sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 19: Trở Lại Việt Nam

Năm 1998, sau khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Cộng sản của nước Việt Nam thống nhất, tôi quyết định trở lại Việt Nam, một đất nước vẫn còn trong tâm trí tôi.

Mặc dù 30 năm đã trôi qua, tôi vẫn ghi nhớ một cách sinh động nhiều sự việc mà mình từng trải nghiệm ở nơi đây. Như một du khách hơn là một bác sĩ, tôi lên kế hoạch thăm lại Sài Gòn, thủ đô cũ của Nam Việt Nam, Huế và bệnh viện cũ nơi tôi từng phục vụ ở tỉnh Quảng Trị. Tôi cũng có dự định đi thăm thêm một số cảnh quan xinh đẹp ở vùng đồi núi và các chiến trường xưa.

Chắc chắn tôi không phải là người Mỹ duy nhất vẫn còn quan tâm đến Việt Nam. Các Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain – cả hai đều là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam – đã làm việc hết sức mình cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Các cựu chiến binh khác thì đã lập nhiều tổ chức như Dự án Cựu chiến binh Khôi phục Việt Nam và hoạt động tích cực trong việc tái thiết nhiều trường học cũng như cam kết sẽ tiến hành nhiều dự án nhân đạo khác ở Việt Nam.

Trên chuyến bay, tôi bắt đầu hình dung về những đổi thay của Việt Nam. Tôi muốn biết về cái bệnh viện nhỏ bé ở Quảng Trị, về tất cả những người mà mình từng chữa trị tại đó, về thông dịch viên Nguyễn. Tôi tự hỏi không biết những chiến binh Cộng sản từng bắn cảnh cáo tôi trên đường đến bệnh viện có nhớ đến người bác sĩ Mỹ này không. Không biết là gia đình người nông dân bị một người lính Mỹ dùng làm mục tiêu thực hành bắn súng cối có nhớ đến người đã ngăn chặn hành động giết hại họ? Và có người nào trong số những thiếu nữ xinh đẹp năm xưa đứng xếp hàng chờ đợi tôi còn nhớ đến người bác sĩ từng cố gắng gắp ra những kim châm cứu gãy nằm sau lưng của họ? Tôi cũng không biết những đứa bé năm nào từng mang cho tôi mấy cái trứng hột vịt lộn có nhớ vẻ mặt tức cười của tôi khi từ chối ăn những cái trứng này không. Và tôi tự hỏi, không biết những cánh rừng rậm rạp của Việt Nam có bị tàn rụi với những hố bom, những quả mìn chưa nổ, và hậu quả sinh hóa làm rụng lá của chất độc da cam hay không?

Máy bay hạ cánh nhẹ nhàng xuống thành phố từng mang tên là Sài Gòn. Sau khi chính quyền Nam Việt Nam sụp đổ, Sài Gòn được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy tên gọi có khác, nhưng nhiều thứ của thành phố này vẫn không thay đổi. Tôi vẫn thấy những căn nhà tiền chế ở phi trường, cũng những cánh cửa như thế, chỉ có vài mái nhà loang lổ những tấm tôn cũ mới.

Cái nóng và độ ẩm đập ngay vào tôi khi vừa ra khỏi máy bay. Nhiệt độ bên ngoài gần 40 độ C và độ ẩm 85%. Trên đường về khách sạn, tôi vẫn thấy những tòa nhà thời Pháp, cũng những cánh cửa cái, cửa sổ và cổng chính mà tôi ghi nhớ nhiều năm trước đây. Việt Nam hiển nhiên vẫn còn là một nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng một số nhà chọc trời kiểu mới đang được xây dựng. Tôi cũng trông thấy những mặt hàng điện tử kỹ thuật cao được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Đường phố Sài Gòn tràn ngập xe xích lô, khách bộ hành, người bán hàng rong và những người đi xe đạp đầu đội những chiếc nón lá che nắng đặc trưng của Việt Nam. Khi xe ô tô, xe gắn máy và các loại xe tải khác cùng hòa nhập thì tình trạng giao thông thật tệ hại. Những người Cộng sản trẻ tuổi sáng sủa trong bộ đồng phục, mang quân hàm có sao vàng trên nền đỏ, tuần tra trên đường phố đông đúc bằng xe mô tô hoặc đi bộ. Khi tôi quan sát những nụ cười cùng nét mặt trẻ trung hiếu kỳ của họ, tôi biết là họ không hiểu nhiều lắm về người Mỹ.

Thành phố từng là thủ phủ lớn nhất của Nam Việt Nam trước đây nay là một thành phố tồn tại nhiều nghịch lý. Những chất thải đổ thẳng xuống sông Sài Gòn phá đi cảnh đẹp êm đềm của dòng sông hiền hòa. Người ta câu cá trên những chiếc tàu rỉ sét để cung cấp cho khu chợ cá và những chợ trời khác vẫn còn hoạt động.

Tôi trú ngụ tại khách sạn Hà Nội ở trung tâm thành phố với giá chỉ 30 đô-la/ngày, rẻ hơn nhiều so với khách sạn ở Mỹ với giá 100 đô-la/ngày hoặc hơn. Mặc dù không có nhiều khách nói tiếng Anh, tôi được đối xử giống như một ông hoàng ở khách sạn. Mỗi ngày khách sạn đều cung cấp báo cho tôi đọc và thay vì tập trung vào các chủ đề tội phạm hay chiến tranh, các tờ báo ở đây lại chú tâm vào các đề tài chăm lo cho người nghèo, tái thiết cơ sở hạ tầng của Việt Nam và chăm sóc trẻ em. Tôi đọc và biết đó là ngày Quốc tế Thiếu nhi ở Việt Nam. Tôi được biết 5 triệu trẻ em Việt Nam đã được cấp phát vitamin A, một loại vitamin thường thiếu trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã cung cấp tổng cộng 100 triệu viên vitamin A. Các vấn đề cũ như sứt vòm miệng – vốn thường thấy khi tôi còn phục vụ ở Việt Nam – nay vẫn còn tồn tại do thiếu một số ít chất khoáng trong khẩu phần ăn.

Khác với thời tôi còn ở Việt Nam, nay đã có rất nhiều bác sĩ chữa trị cho dân chúng. Theo bác sĩ Nguyễn Tài Mẫn và những bác sĩ khác mà tôi gặp ở Sài Gòn, hầu hết các bác sĩ ở Việt Nam đều nhận lương của chính phủ. Một bác sĩ phẫu thuật chính nhận được một khoản tiền nhỏ chừng 5 đô-la cho ca mổ quan trọng như mổ sọ. Chỉ riêng ở Sài Gòn đã có đến 3.400 bác sĩ, kể cả khoảng 500 bác sĩ làm việc không lương. Những người tốt nghiệp trường Y của Việt Nam đều mong muốn được làm việc không lương tại các bệnh viện lớn, do rất khó xin việc chính thức tại các bệnh viện này.

Kinh nghiệm làm việc ở các bệnh viện lớn rất cần thiết cho các bác sĩ mới ra trường trước khi muốn chuyển qua làm việc tại các bệnh viện tư hoặc cơ sở tư nhân, nơi mà họ có thể kiếm được rất nhiều tiền nhờ bán thuốc cho bệnh nhân với giá cao. Các bác sĩ hưởng lợi vì họ không phải đóng thuế dược phẩm như các nhà thuốc tây. Tuy nhiên, trong khi các thành phố dư thừa bác sĩ như thế, thì các vùng nông thôn Việt Nam tiếp tục thiếu bác sĩ vì các bác sĩ trẻ không muốn làm việc ở những nơi vừa có thu nhập thấp, vừa thiếu điều kiện làm việc và nghiên cứu. Bác sĩ Nguyễn Tài Mẫn nói với tôi là các chính sách của chính phủ đang được soạn thảo lại vào thời điểm đó để quy định các tân bác sĩ tốt nghiệp trường Y phải làm việc tại vùng sâu vùng xa và sẽ nhận được sự đối xử ưu đãi do công việc đó.

Khi tôi vừa bước ra khỏi khách sạn, một anh đạp xích lô dáng người nhỏ và gầy tiến đến tự xin làm người hướng dẫn cho tôi. Anh cũng tên là Nguyễn, trùng tên với người thông dịch viên cũ của tôi(1). Hằng ngày, Nguyễn đợi tôi trước khách sạn, rồi đưa tôi đi bằng xích lô đến chơi ở những điểm kinh doanh của bạn anh, có người là chủ nhà hàng, quầy bán báo, chủ hiệu nữ trang rẻ tiền. Mặc dù xe cộ đông đúc như vậy, nhưng Nguyễn vẫn đạp chiếc xích lô của anh một cách dễ dàng, đôi lúc đi ngược chiều trên một số đường một chiều, bất chấp dòng xe cộ đông đúc gồm đủ loại như xe buýt, xe tải, taxi, mô tô… đang chạy hướng ngược lại. Mặc dù có vóc dáng nhỏ bé, Nguyễn đưa tôi đi qua nhiều đường phố Sài Gòn một cách nhiệt tình và thoải mái. Hẳn là anh có một thần kinh thép và những bắp chân rắn chắc. Khi xe xích lô của chúng tôi vượt qua một đám trẻ, chúng mỉm cười và đưa tay vẫy vẫy chào.

Những người mẹ bồng theo con nhỏ đi xin tiền đã đến gần xe xích lô của chúng tôi nhiều lần. Ngày đầu tiên tôi cho một vài đồng. Thế là chẳng mấy chốc, cả ba bốn chục bà mẹ bồng con vây lấy xe chúng tôi. Nguyễn đã phụ giúp tôi. Anh giải thích với các bà mẹ rằng tôi đến đây để tìm cách giúp đỡ họ chứ không phải để cho tiền. Đã nhiều lần, Nguyễn giải thoát cho tôi khỏi những tình cảnh như thế.

Sau 30 năm, thành phố Hồ Chí Minh xem ra có vẻ bình dị hơn so với thành phố của những thứ quần là áo lụa cùng màu sắc sặc sỡ trong những năm tháng chiến tranh. Nhiều cửa hiệu bán đầy giày nhà binh, huy chương, quân phục và những thứ còn lại khác từ những năm chiến tranh. Trong một cửa hiệu nọ, khi tôi hỏi mua các loại quần áo phương Tây, người ta đã dẫn tôi vào trong một cái phòng ở phía sau rồi chỉ cho tôi một chiếc áo sơ mi bằng vải polyester với cái cổ lớn kiểu thập niên 1970, kiểu mà Sonny Bono đã mặc trong The Sonny & Cher Show. Chiếc áo này có lẽ là đồ còn lại từ những năm chiến tranh. Tôi mua với giá 7 đô-la rồi trở về khách sạn. Chiếc áo vừa khít với tôi.

Tại khách sạn Hà Nội, tôi chuyện vãn với vài người khách về những gì mình trông mong sẽ thấy ở Việt Nam thì một người đàn ông Việt Nam nhỏ con kéo tôi ra một bên để nói chuyện riêng. Tôi cao hẳn so với ông ta, một người chỉ hơn 1,5m và nặng chưa tới 40kg. Ông ta nhìn tôi có vẻ thành tâm.

“Anh phải thận trọng. Đừng có nói lung tung”, ông ta thì thầm. “Người ta luôn luôn quan sát, luôn luôn lắng nghe. Ngay cả tôi cũng e dè khi nói chuyện với anh như thế này.” Ông ta ngập ngừng cười cười rồi nói tiếp rằng cha của ông đã bị bỏ tù nhiều lần vì phát ngôn bừa bãi. Khi nói, mắt ông ta cứ đảo qua đảo lại quanh phòng như thể xem có ai để ý hay không, giọng run run. Cuộc chuyện trò này khiến tôi cảm thấy không thoải mái và kéo suy nghĩ tôi trở về với sự đa nghi thời chiến tranh Việt Nam.

Sáng hôm sau tôi bay đi Phú Bài, phi trường quân sự cũ phục vụ cho thành phố Huế. Tôi là người Mỹ duy nhất trên máy bay. Khi máy bay hạ độ cao xuống dưới 1.200m để chuẩn bị hạ cánh, tôi có thể trông thấy rõ ràng hàng trăm hố bom của các cuộc ném bom của Mỹ trên những cánh rừng.

Linh và Tú, hai phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp gặp tôi ở phi trường. Họ kéo tôi ra khỏi đám đông và tự giới thiệu về mình. Linh 27 tuổi và Tú 24. Hai người đang điều hành một công ty dịch vụ nhỏ với một chiếc xe du lịch nhỏ dùng để chở du khách từ sân bay về thành phố Huế. Linh và Tú thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Họ trở thành người thông dịch và hướng dẫn viên của tôi trong 10 ngày tiếp theo. Họ giống như hai thiên thần từ thiên đường bay xuống để chào đón tôi đến xứ sở nhiệt đới Việt Nam xinh đẹp, ẩm ướt và bụi bặm này. Hai cô lưu trữ mọi khoản chi tiêu của chúng tôi vào một máy tính xách tay. Còn người tài xế thì lái xe vèo vèo như thể đường phố là của anh ta.

Tôi đề nghị chọn một khách sạn nào đó ở Huế để ăn tối nhưng hai cô gái bác bỏ, nói là khách sạn sẽ tính thêm tiền phòng lạnh đến 15 đô-la, nên Linh và Tú đưa tôi đến một nhà hàng Việt Nam nhỏ nằm cạnh sông Hương. Họ cũng giúp tôi lên kế hoạch cho những ngày ở lại nơi đây. Thức ăn của nhà hàng thật ngon cùng với làn gió nhẹ lành lạnh thổi từ phía dòng sông.

Tôi nghĩ là những cô gái này cũng có thể điều hành công ty ở Mỹ. Họ hỏi tôi một số câu hỏi thẳng thắn rồi sắp xếp mọi thứ cần thiết cho tôi như nơi ăn ở, phương tiện đi lại và một máy ảnh. Họ nói là sẽ lo phương tiện đi lại, khách sạn, chỗ ăn, hướng dẫn nơi tắm, lo việc dọn phòng, giặt quần áo, đánh giày… và giúp tôi tìm đường đến những nơi cần tham quan. Họ đưa tôi đến khách sạn Red Star mà họ thích và sắp xếp chuyến đi Quảng Trị trên chiếc xe du lịch có gắn máy lạnh của họ. Tôi cảm thấy nhẹ hẳn người. Linh và Tú đã biết những nơi tôi cần đến, lên sẵn chương trình rồi họ bảo đảm sẽ đánh thức tôi dậy vào 7 giờ sáng. Nhưng khi tôi đề cập đến việc thảm sát những đứa trẻ mà tôi từng chứng kiến và nói với họ rằng tôi muốn tìm đến nơi chôn cất các cháu, thì cả hai cô gái làm ra vẻ không quan tâm rồi nói lảng qua chuyện khác.

Sau sự ồn ào bề ngoài của thành phố Hồ Chí Minh, vẻ đẹp thanh lịch và sự sạch sẽ của thành phố Huế gây ấn tượng tuyệt vời. Đường phố của cố đô ít có dấu tích của chiến tranh. Các cửa hàng và chợ búa ở Huế vẫn còn nguyên vẹn. Những ngôi nhà cổ và cung điện của Huế được chăm sóc chu đáo. Cấm thành cũng còn gần như nguyên vẹn, một số cơ sở trong Cấm thành được trùng tu, một số không hề hấn gì trong chiến tranh, trừ một vài vết đạn trên các bờ tường. Những đứa bé khỏe đẹp vui chơi dọc theo bờ sông Hương hiền hòa. Không có nhiều chứng tích về sự phá hoại hoàng thành khi các lực lượng quân đội đánh nhau dữ dội, chiếm đóng rồi rút lui khỏi thành phố. Tuy nhiên, có một người già cụt cả hai chân, khập khiễng tới gần để bán vé số khi chúng tôi đang ăn cơm trưa. Người tàn tật đi trên cặp nạng gỗ này đích thị là nạn nhân của chiến tranh.

Bệnh viện đại học Huế trông giống như cách đây 30 năm, khi tôi còn là một bác sĩ phẫu thuật trẻ tuổi lần đầu tiên tham gia ca mổ tim hở cùng bác sĩ Detwiler. Đi bộ vào trong bệnh viện, tôi như sống lại thời xa xưa.

Ngày hôm sau, Linh và người tài xế đến khách sạn sớm và đón tôi lên chiếc xe du lịch của họ. Xe lăn bánh trên các đường phố cũ của Huế rồi ra Quốc lộ I trực chỉ hướng Bắc. Tôi quên là Quốc lộ I chạy ngang qua thành phố Huế. Chúng tôi chạy xe qua những cánh đồng lúa tươi đẹp, nhiều nhà cửa sơ sài và lều tranh chen lẫn bên những giàn hoa và cây cối xanh tươi. Nhiều người lớn, trẻ con đi ngược hướng với xe chúng tôi. Họ đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi trên xích lô. Tôi chú ý đến một ngôi trường bị đánh bom mà không được xây dựng lại, trở thành một di tích chiến tranh. Chúng tôi đi qua những suối nước trong xanh, những vườn cây sum suê và các ao hồ của miền Trung Việt Nam.

Tôi nghĩ về những người lính trẻ – người Mỹ và người Việt Nam – mà máu của họ đã đổ xuống những dòng nước trong lành này. Tôi so sánh những người Việt Nam mà tôi biết cách đây 30 năm – những người lớn và trẻ em bị thương tích và mệt mỏi vì chiến tranh – với những doanh nhân Việt Nam trẻ tuổi đang ngồi trên xe cùng tôi, những người không còn sợ hãi hoặc sống cùng với cái chết nữa. Nhiều hồi ức trở lại và tôi cảm thấy dâng trào lên niềm hối tiếc lẫn âu sầu.

Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ chịu thiệt hại quân sự ở Quảng Trị nhiều hơn bất cứ tỉnh nào khác của Việt Nam. Những quân nhân Mỹ bảo vệ bệnh viện của tôi và chiến đấu trong phạm vi bán kính 100 dặm (tương đương 160km) quanh Quảng Trị đã được tặng thưởng 26 huy chương Danh dự, nhiều người trong số họ được truy tặng sau khi chết. Quảng Trị bị đánh bom nặng nề năm 1972. Máy bay ném bom của Mỹ đã tiến hành hàng loạt vụ không kích ở đây, rồi tiếp theo là pháo binh của quân đội Nam Việt Nam nã đạn tàn bạo, hầu như san bằng những gì còn lại. Tóm lại, lượng bom đạn ném xuống 400 dặm vuông (khoảng hơn 1.000 km2) của tỉnh Quảng Trị nhiều hơn cả số bom đạn ném xuống toàn châu Âu trong Thế chiến thứ II. Theo ước tính, có đến 700.000 trâu bò và gia súc khác bị thiệt hại trong chiến tranh, trong số đó nhiều súc vật chết do những trò thể thao giải trí của binh lính Mỹ.

Trong cơ cấu tổ chức của nước Việt Nam thống nhất, thị xã Quảng Trị không còn là trung tâm của tỉnh nữa. Tỉnh đã có một thủ phủ mới là thị xã Đông Hà.

Khi chúng tôi đến Quảng Trị, thị xã cũ trông không còn quen thuộc với tôi nữa, vì tất cả hầu như được xây dựng lại sau khi bị bom đạn tàn phá.

Thành cổ được xây dựng lại hoàn toàn và được bao quanh bằng dây kẽm gai concertina. Tôi cố tự mình định hướng thành cổ, nơi từng được quân đội Nam Việt Nam dùng làm kho đạn, kho quân trang quân dụng trong những năm chiến tranh. Tôi chụp vài tấm ảnh và dùng chúng làm phương hướng để cố hình dung lại mọi vật. Điều đầu tiên mà tôi phát hiện là căn nhà cũ cũng như hầm trú ẩn của tôi đều đã biến mất trên mặt đất. Một vài căn nhà nhỏ trông lạ lẫm được dựng lên kế bên. Truy tìm vị trí bệnh viện cũ, chúng tôi dừng lại trước căn nhà của một gia đình mà tôi vẫn còn nhớ. Đó là một ngôi nhà giản dị mà xưa kia tôi thường đi bộ ngang qua mỗi ngày để đến bệnh viện, sau khi chiếc xe Jeep cấp cho tôi đã bị thu hồi, và những đứa bé đeo bám theo tôi như Pied Piper của Quảng Trị.

Một bà cụ khoảng 80 tuổi tiếp chúng tôi ở cửa chính - một bà cụ khiến bạn luôn muốn tỏ lòng kính trọng và chăm sóc. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bà cụ nhận ngay ra vị bác sĩ Mỹ ngày nào. Khi các con cháu của cụ đã tập trung lại xung quanh, cụ mới nói cho chúng tôi biết là bệnh viện đã bị đánh bom và không còn nữa. Bà nói rằng có một ngôi nhà đã được xây dựng ngay trên vị trí của bệnh viện trước đây. Bà cũng nhớ đến sự cố ở Mỹ Lai, cách Quảng Trị cả trăm dặm đường, nhưng lại không nhớ gì về vụ thảm sát trẻ em mà tôi từng mục kích.

Tôi không thể tin rằng bệnh viện cũ của tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn. Nhiều nơi ở Quảng Trị vẫn còn nguyên vẹn(1). Chúng tôi nhìn thấy một ngôi trường bị tàn phá hoàn toàn và vẫn đang ở trong hiện trạng đó để nhắc nhở điều mà người Việt Nam gọi là “cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Tôi và người thông dịch tiếp tục tìm kiếm những con đường ở Quảng Trị cho đến khi tìm được những gì còn lại của bệnh viện tỉnh Quảng Trị cũ. Nó chỉ còn lại một vài phần, ngoài ra chỉ là đống gạch vụn và bê tông đổ nát. Sân bệnh viện đầy cỏ, nơi những chiếc trực thăng hạ cánh mang theo những thường dân chết và bị thương nay đã thành vườn cây cao, xanh tốt. Mấy con chó lang thang dọc theo nơi mà trước đây là hành lang của bệnh viện, khịt khịt mũi vào nền đá hoa cương của hội trường bệnh viện cũ cùng những nơi khác của tòa nhà.

Mặt trời như thiêu như đốt và độ ẩm vào giữa trưa khá cao. Mồ hôi tôi tuôn ra nhễ nhại. Khi nhìn lại cảnh điêu tàn với những vết đạn, mảnh bom lỗ chỗ trên phần tường còn lại của bệnh viện, tôi như chìm sâu vào ký ức của mình. Rồi chúng tôi cũng tìm được người trông nom khu nhà và ông này hướng dẫn tôi đến một phần của tòa nhà còn đóng kín. Trong sự háo hức của tôi, ông ta mở toang cánh cửa phòng phẫu thuật cũ, với ánh sáng của mặt trời chiếu xuyên qua một bức tường đổ nát. Cho dù có những trận mưa lớn trong mùa mưa, các cánh cửa của căn phòng đã được buộc chặt, giữ cho căn phòng được vẹn nguyên như thể chẳng một ai đụng đến trong suốt 30 năm qua.

Đi vào bên trong, tôi thật kinh ngạc khi thấy phòng phẫu thuật, nơi tôi từng làm việc cật lực để cứu sống nhiều sinh mạng, nay vẫn còn ở đó. Cái bàn mổ cũng còn. Những chai lọ trong góc phòng vẫn còn chứa những dụng cụ phẫu thuật. Mỗi một dụng cụ tôi thường dùng vẫn còn nằm ở nơi quen thuộc, xếp thành hàng ngăn nắp dựa vào tường, như thể chúng được đóng băng đúng 30 năm. Những ký ức xúc động ngập đầy tâm hồn tôi như sóng tràn.

Tôi nghĩ về những trận đánh xảy ra sau khi mình đã rời nơi đây, về sự gia tăng chết chóc và hủy hoại. Và đột nhiên, tôi bị chìm vào cảnh hồi tưởng, quay trở lại với thời chiến tranh. Tôi nhớ đến những vết thương kinh hoàng, đến hàng hàng lớp lớp bệnh nhân và cảm thấy cái chết đang vây lấy quanh mình. Trong tích tắc, tôi nghe tiếng khóc ré của trẻ con, tiếng kêu rít của cánh máy bay trực thăng, tiếng đạn bắn và tiếng pháo nổ. Nước mắt trào dâng từ trong tim lên mắt tôi. Rồi bất thần, tôi quỵ xuống và kêu lên do bị tràn ngập bởi sự hoảng loạn và kích động thái quá. Chắc chắn là những hồn ma chiến tranh có thể hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó, nhưng các bạn trẻ Việt Nam này lại quay nhìn đi chỗ khác một cách bối rối, như là đang chứng kiến tôi trải qua một khoảng thời gian dài của thịnh nộ, hối hận và buồn thảm.

- Này, ông có làm sao không? - Cuối cùng, Linh lên tiếng.

Cô nhìn tôi một cách buồn bã và thông cảm. Nếu như những người hướng dẫn trẻ này đã từng nhìn tôi như một người Mỹ khiêm tốn, khổ hạnh và thận trọng, thì trong giây phút đó, họ đã xem tôi đúng như thực tế lúc ấy là một người dễ bị tổn thương.

Vài phút sau, tôi đã có thể ngồi nghỉ dưới tán một cây cao. Khi tôi hỏi tin tức về những y tá cùng các nhân viên khác - những người đã từng chăm sóc bệnh nhân của tôi 30 năm trước - người trông nom khu nhà đề nghị chúng tôi tìm gặp một phụ nữ tên Nang. Ông ta chỉ đường đến nhà người phụ nữ đó cho người thông dịch của tôi. Chúng tôi đi bộ xuống một con đường đất và tìm thấy ngôi nhà của bà ấy.

Nang là người đã từng làm y tá cho bệnh viện thời đó. Bà chẳng nhớ gì về vụ thảm sát, nhưng qua người phiên dịch, bà cho tôi biết là có một phụ nữ khác có thể cho tôi chứng cứ về cái chết của 40 cháu bé ngày xưa. Tôi xúc động vô vàn khi nghe tin này. Người phụ nữ mà Nang đề cập ở cách đó không xa.

Tuy đã quá trễ và mệt mỏi, nhưng Linh nói rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để tìm được ai đó biết về những đứa bé hoặc những gì đã xảy ra cho người thông dịch viên Nguyễn của tôi hồi ấy vốn có người cha làm Tỉnh trưởng Quảng Trị. Chúng tôi đi tìm nhà của người phụ nữ đó dưới cái nắng cháy da.

Đi bộ xuống một con đường đất khác, ngay từ khá xa, tôi đã thấy một phụ nữ trung niên vội vã bước lên đường. Chị ấy đang chạy về phía chúng tôi. Rõ ràng là chị nóng lòng muốn gặp tôi. Chị cúi đầu chào rồi mời chúng tôi vào nhà.

Chúng tôi ngồi ở sân sau, trên những chiếc ghế gỗ cũ kỹ bên một dòng suối và uống trà. Người phụ nữ này là y tá bệnh viện những năm 1968 và 1969, nhưng cũng giống như những y tá khác thời đó, chị không thường xuyên có mặt tại bệnh viện nên có thể không có mặt vào ngày 40 đứa trẻ bị thảm sát và được mang vào bệnh viện. Mặc dù tôi biết là chị đang cố hồi tưởng lại qua một thời gian quá lâu, nhưng rồi tôi thất vọng. Chị chẳng nhớ gì về những đứa bé được chở tới bệnh viện vào buổi chiều tháng Năm đó cả.

- Có quá nhiều người chết, quá nhiều hài nhi, quá nhiều trẻ em! - Chị nói bằng tiếng Việt. - Tôi không thể nhớ ngày nào có nhiều người chết như thế, nhưng tôi biết một vài người Mỹ đến để cố giúp chúng tôi. Người Mỹ giúp chúng tôi nhưng họ cũng giết hại chúng tôi.

Lúc đó, tôi không thể cầm được nước mắt. Tôi khóc cho mọi sự đau buồn, cho tất cả những cái chết và bị thương không cần thiết, và khóc cho thảm kịch chiến tranh vẫn còn âm thầm tiếp diễn ở Việt Nam. Linh – người thông dịch – lặng lẽ đặt tay cô lên cánh tay tôi.

Trong 3 ngày ở Quảng Trị, cùng với tài xế tên Tân, chúng tôi tìm kiếm những ai có thể nhớ đến sự cố năm xưa. Chúng tôi gặp những người từng sống ở đó, những người may ra có biết được, nhưng ký ức đã lụi tàn. Chẳng hề có chút tin tức gì về thông dịch viên Nguyễn, mà nếu còn sống, nay đã là một trung niên. Tôi muốn biết những gì đã xảy ra với Nguyễn và người cha làm tỉnh trưởng của cậu ấy.

Cuối ngày đầu tiên, chúng tôi đến Đông Hà, nơi tôi từng chứng kiến những lều bạt đầy thương binh trẻ cụt cả tay chân. Tôi vào thăm một trường học. Tôi biết đó là ngày nghỉ đặc biệt của trẻ em. Tôi gặp một cô giáo dáng đẹp mà trang nghiêm, tuổi ngoài 30. Cô mặc một chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Có lẽ cô chỉ là một bé gái vào thời điểm tôi phục vụ ở Việt Nam, nhưng cô nói tiếng Anh giỏi. Cô hỏi tên tôi và lý do tôi đến đây.

- Tôi đến đây vì những đứa trẻ mà chính mắt mình từng nhìn thấy bị giết chết trong chiến tranh, vì những bà mẹ, người cha, vì những ông bà, và bởi vì tôi đã thấy cảnh thảm sát quá nhiều người vô tội.

Tôi nói, trong khi cô im lặng lắng nghe. Tôi kể cho cô những gì mình đã thấy cùng mong muốn tột cùng của tôi là tìm cho ra câu trả lời đối với những thắc mắc của tôi về cuộc chiến. Hành trình trở về của tôi có mục đích là thế. Tôi cũng mong muốn chuộc lỗi ở một mức nào đó cho tất cả những gì đã xảy ra với đồng bào của cô.

- Ông lo lắng, quan tâm đến mức từ Hoa Kỳ trở lại cái thị xã nhỏ và nghèo nàn của chúng tôi như thế sao? - Cô hỏi, giọng êm và nhẹ.

Cung cách ăn nói nhẹ nhàng và chân tình của cô khi hỏi lại như thế đã xuyên thấu vào tim tôi. Đã nhiều năm qua, không ai thật sự muốn nghe tôi nói về những chịu đựng đau khổ, những thảm kịch tôi từng chứng kiến ở Việt Nam. Nghề nghiệp bác sĩ tâm thần của tôi đã thất bại, cuộc hôn nhân tan vỡ, tôi không thể đứng mổ được nữa, và các viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã phớt lờ mọi nỗ lực làm sáng tỏ sự thật của tôi. Nước mắt trào ra, tôi quay mặt đi trong chốc lát để lấy lại bình tĩnh. Sau 30 năm, cuối cùng ở đây cũng có người đã cảm nhận được sự chân thành muốn chuộc lỗi mà tôi mưu cầu, cũng như sự thật xúc động của nó.

Đột nhiên, cả hai chúng tôi cùng khóc òa.

- Ông quá tốt khi quay trở lại đây sau những gì đã xảy ra với chúng tôi. - Cô nói. - Xin cám ơn ông!

Trên đường trở về Huế, xe chạy ngang qua một nghĩa trang lớn bên ngoài thị xã. Tôi yêu cầu tài xế ngừng lại. Nghĩa trang được chăm sóc tốt nhưng đầy những ngôi mộ vô danh. Mỗi ngôi mộ có một tấm bia đơn giản màu đen. Một tấm bia đập vào mắt tôi do cạnh đó là một cây hoa hồng với một thân cây duy nhất, một đóa hồng đỏ thắm như treo lơ lửng trên tấm mộ bia. Tôi ngồi xổm xuống và đọc những dòng chữ trên bia mộ. Tấm bia chỉ có hai chữ bằng tiếng Việt ghi: “Liệt Sĩ”, cùng ngày sinh và ngày mất. Tôi nhìn xung quanh. Tất cả bia mộ đều ghi hai chữ “Liệt Sĩ”. Căn cứ vào ngày tháng ghi trên những tấm mộ bia, hầu hết Liệt Sĩ đều chết trong chiến tranh chống Mỹ.

Trở lại khách sạn Red Star, tôi xuống quầy rượu. Cô phục vụ ở quầy rượu nói tiếng Anh giỏi, mang cho tôi một chai bia. Duyên dáng trong chiếc áo dài đen, trông cô thật cuốn hút. Tôi hỏi cô theo tôn giáo nào. Cô trả lời một cách tự hào: “Hồ Chí Minh”. Tôi hỏi cô về chữ “Liệt Sĩ” mà mình vừa thấy trong nghĩa trang.

- “Liệt sĩ”- cô nói - có nghĩa là “anh hùng trong chiến tranh”.

Câu nói đó xuyên vào tâm trí tôi như một tia sét. Mặc dù có thể chẳng bao giờ tìm được phần mộ của những đứa bé bị thảm sát, tôi đã có cách giải thích để làm nhẹ đi mối u sầu vì không tìm được nơi chôn cất các em bé vô tội này. Có lẽ các cháu đã được chôn cất như những anh hùng chiến tranh mà tôi đã thấy trong nghĩa trang. Vào giây phút đó, tôi quyết tâm sẽ viết một cuốn sách để tôn vinh tất cả những trẻ em, thanh niên, người già đã chết trong cuộc chiến mà người Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Một buổi sáng khác, chúng tôi đi thăm Khe Sanh, một địa danh xa hơn về phía Bắc Quốc lộ I. Đó là một buổi sáng dễ chịu với những bông hoa rừng nở rộ khắp nơi. Chúng tôi đi ngang qua thủ phủ mới của tỉnh là Đông Hà rồi hướng về phía Tây theo quốc lộ 9, bắt đầu con đường dài, nhiều dốc, xuyên qua vùng đồi núi để đến chiến trường lịch sử Khe Sanh, một địa điểm từng là căn cứ của lực lượng Thủy quân lục chiến.

Con đường xuyên qua dãy núi A Sao này hẹp, gồ ghề, nhiều nơi cần phải sửa chữa. Xe đi qua Cam Lộ, một thị tứ nhỏ, từng là tổng hành dinh của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Chúng tôi cũng đi qua Camp Carroll, trước đây là Trung tâm chỉ huy các cuộc hành quân của Mỹ trong khu vực thuộc Quân đoàn I, nay đã chìm khuất trong cánh rừng rậm rạp. Địa điểm diễn ra trận chiến “Đồi Thịt Băm” nay cũng được phủ đầy cây rừng. Chúng tôi đi ngang qua The Rockpile, nơi từng là điểm quan sát chính của Mỹ, qua nhiều đường mòn, nhiều ngọn đồi chiến lược khác dẫn tới đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo biên giới Việt – Lào.

Chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục leo lên các ngọn đồi, đi vào vùng rừng núi rậm rạp. Trong một phút lạ lùng, tôi nghe như có tiếng lách cách của cánh máy bay trực thăng ở xa xa, dội vào vách núi, rồi mọi thứ trở lại lặng yên tĩnh mịch.

Phía bên dưới chúng tôi, gần chiếc cầu bắc ngang qua sông Dakrong, là ngôi làng nhỏ, hiền hòa và xinh đẹp của người Bru Vân Kiều. Việt Nam có đến 54 dân tộc cùng sống chung trên một lãnh thổ. Những cư dân sống trên vùng núi cao thường được người Pháp trước đây và sau này là người Mỹ gọi là người Thượng, người miền núi. Khi xe chạy vào làng, chúng tôi nhận được những nụ cười nhút nhát của dân làng. Từ trong nhà, họ hé nhìn chúng tôi qua khe cửa.

Người Bru Vân Kiều sống trong những ngôi nhà làm bằng những cây cột gỗ dài, mái nhà bằng rạ. Họ không có nước máy, không điện, không cống rãnh thoát nước, không điện thoại, nói chung là không có tiện nghi nào cả. Một cộng đồng dân cư nghèo, nằm trong số những người có thu nhập thấp nhất trên thế giới, nhưng trông họ có vẻ vui thú và ngôi làng của họ xem ra là một nơi chốn hạnh phúc.

Dân làng vừa mới săn được một chú lợn rừng và họ mời chúng tôi ăn trưa. Họ ninh thịt lợn rừng trong một chiếc nồi đầy bọt với gia vị thơm gắt. Bao quanh chúng tôi là nhiều người già, phụ nữ trẻ và trẻ em. Họ trố mắt nhìn chúng tôi ăn một cách hiếu kỳ. Một phụ nữ lớn tuổi châm tẩu thuốc làm bằng xương được chạm trỗ tinh vi, rồi thổi phù ra làn khói thơm mùi nhựa cây đặc biệt. Chỉ có vài nam thanh niên, có lẽ đa số đi săn bắn, câu cá hoặc làm công việc ngoài đồng ruộng.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tới Khe Sanh, chiến trường lịch sử nay hoang vắng, tiêu điều. Tôi đã không đi thăm Khe Sanh trong hai lần phục vụ ở Việt Nam trước đây, nhưng đó là điểm nóng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Căn cứ quân sự tọa lạc trên một địa hình thiên nhiên giống cái tô đựng xúp, và Thủy quân lục chiến đã dựng trại ngay giữa “tô xúp” nên thường bị đạn pháo từ những ngọn đồi xung quanh nã xuống. Thủy quân lục chiến đã dọn sạch rừng núi quanh đó bằng bom đạn và hóa chất khai quang, nhưng Việt Cộng lại đào được đường hầm rồi bất thần nổi lên tấn công quân Mỹ.

Ít còn dấu tích gì về căn cứ hỏa lực lớn của Thủy quân lục chiến từng tồn tại nơi đây. Hàng ngàn lính Thủy quân lục chiến Mỹ từng bám chặt Khe Sanh nhiều tháng trời trong vô vọng, cho đến khi cuộc Tổng công kích Mậu Thân bất ngờ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán năm 1968. Cuộc Tổng công kích đồng loạt nhắm vào hàng trăm thành phố, thị xã của Nam Việt Nam, kể cả cuộc tấn công phối hợp vào ngay trung tâm Sài Gòn. Khi quân đội Mỹ nhận định rằng việc vây hãm Khe Sanh chỉ là ý đồ chiến thuật nhằm đánh lạc hướng, họ đã cho phá nổ đường băng sân bay, phá sập các tòa nhà rồi chuyển quân đi đánh ở các nơi khác.

Chỉ có một bảo tàng nhỏ, cỡ bằng một toa xe chở hàng, để nhắc nhớ đến địa điểm chiến trường này. Bên trong chỉ có vài đồ tạo tác là đáng chú ý và một cuốn sổ để khách tham quan ghi lại cảm tưởng. Có ít du khách và cựu chiến binh tiến hành những chuyến đi mạo hiểm băng qua rừng núi để đến Khe Sanh. Cuốn sổ ghi cảm tưởng có vài trăm chữ ký của khách tham quan. Họ ghi lại ký ức, viết lời thăm hỏi, cảm tưởng… hầu hết bằng tiếng Anh và của người Mỹ.

Phía bên cổng vào Khe Sanh có một pa-nô nhỏ với dòng chữ: “Khu vực căn cứ Tacon do Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn xây dựng”. Một người bán dạo trẻ bày bán bên cạnh cổng vào viện bảo tàng, chào hàng các vật kỷ niệm của chiến tranh Việt Nam như những chiếc thẻ bài thật có, giả có, những phù hiệu trên các quân phục cũ, những cái nón sắt…

Bên ngoài viện bảo tàng, trẻ con đang chơi đùa, tranh giành nhau leo lên những quả bom không nổ. Cách đó một chút là những nhà nông đang chăm sóc vườn cà phê của họ.

Đi thêm 20km nữa, chúng tôi đến thị trấn Lao Bảo, nằm ở biên giới của Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Lao Bảo là thiên đường của giới buôn lậu, dồi dào các loại hàng hóa hợp pháp hay bất hợp pháp, kể cả súng đạn và ma túy. Thật là một nơi dừng lại thú vị với chúng tôi tại thị trấn lạ lùng này, trước khi bắt đầu một chuyến hành trình dài trở về Huế.

Trong những năm sau, tôi còn trở đi trở lại Việt Nam nhiều lần, nhưng sau chuyến trở về lần thứ nhất này, tôi đã hiểu rằng những trải nghiệm của tôi ở đây là sâu sắc, thâm thúy và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Qua hai chuyến đi phục vụ y tế và nhân đạo ở Việt Nam trong thời chiến, tôi trở nên yêu mến xứ sở và con người ở đây. Tôi nhớ Việt Nam. Tôi nhớ những con người kỳ diệu của đất nước này. Bằng cách nào đó, tôi đã mất đi, nhưng rồi lại tự tìm thấy mình trong xứ sở Việt Nam xinh đẹp này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx