- Em không trách tụi nó đâu. Chị đừng lo! - Thiên Phong khẽ cười buồn đáp, cậu bé vò nát bức tranh trong tay mình rồi quăng vào sọt rác.
Thiên Phong nói xong thì bỏ đi lên lầu. Chị Nga đứng bên dưới nhìn theo bóng dáng của cậu bé, cảm thấy dường như có sự lẻ loi buồn thảm, nhất là ánh mắt cô độc hiện rõ. Nhận lời chăm sóc Thiên Phong nhưng ngoài việc dọn dẹp, nấu cơm giặt rũ ra thì chị và Thiên Phong không tiếp xúc với nhau mấy, cũng chẳng nói chuyện là bao nhiêu. Lúc đầu chị Nga thấy cậu nhóc này cứ thu mình vào góc, không nói chuyện với mình cho rằng thằng nhóc này là dân thành phố nên có chút chảnh chọe, không thích trò chuyện với dân quê như chị; nhưng giờ nghĩ lại, một thằng bé còn nhỏ mà ba mẹ không ở bên cạnh cho nên nó có cảm giác cô đơn lạc lỏng, và thu mình vào một góc để bản thân không thấy buồn. Lại thấy thằng bé bị phá đến thế mà không tức giận, gặp mấy đứa trẻ trong xóm là la hét đòi đánh nhau ầm ĩ, mấy đứa nhà giàu cha mẹ có quyền thì chạy về khóc lóc ầm ĩ méc để ba mẹ nó đi mắng vốn ba mẹ mấy đứa kia... chị Nga thấy Thiên Phong thật hiền lành, trong lòng cũng thấy thương thương cậu bé hơn.
Chị đi lên phòng của Thiên Phong dọn dẹp, thấy cậu bé đang nhìn ra bên ngoài cửa sổ, trên tay cầm một cây bút lông, tay kia cầm bảng pha màu dường như đang muốn vẽ lại bức tranh hồi nãy. Nhưng cảnh vật buổi ban trưa bên ngoài đã không còn đẹp như lúc buổi bình minh nữa.
Tuy chị Nga không rành về vẽ tranh cho lắm nhưng chị cũng hiểu được tí chút, thấy Thiên Phong có vẻ không hài lòng nên mới không đặt bút vẽ, chị Nga bèn lên tiếng:
- Sao em không ra ngoài thử xem! Bên ngoài còn rất nhiều cảnh đẹp. Thôn quê mà, đâu đâu cũng là cảnh thích hợp cả.
Chị Nga nói với lòng tự hào về vùng quê của mình, nơi mà chị sinh ra và lớn lên, nơi có những ngọn nước trong lành mát ngọt, nơi có những lũy tre thấp thoáng và những con người mộc mạc hiền lành.
Thiên Phong cúi mặt có vẻ suy nghĩ rất nhiều, chị Nga bèn bước đến xoa đầu cậu bé cười nói:
- Muốn trở thành họa sĩ giỏi, trước hết em phải thu tất cả mọi thứ vào trong đôi mắt của mình. Thế giới bao la rộng lớn lắm, không nhỏ bé như mấy cái cửa sổ này đâu. Em cũng đừng ru rú trong nhà như thế, ra ngoài hít thở không khí trong lành ở đây, nhìn mọi thứ chuyển động cũng rất thú vị, còn hơn là ở đây một mình cô độc đến thế này.
Thiên Phong không ngờ chị Nga lại đang nói ra nỗi lòng của mình, cậu bé giương đôi mắt tròn xoe nhìn chị mấy giây rồi cuối cùng gật đầu. Chị Nga cảm thấy rất vui, liền hướng dẫn cho Thiên Phong hướng đi đến những nơi có cảnh đẹp, dặn dò cẩn thận rồi mới đi nấu cơm.
- Em cứ đi đi, lát nữa nấu cơm xong chị sẽ gọi em về ăn cơm. Nhớ cẩn thận nha, đường quê không bằng phẳng như đường thành phố đâu.
Thiên Phong cười gật đầu rồi cầm theo bảng vẽ và bút đi ra ngoài.
Lúc từ thành phố về đây, cậu bé ngồi trong xe, cách một tấm kính màu đen nên không nhìn rõ được cảnh vật ở vùng quê nơi này. Quả thật là nơi đây quá ư là tuyệt vời, chẳng những có nhiều cây cối rợp bóng mát mà ánh nắng chan hòa chiếu vào những kẽ lá, phản ánh sáng xuống lòng đường tạo thành những hình ảnh ngộ mắt; lần đầu tiên Thiên Phong được chứng kiến những hình ảnh đẹp như thế này. Vừa đi, cậu bè không ngừng nhìn ngó xung quanh, tuy nắng trên bầu trời chói chang nhưng đi giữa những tán cây thì mát rượi, còn có cả những cơn gió lùa khiến lá cây xôn xao lắc lư như thể các nàng tiên đang múa lụa; chưa kể tiếng chim ban trưa hòa lẫn tiếng ve kêu hè, tạo ra những âm thanh yên bình tĩnh lặng. Chỉ có thể cảm nhận mới thấy hết được vẻ đẹp nơi thôn quê này.
Thiên Phong cuối cùng cũng chọn được một cảnh rất đẹp. Đó là cảnh bờ hồ rộng lớn, có những hàng dừa ngả bóng in soi xuống mặt nước rất đẹp, hơn nữa trên hồ lại có bầy vịt đang tung tăng bơi lội, quả thật rất thích mắt. Người lần đầu nhìn thấy không thể không reo lên.
Thiên Phong liền lập tức ngồi xuống và bắt đầu dùng bút chì hý hoáy những đường phác Thảo, cậu bé muốn lưu giữ những ký ức này mãi trong tâm hồn mình qua những bức tranh vẽ.
Thiên Phong đang say sưa vẽ cảnh mặt hồ tĩnh lặng cùng đàn vịt đang bơi thì một tiếng tõm vang lên phá tan mặt hồ yên tĩnh khiến bầy vịt cũng hoảng hốt vội vàng bơi đi xa. Thiên Phong bị phá tan cảnh vật mình đang vẽ thì có chút thất vọng quay đầu nhìn thủ phạm thì thấy một đám trẻ đang đi đến, trong đó hình như có cô bé bị mình đuổi đi hôm trước, còn có thằng bé đã đưa cho mình hộp bánh chứa đầy châu chấu và nước phân.
- Này! Thằng kia, ai cho mày ngồi ở đây hả? - Thằng Nam hất mặt bước đến hỏi Thiên Phong. - Hồi nãy nếm nước phân có đã không?
Thằng Nam nói xong, cả đám trẻ phá ra cười. Thiên Phong biết là bọn nhóc này cố ý đến gây chuyện với mình thì thu xếp đồ đạc bỏ đi.
- Tụi tao đang hỏi mày mà, may khinh tụi tao nên không thèm trả lời hả? Mày ỷ mày là dân thành phố nên không muốn nói chuyện với tụi tao à? - Thằng Hải đứng ra chặn đường Thiên Phong.
Nhìn đám trẻ đều nhỏ hơn mình nên Thiên Phong mới hắng giọng nói:
- Anh lớn tuổi hơn tụi em, phải gọi anh là anh!
- Haha... - Đám trẻ phá ra cười nắc nẻ. Rồi thằng Hiển lấy tay đẩy Thiên Phong một cái bật lùi ra sau vài bước, làm rớt hết cả đồ đạc trên tay cậu bé. - Mày ỷ mày hơn tụi tao cái đầu thì đòi làm anh tụi tao? Có ngon thì đánh nhau với tụi tao, nếu mày thắng, tụi tao sẽ kêu mày bằng anh, thế nào dám đánh không?
Tụi trẻ dưới quê, tuy nhìn đứa nào đứa nấy đều ốm yếu nhưng kỳ thực lại rất khỏe; không như tụi trẻ thành phố, trông béo tròn là thế nhưng chẳng thể vật ngã được đám trẻ dưới quê. Thiên Phong lại càng không thể.
- Anh không thích đánh nhau, cũng không muốn đánh nhau với mấy em. Tại sao mấy đứa cứ đến chọc phá anh hoài vậy?
- Mày sợ rồi à? Tụi tao nói cho mày biết, là do mày đuổi bạn tụi tao đi nên mới khiến bạn tao bị đòn, bị ba mẹ bỏ lại nơi này. Bạn tao buồn biết bao nhiêu, cho nên tụi tao ghét mày! - Thằng Hiển giọng hơi ngọng đáp.
Thiên Phong không ngờ lại có chuyện như vậy, cậu bé đưa mắt nhìn Việt Phương, nhưng cô bé lừ mắt quay đi. Thiên Phong thấy có chút ân hận, hóa ra Việt Phương có hoàn cảnh khá giống mình.
- Xin lỗi! Anh không nghĩ mọi chuyện lại như thế.
Đám trẻ không ngờ Thiên Phong là người thành phố mà không hách dịch, đã vậy còn chủ động xin lỗi trước, khiến cả đám tụi nó không biết phải xử trí thế nào. Đứa này nhìn đứa kia dò hỏi. Nhưng Thiên Phong chưa cho tụi nó bàn bạc tiếp thì nói:
- Anh phải về nhà đây kẻo chị Nga chờ.
Đã như vậy rồi thì đám nhóc đành để Thiên Phong đi qua. Thấy trời cũng trưa, tụi trẻ tạm biệt nhau về nhà tắm rửa ăn cơm, chỉ còn Việt Phương ở lại vì đây là nhà cô bé, cái hồ này cũng là nơi cô bé bị té suýt chết. Việt Phương định đi vào thì nhìn thấy bút vẽ, tập vẽ của Thiên Phong bị rơi lúc nãy. Việt Phương nhớ lại lúc ba mẹ về đây, cô bé nhõng nhẽo đòi ba mua cho tập vẽ và bút vẽ. Nào ngờ cuối cùng cô bé trốn nhà đi và ông Việt Tuyên vì lo lắng mà quên đi lời hứa của mình.
Việt Phương rất thích được vẽ tranh, tuy cô bé không có khiếu cho lắm nhưng khi vẽ tranh lại cho cô bé một cảm giác khác lạ, giống như cả thế giới chỉ có một mình cô bé với bức tranh trước mặt mình.
Nhìn bức vẽ dở dang của Thiên Phong, Việt Phương rất thích, cô bé đứng nhìn nó thật lâu, nào ngờ gió thổi đến khiến cho bức tranh bị gió thổi rơi xuống hồ.
Việt Phương vội vàng đuổi theo giữ lấy nhưng không kịp. Bức tranh đã rơi ở mép hồ, Việt Phương không nỡ nhìn bức tranh bị hư cho nên một tay nắm lấy tàu dừa, một tay với xuống lấy bức tranh lên. Nào ngờ Việt Phương lại trượt chân và rơi tõm xuống hồ.
Việt Phương chới với khi bị rơi xuống nước, tay cô bé chỉ vừa nắm được bức tranh mà thôi; nước nhanh chóng xông vào lỗ mũi, hốc mắt của cô bé, một cảm giác khó chịu ập đến khiến Việt Phương hoảng loạn sợ hãi, cô bé cố vùng quẫy tay chân torng nước theo bản năng. Tiếng nước bì bõm vang lên theo từng đợt trồi người ngoi lên của cô bé. Việt Phương muốn há miệng kêu cứu nhưng vừa hé môi thì lại bị ngụp xuống nước, nước tràn đầy vào cuống phổi cô bé gây ngạt thở.
Sự ám ảnh năm xưa tràn về, cảm giác thật đáng sợ, nước sông dưới nắng hè vốn dĩ trở nên ấm hơn nhưng Việt Phương lại thấy lạnh lẽo vô cùng. Chỉ sau vài cái trồi lên, lặn xuống, khóe mắt sống mũi cay nồng, lồng ngực đau nhói khó chịu, Việt Phương cuối cùng cũng từ từ chìm xuống dưới đáy hồ. Nhưng tay cô bé vẫn quyết giữ chặt bức tranh.
Trong giây phút tưởng chừng như mình đã chết, Việt Phương thấy nhớ ba mẹ và chị gái vô cùng. Có lẽ cô bé sẽ không còn dịp được gặp họ nữa, chẳng biết họ có buồn không khi cô bé không còn trên đời này nữa. Nhưng ông bà nội, chú Nhân và đám nhóc nhất định sẽ vì Việt Phương mà khóc, mà đau lòng. Đây cũng là niềm an ủi lớn nhất của của bé. Việt Phương thấy cơ thể mình nhẹ hơn, bồng bềnh trong mặt nước, cơ thể càng lúc càng lạnh lẽo.
Một bàn tay từ đâu đưa tới nắm chặt lấy tay cô bé, siết mạnh, giữ cô bé không rời đi; sau đó nhanh chóng kéo Việt Phương lên bờ. Việt Phương đã chìm vào vô thức cho đến khi ai đó ép ngực cô bé cho phần nước đã vào bụng từ từ trào ra, mới từ từ tỉnh dậy.
Cô bé mở mắt ra thì nhìn thấy một đôi mắt tròn xoe đen láy, tuy đọng nước nhưng lại sáng lấp lánh như một vì sao. Trong mơ hồ, Việt Phương chẳng nhìn rõ gương mặt của người cứu mình. Cho đến khi một bàn tay nhỏ tát nhẹ vào má cô bé cùng giọng nói lay gọi:
- Này, em không sao chứ?
Lúc này Việt Phương mới từ từ ý thức được mọi chuyện, cô bé mở mắt ra nhìn rõ người cứu mình. Hóa ra người đó là cái thằng bé ở căn biệt thự đã đuổi cô bé đi. Chị Nga đi gọi Thiên Phong về ăn cơm, từ xa nhìn thấy nhanh chóng hiểu ra mọi chuyện, cũng hốt hoảng chạy đến lo lắng gọi:
- Bé Phương, em không sao chứ? Trời ơi, sao lại ra hồ một mình thế này? May mà phát hiện kịp, không thì sẽ thế nào hả?
Việt Phương vừa tĩnh thần trí nhìn thấy chị Nga thì mếu máo lắc đầu. Dù có cứng đầu thế nào thì một cô bé như Việt Phương đối mặt với một trận sợ hãi như thế thì cũng run rẩy không ngừng. Cô bé lao vào lòng chị Nga, tuy không khóc nhưng cũng mếu máo run rẩy không ngừng.
Chị Nga vỗ về Việt Phương, bế cô bé lên rồi nói với Thiên Phong:
- Bé Phong, cảm ơn em đã cứu bé Phương, nếu không có em thì... Haiz. Em chờ chị một chút, chị đưa bé Phương vào nhà rồi chúng ta về nhà ăn cơm.
Thiên Phong gật đầu rồi thu dọn những vật dụng vẽ của mình dưới đất lên. Lúc nãy lo tránh bọn trẻ mà quên thu mang chúng về, nhờ vậy Thiên Phong mới quay lại và nhìn thấy Việt Phương rơi xuống nước mà cứu. Cũng may, cậu bé là quán quân bơi lội của toàn trường, nếu không chưa chắc cậu có thể đưa Việt Phương an toàn vào bờ như thế.
Việt Phương nhìn Thiên Phong mím môi không nói gì khi được cậu bé cứu, lưỡng lự một chút, Việt Phương chìa tay ra trước mặt Thiên Phong, trên tay cô bé vẫn còn bức tranh mà Thiên Phong vừa vẽ. Bức tranh đã nhòe nhoẹt không ra hình thù gì nữa. So với bức tranh bị châu chấu làm hư còn tệ hại hơn, một góc chỗ Việt Phương cầm chặt đã rách một phần.
Thiên Phong nhìn bàn tay nhỏ xíu đang nắm lấy bức tranh của mình, cậu bé hiểu ra, Việt Phương vì muốn vớt bức tranh nên mới bị té xuống nước. Bức tranh vốn dĩ không cần lấy nữa nhưng Thiên Phong lại không muốn phụ lòng Việt Phương nên đưa tay cầm lấy rồi khẽ cười nói:
- Cám ơn!
Việt Phương chớp chớp mắt có chút ngạc nhiên, rõ ràng người cần nói lời cám ơn là cô bé, cô bé còn ngại mở miệng thì Thiên Phong đã cám ơn trước. Chị Nga thấy gió thổi lên mạnh hơn sợ Việt Phương cảm lạnh thì vội vàng bế Việt Phương vào nhà để Thiên Phong ở lại một mình.
Buổi chiều ngày hôm đó, sau khi ngủ trưa dậy, đám trẻ vốn háo hức vì những trò chơi mà chúng đã sắp đặt định trêu chọc lẫn trả thù Thiên Phong vì tội đuổi Việt Phương ra khỏi nhà, chỉ chờ tập trung đầy đủ là bắt đầu.
- Nhìn xem, đây là trứng hột gà ung mà tao lấy trong ổ gà nhà tao, tao con chôm một ít mắm nêm bán bún rêu của má nè. Đem trộn hai cái mùi này lại rồi cho lên người thằng đó thì tuần lễ mới hết mùi. - Thằng Nam cười ranh ma giơ hai hiện vật bốc mùi trên tay nó lên.
- Eo ơi, thúi quá đi mất! - Nhỏ Thắm bịt mũi đứng tránh xa thằng Nam ra.
- Thúi vậy mới khiến thằng đó chết không bằng sống chứ. - Thằng Hải cười ha ha đáp.
- Ừ hen. - Con Thắm gật đầu đồng ý.
Thấy Việt Phương đi từ xa đến, thằng Nam háo hức khoe kế hoạch của mình nhưng Việt Phương lắc đầu bảo:
- Bỏ đi, tao không muốn trả thù thằng đó nữa!
- Sao vậy? - Bọn trẻ nhìn Việt Phương với ánh mắt tò mò lẫn kinh ngạc.
- Thằng đó hồi trưa cứu tao khỏi chết đuối.
- Sao mày lại chết đuối? Chẳng phải mày rất ghét đến gần mép sông hay sao, mày toàn đứng trên bờ nhìn tụi tao tắm có đến gần đâu, bộ đi vấp cục đá nào rồi rớt xuống hồ à? - Con Thảo tròn mắt ngạc nhiên hỏi.
Con Thảo hỏi làm Việt Phương nhớ đến lời hứa mua viết màu tranh vẽ cho mình của ba mà buồn. Tuy chỉ cần Việt Phương nói ra, chú Nhân sẽ đi mua cho cô bé, nhưng quà ba mẹ mua cho vẫn hơn nhiều. Việt Phương chẳng muốn nghĩ tới nữa bèn nói:
- Đừng nói chuyện đó nữa. Tìm cái gì chơi đi, buồn quá.
- Không phá thằng đó nữa á? - Thằng Nam kêu lên luyến tiếc. - Vì để chơi trò này, nó làm đổ mắm tôm ra nhà tùm lum khiến má nó nổi giận mắng một trận.
- Ừ, dù sao cũng thúi gần chết, mày trộn rồi lỡ nó dính vào người mày thúi hoắc đừng có đến gần tụi tao nữa. - Con Thắm gật đầu nhăn mặt đáp, quả thật cái mùi trứng thúi khiến nó không chịu nổi luôn.
Tuy có tiếc nhưng thằng Nam cũng đành bỏ mấy thứ đó mà theo tụi bạn đi chơi.
Bọn trẻ chơi đùa khá vui vẻ trên cánh đồng của làng, nơi có những đồng lúa xanh rì rào.
Thiên Phong nhìn thấy cảnh vật bên ngoài thì thích lắm, dù hồi trưa xảy ra chuyện không vui nhưng nghĩ đến Việt Phương vì bức tranh của mình mà rơi xuống nước, cậu bé thấy đám trẻ quê cũng không xấu lắm. Nhưng để tránh đụng độ, Thiên Phong hỏi đường chị Nga đi đến chỗ xa hơn để vẽ tranh. Nơi cậu bé đến là một khoảng đất trống, nơi giáp ranh giữa làng này với làng kia.
Ở đây tuy không đẹp được như chỗ làng nhà nhưng vẫn mang cái hồn quê thơ mộng. Thiên Phong hài lòng mỉm cười bắt đầu những nét vẽ của mình.
Cả buổi ngồi vẽ, cuối cùng Thiên Phong cũng hoàn thành được bức vẽ của mình; lần này cậu cẩn thận hơn, cho bức vẽ vào trong ống đựng bản vẽ rồi lần đường trở về nhà. Đi được một đoạn, Thiên Phong nhìn thấy hai thằng bé đang đánh nhau rất dữ dội. Một thằng lớn mập mạp đang đè thằng nhóc nhỏ tuổi hơn mình lại gầy gò ốm yếu ra đánh. Thằng nhóc kia vừa muốn vùng thoát vừa khóc ròng rã.
- Nè! Buông thằng nhỏ ra! Lớn ăn hiếp nhỏ mà không xấu hổ sao? - Thiên Phong thấy vậy thì chạy đến quát lớn.
Thằng mập kia nghe quát thì dừng tay, nó ngóc đầu nhìn lên Thiên Phong rồi quẹt mũi đứng dậy chỉ tay vào mặt Thiên Phong hỏi:
- Liên quan gì đến mày mà mày xen vào hả? Mày có biết tao là ai không hả? Khôn hồn thì cút đi!
Nó giương nắm đấm về phía Thiên Phong, đầy hàm ý đe dọa. Nhưng Thiên Phong không sợ vẫn cứ nói:
- Chẳng liên quan, nhưng tao thấy chuyện bất bình nên mới xen vào. Mày lớn vậy mà ăn hiếp một đứa nhỏ đúng là nhục, sao không giỏi đi ăn hiếp những thằng bằng mày ấy.
Thằng nhóc kia thấy Thiên Phong giúp mình thì mếu máo kể:
- Em đang đi câu cá, nó lại chạy đến cướp cá của em, em không chịu thì nó đánh em.
Thằng mập thấy thằng nhóc vạch tội mình, thấy Thiên Phong nhìn mình bằng ánh mắt xem thường thì nóng máu, tức giận nói:
- Tao thích bắt nạt nó đó, vậy thì sao hả? Cả mày tao cũng đánh luôn.
Nói xong thằng mập buông hẳn thằng nhóc kia ra rồi lao đến Thiên Phong định đánh. Thiên Phong đang đeo cái ống đựng tranh, liền cầm lấy ống giơ về phía thằng mập thủ thế. Thiên Phong tuy không biết đánh nhau nhưng cậu bé cũng cao lớn khỏe mạnh, tuy so với thằng mập thì đúng là một trời một vực, nhưng mà cậu cũng vẫn không sợ, quyết trí đấu tranh cho chính nghĩa.
Thằng mập vốn định tay không đánh nhau với Thiên Phong, bỗng thấy trên tay Thiên Phong cầm một cái cây màu đen dài thì có chút e ngại nên khựng chân đứng lại. Nó gườm mắt nhìn Thiên Phong đánh giá. Thấy ánh mắt quật cường, cùng với thứ vũ khí trên tay cậu bé; thằng mập bỗng đâm ra e ngại, nó chẳng ngu dại gì mà chịu thiệt vào thân. Nó hậm hực tức giận phun một bãi nước miếng xuống đất, mắng:
- Tụi bây giỏi lắm, coi chừng tao đó!
Nói rồi nó bỏ đi. Thằng nhóc kia vui mừng đến cảm ơn Thiên Phong sau đó thu dọn cần câu chuẩn bị đi về nhà. Thiên Phong cũng về. Trên đường đi cả hai vừa đi vừa trò chuyện mới biết là cùng làng, nhà cậu nhóc này cách nhà Thiên Phong chỉ vài căn mà thôi.
Thiên Phong về nhà thì trời đã tối, sau khi chờ cậu bé tắm rửa ăn cơm xong thì chị Nga cũng đến lúc về nhà. Nhìn thấy một cậu nhóc mới mười mấy tuổi lủi thủi trong căn biệt thự to lớn có một mình mà không hề phiền hà một chút nào giống như đã quá quen với cuộc sống thui thủi một mình này, chị Nga cũng thấy thương xót bèn hỏi:
- Ở thành phố, em sống với ai?
Thiên Phong đang ngồi chỉnh sửa lại bức tranh của mình cho đẹp hơn thì khựng tay lại, cậu bé cúi mặt im lặng vài giây rồi khe khẽ đáp:
- Người giúp việc.
Dù trong lòng chị Nga đã đoán trước được sự việc, nhưng khi nghe từ giọng nghèn nghẹn của Thiên Phong thì cảm thấy rất thương. Chị Nga thấy cảnh ngộ của Thiên Phong và Việt Phương khá giống nhau, cả hai đứa đều có ba mẹ nhưng lại phải sống xa cách. Chị nhớ Việt Phương đôi khi thui thủi chạy vào lòng chú mình khi nhìn thấy tụi bạn bè trong xóm quấn quýt ba mẹ tụi nó mà mè nheo; cô bé không nhắc đến chuyện muốn gặp ba mẹ, nhưng người lớn đều hiểu, trẻ con luôn cần ba mẹ bên cạnh. Chị Nga bất giác thở dài:
- Em và con bé Phương, hai đứa thật giống nhau. Ba mẹ đều không có ở gần nên thiếu thốn tình thương.
Chị Nga thấy ánh mắt cười buồn của Thiên Phong thì biết mình không nên nhắc lại chuyện đau lòng của thằng bé, chị bèn cười rồi nhìn bức tranh của Thiên Phong chuyển chủ đề câu chuyện:
- Bức tranh đẹp quá! Nếu không nhìn từ tranh của em, chị không biết cảnh này lại đẹp đến như thế.
- Tại chị nhìn nó nhiều nên quen thuộc rồi, không cảm thấy nó đẹp bằng người lần đầu nhìn như em. Em thấy tất cả mọi cảnh vật ở đây đều đẹp hết. - Thiên Phong cười cười, nụ cười và ánh mắt của cậu bé vụt sáng lên khi nhắc đến cảnh vật tuyệt đẹp nơi đồng quê mà cậu được chiêm ngưỡng.
- Chị không biết vì sao có nhiều người ở quê lên thành phố, một đi không trở lại. Riêng chị, chị thích cảnh yên bình ở quê hơn. Chị cũng từng lên thành phố chơi nhiều lần nhưng chán ngán cái cảnh ồn ào nhức cả đầu. Nhất là về đêm, nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, chẳng ai quan tâm đến ai, những lúc ốm đau bệnh tật cũng chẳng biết phải nhờ ai. Còn với thôn quê của mình, tuy có vẻ yên bình nhưng xóm giềng tối lửa đốt đèn có nhau. Đi ra ruộng cũng đầy tiếng nói cười vui vẻ; mọi người cùng đổ mồ hôi trên đồng, được làm cùng nhau, trò chuyện thẳng thắn, chứ không có kiểu đấu đá tranh giành hãm hại nhau như trên thành phố. Vui nhất là những ngày lễ, bà con tụ tập quây quần bên nhau cùng gói bánh làm cỗ.
@by txiuqw4