sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 12: Những Người Phụ Nữ Đẹp Của Việt Nam

Thông thường, tôi không bao giờ đi ra khỏi hầm trú ẩn của mình vào ban đêm. Nhưng buổi tối nọ, một người đàn ông trẻ xuất hiện trước cửa hầm và khẩn khoản nhờ tôi giúp đỡ.

Ngoài trời tối đen. Đã nghe thấy tiếng súng từ xa vọng lại. Với vốn tiếng Anh tàm tạm kết hợp với điệu bộ, anh ta báo cho tôi biết có một phụ nữ trẻ trong ngôi làng gần đây đang sinh khó và cần được giúp đỡ. Anh ta sẽ đưa tôi đến đó. Có một số lý do khiến tôi tin tưởng ở người đàn ông có thái độ tha thiết này. Tôi vơ vội bộ đồ nghề và cùng anh ấy bước vào bóng đêm.

Trên đường đi vội vã từ Quảng Trị đến ngôi làng, chúng tôi nghe tiếng súng, tiếng đạn cối càng lúc càng nhặt hơn. Cuối cùng, chúng tôi đến một túp lều, đứng đợi một lát ở cửa. Trên đầu tôi, những trái hỏa châu soi sáng cả một khu vực chiến trận rộng lớn. Tôi nghe thấy tiếng đạn rất gần. Rõ ràng là chúng tôi đang ở kề bên trận địa.

Tôi bước vào túp lều. Người hướng dẫn và bà ngoại của người phụ nữ đứng chờ phía bên ngoài. Tôi trông thấy một phụ nữ trẻ kiệt sức vì đã chịu cơn đau đẻ 24 tiếng đồng hồ. Nền đất bên dưới ướt đẫm máu còn trong lều thì đầy tiếng muỗi kêu vo vo. Khi khám cho cô gái trẻ dưới ánh sáng lờ mờ, tôi thấy hai chân và thân thể không còn sự sống của một hài nhi – giống như một con búp bê – đang đu đưa giữa hai chân của cô gái.

Căn lều thật tĩnh mịch. Tôi nhanh chóng nhận ra đứa bé đã chết và do đầu của cháu quá lớn nên mẹ cháu đã không thể sinh cháu ra bình thường. Nếu ở bệnh viện, chúng tôi sẽ phải cắt thi thể của cháu rồi tiến hành phẫu thuật “bắt con” khẩn cấp. Nhưng ở đây tôi không có dụng cụ phẫu thuật và tôi biết người mẹ sẽ không thể sống lâu trong điều kiện kiệt sức với chiếc đầu của thai nhi còn kẹt trong tử cung như thế. Một lần nữa, tôi buộc phải xử lý tức thời. Đạn pháo vẫn tiếp tục rơi nên không thể đưa sản phụ đến bệnh viện được. Tôi biết là mình phải lấy thi thể hài nhi ra hoặc là người mẹ phải chết.

Tôi yêu cầu cô nắm chắc lấy chân giường - đồ vật có vẻ chắc chắn nhất trong túp lều. Các chân giường bằng gỗ được chôn chặt xuống nền đất. Khi sản phụ dùng hai tay giữ chặt một chân giường và dang rộng hai chân ra, tôi lấy thế tựa hẳn vào tường và dùng hết sức kéo mạnh hai chân của cháu bé. Cô ấy khóc thét lên vì đau đớn nhưng đứa bé vẫn không ra. Tôi tiếp tục cố kéo hai chân cháu bé với tất cả sức mạnh của mình.

Cuối cùng, thi hài cháu bé bị tràn dịch não đã được kéo ra, cái đầu to quá khổ bị ép dài ra. Cái đầu này thậm chí còn to hơn thân thể của cháu. Sản phụ đã ngừng kêu la nhưng lặng lẽ khóc. Tôi cũng mệt lử. Khi cô vỗ nhẹ vào tay tôi, tôi đỡ cô lên giường. Người phụ nữ trẻ này chỉ nặng chừng 35 kg.

Điều kỳ diệu là cô không bị xuất huyết nữa, dù tôi vẫn sợ là cô có thể bị ra huyết cho đến chết. Việc đờ tử cung – tử cung không co thắt khi sinh – có thể dẫn đến xuất huyết chết người. Tôi kiểm tra nhịp mạch: 120 và sản phụ chỉ hơi sốt nhẹ.

Tôi không thể ở lại đây lâu hơn vì còn quá nhiều công việc đang chờ đợi mình ở bệnh viện trong ngày tới. Tôi lấy trong túi thuốc ra 100 viên tetracycline, gọi người hướng dẫn vào, giải thích cho anh ta biết là cô gái phải uống 2 viên mỗi 4 giờ sau khi ăn. Tôi cũng hỏi sản phụ xem cô ta có hiểu không và cô ra dấu yếu ớt là hiểu. Trước khi ra về, tôi còn dặn anh chàng hướng dẫn là cần thăm chừng, xem xét cô gái vài lần mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi tự hỏi, nếu như vẫn cứ ở trong túp lều tồi tàn này thì liệu người phụ nữ trẻ đó có được hưởng những săn sóc gì nữa hay không.

Đạn pháo rơi vãi quanh tôi trên đường trở về. Tôi phải vừa đi vừa chạy, thỉnh thoảng phải bò. Bấy giờ tôi mới thực sự lo cho sinh mạng của mình và chỉ còn nghĩ duy nhất đến việc làm sao trở về căn hầm trú ẩn an toàn của mình.

Tiếng súng vang lên dữ dội khi tôi chạy lại gần 3 người lính Thủy quân lục chiến Mỹ da đen. Họ lạnh nhạt nhìn tôi chòng chọc, bắt tôi dừng lại với một khoảng cách an toàn. Cả ba đều mặc đồ rằn ri (bộ quân phục ngụy trang của Thủy quân lục chiến Mỹ), trang bị súng ống đạn dược đầy đủ, trông có vẻ hắc ám.

- Thằng chó đẻ! Mầy làm gì ở đây, có biết đang đánh nhau không? - Một tên quát lên.

- Mẹ kiếp! Mầy có biết là đang đi tới cái nơi quỷ quái gì không? - Tên khác tiếp lời.

Tôi chưa hề lâm vào một hoàn cảnh như thế này mặc dù tôi nhận thức được là trận chiến đang diễn ra xung quanh Quảng Trị.

- Parlez-vous Franais?(1) - Tôi buột miệng mà không một chút suy nghĩ.

- Cái thằng Pháp chết tiệt này! - Một người lính Thủy quân lục chiến nói. - Hắn chẳng hiểu mô tê những gì chúng ta nói.

Rồi anh ta quay sang tôi, dùng điệu bộ: “Đi! Đi. Cút đi. Đi đi mau”, dùng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt(2).

Tôi cười mỉm, đưa tay chào theo kiểu nhà binh rồi vội vã tìm đường về nhà.

Lạy Chúa! Xin người phù hộ cho những binh lính Thủy quân lục chiến. Họ đang làm nhiệm vụ của mình, một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm và tôi đã chạm trán họ. Tôi không muốn nói cho họ biết mình là một bác sĩ Mỹ dại dột đi vào vùng nhạy cảm mà chẳng hề mang theo vũ khí. Tôi không muốn những người bạn Thủy quân lục chiến phải giữ tôi lại và biết đâu, sẽ gây rắc rối cho họ về sau, hoặc ngay cả việc có thể làm cho họ chậm lại nhiệm vụ của mình. Tôi không muốn họ phải cất công bảo vệ tôi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi về tới căn hầm. Thế là mình vẫn còn sống. Tôi vừa vượt qua một vùng nguy hiểm nhất bên ngoài tỉnh lỵ Quảng Trị, vừa chạy qua một chiến tuyến dài và muôn phần nguy hiểm trong một đêm mà tôi sẽ ghi nhớ mãi về sau.

Ở Việt Nam, trong đa số trường hợp, phụ nữ sinh đẻ rất lặng lẽ và yên ổn. Một bác sĩ tình nguyện khác, ông John McBratney, từng ngủ kế bên phòng hộ sinh ở bệnh viện Quy Nhơn mà ông không hề biết vì đa số phụ nữ Việt Nam cố giữ yên lặng khi họ sinh con. “Căn phòng của tôi nằm ngay bên cạnh phòng hộ sinh, thế mà tôi chẳng hề biết trong 3 tuần lễ đầu. Tôi chẳng phải là người bị điếc đâu. Chỉ cần 50 mg Demerol cho các phụ nữ chưa sinh và chỉ có thế. Thật là một sự khác biệt về văn hóa”, bác sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên.

Rất nhiều người Mỹ nhận xét, phụ nữ Việt Nam khá đẹp với tóc và mắt đen láy và với một vẻ duyên dáng đặc trưng châu Á. Leonard M. Pickering – một bác sĩ tình nguyện khác – đã sáng tác bài thơ dưới đây tại một mái hiên ở Sài Gòn năm 1968 về mối tình lãng mạn của một trong những đồng nghiệp của ông với một cô gái điếm.

Tình yêu muộn, nhưng nồng nàn đằm thắm,

Như chưa yêu, dù đã… lấy vợ nhiều năm,

Tình chớm nở giữa một trung niên y sĩ,

Với người thương… một cô gái đứng đường.

Yêu là khổ? Là bất hạnh, cam go?

Nhưng… có hề chi, tuổi tác trẻ hay già!

Khi xung quanh thấm đẫm hương tình,

Xin ngả nón chào – tình yêu thời chiến.

Tôi từng chứng kiến một chuyện tình, một “cú sét” ái tình tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Đó là chuyện tình lãng mạn kỳ lạ, vừa đẹp đẽ, vừa châm biếm, lại vừa đau đớn giữa một quân nhân Mỹ và một nữ chiến binh Việt Cộng tên là Lui.

Câu chuyện bắt đầu khi trung sĩ Thomas chạy đâm sầm vào bệnh viện, hai tay bồng cô chiến binh bị thương. Tôi biết trung sĩ Thomas vì anh ta từng đến bệnh viện nhiều lần trước đây. Đây là đợt thứ hai anh phục vụ ở Việt Nam. Thomas đang bị kích động dữ dội.

- Bác sĩ, ông hãy cứu mạng! - Trung sĩ Thomas nói. - Làm ơn cứu mạng cô gái này!

Người phụ nữ trẻ trên tay Thomas là một cô gái rất xinh đẹp, tuổi khoảng 25, 26 với mái tóc dài. Một chân của cô bị giập đang đu đưa trong ống quần màu đen rách tả tơi có dính máu, thịt.

- Cô ấy chạy về phía tôi, bắn vào chúng tôi. Tôi buộc phải bắn cô. - Thomas thú nhận. - Bây giờ thì xin ông hãy cứu mạng cô ấy, bác sĩ. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì, nhưng ông phải cứu cô ấy! Tôi chỉ muốn biết là cô ấy sẽ khá lên thôi.

Thomas đã làm một ga-rô phía trên đầu gối của cô gái để cầm máu, nhưng cái đầu gối này đã hứng hai viên đạn M-16, đi xoáy xuyên qua da thịt. Khi khám đầu gối, tôi e rằng sẽ phải cưa chân phía trên đầu gối.

Một trong những bác sĩ quân y mà tôi từng giải thoát khỏi “sự cố lựu đạn” của người thông dịch viên (đã kể trong chương 9) xuất hiện. Tôi, vị bác sĩ quân y và hai y tá Hải quân cùng săn sóc cô gái trong 4 tiếng đồng hồ. Cô ấy bị sốc, tái xanh, mạch yếu, huyết áp thấp. Hồng huyết cầu của cô gái giảm từ 12, 13 xuống còn 6, có nghĩa là cô đã mất một nửa khối lượng máu trong cơ thể. Tay cô lạnh, thân thể không có mồ hôi.

Chúng tôi phải tiết kiệm đến từng giọt dịch truyền, từng giọt máu nên vẫn giữ ga-rô cho đến khi thắt được tất cả động mạch, tĩnh mạch chính. Một phương cách có từ Thế chiến thứ II là tháo ga-rô 5 phút mỗi giờ cho thấy đó là một cách không khôn ngoan, không cần thiết và nguy hiểm. Tốt hơn hết là chấp nhận nguy cơ hoại tử có thể xảy ra ở phần bị thương quá tệ hại, khó có thể cứu vãn được, hơn là nguy cơ tử vong vì mất máu nhiều hơn do việc tháo và di dời ga-rô.

Việc phải cưa chân tay luôn luôn là một sự thất bại vì không có gì thay thế được một khi đã cắt bỏ. Nhưng khi chúng tôi khám tổng quát chân cô gái, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về thương tích trầm trọng mà chân và đầu gối của cô phải chịu đựng. Hầu như toàn bộ các dây chằng hình chữ thập phía trước, phía sau, xương bánh chè đầu gối, những bắp thịt, gân để chống đỡ cho phần trên và phần dưới của chân đều bị mất hết. Loại “thương tật tên lửa” này đã phá hủy hết các cấu trúc quan trọng của chân và cho thấy rất rõ là không thể cứu vãn gì được. Chúng tôi cắt bỏ một phần chân cô gái, lót nệm phần cuối chân cụt: sắp xếp mô mỡ, gân, dây chằng cùng những gì có thể hình thành một cái đệm mềm mại để sau này chống đỡ cơ thể của cô gái trên chiếc chân giả. Và cuối cùng là cẩn thận khâu da lại.

Khi cô gái hồi phục sau ca phẫu thuật cắt chân, tôi càng thấy rõ người nữ chiến sĩ Việt Cộng này là một cô gái đẹp. Giống như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, cô ấy thật xinh xắn, dễ thương.

Chúng tôi sử dụng khá nhiều thuốc kháng sinh và chỉ trong một, hai ngày là cô gái đã lấy lại khá nhiều sinh lực. Nhưng mặc dù ở trong bệnh viện chúng tôi, cô vẫn còn như đang ở chiến trường. Tôi để ý thấy cô luôn tỏ vẻ sợ hãi, như thể lo ngại mình có thể bị giết bất cứ lúc nào.

Về phần trung sĩ Thomas, anh chàng này vào thăm cô bất cứ lúc nào có thể. Ám ảnh vì những gì mình gây ra cho cô gái, anh ta liên tục có mặt bên cạnh giường bệnh như thể mình là thiên thần bảo vệ cho cá nhân cô ấy. Anh ta không chịu rời bệnh viện và rõ ràng là đã vắng mặt bất hợp pháp ở đơn vị. Không lâu sau, sự thức khuya dậy sớm, lo buồn cho cô gái đã khiến Thomas bị bấn loạn tinh thần. Tôi báo cho anh ta biết là cần phải dùng thuốc Chlorpromazine hoặc Mellaril nhưng trung sĩ Thomas không hề đụng đến các thứ thuốc này. Mọi chú ý của anh ta cả ngày lẫn đêm đều tập trung vào cô chiến sĩ xinh đẹp. Anh chàng này cảm thấy có trách nhiệm với cô gái, có lẽ vì cô quá đẹp, có lẽ vì anh ta đã bắn vào cô và gây thương tật vĩnh viễn cho cô.

- Tôi gây ra sự cố này và tôi sẽ cưới cô gái này làm vợ. - Trung sĩ Thomas nói với tôi. - Tôi phải đưa cô ấy đi Mỹ. Tôi phải chăm sóc cho cô ấy. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể chăm sóc cô ấy. Tôi sẽ chăm sóc cô ấy suốt đời.

Nhưng cô chiến sĩ Việt Cộng vẫn tỏ vẻ sợ hãi. Nét kinh hoàng vẫn còn trên khuôn mặt cô gái trong nhiều ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ năm hay thứ sáu gì đó, sự chăm sóc chân tình của người quân nhân Mỹ khiến cho những nét âu lo đó tan biến đi.

Trung sĩ Thomas dùng tay mình đuổi ruồi nhặng cho Lui. Anh ta mang thức ăn đồ uống cho cô, săn sóc cô như người thân của mình. Thomas cũng biết chút đỉnh tiếng Việt đủ để cho Lui hiểu về nỗi nuối tiếc của anh ta khi bắn vào chân cô, và cho cô hiểu là anh muốn chăm sóc cô như thế suốt đời.

Việt Nam có thật nhiều điều kỳ lạ. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cho chuyện tình Romeo và Juliet diễn ra tại điểm nóng của cuộc chiến này. Nhưng cả hai đều đã gặp kẻ thù của mình và đã thấy được mặt nhân bản của phía bên kia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx