sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 27 phần 1

27

BỎ PHIẾU CHO HỢP NHẤT

Tuy vậy, Barisan đang củng cố được vị trí qua vấn đề quyền công dân. Việc gợi lên ý tưởng cho rằng người Singapore sẽ là “công dân hạng hai” ở Malaysia đã có tác động và gây được sự hoang mang. Tôi quyết định giải quyết vấn đề một cách trực diện. Vì thế vào ngày 3/6/1962, kỷ niệm ba năm Ngày Quốc gia Singapore, tôi nói chuyện trước mấy nghìn người ở Padang đang tụ tập xem các cuộc diễu hành của quân đội, của các nhóm dân sự và học sinh, và xem các cuộc trình diễn văn hóa. Tôi bảo đảm với họ rằng trước khi thực hiện việc hợp nhất với Malaysia, tôi phải làm rõ trong hiến pháp rằng công dân Singapore sẽ bình đẳng với các dân tộc khác trong liên bang.

Lim Chin Siong bác lại rằng lời hứa của tôi là sự thú nhận rằng thực ra với các điều khoản hợp nhất và sự dàn xếp của Malaysia, người Singapore không có sự bình đẳng. Barisan thu hẹp vấn đề hợp nhất lại thành vấn đề này và tôi tin rằng nếu tôi có thể yêu cầu Tunku thay từ “cư dân Malaysia” thành “công dân Malaysia”, vấn đề sẽ được giải quyết. Tôi quyết tâm đạt cho được điều này, và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý càng sớm càng tốt trước khi Barisan có thể khuấy động sự bất mãn. Nhưng tôi không có thế mạnh đối với Tunku, chỉ người Anh mới có. Bởi vì Tunku muốn các lãnh thổ Borneo và cũng cần họ giúp bảo vệ Malaysia, tôi phải nhờ đến người Anh làm việc ấy. Moore đồng ý rằng chúng tôi có mối bất bình chính đáng và tôi biết ông ta sẽ cố gắng hết sức để làm cho các Bộ trưởng ở London thuyết phục Tunku thay đổi ý kiến về quyền công dân. Nhưng chúng tôi không đồng ý về một vấn đề khác cũng quan trọng không kém: đó là việc trưng cầu dân ý.

Moore lo lắng bởi vì Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý khuyến cáo rằng việc bỏ phiếu trắng là biểu thị việc cử tri không muốn hành xử quyền của mình để quyết định ủng hộ hay chống lại vấn đề hợp nhất, nên quyết định ấy sẽ được thực hiện bởi phe đa số trong Hội đồng lập pháp (nghĩa là PAP). Tôi đã đưa điều khoản này vào để chống lại việc cộng sản kêu gọi bỏ phiếu trắng. Nhưng nếu người dân muốn phản đối bằng cách bỏ phiếu trắng với số lượng lớn và bằng cách ấy họ biểu lộ sự chống đối việc hợp nhất và cuộc trưng cầu dân ý, Moore cho rằng tôi phải chấp nhận chọn lựa của họ. Ông cố gắng thuyết phục tôi từ bỏ cách thức này, nói rằng dân chúng sẽ coi đó là bất lương và giả tạo. Tôi không đồng ý. Trong một báo cáo gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao ngày 21/6, ông ta viết:

“Để trả lời đề nghị mà chúng ta thường nhắc đi nhắc lại trong suốt 6 tháng qua rằng ông ta không nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, ông ta luôn luôn nói rằng ông ta phải làm thế để tránh bị lên án là người đã bán người Hoa Singapore cho người Malay… Vì vậy, dường như là ông ta vẫn cứ tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý dựa trên những điều khoản của mình, những điều khoản ấy đã được tính toán cẩn thận để bảo đảm rằng ông sẽ không thua. Có lẽ nguy cơ nghiêm trọng duy nhất hiện nay là sẽ có một cuộc tẩy chay trưng cầu dân ý trên quy mô lớn.”

Ông ta chỉ nói đúng một điều: tôi vẫn cương quyết tổ chức trưng cầu dân ý, và công việc cấp bách hiện nay là thông qua dự thảo luật này. Một khi báo cáo của Ủy ban Cobbold được công bố, tôi sẽ phải quyết định áp dụng phương án nào. Đã có những cuộc thảo luận bất tận trên báo chí, trên đài phát thanh và trên diễn đàn trường Đại học Malaysia, và mặc dầu cuộc tranh luận về Dự thảo luật Trưng cầu dân ý kéo dài từ ngày 27/6 đến ngày 11/7 với tám buổi họp đến tận nửa đêm, các bài diễn văn rất gay gắt và lặp đi lặp lại vì chẳng có ý kiến gì mới, mà chỉ là những tái khẳng định ngày càng dữ dội hơn về lập trường của các phe nhóm đối lập nhau. Một tu chính then chốt được tiến sĩ Lee Siew Choh đưa ra và được David Marshall cùng Ong Eng Guan ủng hộ là: chỉ có một câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý – “đồng ý” hay “không đồng ý” việc hợp nhất. Lim Yew Hock xen vào, đề nghị rằng phải có 3 câu hỏi: Quý vị muốn hợp nhất (A) theo bạch thư, hoặc (B) trên cơ sở Singapore là một bang thành viên của Liên bang Malaysia, hoặc (C) theo những điều khoản không kém thuận lợi so với những điều khoản dành cho ba lãnh thổ Borneo? Tu chính của tiến sĩ Lee bị bác và của Lim được chấp thuận. Tôi sung sướng vì Lim đã đề nghị điều mà tôi đã dự định đưa ra.

Trong suốt cuộc thảo luận, mọi thành viên của nghị viện đều nhận được một bức thư đe dọa ký bởi 39 hội cựu sinh viên và câu lạc bộ sinh viên do Hội Sinh viên tốt nghiệp Đại học Nanyang lãnh đạo bảo họ phải bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của Barisan – nếu không sẽ có rối loạn. Ngày 29/6, khi nói về các dự kiến bổ sung để quyên góp hơn 1 triệu đôla để thành lập tiểu đoàn thứ hai của Trung đoàn Bộ binh Singapore, tôi cảnh cáo Barisan rằng những lời nói không theo luật pháp sẽ dẫn đến những hành động không theo luật, và những con người không theo luật sẽ bị loại trừ. Nếu luật lệ được thay thế bằng gạch đá và gậy gộc thì những vấn đề ưu tiên hàng đầu như hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng của nhân dân cũng đòi hỏi phải dùng vũ lực để đàn áp vũ lực. Tôi không áy náy gì về việc sử dụng Trung đoàn Bộ binh Singapore chống lại cộng sản, tôi không hề có nguy cơ bị cho là tay sai của chủ nghĩa thực dân. Nhưng để khuyến khích họ hành xử tử tế hơn, tôi bảo đảm với tiến sĩ Lee rằng quân đội sẽ không cần đến chừng nào họ còn tuân thủ pháp luật.

Vào chiều 3/7/1962, nữ dân biểu thuộc đảng PAP Hoe Puay Choo gửi cho tôi một thư đề nghị ra khỏi đảng với lý do là không ai tham khảo với bà về những vấn đề chính sách quan trọng. Những người cộng sản đã kiên trì thảo luận với bà và giờ chót đã lay chuyển được bà. PAP bây giờ có 25 thành viên so với 26 của các nhóm đối lập. Chúng tôi trở thành một chính phủ của phe thiểu số. Tôi yêu cầu Moore gặp Chin Chye, Keng Swee và tôi. Keng Swee hỏi ông ta rằng nếu PAP từ bỏ kế hoạch của mình, liệu người Anh có kiên quyết thực hiện việc hợp nhất sau khi chúng tôi từ chức không? Moore cho rằng điều này sẽ rất khó khăn bởi vì lúc đó sẽ không có một chính quyền dân cử hậu thuẫn cho công cuộc ấy. Ông ta giục tôi kiên quyết thực hiện nếu có thể được. Tôi nói tôi sẽ cố gắng nhưng yêu cầu ông ta nói với London rằng thời giờ bây giờ cực kỳ ít ỏi. Chúng tôi phải đấu tranh tại nghị viện trong tám ngày nữa trước khi bỏ phiếu. Chúng tôi thành công trong việc đưa kiến nghị với tỷ lệ 29/17 – 24 phiếu của PAP, 3 của UMNO và 2 của SPA chống lại 13 phiếu của Barisan, 1 của Đảng Công nhân (Workers’ Party) của David Marshall, 3 của UPP (Ong Eng Guan). Hoe Puay Choo vắng mặt. Chúng tôi thông qua dự thảo luật với sự ủng hộ từ phía SPA của Lim Yew Hock và UMNO của Tunko.

Trước đó một tháng, Moore đã cho tôi xem bản thảo báo cáo của Cobbold để dò xem phản ứng của tôi. Điều tôi quan tâm nhất là các đề nghị của nó. “Không có lý do nào để ủng hộ quyền công dân riêng biệt đối với các lãnh thổ Borneo”, bản báo cáo ghi và nó đưa ra những điều khoản bao gồm việc không đòi hỏi phải trắc nghiệm về ngôn ngữ trong một thời gian hạn định đối với những người trên một độ tuổi nào đó. Như thế tất cả những ai sinh ra trên các lãnh thổ này đều đủ điều kiện trở thành công dân Malaysia. Đây là một tai họa. Tôi hoàn toàn không thể bảo vệ được vị trí của mình và cuộc trưng cầu dân ý sẽ thất bại. Sẽ có phiếu trắng trên quy mô lớn.

Tuy nhiên bản báo cáo cũng cho tôi một lối ra. Ngay sau cuộc thảo luận về trưng cầu dân ý, tôi viết thư cho Maudling chỉ rõ ra rằng công dân Singapore có thể trở thành công dân Malaysia mà không gây nên vấn đề gì bởi vì Ủy ban Cobbold cũng đã khuyến cáo rằng quyền bầu cử chỉ nên được thực thi ở những lãnh thổ nơi các công dân thường trú. Nói cách khác, công dân Borneo sẽ bỏ phiếu ở Borneo và công dân Singapore sẽ bỏ phiếu ở Singapore, vì thế Tunku không cần phải lo sợ bị tràn ngập bởi người Hoa Singapore bỏ phiếu ở Malaysia. Rồi ngày 12/7 tôi viết thư cho Tunku, gởi cho ông ta một bản sao của bức thư trên và đề nghị rằng giải pháp cho vấn đề này là dành các điều khoản cho Borneo cũng giống hệt như Singapore mà không thay đổi nội dung của những điều mà chúng tôi đã thỏa thuận về hạn chế đối với quyền đầu phiếu.

Tôi đính kèm một bản ghi nhớ cho cả ông ta và Sandys, trong đó nói rằng mũi nhọn chính của cộng sản trong cuộc tấn công vào bạch thư của chính phủ là ở chỗ nó chống lại người Hoa, bởi vì 70 % dân của hòn đảo này là người Hoa, Tunku không sẵn sàng dành cho Singapore cái mà ông ta dành cho Borneo với 70 % số dân không phải là người Hoa. Chỉ có thể phản chứng lại luận điệu này bằng cách dành cho Singapore những điều khoản được cho là tốt hơn Borneo. Tôi cũng lưu ý người Anh rằng nếu họ không áp lực với Tunku để dành cho chúng tôi quyền công dân bình đẳng, tôi sẽ không thể thông qua vấn đề hợp nhất trong nghị viện được. Điều tôi không nói – và đó cũng chính là điều Chin Chye, Keng Swee, Raja và tôi nghĩ – là trong trường hợp ấy chúng tôi thậm chí không muốn tiến hành hợp nhất. Tunku và người Anh lúc đó phải nhận lãnh hậu quả.

Ngay sau khi Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý được thông qua, tiến sĩ Lee Siew Choh đưa ra một bản kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Về vấn đề này, Lim Yew Hock đưa ra một bản tu chính lên án chính phủ “vì đã không kiềm chế những người cộng sản có tiếng và những nhà lãnh đạo mặt trận công khai của cộng sản để họ điều hành và kiểm soát những tổ chức như Barisan Sosialis”. Ông ta trở nên lưu loát và nói thẳng ra mọi suy nghĩ. Đây chính là cơ hội của ông ta biểu lộ việc mình đã hy sinh mọi thứ như thế nào để đối phó với cộng sản trong những năm 1966–67. Nếu lúc đó ông ta biết rằng thủ tướng tương lai đã từng hội đàm với ông Đặc mệnh thì hẳn ông đã tống thủ tướng vào tù chung với Lim Chin Siong rồi. Barisan muốn phá hủy cuộc trưng cầu dân ý và hợp nhất bằng kiến nghị bất tín nhiệm nhưng Lim Yew Hock không cùng một mục tiêu với họ.

Người dân trở nên ít sợ hãi trước những người cộng sản khi họ nhận ra lực lượng này cũng mỏng manh và ý thức rằng chính người Malay, chứ không phải thực dân Anh, chẳng bao lâu sẽ đối phó với lực lượng này. Tu chính án của Lim Yew Hock bị bác bỏ, kiến nghị bất tín nhiệm cũng thế. Sau khi Barisan thua trong cuộc bỏ phiếu thông qua Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý và kiến nghị bất tín nhiệm, giữa tháng 7 Tunku lên đường đi London để gút lại các điều khoản với người Anh về vấn đề lãnh thổ Borneo. Thời gian sắp hết và những người cộng sản tuyệt vọng tìm kiếm những phương cách để ngăn cản hợp nhất.

Hai ngày sau khi họ thất bại trong cuộc tranh luận, một nhóm 19 đại biểu Hội đồng lập pháp do Barisan Sosialis lãnh đạo gửi một kiến nghị cho Ủy ban Giải thực Liên Hiệp Quốc phản đối cách sắp đặt câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý. Chỉ có hai trong số 17 thành viên của Ủy ban này thuộc khối cộng sản, đa số là các thành viên Á–Phi mà hầu hết chính quyền của họ có các đại diện tại Singapore và Kuala Lumpur và họ biết điều gì đang diễn ra. Bởi vì né tránh sẽ không gặt hái được thành quả gì, tôi điện cho quyền Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant nói rằng kiến nghị của phe đối lập là một phần của đời sống chính trị của Singapore và nếu xem xét kiến nghị, Ủy ban phải lắng nghe chính quyền trước. Tôi chuẩn bị đưa ra trước Ủy ban toàn bộ các sự kiện của tình hình để Ủy ban có thể xem xét tới mức cận kề nhất.

Ban đầu, vị đại diện Ấn Độ trung thành ủng hộ chúng tôi đúng như quan điểm mà Nehru đã bày tỏ ở New Delhi vào tháng 4 năm ấy rằng không có một chọn lựa nào khác ngoại trừ hợp nhất với Malaysia. Cùng với Campuchia, Tunisia và các quốc gia Á Phi khác, ông ta nói rằng vì Singapore đã có một chính quyền dân cử tự do, nên Ủy ban không có lý do gì để xem xét lại các hành động của chính phủ này. Rồi bất ngờ ông lại thay đổi quan điểm, có lẽ do tôi sẵn sàng tham dự. Ngày hôm sau, Liên Hiệp Quốc nói rằng Ủy ban này, trước đó đã bỏ phiếu 10/2 biểu quyết không can thiệp, quyết định sẽ gặp gỡ đoàn đại biểu các dân biểu Singapore đã kiến nghị chống cuộc trưng cầu dân ý và đòi phải có một quan sát viên Liên Hiệp Quốc. Tiến sĩ Lee Siew Choh vui sướng. Nhưng tôi không vui với kết quả này; tôi tin rằng tôi có thể bác bỏ các lý luận của Barisan cũng như của Marshall, và ngày 20/7 tôi chính thức yêu cầu được ra điều trần trước Ủy ban.

Hai ngày sau, Keng Swee và tôi bay đến New York cùng với phụ tá của tôi là Teo Yik Kwee. Tôi muốn gặp Ủy ban trước rồi mới đi London gặp Tunku và Macmillan sau khi họ đã thảo luận xong về vấn đề lãnh thổ Borneo. Máy bay của chúng tôi hiệu Superconstellation, một phi cơ phản lực 4 động cơ và là loại máy bay liên lục địa vào lúc ấy. Phải mất gần hai ngày để bay từ Singapore đến New York – quá cảnh Saigon, Guam, Hawaii và Los Angeles, Keng Swee và tôi làm việc trong suốt chuyến bay, chuẩn bị phản bác từng điểm một trong bản ghi nhớ gồm 19 điểm mà Marshall đã giúp Barisan soạn thảo. Sau khi vào khách sạn Manhattan và mở hành lý ra xong, tôi tìm Teo. Tôi thấy anh ta nằm trên giường ngủ ngon lành với nguyên quần áo giày vớ, hoàn toàn kiệt sức. Anh ta đã đánh máy các bản dự thảo rồi dự thảo sửa đổi đến vô tận cho tôi và Keng Swee gần như suốt 48 tiếng đồng hồ qua.

Người Anh vẫn còn chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại của chúng tôi và một sỹ quan thuộc phái bộ của họ tại Liên Hiệp Quốc đón chúng tôi ở phi trường. Họ là những chuyên gia hàng đầu. Họ biết mọi thủ tục phải thực hiện và hướng dẫn tôi đến người cần gặp để tiến hành các cuộc đàm phán sơ khởi. Họ khuyên tôi đừng đưa ra những luận điểm dài dòng mà nên quay trở lại quan điểm mà Ấn Độ trước kia đề xuất là đã có một chính quyền dân cử ở Singapore và Ủy ban không nên can thiệp vào vấn đề mà Singapore đã quyết định.

Ở cuộc họp, tôi đưa ra bản ghi nhớ phản bác sự tố cáo của nhóm đối lập rằng các điều khoản của cuộc trưng cầu dân ý thủ tiêu quyền đối lập dân chủ, và trong hai giờ liền, tôi phân tích chi tiết từng điểm một. Tôi nói rằng những người đối lập có tội xuyên tạc trong khi tìm kiếm sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Thỉnh nguyện của họ là một phần của chiến thuật báo động giả nhằm duy trì không khí khẩn trương ở Singapore để nâng cao tinh thần của những người ủng hộ họ. Họ cũng có tội khi tìm cách duy trì chế độ thực dân ở Singapore vì mục đích riêng của mình, đưa ra thỉnh nguyện chống lại chính quyền được bầu cử đúng thể thức và hợp hiến, một chính quyền muốn độc lập ngay. Đó là một nghịch lý. Chúng tôi giải thích rằng khi Singapore gia nhập Liên bang, những người cộng sản sẽ không đấu tranh chống lại thực dân Anh nữa mà là chống lại chính quyền dân cử đã giành được độc lập cho đất nước. Trong khi đó, chúng tôi vẫn có toàn quyền để thực hiện việc hợp nhất mà không cần trưng cầu dân ý gì cả.

Sau khi tôi trình bày, tiến sĩ Lee Siew Choh trình bày quan điểm của mình, và tôi yêu cầu được trả lời và được chấp thuận. Tôi nói, điều mỉa mai là người phát ngôn của hai nhóm đối lập, Tiến sĩ Lee và Woodhull, đều sinh ra ở Malaysia chứ không phải Singapore, và rằng Woodhull, một công dân Malaysia đã đi New York bằng hộ chiếu Malaysia. Hơn nữa họ không đại diện cho đa số bởi vì khi thách đố chính quyền bằng kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm, họ chỉ đạt được 16 trên 51 phiếu của Hội đồng lập pháp. Cả Keng Swee và tôi đều mệt nhoài sau cuộc hành trình nhưng chúng tôi quyết tâm xác lập tính cách dân tộc Á Phi của mình. Bằng thái độ, giọng nói, cử chỉ và cách nhấn mạnh đến từng vấn đề, chúng tôi bảo đảm rằng Ủy ban không thể cho chúng tôi là bù nhìn của người Anh hay người Malay. Ngài Hugh Foot, đại diện Anh tại Liên Hiệp Quốc, hài lòng vì những nỗ lực của chúng tôi. Ông ta nói các thành viên của Ủy ban tin tưởng rằng PAP là một tổ chức mạnh với một vị thủ tướng có tinh thần chiến đấu, và không thể tưởng tượng rằng đó là bù nhìn của vương quốc Anh.

Ngay đêm hôm ấy chúng tôi đi London. Chúng tôi không còn nhiều thì giờ. Tunku đang kết thúc các cuộc đàm phán với Macmillan và đã đến lúc chúng tôi phải gây áp lực với ông ta để giải quyết vấn đề quyền công dân trước sự hiện diện của người Anh. Vì thế tôi không ở lại New York để nghe Marshall trình bày quan điểm của ông. Ông đưa ra một lý lẽ hết sức mạnh mẽ và gây cho Ủy ban một đáp ứng thuận lợi hơn là của Tiến sĩ Lee nhưng cũng không thể làm mất đi ấn tượng sâu sắc hơn mà tôi đã để lại. Ủy ban quyết định không xem xét thỉnh nguyện thư ấy.

Chúng tôi đến phi trường Heathrow vào thứ Sáu 27/7, lúc 11 giờ 15 sáng. Keng Swee và tôi mệt nhoài sau chuyến bay từ Singapore đến New York, nhưng không có thời gian để nghỉ. Sau khi tắm rửa chớp nhoáng ở Khách sạn Hyde Park, nơi chúng tôi lưu trú, chúng tôi đi xuống phòng ăn kịp lúc để dùng cơm trưa với Selkirk. Ông ta tóm lược cho chúng tôi nghe về diễn tiến các cuộc đàm phán với Tunku về các lãnh thổ Borneo. Vào 3 giờ chiều thì chúng tôi sẽ gặp gỡ Duncan Sandys ở Sở Quan hệ khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Relations Office). Dù mệt, chúng tôi cũng phải tiếp tục công việc.

Ngày hôm sau Keng Swee, Stanley Steward (thư ký thường trực của tôi) và tôi dùng trà với Tunku ở khách sạn Ritz. Như thường lệ, đối với Tunku chúng tôi không thảo luận ngay vấn đề quyền công dân. Nhưng ông ta đang thoải mái. Ông đã giải quyết với người Anh gần như toàn bộ các vấn đề Borneo. Đó là những tín hiệu tốt. Vào sáng Chủ nhật, Keng Swee và tôi chơi gôn với Tunku và Razak ở Swindon. Chiều hôm ấy, trong khi Tunku đang nghỉ ngơi, Razak thay mặt ông ta họp với Duncab Sandys ở Sở Quan hệ khối Thịnh vượng chung, ở đó chúng tôi thảo luận các vấn đề còn tồn đọng về quyền công dân Malaysia, việc giam giữ những người cộng sản và kế hoạch cho sự hình thành một thị trường chung. Tôi không biết Macmillan có nói riêng gì với Tunku không nhưng Sandys nói thẳng thừng với Razak rằng những vấn đề này phải được giải quyết trước khi Anh ký thỏa thuận về các lãnh thổ Borneo. Razak thú nhận rằng trên nguyên tắc quyền công dân Malaysia tùy thuộc vào quyết định của Tunku. Đó là một bước tiến lớn lao.

Tôi vẫn còn nhiều nỗi lo. Không có người Anh thuyết phục Tunku, tôi sẽ không đạt được thỏa thuận này, và tôi sợ rằng một khi Malaysia thành hình, họ không thể nhân danh Singapore để can thiệp sâu hơn nữa. Trong khi ấy chúng tôi vẫn chưa xác lập được mối quan hệ thật sự sâu sát với Tunku và Razak. Họ là hai nhân vật có cá tính hoàn toàn khác nhau. Razak luôn luôn nghi ngờ và do dự, luôn luôn có ý kiến thứ hai. Ông ta thường đồng ý một số vấn đề nào đó sau một cuộc thảo luận, tranh cãi rất dài, rồi hôm sau gọi điện lại để xét lại quyết định ấy. Ông ta bồn chồn lo lắng đến từng chi tiết và là một phụ tá đắc lực cho Tunku, ông này không bao giờ ngó ngàng gì đến những chi tiết ấy. Ông là một công chức cần mẫn, đã vượt qua các kỳ thi vào Luật sư đoàn, cả trung cấp và cao cấp, trong một thời gian kỷ lục là 18 tháng. Ông đã cố công gầy dựng một mạng lưới bạn bè, người ủng hộ trong giới sinh viên Malay ở Anh, trong số ấy có các con trai của chín tiểu vương Malay. Nhưng mặc dầu bản thân ông ta xuất thân từ một gia đình quý tộc truyền thống, ông không có vẻ lịch lãm tự nhiên của Tunku, và vì vậy làm việc với ông luôn luôn rất căng thẳng.

Vào 10 giờ sáng thứ Hai, 30/7, Keng Swee và tôi có cuộc họp chính thức với Tunku và Razak ở khách sạn Ritz rồi ở lại dùng cơm trưa. Tunku chính thức đồng ý điều mà Razak đã thỏa thuận. Tôi nói tôi sẽ gửi cho ông ta một bức thư trình bày chi tiết và yêu cầu ông xác nhận điều mà tôi đã viết. Sau bữa cơm trưa, tôi về khách sạn Hyde Park soạn thảo bức thư, trong đó có đoạn chính là:

“Có người thấy thật khó mà hiểu rằng không hề có sự khác biệt gì trong việc gọi các công dân Singapore là “cư dân” (national) hay “công dân” (citizen) của Liên bang Malaysia. Vì vậy chúng tôi đã đồng ý rằng, vì vấn đề tên gọi đã trở thành vấn đề ưu tư trong nhiều bộ phận dân cư, đoạn 14 của bạch thư nên được tu chính để các công dân Singapore sẽ là công dân của Malaysia thay vì là cư dân của Malaysia. ”

Tôi đính kèm một tuyên bố chung của Bộ trưởng Tư pháp Malaysia và Singapore xác nhận quan điểm hợp hiến về quyền bỏ phiếu, đó là người dân của chúng tôi sẽ bỏ phiếu chỉ ở Singapore, và điều này sẽ giữ nguyên không đổi.

Ngày hôm sau Tunku trả lời thư của tôi, lấy địa chỉ là khách sạn Ritz, London:

"Tôi xác nhận rằng những dàn xếp về quyền công dân của người dân Singapore sẽ có hình thức đã được hai chính phủ Liên bang Malaysia và Singapore thỏa thuận, được nêu ở đoạn 14 của Bạch Thư Singapore năm 1961, và đã được tu chính về tên gọi và về quyền bầu cử theo các điều khoản đã được công bố.”

Đây chính là điều tôi cần. Nếu phe đối lập không nêu lên vấn đề này thì tôi khó mà dễ dàng như thế trong việc giành được thế thượng phong đối với họ. Bây giờ thì họ chẳng còn bao nhiêu cớ để bất mãn và tôi sẽ không cho họ có thêm thời gian trước khi cuộc trưng cầu dân ý có thể tạo ra những cớ chống đối mới. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được làm thế nào mà người Anh – có thể có sự giúp đỡ của người Úc – cuối cùng thuyết phục được Tunku thay đổi quyết định của ông ta. Có lẽ Sandys, người rất cứng rắn trong đàm phán, bảo ông ta rằng nếu không có quyền công dân chung cho mọi người thì sẽ không có lãnh thổ Borneo cho ông ta và sẽ không có hợp nhất. Tối hôm đó vào lúc 7 giờ, Sandys tổ chức một cuộc họp cuối cùng với Tunku, Razak, Keng Swee và tôi để tổng kết các vấn đề. Tôi yêu cầu thỏa thuận về quyền công dân sẽ khoan được công bố để tôi có cơ hội ra một tuyên bố đầy ngạc nhiên tại Singapore vào một thời điểm thích hợp.

Vẫn còn đó vấn đề cộng sản. Khi đến London, Selkirk cho tôi biết rằng Tunku vẫn còn muốn mọi phần tử gây rối phải bị bắt giữ trước khi Singapore thuộc về trách nhiệm của Liên bang. Nhưng ông ta đã lặp lại rằng người Anh không nhiệt tình trong việc chống lại họ và muốn chính quyền Malaysia thực hiện điều này sau khi hợp nhất. Tôi trút được nỗi lo. Bây giờ người Anh có thể chịu gánh nặng chống lại Tunku. Đoạn tôi điều chỉnh lập trường, phát biểu rằng một khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc thắng lợi, tôi sẽ chuẩn bị để hỗ trợ cuộc thanh lọc trước ngày tuyên bố thành lập Liên bang Malaysia.

Nhưng Selkirk đã viết cho Sandys vào ngày 27/7 rằng:

“Tôi phải cho ngài biết rõ rằng tôi nghĩ chính sách này nguy hiểm như thế nào vì những lý do sau đây:

(i) Sự bắt giữ độc đoán mà không có bằng chứng thuyết phục được công chúng ắt sẽ tăng cường lực lượng đối lập ở Singapore và ảnh hưởng bất lợi đến các đồng sự của Lee, có thể dẫn đến sự sụp đổ của ông ta.

(ii) Người ta sẽ thấy rõ ràng là người Anh áp đặt lên Malaysia bất chấp ý muốn của nhân dân. Lúc ấy người ta sẽ cho rằng kế hoạch của chúng ta là nhằm duy trì các cơ sở của chúng ta, với Tunku tự nguyện trở thành bù nhìn của chúng ta.

(iii) Sẽ rất khó biện hộ hành động kiểu này ở nghị viện Anh và ở Liên Hiệp Quốc, nơi người Nga nổi tiếng là chống đối mạnh mẽ Liên bang Malaysia.

Chúng ta cũng không thể đưa ra một lý lẽ mạnh mẽ nào để biện minh tại sao hành động cần thiết cho an ninh như thế lại không do chính quyền Malaysia thực hiện sau khi thành lập Malaysia.

Điều Selkirk không nói là có thể có bạo loạn và đổ máu, điều này sẽ tạo tiếng xấu về chính trị cho người Anh. Sandys nhấn mạnh rằng ông ta không thể đồng ý trước, thậm chí trên nguyên tắc, về các vụ bắt giữ ở Singapore mà không có cơ hội để xem xét các trường hợp của các cá nhân có liên quan. Một trường hợp hợp lý phải được nêu ra, và chính quyền Anh không phải là người đề xuất vấn đề này. Nhưng nếu tất cả các bên có liên quan cho thấy rằng họ chuẩn bị để gánh chịu trách nhiệm của mình, chính quyền Anh sẽ không né tránh trách nhiệm của họ và sẽ không phụ lòng tin cậy của các bên khác. Tạm thời Tunku phải giải quyết vấn đề này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx