sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10: Những Bác Sĩ Tình Nguyện Đến Việt Nam

THĂM VIẾNG MỘT TRẠI CẢI HUẤN

Mấy ngày sau vụ tấn công bằng đạn cối, tôi cùng vài y tá Hải quân đi đến một xã kế cận trong chương trình tiêm chủng và chăm sóc trẻ em định kỳ của chúng tôi.

Ở đó, tôi đã chứng kiến những điều còn kinh khủng hơn nữa của chiến tranh. Trong xã này, lần đầu tiên tôi thấy một trại “cải huấn”.

Cũng giống như nhiều trại tù tương tự được thiết lập bằng nguồn tài trợ của Mỹ và do chính quyền Nam Việt Nam quản lý một cách tồi tệ, trại cải huấn trong xã này chật kín hàng ngàn con người gần như trần truồng, gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con, bị cho là tù binh chiến tranh. Cái gọi là “trại cải huấn” dùng để giam giữ cư dân địa phương bị vây bắt mà không có chứng cứ xác đáng và đối xử với họ như súc vật. Họ bị buộc phải nhận tội, bị giam cầm mà không có xét xử, và bị đối xử một cách tàn nhẫn.

Đây chưa phải là phương cách tồi tệ nhất mà chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ áp dụng. Những người bị tình nghi có hành động chống đối lại chính quyền Nam Việt Nam còn bị nhốt trong các “chuồng cọp” rất chật hẹp và đầy nghẹt người. Những chuồng cọp này được néo chặt bằng những cột tre dày đặc, cách khoảng chưa đầy một tấc.

Những chuồng cọp mà tôi thấy tận mắt dài chừng 6m, rộng 3m và cao khoảng hơn 1m. Chuồng cọp rất thấp nên tù nhân không thể đứng dậy được. Mỗi chuồng cọp như thế giam đến 20 người. Họ được nuôi ăn thông qua những lát gỗ mỏng và buộc phải sống chung với những thứ cặn bã phân, nước tiểu mà họ thải ra. Tôi cũng thấy cảnh người ta mắng nhiếc, khạc nhổ lên những người bị giam trong chuồng.

Khi tôi đi bộ ngang qua những chuồng cọp, các tù nhân đã nhận biết tôi là một người Mỹ mặc thường phục. Họ ngồi trong tư thế quỳ gối và lặng lẽ chìa bàn tay ra cầu xin sự cứu giúp. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã nhìn thấy những ánh mắt biết nói và đáng thương nhất ở Việt Nam.

Tôi được biết là những du kích Cộng Sản trung kiên nhất sẽ bị giam cầm rất lâu trong chuồng cọp. Những tù nhân bị liệt vào hạng “tội nặng nhất” sẽ bị hành hạ và bỏ lờ đi cho đến chết. Thường thường, các chuồng cọp được xây dựng ở những nơi trống trải nên nhiều tù nhân đã chết vì bị mất nước dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Họ cũng chết vì đói khát và căng thẳng khi bị giam lâu ngày trong những chuồng cọp chật chội, nơi mà đúng ra còn không thích hợp để nhốt súc vật nữa.

Ngoài ra, tôi cũng được biết những tù nhân “ngoan cố” nhất – những nhà cách mạng kiên cường đến cùng – những người bị xem như không có hứa hẹn “cải hối” được, thì đừng mong ngay cả việc bị đưa vào trại cải huấn. Sau này tôi mới biết rằng, trong chiến tranh, có khoảng 40.000 người Việt Nam bị chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ sát hại trong các chiến dịch Phượng hoàng của Cục Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA). Chính đây là nơi đề xuất thiết lập các trại cải huấn. Theo Stuart Herrington, tác giả của Stalking the Vietcong: Inside Operation Phoenix: A Personal Account, những thường dân Việt Nam bị phát hiện có giữ ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà, có radio, có thuốc men nhiều hơn mức cá nhân cần dùng, đều bị quy là Việt Cộng và sẽ bị giết ngay tức khắc.

Trại cải huấn mà tôi mô tả chỉ là một khía cạnh khác của cuộc chiến tàn bạo, mất nhân tính. Tại Việt Nam, có lần tôi đã nghe từ miệng một sĩ quan quân đội rằng cần phải giết cả con cái của những người bị tình nghi là Việt Cộng nữa, vì chúng như trứng chấy rận, rồi sẽ lớn lên và trở thành kẻ thù nguy hiểm.

Khi mọi việc ở bệnh viện tạm ngớt hoặc khi được nghỉ bù, một bác sĩ người Mỹ như tôi có thể du hành quanh đất nước Việt Nam bằng trực thăng hoặc bằng các loại máy bay quân sự khác. Tôi cảm thấy thật tự tin khi quanh mình toàn là quân nhân Mỹ. Những gã lính trẻ hiên ngang này thường làm tôi nhớ lại hình ảnh của chính mình khi còn mặc bộ quân phục và hãnh diện là một người lính Thủy quân lục chiến.

Nhưng thỉnh thoảng, ngay trong quân đội, đã xuất hiện tiếng rì rầm lo sợ hoặc trạng thái tuyệt vọng. Hình như những người lính trẻ đã nghĩ và hy vọng rằng tôi, với tư cách là một bác sĩ, có thể có chút ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo chính trị ở quê nhà trong việc đưa họ trở về nhà sớm hơn. Có lẽ vì tôi là một bác sĩ, nên một số quân nhân trông chờ ở nơi tôi nhiều hơn là đối với sĩ quan chỉ huy của họ. Rất bất ngờ, một binh sĩ giãi bày với tôi cảm giác và nỗi sợ hãi của anh ta. Một số quân nhân cố tìm cách làm cho tôi nghe họ nói và giúp họ “trở về với thế giới” – là cách ám chỉ trở về nước Mỹ – càng nhanh càng tốt.

Trong một cuộc viếng thăm quân nhân Mỹ, tôi nghe một Thủy quân lục chiến trẻ nói buột ra: “Mẹ kiếp! Chúng ta đang thua trận. Mọi thứ đều là đồ chết tiệt. Chúng ta đi hành quân và cố tìm diệt kẻ địch, nhưng không biết kẻ thù quỷ sứ của mình ở đâu. Nếu chúng ta chạm trán ngay bây giờ, trận chiến sẽ kết thúc nhanh vì họ đang ở thế thượng phong và chủ động, họ sẽ tấn công chúng ta tả tơi”.

Một người lính trẻ khác nói với tôi: “Này bác sĩ! Hãy nói với công chúng là chiến tranh đang hồi bế tắc và không còn lý do biện minh nữa. Các sĩ quan chỉ huy không còn dẫn dắt chúng tôi ra trận, họ cũng không đi theo chúng tôi nữa. Họ sợ bị bắn hoặc hứng chịu mảnh bom đạn, nhưng họ cứ ra lệnh buộc chúng tôi phải ra mặt trận. Chúng tôi nhận lệnh phải đi tuần tra và sẽ chết như ruồi muỗi ấy”.

Là một cựu binh Thủy quân lục chiến, khi nghe những lời này từ những quân nhân Mỹ trẻ tuổi hoặc từ những chàng trai Thủy quân lục chiến, tôi cảm thấy thật thảm thương và buồn xé ruột. Nhận định của những quân nhân này nhắc nhở tôi hãy đừng hậu thuẫn với chính quyền Mỹ trong việc tiếp tục dính líu vào chiến tranh Việt Nam.

Đội quân dũng cảm nhưng nản chí của chúng ta thỉnh thoảng phơi bày thái độ yếm thế, hoảng sợ và tin vào số mệnh. Trong khi chờ đợi các chuyến bay, tôi đã thấy những gã trai trẻ ở tuổi thanh niên, khoảng ngoài 20 tuổi nhưng lại có khuôn mặt lạnh lùng, đăm chiêu của những gã đàn ông 50 hoặc 60 tuổi. Có lần, họ bày tỏ với tôi những nhận xét kín đáo, khó hiểu.

- Tôi không nghĩ là mình có thể tiếp tục tồn tại ở đây lâu hơn nữa bác sĩ à. - Một người nói.

- Tôi đã mất cả đám bạn thân. Chúng đã chết. Tôi không muốn ở đây và chấm dứt cuộc đời giống như chúng. - Người khác nói.

Trong một chuyến bay ngắn tại sân bay Phú Bài, tôi vội vàng leo lên một máy bay quân sự, nhưng rồi phát hiện là mình đáp nhầm máy bay. Tôi muốn trở về Quảng Trị mà lại leo lên máy bay đi An Khê, cách Quảng Trị đến 350 km về phía Nam. Đây là chuyến bay đầy hiểm họa khiến tôi phải ghi nhớ trong nhiều năm.

Máy bay chở hơn 150 lính Thủy quân lục chiến được trang bị súng M-16, lựu đạn, súng đại liên và cơ số đạn dược đầy đủ. Một máy bay quân sự bay trên bầu trời Việt Nam thì dĩ nhiên dễ bị bắn từ dưới mặt đất. Một số người đang ngủ gà ngủ gật, số khác cóng lên vì sợ hãi. Số ít muốn bắt chuyện với tôi, vị bác sĩ đi nhầm máy bay.

- Bác sĩ! Ông sẽ làm gì khi đi với chúng tôi? - Một anh chàng Thủy quân lục chiến da đen khoảng 19 tuổi hỏi tôi. - Ông sẽ ra trận với chúng tôi chứ?

Tôi giải thích với cậu ta rằng tôi phải trở lại Quảng Trị. Cậu ta bảo rằng máy bay đang bay theo hướng ngược lại.

- Này, bác sĩ! Hãy nói giùm tôi là ông học cái quỷ gì ở trường y mà lại không biết là mình sẽ đi đâu?

Chúng tôi cùng cười. Rồi tay Thủy quân lục chiến trẻ này kể cho tôi nghe câu chuyện:

- Cách nay chừng hai tháng, suýt nữa tôi đã chết rồi! - Cậu ta nói, cho tôi xem vết sẹo dài chừng một tấc rưỡi trên cổ, gần tĩnh mạch cổ họng. - Một mảnh bom cắt ngang cổ họng khiến tôi bị mất máu đến gần chết ở Cồn Thiên. Họ đưa tôi đi bệnh viện, rồi họ nói là tôi có thể bị hư não vì mất quá nhiều máu. Trông tôi có vẻ gì là điên điên không bác sĩ?

Tôi nói là anh ta không có vấn đề gì đâu.

- Có một số quy định nói rằng khi bị thương như vậy thì sẽ được nhiều thời gian dưỡng thương hơn. Nhưng họ nói là tôi trông rất khỏe nên tôi biết là họ đã cắt ngắn thời gian dưỡng bệnh và đưa tôi trở về đơn vị. Các em trai tôi cần tôi, nhưng tôi e đây là trận chiến cuối cùng của tôi. Bác sĩ ạ! Tôi có cảm giác là lạ về trận chiến này.

Người lính Thủy quân lục chiến trẻ ngả lưng ra phía sau, nhắm mắt lại. Có vẻ như cậu ta ở trong tình trạng bất an ấy suốt thời gian còn lại của chuyến bay.

Tôi tìm gặp viên đại úy Thủy quân lục chiến chỉ huy. Ông ta cười khi nghe tôi kể chuyện mình đi nhầm máy bay. Đó là nụ cười thứ hai tôi thấy được trên chuyến bay này. Viên đại úy cho hay là tôi cần phải đáp chuyến bay trở về ngay khi có thể.

- Tôi sẽ cho một chiếc trực thăng chở anh về Quảng Trị. - Viên đại úy nói. - Chúng tôi có đủ máy bay trực thăng, nhưng cơ hội bay được đến Quảng Trị bằng trực thăng là 50/50. Hãy chờ một máy bay phản lực, anh sẽ bớt gặp nguy hiểm hơn.

- Vâng, tôi sẽ chờ máy bay.

Ông gật đầu và cười.

Khi máy bay đáp xuống An Khê, chúng tôi nghe tiếng đạn dưới bụng máy bay của các tay bắn tỉa trên mặt đất. Tôi trông thấy vẻ sợ hãi thật sự trong mắt của những người lính. Và sự dũng cảm của họ cũng là điều hiển nhiên. Mỗi một người lính đều biết rằng, có lẽ một nửa số đồng đội của họ trong cuộc hành quân này sẽ không còn sau trận chiến mà họ đang hướng tới. Tất cả họ chỉ cố sống sót qua từng ngày, sống và chiến đấu cho màu áo Thủy quân lục chiến và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx