún, nên nửa dặm trên con đường đất là đầy những cú dằn xóc rất buồn cười. Năm mươi năm sau, 1977, khi tôi đáp máy bay Concord từ London đi New York băng qua Đại Tây Dương trong vòng chỉ có ba giờ, tôi đã tự hỏi không biết có người khách đồng hành nào của tôi từng biết đến niềm vui của việc ngồi xe bò không.

Tuy nhiên cuộc sống không chỉ là những niềm vui đơn sơ. Thỉnh thoảng cha tôi lại về nhà với tâm trạng bực bội vì thua xì dách hay thứ bài bạc nào đó tại Câu lạc bộ bơi lội người Hoa ở đường Amber, và đòi mẹ tôi đưa món nữ trang nào đó để đem cầm rồi trở lại chiếu bạc thử thời vận lần nữa. Thế là có cãi nhau kịch liệt và đôi khi cha tôi rất thô bạo. Nhưng mẹ tôi là một phụ nữ can đảm quyết tâm giữ lấy tài sản và đồ cưới của ông bà ngoại cho. Là một con người mạnh mẽ với tài tháo vát và năng lực lớn lao, bà đã bị gả chồng quá sớm. Ở thời của bà, người ta muốn phụ nữ phải là một người mẹ tốt, sinh nhiều con cái để rồi nuôi dạy chúng thành những người chồng người vợ tốt. Nếu bà ra đời chậm một thế hệ và được học cao hơn bậc trung học thì bà đã dễ dàng trở thành một nhà quản trị giỏi rồi.

Bà đã dành cả đời để lo cho con cái được học hành tử tế và có nghề chuyên môn, và bà đã đương đầu với cha tôi để bảo vệ tương lai cho con cái. Tôi và các em tôi ý thức rõ sự hy sinh của bà, chúng tôi hiểu mình không được làm bà thất vọng và đã cố hết sức để xứng đáng với bà và đạt được những điều bà mong muốn. Khi tôi lớn hơn, bà bắt đầu hỏi ý kiến tôi, đứa con cả, về mọi chuyện quan trọng trong nhà, nên tuy mới mười mấy tuổi, tôi đã thực sự đóng vai người đầu não của gia đình. Điều này dạy tôi cách đưa ra những quyết định.

Bà ngoại tôi có quan điểm rất rõ về việc học hành của tôi. Năm 1929, khi tôi chưa được sáu tuổi, bà đã nhất định tôi phải cùng các trẻ con nhà ngư dân đi học một trường gần đó; một ngôi trường bằng gỗ và lá với nền đất nện. Ngôi trường chỉ có một phòng học với những băng ghế gỗ, mặt bàn là tấm ván thô và một phòng nữa dùng làm chỗ ở cho ông thầy người Hoa trung niên gầy gò của chúng tôi. Ông bảo chúng tôi đọc theo ông mà chúng tôi chẳng hiểu nghĩa gì cả – nếu ông có giải thích thì tôi cũng không hiểu.

Tôi phàn nàn với mẹ và bà nói lại với bà ngoại. Nhưng bà mẹ hai mươi hai tuổi của tôi thì không thể cãi được bà ngoại đã hai lần lấy chồng, nuôi lớn đến chín đứa con và lại quyết tâm là tôi phải học được chút đỉnh tiếng Hoa. Nhưng bà ngoại tôi cũng cho phép đổi trường và tôi sang học trường Choon Guan ở khu Joo Chiat cách nhà tới một dặm và tôi phải đi bộ đến đó mỗi ngày. Ngôi trường này thì đường hoàng hơn, một tòa nhà gỗ hai tầng có nền xi măng, và khoảng 10 phòng học đúng quy cách có bàn ghế rời cho 35 tới 40 học sinh. Những bài học bằng tiếng Hoa thì vẫn gian nan như vậy. Ở nhà tôi nói tiếng Anh với cha mẹ tôi, tiếng Malay bồi – pha trộn giữa tiếng Malay với tiếng Hoa – với ông bà ngoại, rồi tiếng Malay pha một ít tiếng Hakka với bạn bè và những đứa trẻ con nhà ngư dân. Tiếng Quan thoại thì hoàn toàn xa lạ với tôi, và chẳng dính dáng gì tới cuộc sống của tôi. Tôi chẳng hiểu gì lắm những điều các thầy giáo nói.

Sau hai ba tháng như thế, tôi lại xin mẹ tôi cho chuyển sang một trường dạy bằng tiếng Anh. Lần này thì bà thuyết phục được bà ngoại và tháng 1/1930 tôi vào học trường tiếng Anh Telok Kurau. Bây giờ tôi hiểu các thầy giáo nói gì và chỉ cố gắng chút đỉnh là có tiến bộ. Học sinh đa số là người Hoa, có một ít người Ấn và một ít người Malay chuyển từ trường Telok Kurau tiếng Malay qua.

Cha mẹ tôi e rằng tôi kém chuyên cần, và mẹ tôi giao cho chú Keng Hee một nhiệm vụ là buộc tôi chuẩn bị bài ngày mai cho chu đáo. Mỗi tuần ba lần trước giờ ăn tối, tôi phải ngồi với chú một tiếng. Ngay từ hồi đó tôi đã thấy thật kỳ cục khi ông chú ít học nhất trong các chú của tôi lại được giao nhiệm vụ kiểm tra việc làm bài ở nhà của tôi.

Tôi được phép nhảy thẳng từ lớp đồng ấu 1 lên lớp 1, không phải qua lớp đồng ấu 2. Đến hết năm lớp 5, sau bảy năm tiểu học – mà tôi chỉ học trong 6 năm – chúng tôi dự một kỳ thi tổ chức cho toàn đảo để được tuyển vào các trường trung học công lập. Trong năm cuối ấy, 1935, tôi đã cố gắng hơn nhiều, được đứng đầu trường và được tuyển vào Học viện Raffles vốn chỉ thu nhận những học sinh xuất sắc.

Học viện Raffles, hồi đó cũng như bây giờ, là trường trung học tiếng Anh hàng đầu ở Singapore và mang tên người sáng lập ra nó. Nó sản sinh ra từng đợt ít ỏi những con người xuất sắc và có học vấn tốt, rất nhiều người trong đó được học bổng Nữ hoàng để đi học ở Cambridge, Oxford, London, Edinburg và nhiều học viện khác của Anh, về y khoa, luật và cơ khí.

Năm 1936, tôi vào Học viện Raffles cùng với khoảng 150 học sinh hàng đầu của 15 trường tiểu học công lập. Việc tuyển chọn hoàn toàn dựa trên tài năng. Học sinh thuộc đủ mọi chủng tộc, giai cấp và tôn giáo, và có cả nhiều học sinh từ lục địa Malaysia ra nữa. Các vị hiệu trưởng đầu tiên của học viện này là người Anh và đã mô phỏng nó theo các trường công lập ở Anh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx