Ở Việt Nam, chúng ta tiến hành một cuộc chiến tranh để ngăn chặn Cộng sản, nhưng chiến tranh đã không ngăn cản được Cộng sản. Chúng ta gây ra thiệt hại to lớn cho nhân dân Việt Nam và cho cả chúng ta.
Tại Việt Nam, quân đội chúng ta chú trọng đến việc đếm xác chết, nhưng trong những cuộc chiến tranh sau này như ở Iraq, thì lãnh đạo quân sự của chúng ta không còn bận tâm đến việc đếm xem có bao nhiêu thi thể thường dân tử vong nữa. Pascal từng nói: “Con người không bao giờ làm điều ác một cách hoàn toàn và vui vẻ như khi họ làm điều đó vì một đức tin tôn giáo”. Đã đến lúc phải quan tâm đến khái niệm về nghiệp chướng của người châu Á, theo đó, những gì chúng ta đã gây ra cho thế giới này một lúc nào đó sẽ trở lại với chúng ta. Với 50 năm gây hấn đã qua của Hoa Kỳ, những gì sẽ quay trở lại với chúng ta theo luật nhân quả?
Cuốn sách này là một lời kêu gọi chống lại bạo lực của con người đối với chính con người và đối với những sinh vật khác trên trái đất. Sự hiểu biết sẽ cải hóa và làm con người trở nên nhân bản. Lẽ phải làm cho chúng ta hòa nhã, nhưng thành kiến thì tận diệt mọi khuynh hướng hòa dịu và dẫn đến chiến tranh. Nếu như chúng ta không thay đổi cách xử sự và trở lại là một đất nước hòa bình, hào phóng, sâu sắc và chu đáo, thì chúng ta sẽ tiếp tục đặt cược số phận của mình vào một ván bài, để rồi tự hủy hoại chính mình, hủy hoại cả hành tinh với vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt, nước và thực phẩm bị nhiễm độc và chiến tranh sinh hóa.
Chúng ta chưa chuộc lỗi với những thiệt hại mà bom đạn và hóa chất của chúng ta đã gây ra tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, một ngày nào đó, chúng ta có thể giúp đất nước tươi đẹp này tẩy xóa hết những hóa chất độc hại, những bom mìn chưa nổ, và rồi tạ lỗi cùng nhân dân Việt Nam về tất cả những gì chúng ta đã gây nên. Tôi hy vọng là chúng ta sẽ không quá kiêu hãnh và ngạo mạn để có thể thốt lên bằng tiếng Việt: “Chúng tôi chân thành xin lỗi!”.
Là một cựu quân nhân Thủy quân lục chiến, trong một chuyến đi tới Tunisia, tôi rất ấn tượng trước lòng kính trọng của một nhà điêu khắc đối với một chiến binh chết trong chiến trận cách nay 3.000 năm – ông đã đúc tượng bán thân của người chiến binh bằng vàng ròng. Có cách nào tốt hơn để vinh danh người chiến binh bằng việc đúc một tượng bán thân bằng vàng? Những chiến binh xưa kia chiến đấu trong các trận đánh giáp lá cà, giết kẻ thù một cách trực diện. Nhưng khoa học kỹ thuật đã thay đổi chiến tranh. Ngày nay, hơn bao giờ hết, những chất nổ và hóa chất cực mạnh gây chấn thương thể xác lẫn tinh thần ngày càng kinh khủng và kéo dài. Hầu hết người bị thương vong trong chiến tranh ngày nay là người già, phụ nữ và trẻ em - những sinh linh còn quá bé bỏng hoặc quá yếu đuối, dễ bị tổn thương nên không thể tránh được cái chết từ trên trời rơi xuống.
Bản tham luận quan trọng War and Children (Chiến tranh và Trẻ em) xuất bản năm 1998 của các tác giả Michael C. B. Plunket và David P. Soutball thuộc tổ chức Quốc tế Ủng hộ Trẻ em và Khoa Nhi đồng bệnh viện North Staffordshire, Vương quốc Anh, viết: “Chiến tranh không còn diễn ra trên bãi chiến trường như xưa nữa, mà là giữa những thành phố, thị trấn đầy dân cư, giữa những sân chơi đầy trẻ em và chợ búa đầy những bà mẹ”. Các tác giả đã lưu ý rằng, trong Thế chiến thứ I, chỉ có từ 5% đến 19% số thiệt hại nhân mạng là thường dân. Tỷ lệ này ngày một gia tăng. Số thương vong của thường dân trong chiến tranh Việt Nam xấp xỉ 60% còn ở Iraq có thể lên tới 80%. Trong vài cuộc chiến gần đây, thương vong của thường dân đã chiếm đến 90% – theo hai bác sĩ trên ước tính – và một tỷ lệ đáng kể những người bị thương cũng là trẻ em.
Trong hầu hết các nước văn minh, trẻ em được pháp luật bảo vệ chống lại sự lạm dụng của người lớn, nhưng không có sự bảo vệ nào như thế trong thời chiến. Một nỗ lực đang được tiến hành nhằm giải thích rõ ràng về nhân quyền của trẻ em. Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất không phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền của Trẻ em, trong đó có quy định “thừa nhận rằng, để được phát triển cân đối và đầy đủ về nhân cách, trẻ em cần được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường gia đình, trong khung cảnh hạnh phúc, tin yêu và hiểu biết”. Trong thời chiến, quyền của một đứa trẻ được nuôi nấng, giáo dục trong môi trường gia đình hầu như không thể thực hiện được do nhiều gia đình đã bị ly tán theo những cách khác nhau.
Theo quan điểm y tế cộng đồng, các cháu bé sau chiến tranh phải chịu suy dinh dưỡng bởi chiến tranh đã tàn phá mùa màng, hoặc đất nông nghiệp không canh tác được do những bãi mìn cài lại. Trẻ em và người lớn bị suy yếu vì chấn thương của chiến tranh sẽ trở thành con mồi của bệnh tật ở những nơi thiếu hụt y bác sĩ, có hệ thống y tế nghèo nàn, bị hủy hoại vì chiến tranh. Các chương trình y tế gây miễn dịch cho trẻ em bị gián đoạn trong thời chiến, khiến cho cả một thế hệ trẻ em có nguy cơ nhiễm những dịch bệnh vốn có thể loại trừ được.
Mặc dù trẻ em còn quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến hệ thống chính trị quốc gia, nhưng các em lại là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất từ các cuộc chiến. Lòng tin ngây thơ của một đứa trẻ vô tội có thể bị phản bội một cách dễ dàng và tàn nhẫn. Trong những cuộc xung đột trên khắp thế giới, trẻ em bị động viên vào các lực lượng dân quân và dễ bị nguy hiểm trong nhiều hình thức bạo lực và hành động đồi bại. Trẻ em đã bị tra tấn để trừng phạt những cộng đồng dân cư, để khai thác thông tin hoặc để giải trí.
Những đứa trẻ phải chịu những hậu quả tâm lý nặng nề khiến chúng dễ bị cuốn vào những cuộc bạo động và các hoạt động chống xã hội khác, hình thành một chu kỳ bạo lực ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Trẻ em cũng bị hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương sau chiến tranh. Các em có thể gặp những trải nghiệm về tội ác trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, và nếu chúng sống sót được, thì những hội chứng căng thẳng, âu lo sẽ còn tác động lâu dài sau khi cuộc chiến đã chấm dứt.
Theo War and Children, trong 10 năm qua, khoảng 2 triệu trẻ em đã thiệt mạng trong các khu vực có chiến sự, 4 triệu em khác bị thương tật vĩnh viễn, 1 triệu cháu lâm vào cảnh mồ côi. Một con số ước lượng khoảng 12 triệu trẻ em đã bị tách rời khỏi môi trường gia đình ấm cúng của các cháu và 1/3 trong số các cháu này phải ở trong các trại tỵ nạn hoặc trốn ra nước ngoài. Một số vẫn còn bị giam hãm trong các trại tập trung và một số đã bị tra tấn. Làm thế nào để chúng ta chuộc lỗi đối với những đối xử tệ hại với những trẻ em vô tội như thế?
Người Mỹ đã để lại di sản gì khi rời khỏi Việt Nam? Bộ máy chiến tranh hùng mạnh của chúng ta đã không chuộc lỗi đối với sự tàn bạo gây ra cho những cháu bé nhỏ tuổi này, những đứa trẻ không thể trốn chạy khỏi bom na-pan được thả từ trên không xuống như những chiếc thùng tròn lăn đi và đốt cháy toàn bộ bất cứ xương thịt nào mà chúng chạm đến. Những tướng lĩnh và chiến lược gia của chúng ta đã không chuộc lỗi với những gia đình trong các thôn xóm không thể đào nổi một hố trú ẩn, đủ để tránh đạn pháo và súng liên thanh, hoặc bom do máy bay B-52 ném xuống. Chúng ta đã không chuộc lỗi với những phụ nữ mang thai, những bà mẹ với gánh nặng con cái không thể chạy trốn khi binh lính chúng ta đột nhập căn lều của họ và dẫn họ đi đến các trại tái định cư, hoặc những đứa trẻ phải bồng em nhỏ mà ngơ ngác không biết chạy tránh bom đạn nơi nào.
Với khoản chi phí từ 200 đến 400 tỷ đô-la, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến với một đất nước có diện tích chỉ bằng 3 lần bang Massachusetts. Tổng kết, Hoa Kỳ đã dùng trên 15 triệu tấn bom đạn các loại rải xuống Việt Nam, hơn gấp 4 lần số bom đạn sử dụng trên các chiến trường trong Thế chiến thứ II, và tương đương với 600 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima. Theo ước tính, có khoảng 20% số bom đạn, chất nổ mà Mỹ đã thả xuống hoặc gài lại đến nay vẫn chưa nổ. Những bãi mìn cài đặt trong chiến tranh hiện vẫn còn. Những quả bom, mìn chưa nổ này có thể phát nổ bất cứ lúc nào chỉ vì một lát cày của người nông dân hoặc vài bước chân của các em nhỏ hiếu kỳ. Theo các nguồn ước tính khác, cho đến hôm nay, vẫn còn từ 26 triệu đến 35 triệu hố bom ở Việt Nam. Những hố bom chứa đầy nước trong mùa mưa là mầm mống gây bệnh sốt rét ở các vùng quê.
Các máy bay của chúng ta đã thả khoảng 60 triệu lít chất độc da cam – một hóa chất cực mạnh làm rụng lá – xuống Việt Nam, hủy hoại và làm rụng lá trên một diện tích bằng cả bang Massachusetts. Chất độc da cam đã biến hơn 2 triệu hec-ta đất rừng và đất nông nghiệp tươi tốt thành đất cằn cỗi, vô giá trị, tước đoạt màu xanh của các loại cây lương thực cũng như các loài động vật quý như hổ, voi, nai… Chất độc da cam ảnh hưởng đến quân nhân Mỹ từ những biểu hiện nhất thời đến những hậu quả kinh khiếp, đồng thời gây ra những thiệt hại lâu dài cho cây cối và đặc biệt đối với con người sống trên vùng đất chịu tác hại của chất độc da cam ở Việt Nam.
Đối với nhiều người Việt Nam, cuộc chiến vẫn còn tiếp tục. Nhiều người may mắn sống sót nay đang sống một cuộc đời thê thảm với những vết thương khủng khiếp hoặc với cơ thể bị biến dạng, cùng với những nỗi ám ảnh, thiệt thòi vô cùng về tinh thần.
Trên bước đường ngạo mạn muốn thống trị, kiểm soát tương lai, chúng ta có đang gieo mầm cho sự hủy diệt của chính mình không? Chúng ta đã không thể chuộc lỗi những gì mình đã gây ra cho người dân Việt Nam. Cũng không chuộc lỗi với vụ thảm sát công khai những thường dân, những người mẹ và trẻ em ở Mỹ Lai, cũng không thể chuộc lỗi với tất cả những vụ Mỹ Lai khác chưa được công bố, như một vụ chính tôi đã mục kích với những nạn nhân trẻ em nằm chết thảm dưới nền nhà mà giờ đây mãi mãi không bao giờ được công bố. Chúng ta đã không thể chuộc lỗi với những bậc cha mẹ đã chết, với những trẻ em bị biến dạng thân thể, những cụ già bị cụt tay chân, hoặc những chấn thương tình cảm và sự đau khổ trong từng gia đình, vốn rất khó tính toán, không thể đo lường được và - không thể lãng quên.
Người bác sĩ có thể đánh giá thiệt hại về y tế, sức khỏe, nhưng phải cần đến pháp luật xem xét lâu dài, nhìn lại quá khứ, quan sát hiện tại, động lòng trắc ẩn rồi tự đánh roi, tự giày vò mình trước sự thật. Không giống như những đổi thay kết quả ngắn hạn thần diệu có thể thực hiện, luật pháp là một tiến trình chậm và thận trọng. Nó cần nhiều năm để giải quyết những vấn đề riêng biệt. Nhưng bằng sự giày vò chính mình, cùng những ý tưởng được đưa ra tranh luận trước báo giới và tòa án, thì một hiện tượng lạ ở mức độ nào đó sẽ xảy ra. Sự chính xác của những tuyên bố mạnh mẽ về sự thật sẽ được xác lập. Những lời dối trá và lỗi lầm sẽ bị đặt nghi vấn. Rồi từ đó, sự cao thượng sẽ tái xuất hiện. Sự cao thượng không dựa vào tổng sản phẩm quốc dân mà dựa vào những giá trị đạo đức. Giá trị đạo đức, thái độ hợp với luân thường đạo lý và sự công bằng, tất cả những điều đó có thể hình thành luật pháp ở một vài cấp độ, nhưng những khả năng thực sự tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người sẽ dẫn đến hành động trên một phạm vi rộng và dài hạn.
Là một bác sĩ – luật sư, xin hãy để tôi thử ước tính những thiệt hại tài chính hợp lý về những gì chúng ta đã làm ở Việt Nam. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc bồi thường 10.000 đô-la cho mỗi người trong số 2,7 đến 3,7 triệu thường dân thiệt mạng ở Việt Nam do Mỹ gây ra. Con số này chỉ bằng 10% số trung bình 100.000 đô-la mà một người chết vô lý, chết do hành động sai trái gây ra ở Mỹ nhận được vào năm 1968. Nhưng ngay cả với khoản tiền bồi hoàn nhỏ đó cũng đã lên đến 30 tỷ đô-la. Chúng ta có thể thêm vào một con số 30 tỷ đô-la nữa. Đó là con số mà Bộ Ngoại giao đưa ra cho những thiệt hại của thôn xóm, làng xã ở Việt Nam. Nếu chúng ta tính chi phí 1.000 đô-la để lấp một hố bom thì với xấp xỉ 30 triệu hố bom lớn phải lấp đầy, chúng ta phải chi 30 tỷ đô-la khác. Nếu chúng ta chỉ đưa ra một giá cả thấp đến mức buồn cười – 50 đô-la cho mỗi con vật trong số 700.000 trâu, bò và những gia súc khác mà bom đạn chúng ta đã hủy diệt, rồi đến khoảng 10% trên tổng số những động vật hoang dã ở Việt Nam nữa? Chúng ta đã xem xét đến những món tiền thật sự, và chúng ta chưa tính toán đến khoản bồi thường thiệt hại cho khoảng 300.000 trẻ mồ côi, 83.000 người cụt tay chân, 181.000 người tàn tật, 40.000 người khiếm thị hoặc khiếm thính, và 8.000 người Nam Việt Nam bị liệt bán thân, không còn sử dụng được tứ chi do chiến tranh.
Tổn thất nhân mạng trong chiến tranh ở Đông dương, 1961-1975 (Số liệu thống kê của Richard W. Smith)
Khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973 tại các nước Đông Dương, cứ 30 người thì có 1 người bị thiệt mạng, 10 người thì có 1 người bị thương, 5 người thì có 1 người tỵ nạn. Dưới đây là những tổn thất trong cuộc chiến mà người Việt Nam gọi là chiến tranh chống Mỹ:
Thiệt hại nhân mạng
• 2.284.000 người chết trong cuộc chiến
• 1.921.000 người Việt Nam chết, bao gồm:
450.000 thường dân Nam Việt Nam (1961-1975)
40.000 thường dân Việt Nam bị giết hại trong các chiến dịch Phượng Hoàng
176.000 quân nhân Nam Việt Nam (1961-1972)
900.000 bộ đội thuộc Mặt trận Giải phóng Miền Nam và quân đội Bắc Việt Nam (1961-1972)
155.000 quân nhân cả hai bên (1973-1975)
200.000 thường dân Bắc Việt Nam
• 200.000 quân nhân và thường dân Campuchia
• 100.000 người Lào
• 58.151 quân nhân Mỹ
• 5.000 quân nhân thuộc quân đội đồng minh với Hoa Kỳ
Thiệt hại khác
• 3.200.000 người Việt Nam, Campuchia và Lào bị thương
• 14.305.000 người tỵ nạn vào cuối cuộc chiến, bao gồm:
10.472.000 người tỵ nạn ở Nam Việt Nam
3.083.000 người tỵ nạn ở Campuchia
750.000 người tỵ nạn ở Lào
Tại Nam Việt Nam
• 300.000 trẻ mồ côi
• 800.000 trẻ mất cha, mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ
• 83.000 người cụt tay, chân
• 181.000 người tàn tật
• 40.000 người khiếm thị hoặc khiếm thính
• 8.000 người bị liệt bán thân
Tại Campuchia
• 480.000 thường dân bị chết và bị thương
• 260.000 trẻ mồ côi hoặc mất cha hay mẹ
Tại Lào
• 350.000 thường dân bị giết và bị thương
Tại Bắc Việt Nam
Hàng trăm ngàn người bị giết và bị thương bởi bom đạn rải thảm hủy diệt.
Đối với Hoa Kỳ
• 2.500.000 quân nhân phục vụ ở Đông Dương
• 58.151 quân nhân thiệt mạng trong chiến tranh
• 303.616 người bị thương ở Đông Dương
• 13.171 quân nhân bị tàn phế 100%
• 55.000 cựu quân nhân chết do tự tử, nghiện ngập, tai nạn…
• 500.000 quân nhân bị bệnh tinh thần “hội chứng Việt Nam” toan tự vẫn khi trở về nước
Thiệt hại vật chất
• 15.500.000 tấn hỏa lực do quân đội Mỹ sử dụng,
bao gồm:
7.800.000 tấn bom thả xuống Đông Dương
7.500.000 tấn đạn dược do lực lượng Mỹ trên mặt đất sử dụng
200.000 tấn đạn dược do các tàu hải quân Mỹ sử dụng
• 12.000.000 tấn hỏa lực sử dụng riêng ở chiến trường Nam Việt Nam (So sánh: Mỹ sử dụng 6.000.000 tấn hỏa lực trong Thế chiến thứ II)
• 26.000.000 hố bom ở Đông Dương
• 21.000.000 hố bom chỉ tính riêng ở Nam Việt Nam
• 18.000.000 ga-lông (hơn 70 triệu lít) chất diệt cỏ độc hại rải ra trên 6 triệu mẫu Anh (khoảng 2,4 triệu hec-ta) đất rừng và đất trồng trọt ở Nam Việt Nam
• 1.200 dặm vuông (khoảng 3.100 km2) của Nam Việt Nam bị trực thăng Mỹ san bằng
• 1.000 dặm vuông (gần 2.600 km2) của Nam Việt Nam bị san bằng do chất nổ và hỏa hoạn
• 150.000 đến 300.000 tấn bom đạn chưa nổ nằm rải rác ở Việt Nam, Lào, Campuchia
• 700.000 trâu, bò ở Nam Việt Nam bị giết hại
Chi phí chiến tranh Mỹ
Hoa Kỳ đã chi tiêu xấp xỉ 168.000 đô-la để tiêu diệt một quân nhân “kẻ thù”. Nếu tính cả phúc lợi dành cho cựu chiến binh, lãi suất trả nợ cùng các chi phí gián tiếp khác, thì tổng chi phí cho cuộc chiến khoảng từ 350 đến 900 tỷ đô-la. Dưới đây là những chi phí trực tiếp cho cuộc chiến:
132,7 tỷ đô-la chi phí trong ngân sách chiến tranh Việt Nam từ 1965 đến 1972
28,5 tỷ đô-la viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam
2,4 tỷ đô-la viện trợ quân sự và kinh tế cho Lào
2,2 tỷ đô- la viện trợ quân sự và kinh tế cho Campuchia
0,3 tỷ đô-la hỗ trợ cho Pháp
2 tỷ đô-la chi phí chiến tranh tài khóa 1975
Tổng cộng chi phí trực tiếp cho chiến tranh: 168,1 tỷ đô-la
Chính phủ Mỹ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý trợ cấp 80 triệu đô-la cho những cựu chiến binh Mỹ bị tác động vĩnh viễn bởi chất độc da cam, nhưng chính phủ chúng ta mới dành nhỏ giọt một chút kinh phí cho những tác hại kinh hoàng mà chất độc da cam để lại trên lãnh thổ Việt Nam. Dân chúng Việt Nam đã phải sống với những hậu quả còn lại của chất độc da cam phát tán trên đồng ruộng và núi rừng nhiều năm sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Còn chi phí cho thiệt hại ở vùng đồng quê Việt Nam, nơi trồng được các loài thực vật đa dạng, là nguồn để chế biến nhiều dược phẩm có ích, một vùng quê vẫn còn chưa hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường? Chúng tôi, những bác sĩ chữa trị cho cựu chiến binh biết rằng, những quân nhân Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam sẽ bị một số bệnh với tỷ lệ cao như mất khả năng sinh sản, ung thư tiền liệt tuyến, u bạch huyết bào, bệnh bạch cầu, đái tháo đường và nhiều nữa, nhưng còn những người Việt Nam đã bị những chứng bệnh tương tự như thế vì chiến tranh thì sao? Thêm một thí dụ cụ thể nữa là nếu như chúng ta chỉ xem xét đến 300 hài nhi Việt Nam dị tật thôi – đây là di chứng truyền qua đời thứ hai của chất gây ung thư trong chất độc da cam – và phải bồi thường thêm 10.000 đô-la cho mỗi bé về khoản chăm sóc y tế suốt đời, thì phải chi thêm 3 triệu đô-la nữa.
Thiệt hại tài chính mà chúng ta đã gây nên cho con người, súc vật, đồng ruộng và đồi núi của Việt Nam trong chiến tranh là khổng lồ. Và chúng ta chưa đề cập đến thiệt hại tinh thần đối với những người từng chịu đựng và sẽ tiếp tục chịu đựng, hoặc ngay cả những người bị biến dạng cơ thể vì thương tích hoặc bị cụt tay chân mà nguyên nhân xuất phát từ những bom mìn chưa nổ còn lại ở Việt Nam. Chỉ một thỏa thuận pháp lý thôi cũng có thể dễ dàng đưa ra một con số tài chính để chuộc lỗi còn lớn hơn cả chi phí tiến hành cuộc chiến đã nói ở trên.
Chúng ta phải thừa nhận là mình đã sai, rằng chúng ta không nên gây ra chiến tranh Việt Nam. Thay vì thiết lập một lò sát sinh, một sự hủy diệt không thể đối phó, chúng ta cần một kế hoạch Marshall(1) cho Việt Nam. Và tất cả những công ty, những cá nhân mà Tổng thống Eisenhower từng nhận diện như là tổ hợp công nghiệp quân sự, những công ty thu lợi nhuận tài chính từ chiến tranh Việt Nam, nên chịu trách nhiệm thanh toán khoản tài chính chuộc lỗi đó.
Nguyên nhân và hậu quả
Trong trường Y, chúng tôi đã từng được học là luôn luôn có một nguyên nhân và một hậu quả. Chúng tôi gọi nguyên nhân là căn bệnh học, và gọi sự phát triển của chứng bệnh là sinh bệnh học. Những gì mà các bác sĩ chúng tôi chẩn đoán chính là bệnh tật.
Con người là một động vật hung hăng, và căn bệnh học thể hiện trong một sinh bệnh học gọi là chiến tranh. Chiến tranh có thể được chẩn đoán qua sự giết hại những người khác được chính quyền hợp pháp hóa. Biện pháp duy nhất có thể ngăn chặn hoặc kiềm chế chiến tranh là làm chệch khuynh hướng hung hăng của con người. Ở một mức độ nào đó, năng lượng hung hăng đó phải được chuyển đổi thành nghĩa vụ công dân hoặc nghĩa vụ cộng đồng, thành điều thiện hoặc những hoạt động tốt đẹp trên phạm vi rộng. Chúng ta có thể chống lại bệnh tật, chúng ta có thể tiến hành cuộc chiến chống lại sự ngu dốt, thiên tai, chống lại mọi hình thức ô nhiễm trước khi chúng hủy diệt trái đất xinh đẹp cùng những động thực vật phong phú trên hành tinh này. Muốn như thế, chúng ta phải thay đổi cách hành động và xử lý.
Những thầy thuốc đều có thiện chí tốt, nhưng chúng tôi thường quá thiển cận đối với toàn cảnh, không dự báo được những gì sẽ xảy ra. Có quá nhiều sự việc ngăn cản năng lực người thầy thuốc chấp nhận một trách nhiệm lớn hơn. Người bác sĩ muốn hành động ngay. Chúng tôi muốn có kết quả ngay. Nếu có ai đó làm hỏng việc gì hôm nay, thì chúng tôi muốn có ngay câu trả lời ngày hôm sau. Các bác sĩ không có thì giờ nhìn lại hoặc cảm thấy có lỗi về những gì mình đã làm, vì họ quá bận rộn với công việc hằng ngày như chữa trị, chống lại bệnh tật, giúp cho người bệnh phục hồi nhanh hơn, phát triển các loại vắc-xin ngừa bệnh bại liệt ở trẻ em và bệnh AIDS, nói chung là tất cả những công việc thú vị và diệu kỳ mà chúng tôi đã làm trong ngành y.
Là những thầy thuốc, khi xử lý các dịch bệnh tràn lan hoặc chữa trị bệnh tật của từng cá nhân, chúng tôi phải biết được căn nguyên, nếu không, chúng tôi không thể chữa trị được. Chúng tôi không thể dùng một miếng băng vết thương, một miếng cao dán để đắp lên những vết lở trên da người bị bệnh phong và hy vọng sẽ chữa lành vết thương cho họ. Chúng tôi phải xem xét đến những tân dược hiện hành dùng cho việc chữa trị bệnh phong, nhưng trước hết chúng tôi phải biết đó là bệnh phong. Nếu không, cá nhân bị bệnh sẽ lây nhiễm sang những ai tiếp xúc với họ và rồi cuối cùng, người bị bệnh đó cũng sẽ chết thê thảm qua việc mất dần từ ngón tay, đến bàn tay, rồi ngón chân, bàn chân rồi toàn bộ mũi…
Chiến tranh cũng giống như bệnh hủi; nó tiêm nhiễm tất cả và lấy đi lòng nhân ái, lấy đi bản chất con người của chúng ta. Kẻ thù thật sự của loài người là sự cuồng tín, dốt nát, là thiên tai và bệnh tật. Chúng ta có đủ tài năng và nguồn lực để đánh bại những kẻ thù này, nhưng chúng ta cần những con người có thiện chí muốn đối đầu với những thách thức đó.
Khi các phi hành gia từ trái đất bay lên mặt trăng và nhìn lại, lúc đó họ mới nhận thức được rằng, tất cả chúng ta đều xuất phát từ một thế giới. Như được thừa nhận trong bệnh học thần kinh của ngành y, cho đến chừng nào khái niệm này được tiếp thu, được diễn tả sâu sắc để cho tiềm thức của con người thực sự tin tưởng, thực sự cảm nhận nỗi đau của nhân loại, thì chừng đó, chúng ta mới vĩnh viễn chấm dứt được xung đột trên hành tinh này.
Nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt ngày hôm nay nằm ở sự đồi bại về đạo lý của riêng chúng ta, nằm ở chủ nghĩa quân phiệt hung hăng và kiêu ngạo dẫn đến việc nhân danh tự do để giết hại một cách bừa bãi. Chúng ta sẽ không chiếm được sự đồng cảm của thế giới nếu cứ tiếp tục hành xử theo kiểu ném một chút tự do ở nơi này, một chút ở nơi kia và trong tiến trình đó, lại giết hại hằng trăm ngàn con người, kể cả phụ nữ và trẻ em. Carl Jung, nhà tâm thần học Thụy Sĩ vĩ đại từng nhận xét: “Danh dự, tiếng tăm và lòng chính trực cho phép một người được sống với niềm vui tràn ngập; đó cũng chính là những thứ không thể bị lấy đi ở một người, bởi nếu như vậy thì chính cuộc sống của người đó cũng đã bị tước mất”.
Sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001
Những ngày sau sự kiện 11.9, tôi có dịp suy ngẫm nhận xét của Carl Jung khi chính danh dự, tiếng tăm và lòng chính trực của riêng tôi – và cả lòng yêu nước của tôi – bị đặt vấn đề, có lẽ vì tôi chỉ trích chính sách của chính phủ chúng ta và tôi lại là hậu duệ của người Palestine.
Không lâu sau ngày 11.9 đó, một sự việc không may trong một loạt sự việc bắt đầu khi tôi bị một cảnh sát tuần tra xa lộ ở California chặn xe lại. Ông ta đưa ra những lời nhận xét chế nhạo và sỉ nhục về tên họ của tôi, và trong vô số lời nói báng bổ đó, cũng có lúc gọi tôi là người nước ngoài. Khi tôi căm phẫn hỏi lại số hiệu của ông ta thì viên cảnh sát tuần tra giận dữ cực độ. Ông ta còng tay tôi, siết tôi đến ngạt thở rồi đẩy tôi ngã ngồi trên mặt đất làm tôi gãy nhiều xương sườn. Khi kết tội tôi tấn công một cảnh sát mặc sắc phục, đang thi hành nhiệm vụ – dù chẳng có chứng cứ gì về một vết trầy da hay vết nhăn trên sắc phục của viên cảnh sát này – phán quyết của tòa án rõ ràng là bất công, nên tôi đã kháng án và tiến trình này kéo dài hơn 3 năm.
Kế đến là cuộc điều tra của Ủy ban Y tế bang California vốn theo dõi tôi trong nhiều năm. Sau khi tôi bị yêu cầu rời khỏi khoa thần kinh trong chiến tranh Việt Nam, suốt nhiều năm tôi đã yêu cầu Ủy ban gửi cho tôi toàn bộ hồ sơ của mình, nhưng họ chỉ đưa ra đủ thứ lời biện minh và không bao giờ gửi hồ sơ lại cho tôi. Rồi đến một ngày trong năm 2003, hai điều tra viên của Ủy ban đến phòng mạch của tôi. Họ hỏi tôi theo tôn giáo nào.
- Được, vậy còn những thưa kiện của tôi với Ủy ban thì sao? - Tôi hỏi lại.
- Có phải anh là một tín đồ Hồi giáo không? - Một người hỏi.
- Phải làm gì với mọi thứ đây? - Tôi hỏi.
- Được rồi. - Họ nói như ra lệnh. - Hãy đi khám ở một bác sĩ chữa bệnh tâm thần. Chúng tôi tạm thu giấy phép hoạt động của ông trong 2 tháng.
Giấy phép hành nghề y của tôi bị đình chỉ trong 2 tháng, điều đó có nghĩa là thu nhập của tôi bỗng nhiên bị mất đi và nhất là làm gián đoạn quan hệ giữa tôi và bệnh nhân của mình. Tôi bị buộc phải để cho một bác sĩ thần kinh đánh giá, và buộc phải thử nghiệm xem có bị bệnh Alzheimer không, vì Ủy ban cho rằng chính điều này mới dẫn đến sự cố xảy ra với viên cảnh sát tuần tra xa lộ. Và nếu đúng là thế, thì họ có thể thu hồi giấy phép của tôi vì lý do sức khỏe. Các đánh giá cho kết quả tôi là người lành mạnh với chỉ số IQ là 139. Các bác sĩ cũng xác nhận tôi không bị chứng Alzheimer. Nhưng việc đình chỉ đột ngột, độc đoán đó đã làm gián đoạn công việc của tôi và dĩ nhiên là tôi điên tiết lên vì hành động này. Trong quá trình đó, bạn bè và đồng nghiệp của tôi không thể can thiệp vào. Những thẩm phán, luật sư thân thiết khuyên tôi hãy để cho sự việc qua đi và hãy giữ mồm giữ miệng, nhưng tôi nhất định không thể im lặng trước những việc mà mình tin chắc là sai trái.
Vài năm trước đây, tôi đã từng thắng kiện trước Ủy ban Y tế California dù phải tốn một khoản chi phí lớn, để buộc Ủy ban phải tiết lộ thông tin trong hồ sơ của các bác sĩ. Vụ kiện của tôi chống lại Ủy ban Y tế California đã mở ra một tiền lệ sau khi được Tòa án Tối cao California phán quyết chấp thuận. Nhiều bác sĩ đã viết thư cảm ơn tôi về hành động này. Rồi khi tôi được phép xem lại hồ sơ cá nhân của mình vào năm 1998, tôi phát hiện rằng Ủy ban Y tế đã tích lũy một lượng giấy dày đến gần 8 tấc những tin tức về cá nhân tôi, bao gồm cả những thư từ, bản ghi nhớ, đánh giá tôi của các bác sĩ ở bệnh viện Mendocino và Mount Zion trong thời chiến tranh Việt Nam.
Những tài liệu này được lưu trữ trong hồ sơ của tôi 30 năm, giống như những quả lựu đạn của những tay phân biệt chủng tộc chuyên nghiệp, và khi nhìn lại, tôi mới hiểu tại sao việc tiến cử tôi vào chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Y tế California đã bị rút lại vào giờ chót. Như vậy, rốt cuộc tôi đã tìm thấy những văn kiện, hồ sơ là nguồn gốc của các tin đồn, những sự quấy rối mà tôi từng mơ hồ cảm nhận trong nhiều năm. Ủy ban Y tế không chịu rút khỏi hồ sơ của tôi bức thư của bệnh viện Mendocino có nội dung đánh giá tôi là người quá gần gũi với những người thua thiệt, những người không thích nghi với xã hội, nhất là người Ả Rập, vì họ cho rằng, bức thư phản ánh khuyết điểm về cá tính của tôi. Tôi lại phải kiện họ nữa, cáo giác họ có mưu đồ. Là bên nguyên, tôi cũng yêu cầu cho phép các bác sĩ được tranh luận về những bức thư có nội dung không đúng sự thật, có ác tâm và rút chúng ra khỏi hồ sơ cá nhân của họ.
Đến tháng 12.2004 thì có 2 nhân viên mật vụ đến văn phòng và cho biết là tôi đang bị điều tra vì bị tình nghi là một tay khủng bố. Họ nói rằng một người cung cấp thông tin giấu tên đã cáo giác để cảnh sát bắt giữ tôi, và khai rằng tôi đã nói 3 điều. Thứ nhất, tôi có nhiều thân nhân giàu có ở khu vực Trung Đông - điều này sai vì họ hàng của tôi đến chỗ tôi là để nhờ giúp đỡ về tiền bạc. Thứ hai là tôi có thể có quan hệ dòng dõi với Saddam Hussein. Cha tôi có cho biết tôi thuộc dòng dõi Saladin, một chiến binh và là vị vua Hồi giáo người Ai Cập hồi thế kỷ 12 từng chiếm đóng Jerusalem trong cuộc viễn chinh của Thập tự quân. Trong khi Saddam Hussein(1) từng tuyên bố mơ hồ rằng ông ta cũng là hậu duệ của dòng dõi này. Thứ ba, tôi đã nói rằng Tổng thống Bush sẽ hối tiếc về cuộc chiến tranh Iraq do ông khởi xướng. Lời khai thứ ba này thì đúng, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Bush sẽ thành khẩn hối tiếc về bất cứ điều gì ông đã làm.
Là một người Mỹ, tôi nghĩ là mình có quyền tự do ngôn luận, nhưng khi hai nhân viên mật vụ đứng trước cửa văn phòng mình thì tôi đâm ra nghi ngờ. Họ chụp ảnh tôi tại văn phòng và yêu cầu tôi ký tên để họ có thể xem hồ sơ y tế và tâm thần của tôi - và tôi biết là họ có quyền làm như thế theo đạo luật ái quốc. Sau khi trả lời những câu hỏi, tôi thật sự tức giận khi họ tuyên bố là tôi sẽ bị giám sát trọn đời. Tôi đã đánh liều sinh mạng của mình cho đất nước này trong vai trò một người lính Thủy quân lục chiến và là một bác sĩ ở Việt Nam. Tôi đã dành trọn cuộc đời mình làm một công dân yêu nước, làm việc hết mình và đóng thuế cho xứ sở này. Thế mà những nhân viên mật vụ này lại nghi ngờ lòng yêu nước của tôi khiến tôi tức điên lên được.
Năm 2005, sau khi tôi mệt mỏi chống án, người ta lại gắn vào người tôi một con chip – một thiết bị giám sát điện tử và tuyến bố hạn chế phạm vi di chuyển của tôi từ nhà đến phòng mạch trong vài tuần. Tôi bị buộc phải nghiêm chỉnh chấp hành án lệnh, nhưng thiết bị điện tử lại trục trặc nhiều lần. Thế là họ gọi tôi lên phòng thử thách – nơi theo dõi những người bị quản chế – còng tay rồi đưa tôi lên một chiếc xe với sức nóng tương đương 51 độ C trong khoảng 20 phút, sau đó chuyển tôi đến một xà lim giam đến 60 người trong 18 giờ và gọi tôi là “Con lợn Hassan thối tha”. Tôi bị giam 15 ngày mới được cho phép giải thích là cái thiết bị điện tử họ gắn cho tôi không hoạt động tốt. Tại tòa án, sau khi lắng nghe sự việc, quan tòa phán: “Thật là lố bịch. Thả ông ta ngay lập tức!”.
Như ông ngoại người Ireland từng dạy tôi, cứ mỗi lần có chướng ngại dựng trên đường đi của mình, tôi đã học được cách để vượt qua. Chế ngự những trở lực giúp tôi hình thành một khả năng nhận thức sâu sắc hơn về chính mình, giúp tôi nhận ra được phẩm cách và lòng nhân ái ở mỗi bệnh nhân bước vào phòng mạch của mình. Đôi lúc tôi nghĩ là mình đã thất bại, là tôi đã không đáp ứng đủ cho bệnh nhân của mình, và tôi còn phải làm nhiều nữa. Mặc dù tôi đã làm việc hết mình và cố sống một cuộc sống hợp với đạo lý, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy là mình sẽ không bao giờ có thể chuộc lỗi đối với tất cả những điều khủng khiếp mà tôi đã chứng kiến ở Việt Nam.
Di sản của chiến tranh
Trong 35 năm qua, tôi đã chăm sóc những người già cũng như những chàng trai trẻ phục vụ trong Thế chiến thứ II, ở Triều Tiên, Việt Nam, Panama, Grenada và trong hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Một số cựu chiến binh đã có những biểu hiện đáng sợ từ những gì họ đã trải nghiệm. Tôi thấy lòng nhân ái cao cả ở hầu hết các bác sĩ, nhưng tôi cũng thấy bộ phận lãnh đạo của các tổ chức, các hiệp hội y tế thiếu lòng trắc ẩn, thiếu dũng cảm và kiên trì để thẳng thắn chống lại cái ác.
Ủy ban Y tế California và Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp bang California - hai nơi quan sát, theo dõi về y tế của tiểu bang – là những thí dụ điển hình của tệ trạng này, vì ngay cả khi đã được cung cấp người làm chứng về hành vi tội phạm ở Việt Nam, cũng như 35 năm sau ở Guantanamo và Abu Ghraib, họ tuyệt đối chẳng làm gì cả. Một thực tế là những bác sĩ chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa để trợ giúp cho những cựu chiến binh đã từng trải qua những điều xấu xa của chiến tranh, và những ai phải chịu đựng đau khổ từ sự phơi bày những điều kinh khiếp đó. Với chức năng nghề nghiệp, thầy thuốc chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để thẳng thắn chống lại những cái ác mà chúng tôi đã mục kích.
Mỗi một cái chết hay thương tích vĩnh viễn của một quân nhân hay một thường dân đều là một thảm kịch, là một vết nhơ của nền văn minh. Ở Việt Nam, tôi không lên án những quân nhân Mỹ tuổi 18 đến 21 vì họ chỉ là người thừa hành trong một hoàn cảnh mà họ có thể bị bắn, bị thương hoặc bị giết. Nhiều người trong số họ là anh hùng. Nhiều chàng trai trẻ dũng cảm đã chết mà chẳng bao giờ có cơ hội kể lại những câu chuyện về cuộc chiến xấu xa đó. Sau chiến tranh, khi những cựu binh chiến tranh Việt Nam trở về và kể chuyện của mình, họ bị phớt lờ, cô lập, bị từ chối những phúc lợi đúng ra họ được hưởng, thậm chí bị đưa vào nhà thương điên.
Cũng như trường hợp của tôi, người ta đã nói với nhiều cựu binh rằng những việc mà những cựu binh này đã thấy và đã làm trong chiến tranh là không thể xảy ra, vì nước Mỹ không cho phép những việc như thế xảy ra, và rằng dân chúng không muốn nghe những điều kinh hoàng như thế. Trong trường hợp của tôi, vụ thảm sát các cháu bé không thể nào phai nhòa trong tâm khảm. Những gì từng chứng kiến đã ám ảnh tôi nhiều năm. Tôi không có khả năng tìm cách biện minh, lý giải sự kiện để có thể tìm quên điều đó.
Chiến tranh là một điều xấu xa, vô nhân đạo. Cái mà tôi ghi nhớ mãi chính là những cặp mắt lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt tôi vào buổi sáng ngột ngạt hôm ấy ở Quảng Trị, sau ngày xảy ra vụ thảm sát trẻ em. Bước ra khỏi hầm trú ẩn trong ánh sáng ban mai, một nhân viên – có lẽ làm việc cho CIA – dùng ngón tay cái và trỏ ghép lại thành hình khẩu súng rồi dí gần sát vào mặt tôi và nói: “Tối qua ông bạn suýt chết đấy!”. Trước việc tàn sát các em nhỏ cùng lời cảnh cáo đó, tôi phải nghĩ sao về cuộc chiến và phương cách chỉ đạo cuộc chiến đó?
Những tội ác chống lại loài người vẫn không dừng lại, mà ngày càng nhiều hơn và lại dính líu trực tiếp đến các bác sĩ. Khi Thượng nghị sĩ John McCain đề xuất dự luật ngăn cấm quân nhân Mỹ sử dụng hình thức tra tấn, thì chính quyền lại tìm cách miễn trừ cho nhân viên CIA. Ông John McCain có nhận xét chí lý về tác dụng mà ông gọi là “sự tra tấn hợp pháp”. Những tin tức gần đây từ Afghanistan và Iraq cho thấy những chuyên gia thần kinh và bác sĩ quân y Mỹ có thể đã chứng kiến hoặc thậm chí, đã tham gia vào việc tra tấn những người bị bắt giữ mà không hề báo cáo gì hết. Là một người đang hành nghề y, chúng ta để đạo đức, lòng trắc ẩn, danh dự của chúng ta ở đâu? Chúng ta để lòng can đảm của mình ở đâu? Những tin tức này là điều nhục nhã và rất đáng xấu hổ cho một nghề nghiệp mà nguyên lý hàng đầu là “không làm tổn thương, không gây hại”.
Trong số báo gần đây, các biên tập viên của tờ The Lancet – một tạp chí y học uy tín của Anh quốc – đã nhắc nhở các bác sĩ rằng, Hiệp hội Y học Thế giới đã đưa ra lập trường mạnh mẽ với việc các bác sĩ tham gia hoặc đồng ý với hình thức tra tấn. Tuyên bố của Hiệp hội có đoạn: “Các bác sĩ không được ủng hộ, khuyến khích, tha thứ hay tham gia vào việc tra tấn hoặc các hình thức xử sự hèn hạ… trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các cuộc tranh chấp dân sự hay xung đột vũ trang”. Các biên tập viên của The Lancet còn thêm “Các nhân viên chăm sóc y tế nay cũng cần phá vỡ sự im lặng của mình”. Tạp chí The Lancet lên tiếng kêu gọi bác sĩ cũng như những ai chứng kiến các vụ tra tấn hoặc những hình thức hành hạ, lạm dụng khác ở nhà tù Abu Ghraib, ở Guantanamo hoặc những nơi khác hãy mạnh dạn cáo giác và cung cấp dữ kiện đầy đủ, chính xác về sự việc.
Có thể là những căng thẳng tích tụ từ những vụ gây hấn, xâm lược trên thế giới trong nửa thế kỷ qua - ở châu Á, Trung Mỹ và Trung Đông - đã dẫn đến đỉnh điểm là vụ tấn công khủng bố 11.9, hình thành một phản ứng mà trên thực tế, là một chu kỳ liên tục. Chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả về những gì chúng ta đã làm.
Một niềm hy vọng cho hòa bình
Tôi viết cuốn sách này bằng cả trái tim mình và tôi đồng ý cho phổ biến, phân phối để mọi người có thể hiểu rõ sự việc. Mặc dù tôi chỉ là một hạt cát trên bãi biển, nhưng nếu có hàng triệu tiếng nói của những hạt cát như thế cùng cất lên vì lòng nhân ái, tình thương, thì tất cả sẽ tạo nên một bãi biển đẹp.
Có nhiều lần trên đường lái xe về nông trại của mình ở ngoại ô Sacramento, tôi lấy làm lạ, tự hỏi về những bệnh nhân đã không bao giờ rời bỏ tôi, ngay cả khi tôi có vẻ khó chịu, mệt mỏi hay tỏ ra ngớ ngẩn. Tôi cũng ngạc nhiên tự hỏi làm thế nào mà thế giới bao la này vận hành trong một tiếng nói chung, trong sự hài hòa vĩ đại như thế. Tôi thán phục tinh thần nhân ái lại có khả năng đối phó với các tình huống bất ngờ, đem hy vọng đến cho toàn nhân loại. Tôi khâm phục vẻ uy nghi của con người cùng những sáng tạo chống lại bệnh tật, nghèo đói và sự ngu dốt. Tôi kính phục những con người nhỏ bé mang gánh nặng giữ cho nước Mỹ luôn tươi đẹp - những người thợ thủ công, thợ mộc, đầu bếp, thợ ống nước, làm cống, và những người đảm nhận các công việc nguy hiểm như cảnh sát, nhân viên cứu hộ, chữa cháy luôn đặt tính mạng của mình vào thử thách khi thi hành nhiệm vụ – để phân định rõ ràng đâu là điều thiện, đâu là cái ác, cái xấu.
Theo truyền thống, người Mỹ tán thành và có thiện ý đối với các cuộc chiến tranh giành tự do hoặc các cuộc chiến tranh nhằm thiết lập một thể chế dân chủ. Chúng ta là nền dân chủ đầu tiên của Tân Thế giới. Sức mạnh và ảnh hưởng của chúng ta lớn hơn bao giờ hết. Nhưng những hành vi quá khích đi cùng sự gây hấn và chinh phục sẽ làm người ta nhận ra sự hung bạo, làm cho người ta chán ghét, ghê tởm bởi những vụ thảm sát thường dân dưới danh nghĩa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những lời dối trá về sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã đưa những công dân chúng ta đến chiến trường Việt Nam, và những lời cáo giác dối trá về vũ khí giết người hàng loạt đã đưa chúng ta đến với chiến trường Iraq. Không nghi ngờ gì nữa, thái độ ngạo mạn của Hoa Kỳ đối với các nước thuộc thế giới thứ ba đang đưa chúng ta vào một vòng tròn vô tận của các cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Nếu chúng ta không thể nhận diện căn nguyên của một bệnh tật, chúng ta không thể xử lý sinh bệnh học và do vậy, chắc chắn là chúng ta không thể chữa trị được.
Chủ nghĩa khủng bố sẽ dần tiêu tan trên trái đất nếu như các cường quốc, những nước giàu mạnh đối xử với các nước thuộc thế giới thứ ba và nguyên thủ của họ bằng sự tôn trọng thật sự, và cùng nhau làm việc để đạt được những mục tiêu chung. Tôn trọng đức tin của mỗi một dân tộc cũng như lịch sử của họ, chúng ta có thể đưa vào xã hội ở những đất nước ấy những bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, những nhà nông học, những người theo chủ nghĩa nhân đạo ở mọi cấp, và những giáo viên không phải đến xứ sở của họ để giảng dạy kiếm tiền mà là vì người Mỹ là những mẫu mực cao quý. Sự cao quý của người Mỹ không phải là sự cao quý của một đức vua hay của một tư lệnh hạm đội, mà là sự cao quý dân chủ rộng mở với bản tính tự nhiên, làm cho hầu hết công dân chúng ta đặc biệt thích làm điều tốt lành.
Tất cả chúng ta đều cùng thuộc dòng giống loài người, nhưng nhiều lần điều đó bị thách thức. Tôi tin rằng các cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh gây hấn luôn luôn sai lầm. Câu hỏi đặt ra là, tại sao cứ gây chiến, cứ khởi động chiến tranh trong khi thế giới đầy ắp sự cao quý như thế, khi thế giới có quá nhiều mục tiêu tốt lành như thế?
“Các bạn đem đến cho tôi niềm vui sâu sắc nhất mà con người có thể cảm nhận được…”, nhà khoa học Pháp vĩ đại Louis Pasteur đã nói trong một bài diễn văn ngày 27.12.1892. “Tôi có niềm tin chắc chắn rằng khoa học và hòa bình sẽ chiến thắng sự dốt nát và chiến tranh, rằng các quốc gia sẽ liên kết, không phải để hủy diệt mà là để xây dựng, và rằng tương lai sẽ thuộc về những ai cống hiến hết mình cho nhân loại.”
Nếu có điều gì tôi đã gặt hái được qua những chuyến đi trong chiến tranh và cả hòa bình thì đó chính là niềm tin rằng cá nhân sẽ chiến thắng. Nỗ lực cá nhân sẽ chiến thắng sự vô nhân đạo của một chính quyền tệ hại. Tôi đã thấy điều đó trong các bệnh viện ở Việt Nam, trong những nụ cười thân ái của các em nhỏ nhảy lò cò bằng một chân. Tôi đã thấy điều đó trong nụ cười trên khuôn mặt của một cậu bé mà một con mắt của em đã bị múc đi chỉ vì gây mê và băng bó không đủ tại bệnh viện Quảng Trị. Tôi cảm nhận điều đó trong ánh mắt hàm ơn của những người nông dân Việt Nam khi tôi cố chữa trị thương tích cho họ trong thời kỳ chiến tranh, và tôi lại thấy điều đó khi trở lại Việt Nam nhiều năm sau này.
Tôi đã cố gắng sống một cuộc sống thích hợp với những đức tin của riêng mình trong vai trò một bác sĩ y khoa, một luật sư, một bác sĩ thú y và một cựu quân nhân Thủy quân lục chiến. Tôi đã làm hết sức mình để cáo giác những hành động tội lỗi mà tôi từng chứng kiến. Cuốn sách này là nỗ lực cuối cùng ghi lại chính xác các sự kiện đối với những hành động tàn nhẫn mà tôi đã mục kích ở Việt Nam. Sách cũng bày tỏ những hy vọng của tôi về xứ sở mà tôi sinh ra, vốn vẫn tiềm tàng khả năng là một đất nước vĩ đại thật sự. Thật là chán nản khi thấy những hành vi tàn ác, vô nhân đạo vẫn tiếp tục mang danh nghĩa tổ quốc tôi, mang danh nghĩa đất nước mà tôi mến yêu, nơi tôi ra đời, một đất nước đã cho tôi quá nhiều. Nhưng có điều gì đó trong những phẩm chất tốt đẹp của con người đang thử thách những nghi thức cổ xưa về sự chinh phục và tình trạng bị nô dịch. Nếu như chúng ta có thể hình dung ra một tương lai nhân bản hơn và nỗ lực để nó trở thành hiện thực thì đó chính là niềm hy vọng cho hòa bình trên thế giới.
@by txiuqw4