sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9: Cuộc Sống Trong Thời Chiến

Thái độ của tôi khá chao đảo trong những ngày tháng phục vụ ở Việt Nam. Tôi biết quá rõ về cuộc chiến ác liệt đang diễn ra với số tổn thất nhân mạng và bị thương rất cao. Tôi biết là cuộc đời mình có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Tôi biết là mình có thể lãnh ngay một quả đạn pháo hay một viên đạn lạc. Vài tuần sau khi đến Việt Nam, tôi nghe tin thượng sĩ Robert Kennedy (1) bị ám sát ở California. Ngày hôm sau thì ông ấy chết.

Nhưng cho dù tình hình nghiêm trọng như vậy, tâm trạng của tôi không hoàn toàn bi quan. Trong nhiều ngày, tôi cảm thấy cực kỳ vui vẻ, một cảm giác của người không hề có vấn đề gì. Tôi vui vẻ tiến hành công việc cứu mạng những thường dân vô tội và khoan khoái vì đã thoát khỏi công việc nhàm chán trong chức năng bác sĩ nột trú tại một bệnh viện tâm thần Mỹ. Tôi cảm nhận rằng mình đang hoàn thành một điều gì đó xứng đáng ở Việt Nam. Tôi biết những gì mình đang làm đáp ứng được nhiều hơn, cần thiết hơn, nhân đạo hơn và nhân văn hơn bất cứ điều gì tôi có thể làm ở bệnh viện tâm thần trước đó.

Cứ mỗi lần cứu mạng được một người nghèo, giúp họ sống thêm trên cõi đời này, tôi lại cảm thấy một niềm vui nho nhỏ và thật sự hài lòng về mình. Những lúc như thế, tôi phấn khởi thấy mình làm việc nhanh hơn. Nhiều lần tôi có cảm giác tự hào khi mấy anh chàng Thủy quân lục chiến trẻ xem tôi là “người của họ”. Nhưng liền đó tôi lại trở nên lo lắng và sợ hãi cho cuộc đời mình.

Đột ngột không cần cảnh báo, chiến tranh có thể ở ngay trên đầu chúng tôi. Bầu trời đen kịt trực thăng quân đội với những tiếng nổ liên tiếp của hỏa tiễn, của đạn pháo. Cũng chẳng có gì báo trứơc, mặt đất dưới chân tôi bất thần có thể rung lên với những đợt đánh bom của máy bay B-52 ở một nơi khá xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi đặc trưng của bom na-pan trong không khí. Thường là những khi xuất hiện các sự việc nhắc nhở về cuộc chiến đang tiếp diễn như thế, tôi dễ trở nên chán nản ngay tức khắc. Tôi bất lực tự hỏi sẽ có bao nhiêu người dân vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn, bao nhiêu người đang chết vào thời điểm đó, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu cơ thể bị biến dạng vì bom đạn và bao nhiêu người sẽ bò đến hoặc được đưa đến bệnh viện của chúng tôi xin chữa trị trong vài giờ tới.

Sau một ngày dài đối diện với chết chóc và những nỗi thống khổ, khi trở về nhà trong tối tăm ẩm ướt, tôi tự hỏi những chỗ tối bên đường là gì? Có ai đó hay ma quỷ nào đi theo mình không? Những lần khác, tôi tự hỏi những tiếng nổ đó phát xuất từ đâu? Có phải là tiếng nổ của đạn súng cối? Ai đã bắn và tại sao bắn? Viên đạn bắn từ hướng nào và phát kế tiếp có bắn trúng mình không?

Nhưng là một bác sĩ trẻ đang thực hiện những việc làm thiện chí, tôi có cảm giác là mình được bảo vệ, là “đạn bắn không thủng”. Chẳng bao lâu sau khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi đã được biết đến–qua truyền miệng của trẻ em– là người đến đây để giúp dân chúng địa phương mà không nhận thù lao. Đôi khi tôi cảm thấy không một ai ở Việt Nam lại muốn làm tổn thương đến một bác sĩ nhân từ, một Pied Piper được các em bé bu theo trên đường đến nơi làm việc. Tuy thế, vào những ngày khác, vì một số lý do nào đó mà tôi không thể biết được, những đứa trẻ thường hay theo chân tôi đến bệnh viện lại không xuất hiện. Tôi bắt đầu thắc mắc về điều này.

Khi đi bộ đến bệnh viện và từ bệnh viện về nhà, hoặc thả bộ quanh thị tứ, thỉnh thoảng tôi cũng nghe thấy âm thanh tương tự như đường đạn bay xuyên qua cây cối bên cạnh mình. Tôi đã biết âm thanh này từ những ngày còn phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến, nhưng kể từ khi trở thành bác sĩ của thị tứ này, tôi không nghĩ là các tay bắn tỉa sẽ nhắm vào mình. Đôi khi, tôi nghĩ mình được miễn trừ khỏi làn đạn của cả hai phía vì là một bác sĩ Mỹ đến giúp thường dân Việt Nam.

Vài lần đầu nghe tiếng đạn bay như thế, tôi cho đó chỉ là những viên đạn lạc và chẳng mấy quan tâm. Thế nhưng về sau, khi tiếp tục đi bộ đến sở làm và vẫn nghe thấy tiếng đạn rít quanh mình, tôi nhận thức được rằng có thể những viên đạn đó đang nhắm vào mình. Tôi hiểu rằng có lẽ Việt Cộng nhắm bắn vào bất cứ người Mỹ nào hiện diện trong khu vực. Nhưng tôi vẫn có ý nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ là mục tiêutrực tiếp của các tay súng và họ chỉ bắn cảnh cáo qua đầu theo kiểu gửi “danh thiếp” cho biết vậy thôi vì tôi trị liệu cho bất cứ ai đến bệnh viện, kể cả Việt Cộng.

Những ngày khác, tôi cẩn thận hơn. Khi nghe tiếng đạn bay, tôi chạy ngay về nơi trú ngụ, chạy rất nhanh và lắt léo để tránh đạn. Mặc dù tôi đã được huấn luyện cách sử dụng các loại súng cá nhân khi còn trong lực lượng Thủy quân lục chiến và tôi cũng đã được cấp một khẩu M-16 khi đến nhận nhiệm vụ ở Quảng Trị. – một vũ khí hiện đại so với khẩu M-1 cổ lỗ sĩ mà tôi sử dụng khi còn là một quân nhân Thủy quân lục chiến, tôi đã không bao giờ mang theo vũ khí ở Việt Nam. Tôi không muốn mình trở thành mục tiêu. Tôi đến đây trong vai trò một bác sĩ chứ không phải là một chiến binh.

Nhưng khi chiến tuyến thay đổi và chiến sự đến gần hơn, nỗi sợ hãi bắt đầu lan truyền. Tất cả mọi người ở Quảng Trị đều bị tác động. Những đoàn xe quân sự chạy nhanh qua tỉnh lỵ. Dân chúng vội vội vàng vàng. Còn phần mình, tôi nguyện tiếp tục công việc cần thiết như mọi ngày, bất kể thời cuộc diễn biến ra sao. Có quá nhiều bất ổn, nhiều nỗi đau đớn quanh tôi và tôi phải cách ly chúng để tập trung vào công việc cứu người của mình.

Càng ngày tôi càng nhận rõ là mình thực sự đang ở vùng tâm điểm của cuộc chiến mà cả hai bên đều muốn giành phần thắng. Tỉnh lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 – tức vùng phi quân sự - chừng 35 km. Cư dân sống trong thị tứ này chia thành nhiều phe. Một số người đồng tình với Việt cộng, một số người thì ban ngày làm việc cho Mỹ, nhưng khi đêm đến lại trở thành những tay súng du kích sẵn sàng tấn công vào binh lính Hoa Kỳ và Nam Việt nam. Tôi được biết là Việt cộng đã cho người thâm nhập vào lực lượng cảnh sát địa phương. Tôi thật sự chẳng thể biết được dânc húng Quảng Trị trung thành với chế độ Nam Việt Nam, hay với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính quyền Hà Nội hậu thuẫn.

Mặc dù không thể ước lượng một cách chính xác, có lẽ Quảng Trị được chia ra như sau: 25% dân chúng đồng tình với chính phủ Nam Việt Nam, 25% khác trung thành với Việt Cộng, và một đa số của 50% còn lại thuộc loại lưng chừng, có thể thay đổi chính kiến tùy theo diễn tiến của cuộc chiến. Hầu hết người Việt Nam thích người Mỹ, đặc biệt là thích tiền bạc của Mỹ, nhưng nhiều người trong số họ biết chắc rằng họ có thể phải giết các tay súng người Mỹ vào một thời điểm nào đó để thống nhất đất nước.

Một ngày nọ, có tin đồn là quân đội Bắc Việt Nam đang chiến thắng, rằng Việt Cộng ngày càng mạnh hơn và rằng do quá nhiều quân nhân Mỹ thương vong nên người Mỹ chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Ngày đó, các y tá người Việt không đến bệnh viện làm việc. Ngày hôm sau, lại có tin đồn là quân đội Mỹ vừa đánh thắng một trận lớn và rằng các lực lượng của Nam Việt Nam sẽ chiến thắng cuộc chiến. Thế là các y tá trở lại làm việc. Tinh thần làm việc của mọi người được tiếp tục thử nghiệm qua sự dao động, biến chuyển của tình hình chiến sự, trong đó phe nào cũng muốn chiếm thế thượng phong. Mọi thứ như một trò đùa. Vào những đêm khi có tin đồn sẽ có trận đánh lớn nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ, Nguyễn hoặc những người Việt Nam khác đã cảnh báo và tôi nhận những lời cảnh báo này một cách nghiêm túc.

Trong lần đi Huế vào một buổi chiều, tôi đã có dịp thấy rõ ràng bức tranh về những hoạt động bí mật của Việt Cộng và khả năng xâm nhập của họ vào những khu vực được coi là vùng an ninh. Tôi cùng bác sĩ Detwiler – người cố vấn của tôi – đi thăm một lăng tẩm ở Huế. Vào thời điểm đó, các lực lượng quân đội Mỹ đang bảo vệ cho cố đô Huế.

Khi đến lăng tẩm này, chúng tôi dừng một lát để nhìn cảnh tượng một đám ma đang diễn ra trên đường phố. Một nhóm người khiêng nhiều quan tài bằng gỗ trong khi những người khác ngồi trên những chiếc xích lô. Đúng lúc đó, một vị tu sĩ Phật giáo lặng lẽ đến bên cạnh chúng tôi và lưu ý là chúng tôi không nên đến quá gần đám tang đó. Vị tu sĩ nói thầm cho chúng tôi biết là các quan tài đó chẳng hề có xác chết mà trái lại, chứa toàn lựu đạn và các loại quân trang quân dụng khác. Còn những người ngồi trên xích lô chịu trách nhiệm trinh sát, canh phòng cho bất cứ sự cố nào có thể xảy ra.

Bác sĩ Detwiler và tôi cám ơn vị tu sĩ và trở về bệnh viện sớm hơn so với dự kiến. Trong một thành phố được xem là an ninh, được quân đội Mỹ bảo vệ như thế, mà chúng tôi lại vừa thấy một đoàn người Việt Cộng. Ở Việt Nam, mọi thứ không phải lúc nào cũng giống như vẻ bên ngoài mà ta nhìn thấy.

Ở Quảng Trị còn nguy hiểm hơn. Một ngày nọ, tôi vô ý lâm vào một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Khi đi bộ từ một khoảng cách khá xa, tôi nhìn thấy nhiều bác sĩ quân y Mỹ đang nói chuyện với một trong những thông dịch viên người Việt Nam. Tôi dừng lại để nói chuyện với các bác sĩ mà không biết rằng mình đang rơi vào một tình huống chết người. Tôi có mang theo máy ảnh và ngây thơ đưa máy lên chụp một kiểu cho các bác sĩ. Và rồi tôi nhận ra là người thông dịch viên nọ đang khua khua một quả lựu đạn trong tay.

- Các anh điều hành đất nước chúng tôi. Các anh nói tôi ăn cắp xăng. Các anh đuổi việc tôi. Và bây giờ thì tôi giết các anh! -- Người Việt Nam đó hét lên, tay đe đe quả lựu đạn.

- Từ từ đã ông bạn! - Tôi vừa nói vừa bước về phía anh ta. - Có gì thì hãy nói. Việc cỏn con này thì chúng ta có thể dàn xếp được mà!

- Người Mỹ đuổi việc tôi. Họ còn gọi tôi là kẻ ăn cắp! - Anh ta nói.

Anh ta kể là anh bị đuổi việc vì người Mỹ cho rằng anh đã ăn cắp xăng đổ vào xe gắn máy của mình. Anh nói đó chỉ là một lít xăng thôi và tôi đã thuyết phục anh rằng chuyện nhỏ như thế chẳng đáng để xảy ra án mạng.

Tôi nhẹ nhàng vỗ về và kéo anh ta ra khỏi những vị bác sĩ mà rõ ràng là những người vô can, ngoài cuộc. Tôi nói chuyện tử tế với anh ta, yêu cầu anh giao quả lựu đạn cho tôi. Tôi cũng nói là anh ta có thể nhận được số xăng cần thiết và hứa sẽ giúp anh ta trở lại với công việc cũ với mức lương 6 đô la/ngày, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình ở Việt Nam lúc đó là dưới 1 đô la/ngày. Khi anh ta bình tĩnh trở lại, tôi giao trả quả lựu đạn và bảo anh ta hãy đi ngay lập tức.

Ngày hôm sau, khi quay trở lại địa điểm xảy ra sự cố, tôi được báo là anh chàng tay cầm quả lựu đạn bị nghi ngờ là một điệp viên Việt Cộng, còn hai viên bác sĩ quân y Mỹ được tôi cứu mạng lại bị nghi ngờ là những cảm tình viên của Việt Cộng. Tôi không thể tin được. Hành động cứu người của mình lại bị xem là hậu thuẫn cho Việt Cộng ư? Dù gì thì điều mà tôi đã thực hiện để cứu giúp người khác và tháo gỡ tình thế khó khăn đã bị xem xét với con mắt nghi ngờ. Và hậu quả của việc này là tôi có thể trở thành “một đối tượng bị nghi ngờ với những động cơ đáng ngờ” tại tổng hành dinh Cơ quan Viện trợ Quân sự Mỹ ở Quảng Trị. Sau này, khi xem phim Apocalypse Now, tôi nhận ra mức độ gần gũi với sự thật mà các phim siêu hiện thực thể hiện.

Rất nhiều lần chúng tôi thật sự có cảm giác là chiến tranh đang di chuyển đến gần hơn. Đạn pháo nã vào tỉnh lỵ Quảng Trị mỗi ngày. Đang có giao tranh lớn gần đó và thủ phủ Quảng Trị nhiều lần có khả năng bị xâm nhập. Chúng tôi đã nghĩ đến việc buộc phải di tản cả bệnh viện.

Nơi ở của tôi không phải là một vị trí an toàn. Ngôi nhà tôi sống cùng với một gia đình truyền giáo người Mỹ nằm ở khoảng giữa tư dinh viên tỉnh trưởng và kho đạn lớn của Nam Việt Nam tọa lạc trong thành cổ. Đây là hai mục tiêu chính yếu của các lực lượng đối phương và điều này khiến ngôi nhà trở thành nơi nguy hiểm và dễ dàng lãnh những trái đạn lạc.

Một lần, vào khoảng nửa đêm, tôi đang ngủ trên giường thì bị chấn động mạnh do đạn súng cối nổ ở góc sân, cách nơi tôi nằm chừng ba, bốn mét. Tôi thảng thốt tỉnh giấc giữa tiếng nổ kinh hoàng và tia sáng lóe lên ngoài cửa sổ. Vụ nổ khiến toàn bộ cửa kính rơi vỡ tung tóe khắp nơi. Bức tường phòng ngủ đổ sập xuống. Ngay sau tiếng nổ, tôi cảm nhận được sự nguy hiểm xảy ra đến nơi. Tôi nghe tiếng gào thét của ai đó phá tan không gian yên tĩnh sau tiếng nổ.

Rồi nhiều quả đạn pháo rơi tiếp, chẳng xa mấy so với quả ban đầu. Tôi nghe tiếng súng nhỏ và chụp vội khẩu M-16 mà tôi được trang bị và chưa hề sử dụng. Tôi kiểm tra xem súng đã được nạp đạn chưa rồi bò xuống gầm giường. Tôi đã trải qua một đêm như thế bên dưới gầm giường, với hy vọng là ít nhất chiếc giường có nệm cũng “che” được cho mình khỏi làn đạn pháo và bảo vệ mình phần nào trong trường hợp các bức tường đổ ập xuống. Mặc dù có trong tay khẩu M-16 nhưng tôi biết rằng, nếu Việt Cộng có tràn vào nhà, tôi cũng chẳng nổ được phát súng nào.

Tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Những gì từng được huấn luyện khi còn là một người lính Thủy quân lục chiến đã trở lại với tôi. Tôi trở nên cảnh giác cao độ. Tôi đã được huấn luyện “kỹ thuật chiến tranh”, nhưng giờ đây, cuộc chiến này không phải là một kiểu chiến tranh cổ điển với ranh giới rõ ràng giữa các chiến binh và dân thường. Không có tuyến đầu cũng chẳng có hậu phương thực sự. Đó là cuộc chiến giải phóng dân tộc do Việt Cộng tiến hành dựa vào kỹ năng, sự khôn khéo và bí mật để chống lại các lực lượng Hoa Kỳ hung dữ với hỏa lực hùng hậu.

Đó là một đêm rất dài. Tiếng nổ liên hồi của đạn cối, hầu như cách một phút là một quả kéo dài cho đến khi mặt trời mọc. Tiếng súng và đạn pháo chấm dứt khi những tia nắng ban mai chiếu vào khung cửa sổ vỡ nát của nhà tôi mang theo hơi ấm của một ngày mới. Tôi nghe thấy âm thanh của vài chiếc trực thăng đang quần thảo đâu đó.

Tôi tắm bằng vòi sen, cố gắng loại bỏ những suy nghĩ trong đầu và quyết định đến bệnh viện làm việc. Bên ngoài cửa chính ngôi nhà mình đang ở, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng đầu người lính gác của mình đã bị hớt đi một mảng tóc vì mảnh đạn pháo. Anh ấy vẫn đứng gác với một vệt dài trên đầu khi mảnh đạn pháo bóc đi phần da tóc trên chóp đầu của anh.

Không lâu sau vụ tấn công nói trên, vị tỉnh trưởng – cha của Nguyễn – lệnh cho người mang bao cát và xây một hầm trú ẩn bên cạnh cửa chính ngôi nhà tôi ở. Một hầm chống bom đạn lớn khá an toàn dành cho tôi mà sau này tôi cần đến ngày một nhiều hơn.

Khi tôi hỏi Nguyễn vì sao cha cậu ấy làm như vậy, Nguyễn giải thích: “Cha tôi quý mến ông, rất tôn trọng ông và không muốn ông chết. Cha tôi cầu nguyện cho sự bình an của ông và cũng cầu cho ông kiếm được một người vợ tốt”.

Căn nhà tôi ở cũng là nơi cư trú của một gia đình Cơ đốc giáo. Họ là những nhà truyền giáo đến từ Mỹ, gồm người chồng, người vợ và ba đứa con tuổi thiếu nhi. Công việc của những nhà truyền giáo Jehovah’s Witness là chuyển giao tặng phẩm gồm sữa bột và những sản phẩm từ sữa đến trẻ em và gia đình Việt Nam trong khu vực như là một phần trong chiến dịch nhân đạo của họ. Tôi nhận thấy có điểm đáng băn khoăn về y học ở đây, do lẽ hầu hết trẻ em Việt Nam không dung nạp lactose(1) và sẽ phản ứng không thuận lợi đối với sữa bò. Nếu nhìn lại, rõ ràng đây là một thí dụ về ý muốn tỏ ra thiện ý của người Mỹ, nhưng lại không am hiểu những vấn đề sức khỏe và văn hóa của Việt Nam. Tôi nhớ âm thanh dễ chịu của kèn sáo xuất phát từ nơi ở của gia đình truyền giáo này vào một số đêm, với những người Việt Nam ngồi quây quần bên những dụng cụ âm nhạc dân tộc – hay thỉnh thoảng với cây đàn ghi-ta – và cùng hát những bài ca hòa bình.

Tôi kính trọng những người này và quan tâm đến sự an nguy của họ. Tôi nói với những người truyền giáo rằng, trong những trường hợp khẩn cấp, họ cũng như bất cứ ai khác đều có thể sử dụng cái hầm trú ẩn mới của tôi. Gia đình nhà truyền giáo không có hầm trú ẩn riêng nên nhiều đêm họ ngủ cùng hầm với tôi. Tất cả chúng tôi hiểu rằng mình đang ở trong vùng chiến sự và rằng chúng tôi nên cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau sống sót qua cuộc chiến.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx