sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lắng nghe tiếng thiên sứ - Phần 3 - Chương 03

Chương 3. Hồi ức của cây cúc dao - Bạch Âm Cách Lực

1. Sau khi đến Viên Chăn tôi mới bắt đầu nghe nhạc Ireland. Bản Hồi ức của cây của nhà soạn nhạc Enia, tôi đã nghe suốt đêm, suốt đêm. Không biết điều gì đã cuốn hút tôi, là thế giới như mộng như mơ của nó, là tiếng thiên nhiên trong tầng không trong suốt như thủy tinh, hay là loài cây có tên Cúc Dao đó.

Tôi quyết chí đến Lào. Mấy vị giám đốc các đài truyền hình đều phản đối, nhưng tôi kiên quyết nói, nước Lào có nhiều loài thực vật mới thích hợp nhất với mục đích của chuyên mục “Cà phê di động” này.

Hai ngày đầu, máy quay phim luôn bị ghẻ lạnh, sở dĩ tôi muốn đến nước Lào, không ai ngăn cản được là bởi vì không có tôi, chuyên mục “Cà phê di động” sẽ trở nên kém vị. Phóng sự “Quán cà phê ở tả ngạn” phát sóng tuần trước tuyệt vời đến mức cả nhóm làm phim được đích thân giám đốc đài truyền hình mời làm khách, tôi có vốn liếng nhất định để mà kiêu. Mỗi khi đến một nơi nào đó, tôi không thích mang theo máy quay, tôi muốn bước vào thế giới xa lạ đó, tôi muốn cảm nhận nó một cách trực giác nhất, mà điều này lại không trùng với quan điểm của các đồng sự của tôi. Họ sợ bỏ lỡ cơ hội ghi lại những cảnh quan đẹp nhất, còn tôi thích nhất là được cảm nhận bằng tim, dùng trái tim để ghi lại trước.

Ban ngày tôi đi Khải Hoàn Môn, sau đó đi đến những đường phố giản dị, xem những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp. Ban đêm, tiếp xúc với Viên Chăn lãng mạn, để anh tài xế nhiệt tình hay chuyện đưa chúng tôi đến sông Mê Kông, con sông rất hiểu lòng mỗi du khách đến đây, mỗi khi tôi bất chợt ngẩng đầu nó liền nhìn thấy tâm sự nát lòng của tôi. Có một dãy những quầy cà phê ngoài trời bên sông Mê Kông, có thể dễ dàng nhận ra hương vị khác biệt với những quán cà phê cầu kỳ chính thống, ở đây chỉ đơn giản là uống cà phê và hóng gió.

Tôi quen Sbaiđi cũng đơn giản như vậy, cô nói: Sbaiđi. Tôi ngẩng đầu nhìn cô, cô lại nói: Sbaiđi. Tôi vẫn nhìn cô, cô liền dùng tiếng Anh hỏi tôi có cần người hướng dẫn du lịch không. Về sau tôi biết “sbaiđi” nghĩa là xin chào. Sau đó dù là liên lạc qua điện thoại hay hẹn hò cô đều bắt đầu bằng câu “Sbaiđi”, với dáng điệu vô cùng nghiêm túc. Da Sbaiđi rất trắng, trắng như da người châu Âu, long lanh ánh nước, hàng lông mày thanh tú khiến người ta ngột thở.

Sbaiđi hỏi tôi đến Lào thích làm gì nhất. Tôi nói thích đi xem rừng, rừng có rất nhiều loài thực vật. Sbaiđi liền đưa tôi đến hồ Nam Nga cách Viên Chăn sáu mươi cây số. Thực vật ở đây có rất nhiều loài tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Sbaiđi bảo tôi, nơi đây ngày trước là một khe nước lớn, những cây này trở thành những cây sinh sống dưới nước, âm thầm mấy chục năm, người địa phương gọi là “cây Âm thầm”. Tôi nói, tôi không thích cái từ âm thầm này, tôi thích gọi nó là “rừng dưới nước”. Sbaiđi cười tôi: Anh cũng rất âm thầm, giống như một khúc gỗ, sau này nơi đây đổi tên gọi là “rừng dưới nước”, cái tên “Âm thầm” xin tặng cho anh.

2. Lần gặp thứ ba của tôi và Sbaiđi, cô nói: Cái anh cần là một cuộc tình chớp nhoáng phải không? Tôi kinh ngạc hỏi cô tại sao. Cô nói: Anh xem, anh nói đến đây chụp phong cảnh, nhưng có thấy anh làm gì đâu. Nói xong, Sbaiđi ngẩng đầu, tôi không nhịn được, bật cười thành tiếng. Nếu một cuộc tình chớp nhoáng có thể cứu chữa trái tim tan nát của tôi thì tôi quá ư bằng lòng.

Ký ức khuấy đảo đẩy tôi trở về quá khứ đó. Mẹ của Cúc Dao thuê một mảnh đất lớn ở ngoại ô, trồng hoa. Lúc đó Cúc Dao vừa đoạt giải trong cuộc thi khiêu vũ của tỉnh, tôi đến phỏng vấn cô, về sau chúng tôi yêu nhau. Cúc Dao thích các loài hoa cỏ và ít nói, nghe mẹ cô kể, tám tuổi Cúc Dao mới biết nói, từ đầu tiên cô nói được là từ “cây”. Lúc đó bà rất vui, Cúc Dao vừa vỗ bàn tay bé nhỏ, vừa nhảy múa mãi không thôi, mẹ cô nói đùa, có lẽ chính từ lúc đó năng khiếu khiêu vũ bẩm sinh của cô đã bộc lộ hơn người.

Từng khoảnh, từng khoảnh lớn các loài hoa, khi nở đúng là một kỳ quan. Cúc Dao nói, cô thích trồng cây bao quanh những khoảnh hoa đó, một rừng cây bao quanh vườn hoa, tạo nên thế giới đào nguyên của Viên Chăn.

Lúc đó tôi nói đùa, vậy thì trồng loại cây sinh trưởng nhanh, để nhanh trở thành rừng cây đại thụ chọc trời. Cô đã mua về loài cây đó, năm sau, vạt cây xung quanh vườn hoa đã mọc cao, chỉ có một cây không thấy phát triển. Ngày nào Cúc Dao cũng đến thăm nó, còn thì thầm với nó điều gì đó. Tôi nói, cây này giống như Cúc Dao, mãi không lớn được. Sau đó làm một tấm biển, cắm bên cạnh, bên trên viết: Yêu tôi đi, tôi là Cúc Dao, tôi muốn lớn nhanh.

Những ký ức đó như một cái cây bị bệnh, cắm rễ trong lòng tôi, tôi không có sức nhổ tận gốc nó đi.

Nghĩ gì vậy? Sbaiđi lắc cánh tay tôi. Tôi khẽ thở dài, nhìn sang chỗ khác. Sbaiđi kéo tay tôi, đi, chúng ta đi bơi thuyền.

Trên hồ Nam Nga, có rất nhiều du thuyền ở phía trước chúng tôi, những cành cây ven bờ nhô ra mặt nước, tay Sbaiđi luôn trong tay tôi.

Khi hai mươi bốn tuổi, Cúc Dao yêu người khác. Lúc đó tôi suốt ngày bận làm chương trình, một tháng không được mấy lần gặp. Cúc Dao chỉ ở bên người đàn ông đó trong một tuần, liền nói với tôi, em đã yêu người khác, chúng ta chia tay. Cô nói, có lẽ từ trước đến giờ chúng ta chưa từng yêu nhau.

Khi tôi uống say mềm ở quán bar, bạn bè nói, quả thật không thể nghĩ một cô gái như Cúc Dao chỉ vì một cuộc tình chớp nhoáng mà đi yêu người khác. Rất lâu, rất lâu sau, tôi mới hiểu, cuộc tình chớp nhoáng lại có sức hấp dẫn chết người. Một cuộc tình chớp nhoáng là có thể vạch ra chân tướng: Hóa ra những gì đã trải qua với một người nào đó không phải là yêu.

Sbaiđi không ngừng nhảy chân sáo, khi vui cô thường nói, em không hiểu tiếng Lào. Lúc nói câu đó, mắt cô không một phút nào rời mắt tôi. Bất giác tôi nắm tay cô, siết chặt.

3. Sbaiđi trườn khỏi lòng tôi, hôn nhẹ vào mũi tôi: Anh nói đi, em có phải là cô gái rất xấu không? Nói xong lại quấn chặt người tôi, như một con rắn trơn tuột.

Lát sau tôi nằm dựa đầu giường, châm thuốc. Sbaiđi gục trên ngực tôi nói: Em và anh ấy đã trải qua tình yêu lãng mạn nhất, đến bây giờ em có cảm giác chúng em vẫn yêu nhau, chỉ có điều tình yêu của bọn em đã bị giết chết, chỉ còn lại hồi ức và hoài niệm.

Trước khi đi Lào, tôi có nghe nói Cúc Dao sắp kết hôn. Một người bạn của cô nói, bây giờ Cúc Dao rất hạnh phúc. Tôi ôm chặt Sbaiđi nói: Hôm nay cô ấy làm cô dâu của người khác, anh vẫn tưởng cô ấy chưa trưởng thành, đến khi cô ấy nói với anh, cô ấy đã yêu người khác, anh mới phát hiện Cúc Dao thật sự đã trưởng thành.

Chúng tôi không ai hỏi, mỗi người đều tự nói ra tâm sự của mình, những lời không đầu không cuối, nhưng cả hai đều hiểu, cuộc tình chớp nhoáng này rất cần cho cả hai, cho nên giờ phút này mới càng quý báu.

Cách một ngày, Sbaiđi đưa tôi đi xem thác Quan Tây, xem cây phượng hoàng, cây tông quan. Tôi kể cho cô nghe tôi từng trồng một cây Cúc Dao, hằng ngày vẫn tưới cho nó, nhưng nó không lớn được. Sbaiđi nói, nhất định là thân cây đã bị tổn thương, cho nên mới không thể lớn được. Cũng có thể, tôi yêu Cúc Dao như vậy, tôi không tin anh chàng kia có thể yêu cô bằng tôi, nhưng Cúc Dao đã lựa chọn anh ta.

Buổi tối đến tiệm cà phê trên phố, Sbaiđi không vui vẻ như ban ngày, nét mặt rất nặng nề. Tôi nói, đến nước Lào tôi mới hiểu, thế nào là “cà phê di động” thực sự. Vốn là một câu khen, nhưng Sbaiđi lại sững người, rồi nói với tôi: Đột nhiên em cảm thấy tình yêu là đứng đợi ở một nơi, cuộc tình chớp nhoáng là đi không ngừng.

Câu nói lấp lửng của Sbaiđi lại khiến lòng tôi se lại. Tôi nghe thấy tiếng cô: Anh nói đi, chúng ta như thế này có phải là yêu không? Tôi đáp: Chúng ta quen nhau đã một tuần, có lẽ là yêu.

Sbaiđi nói: Nhưng chúng ta từng có tình yêu của mình, phải không? Tình yêu đó đã bị cuộc tình chớp nhoáng này giết chết rồi. Nếu tình yêu có thể bị giết chết bởi cuộc tình chớp nhoáng thì không còn là tình yêu nữa.

Tôi nghĩ tới những gì Cúc Dao đối với tôi, chỉ là sự vui thích giản đơn thuần túy, cho nên cuộc tình chớp nhoáng mới có cơ hội chen vào. Tôi tự an ủi.

4. Trong hai ngày sau đó Sbaiđi không đến tìm tôi, tôi gọi điện cho cô một lần nhưng không ai nghe máy. Tôi cũng bắt đầu công việc quay phim, những lúc rỗi một mình ở khách sạn, tôi bắt đầu nhớ nụ cười của Sbaiđi, cảm giác cô đang cười cười nói nói trước mặt tôi: Sbaiđi! Nụ cười và giọng nói trong trẻo như vậy, giống như giọt sương sớm đọng trên lá non.

Ngày thứ tư tôi đi quay cảnh đêm ở Luông Pha Băng, đi qua vô số những chiếc đèn giấy vô cùng tinh xảo và nổi tiếng, rất nhiều đứa trẻ hiếu động chạy nhảy xung quanh, tôi như bị bỏ rơi ở một chỗ, ống kính không biết hướng vào đâu. Cổ hơi khát, tôi đi mua chai nước. Vào một quán nhỏ, tôi bất chợt nhìn thấy Sbaiđi, cả hai đều sững người. Sbaiđi nói: Sbaiđi! Tôi nói: Sbaiđi! Tôi vốn định hỏi, sao cô lại ở đây? Nét mặt cô lập tức tỏ vẻ nhiệt tình của người không quen biết, dùng tiếng Lào nói với tôi, dù không hiểu, nhưng tôi biết cô đang hỏi tôi muốn mua gì. Lúc này một phụ nữ từ bên trong đi ra, khoa chân múa tay nói với cô, giọng rất gay gắt, đáng sợ. Tôi không biết tại sao Sbaiđi tỏ ra xa cách với tôi, nhưng có một điều tôi rất rõ, bắt đầu từ giờ này khắc này Sbaiđi không muốn nhận là chúng tôi quen nhau. Tôi cũng đành thôi, tay chỉ đồ uống sau lưng cô, gật gật đầu.

Cô quay người cầm chai nước uống, thuận tay rút cái khăn mặt treo trên dây, đưa luôn cho tôi, sau đó nói một câu tiếng Lào. Lúc này một cô gái đi vào, nhìn tôi, rất lịch sự chào Sbaiđi, tôi trả tiền, đi ra.

Chưa được mấy bước, đằng sau vang lên tiếng nói của phụ nữ, tôi ngoái lại, đó là cô gái vừa chào Sbaiđi, cô ta biết tiếng Anh, sau khi tôi ngoái lại, câu đầu tiên cô nói với tôi là: Anh hãy đưa Sbaiđi rời khỏi đây.

Cô ta nói với tôi, cha của Sbaiđi bị ốm nằm viện, nợ một khoản tiền lớn, một người hàng xóm cũng là chủ cửa hàng kia giúp cô, đó là một phụ nữ quái dị có đứa con trai bị thọt. Sbaiđi đã nhận lời bà ta, sẽ lấy con bà để trả ơn.

Cô rơm rớm nước mắt nhìn tôi. Tôi hỏi cô, câu cuối Sbaiđi nói với tôi vừa nãy là gì. Cô nói: Cô ấy bảo, đây là chiếc khăn mặt đầu tiên cô ấy dệt.

Trong những làng dệt truyền thống của Lào có nhiều khăn quàng rất đẹp, nghe nói mỗi chiếc đều là độc nhất vô nhị.

5. Trước khi rời khỏi nước Lào, tôi đến Luông Pha Băng một lần thăm Sbaiđi. Sbaiđi vẫn chào tôi bằng tiếng Lào, những lời tôi muốn nói đành nuốt vào trong. Tôi dùng tiếng mẹ đẻ của mình nói với cô: Bảo trọng!

Sau khi trở về Thanh Đảo, trên bàn còn để đĩa nhạc Hồi ức của cây mà Cúc Dao nghe không mãi chán. Không biết bao đêm, trong tiếng nhạc trong suốt như thủy tinh, trong tầng không như thiên nhiên tôi đã nhớ lời của Sbaiđi, cô nói: Em và anh ấy từng có tình yêu lãng mạn nhất, đến bây giờ em có cảm giác chúng em vẫn yêu nhau, chỉ có điều tình yêu của bọn em đã bị giết chết, chỉ còn lại hồi ức và hoài niệm. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, mắt cay cay. Tôi hiểu Sbaiđi chỉ thêu dệt nên một tình yêu lãng mạn để giết chết cuộc tình chớp nhoáng này.

Tôi tranh thủ thời gian đi thăm vườn hoa của mẹ Cúc Dao. Bà vẫn cảm thấy có lỗi với tôi, tôi nói tôi chỉ đến thăm khu vườn. Tôi thăm lại cái cây được gọi là Cúc Dao kia, nó đã mọc cao, đung đưa trong gió. Tôi nhớ lần sau cùng nhìn thấy nó, Cúc Dao đứng cạnh nó nói với tôi, trong tuần vừa rồi cô đã yêu người khác, sau khi yên lặng rất lâu, rất lâu, tôi nói: Em chỉ đi du lịch nước Lào một tuần đã yêu người khác.

Cúc Dao không nói, sự im lặng của cô là câu trả lời.

Cuối cùng tôi đã hiểu, bấy lâu nay, Cúc Dao giống như một cái cây, mãi không lớn được. Cô không lớn được là bởi vì cô đang chờ đợi một “cuộc tình chớp nhoáng”, cô đã được cứu chuộc, mặc dù cô đã tàn nhẫn dùng cuộc tình đó để giết chết tình yêu tôi khổ công vun đắp. Vậy còn tôi, tôi và Sbaiđi thì sao? Tôi đang đi tìm một cuộc tình chớp nhoáng, cô đang chờ đợi cuộc tình đó, chỉ có điều không ai biết, lần này, cuộc tình chớp nhoáng bị cái gọi là tình yêu giết chết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx