sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 212: Ta Có Diệu Kế Giá Ngàn Vàng

Lời nói vừa dứt, đã thấy Năng Trụ quay lại, đưa năm lượng bạc cho đội trưởng Đặng, nói:

- Thiếu gia nhà ta nói là giữ lời.

Mấy tên sai dịch đều vui mừng hết cỡ, quát ra lệnh cho mấy người nhà họ Đổng khiêng Bặc Thế Trình lên thuyền, nhanh chóng rời khỏi Thanh Phổ.

Trương Nguyên, Lục Thao cùng với các học trò Thanh Phổ về lại Lục phủ, nhưng không thấy Trương Ngạc đâu, Lục Đại nói:

- Yến Khách công tử đi đến bến tàu Thành Nam rồi, nói là có việc, còn dẫn theo mấy người đi cùng nữa.

Trương Nguyên và Trương Đại đưa mắt nhìn nhau, không nhịn nổi cười. Hai người bọn họ quá hiểu tính cách Trương Ngạc. Năm ngoái ở Sơn Âm, Trương Ngạc dẫn theo một đám người đi đuổi đánh Đổng Tổ Thường nhưng không đuổi kịp, nên rất tức tối. Lần này chắc chắn là gã lại đi đuổi đánh tên môn khách Bặc Thế Trình của nhà họ Đổng đây mà. Mặc dù lúc trước gã cũng đánh người ta rồi, nhưng trên công đường Bặc Thế Trình không phải chịu đòn, nên Trương Ngạc tức khí, nhất định là vì thế nên đuổi theo đánh bù. Lục Thao vào nhà trong bẩm báo lại sự việc hôm nay với cha mình là Lục Triệu Khôn, Lục Triệu Khôn bị liệt, chỉ có bàn tay phải có thể cử động, vỗ vỗ xuống thành ghế, luôn miệng nói:

- Đánh hay lắm, đánh hay lắm…

Liễu thị ở bên cạnh lo lắng nói:

- Bọn chúng trở về liệu có đánh Dưỡng Phương để trút giận không.

Lục Thao nói:

- Nhị đệ đang bị nhốt ở nhà lao phủ Tùng Giang, chứ đâu có phải trong nhà Đổng thị, hơn nữa còn có người nhà họ Lục ta lo liệu bên đó, nhị đệ sẽ không phải chịu khổ đâu.

Liễu thị gật đầu nói:

- Ta lo nhất là đệ đệ con, con phải mau nghĩ cách cứu nó ra mới được, tiêu tốn tiền bạc là chuyện nhỏ, quan trọng nhất là phải giữ được người.

Lục Thao nói:

- Mẫu thân yên tâm, điều này con hiểu.

Lục Thao quay ra tiền sảnh, Trương Ngạc cũng đã trở về, kể lại cảnh tượng trên bến tàu, mọi người cười phá, đều khen Trương Ngạc có hiệp khí.

Trương Ngạc nói:

- Đội trưởng Đặng đó nói cái gì mà “tha được cho người thì nên tha”, ta thì không tha cho một ai hết, tuyệt đối không bỏ qua.

Hai học trò người Hoa Đình là Ông Nguyên Thăng và Tưởng Sỹ Kiều nói:

- Hôm nay đúng là hả dạ, xem ra cần phải liên hiệp các học trò lại gây áp lực cho quan phủ mới được.

Trương Ngạc nói:

- Giờ mới trừng trị được mấy tên gia nô của Đổng thị thôi, có gì mà hả hê chứ, ngày nào phải đánh cho Đổng Tổ Thường vãi cả phân thì lúc đó mới hả dạ.

Lúc này trời đã hoàng hôn, hơn hai mươi học trò Thanh Phổ đều ở lại Lục phủ dùng bữa tối, rượu qua tam tuần, Liễu Kính Đình nói:

- Các vị tướng công, tại hạ đã đem những việc ác của Đổng hoạn biên soạn thành sách truyện, để ta kể cho các vị tướng công nghe trước.

Mọi người bèn giữ yên lặng nghe Liễu Kính Đình kể chuyện. Trong cuộc hành trình năm ngày từ Hàng Châu đến Thanh Phổ, thỉnh thoảng Liễu Kính Đình lại ngồi một mình, cầm cuốn “ Đổng hoạn ác hành lục “ do Trương Nguyên viết, tập trung suy nghĩ, hôm nay rốt cục cũng cải biên xong và ghi nhớ cả. Bây giờ kể lại một cách rõ ràng mạch lạc những hành vi hung dữ gian ác của cha con chủ tớ nhà họ Đổng, rồi nỗi oan khuất bi phẫn của những người dân bị hại, tất cả đều hợp tình hợp lý, ngấm vào tận xương tủy, khiến người ta nghe thấy phải tức giận. Trương Ngạc đập bàn mắng chửi Đổng Kỳ Xương, hai học trò Hoa Đình là Ông Nguyên Thăng và Tưởng Sỹ Kiều lòng đầy căm phẫn, nói với Trương Nguyên:

- Giới Tử huynh, ngày mai hai người bọn ta về Hoa Đình trước để liên lạc với các học trò, đợi các huynh đến là nhất tề tố cáo Đổng thị lên tri phủ, yêu cầu trừng trị Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường, cùng với bọn ác nô của chúng.

Trương Ngạc hỏi:

- Sao lại không đề cập đến việc trừng trị Đổng Kỳ Xương?

Ông Nguyên Thăng nói:

- Đổng Kỳ Xương là trí sỹ Hàn Lâm, rất khó trị tội, có thể trừng trị hai đứa con trai lão ta và đám ác nô là tốt lắm rồi.

Tưởng Sỹ Kiều nói:

- Đổng Kỳ Xương đã sáu mươi tuổi rồi, chẳng sống được mấy năm nữa, cứ để ông trời trừng trị lão ta.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “Sử sách ghi chép lại là Đổng Kỳ Xương sống đến hơn tám mươi hai tuổi, bây giờ mới sáu mươi, còn sống khỏe hơn hai mươi năm nữa”. Nghĩ đoạn hắn nói với Liễu Kính Đình:

- Kính Đình huynh, huynh kể chuyện không cần kể đích danh cha con Đổng Kỳ Xương, có thể dấu tên chúng đi, mượn chuyện của thời khác mà kể, như vậy có thể tránh được những phiền toái không cần thiết.

Trương Đại gật đầu nói:

- Giới Tử nói đúng, dù sao chỉ cần những chuyện cụ thể được kể ra, thì người nghe sẽ biết ngay là việc xấu của cha con nhà họ Đổng, không cần phải nói rõ tên họ.

Liễu Kính Đình hiểu là Trương Nguyên, Trương Đại làm vậy là để bảo vệ cho y, bọn Trương Nguyên là học trò có công danh, còn Liễu Kính Đình y chỉ là một người kể chuyện lưu lạc giang hồ, nếu Đổng Kỳ Xương kiện y tội phỉ báng thân sỹ thì y ắt phải chịu khổ. Nhưng Liễu Kính Đình không sợ, cùng lắm là mai danh ẩn tích, lánh đến vùng khác thêm một lần nữa thôi. Trương Ngạc lại cho rằng, kể chuyện mà không chỉ đích danh cha con Đổng Kỳ Xương thì không thỏa, Trương Nguyên phải giải thích với hắn:

- Việc này cũng giống như chuyện “ Kim Bình Mai “ lấy cớ là kể về thời Tống, nhưng nhân tình thế thái, không có tình tiết nào là không nhắm vào Đại Minh sau những năm Gia Tĩnh.

Trương Ngạc thích “ Kim Bình Mai “ nhất, cười nói:

- Thì ra là thế, hay!

Buổi sáng ngày mười sáu tháng năm, chủ tớ Kim Lang Chi, Ông Nguyên Thăng, Tưởng Sỹ Kiều lên thuyền rời khỏi Thanh Phổ trở về Hoa Đình. Bọn Trương Nguyên, Lục Thao ra tận bến tàu tiễn chân, Trương Nguyên nói:

- Kim huynh, các huynh về Hoa Đình liên lạc với các học trò cứ nên cẩn thận bí mật một chút là tốt hơn cả, tạm thời đừng xung đột trực diện với nhà họ Đổng, tránh bị chúng phản đòn.

Kim Lang Chi nói:

- Bọn ta hiểu, khi nào thì Giới Tử huynh đến Hoa Đình?

Trương Nguyên nói:

- Trong vòng bảy ngày nữa sẽ tới.

Kim Lang Chi nói:

- Được, ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng nghênh đón.

Sau khi tiễn ba người Kim Lang Chi xong, Lục Thao, Trương Đại, Trương Nguyên, Trương Ngạc cùng đi đến Dư Sơn kiểm tra rừng dâu và ruộng bông của nhà họ Lục. Đây là ý của Trương Nguyên. Trương Nhược Hi cũng đòi đi cùng, Trương Nhược Hi sắp tới sẽ giúp phu quân Lục Thao quản lý ruộng dâu và nghề dệt của gia tộc họ Lục.

Dư Sơn nằm cách huyện thành Thanh Phổ mười lăm dặm về hướng nam, sáu trăm mẫu rừng dâu ở đó là vùng sản xuất dâu tằm chính của nhà họ Lục, còn có năm trăm mẫu ruộng bông nữa. Ở phía chân núi phía bắc, nhà họ Lục có bảy mươi hộ trồng bông, tám mươi hộ nuôi tằm, hai trăm hai mươi hộ dệt, còn có tổng cộng hai trăm sáu mươi cỗ các loại máy móc nghề dệt như máy phun thêu, đánh bông, trộn bông và máy dệt. Xét về máy móc thiết bị nghề dệt là đứng đầu Thanh Phổ. Mỗi năm bán ra hơn mười ngàn tấm vải bông và lụa các loại. Trong số các loại tơ lụa mà nhà họ Lục sản xuất ra, có đến một phần ba là những sản phẩm tinh xảo ứng dụng kỹ thuật máy phun thêu, loại tơ lụa phun thêu này, mỗi tấm có thể bán được hai ba mươi lượng bạc. Nghề nuôi tằm dệt lụa của nhà họ Lục mỗi năm lãi ròng không dưới mười ngàn lượng bạc trắng, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, gia nô Đổng thị và đám lưu manh du côn không ngừng đến sơn trang của Lục thị ở Dư Sơn quấy nhiễu, các hộ trồng dâu nuôi tằm, với nông dân trồng bông cũng đã tổ chức thanh niên tự vệ, nhưng bọn lưu manh đó ít nhiều cũng có chút võ nghệ, thủ đoạn lại tàn độc, thấy người đông thì chạy, người ít thì đánh. Các hộ trồng dâu nuôi tằm, và trồng bông trong trang viên lại không đồng tâm hiệp lực với nhau, gặp chuyện không ai dám đứng lên trước, khiến cho việc nuôi tằm vụ thu năm ngoái và vụ xuân năm nay của nhà họ Lục bị ảnh hưởng nặng nề, bây giờ không đủ tơ để cung cấp cho máy dệt. Phía đông nam của Dư Sơn chính là nơi giáp ranh với huyện Hoa Đình, Hoa Đình Đổng thị có thể lợi dụng điều đó mà cho đám lưu manh đến hành hung bất cứ lúc nào. Phụ nữ và trẻ em của những hộ trồng dâu nuôi tằm, trồng bông trong sơn trang còn không dám bước chân ra khỏi cổng lớn của sơn trang, đã có hộ tằm chuẩn bị rời khỏi Lục thị, về đầu quân cho gia tộc khác ở Thanh Phổ, điều này cũng nằm trong âm mưu của Đổng thị. Điều Đổng thị muốn là làm cho sơn trang nhà họ Lục không được yên ổn, ép Lục thị nhượng lại sáu trăm mẫu rừng dâu này. Trương Nguyên, Lục Thao cùng đi đến sơn trang ở mạn bắc chân núi Dư Sơn, Trương Nhược Hi cùng với mấy bà vú và nô tỳ vào trong trang viên dặn dò người chuẩn bị cơm nước, còn Lục Thao dẫn bọn Trương Nguyên đi thăm xung quanh trang viên.

Lục thị có hơn hai ngàn mẫu ruộng tốt, hơn một nửa trong số đó dùng để trồng dâu, trồng bông, lợi ích thu được từ nuôi tằm trồng bông lớn hơn nhiều so với trồng lúa. Phủ Tùng Giang là kinh đô bông của triều Đại Minh, được xưng tụng là “Y bị thiên hạ” (nơi làm ra chăn và áo cho cả thiên hạ), thu lời rất lớn từ nghề nuôi trồng. Đây cũng chính là nguyên nhân chính của việc tuy Giang Nam trù phú, nhưng một khi gặp phải thiên tai thì lương thực không đủ ăn. Ruộng đồng đương vụ, xanh ngắt một màu, sườn núi bằng phẳng phía tây Dư Sơn chính là rừng dâu và vườn chè của nhà họ Lục, trên đỉnh núi là từng khoảng rừng trúc lớn. Ánh mặt trời lúc gần chính ngọ chiếu xuống, rừng trúc xanh biếc một màu, phát sáng như phỉ thúy ngọc bích vậy.

Lục Thao nói:

- Măng lan trúc trên núi này rất ngon, nên Dư Sơn còn có tên gọi khác là Lan Duẩn Sơn.

Trương Nguyên nói:

- Nơi này thật đẹp, Đổng thị với lòng tham không đáy của chúng đương nhiên là muốn chiếm cho bằng được rồi.

Lục Thao nói:

- Gia nghiệp cơ bản của nhà họ Lục ta chính là ở đây, nếu không giữ được sáu trăm sáu mẫu rừng dâu này, thì những hộ trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa trong trang viên sẽ rời đi, gia nghiệp Lục thị sẽ lụi bại. Đây cũng chính là nguyên nhân mà cha ta không chịu dùng sáu trăm mẫu rừng dâu để đổi Nhị đệ ta ra ngục, chứ nếu chỉ là sáu ngàn lượng bạc, thì cha ta cũng cắn răng mà đưa cho rồi.

Đang nói chuyện, thì thấy từ trong rừng dâu dưới chân núi có một đám thiếu nữ hái dâu chạy ra, người nào người nấy mặt mày hớt hải, chạy thục mạng, tóc tai rối bời, chạy rơi cả giày, chiếc gùi trúc trên lưng cũng vứt luôn, vừa chạy vừa hô “cứu tôi với, cứu tôi với”.

Lục Thao cả kinh nói:

- Chuyện gì vậy!

Nói đoạn sải bước lao tới, Lục Đại và mấy gia nô nhà họ Lục cũng vội theo sát. Ba huynh đệ Trương Đại, Trương Ngạc, Trương Nguyên với cả mấy người hầu như bọn Năng Trụ, cùng cha con Mục Kính Nham, Mục Chân Chân cũng cùng nhau chạy theo. Đám thiếu nữ hái dâu đang lảo đảo chạy ra khỏi rừng dâu, thấy bọn Lục Thao thì kêu thét lên:

- Đại thiếu gia, bọn lưu manh đó lại đến nữa, bọn chúng đuổi theo bọn ta…

Một thiếu nữ khác nhìn thấy Lục Thao thiếu gia đến tiếp ứng thì có phần yên tâm, vội đảo mắt nhìn quanh các bạn, rồi vội nói:

- Đại thiếu gia, Tiểu Bình nhà Phúc Quý và A Hà nhà Liên Vinh còn chưa chạy được ra, sợ là bị bọn lưu manh đó bắt lại rồi, Đại thiếu gia mau đi cứu hai người bọn họ đi, bọn lưu manh đó là đám súc sinh, việc gì chúng cũng có thể làm được đấy.

Lục Thao vội lệnh cho Lục Đại về trang viên triệu tập người, mang theo gậy gộc đến, bọn lưu manh đó đều có mang theo gậy gộc với đao nhọn, những tá điền tay không không phải là đối thủ của chúng. Mục Kính Nham nói với Trương Nguyên:

- Thiếu gia, cứu người quan trọng, tiểu nhân chạy đi xem trước.

Nói đoạn nhảy lên, bẻ lấy một cành dâu to chừng bắp tay, tay cầm cành dâu sải từng bước lớn tiến vào trong rừng dâu.

Mục Chân Chân cúi người lấy cây Tiểu Bàn Long côn dưới váy ra, nói với Trương Nguyên:

- Thiếu gia, nô tỳ đi giúp cha một tay.

Nói đoạn cũng lao đi.

Bốn người bọn Năng Trụ, Phùng Hổ cùng với Trương Đại, Trương Ngạc, Trương Nguyên cũng đi vào rừng tìm kiếm hai cô gái hái dâu nọ.

Lục Thao hỏi cô gái hái dâu mới chạy ra là gặp bọn lưu manh ở chỗ nào? Cô gái nói:

- Gặp bên chỗ đồi chè.

Lục Thao bèn đuổi theo đám người Trương Nguyên, vừa đuổi vừa gọi:

- Giới Tử, đi theo bên trái, cách đây khoảng chừng hơn một dặm, bên chỗ đồi chè ấy.

Mục Chân Chân nghe thấy, cất giọng gọi cha nàng:

- Cha, cha, đi sang trái một dặm có đồi chè, ở bên đó đấy.

Mục Kính Nham lao đi trong rừng như một con mèo, chạy được chừng hơn mười trượng thì nghe thấy phía trước có tiếng nữ tử kêu lên sợ hãi:

- Cứu mạng, buông ta ra, buông ta ra.

Còn có tiếng cười tà dâm của nam giới:

- Các anh mày hôm nay có trò vui rồi.

Mục Kính Nham bước nhanh hơn, nhắm hướng phát ra tiếng nói lao đến, thì thấy trên một khoảnh đất trống trong rừng, bảy tám tên đang hú hét vây quanh hai thiếu nữ hái dâu. Một trong hai nàng đã bị hai tên lang sói ấn đè xuống nền cỏ, chiếc váy xanh của nàng đã bị vén lên, hai chân trống trơ đá đạp loạn xạ, liều chết giãy giụa. Một tên bèn thẳng tay giáng cho nàng một cú bạt tai, quát:

- Còn dám cựa ta sẽ giết ngươi, chặt làm tám khúc.

“”Vù” một tiếng, cành dâu với cả lá quét ngã một tên lưu manh, Mục Kính Nham bước nhanh tới, giẫm bàn chân mang giày cỏ lên cẳng chân của tên lưu manh đang ngã trên đất đó, “rắc” một tiếng, lão giẫm gãy xương cẳng chân của tên lưu manh đó. Mấy tên còn lại cũng kịp có phản ứng, tên nào tên nấy vung gậy, vung đao nhọn lên, còn hai tên ghì chặt cổ hai thiếu nữ hái dâu, kéo lui về phía sau, vừa lui vừa quát:

- Ngươi là ai, dám ra tay với dân đánh thuê Tùng Giang bọn ta, muốn chết sao!

Mục Kính Nham không nói không rằng, nâng cao cành dâu vững chãi ép tới, ba tên lưu manh cầm Tề Mi côn hú lên giận giữ xông lên, tiếng côn xé gió lao tới, chia làm ba ngả, giáng xuống người Mục Kính Nham. Mục Kính Nham vội né sang trái, tránh được hai người bên trái, còn cành dâu trong tay đánh bật cây côn từ bên phải đánh tới, đoạn xoay người xấn tới trước một bước, ra sức đánh tới, một đòn trúng ngay giữa mặt tên lưu manh nọ, khiến hắn rách mặt chảy máu, nếu vật trong tay Mục Kính Nham là Tiêu Bổng, thì e tên nọ đã bị đánh gãy xương sống mũi. Mục Chân Chân đuổi theo đến, thấy cha mình đang giao thủ với mấy tên lưu manh, nàng rất thông minh, nhìn thấy hai thiếu nữ hái dâu đang bị uy hiếp, bèn lẳng lặng từ trong rừng, đi vòng tới đằng sau hai tên lưu manh, rồi đột ngột nhảy ra. Cây Tiểu Bàn Long côn trong tay nàng đánh tới, nghe một tiếng “bốp”, trúng ngay cẳng chân của tên đứng bên trái, cái đau ở xưong cẳng chân quả thực hết sức khó chịu, tên lưu manh nọ kêu lên một tiếng, ngồi thụp xuống lấy tay ôm chân. Mục Chân Chân khẽ xoay cổ tay, liền ngay sau đó lại giáng thêm một côn trúng ngay đầu tên đó, khiến hắn và thiếu nữ bị uy hiếp cùng ngã xuống đất. Tên còn lại hoảng kinh quay lại, ánh côn chớp tới, hắn ăn ngay một côn vào giữa mặt, xương mũi gãy dập, máu chảy dầm dề, đưa tay lên bịt mũi, thiếu nữ bị uy hiếp bèn được Mục Chân Chân kéo về phía nàng. Cây Tiểu Bàn Long côn trong tay Mục Chân Chân lại quét tới một lần nữa, quét trúng gối phải của tên lưu manh nọ, khiến hắn ngã quỵ xuống đất, hai tay bịt mặt kêu rên.

Thiếu nữ bị tên lưu manh ngã đè lên người kêu thét lên, đẩy cái thân xác nặng trịch kia ra, nhưng nàng ta quá đỗi sợ hãi, chân tay mềm nhũn, không đẩy nổi. Mục Chân Chân bước qua, vung chân đá tên lưu manh đó văng ra, chìa tay kéo thiếu nữ hái dâu dậy, an ủi:

- Tỷ tỷ đừng sợ, không sao rồi, không sao rồi.

Trong lúc Mục Chân Chân vòng sang bên này để cứu hai thiếu nữ, thì bọn bốn người Năng Trụ, Phùng Hổ cũng đã đuổi kịp đến, dọc đường bẻ lấy cành cây làm vũ khí, cùng với Mục Kính Nham, chỉ trong chốc lát đã đánh gục hết sáu tên lưu manh.

Một trong hai thiếu nữ hái dâu giận dữ kích động, nhặt lấy một cây Tề Mi côn, đánh tới tấp vào bọn lưu manh. Có hai tên đánh thuê còn mạnh miệng đe dọa, Năng Trụ, Phùng Hổ bước tới, dùng cành cây đánh tới tấp vào miệng chúng, đánh đến mức miệng chúng đầy máu…

Ba anh em Trương Nguyên lúc này cũng đến, Trương Ngạc nói:

- Kém vậy sao, gục hết rồi sao!

Nói đoạn giành lấy cành cây trong tay Phùng Hổ, đánh xuống tới tấp.

Lục Thao dẫn theo mấy tên nô bộc, thở hồng hộc chạy đến, hai thiếu nữ hái dâu nọ cuối cùng cũng nhìn thấy người quen, vội chạy tới khóc lóc:

- Đại thiếu gia, cái bọn lưu manh này, hu hu hu…

Lục Thao hỏi:

- Các cô không bị thương đấy chứ?

Hắn lo sợ là hai cô gái này đã bị làm nhục.

Mục Kính Nham nói:

- Lục thiếu gia, bọn họ không bị thương, bọn ta đến vừa kịp.

Tiếng hô hoán vang rần, những thanh niên trai tráng của các hộ trồng dâu nuôi tằm, trồng bông trong Lục trang viên cầm gậy gộc cuốc xẻng chạy tới, một hán tử vừa chạy vừa lo lắng gọi to:

- Tiểu Bình…

- A Hà

Hai thiếu nữ Tiểu Bình, A Hà kêu lên:

- Cha, cha.

Rồi chạy đến bên hai người đàn ông nọ thuật lại mọi chuyện.

Mười mấy người tá điền vây quanh tám tên lưu manh nọ mà đánh, nếu không có Lục Thao, Trương Nguyên hô ngừng, thì đám tá điền giận giữ đã đánh chết tám tên đó tại trận.

Các tá điền dùng dây thừng trói tám tên côn đồ lại, kéo về trang viên như kéo một đám chó chết. Đám côn đồ này không hề biết việc bọn Bặc Thế Trình bị đánh đòn ở huyện nha Thanh Phổ ngày hôm qua. Hôm nay bọn chúng buồn chán không có việc gì làm, nên sang bên Dư Sơn hiếp đáp đám tá điền nhà họ Lục cho vui, gặp mấy thiếu nữ hái dâu thì đuổi theo trêu chọc, vốn còn định cưỡng hiếp nữa. Lục Thao chẳng kịp dùng cơm trưa, cùng với đám nô bộc và tá điền, dẫn độ tám tên côn đồ này đến huyện nha, Trương Ngạc dẫn theo Phùng Hổ, Năng Trụ đi theo xem náo nhiệt.

Trương Nguyên ở lại, hắn còn muốn thăm quan những hộ dệt và máy dệt của Lục thị một chút. Mục đích của hắn khi đến trang viên của Lục thị là để xem máy dệt, chẳng ngờ lại gặp lúc bọn côn đồ đến càn quấy. Theo như lời kể của các hộ nuôi tằm trong trang viên, thì Đổng thị ở Hoa Đình thuê bọn du côn này, cứ cách dăm ba bữa lại đến quấy nhiễu xung quanh trang viên, làm đủ mọi chuyện ác ôn như đánh người, cướp của, trêu chọc phụ nữ. Trương Nhược Hi tức giận đến mức toàn thân run rẩy, nói:

- Hoa Đình Đổng thị thật đê tiện bỉ ổi, lại đi dùng thủ đoạn đê tiện như thế này để bức bách hòng chiếm điền sản nhà họ Lục ta.

Trương Nguyên nói:

- Tỷ tỷ chớ tức giận mà hại đến sức khoẻ, những việc ác của Đổng thị sắp đến hồi kết thúc rồi, sau này sẽ không có du côn vô lại sang đây làm càn nữa đâu.

Sau khi dùng cơm trưa xong, Trương Đại, Trương Nguyên đi theo Trương Nhược Hi đến thăm quan các hộ dệt, Trương Nguyên hoàn toàn mù tịt về máy dệt, nhưng thấy máy dệt mà các hộ dệt của Lục thị sử dụng có chút phức tạp, mỗi máy cần đến bốn năm người thao tác. Đầu tiên là họa sỹ vẽ mẫu lên giấy trước, sau đó thợ dệt sẽ sắp xếp đan xen hàng ngàn hàng vạn sợi chỉ phức tạp trên máy dệt lại theo một quy luật nhất định, mấy chục loại nút kết được sắp xếp ngang dọc một cách có trình tự, tạo thành hình hoa văn hoàn chỉnh, kết xong hình hoa văn rồi mới cho lên máy để dệt. Thợ dệt và thợ sắp xếp hoa văn phối hợp với nhau, căn cứ theo sự biến đổi của mẫu vẽ mà luồn từng sợi chỉ qua. Những hoa văn tuyệt đẹp dần hiện lên, đây chính là kỹ thuật dệt in, Trương Nguyên nhìn mà muốn hoa mắt chóng mặt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx