sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 02 phần 2

Học trình ở đây chuẩn bị cho các học sinh tham dự những kỳ thi toàn đế quốc Anh để lấy bằng Trung học đệ nhất cấp Cambridge và Trung học đệ nhị cấp Cambridge. Các sách giáo khoa, nhất là sách về ngôn ngữ Anh, văn chương Anh, lịch sử đế quốc Anh, toán và địa lý là loại tiêu chuẩn cho mọi thuộc địa mà tôi chắc là cũng phỏng theo sách giáo khoa chuẩn của Anh. Việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhiều năm sau, bất cứ lúc nào tôi gặp các nhà lãnh đạo trong Khối Thịnh vượng chung[4] từ những xứ xa xôi như quần đảo Caribbean hay vùng Thái Bình Dương, tôi đều khám phá ra rằng họ cũng từng đi qua một quá trình rèn luyện như tôi với cùng những cuốn sách giáo khoa và có thể trích ra cùng những đoạn thơ của Shakespeare.

[4] Khối Thịnh vượng chung Anh (British Commonwealth): tổ chức của các nước độc lập vốn thuộc Đế quốc Anh trước đây; vẫn xem Anh như lãnh đạo mang tính biểu tượng. Tổ chức có 50 thành viên vào năm 1991.

Có bốn cấp lớp trong trường trung học: lớp 6 và lớp 7, rồi đệ nhất cấp Cambridge và đệ nhị cấp Cambridge. Tôi không phải loại chăm chỉ lắm nhưng tôi khá môn toán, khoa học và có căn bản tiếng Anh vững chắc. Do đó, cuối năm lớp 6, tôi nằm trong số những học sinh giỏi và được xếp vào lớp 7A, ở đây tôi không cần cố gắng lắm cũng nằm trong tốp ba người dẫn đầu lớp. Tôi vẫn không chú ý lắm trong lớp học và cố gắng bắt kịp bằng cách liếc vào tập của bạn ngồi cạnh. Teo Kah Leong không những đứng đầu lớp mà bạn ấy còn giữ tập vở rất đẹp. Nhưng nó thường lấy tay che vở lại. Tuy vậy, giáo viên phụ trách lớp của tôi, ông M.N. Campos người Ấn, vẫn phê trong học bạ của tôi những lời khen và khuyến khích: “Harry Lee Kuan Yew có quyết tâm giành một vị trí nổi bật, có thể đạt địa vị cao trong cuộc sống.”

Tôi lên lớp đệ nhất cấp A, lớp giỏi nhất trong khối. Phụ trách là một thầy người Anh, A.T. Grieve, là một người tốt nghiệp Oxford với mái tóc vàng hoe rất dày và phong thái thân thiện cởi mở. Gần ba mươi mà ông vẫn độc thân và làm việc ở hải ngoại lần đầu. Thầy Grieve không có thành kiến chủng tộc, có lẽ vì ông ở xứ thuộc địa chưa đủ lâu để hiểu rằng phải giữ một khoảng cách với dân bản xứ, tác phong này vẫn được coi như cần thiết để người ta phải tôn trọng sự cai trị của người Anh. Ông đã cải thiện tiếng Anh của tôi rất nhiều và tôi tiến bộ rõ rệt, đứng đầu trường trong kỳ thi của cấp lớp này. Bài thi quan trọng đầu tiên của tôi được trường Cambridge ra đề và chấm. Tôi cũng đạt hai phần thưởng trong năm đó là học bổng Tan Jiak Kim và học bổng Raffles. Tổng cộng, chúng đem lại cho tôi 350 đôla Straits. Số tiền này dư cho tôi mua được một chiếc xe đạp Raleigh giá 70 đôla, có bộ bánh răng ba đĩa để thay đổi tốc độ và dây xích chạy trong hộp kín. Tôi đường hoàng đạp xe tới trường mà vẫn còn tiền để dành. Nhưng tương lai còn những điều tốt đẹp hơn.

Tôi đã quyết tâm giành vị trí cao trong các kỳ thi đệ nhị cấp Cambridge, và tôi thật sung sướng khi kết quả được thông báo đầu năm 1940 là tôi đứng nhất trường và đứng nhất trong tất cả học sinh tại Singapore và Malaysia.

Tôi rất sung sướng với thời gian học ở Raffles, giải quyết việc học hành khá nhàn hạ và tích cực trong phong trào hướng đạo sinh, chơi quần vợt và cricket, bơi lội và tham dự nhiều cuộc trần thuyết. Nhưng tôi chưa từng là một học sinh hoàn hảo, chứ đừng nói tới một học sinh đứng đầu lớp hoàn hảo. Ở tôi vẫn còn thói tinh nghịch ham chơi. Tôi thường bị bắt gặp không tập trung nghe giảng bài, lo viết cái gì đó cho bạn hay nhái theo điệu bộ của ông thầy nào đó. Với một ông thầy người Ấn khá chậm chạm dạy khoa học, tôi đã bị bắt gặp đang vẽ cái gáy của ông với mảng đầu hói.

Có lần tôi bị ăn roi của ông hiệu trưởng, D.C. McLeod, một con người kỷ luật nghiêm ngặt nhưng công bằng, luôn thi hành kỷ luật một cách công minh, và đã có một quy định rằng học sinh nào đi học trễ ba lần trong một học kỳ sẽ phải chịu ba roi. Tôi là đứa thường dậy trễ, thức khuya giỏi hơn dậy sớm, và khi tôi đi học trễ lần thứ ba thì giáo viên phụ trách buộc tôi lên văn phòng hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng biết tôi do từng được học bổng và đoạt nhiều phần thưởng. Nhưng tôi cũng không được tha với lời cảnh cáo qua loa, tôi phải cúi xuống ghế và lãnh ba roi đích đáng. Tôi không nghĩ là thầy có nương tay, và cũng chẳng bao giờ hiểu được tại sao các nhà giáo dục phương Tây lại tích cực chống việc trừng phạt thân thể đến thế. Chuyện đó không gây tổn thương gì cho tôi cũng như các bạn học sinh khác.

Tuy nhiên tôi hiểu ra rằng phải sống nghiêm túc hơn. Cha mẹ tôi đã chỉ cho tôi thấy một số bạn bè của ông bà sống sung túc như thế nào nhờ họ đã trở thành bác sĩ hay luật sư. Họ hành nghề độc lập nên không bị ảnh hưởng của Khủng hoảng kinh tế. Cha tôi cũng tiếc cho tuổi trẻ lêu lổng của ông và họ thúc ép tôi phải trở thành dân có chuyên môn. Nên ngay từ hồi còn nhỏ ấy, tôi đã nhắm tới việc trở thành luật sư, một người hành nghề chuyên môn, chứ không phải kẻ làm thuê. Kế hoạch của tôi là học luật ở London.

Nhưng năm 1940, chiến tranh ở châu Âu trở nên gay gắt hơn. Nước Pháp bị đe dọa và sắp bị chiếm. Kế hoạch đi học luật ở London tốt nhất là nên hoãn lại. Nhờ đậu đầu Singapore và Malaysia trong kỳ thi Cambridge đệ nhị cấp, tôi được hưởng học bổng Anderson, thuộc loại cao giá nhất thời đó, để theo học tại Đại học Raffles. Tôi quyết định nhận học bổng này. Nó cao hơn các phần thưởng khác của chính phủ khoảng 200 đôla, dư để trang trải học phí, sách vở, chỗ ở và còn để dành được ít nhiều nữa.

Đại học Raffles được chính quyền Các thuộc địa vùng eo biển[5] thành lập vào năm 1928. Nơi đây người ta dạy nhiều môn xã hội (tiếng Anh, sử, địa, kinh tế) và khoa học (lý, hóa, toán lý thuyết và ứng dụng). Chính quyền đã xây nhiều tòa nhà đẹp cho nó với kiến trúc bê tông chạy chung quanh tạo thành khoảng sân giữa, mặt tiền giả đá, giống kiểu đại học Oxford và Cambridge nhưng có điều chỉnh cho hợp với khí hậu nhiệt đới.

[5] Các thuộc địa vùng eo biển (Straits Settlements): thuộc địa Anh ở Đông Nam Á trước đây, gồm Singapore, Malacca, Penang, Labuan, đảo Christmas và đảo Cocoa.

Là sinh viên có học bổng, tôi phải ở trong khu ký túc. Đó quả là một việc khó khăn. Để thích nghi với khí hậu nóng và ẩm của Singapore, các kiến trúc sư đã thiết kế những ký túc xá rộng lớn, trần nhà rất cao. Mỗi khu chia làm 20 phòng có cửa sổ lắp kính chạy từ trần xuống gần sàn mở ra hàng hiên rộng. Vách ngăn giữa các phòng chỉ cao ngoài 2 mét, hơn đầu người một chút, để không khí lưu thông dễ dàng. Điều này có nghĩa là tiếng ồn cũng truyền đi thoải mái suốt 20 phòng và 20 hàng hiên dành cho 20 sinh viên trẻ tuổi.

Mỗi sinh viên phải học ba môn. Tôi học tiếng Anh, vốn là môn bắt buộc đối với mọi sinh viên khoa học xã hội, và tập trung vào đó để tăng khả năng sử dụng và để giúp tôi học luật sau này, kế đó là toán, vì tôi thích và cũng giỏi môn ấy, và kinh tế học vì tôi nghĩ nó có thể dạy tôi cách kiếm tiền trong kinh doanh và thị trường chứng khoán. Tôi thật ngây thơ! Sau năm thứ nhất, sinh viên phải chọn một môn làm môn chính. Tôi đã chọn toán.

Cuối mỗi học kỳ, trong ba học kỳ của năm học, đều có kỳ thi, và trong kỳ thi đầu tiên của tôi ở đây, tôi đã về nhất môn toán, đạt hơn 90 điểm. Nhưng tôi choáng váng khi thấy mình không đạt điểm cao nhất trong môn tiếng Anh và kinh tế, mà đứng thứ hai, dưới một cô tên là Kwa Geok Choo. Tôi đã gặp cô Kwa này hồi còn học ở Học viện Raffles. Năm 1939, là học sinh nữ duy nhất trong một lớp toàn là nam, cô đã được hiệu trưởng mời trao phần thưởng trong lễ phát thưởng hàng năm, và tôi đã nhận từ tay cô ba cuốn sách. Cô học trong một lớp đặc biệt chuẩn bị để giành học bổng Nữ hoàng hai năm liên tiếp. Tôi thật bối rối và lo lắng. Mỗi năm chỉ có hai học bổng Nữ hoàng cho toàn bộ Các thuộc địa vùng eo biển, và không nhất thiết là chúng sẽ lọt vào tay hai sinh viên đạt điểm cao nhất. Trên hết là tôi sợ một kiểu phân chia đồng đều về mặt địa lý nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên Malacca và Penang. Hội đồng xét học bổng có thể không muốn trao cả hai học bổng cho sinh viên Singapore, trong trường hợp đó thì đứng thứ nhì là không xong rồi.

Tôi không thoải mái với năm thứ nhất của tôi ở đây như năm đầu ở Học viện Raffles. Bắt nạt và ăn hiếp hồi đó là một phần trong bước khởi đầu của sinh viên năm thứ nhất và kéo dài suốt học kỳ. Là sinh viên đứng đầu, tên tuổi tôi còn tới trước cả tôi, và tôi nghĩ rằng tôi cũng là một trong những sinh viên năm đầu cao lớn và nổi bật, nên một số sinh viên đàn anh đã xử ép tôi.

Tôi đã phải hát, phải bò quanh sân trường dùng mũi đẩy một viên bi. Tôi phải đi dẫn đầu tập thể sinh viên năm đầu, thắt một cà vạt xanh lá cây tả tơi và cầm một cây cờ cũng xanh lá cây. Tôi nghĩ những trò đó thật ngu ngốc, nhưng đã trải qua tất cả như một phần của cái giá phải trả để hòa vào một ngôi trường thiếu trưởng thành và đang phát huy những truyền thống lệch lạc. Năm thứ hai, khi trở thành đàn anh, tôi chống báng trò bắt nạt và cố gắng ngăn cản trò đó, nhưng không thành công. Tôi hết sức phản đối những sinh viên làm trò đó với những sinh viên năm đầu để bù lại những gì mà họ đã phải chịu đựng khi còn là “ma mới”.

Khi lên giảng đường, chúng tôi phải mặc áo lớn, cà vạt. Giảng đường lại không có máy lạnh – nên một trong những phòng học của khối khoa học trở thành cái lò vào buổi chiều vì nó quay về phía Tây. Gặp gió lạnh khi cả người đầm đìa mồ hôi là chắc chắn tôi bị cảm và ho. Lại còn tình trạng mất quân bình do phải sống trong môi trường xa lạ, nhồi nhét cùng 19 sinh viên khác trong một khu và ăn những thức ăn nấu dở của ký túc xá.

Sau năm thứ nhất, tôi chuyển từ khu C sang khu E có vị trí tốt hơn, ở đó tôi có được một phòng mát mẻ và thoải mái hơn. Nhưng sự mất quân bình hẳn đã ảnh hưởng chất lượng học tập của tôi. Tôi nhớ trong một kỳ thi học kỳ, ngay cả với môn toán tôi cũng không chiếm nổi hạng đầu. Tuy nhiên trong các kỳ thi cuối năm học ấy (tháng 3/1941), tôi đã làm bài tốt và đứng đầu về môn toán lý thuyết. Nhưng cô Kwa Geok Choo lại đứng đầu môn tiếng Anh và kinh tế, và có lẽ trong môn sử, môn thứ ba của cô, cũng vậy. Trong bài thi thống kê, một phần của môn kinh tế, tôi đạt điểm cao hơn cô chút đỉnh. Tôi hiểu rằng mình sẽ phải ganh đua quyết liệt để giành học bổng Nữ hoàng.

Còn có những vấn đề khác nữa. Chính nhờ hồi tưởng mà tôi nhận ra rằng Đại học Raffles là bước đầu của tôi đi vào lĩnh vực chính trị về chủng tộc và tôn giáo. Trong một thuộc địa Anh không có phân biệt chủng tộc, người Malay ở Singapore đã quen được đối xử như mọi người khác. Nhưng vào tháng 6/1940, lần đầu tiên tôi gặp một số đáng kể những người Malay đã được sinh ra và lớn lên trong một chế độ khác. Trong các tiểu bang liên minh của người Malay (Federated Malay States – FMS) như Perak, Selangor, Penang và Negeri Sembilan, và hơn thế nữa tại những bang của người Malay không liên minh (Unfederated Malay States) như Johor, Kedah, Perlis, Kelantan và Terengganu, người Malay bản xứ có được những ưu quyền chính trị và kinh tế. Tại những bang FMS, chỉ có năm học bổng theo học Đại học Raffles là dành cho những người không thuộc chủng Malay, trong khi sinh viên Malay có lựa chọn nhiều hơn, cũng như tại các bang không liên minh. Trong số hàng trăm sinh viên được nhập học hàng năm thì có khoảng 20 người Malay từ lục địa với học bổng do chính quyền bang của họ cung cấp.

Có một tinh thần đoàn kết rất mạnh trong số những người Malay, mà sau này tôi hiểu ra là xuất phát từ cảm giác bị đe dọa, từ nỗi lo sợ bị lấn át bởi những sinh viên người Hoa và người Ấn năng động và chăm chỉ hơn. Một sinh viên Malay cùng năm với tôi sau này sẽ trở thành thủ tướng Malaysia, Abdul Razak bin Hussain, học chung lớp tiếng Anh và kinh tế với tôi, nhưng chúng tôi không phải bạn thân. Anh ta là dòng dõi quý tộc Malay tại bang Pahang, nên do đó ít nhiều xa cách các sinh viên Malay khác, mà những người này cũng kính trọng anh. Những người mà tôi dễ thân cận hơn là những sinh viên bình thường, trong đó có hai bạn chơi trong đội cricket của trường. Vì tôi có nhiều bạn Malay từ hồi nhỏ nên tiếng Malay của tôi rất lưu loát. Nhưng rồi tôi nhận ra thái độ của họ đối với người khác chủng Malay, nhất là người Hoa, thì hoàn toàn khác thái độ của người Malay ở Singapore.

Một sinh viên bang Kedah nói với tôi vào năm thứ hai, sau khi chúng tôi đã trở thành bạn. “Người Hoa các anh quá năng động và khôn ngoan so với chúng tôi. Ở Kedah chúng tôi đã có quá nhiều người Hoa. Chúng tôi không chịu nổi sức ép ấy.” Ý anh muốn nói là sức ép cạnh tranh để kiếm việc làm, để kinh doanh, để tìm chỗ đứng trong các trường trung và đại học. Người Malay là các chủ đất, vậy mà cũng có nguy cơ bị những người nhập cư hất văng khỏi các địa vị quan trọng, những người nhập cư này lanh lợi, có chí tiến thủ và quyết tâm hơn. Có lẽ bởi vì học giỏi hơn và tự tin hơn, nên sinh viên người Hoa và người Ấn thiếu tinh thần đoàn kết này. Không có sự thống nhất trong bọn họ vì họ không cảm thấy bị đe dọa.

Có một sự kiện in rõ trong trí nhớ của tôi. Vào năm thứ hai, có nhiều điều không vui trong cách sắp xếp bữa tiệc hàng năm của Hội sinh viên Raffles tại Khách sạn Seaview. Những sinh viên không phải người Malay lấy làm tức giận trước những câu trả lời gay gắt và bất cần của thư ký danh dự Ungku Aziz bin Abdul Hamid trước những phàn nàn của họ. Một số sinh viên bắt đầu vận động một đại hội bất thường để phản đối anh ta và đẩy anh ta khỏi chức vụ trên. Nhưng anh ta là người Malay. Khi những chữ ký đòi tổ chức đại hội bất thường tăng dần, các sinh viên Malay đã đoàn kết chung quanh anh ta, và tuyên bố rằng nếu anh ta bị bãi chức, họ sẽ đồng loạt rút khỏi Hội sinh viên. Điều này trở thành một thách thức cho những sinh viên còn lại. Tôi được họ đến gặp và yêu cầu đọc bài diễn văn khai mạc trình bày những phản đối của họ đối với Ungku Aziz. Tôi không dự buổi tiệc đó và cũng không có xung đột cá nhân gì với anh ta. Nhưng vì chẳng có ai muốn đảm đương công việc khó chịu này, nên tôi quyết định nhận lãnh. Đại hội diễn ra vào một chiều thứ Bảy, và suốt cả ngày sinh viên đã bỏ đi, có lẽ vì họ muốn tránh chuyện tranh cãi. Trong các khu ký túc, những sinh viên Malay tụ lại rất đông. Tình hình rất căng thẳng và tư tưởng chủng tộc dâng lên hừng hực.

Đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về tinh thần chủng tộc Malay, một tình cảm sâu và rộng bênh vực người Malay và chống lại dân nhập cư. Tôi trình bày sự vụ bằng lời lẽ chừng mực, kiên định nhưng, tôi hy vọng, không quá khích. Ungku Aziz phát biểu bác bỏ mọi dẫn chứng về cách cư xử thô lỗ của anh. Tôi có thể cảm thấy đám đông khoảng 80 sinh viên cảm thấy rất khó chịu về sự đối đầu này. Khi bỏ phiếu, những sinh viên Malay đã giành được thắng lợi cho Ungku Aziz, nên không có vụ đồng loạt rút ra khỏi hội. Nhưng những sinh viên còn lại cảm thấy đã nói lên được quan điểm của họ. Chuyện ấy rồi cũng phai mờ trong tôi. Chỉ đến sau này, khoảng 1963–1965, khi chúng tôi ở Malaysia và cũng đụng phải những vấn đề với tinh thần chủng tộc Malay ấy thì tôi mới nhớ lại.

Nhưng nếu đó là thời kỳ đốì địch, thì nó cũng là thời kỳ tạo nên những tình bạn lâu dài. Nhiều người tôi quen biết lần đầu tại Đại học Raffles sau này đã trở thành đồng sự chính trị thân cận với tôi, trong đó có Toh Chin Chye, một sinh viên khoa học trên tôi một năm, chăm chỉ, có hệ thống, trầm lặng và kiên định, rồi Goh Keng Swee, một giáo sư kinh tế với trí tuệ siêu hạng, kém hùng biện nhưng có ngòi bút sắc bén.

Nhờ vậy khi tôi khởi sự hành nghề luật sư vào thập niên 1950, tôi đã có một mạng lưới những bạn bè và người quen giữ những địa vị quan trọng trong chính quyền và trong giới chuyên môn tại Singapore và Malaysia. Thậm chí có bạn không trực tiếp biết nhau, nhưng việc có chung một quá khứ khiến chúng tôi dễ tiếp nhận nhau, và mối dây trường cũ đã rất hữu hiệu tại Singapore và Malaysia, cho dù là trong nhóm người Hoa, người Ấn hay Malay. Trước thời điểm hoạt động chính trị trở nên sôi nổi, khi quyền lực còn nằm gọn trong tay người Anh, tôi không hề cảm thấy có hiềm khích hay thù ghét gì về phía những bạn gốc Malaysia. Tôi làm bạn với rất nhiều người trong số họ, kể cả hai vị thẩm phán người Malay mà sau này tôi phải trình diện trước mặt họ.

Đó là mạng lưới bạn học cũ trong một thành phần ưu tú của những người có giáo dục Anh được hệ thống giáo dục thuộc địa Anh bồi dưỡng nên. Chúng tôi đã cùng học qua nhiều trường, đọc cùng thứ sách giáo khoa và có chung một số đặc tính và thái độ sống. Trường công của người Anh không phải là hệ thống duy nhất khuyến khích xây dựng mạng lưới thông qua cách ăn nói, trang phục và phong cách, và một tác phong làm các việc trên đời.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx