sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13: Điều Kinh Khủng Của Chiến Tranh

Lúc bắt đầu nhiệm vụ của mình, tôi có nhiều khoảnh khắc hồ hởi, những dịp mà tôi cảm thấy mình thật sự tạo được một sự khác biệt nào đó ở Việt Nam và cho người Việt Nam thấy một số về lòng tốt, sự cao thượng và lòng khoan dung của nước Mỹ. Nhưng một ngày nọ, tôi đã cảm thấy nghi ngờ về cảm nhận này.

Tôi đang ở căn cứ Phú Bài chờ phương tiện đi Đà Nẵng. Mê li với cảnh đẹp Việt Nam và bàng hoàng với cuộc chiến, tôi ghi hình một số cảnh vật bằng cái máy quay phim Super 8 của mình. Tôi ghi hình một chiếc trực thăng đang hạ cánh một cách khó khăn. Một phi công Thủy quân lục chiến hiện rõ trên chiếc máy bay. Viên phi công đã bị một tay bắn tỉa bắn bị thương ở bàn chân. Anh ta đang đi cà nhắc trên phi đạo. Khi viên phi công thấy tôi đang chĩa ống kính về phía mình liền chỉ tay về phía tôi và ra lệnh cho các binh sĩ thuộc quyền bao vây lấy tôi và tịch thu máy quay cùng phim ghi hình.

- Bắn vỡ óc cái thằng chết tiệt đó đi nếu như chưa lấy được máy quay và toàn bộ phim! - Viên phi công hét lên khi các quân nhân Thủy quân lục chiến đã vây lấy tôi.

- Này! - Tôi phản kháng, vừa hạ chiếc máy quay phim xuống. - Tôi là một cựu binh Thủy quân lục chiến. Đừng làm vậy. Tôi là một bác sĩ. Tôi không phải là kẻ thù ở đây!

Nhưng tôi trông chẳng giống một Thủy quân lục chiến, cũng không giống một bác sĩ chút nào trong bộ đồ quần jeans bụi với chiếc áo thun bạc màu. Mấy người lính Thủy quân lục chiến bao vây tôi, nâng súng M-16 của họ lên và sẵn sàng nhả đạn. Nếu còn ở trong lực lượng Thủy quân lục chiến và theo học ở Annapolis, có thể tôi đã là một sĩ quan mang quân hàm trung úy ở Việt Nam. Đằng này, tôi ở đây trong tư cách một bác sĩ tình nguyện, chữa trị cho những thường dân bị thương và bị bệnh.

- Mày là ai mặc kệ mày. Đưa ngay máy quay phim đây! Thằng chó chết, hay là mày muốn bị bắn vỡ óc ra? - Một gã Thủy quân lục chiến hét lớn rồi đưa bàn tay của hắn chực giật cái máy quay của tôi.

Tôi thật sự giận dữ với cách xử sự như thế và muốn hét lại. “Dám không? Cái đầu gáo dừa của chúng mày đấy! Có dám bắn vào đầu ông mày không? Chúng mày không có quyền lấy máy và phim của ông. Thủy quân lục chiến mà như thế à? Mẹ kiếp! Một lũ đê tiện…”. Thực tế, tôi đã không thốt lên những lời thóa mạ đó nhưng tôi thật sự tức giận trước hành động của họ. Tôi tức tối vì mình bị hiểu lầm. Thế nhưng tôi ngoan ngoãn giao nộp máy và phim. Bởi vì là một cựu Thủy quân lục chiến, tôi rất hiểu tính chất nghiêm trọng của thời điểm đó. Các quân nhân Thủy quân lục chiến không bao giờ nâng súng lên nếu như họ không định nổ súng. Tôi đã có hơn một lần nếm trải về sự điên rồ của chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, sự ngu dốt của một tay súng Thủy quân lục chiến nóng nảy, bộp chộp này có thể kết liễu đời mình. Và không một ai thông minh vào lúc này lại cố chấp sự ngu dốt đó để mà nằm lại vĩnh viễn ở Việt Nam.

Tôi lang thang bỏ đi và có cảm giác như thể mình bị trấn lột. Tôi bức xúc và tức giận với viên trung úy Thủy quân lục chiến đã ra lệnh tịch thu máy quay, nhưng tôi không giận hờn đối với những người lính trẻ Thủy quân lục chiến thi hành lệnh của cấp chỉ huy. Tôi nhanh chóng bỏ qua sự cố này. Khi hồi tưởng lại, tôi nghĩ có lẽ viên sĩ quan trẻ khi bước ra khỏi chiếc trực thăng với bàn chân khập khiễng đó chỉ muốn có những thước phim ghi lại khoảnh khắc oai hùng của anh ta mà thôi. Tôi tự nhủ có thể anh chàng này mong muốn một điều gì nhiều hơn là chiếc huy chương chiến thương bội tinh mà anh ta xứng đáng được nhận. Và khi nghĩ sâu xa hơn, tôi cho rằng mình nên cảm thấy sung sướng là viên trung úy đã để cho mình sống sót trở về Phú Bài. Chưa đầy một giờ đồng hồ sau đó, tôi đã lên một chiếc trực thăng khác trực chỉ về Đà Nẵng và tôi quên khuấy ngay sự việc vừa xảy ra.

Một buổi chiều tháng năm không bao giờ quên.

Một buổi chiều gần cuối tháng Năm, tôi đang làm việc tại bệnh viện thì nghe thấy âm thanh quen thuộc whack-whack-whack của chiếc trực thăng tải thương bay ở tầm thấp. Một chiếc trực thăng của lục quân hoặc không quân đang hạ cánh xuống sân cỏ của bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Có một chút bất thường khi trực thăng quân sự chở thường dân đến đây chữa trị vì trước nay điều này chỉ xảy ra có vài lần.

Ba phi công mặc đồng phục vội vã khiêng một chiếc cáng vào hội trường của bệnh viện. Trên cáng chất đầy trẻ em. Các cháu có vẻ sạch sẽ, như thể vừa mới được tắm rửa sáng hôm đó. Tôi đứng nhìn các viên phi công khiêng ba hoặc bốn bé chất đống trên cáng xuống, rồi trở ra trực thăng khiêng tiếp.

Rồi thì tôi và các y tá điếng người khi các viên phi công liên tục mang thêm vào bệnh viện, hết cáng này đến cáng khác. Tôi chú ý đến những bàn tay ủ rủ dọc theo thành cáng. Những bàn tay đu đưa này như muốn đặt câu hỏi: “Tại sao? Tại sao lại là cháu? Cháu đã làm gì sai nào?”.

Không một lời nào, những phi công đặt nạn nhân bé tí cuối cùng xuống nền nhà.

- Chúng nó đấy, bác sĩ! – Cuối cùng, một người lên tiếng.

Không ai nói thêm một lời nào khác.

Tôi còn nhớ cái nhìn trên khuôn mặt của một trong những viên phi công khi anh ta quay đi, như thể là anh ta cầu khẩn tôi hãy làm cái gì đó để chặn đứng vụ thảm sát này.

Rồi chiếc trực thăng cất cánh, mất hút về phía bìa rừng.

Đây là Việt Nam và đây là chiến tranh, nhưng tôi không thể tin cảnh tượng phi lý đang trải ra ngay trước mắt tôi trong hội trường bệnh viện. Từng hàng, từng hàng những thân thể đầy thương tích, có lẽ lên đến chừng 40 trẻ em Việt Nam từ tuổi còn ẵm ngửa đến khoảng 5 tuổi. Các bé đều có đeo dải băng trên cánh tay và một số các cháu đã chết hẳn. Những cháu còn sống đang cố nhúc nhích chân tay.

Ngay lập tức, tôi cố gắng cứu chữa cho các cháu còn sống. Mỗi một bé trai, bé gái đều bị một viên đạn xuyên qua đầu với vết thương là một lỗ tròn, nhỏ nhưng không thể chữa trị. Máu rỉ ra từ lỗ vết thương trên đầu các cháu. Những đứa trẻ này rõ ràng đã bị bắn ở đầu, kiểu như bị hành hình.

Đây là bệnh viện của tôi. Tôi là bác sĩ duy nhất. Và những em bé này đang chết.

Tôi kêu đem Gelfoam, một chất dùng ngăn máu chảy ở phòng cấp cứu. Gelfoam hình thành một dấu niêm và tạm thời làm ngừng chảy máu. Tôi cố liều nhét đầy Gelfoam vào các lỗ vết thương cho dù đã cảm thấy hoàn toàn vô vọng. Tất cả các bé đều đang chết, không một cháu nào có thể sống sót. Tôi nhận thức điều đó chỉ sau ít phút cố thử cứu chữa. Hai y tá Việt Nam bắt đầu quấn chăn cho những cháu đã chết rồi khiêng thi thể các cháu ra khỏi hội trường.

Tôi đã trải nghiệm những giây phút hết sức đau lòng, những giây phút mà người bác sĩ cảm nhận sau khi đã dùng hết khả năng của mình mà bệnh nhân vẫn ra đi. Không một lời cảnh báo, tôi đã mất một lần đến 40 sinh mạng.

Tôi chú ý đến những dải băng trên cánh tay các cháu bé. Tôi bị sốc thật sự. Dải băng plastic có dòng chữ: “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi từng là một quân nhân Thủy quân lục chiến và từng tự hào về tính cách binh chủng của mình. Nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi không còn tự hào là một người lính Thủy quân lục chiến nữa. Không ai trong lực lượng Thủy quân lục chiến có thể thẩm vấn những trẻ em như thế, nhưng một số người nào đó đã vây bắt các cháu rồi tàn sát tất cả.

Tôi chưa bao giờ hoàn toàn mất bình tĩnh khi ở Việt Nam, nhưng lúc đó, toàn thân tôi rúng động. Cảm giác kinh tởm lan tỏa khắp cơ thể. Tôi có cảm giác như thể mình đang hứng chịu một trận đánh, như thể bom đạn đang đổ xuống mái nhà bệnh viện. Hình ảnh hàng chục thi thể trẻ em chết thảm thương ghi sâu vào tâm não tôi. Khi những đứa trẻ này chết một cách lặng lẽ, há hốc miệng ra thở rồi yếu ớt giãy giụa giã từ cuộc đời, hết bé này đến bé khác, tôi đã tự hỏi có thể nào chuộc được lỗi lầm cho một cuộc thảm sát ghê rợn như thế.

Là một quân nhân Thủy quân lục chiến, tôi từng được huấn luyện để tiêu diệt kẻ thù trong trận chiến xáp lá cà. Tôi đã quan niệm chiến tranh như là cuộc chiến đấu danh dự, theo quy tắc riêng giữa các chiến binh. Tại Việt Nam, tôi hiểu rằng trong khi các tay súng chiến đấu thì hàng ngàn dân thường cũng bị thương vì bom na-pan, các loại bom, đạn lạc. Hầu hết những trường hợp thương vong như thế là do rủi ro, tình cờ, và chỉ là thiệt hại “phụ” của chiến tranh mà thôi. Nhưng những gì tôi chứng kiến tận mắt chiều hôm đó trong hội trường bệnh viện thì không phải là tình cờ, ngẫu nhiên.

Những đứa bé không phải ngẫu nhiên bị thương vì bom rơi trên xóm làng của chúng. Cũng không phải do các cháu giẫm phải mìn. Một vài nơi xung quanh Quảng Trị, các quân nhân – có lẽ là thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ – đã bố ráp và bắt giữ những đứa trẻ này. Có thể họ đã giằng kéo các bé từ trong tay những người mẹ. Các em nhỏ chẳng có cách nào để đánh trả, chống cự và cũng chẳng thể hiểu việc gì đang xảy ra. Rồi các em bị giết, bị đập chết giống như những con gián vậy. Cho dù với tất cả những gì đã trông thấy ở Việt Nam, tôi đã không chuẩn bị tâm lý cho một kiểu giết người theo cách hành hình mất nhân tính như thế này đối với những trẻ thơ vô tội.

Không hoàn toàn tin vào những gì mình thấy, tôi lấy kéo cắt hai băng tay trên thi thể các em rồi cho vào túi mình như là chứng cứ trước khi chuyển qua công việc khác.

Dường như phải mất mấy ngày mới tẩy sạch máu của các cháu bé trên nền cẩm thạch và trên tường của hội trường. Về tấn thảm kịch này, cảm xúc của tôi không chỉ đơn giản như đã có lời kể lại rằng tôi đã giận dữ và đau lòng. Trong những ngày tiếp theo, tôi vẫn còn nói với vài y tá Hải quân là mình thật sự kinh hồn trước việc tàn sát điên rồ mà tôi đã thấy, và rằng tôi sẽ quy trách nhiệm cho người chỉ huy việc này. Lời nói của tôi như gióng lên tiếng chuông cảnh báo không xa. Tôi đã không biết đến vụ thảm sát Mỹ Lai đã diễn ra chỉ hai tháng trước đó, tại một nơi chỉ cách Quảng Trị khoảng 200 km. Mặc dù tôi chưa hề trông thấy những gì như thế trước đây, việc thảm sát dân thường đã và đang diễn ra. Sự khốc liệt và dã man của chiến tranh đang tạo ra hàng đống những tội ác “phụ” trên nhiều khu vực ở Nam Việt Nam.

Ngày hôm đó, tôi có nhiều việc phải làm ở bệnh viện. Sau này, tôi hỏi hai y tá Hải quân trực về việc xử lý thi thể các cháu. Tôi muốn biết nơi chôn cất các cháu.

- Các y tá Việt Nam phụ trách việc đó. - Họ trả lời.

Tôi đã không bao giờ biết được nơi chôn cất các cháu vì tôi quá bận bịu trong ngày hôm ấy. Tôi cố gắng tiếp tục công việc nhưng không thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ đó.

Tôi chia sẻ điều này với nhiều người khác ở trong bệnh viện. Tôi nhớ là những ngày tiếp theo sau vụ thảm sát, không khí trong bệnh viện trở nên im lặng một cách kỳ quặc. Bệnh nhân ngưng sắp hàng ngoài cửa bệnh viện. Các y tá không báo cáo công việc. Bệnh viện yên ắng một cách bất thường. Hầu như không một ai nói chuyện với tôi. Và hơn thế nữa, tôi lại sa sút vì một cơn sốt, có lẽ là sự tái diễn chứng sốt rét gây ra do những căng thẳng vì chứng kiến những thảm sát do cuộc chiến mang lại. Khi thân nhiệt tăng cao, tôi tự chích penicillin, dùng thuốc trị sốt rét để có thể tiếp tục công việc của mình.

Tôi cảm thấy đau khổ và đơn độc vô cùng, như thể tôi đang rơi vào tình huống bất lực do hồi ức về sự tàn nhẫn mà tôi đã chứng kiến. Tôi cảm thấy giận dữ và đau buồn về những điều kinh khủng mà mình đã thấy. Tôi bắt đầu có cảm giác là mình đang bị khai thác, bóc lột. Tôi cảm thấy mình giống như một vật cầm cố cho bộ máy chiến tranh của Mỹ, một trò giải trí về quan hệ công chúng nhằm làm cho hình ảnh quân nhân của chúng tôi trông đẹp đẽ hơn đối với người Việt Nam, cũng như đối với công luận ở Hoa Kỳ. Mặc dù tôi đã hăng hái tình nguyện và tôi biết mình đã giúp được nhiều người, cứu sống nhiều sinh mạng, nhưng tất cả niềm vui cùng sự hưng phấn giúp đỡ cho Việt Nam nay không còn nữa. Giờ đây, thay vào tình cảm chứa chan mà tôi từng cảm nhận, bao phủ lấy tôi chỉ còn là nỗi ân hận, buồn chán và căm ghét.

Trong khi đang còn phải chiến đấu với cơn sốt của mình thì tôi nhận được một gói hàng. Chiếc máy quay phim Super 8 bị các quân nhân Thủy quân lục chiến tịch thu ở Phú Bài được gởi trả lại, nhưng những thước phim tôi đã quay thì không còn. Viên trung úy Thủy quân lục chiến – người đã ra lệnh tịch thu chiếc máy – đã ghi vài dòng kèm theo: “Xin đừng tự ái. Chúc tốt lành”. Tôi tự nghĩ rằng, những gì tốt đẹp về lòng can đảm, cao thượng của binh chủng Thủy quân lục chiến cuối cùng đã chiến thắng, và trong trường hợp này, những người lính Thủy quân lục chiến ấy đã không làm mất danh dự binh chủng của mình.

Nhưng khi xem lại nơi trú ngụ của mình, một số đồ đạc, dụng cụ mà tôi cất giữ đã không cánh mà bay trong khi tôi đi vắng. Khẩu súng M-16 cất dưới gầm giường nay đã không còn. Một số ảnh chụp, một số cuộn phim quay cảnh Quảng Trị tôi để trong ngăn kéo cũng biến mất. Nhưng tệ hại nhất là hai dải băng đeo tay tôi lấy từ thi thể các em bé chết thảm, có đề chữ “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn” cũng biến mất. Hai dải băng này tôi để cạnh một số đồ đạc có giá trị khác nhưng những thứ này thì lại không suy suyển. “Mẹ kiếp!”. Tôi tự nhủ. Vậy là giờ đây tôi chẳng còn chứng cứ gì hỗ trợ cho những gì mình đã tận mắt chứng kiến. Ai đó dường như đang thử thách sự chịu đựng của tôi và làm tăng thêm nỗi sợ hãi cùng cơn sốt mà tôi đang hứng chịu.

Để chống lại cơn sốt và sự chán nản gia tăng, tôi cố xua đuổi chúng đi. Nhưng mây đen cứ vây phủ lấy tôi. Rõ ràng là tôi đang bị theo dõi từ nhiều phía, đặc biệt là từ một tòa nhà gần đó.

Cựu binh chiến tranh Việt Nam Ronald Pelfrey, bị hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam (Vietnam Post Traumatic Stress Disorder – gọi tắt là PTSD), là bệnh nhân của bác sĩ Allen Hassan nói: “Khi tôi ở Việt Nam năm 1970, vào khoảng tháng Bảy năm đó, tôi đi tuần tra quanh LZ Baldi. Chúng tôi được lệnh giải tỏa một ngôi làng ngay bên ngoài khuôn viên hàng rào và cũng được lệnh tiêu diệt bất cứ vật gì chuyển động, kể cả phụ nữ và trẻ em. 47 người đã bị giết chết và thi thể của họ được Thủy quân lục chiến Hàn Quốc bốc lên trực thăng chở đi. Ngày hôm sau, chúng tôi được cho biết ngôi làng đó là vùng oanh kích tự do. Chẳng hề có một tiếng súng bắn lại từ phía ngôi làng. Chẳng tìm thấy vũ khí gì. Cũng chẳng có bẫy sập nào để biện hộ cho những hành động mà chúng tôi được lệnh thi hành.

Hai tháng sau, trong một lần tuần tra, tôi bị một con dơi cắn khi ném quả lựu đạn vào bụi cây mà tôi nghe có động tĩnh. Tôi được đưa ra tàu bệnh viện USS Sanctuary và cho đến thời điểm ấy, tôi vẫn không biết tại sao dân làng lại bị giết như thế”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx