sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lắng nghe tiếng thiên sứ - Phần 4

Phần 4. Trưởng thành: Những điều tâm đắc của ngựa gỗ

Chương 1. Đông táng - Ngụy Xuân Lượng

Bà nội đã chết, đó là sự thật. Đứng cạnh chiếc quan tài đồ sộ sơn son, nhìn cô tôi vận áo tang quỳ khóc không ra nước mắt, tôi biết tất cả đã không thể cứu vãn. Bà chết rồi, nằm trong quan tài kỳ dị, vậy mà chúng tôi vẫn phải sống, quan tài không dày lắm, nhưng có hai lớp, tượng trưng cho hai thế giới âm dương, từ thượng cùng cao xanh rơi xuống hoàng tuyền, vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Cô tôi vẫn rền rĩ kể về cái chết của bà. Cô nói, hôm đó mí mắt cô giật liên tục, nháy mắt trái là họa, nháy mắt phải là tài. Anh cháu với mấy đứa nữa đến nhà tìm cô, cô chưa kịp nói gì, anh cháu bảo, bà mất rồi. Trời ơi, lúc đó đầu cô tối sầm, nước mắt trào ra. Cô cứ tưởng bà chỉ ngã qua loa, ai ngờ bà đi nhanh thế. Cô đã định ngày mai đi thăm bà, quà cũng mua rồi... Dưới ánh đèn vàng nhợt, khuôn mặt tiều tụy của cô trông càng thảm hại, tiếng rền rĩ của cô xen lẫn tiếng kèn đám tang càng buồn thảm, thê lương. Ngọn đèn dầu trước quan tài phát ra quầng sáng vàng nhợt, chiếu lên những chữ “điếu” to nổi bật được dán trên tường. Tiếng kèn đám tang bên ngoài khàn đặc như kiệt sức, tôi đứng cạnh quan tài bàng hoàng chứng kiến sự biến bất ngờ đó, không biết phải làm gì.

Khi chưa có người thân qua đời thì cảm thấy cái chết còn ở rất xa, không chạm đến mình, nhưng khi nhìn người thân ra đi ngay trước mặt, mới biết thần Chết ở ngay bên. Cái chết là một vị khách chậm chạp, vĩnh viễn không thể biết nó âm thầm đến từ lúc nào, nhưng khi nó rời đi, tất cả đã thay đổi. Trước đây tôi thường có ảo tưởng về cái kết cuối cùng của con người, nhưng khi thực sự phải đối diện với cái chết, tôi bỗng hoảng sợ.

Trong màn đêm đen kịt bên ngoài, một ngọn đèn bão lớn được thắp lên, sáng chói mắt, mọi người rồng rắn đi qua, trong tiếng huyên náo hỗn loạn. Tiếng kèn đám tang chợt tấu lên một khúc vui nhộn, không hiểu sao trong đêm thổi kèn thờ cho người chết như thế này, người ta lại thổi loại nhạc vui nhộn đó. Một phụ nữ trung niên ôm đứa bé gần như mệt lử, đứng trong gió lạnh mùa đông, giữa không khí chết chóc, nghe quen tiếng kèn như vậy, dưới ánh đèn, mặt chị ta càng xám ngoét tiều tụy. Tiếng kèn đám tang vang khắp nơi, bao trùm lên cả cái thôn nhỏ. Gió lạnh đêm đông đưa âm thanh đó lên cao, phát tán ra xa, vang vọng trên không, cuối cùng chỉ còn dư âm văng vẳng.

Khi cha trở về đã là chín giờ tối, lúc bà qua đời cha vẫn còn ở một nơi cách xa vạn dặm. Anh trai tôi nói, cha vừa nghe tin là lập tức về ngay. Vậy là trong đêm gió buốt thổi ào ào như những bức tường chắn trước mặt, anh oằn lưng đạp chiếc xích lô cọc cạnh đưa tôi ra đầu đường cách nhà mười dặm đón cha. Ngồi trong chiếc xích lô không mui trống hoác, nghe gió rít bên tai, ngước nhìn màn đêm chi chít sao, tôi đột nhiên nghĩ đến một câu trong cuốn Thời gian như nước chảy của Vương Tiểu Ba: Tôi nhìn thấy bên ngoài đêm đen mênh mông, biển sao hằng hà bao la. Tất cả vẫn như ngày hôm qua, chỉ có thiếu Lưu lão tiên sinh. Thời gian dễ bỏ quên con người, trong bàng hoàng tôi cảm giác bà nội chưa chết, mà chỉ bị thời gian bỏ lại phía sau, không theo kịp bước chân của nó. Bà gọi chúng tôi, nhưng chúng tôi không nghe thấy. Bà đứng khóc sau lưng thời gian, chúng tôi đứng bên này thời gian khóc gọi. Cái gọi là thời gian đó có lúc có lẽ chính là sinh tử.

Cùng về với cha còn có mẹ tôi, chị gái tôi và đứa bé con chị, cháu tôi. Chiếc xích lô vừa về đến đầu thôn, trước cửa nhà chú tôi, đột nhiên tiếng kèn lại vang lên, tiếp theo là tiếng pháo lép bép. Tiếng gào khóc của mẹ và chị tôi bỗng cùng bật ra, làm cho đứa bé con chị giật mình, khóc lên ngằn ngặt. Chiếc xích lô tròng trành chở đầy một xe tiếng khóc và nước mắt từ từ đi vào thôn. Sau khi cha vào nhà, người ta mở nắp quan tài của bà để đứa con về trễ nhìn mặt mẹ lần cuối. Vậy là dưới ánh đèn vàng vọt, tôi nhìn thấy khuôn mặt an tường của bà, giống như lúc bà ngủ dưới gốc cây trên triền đê mùa hè năm ngoái. Hôm đó bà trải một cái vỏ bao to đựng phân hóa học dưới bóng cây râm mát, ngủ rất say trong cái nắng oi nồng buổi chiều. Tiếng ve không yên phận trập trùng lúc to lúc nhỏ, hôm nay cơ hồ giống như khúc ai điếu tiễn đưa bà. Mùa hè năm đó, tôi còn thấy bà đi thả mấy con dê bên cạnh đám ruộng ngô xanh mướt, còn hôm nay, bà ngủ trong quan tài rộng, không thể trở dậy nữa.

Cha quỳ trước quan tài đốt rất nhiều giấy, có lẽ quá buồn, nước mắt đã cạn, tôi không thấy cha nhỏ giọt nước mắt nào. Qua mười giờ, thời gian như càng ngưng lạnh, đám người thổi kèn đã trở về sân nhà tôi đánh bài, chỉ có thím và cô tôi thỉnh thoảng qua lại dưới ánh đèn cô đơn, để lại những cái bóng chập chờn hắt lên tường. Cha và chú tôi vẫn phục trước linh cữu, không hề chợp mắt. Cha đã già, tấm lưng trước đây thẳng tắp bây giờ hơi còng, khuôn mặt đen vàng võ lởm chởm râu, trông như ông già mặt ám bụi thời gian. Cha cứ quỳ trước quan tài như vậy, không nói một câu, thỉnh thoảng vặn cao bấc đèn sắp lụi, đốt thêm mấy tờ tiền giấy, cháy lóe trong bóng tối. Cuối cùng tôi cũng không chịu nổi, về nhà đi ngủ. Suốt dọc đường tiếng gió réo ù ù, những cành dương trơ trụi chĩa lên nền trời đen thẫm, dưới ánh đèn nhập nhoạng, chập chờn như ma quỷ.

Ngày hôm sau trời nổi gió to, ánh mặt trời cũng tái nhợt, chiếc kiệu và con ngựa bằng giấy lắc lư trong gió, thỉnh thoảng lại đổ nghiêng. Từng luồng gió réo ù ù trên bầu trời xám ngắt, giống như con sông lớn chảy qua đầu. Những thanh niên to khỏe trong làng lục tục đến nhà chú tôi, các bà bận rộn làm “mũ tang” cho người đến viếng. Bọn trẻ con xúm quanh ông bán kẹo hồ lô chí chóe cãi lộn, hoặc chỉ trỏ chiếc kiệu và con ngựa giấy, cười nói hồn nhiên. Sự đau buồn ở đây không liên quan đến chúng, chuyện đau buồn hay sống chết đều không phải điều mà lứa tuổi của chúng phải chịu đựng. Trong nhà, chị tôi và cô tôi đang ngồi khóc cạnh quan tài của bà, ngoài sân người ta vẫn cười đùa tán chuyện như không. Cái chết dù đeo găng tay chạm vào mũi họ, họ cũng không nhận ra. Người ngây ngây cứng đờ đi lại giữa đám người ồn ào, hỗn loạn, tiếng khóc, tiếng cười nói tự nhiên đập vào tai tôi. Tôi ngước đôi mắt mơ hồ nhìn đám người hỗn tạp đó. Ánh mặt trời bàng bạc chiếu vào mỗi người, nhưng không thể chiếu vào bà nội nằm trong quan tài.

Tôi đột nhiên thấy buồn tê tái. Người ta trước sau không ai thoát khỏi cảnh tử biệt sinh ly. Cả cuộc đời chỉ quanh quẩn trong thôn, đi lại, ăn uống, kết hôn, sinh con, làm lụng, bao thế hệ lặp lại tiếng cười giống nhau, nhỏ những giọt nước mắt giống nhau, như những vết bánh xe để lại trên đường. Đầu óc trống rỗng, sống chết trên một mảnh đất cằn, chửi bới, thậm chí đánh nhau chỉ vì mất một cây lúa. Họ e dè thấp thỏm chỉ cầu được sống bình an.

Giờ ngọ đã đến, đã đến giờ đưa đám. Mấy thanh niên trai tráng, người cầm cái đòn to, người cầm sợi chão to như cổ tay, bắt đầu buộc quan tài của bà. Tiếng kèn ngoài cửa lại rộ lên, tiếng khóc của cô, chị và các thím cũng theo đó ào lên, tôi cầm cành liễu dán giấy quỳ sau lưng cha, bên cạnh tôi còn có anh tôi và mấy đứa em họ. Trước cửa nhà chú, người đông như nước, qua đám người nhấp nhô như sóng, tôi nghe thấy tiếng khóc của cô tôi lẫn trong tiếng nói chuyện rì rầm. Cô khóc, cô kêu, người ta có mẹ, giờ tôi không còn mẹ nữa... Đi ngược chiều gió buốt căm căm, đột nhiên tôi nhận ra: Cha tôi từ nay hoàn toàn mồ côi. Cha như chiếc lá rơi, lơ lửng trên không, bay vô định rồi mắc trên một cành cây cao, không phải ở quê nhà. Nhưng tôi không biết quê mình ở đâu, cũng chưa nhìn thấy tiền đồ mai sau. Khung cửa gỗ mục tôi định dựa vào đã từ chối tôi, đẩy tôi ra ngoài cánh cửa thời gian. Tôi nghĩ đến đôi câu đối bằng giấy trắng dán ngoài cửa, những chữ đen viết thảo nổi bật đến đau lòng: “Cha khuất núi công ơn chưa báo, mẹ quy tiên đau đớn ngàn thu”. Nhưng bây giờ, tôi không nhìn thấy nữa, không nhìn thấy nữa.

Bức phướn trắng trên cây gậy dài trong tay cha bay phần phật trong gió, nó cứ bay như thế suốt dọc đường. Trên cánh đồng heo hút mênh mông, một đám người xúm quanh cỗ quan tài, đi về phía cái chết bất định. Nghe tiếng gió thì thầm, tôi có cảm tưởng trong đó ẩn giấu một câu linh ứng không ai thấm nhuần: Người ta luôn đi một mình trên con đường nhỏ quanh co khúc khuỷu, đi mãi về xa dưới ánh mặt trời bàng bạc, đi về nơi hoang vắng mênh mông.

Bà được an táng cạnh ông nội, cuối cùng cũng đã yên ổn trong lòng đất. Chiếc kiệu, con ngựa và cây kim tiền bằng giấy suốt dọc đường nghiêng ngả trong gió cuối cùng đều biến thành tro bụi. Từng mẩu tro bay cao, theo từng cơn gió trôi nhanh về nơi xa tắp, chao liệng trên không như vô vàn con bướm xám kỳ dị, sinh ra trong không khí chết chóc, sau đó thoát khỏi kén bay vụt lên cao. Người đưa đám lác đác ra về, chỉ còn lại mấy người tiếp tục đắp mộ. Từng xẻng, từng xẻng đất đen dân phủ lấp chiếc quan tài đỏ như máu, họ giục tôi về. Vậy là, một lần nữa tôi đi theo con đường cũ về nhà, nhưng không tìm được cảm giác bình yên, ấm áp mỗi lần sắp về nhà như những ngày xưa nữa. Cái thôn nhỏ bà tôi từng sống cả cuộc đời từ xa hiện ra thấp thoáng, nhưng tôi bỗng thấy nó trở nên xa lạ. Từ nơi đó bầu không khí cũ kỹ mang hơi hướng của cái chết phát tán trên những cánh đồng rộng, lan tỏa trên không. Tôi nghĩ tôi không trở về được nữa, không trở về được nữa.

Chương 2. Phản hình của Thượng Hải - Dương Vũ Thìn

Thành phố này là một tử cung khổng lồ, chúng ta là những đứa trẻ được nuôi trong đó.

Tôi đã từng có thời gian ẩn náu như bị giam lỏng trong một khu dân cư nhỏ nào đó ở ngoại ô Phố Đông, Thượng Hải, ngủ li bì không kể ngày đêm. Khi có một mình, thành phố này luôn cho tôi cảm giác trì trệ, đầu óc tê liệt, tứ chi mềm nhũn. Vậy là tôi suốt ngày nằm trên chiếc giường ván gỗ có tấm đệm mỏng, người cuộn tròn, hai tay ôm đầu gối, vùi mặt vào lòng, dùng tư thế an toàn nhất lúc nằm trong bọc nước ối trong tử cung của mẹ chống lại tất cả sự dối trá và vật chất của thành phố này. Tôi tưởng tượng mình là một con ốc sên, tôi co ro trong lớp vỏ của mình, không thể tự thoát ra.

Đối với nó, lúc đầu, tôi luôn mang cảm giác thù địch, tôi cố gắng ít ra ngoài, trừ những lúc buộc phải mua đồ ăn, nước uống, tôi xuống lầu, ra siêu thị nhỏ ngay ở cổng tiểu khu mua đồ xong, lại vội vàng vòng qua lối đi lát gạch có những vũng nước đọng, trở về căn phòng của mình. Tôi căm hận thành phố này và mọi thứ liên quan đến nó. Nước mưa xối xả. Bầu trời ban đêm vẫn sáng. Và cái tiếng Thượng Hải nhão nhoét. Tôi bài xích tất cả những cái đó, chỉ là do nỗi nhớ dai dẳng của tôi đối với một người, nên tôi buộc phải chấp nhận chúng, tôi tức giận bất bình vì sự bất lực của mình, nhưng cũng đành chịu.

Giá thuê nhà ở Thượng Hải đắt khủng khiếp, tôi chỉ đủ tiền thuê một căn phòng chưa hoàn thiện. Trong phòng chỉ có một cái tủ đựng quần áo, một bàn viết, một chiếc ghế và một chiếc giường đôi gãy mất hai thang. Căn phòng chưa được sửa chữa, nhà bếp và nhà vệ sinh đều bằng xi măng, bồn vệ sinh có lúc bị hỏng, nước nóng thường quá nóng, tôi lại không thạo cách điều chỉnh nhiệt độ của nước, vậy là mỗi lần tắm xong cả người nóng đỏ từng đám. Điều duy nhất khiến tôi thấy dễ chịu đó là phòng có một ban công to và một cửa sổ rộng đến sát đất. Tôi thường trải một tờ Thân báo lên nền nhà đầy bụi, ngồi trên từng hàng từng hàng chữ được sắp xếp gọn gàng, hút mấy điếu thuốc, sau đó búng tàn xuống bãi cỏ bên dưới, tàn lửa vạch một đường cong trên không rồi rơi xuống cỏ, tôi có thể tưởng tượng ra nó chạm vào làn sương trên lá cỏ “xì” một tiếng, quá trình đó thật đẹp.

Cho dù thế, cái ban công lộ thiên vẫn mang đến phiền phức cho tôi, muỗi và dĩn tới tấp bay qua cửa sổ, đốt vào má, cánh tay, đùi hoặc gót chân tôi. Tôi gãi đến bật máu, những vết máu ngang dọc trông phát khiếp. Buổi tối có lúc bật đèn, mặc bộ đồ ngủ cùng với anh đập muỗi, nhìn xác muỗi bẹp dí trên tường, chúng tôi nhìn nhau, sung sướng ôm hôn, giống như kết thúc một hoạt động tế lễ. Lúc đó, trước khi làm tổn thương nhau tột cùng, chúng tôi vẫn yêu nhau tột cùng.

Mùa hạ, sáng ẩm chiều nóng, có kèm mưa rào, tôi không thích, nhưng về sau dần dần yêu cái bóng buồn thảm đến khó xa rời của mùa mưa. Nỗi thất vọng dâng tràn trong mắt, nỗi nhớ có thể khiến người ta gầy giơ xương. Bộ xương của tôi cuối cùng từ sâu trong da thịt dần dần nhô ra, Oscar Wilde từng nói, bất cứ nơi nào chỉ cần bạn yêu nó, nó sẽ là thế giới của bạn. Bởi vì là thế giới của người tôi yêu, nên thái độ của tôi đối với thành phố này đã mềm đi, tôi thử biến nó thành thế giới của mình, thử hòa nhập với nó.

Cuối cùng, cũng học được cách dùng mỹ phẩm và váy áo đẹp bao bọc lấy thân mình trước khi tinh thần bị thối rữa đến thảm hại, dùng mỹ phẩm cầu kỳ xóa đi những dấu vết không vui, bởi vì sợ nước mắt xóa mất đường chì kẻ mắt, cho nên khi lòng không nén nổi muốn khóc thì lại ngồi trước gương, nặn ra một nụ cười, giả bộ vui, vậy là cũng thấy tin tưởng. Mang nỗi nhớ đã cố tình xếp lại, xỏ giày cao gót, đi trên đường thu thập những hỉ nộ ai lạc của người qua đường, rồi bắt chước từng biểu cảm như họ, tìm xem biểu cảm nào hợp với hóa trang của mình.

Đã từng cùng với anh, tay bê bát cháo tiết gạo nếp nóng hổi, đầu lưỡi rõ ràng vẫn còn vị ngọt, khi đi qua con ngõ nhỏ đó, lòng bỗng dưng thấm buồn. Con ngõ có tên là “ngõ Phấn hương”. Tôi nghĩ mình nên viết một truyện ngắn, trong đó có hiệu nhỏ bán phấn son trong ngõ Phấn hương, và những người đàn bà cố trang điểm níu kéo tuổi xuân đang vùn vụt trôi qua. Chắc chắn là một cái kết đáng buồn, khỏi cần đoán, rất nhiều người từ lúc gặp gỡ đã ấn định phải chia ly. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa động bút, vật không phải là người, thậm chí tôi không bỏ thời gian tìm hiểu con ngõ này rốt cuộc có phải là chỗ quy tụ của những phụ nữ đó, tôi cũng không muốn biết, nhiều khi sự thật là hiện thực tàn nhẫn mà tôi muốn tránh.

Tôi đã yêu thành phố này, không phải là do nó đang thay đổi, mà là do khí chất tản mạn ưu tư của nó rất phù hợp với cuộc sống của tôi. Tôi giấu mình trong đám người, giống như con đà điểu vùi đầu trong cát, nhưng để lộ thân ra ngoài, cái đó gọi là lừa mình dối người. Tôi giả bộ không biết anh đang cùng những người đàn bà khác, trong cùng một thành phố, ở cùng một nơi, cùng làm những chuyện với họ giống như đã làm với tôi. Tôi cứ tưởng mình là duy nhất, nhưng thực ra tôi đã đánh giá cao bản thân. Tôi ngồi trong tàu điện ngầm, không ai nhìn thấy khuôn mặt khóc dưới lớp mặt nạ son phấn của tôi. Như thế thật là tốt.

Tôi bắt đầu mất ngủ, kết quả sự phân chia mỗi tế bào đều là nỗi nhớ mà tôi không muốn chấp nhận. Nghiêng người nhìn những ngọn đèn trong từng ô cửa sổ tòa nhà đối diện, từ màu vàng nhạt sang màu ngân bạc, từng ngọn tắt dần, cả tòa nhà đi vào giấc ngủ tối om. Tôi ngả đầu lên gối, có thể nghe thấy tiếng tim mình đập. Toàn thân bao bọc trong nỗi sợ hãi thấp thỏm, hy vọng, tuyệt vọng đối với tương lai, bao kết cục không thể đoán lường xô qua tôi như sóng biển, đất trời một dải sầu bi. Tôi trở tay không kịp, trong lòng mọc đầy gai, mỗi chiếc đều xuyên thấu tim tôi, đau đến tê dại, tôi lặng lẽ thiếp đi. Mãi vẫn không đi vào giấc ngủ sâu không mộng mị. Con người ta một khi mang trên người xiềng xích quá nặng, hoặc chứa đựng quá nhiều bí mật, lúc ngủ sẽ ngạt thở.

Sau đó, trong lúc tuyệt vọng nhất tôi quen với Đ.

Mùa hè năm đó tôi được bạn giới thiệu dạy tiếng Hán cho một người Thái Lan. Tôi ngại không lấy tiền công, nên anh ta thường mời tôi đi ăn, cũng hay đưa tôi về chỗ ở để tôi làm quen với những đồng sự người Thái sống cùng anh.

Đ người không cao, có vẻ hơi yếu, lúc mới quen trông anh ta rất nghiêm túc, hay mím môi, để chân trần ngồi xếp bằng ở một góc sofa, hí hoáy với cái đàn ghita, âm nhạc tuôn chảy giữa những ngón tay anh. Hầu hết bọn họ bập bẹ một câu tiếng Hán vụng về chào tôi theo kiểu người Thái: “Tiểu Ngư, xin chào”. Họ không phát âm được âm “Vũ” dấu thứ ba tên tôi, cho nên đều gọi tôi Tiểu Ngư.

Chỉ có Đ không nói, khẽ gật đầu với tôi. Tôi và Đ hầu như ít nói chuyện với nhau bằng tiếng Hán mà thường dùng tiếng Anh, hoặc duy trì tình trạng yên lặng không nói. Tiếng Anh của tôi bị gác lại đã lâu, quên khá nhiều nhưng nói chuyện thông thường cũng không có vấn đề gì.

Tôi thường đến chỗ họ ăn cơm, họ cho tôi ăn tương ớt chính hiệu của Thái, cay cay ngòn ngọt. Còn món ruốc cá, quá tanh và mặn, tôi ăn không quen. Nhưng tôi thích món canh nấm kim chi họ tự nấu. Tôi không biết nấu ăn, chỉ mua sủi cảo đông lạnh ở siêu thị, về nhà luộc lại, luộc hỏng mấy cái, nhưng vẫn rất ngon.

Về sau cả hội chúng tôi cùng đi Muse trên đường Dư Diêu. Nhập vào đám người nhảy múa loạn xạ như ma quỷ, nhét một lát chanh leo mỏng vào cái miệng hẹp cổ cao của chai Cô nhắc, vị chua thanh dịu, mát lạnh. Cả thành phố vừa vào đêm là bắt đầu sực ấm, không ngủ, không tàn. Đ kéo tay tôi, theo tiếng nhạc nói rất to: Tiểu Vũ, tôi thích cô. Anh ta là người Thái duy nhất mà tôi gặp có thể gọi chính xác tên tôi. Sau đó in một cái hôn lên má tôi. Lúc này, gió thổi tung váy của các vũ nữ đang uốn éo cuồng loạn hai bên sân khấu, lộ ra quần lót màu đen.

Tôi cười cười với Đ, không nói gì. Tôi đang nghĩ, lúc này người tôi yêu có lẽ đang quấn chặt một phụ nữ khác. Còn tôi ở đây, lạ lùng cảm nhận sự yếu đuối, bất lực của mình, vay mượn tình cảm của người khác, giả bộ đã tìm được chỗ dựa. Tôi và Đ có vẻ giống một cặp tình nhân, thực ra chẳng là gì. Ở Thượng Hải này, chỗ nào cùng đầy những đôi tình nhân ngụy tạo. Họ thà để cho thiên hạ suy đoán còn hơn đi hái nỗi cô đơn của người khác.

Sau khi kết thúc, tôi đến chỗ họ, ngồi khoanh chân trên sàn gỗ. Đ ngồi cạnh tôi chơi ghita, tôi nói với anh ta: Don’t stop until I fall asleep. Anh ta gật đầu. Nửa giờ sau tôi vẫn không thấy buồn ngủ. Tôi nhìn thấy đầu ngón tay chỏ của Đ đã hằn một vết sâu do bấm dây đàn. Tôi nói với Đ: Đủ rồi, sau đó tôi ôm anh ta và khóc, chiếc ghita phát ra những tiếng nhạc lộn xộn.

Hôm Đ về nước, Thượng Hải vẫn mưa. Đ sẽ bay về Thái từ sân bay quốc tế Phố Đông, lúc đó Thái Lan đang có nội chiến, tình hình rất hỗn loạn. Đ gọi điện cho tôi nói, Tiểu Vũ, tôi đi đây, cô không đến tiễn tôi sao? Tôi nằm trên giường, vừa dứt giấc mơ, tim vẫn đập mạnh. Tôi nói, lần sau nhé, tôi chờ anh quay lại. Đ nói: Có thể không? Tôi nói, chỉ cần anh còn quay lại. Đ nói: Tiểu Vũ, tôi sẽ nhớ cô. Tôi nói, tôi cũng thế, sau đó cúp máy, phản bội trái tim, ngủ tiếp. Không có chia ly, không khóc lóc.

Chỉ cần không cố tình tạo không khí đau buồn, thì chúng ta vẫn có thể bình tâm đối diện với tất cả. Cho nên hôm chia tay với anh, tôi đứng trên con đường trước cổng công ty anh, nói hết, liền một hơi với anh, chúng ta chia tay nhau thôi, sau này không nên gặp lại, đừng nhắn tin, liên lạc với tôi nữa. Tôi không cho bất kỳ ai cơ hội lừa gạt tôi. Tôi quay người bỏ đi, trong ánh mắt kinh ngạc của anh, sau đó nhận được mẩu tin nhắn của anh ta: Mẹ kiếp, toàn những kẻ lừa đảo. Sau đó tôi cười.

Khi tàu hỏa đưa tôi rời Thượng Hải, đúng lúc trong tai nghe vang lên bài hát Có ai nói với em của Trần Sở Sinh, đèn đường vun vút lùi về sau, lướt qua mắt tôi, ngôi sao băng dường như chưa kịp mang đi lời cầu nguyện đã rơi xuống đất. Bên ngoài trời đang mưa, mưa đập lên cửa sổ những giọt như nước mắt, sống mũi tôi lại cay cay, tròng mắt đỏ hoe.

Thượng Hải là sự thương tổn êm dịu nhất.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx